Soundpeats Capsule 3 Pro là một mẫu tai nghe TWS có chất lượng âm thanh ấn tượng trong phân khúc giá dưới 1 triệu, đi kèm với đó là công nghệ truyền tải chất lượng cao LDAC Hires Audio Wireless và chống ồn chủ động. Bài viết này mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về Soundpeats Capsule 3 Pro sau một thời gian sử dụng
Và cũng có một điểm bí mật về chiếc tai nghe này mà mình nghĩ có thể nhiều anh em chưa biết đến, mình sẽ chia sẻ kĩ hơn trong bài viết.
Bên trong hộp sản phầm ngoài bộ tai nghe và hộp sạc, chúng ta sẽ có thêm 3 bộ tips (1 bộ gắn sẵn trên tai nghe) và một sợi cáp sạc A-C. Có thể thấy tips của Soundpeats Capsule 3 Pro là dạng bầu dục chứ không phải hình tròn.
Dạng eartips này có thể sẽ dễ chịu hơn dạng hình tròn, tất nhiên cũng còn tuỳ vào hình thái lỗ tai của mỗi người. Với bản thân mình, sau khi đeo trong thời gian dài vài tiếng, dạng eartips bầu dục của Soundpeats Capsule 3 Pro không gây khó chịu.
Và cũng có một điểm bí mật về chiếc tai nghe này mà mình nghĩ có thể nhiều anh em chưa biết đến, mình sẽ chia sẻ kĩ hơn trong bài viết.
Ngoại hình và thiết kế
Bên trong hộp sản phầm ngoài bộ tai nghe và hộp sạc, chúng ta sẽ có thêm 3 bộ tips (1 bộ gắn sẵn trên tai nghe) và một sợi cáp sạc A-C. Có thể thấy tips của Soundpeats Capsule 3 Pro là dạng bầu dục chứ không phải hình tròn.
Dạng eartips này có thể sẽ dễ chịu hơn dạng hình tròn, tất nhiên cũng còn tuỳ vào hình thái lỗ tai của mỗi người. Với bản thân mình, sau khi đeo trong thời gian dài vài tiếng, dạng eartips bầu dục của Soundpeats Capsule 3 Pro không gây khó chịu.
Sản phẩm được đóng gói khá tỉ mỉ và chỉn chu. Trong hộp cũng có mút chống sốc để bảo vệ sản phẩm được được tốt hơn.
Hộp sạc của Soundpeats Capsule 3 Pro được hoàn thiện tương đối tốt. Khu vực bản lề có logo của Soundpeats được trang trí dạng 1 tấm kim loại bên dưới, khắc logo và phủ epoxy trong suốt lên bề mặt. Khi thay đổi góc nhìn cũng cho hiệu ứng phản xạ logo ánh kim rất đẹp. Mặc dù một số chi tiết khác như là khe hở giữa nắp và thân vẫn còn hơi rõ một chút, nhưng phần thiết kế logo này xứng đáng 10 điểm.
Một điểm khá chỉn chu nữa đó là cổng sạc Type-C cũng được bo viền, tuy chỉ là nhựa nhưng cũng được hoàn thiện đẹp. Tuy nhiên, nhìn ở góc ánh sáng chiếu vào như ảnh, anh em cũng có thể thấy 2 mảnh trước sau của hộp được ghép với nhau và vẫn lộ khá rõ đường ghép nối. Nhưng thực tế ở điều kiện bình thường sẽ khó nhìn thấy và cũng không ảnh hưởng gì đến sử dụng.
Phía mặt trước hộp sạc có một đèn trạng thái nhỏ để báo dung lượng pin cũng như báo tình trạng paring của thiết bị mỗi khi chúng ta mở nắp hộp sạc. Sau khi sử dụng Anker Soundcore R50i NC với hộp sạc không có đèn báo trạng thái hay dung lượng pin và gặp một số bất tiện, mình thấy trang bị này là cần thiết và nên có.
Tai nghe Soundpeats Capsule 3 Pro cũng được trang trí bên ngoài giống như phần bản lề của vỏ hộp. Cũng là dạng ánh kim phản chiếu logo và các hoạ tiết.
Các hoạ tiết này sẽ thay đổi theo góc nhìn và mình cũng thấy nó rất đẹp.
Góc trên của Soundpeats Capsule 3 Pro là mic chống ồn, cũng được hoàn thiện cùng màu với các hoạ tiết trang trí khác.
Màng chắn loa của Soundpeats Capsule 3 Pro cũng được làm từ kim loại, được “chạm khắc” hoa văn cũng khá cao cấp.
Phía cạnh dưới là mic đàm thoại cũng như có chân tiếp xúc với hộp sạc.
Quảng cáo
Có thể thấy, tổng thể về thiết kế, Soundpeats Capsule 3 Pro có những chỗ rất đẹp và cũng vẫn có một số chỗ chưa được thật sự đẹp lắm, nhưng với tầm giá dưới 1 triệu mình nghĩ sẽ không đòi hỏi được nhiều. Chiếc tai nghe này cũng tập trung nhiều hơn vào chất âm và linh kiện bên trong, vì vậy ngoại hình như vậy cũng là hợp lý.
Ngoài ra, Soundpeats cũng có cả phiên bản với vỏ trong suốt cũng khá độc đáo và thú vị
Kết nối và điều khiển
Trước khi đi vào điểm mạnh nhất của chiếc tai nghe này đó là chất âm, mình muốn nói về một số điểm đánh đổi nữa của chiếc tai nghe này.
Mặc dù sử dụng Bluetooth 5.3 cũng vẫn là chuẩn tương đối mới, nhưng Soundpeats Capsule 3 Pro lại chưa hỗ trợ kết nối nhiều thiết bị cùng lúc, tai nghe chỉ có thể kết nối đến 1 thiết bị trong 1 thời điểm, muốn chuyển qua thiết bị khác sẽ cần paring lại.
Chúng ta sẽ điều khiển Soundpeats Capsule 3 Pro thông qua các thao tác cảm ứng, chạm 1 lần, chạm 2 lần, chạm 3 lần, hoặc chạm và giữ. Tuy nhiên, các thao tác cảm ứng này lại được nhà sản xuất đặt cố định.
Quảng cáo
Nguồn ảnh: Soundpeats Việt Nam
Trong ứng dụng của Soundpeats cũng không cho người dùng tuỳ chỉnh các thao tác này. Nhưng, sẽ có một bất ngờ khác mà mình sẽ chia sẻ ở phần sau của bài viết khi mình nói nhiều hơn về ứng dụng đi kèm của tai nghe.
Có một điểm nho nhỏ mà mình thấy là một tinh chỉnh tốt của Soundpeats, đó là với thao tác chạm 1 lần để tăng và giảm âm lượng, tai nghe sẽ không phát âm thanh phản hồi cho thao tác này mà thực thi lệnh luôn, điều này giúp không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng khi đang nghe nhạc mà cần tăng giảm âm lượng.
Còn các thao tác khác như play/pause hay chuyển chế độ ANC sẽ có phản hồi bằng âm thanh hoặc giọng nói tuỳ thao tác. Đây là tinh chỉnh khá tinh tế của Soundpeats Capsule 3 Pro mà các tai nghe khác mình từng sử dụng không có.
Ứng dụng và tính năng
Đi kèm với tai nghe chúng ta sẽ có ứng dụng Soundpeats, mình thấy ứng dụng đi kèm này không quá đặc sắc, thậm chí vẫn còn có một số lỗi thiết kế giao diện. Trong App chúng ta có thể xem được dung lượng pin của tai nghe, có thể chọn các chế độ Equalizer, chọn chế độ chống ồn, có chế độ chơi game để giảm độ trễ của tai nghe, và cũng có thể tắt chế độ chạm 1 lần cảm ứng để tránh bị chạm nhầm.
Ngoài ra Soundpeats có phát triển thêm một tính năng gọi là Adaptive EQ, tính năng này sẽ cần chúng ta đeo tai nghe để thực hiện 1 bài test, và sau đó ứng dụng sẽ điều chỉnh EQ của tai nghe sao cho phù hợp với thính giác của chúng ta. Có lẽ đây là tính năng duy nhất mà mình thấy có phần độc đáo của Soundpeats khi so với những tai nghe trước đây mình đã từng sử dụng.
Nhưng thực tế, Adaptive EQ không làm mình thấy có gì quá nổi trội, mình vẫn thích nghe EQ mặc định của Soundpeats Capsule 3 Pro hơn.
Nếu chỉ dừng lại ở đây, quả thật mình thấy ứng dụng và tính năng của Soundpeats hơi nghèo nàn. Không thể tuỳ chỉnh thao tác cảm ứng, không có tính năng kiểm tra earbuds đã fit chưa, không có tính năng phát âm thanh để tìm tai nghe. Bản thân tai nghe cũng không có những tính năng như kết nối nhiều thiết bị hay tự động pause nhạc khi bỏ tai nghe.
Nhưng trong quá trình sử dụng, mình lại phát hiện ra một bí mật khá thú vị, đó là Soundpeats Capsule 3 Pro có thể sử dụng ứng dụng của QCY (QCY cũng là một hãng chuyên sản xuất tai nghe), có lẽ vì Soundpeats Capsule 3 Pro sử dụng chung nền tảng với QCY.
Khi sử dụng Soundpeats Capsule 3 Pro với ứng dụng của QCY, chúng ta có thể mở rộng thêm được một vài tính năng khác nữa, mà trên App của Soundpeats không có.
Giao diện ứng dụng của QCY đẹp và gọn gàng hơn ứng dụng Soundpeats khá nhiều, trên app của QCY, nhận Capsule Pro 3 là mẫu QCY HT05. Chúng ta cũng sẽ có thể tuỳ biến nhiều hơn cho tai nghe Soundpeats Capsule Pro 3 như tuỳ biến các thao tác cảm ứng như chạm 1 lần, 2 lần và 3 lần (nhưng vẫn không tuỳ chỉnh được thao tác chạm và giữ).
Có thêm tính năng tìm tai nghe, sound channel balance, và tính năng Sleeping Mode cũng sẽ tắt toàn bộ thao tác cảm ứng thay vì chỉ tắt thao tác chạm 1 lần như ứng dụng của Soundpeats. Cũng có nhiều tuỳ chỉnh con cho các chế độ chống ồn và xuyên âm, tuy nhiên mình cảm thấy những tuỳ chỉnh đó không hoạt động. Dù sao, với app của QCY, tai nghe Soundpeats Capsule 3 Pro cũng đã có thể tuỳ biến nhiều hơn khiến chiếc tai nghe này có phần thú vị hơn.
Chống ồn
Khả năng chống ồn của Soundpeats mình đánh giá cũng ở mức đủ ổn trong tầm giá. Giống như các tai nghe trong tầm giá này, tính năng chống ồn sẽ triệt tiêu tiếng ồn ở dải âm trầm và âm mid thấp khá tốt, còn những tiếng ồn ở tầm mid trung trở lên đến dải treble thì khả năng chống ồn chủ động có vẻ như không góp thêm gì hơn, mà chủ yếu vẫn chỉ dựa vào chống ồn bị động của ear-tips.
Với những âm thanh như xe cộ ngoài phố hay âm thanh ồn ào của quán cafe và trung tâm thương mại, các âm trầm của động cơ sẽ bị loại bỏ, nhưng vẫn sẽ có một số tiếng ồn lọt vào chứ không “im lặng như tờ”. Tuy nhiên, nếu so sánh với Airpods Pro đời đầu, mình thấy chống ồn của Soundpeats cũng phải được 7 phần của Airpods, tương đồng với tai nghe JBL Club Pro+ mà mình cũng từng sử dụng.
Khả năng đàm thoại mình cũng chỉ đánh giá ở mức vừa đủ, vẫn sẽ đáp ứng được nhu cầu đàm thoại cơ bản, đầu dây bên kia vẫn sẽ nghe được giọng của chúng ta rõ ràng kể cả trong điều kiện môi trường có ồn ào.
Chất âm
Trước khi đi vào đánh giá chất âm, mình lưu ý bản thân mình cũng chỉ nghe nhạc ở mức người dùng cơ bản có thể phân biệt 128kbps 320kbps và lossless, nhưng chưa thẩm thấu chuyên sâu được như các AudioPhile, coi việc nghe nhạc là để giải trí và thư giãn nên bản thân mình cũng khá dễ tính đối với âm thanh. Âm nhạc mình nghe tạp khá nhiều thể loại nhạc, bao gồm nhạc cổ điển, pop, ballad, hip-hop, rap, rock…
Chất âm là điểm sáng của Soundpeats Capsule 3 Pro, vì đây là điểm sẽ gánh hết các điểm yếu nho nhỏ phía trên. Drive 12mm trên Soundpeats Capsule 3 Pro thể hiện rất tốt, các chi tiết được thể hiện rõ ràng, các dải âm cũng tách bạch và không bị chồng lấn vào nhau.
Hiện mình đang dùng Soundpeats Capsule 3 Pro với iPhone, chưa hỗ trợ tối đa khả năng của Soundpeats Capsule 3 Pro vì chưa thể truyền tải LDAC Hires-Audio Wireless, mà mình đã thấy ấn tượng với chất lượng âm thanh của Capsule 3 Pro rồi. Chất âm trên Capsule 3 Pro ở chế độ EQ mặc định có đẩy bass và treble nhẹ lên một chút, âm thanh có hơi hướng V-shape nhẹ.
Mặc dù là dạng Bass-head, nhưng khi nghe nhạc trên Capsule 3 Pro với chế độ mặc định, mình không bị khó chịu vì “đói bass”. Điều này đến từ sự tách bạch của âm bass gọn gàng và rõ ràng, không bị đè và chồng lấn vào các âm khác, khiến tiếng bass dù không quá lớn và không mạnh như những tai nghe extra bass, nhưng lại vẫn đầy đủ và tròn trịa.
Dải mid và vocal trên Capsule 3 Pro cũng thể hiện rất tốt trong tầm giá, giọng hát của ca sĩ, những tiếng guitar được thể hiện rõ ràng, chi tiết và đầy đủ, những âm lấy hơi rất nhẹ, những rung động của một giọng ca hơi khàn khàn, hay cả những tiếng rung ngân của ca sĩ đều được thể hiện chính xác. Với những vocal gây rùng mình, Capsule 3 Pro sẽ truyền tải đầy đủ sự rùng mình đó.
Dải treble với những tiếng hi-hat thường có trong nhạc hip-hop hay tiếng riffs của guitar điện cũng được Capsule 3 Pro thể hiện tương đối đầy đủ, chi tiết và tách bạch.
Tuy nhiên, khi nghe thử toàn bộ dải tần từ 20-20Khz, với dải tần từ 7kHz đến 10kHz là Capsule 3 Pro có hơi đuối, qua ngưỡng đó đến lên đến 11kHz trở đi lại bình thường. Thường những âm trong dải tần 7-10kHz cũng là những âm rất cao như là tiếng sáo hoặc tiếng violin khi chơi những nốt rất cao, cũng ít gặp ở những bản nhạc thông thường.
Tóm lại, mình thấy chất âm của Capsule 3 Pro có thể gọi là xuất sắc trong tầm giá khi mà âm thanh rất rõ ràng và tách bạch, ít bị chồng lấn các dải lên nhau và gần như không bị hiện tượng dải này đè mất dải khác.
Thông số kỹ thuật
Dưới đây là một vài thông số kỹ thuật chính của Soundpeats Capsule 3 Pro, anh em cũng có thể tham khảo thêm tại trang chủ của Soundpeats Việt Nam:
- Model: Soundpeats Capsule 3 Pro
- Drive: 12 mm
- Tần số đáp ứng: 20-20kHz
- Trở kháng / độ nhạy: 32Ω±15% / 102±3dB
- Cấu hình Bluetooth: HSP, HFP, A2DP, AVRCP
- Codec Bluetooth: AAC, SBC, LDAC
- Bluetooth: 5.3
- Chống nước: IPX4
- Thời lượng pin: 8h cho tai nghe và tổng 52h với hộp sạc
Tổng kết
Tóm lại, Soundpeats Capsule 3 Pro là một mẫu tai nghe chú trọng vào chất lượng âm thanh nên sẽ phải đánh đổi một chút về tính năng. Nhưng tổng thể với phân khúc giá dưới 1 triệu thì đây là mẫu tai nghe TWS chống ồn chủ động có chất âm tốt nhất mà mình từng sử dụng.
Tai nghe này sẽ phù hợp với những bạn muốn có chất lượng âm thanh tốt với chi phí bỏ ra, mà không quá quan trọng về các tính năng khác. anh em có thể tham khảo sản phẩm này tại gian hàng chính hãng của Soundpeats tại Shopee và Lazada mình sẽ để link tham khảo ở bên dưới phần comment. Vào các dịp sale, theo ghi nhận của nhóm Chia sẻ deal hời, mức giá của Soundpeats Capsule 3 Pro có thể xuống mức 700,000-800,000đ.
Bài viết xin được kết thúc tại đây. Mình sẽ tiếp tục sử dụng chiếc tai nghe này và sẽ cập nhật thêm bài review trong tương lai.
Cảm ơn các anh em đọc bài viết của Ngon Bổ Xẻ trên Tinh Tế, mình cũng có Website, Facebook, Telegram, YouTube và Group chia sẻ deal hời