Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Sonoma M1: hệ thống tai nghe Electrostatic dùng công nghệ HPEL, có Headphone Amp và DAC/ADC

AudioPsycho
12/10/2016 6:20Phản hồi: 0
monospace-sonoma-m1-electrostatic-headphones-1.jpg
Hãng Sonoma mới đây vừa cho ra mắt combo DAC/amp và tai nghe tĩnh điện ( electrostatic ) mới nhất mang tên M1 với công nghệ HPEL Transducer (High-Precision Electrostatic Laminate) cho chất âm linear hoàn hảo cùng mức distortion hầu như bằng 0. Tai nghe M1 được tối ưu riêng cho các định dạng nhạc chất lượng cao hiện nay, mang đến cho người dùng các trải nghiệm âm thanh trung thực và chi tiết nhất. Sản phẩm sở hữu earpad và headband được gia công bằng chất liệu da Cabretta cao cấp, mang lại nét sang trọng cùng hiệu năng làm việc bền bỉ


Tai nghe M1


Sonoma M1 sử dụng công nghệ HPEL Transducer được phát triển bởi Warwick Audio Technologies (Anh Quốc). Đây là một trong những thiết kế driver electrostatic ( driver tĩnh điện ) cao cấp nhất hiện nay với khả năng mang lại chất lượng âm thanh tuyệt hảo đồng thời tận dụng được hết hiệu năng mà kết cấu electrostatic mang lại. Trên lý thuyết, một Electrostatic Transducer thông thường sẽ bao gồm một màng mỏng (được tráng một lớp dẫn điện) nằm giữa 2 bản điện cực. Giữa màng này và 2 điện cực sẽ có một khoảng cách nhỏ. Màng mỏng nói trên sẽ có được cấp điện thế DC khá cao so với 2 cực và tín hiệu âm thanh sẽ được truyền qua 2 cực này ( tín hiệu âm thanh là dòng điện xoay chiều ). Kết quả là màng sẽ dao động tùy theo tín hiệu âm thanh và tạo ra âm thanh. Chúng ta có thể thấy, để âm thanh có thể truyền tải qua được màng và điện cực, 2 điện cực cần phải được đục lỗ.

monospace-sonoma-m1-electrostatic-headphones-2.jpg

Công nghệ HPEL sử dụng một màng film mỏng (khoảng 15 μm – mỏng hơn kích thước sợi tóc) thay thế cho điện cực mặt trước. Màng film này được kéo căng một cách cực kỳ chính xác để có thể đạt được độ căng / đàn hồi nhất định. Điện cực mặt sau được cấu tạo từ thép không rỉ. Khi tín hiệu âm thanh khoảng 1350 V DC (bias voltage) đi qua, mặt film (điện cực trước) sẽ tạo ra các rung động tương ứng và tạo ra âm thanh. Như vậy, âm thanh với công nghệ HPEL không cần phải đi qua cả 2 điện cực như ở thiết kế electrostatic thông thường. Tai nghe Sonoma M1 được thiết kế kỹ lưỡng hơn với cả mặt trước và mặt sau của transducer hoàn toàn mở, tránh các cộng hưởng không mong muốn đến sóng âm. Theo Warwick Audio Technologies (WAT), mỗi “cell” trên bền mặt lớp film sẽ sở hữu tính chất âm học riêng biệt tuy nhiên lại hoạt động (rung động) cùng lúc, tạo ra một không gian âm chi tiết và đầy đủ nhất nhưng lại không gây ra peak cộng hưởng (do mức cộng hưởng âm thanh của từng “cell” đã triệt tiêu lẫn nhau )

Chất liệu film mỏng dẹp còn giúp tăng cường mức tần số đáp ứng, đường phổ rất tuyến tính ngay cả ở tải 60kHz. Công nghệ HPEL có hiệu năng rất cao và được sản xuất tinh vi, hoàn toàn bằng máy móc, mang lại sự đồng đều về âm lượng của 2 bên tai (mức khác biệt khoảng < ±0.8 dB đối với mỗi channel) đảm bảo độ tin cậy về chất lượng. Do tranducer HPEL rất dễ cong, gãy (vì quá mỏng) nên nó luôn được bọc bởi một lớp vỏ cứng poly-carbon để có thể hoạt động tối ưu và an toàn nhất.

Sonoma M1 sở hữu thiết kế earcup bằng chất liệu magnesium, mang khối lượng nhẹ hơn khoảng 1/3 đồng thời có khả năng chống sốc tốt hơn nhiều so với chất liệu nhôm thông thường. Phần earcup còn được bọc EMI/RFI, có độ cứng cao và tỷ lệ khối lượng rất cân bằng, không gây nặng đầu hay mỏi cổ khi sử dụng trong thời gian dài. Tổng khối lượng Sonoma M1 khoảng 303g, quá nhẹ đối với một chiếc tai nghe full-size. Các chi tiết ốc vặn hay khung slider cũng được gia công bằng thép không rỉ để giữ độ “bóng bẩy” cho chiếc tai nghe một cách lâu dài nhất.

monospace-sonoma-m1-electrostatic-headphones-3.jpg

Headband và earpad của Sonoma M1 được may với chất liệu da cừu Cabretta nổi tiếng, mang lại sự êm ái khi đeo. Da Cabretta không gây nóng hay ẩm khi sử dụng liên tục trong thời gian dài, đồng thời cũng có độ bền cao và khả năng chống bám bụi hay các vết bẩn từ chất lỏng. Chất liệu da của Sonoma M1 có nguồn gốc từ Ethiophia, được gia công bởi Pittards (Anh Quốc) và may thành phẩm tại Đức. Phần khung headband cũng rất chắc chắn với chất liệu Nylon 12 (Polyamide 12), mang lại độ dẻo cao nhằm chống rung và chống gãy khi rơi rớt hay va chạm mạnh. Khung headband bằng thép không rỉ được tráng titanium để tăng cường độ bền đến mức cao nhất.

monospace-sonoma-m1-electrostatic-headphones-4.jpg

Sonoma M1 sử dụng cable được gia công riêng bởi Straight Wire với khả năng chống tiếng ồn cơ học, gọi là microphonic cũng được (các tiếng sột soạt khi ma sát bề mặt dây), có mức truyền tải cao đồng thời cực mỏng, nhẹ và có độ dẻo dai cao. Lõi dây được làm từ chất liệu đồng tinh khiết OFHC (Oxygen-Free High Conductivity) được tráng bạc với lớp bọc foam polyethylene. Hai channel L và R có đường ground riêng và được ngăn cách bởi một lớp chêm khá dày. Bên trong cable còn có thêm 2 sợi kevlar để tăng độ bền tốt đa cho dây. Cable có mức điện dung 50 pF/m và được trang bị cơ chế bảo vệ đặc biệt cho phép nhận biết kết nối. Nếu dây được ngắt kết nối ở earcup hay ở amp, thiết bị amp sẽ tự động tắt (để tiết kiệm điện và bảo vệ linh kiện).

Amp Class-A Single-Ended

Quảng cáo


monospace-sonoma-m1-electrostatic-headphones-5.jpg

Cũng như đa số các electrostatic transducer, HPEL Transducer đòi hỏi mức năng lượng khá cao để có thể vận hành một cách tối ưu nhất. Với trường hợp của M1, một thiết bị amp Class-A Single-Ended FET với mức distortion thấp và băng thông rộng lớn là điều cần thiết. Do vậy Sonoma đã nghiên cứu và phát triển một amplifier class A hoặc động ở Bias cao, giữ được độ tuyến tính nhất ở dải siêu cao và siêu trầm.

Tín hiệu tải có cường độ tối đa 145 Vrms, tương ứng với mức bias 1350 V DC. Dù chỉ hoạt động ở dòng điện thấp, giá trị điện áp cao luôn mang lại mức năng lượng đầy đủ, tăng độ động, độ chi tiết và khí thế, mở rộng âm trường các kiểu ( nói chung là tăng áp cho nhiều vào thì tiếng ngời sáng đã lắm ) cho tai nghe (nhất là ở các thiết bị headphone amp). Các thiết bị âm thanh cao cấp thường được thiết kế để hoạt động với nhiều mức năng lượng khác nhau. Thiết kế FET được xem như sở hữu các ưu điểm âm học của cả bóng chân không và bán dẫn. Tụ film cao cấp được sử dụng trong đường tải tín hiệu và các IC cũng được chọn lọc kỹ lưỡng từ Analog Devices or Texas Instruments (TI).

Amp được bọc nhôm chống nhiễu để cách ly tốt nhất khỏi các ảnh hưởng từ môi trường xung quanh và sở hữu các cổng input USB 2.0, coaxial S/PDIF, high-level RCA (x2) và low-level mini stereo 3.5mm. Cổng USB 2.0 hỗ trợ các định dạng âm thanh Hi-Res lên đến 32-bit/384 kHz PCM và DSD64/DSD128 còn cổng S/PDIF hỗ trợ PCM lên đến 24-bit/192 kHz. Cổng high-level RCA có mức input tối đa 2.1 V (rms) và low-level mini stereo 3.5mm là 850 mV (rms).

ESS SABRE Reference DAC

monospace-sonoma-m1-electrostatic-headphones-5.jpg

Quảng cáo


ESS là một trong những nhà sản xuất chip DAC hàng đầu, nổi trội với dòng sản phẩm DAC ESS SABRE. Với 2 chip DAC hoạt động ở chế độ mono, chúng ta dễ dàng đạt được mức SNR 129 dB. Như chúng ta đã biết, mức tần số đáp ứng phẳng (flat) rất dễ đạt được với amp và hơi khó hơn khi áp dụng cho loa, nhất là khi nghe ở môi trường thực. Điều này càng khó hơn khi áp dụng cho tai nghe do ảnh hưởng của âm tầng từ mức tần số đáp ứng non-flat HRTF (Head-Related Transfer Function). HTRF còn thay đổi dựa trên hướng phát của âm thanh làm việc tính toán trở nên khó khăn hơn nhiều lần.

Chúng ta thường đề cập đến 2 dạng nghe: free field và diffuse field. Free field là trường hợp khi nghe loa trong một phòng cách âm, điều rất ít người có điều kiện đạt được. Diffuse field là trường hợp khi nghe loa trong phòng có độ vang âm cao, gần giống với điều kiện nghe hàng ngày của đa số chúng ta. Các nghiên cứu cho thấy đa số người nghe thích một kiểu lạ hơn, đó là nghe một cặp loa flat trong phòng nghe có chất lượng tốt. Tai nghe M1 đánh vào điểm này với chất âm “lạ và gần giống với mức cộng hưởng của phòng nghe diffuse field”.

monospace-sonoma-m1-electrostatic-headphones-6.jpg

Sử dụng chip xử lý đa nhân cao cấp 64-bit XMOS với thuật toán điểm tĩnh (Fixed-Point Arithmetic), âm thanh truyền tải đến Sonoma M1 có khả năng đánh bại ngay cả những dàn audio workstation mạnh mẽ. Phần filter trong thuật toán DSP cũng có mức phase tối thiểu (Minimum-Phase - Slow Roll-Off), được tối ưu hóa riêng cho mức đáp ứng thời gian (Time-Domain Response). Thuật toán DSP 64-bit mang lại khá nhiều ưu điểm ấn tượng, vừa không làm mất đi tính trung thực (fidelity) và DR (dynamic range) của âm thanh, vừa làm cân bằng 2 channel L R. Nó cũng không làm suy hao non-linear cũng như không gây ra noise.

Bộ điều xung Crystek Ultra-Low Phase-Noise Oscillator hoạt động ở xung 100 MHz, cho mức phase-noise khá thấp (<90 dBc/Hz) với jitter 82 femtoseconds @ 100 MHz (82 x 10-15 s).

monospace-sonoma-m1-electrostatic-headphones-7.jpg

Bảng mạch của thiết bị có thiêt kế PCB tối ưu hóa, cho phép giảm thiểu noise và distortion xuống mức tối thiểu (khoảng -129 dB). Phần vỏ được gia công với chất liệu nhôm 6063 với độ dày khoảng 1/3 inch cùng phần đáy chịu lực dày 0.5 inch. Mặt trên của sản phẩm là các vân 3D giúp tản nhiệt một cách hiệu quả nhất đồng thời tạo ra vẻ thanh lịch cùng thiết kế khỏe khoắn. Logo sàn phẩm cũng được in laser chống phai màu và bong tróc không mong muốn.

Thiết bị sử dụng cable USB của Straight Wire với thiết kế chất lượng cao, sở hữu đầu nối mạ vàng cùng lõi dây mạ bạc, đảm bảo khả năng truyền tải cao nhất trong cả hệ thống âm thanh Sonoma M1. Phần cấp nguồn là bộ nguồn Custom Universal Power Supply Unit với hiệu năng cao gấp 3.5 lần so với các thiết kế thông thường. Kết nối giữa bộ nguồn và mạch linh kiện là cable cao cấp được bọc chống nhiễu và có thiết kế xoắn lõi xuyệt tông với cable tai nghe.

Với tất cả những gì mà Sonoma đặt vào Model 1 (M1) thì cái giá 4995$, khoảng 112.000.000 VNĐ không phải là quá đắt.

Nguồn Sonoma Acoustics
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019