Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Sony là công ty sản xuất thứ 2 Nhật Bản vượt 1,000 tỷ Yên lợi nhuận hoạt động, sau Toyota

AmbitiousMan
28/5/2022 15:53Phản hồi: 5
Sony là công ty sản xuất thứ 2 Nhật Bản vượt 1,000 tỷ Yên lợi nhuận hoạt động, sau Toyota
Tập đoàn Sony vừa công bố BCTC cho cả năm 2021 (1/4/2021 - 31/3/2022), ghi nhận doanh thulợi nhuận hoạt động ở mức cao kỷ lục, lần lượt tăng 10% và 26%. Sony cũng chính thức trở thành doanh nghiệp sản xuất thứ 2 của Nhật Bản vượt qua mốc 1,000 tỷ Yên lợi nhuận hoạt động. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ điện tử, âm nhạc và phim ảnh. Đồng thời thông báo kết thúc năm tài khóa 2021, lần đầu tiên đóng góp doanh thu từ lĩnh vực giải trí vượt quá 50%, cũng như chiếm tới 2/3 trong tổng lợi nhuận hoạt động tập đoàn.

  • Doanh thu: 88.5 tỷ USD.
  • Lợi nhuận hoạt động: 10.7 tỷ USD.
  • Lãi ròng: 7.8 tỷ USD.

FY21 1.png
Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 10% và 26%, đạt mức kỷ lục​

FY21 2.png
Tăng trưởng lợi nhuận nhiều nhất là bộ phận phim ảnh và điện tử​

sales & operating profit bt ITmedia.jpg
Doanh thu (cột màu xanh) và lợi nhuận (đường màu cam) đạt mức cao nhất lịch sử tập đoàn (ảnh: ITmedia)​

Đối với triển vọng cả năm, hãng nâng doanh thu lên 15% đạt 11,400 tỷ Yên (khoảng 92 tỷ USD). Theo truyền thông Nhật Bản, nếu doanh thu năm tài khóa 2022 (kết thúc 31/3/2023) có thể vượt qua mốc 10,000 tỷ Yên như dự báo, Sony sẽ xác lập vị thế là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành điện tử xô đổ “bức tường thành” doanh thu 10,000 tỷ Yên. Thực tế, con số trong năm vừa qua của họ đã tiến sát đến mốc này (9,921 tỷ Yên), không vì thiếu máy PlayStation 5 thì có lẽ Sony đã vượt qua rồi.

Còn bây giờ, chúng ta sẽ đi vào chi tiết các đơn vị kinh doanh chính của Sony.

Trò chơi


  • Doanh thu: 24.45 tỷ USD.
  • Lợi nhuận: 3 tỷ USD.
  • Doanh số PS4: 1 triệu máy.
  • Doanh số PS5: 11.5 triệu máy.

Vẫn như thường lệ, Sony tiếp tục đóng vai “người chống bất lực” khi không thể đáp ứng nhu cầu PS5 của thị trường. Ban đầu hãng đề ra hơn 22.6 triệu máy PS5 khi kết thúc năm tài khóa này. Nhưng thực tế phũ phàng cho thấy công ty chỉ có thể bán được thêm 11.5 triệu máy năm vừa qua, nâng tích lũy doanh số PS5 lên 19.3 triệu và coi như đã hụt kế hoạch, bể chỉ tiêu. PS5 vẫn thiếu hàng và sẽ không thể mua sắm đủ linh kiện cho tới hết năm nay.

IR 2022 15.png
Doanh số PS5 đã bị hụt KPI đề ra đầu năm vì không có đủ hàng​

Trong khi đó, PS4 đã đạt mức tích lũy vượt 117 triệu máy. Việc không sản xuất đủ máy khiến doanh số tích lũy cùng kỳ của PS5 thậm chí còn đang kém PS4 3 triệu. Số thuê bao PS Plus giảm 200,000 xuống còn 47.4 triệu. Trong năm vừa qua, nền tảng PlayStation đã tiêu thụ 303 bản game, trong đó gần 44 triệu là sản phẩm tới từ studio bên thứ nhất của Sony, xu hướng digital tiếp tục ở mức cao khi tỉ lệ đạt 66%. Sắp tới, Sony sẽ tung ra gói dịch vụ PlayStation Plus hoàn toàn mới nhằm cải thiện doanh thu từ dịch vụ mạng.

Thiếu hụt hàng để bán có lẽ là bóng đen bao trùm lên bộ phận trò chơi điện tử của Sony suốt 2 năm qua. Song, ở BCTC gần nhất ghi nhận 2 điểm tích cực khác. Đó là số tiền bù lỗ cho phần cứng PS5 đã giảm đáng kể so với trước. Thêm nữa, nhu cầu của PS5 chưa bao giờ giảm bớt nên nó vẫn chưa chạm đến đỉnh cao trong chu kì bán hàng, tiềm năng tăng trưởng còn dồi dào. Bước sang năm thứ 3, Sony có thể cung cấp nhiều máy hơn thì cột mốc doanh thu 10,000 tỷ Yên lại càng khả thi.

IR 2022 2.png
Một số studio bị Sony thâu tóm trong năm qua​

Quảng cáo


Về triển vọng bán hàng của PS5, hãng chỉ dám đề ra mục tiêu 18 triệu máy cho năm tài khóa 2022 này. Sony cảnh báo tình hình phong tỏa tại Trung Quốc có thể khiến việc mua sắm linh kiện khó khăn hơn. Dự báo doanh thu tăng lên 29.7 tỷ USD còn lợi nhuận giảm xuống 2.5 tỷ USD. Công ty cho biết lợi nhuận giảm vì bận thực hiện nhiều vụ thâu tóm trong thời gian tới, điển hình là mua lại hãng game Bungie ngốn 3.6 tỷ USD. Còn doanh thu sẽ tăng mạnh do số bán phần cứng lẫn phần mềm đều có triển vọng rất khả quan.

Âm nhạc


  • Doanh thu: 9.96 tỷ USD.
  • Lợi nhuận: 1.87 tỷ USD.

Âm nhạc là đơn vị có phong độ ổn định, liên tục tăng trưởng đều đặn. Doanh thu tăng chủ yếu nhờ thu phí bản quyền âm nhạc từ các dịch vụ streaming, ước tính khoảng 7.7 tỷ USD năm vừa qua (gồm cả bản quyền ghi âm (bản thu) và xuất bản - nhạc và lời). Tính trung bình, mỗi ngày Sony thu được 21 triệu USD tiền “trà sữa” từ Apple Music, Spotify, TikTok, Facebook, YouTube,...

Kế hoạch trung hạn FY15 - FY17 11.png
Kết luận về năm tài khóa 2021 của Sony Music: Đông có 46, Tây có Adele (phần Pictures không tính nhé vì đây là ảnh chụp tài liệu từ mấy năm trước)​

Hãng có nhiều dự án âm nhạc thành công năm vừa qua, công đóng góp của các nghệ sĩ Adele, Doja Cat, The Kid LAROI, Lil Nas X và Harry Styles ở phương Tây; album 30 là album bán chạy nhất năm. Còn ở thị trường Nhật Bản, chứng kiến sự thống trị của nhóm nhạc nữ thần tượng Nogizaka46. Trong top 5 sản phẩm âm nhạc bán chạy nhất năm tài khóa 2021 của Sony ở Nhật, chỉ riêng Nogizaka46 đã ẵm trọn tới 4 vị trí, chừa cho nhóm nhạc nam thần tượng SixSTONES 1 chỗ còn lại.

Có thể nói, kinh doanh idol đang ở đầu của sự phát triển. Và Sony thì đã có 1 năm được các nghệ sĩ nữ “gánh còng lưng” doanh thu ở 2 thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới - Đông có 46, Tây có Adele.

Quảng cáo


Nêu triển vọng cho năm tài khóa 2022, Sony dự báo âm nhạc có thể thu về 10 tỷ USD còn lợi nhuận khoảng 1.86 tỷ USD (tính theo đồng Yên thì đều tăng trưởng, nhưng do chênh lệch tỉ giá nên quy sang đồng USD sẽ có thay đổi). Trong năm vừa qua, Sony đã thực hiện nhiều vụ mua lại để mở rộng kinh doanh như thâu tóm AWAL trót lọt, cũng như nguồn tiền bản quyền từ hình thức streaming nhạc sẽ còn tăng, càng củng cố thêm cho doanh thu. Việc này bù đắp cho nguồn thu từ anime và game di động dự báo sẽ giảm. Đặc biệt, năm tới sẽ không có bom tấn anime chiếu rạp nào như Demon Slayer The Movie: Mugen Train, từng đóng góp rất nhiều doanh thu vào giai đoạn 2020-2021.

IR 2022 3.png

Phim ảnh


  • Doanh thu: 11 tỷ USD.
  • Lợi nhuận: 1.9 tỷ USD.

Đây là đơn vị có quy mô tăng trưởng mạnh nhất năm vừa qua trong tập đoàn. Doanh thu tăng gấp 1.5 lần còn lợi nhuận tăng tới 2.5 lần. Để có khoảnh khắc tỏa sáng như vậy, công đầu thuộc về bom tấn Spider-Man: No Way Home. Đây là phim ăn khách nhất phòng vé toàn cầu năm 2021 với 1.89 tỷ USD tiền bán vé. Đồng thời, cũng là phim Mỹ ăn khách nhất năm lẫn dự án lãi đậm nhất lịch sử Sony Pictures. Tại riêng Bắc Mỹ, phim vượt Avatar để giành hạng 3 doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Ngoài ra, hãng phim cũng đón nhận một số chiến thắng khác tại phòng vé như Venom: Let There Be Carnage (507 triệu USD), Uncharted (364 triệu USD - hiện tại đã cán 400 triệu USD), Ghostbusters: Afterlife (204 triệu USD). Trước những thành công này, Sony đã xác nhận cả 3 phim trên đều sẽ có phần tiếp theo. Đối với dự án Spider-Man 4 của Tom Holland, vẫn chưa xác nhận.

IR 2022 5.png

Hãng phim cũng đã lên kế hoạch khai thác IP Spider-Man cũng như mở rộng sản xuất phim xoay quanh các nhân vật nằm trong IP này. Sau dự án Morbius đầu năm nay, vẫn còn tới 7 dự án điện ảnh đang chờ ra rạp mà gần nhất là Kraven the Hunter đầu năm sau. Đã có 4 phim được xác nhận là 2 phần hậu truyện Spider-Verse, phim về Madame Web và đô vật El Muerto. Còn 2 dự án chưa có tên chính thức thì không rõ nội dung về cái gì.

Song, không chỉ phim chiếu rạp thắng lớn mà các phân khúc khác của Sony Pictures cũng hoạt động hiệu quả năm vừa qua. Doanh thu từ cấp phép phim truyền hình và sản xuất TV series cho các nhà đài và nền tảng streaming video tăng mạnh. Dịch vụ streaming anime Crunchyroll mang lại nguồn thu mới sau khi thâu tóm. Ngoài ra, giao dịch bán công ty GSN kiếm về gần 600 triệu USD lợi nhuận.

Triển vọng cho cả năm, Sony hạ lợi nhuận xuống còn hơn 800 triệu USD do thiếu vắng các bom tấn giải trí có quy mô lớn như năm rồi, cũng như dự báo không có giao dịch mua bán nào xảy ra. Tuy nhiên, doanh thu khả năng vẫn đạt cỡ 10.8 tỷ USD (tính theo đồng Yên thì vẫn tăng lên, nhưng khi quy đổi sang USD sẽ thành giảm do biến động tỉ giá).

IR 2022 16.png
Với định hướng trở thành đại siêu thị cung cấp nội dung cho các nền tảng streaming video, Sony đang “bơm” hàng chục dự án TV series cho Apple, Amazon, Disney+, Netflix,…​

Điện tử


  • Doanh thu: 20.8 tỷ USD.
  • Lợi nhuận: 1.89 tỷ USD.
  • Doanh số TV: 8.5 triệu chiếc.

Mặc dù năm 2021 là 1 năm khó khăn chung của các công ty điện tử, có rất nhiều biến động và yếu tố tiêu cực ảnh hưởng không tốt tới kinh doanh, song công việc kinh doanh điện tử của Sony lại chứng kiến tăng trưởng đáng kể - lợi nhuận tăng gấp 1.6 lần. Theo hãng, mặc dù doanh số TV và camera tiếp tục giảm nhưng nhờ cơ cấu sản phẩm tập trung vào phân khúc cao cấp, họ vẫn thu được kết quả tích cực. Riêng smartphone đem về 3.2 tỷ USD, nhỉnh hơn năm ngoái 1 chút.

Nêu triển vọng cho năm tài khóa 2022 hiện tại, Sony cho biết doanh số TV và camera sẽ còn giảm tiếp. Tuy nhiên, doanh thu vẫn sẽ nhích nhẹ 3% còn lợi nhuận sẽ bị giảm chủ yếu do chi phí logistics và vận hành. Giống như nhiều công ty khác, Sony đang phải đau đầu đối phó với tình trạng thiếu chip, nhiều mặt hàng rơi vào tình trạng cung không đủ cầu, giao hàng chậm trễ, khan hiếm khó mua. Nhiều sản phẩm mới thì bị “đội giá” lên đáng kể so với đời tiền nhiệm.

1Z Just Ear IER-Z1R.jpg
Ảnh này chủ yếu để fan service mấy fanboy​

Bắt đầu kể từ giờ, Sony cũng đổi tên đơn vị đồ điện tử từ Sản phẩm Điện tử và Giải pháp (EP&S) sang Giải trí - Công nghệ & Dịch vụ (ET&S). Mục đích nhằm nhấn mạnh vai trò hậu phương của lĩnh vực này đối với mũi nhọn giải trí gồm 3 đơn vị kinh doanh ở trên, cũng là lời tuyên bố chắc nịch cam kết phục vụ cộng đồng sáng tạo nội dung toàn cầu của Sony. Trong tập đoàn, đồ điện tử là đơn vị có quy mô tăng trưởng nhiều thứ 2 chỉ sau phim ảnh năm vừa qua. Còn về đóng góp doanh thu, nhiều chỉ sau video game và kém tí xíu so với tổ hợp phim và nhạc gộp lại.

Bán dẫn


  • Doanh thu: 9.6 tỷ USD.
  • Lợi nhuận: 1.38 tỷ USD.

Doanh số bán cảm biến cho camera và máy móc công nghiệp đã tăng đáng kể. Hàng tồn kho cảm biến dành cho smartphone cũng giảm, giúp bổ sung lợi nhuận cho Sony. Họ dự báo năm 2022 sẽ đạt thành tích ấn tượng nhờ nhu cầu tăng trở lại, đặc biệt là cảm biến cho smartphone đang chứng kiến xu hướng tăng kích thước cảm biến hình ảnh, tăng chất lượng ảnh, sẽ giúp Sony bán được nhiều cảm biến hơn. Các xu hướng như xe điện hay nhà máy thông minh cũng tác động tích cực.

semiconductor capex by ITmedia.jpg
Bán dẫn được điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên 900 tỷ Yên (ảnh: ITmedia)​

Sony lên kế hoạch mở rộng vốn đầu tư lên 900 tỷ Yên trong vòng 3 năm giai đoạn 2021-2023, bổ sung 200 tỷ Yên so với ban đầu. Sản lượng wafer từ 122,000 tấm/tháng cũng đang hướng tới mốc 130,000 wafer/tháng. Ngoài ra, đối với triển vọng doanh thu cả năm, Sony mong tăng trưởng thêm 37% còn lợi nhuận cũng tăng 25%. Nếu thành sự thật, doanh thu từ lĩnh vực bán dẫn sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD.

Bình luận và phân tích


5 điểm tóm tắt BCTC năm tài khóa 2021 của Sony:
  • Doanh thu và lợi nhuận hoạt động cao nhất lịch sử (tính theo đồng Yên không lạm phát).
  • Trở thành doanh nghiệp sản xuất thứ 2 của Nhật vượt qua mốc 1,000 tỷ Yên lợi nhuận hoạt động.
  • Lần đầu tiên lĩnh vực giải trí (game, nhạc, phim) đóng góp hơn 50% cho doanh thu tập đoàn.
  • Lĩnh vực giải trí chiếm 2/3 lợi nhuận tập đoàn.
  • Doanh thu và lợi nhuận của trò chơi điện tử cao nhất từ trước đến nay.

IR 2022 1.png
Đóng góp của lĩnh vực giải trí đã vượt qua 50% doanh thu lần đầu tiên​

cơ cấu doanh thu lợi nhuận.png
Việc thiếu hàng PS5 khiến bộ phận trò chơi ngày càng giảm tỉ lệ đóng góp doanh thu và lợi nhuận, giờ còn chưa tới 30%​
*Lưu ý: Do thiếu 1 số phân khúc kinh doanh khác như Tài chính nên 2 cột đóng góp doanh thu và lợi nhuận sẽ không đạt tổng xấp xỉ 100%.


Khỏi nói cũng biết, vấn đề nguồn cung máy chơi game PS5 tiếp tục là điểm nóng. CFO Totoki cho biết: “Tất cả những gì chúng tôi có thể công bố bây giờ là mốc 18 triệu máy đã đảm bảo mua sắm đủ linh kiện. Một nguy cơ bất lợi có thể xảy ra là tình trạng chuỗi cung ứng trở nên xấu hơn bây giờ, bao gồm cả việc phong tỏa khó dự đoán trước đang xảy ra ở Trung Quốc”. Câu trả lời này cho thấy tình trạng “bất lực” của hãng.

Nhà phân tích David Gibson của MST Financial cũng đồng tình: “Đó là 1 rủi ro tiềm tàng khi họ giả định các vấn đề ở Trung Quốc sẽ xong trong 3 tháng. Nhưng thực ra là chẳng ai đoán trước được điều gì.” Còn theo nhà phân tích Kazunori Ito của Morning Research: “Năm nay là 1 năm cực kỳ hệ trọng. Sony không thể bỏ lỡ cơ hội vực dậy đà doanh số của PS5 nữa”. Song, cũng có một số người tỏ ra vô cùng lạc quan.

Công ty “lẽ ra đã bán được vô cùng nhiều PS5 nếu sản xuất đủ. Tôi không thấy có vấn đề nào đối với đơn vị gaming cả, ngoại trừ thiếu hụt cung ứng. Thật là hài hước, họ đang làm không đủ để bán,” Serkan Toto đến từ Kantan Games cho biết. Còn Hideki Yasuda của Tokyo Securities nói rằng tập đoàn đang gặt hái thành công trên nhiều mặt kinh doanh, có môi trường tăng trưởng thuận lợi, ví dụ âm nhạc và phim ảnh. “Sony đang thực sự trở thành một công ty nội dung, từ vị thế trước đây là một nhà sản xuất thiết bị điện tử.”

IR 2022 12.png
Trong hơn 4 năm qua, Sony đã thực hiện nhiều khoản đầu tư chiến lược gồm rót vốn và thâu tóm, trị giá hơn 1,000 tỷ Yên nhằm củng cố kho nội dung IP và mở rộng dịch vụ DTC​

IR 2022 11.png
Đến với Sony, bạn sẽ có đầy đủ đồ chơi giải trí trải dài từ game, nhạc, phim tới anime​

Khi được hỏi về dịch vụ PS Plus, rằng tại sao Sony lại không cung cấp khả năng chơi game mới phát hành ngay trên dịch vụ. CFO Sony đã thẳng thắn trả lời việc đó sẽ gây tổn hại thương hiệu. Bởi theo góc nhìn của người chơi, việc có thể chơi game mới ngay ngày đầu tiên với mức giá thấp là rất hấp dẫn. Tuy nhiên, phía studio và nhà sáng tạo sẽ phải chịu thiệt vì ảnh hưởng doanh thu so với hình thức bán game truyền thống. Do vậy, đối với các dự án kinh phí lớn thì đây không phải cách tối ưu lợi nhuận. Nói tóm lại, tất cả là do Sony sợ mất tiền.

Bình luận về tác động của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, ông Totoki cho hay quy mô kinh doanh ở Ukraine và Nga chiếm khoảng 0.7% trong tổng doanh thu năm tài khóa 2021. Tuy tác động không đáng kể nhưng Sony sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình, đưa ra biện pháp ứng phó thận trọng bởi chiến sự này cũng ảnh hưởng tới cả nền kinh tế toàn cầu mà Sony là 1 phần trong đó.

“Môi trường kinh doanh có nhiều biến động tiêu cực như chiến sự ở Ukraine, kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát khó kiểm soát”, CFO nói hãng sẽ thực hiện nhiều biện pháp ứng phó nhằm duy trì và cải thiện lợi nhuận. Xu hướng mất giá của đồng Yên được cho là có lợi cho Sony.

Sony Square.jpg
Hệ thống hiển thị CLEDIS công nghệ microLED, tai nghe Bluetooth ANC, điện thoại Xperia, máy quay điện ảnh CineAlta VENICE và robot thú cưng aibo​

Đối với kinh doanh đồ điện tử, CFO Totoki bày tỏ lạc quan khi công ty đã có 1 năm kinh doanh thành công. “Chúng tôi đã gặp nhiều hạn chế trong kinh doanh như gián đoạn sản xuất và phân phối do COVID-19 bùng phát, thiếu hụt linh kiện và chất bán dẫn. Song, Sony đã kịp thời thắt chặt quản lí chuỗi cung ứng và đạt được tỉ suất sinh lời 9%”. Về tương lai, ông cho biết các nhà máy ở Trung Quốc vẫn sẽ bị ảnh hưởng, có thể mất 3 tháng mới phục hồi bình thường trở lại.

Còn về cảm biến hình ảnh thuộc bán dẫn, ông Totoki cho biết năm vừa qua đã đạt được thành công trong việc mở rộng cơ sở khách hàng, đa dạng hóa nguồn thu, giảm bớt hàng tồn kho và khôi phục sản lượng. Tuy nhiên, thị trường điện thoại thông minh đang phản ứng tích cực khi nhiều hãng bắt đầu theo đuổi chất lượng hình ảnh, kích thước cảm biến lớn. Đây sẽ là cơ hội cho Sony mở rộng nhằm đạt mục tiêu chiếm 60% thị phần.

Ở giai đoạn kinh doanh tiếp theo, Sony sẽ tập trung đầu tư và mở rộng 4 bộ phận là trò chơi, âm nhạc, phim ảnh và bán dẫn. Đường cong tăng trưởng đang đi lên không gì cản lại được.

(Số liệu quy đổi trong bài từ Yên sang USD theo tỉ giá 1 USD = 112 Yên đối với năm tài khóa 2021; triển vọng cho năm tài khóa 2022 theo tỉ giá 1 USD = 123 Yên, dựa theo BCTC Sony phát hành).

Nguồn:
5 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Chúc mừng sony
Fan Sony nhưng ko dùng Xperia, lạc hậu xấu và đắt
Hayoja
TÍCH CỰC
2 năm
@♥️♦️♣️♠️™️ Xài thử đi bác. Build ngon đó, vật liệu làm và cách thiết kế tốt và có nét nhận dạng thương hiệu. Dòng 10 thì tỉ lệ màn hình cũng như các máy Samsung, dòng 1 thì 21:9 chuẩn Cinema hơi dài 😆)
Bài viết rất chi tiết, công phu biên soạn nhưng dài quá, túm lại là chúc mừng Sony
Hayoja
TÍCH CỰC
2 năm
Bài viết đầu tư kỹ lưỡng. Vì ko cần đọc số liệu chuyên nên chỉ lướt qua và tóm ý. Sony vẫn giữ lại bản sắc của mình giữa thời hay thay đổi này.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019