Nút thắt trung tâm của cỗ máy chiến tranh
Máy bay chiến đấu Tấn công Phối hợp F-35 của gã khổng lồ quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, là một trong những vũ khí đắt đỏ nhất từng được chế tạo. Để hình dung được sự khổng lồ của con số 1.7 nghìn tỷ, ta hãy xét đến một thực tế rằng 1 tỷ là gấp 10 lần của 100 triệu đô la. Và con số của chúng ta ở đây là gấp 1,700 lần của một tỷ, nghĩa là gấp 17 ngàn lần của 100 triệu. Vậy chương trình này tiêu tốn gấp 17 ngàn lần của 100 triệu. Con số này vượt xa GDP của nhiều quốc gia. Nó cũng tương đương với một dự luật chi tiêu liên bang trị giá 1.7 nghìn tỷ đô la mà Tổng thống Joe Biden từng ký hồi tháng 12 năm 2022.
Chiếc máy bay này đã trễ nải 10 năm và vượt quá 80% ngân sách (ban đầu dự trù khoảng 940 tỷ đô). Nhưng Lầu Năm Góc và các đồng minh của Hoa Kỳ tin rằng nó là chiếc máy bay mà họ cần tới nhất. Gần như kể từ khi chương trình F-35 được công bố vào năm 2001, nó đã trở thành biểu tượng cho tổ hợp công nghiệp-quân sự bất bình thường của Hoa Kỳ. Chiếc phản lực này chậm trễ 10 năm so với kế hoạch để được phê duyệt lần cuối và vượt gần 80% so với ngân sách, việc sản xuất nó liên tục bị đình trệ do lỗi và tính toán sai lầm. Mùa thu năm ngoái, diễn viên hài Bill Maher đã nắm bắt được lối suy nghĩ thông thường về chiến đấu cơ này trong một đoạn độc thoại trên chương trình HBO của mình. “Chúng ta đã chi 1.5 nghìn tỷ đô la cho F-35, loại máy bay chưa bao giờ hoạt động và sẽ không bao giờ hoạt động, song chúng ta vẫn mua nó,” Maher tuyên bố, kết luận bằng một tràng cười, “Đó là chiếc Yugo [1] của máy bay chiến đấu.” Bài phê bình của Maher hơi sai lạc chút đỉnh: Chi phí ước tính cho việc phát triển, xây dựng và duy trì phi đội F-35 trong vòng đời dự kiến khoảng 60 năm của nó thực sự là 1.7 nghìn tỷ USD.
Khi xét đến khoảng thời gian dài đó, và đây là để cho cả một phi đội được bay lượn trên bầu trời, thì 1.7 nghìn tỷ cũng không hẳn là quá đắt đỏ.
Tuy có nhiều vấn đề là thế, Đức cuối cùng đã mua gần 40 máy bay phản lực, với chi phí được báo cáo là 8 tỷ đô la (mỗi chiếc hơn 200 triệu đô). Không lâu sau đó, Canada thông báo rằng họ muốn có 88 chiếc máy bay. Khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài, Hy Lạp, Cộng hòa Séc và Singapore tất thảy đều bày tỏ sự quan tâm đến F-35. Và những điều này xảy ra sau các đơn đặt hàng mới khổng lồ vào năm 2021 từ Phần Lan và thậm chí cả từ Thụy Sĩ nổi tiếng trung lập.
Nếu như F-35 là một món hàng phí phạm như vậy, thì tại sao nhiều chính phủ lại kêu gọi mua nó? Các lời giải đáp cho câu hỏi này có tính quan trọng sống còn đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này, cũng như đối với mọi người dân nộp thuế ở Hoa Kỳ.
![[IMG]](https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2023/08/7234086_media.jpg)
Bản đồ các đồng minh và kẻ thù trên thế giới của Hoa Kỳ. Ảnh: Brilliantmaps.
Cho tới nay, F-35 là chương trình lớn nhất bên trong Lầu Năm Góc với ngân sách hàng năm khoảng 12 tỷ USD. Những người nộp thuế đã đầu tư vô cùng nhiều vào chiếc F-35 trong hơn 20 năm, chưa nói đến các ưu tiên quốc phòng và nội địa khác. Chi phí cơ hội [2] được đo lường đã lên đến hàng trăm tỷ đô la.
Chương trình này cũng là thước đo sức khỏe của Lockheed Martin, công ty vũ khí lớn nhất từng tồn tại. Lockheed đã đem về doanh thu khoảng 66 tỷ đô la vào năm 2022, hầu như tất cả đều dành cho vũ khí. (Công ty còn sản xuất tên lửa, các hệ thống phòng thủ tên lửa, tàu chiến và nhiều loại máy bay chiến đấu khác, trong số các sản phẩm khác.) Công ty nằm ở vị trí hàng đầu trong một ngành quan trọng đối với an ninh quốc gia hơn bao giờ hết: Khoảng 58% ngân sách của Lầu Năm Góc đã được chi trả cho các nhà thầu tư nhân vào năm 2020, tỷ lệ cao nhất trong 20 năm qua, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Dây chuyền sản xuất F-35 của Lockheed Martin ở Fort Worth, bang Texas. Ảnh: Dallas Morning News.
Cuối cùng thì F-35 là một trường hợp thử nghiệm về năng lực đem lại hoa trái của Lockheed và Lầu Năm Góc. Nói một cách đơn giản, phép tính diễn ra như sau: Hoặc F-35 là một sự lãng phí tài nguyên khổng lồ — ví dụ tồi tệ nhất chưa từng có về việc ngành công nghiệp quốc phòng hứa hẹn quá mức và thực hiện không đạt — hoặc đó là một khoản đầu tư dài hạn và khôn ngoan đem lại cho Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của nước này một lợi thế đáng kể trước những kẻ thù của họ.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Lockheed Martin và Lầu Năm Góc tán thành cách giải thích thứ hai. Lockheed cho biết F-35 sẽ là nút thắt trung tâm của cỗ máy chiến tranh Hoa Kỳ trong nhiều năm sắp tới. “Không còn nghi ngờ gì nữa, F-35 là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trên thế giới. Chúng tôi tiếp tục thực hiện các cải tiến cho nó, để luôn giữ cho nó vượt xa mọi mối đe dọa.” Bridget Lauderdale, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc chương trình F-35 của Lockheed cho biết. Michael Schmidt, tướng ba sao của Lực lượng Không quân, người giám sát chương trình này thay mặt Bộ Quốc phòng, cho biết chiếc máy bay này không chỉ là một thành công mà còn là một điều cần thiết. “Đây là những khoản đầu tư mà chúng ta đang thực hiện thay mặt cho đất nước chúng ta và các đồng minh của mình để đảm bảo rằng chúng ta làm chủ bầu trời,” Schmidt nói với Fortune, từ trong một văn phòng có tầm nhìn bao quát ra Lầu Năm Góc và Đồi Capitol. “Đó là cách duy nhất bạn sẽ chiến thắng trong chiến tranh.”

Tướng Michael Schmidt, trong chuyến tham quan cơ sở đào tạo tại Căn cứ Không quân Eglin, Florida, ngày 30 tháng 11 năm 2022. Ảnh: Dvidshub.
Trái ngược với niềm tin của công chúng và Bill Maher, F-35 quả thực có hiệu quả. Lockheed đã giao hàng được khoảng 960 chiếc phản lực cho đến nay, trong đó khoảng 630 chiếc sẽ được chuyển giao cho quân đội Hoa Kỳ—và chiếc máy bay này đã nhiều lần hoạt động hiệu quả trong chiến đấu. F-35 vẫn chưa phải đối mặt với cuộc chiến kéo dài chống lại một đội quân tinh vi nào của nước ngoài. Nhưng nếu hoặc khi chuyện đó xảy ra, thì thiết kế của nó tích hợp những đột phá công nghệ có thể đem lại lợi thế lớn trong trận chiến, cho phép nó tránh bị phát hiện trong khi liên kết các lực lượng của Hoa Kỳ và đồng minh trong một mạng lưới chia sẻ dữ liệu có thể vượt trội và áp đảo kẻ thù.
F-35 thực sự bị ảnh hưởng bởi chi phí vượt mức và sự chậm trễ. Nhưng những vấn đề đó có mối liên hệ chặt chẽ với những tiến bộ đã dần dần chinh phục được các phi công và chính phủ—những tiến bộ mà cho đến gần đây, gần như theo đúng nghĩa đen, đã không được chú ý trong một thời gian dài. Theo góc nhìn lạc quan, thì những khó khăn mà chương trình F-35 vấp phải là hoàn toàn xứng đáng để đạt được vị thế nó nên có.
Trớ trêu thay, mục đích ban đầu của F-35 lại là để… tiết kiệm tiền. Vào những năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ngân sách quân sự bị cắt giảm (do nguy cơ nổ ra chiến tranh đã giảm) và Lầu Năm Góc muốn khởi động một chương trình máy bay chiến đấu rẻ hơn, hiệu quả hơn. F-35 được gọi là Máy bay tiêm kích Tấn công Phối hợp vì mục tiêu là chế tạo một chiếc máy bay duy nhất—nhẹ, tàng hình, trang bị vũ khí hạng nặng và dễ bay (hay dễ lái)—mà có thể được sửa đổi chút ít để hoạt động cho Không quân (Air Force), Hải quân (Navy) và Thủy quân lục chiến (Marines), giống như một khung gầm ô tô thống nhất có thể được điều chỉnh cho phù hợp với các mẫu xe hơi khác nhau.

Ba biến thể của chiến đấu cơ F-35, bao gồm F-35A, F-35B và F-35C (từ trái sang). Ảnh: F35.
Quảng cáo
Lockheed Martin - một Apple trong thế giới quân sự
Bản thân Lockheed Martin được sinh ra từ tư duy tiết kiệm chi phí của những năm 1990, khi các nhà thầu quốc phòng sáp nhập để tồn tại trong thời kỳ khó khăn hơn. Daniel Tellep (1931-2020), khi đó là Giám đốc điều hành của Tập đoàn Lockheed, đã giám sát việc họ sáp nhập với Martin Marietta vào năm 1995. Trước đó rất lâu, Lockheed đã trở thành chuyên gia trong việc giành được các hợp đồng dài hạn khổng lồ. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ dựa trên việc quản lý các dự án phức tạp khác thường, vượt qua ranh giới của những gì khoa học có thể thực hiện được. Tellep cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 rằng sức mạnh lớn nhất của Lockheed là khả năng của họ khi đọc biết được Lầu Năm Góc đang hướng đến đâu và chạy đến đó trước. Ông Tellep, người đã qua đời vào năm 2020, cho biết: “Chúng tôi đã không tiếc tiền khi đầu tư vào công nghệ tiên tiến, nghiên cứu và phát triển, và nhiều nữa.” Chẳng hạn, cơ sở nghiên cứu Skunk Works nổi tiếng của Lockheed đã chế tạo ra những chiếc máy bay tối mật cho CIA và giúp phát minh ra công nghệ tàng hình, công nghệ cho phép máy bay tránh bị phát hiện bằng cách hấp thụ hoặc phân tán tín hiệu radar.

Kỹ sư Daniel Tellep vào năm 1980. Ảnh: NYT.
Vào cuối những năm 1990, Lockheed đã giành được hợp đồng của Lầu Năm Góc để chế tạo Máy bay chiến đấu Tấn công Phối hợp. Nhưng chương trình đã thất bại gần như ngay từ đầu.
Lockheed và Lầu Năm Góc ngay lập tức vấp phải các rào cản công nghệ. Phiên bản F-35 dành cho Thủy quân lục chiến, vốn được thiết kế để cất cánh thẳng đứng thay vì từ một đường băng, tỏ ra quá sức khó khăn để cất cánh đúng hướng. (Chương trình cuối cùng đã từ bỏ ý tưởng về bộ khung gầm đồng nhất.) Đến cuối năm 2009, Lockheed chỉ giao được 4 trong số 13 máy bay thử nghiệm đã hứa. Số giờ lao động cần thiết để chế tạo mỗi chiếc máy bay đã tăng khoảng 50%. Nỗ lực này cũng bị cản trở bởi quyết định của Lầu Năm Góc là làm cho chương trình có tính “đồng thời”, điều đó có nghĩa là Lockheed đã ký hợp đồng để tiếp tục chế tạo F-35 ngay cả khi hãng này phát minh ra những tính năng gây tác động đến thiết kế của chúng—điều này, đến lượt nó, buộc chính phủ phải trả tiền để nâng cấp liên tục cho các phiên bản trước đó của chiếc phản lực.

Mọi thứ lên đến đỉnh điểm vào năm 2010. Đến lúc đó, chi phí mua mỗi chiếc F-35 đã tăng gần gấp đôi, từ 81 triệu USD lên 156 triệu USD. Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Robert Gates đã tổ chức một cuộc họp báo, trong đó ông công khai sa thải Thiếu tướng Thủy quân lục chiến (MajGen) David Heinz với tư cách là giám đốc chương trình F-35, đồng thời trừng phạt Lockheed bằng cách giữ lại 614 triệu USD tiền thanh toán liên quan đến hiệu suất. Gates đã áp đặt các cải cách trong toàn bộ chương trình. Nhưng ông ấy đã không từ bỏ Lockheed: Thật vậy, ông đã đẩy lùi thời hạn và ủy quyền cho việc tài trợ nhiều hơn để giải quyết những sai lầm trước đây.
Trong thập kỷ tiếp theo, F-35 tiếp tục chững lại theo những cách rất công khai. Vào năm 2015, nó đã thể hiện tồi tệ trong một cuộc không chiến xáp lá cà với những chiếc F-16 cũ hơn. Động cơ của nó, do nhà thầu phụ Pratt & Whitney chế tạo, bị đốt nóng đến mức biến cát và sạn trong bầu khí quyển thành thủy tinh bên trong máy bay, gây hại đến hiệu suất và đòi hỏi phải thiết kế lại. Chưa hết, khi các tính năng mới được bổ sung cho F-35, rõ ràng là động cơ không đủ mạnh để cung cấp năng lượng làm mát cho các hệ thống bên trong máy bay. Có lẽ khó chịu nhất là việc F-35 yêu cầu vài triệu dòng mã phần mềm để hoạt động. Những mã đó, giống như mọi đoạn mã, hóa ra có lỗi (bug) và cần phải viết lại liên tục. Đến năm 2021, chi phí của F-35 đã tăng gần gấp đôi—kinh phí tổng thể cho dự án, ước tính ban đầu là 233 tỷ USD trong 20 năm đầu tiên, trên thực tế đã lên tới 416 tỷ USD.
Đến lúc đó, F-35 dường như đã kiệt quệ và Lockheed Martin cũng vậy. Hoa Kỳ vừa rút khỏi Afghanistan trong thất bại, và sự chấm dứt của các "Cuộc chiến Không hồi kết" của Hoa Kỳ tại đó và ở Iraq đã làm dấy lên viễn cảnh rằng có thể sẽ ít cần đến một Nhà thầu Vĩnh viễn to lớn như Lockheed hơn. Vào tháng 10 năm 2021, Lockheed cảnh báo rằng triển vọng doanh số bán hàng của họ đang giảm sút trong bối cảnh ngân sách quốc phòng liên tục giảm. Nhưng về cơ bản, Nga đã giải quyết các vấn đề của Lockheed với cuộc xâm lăng Ukraine. Ngân sách quân sự phình to. Và tiền chi cho quốc phòng toàn cầu bắt đầu kể một câu chuyện trái ngược với nhận thức của công chúng về F-35. Giữa cơn bão tin tức khủng khiếp, Lockheed đã âm thầm xây dựng một nền tảng vũ khí mang tính cách mạng.
Vào năm 2019, một phi đội Không quân đã sử dụng F-35 để tấn công một kho vũ khí và hệ thống đường hầm của ISIS tại dãy núi Hamrin ở đông bắc Iraq. Điều này diễn ra sau khi Thủy quân lục chiến và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) triển khai phản lực cơ chiến đấu này vào năm 2018. Lầu Năm Góc và Lockheed sẽ không thảo luận về những gì đã xảy ra trong các nhiệm vụ đó, nói rằng những chi tiết đó được coi là mật. Nhưng Đại tá Lực lượng Không quân Yosef Morris đã dẫn đầu phi đội trong nhiệm vụ năm 2019 và khi ông mô tả việc lái chiếc máy bay phản lực, nó giống như nghe một người lớn lên trong thời đại của đài phát thanh mô tả lần đầu tiên xem tivi.
Quảng cáo

Đại tá Yosef Morris đang nói chuyện với cựu chiến binh Thế chiến thứ hai Ed Harrell (giữa) trong chuyến tham quan nhà chứa bảo trì máy bay F-35 tại Căn cứ Không quân Hill, Utah, ngày 3 tháng 9 năm 2015. Phía sau là một chiếc F-35A. Ảnh: Facebook.
Ba lợi thế chính của F-35
Có ba điều khiến F-35 trở nên mạnh mẽ như vậy. Đầu tiên là công nghệ tàng hình của nó. Máy bay này được thiết kế để xuyên thủng bức tường dày của các hệ thống phòng không mà Nga đã phát triển trong nhiều năm, đặc biệt là hệ thống radar và tên lửa S-400 của họ. S-400 có thể phá hủy bất cứ thứ gì nó phát hiện, nhưng F-35 có thể vượt qua bức tường này.
Lợi ích thứ hai có thể gọi là “hiệu ứng liên minh”. Ở đây, không thể tránh khỏi sự tương đồng với Apple. Khi một quốc gia mua F-35, về cơ bản, quốc gia đó sẽ mua phiên bản hàng không của chiếc iPhone mới nhất và có quyền truy cập vào toàn bộ hệ sinh thái phần cứng và phần mềm xung quanh sản phẩm. Ví dụ, các máy bay phản lực của Mỹ được thiết kế để liên lạc thông suốt với các hệ thống phòng không của Mỹ và các đồng minh để tránh vô tình bị bắn hạ. Điều này cứ như thể Mỹ và NATO chạy trên iOS, trong khi Trung Quốc và Nga chạy trên Android—và các quốc gia phải chọn hệ thống này thay vì hệ thống kia.
Hiệu ứng liên minh này cũng là chìa khóa cho lợi thế lớn thứ ba của F-35. Khi Lockheed và Lầu Năm Góc nói về máy bay phản lực, họ không nói về bom và tên lửa. Họ nói về cảm biến, dữ liệu và giao tiếp tức thời. Các phi công như Morris nói, chính cái cơ sở hạ tầng đó đang thay đổi chiến tranh.
Cho đến năm 2012, Morris đã lái những chiếc F-16 của Lockheed. Điều đó có nghĩa là lúc đó ông đang sử dụng các màn hình và bảng điều khiển được thiết kế vào những năm 1970. Bên trong buồng lái của F-16, một phi công phải làm rất nhiều công việc trí óc. Morris đã phải kiểm tra màn hình radar của mình để tìm ra các mối đe dọa sắp xảy đến; tham khảo các màn hình khác, như cảm biến hồng ngoại, để có thể phát hiện một vụ phóng tên lửa; nhìn qua vòm kính lớn của máy bay để phát hiện các mối đe dọa mà các màn hình của anh ta có thể đã bỏ qua; và cuối cùng, hiểu ý nghĩa của tất cả. Thậm chí còn làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn, các phi công F-16 cũng phải diễn giải các tín hiệu phát ra từ những hệ thống giám sát như AWACS hoặc JSTARS, mà vốn là những tín hiệu siêu mạnh nhưng phức tạp đến mức họ cần có các máy bay riêng để lưu trữ chúng.

Một chiếc F-16 đang bay sau khi nhận nhiên liệu trong một nhiệm vụ ở Iraq vào ngày 10/6/2008. Chiếc F-16 này được giao cho Căn cứ Không quân Balad, Iraq và được triển khai từ Căn cứ Không quân Hill, Utah. Ảnh: Wikipedia.
Morris nói, ở bên trong F-35 là hoàn toàn khác. Máy bay này mang theo một bộ cảm biến tương đương với việc có AWACS và JSTARS trên máy bay. F-35 không lắng nghe hệ thống giám sát, nó chín là hệ thống giám sát. Máy tính bên trong của nó đọc và phân tích hàng loạt dữ liệu do các cảm biến thu thập—một quy trình gọi là hợp nhất cảm biến (sensor fusion), do Lockheed thiết kế—sau đó hiển thị kết quả ngay lập tức trên bảng điều khiển của phi công. Giờ đây, Morris có thể dành ít thời gian hơn để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra và có nhiều thời gian hơn để quyết định xem phải làm gì với nó.
Morris, người đã nghỉ hưu năm ngoái, giải thích: “Bạn có một bức tranh vô cùng rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra trong không gian chiến đấu, ở phạm vi cực xa, điều mà bạn không có ở các chiến đấu cơ [cũ hơn] như F-16”.
Phần lớn công nghệ này được phát triển tại một cơ sở bí mật do Santi Bulnes, phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật và công nghệ hàng không của Lockheed điều hành. Bulnes đã làm việc tại Lockheed trong nhiều thập kỷ, giúp phát triển nguyên mẫu ban đầu của F-35 vào những năm 1990. Cơ sở của ông đảm nhận vai trò đứng đầu trong việc chế tạo các cảm biến và màn hình của máy bay phản lực—và thậm chí quan trọng hơn là trong việc kết nối mạng lưới các máy bay F-35.
Nhờ các cảm biến của mình, những chiếc F-35 đưa ra một hình ảnh chiến trường rõ ràng hơn nhiều. Nhưng Lockheed cũng đã thiết kế chúng để chia sẻ hình ảnh này với một chiếc khác, bằng tốc độ siêu nhanh. Các máy bay phản lực đã phát triển để trở thành những nút thắt trung tâm của một mạng lưới liên lạc khổng lồ, tạo ra một trường nhận dạng (field of awareness) rộng lớn có thể chia sẻ thông tin với tất cả mọi nhân tố trong một nỗ lực về quân sự, các nhân tố bao gồm bệ phóng tên lửa trên mặt đất, máy bay không người lái (drone), máy bay chiến đấu cũ hơn như F-16, các chiến hạm và vệ tinh.
“Hãy tưởng tượng bạn đang câu cá. Bạn có thể sử dụng một dây câu hoặc bạn có thể sử dụng lưới và thu thập mọi thứ dễ dàng hơn,” ông Bulnes nói. “Chà, những chiếc F-35 được nối kết với nhau. Bất cứ thứ gì một người nhìn thấy, thì mọi người đều nhìn thấy. Và đó là điều mà tôi không nghĩ mọi người thực sự hiểu – nó sẽ mạnh mẽ đến mức nào.”

Các tính năng của tiêm kích F-35.
Trong chiến tranh hiện đại, nơi thời gian phản ứng được đo bằng mili giây, mạng thông tin này đem lại một lợi thế quan trọng. Trong sương mù của chiến tranh, khi chiến lược và thông tin liên lạc thường bị gián đoạn, các lực lượng được chiếc F-35 neo giữ có thể duy trì kết nối và phản ứng nhanh chóng theo những cách hiệu quả và không thể đoán trước—có thể là ném bom một đường tiếp tế trong lúc đang có một làn sóng tấn công mạng. Niccolò Petrelli, một nhà phân tích quốc phòng người Ý, gọi hệ thống thông tin của chiếc phản lực này là một “bước nhảy lượng tử”.

Dây chuyền lắp ráp động cơ F135 của tiêm kích F-35, trong ảnh là động cơ phản lực đẩy F135 của Pratt Whitney. Ảnh: Breaking Defense.
Lockheed luôn theo đuổi phương châm Chậm mà chắc
Bước nhảy vọt đó còn lâu mới tới, và lộ trình của nó đã bị thay đổi – thậm chí bị khiến cho đắt đỏ hơn - bởi vô số thay đổi công nghệ. Nhưng quá trình phát triển chậm chạp và lâu dài của hệ thống đã làm sáng tỏ điều cốt lõi trong chiến lược kinh doanh của Lockheed Martin. Công ty kiên nhẫn, lặng lẽ làm xứng hợp tài năng kỹ thuật của mình với mong muốn của Lầu Năm Góc cho đến khi đạt được sự phù hợp. Nó giống như việc xây dựng một ngôi nhà khi khách hàng liên tục yêu cầu bạn xây thêm phòng mới, chứ không phải đã có sẵn mọi thứ từ đầu và bây giờ chỉ việc xây. Rồi giữa lúc đang xây, phải phát minh ra một loại hệ thống điều hòa không khí mới cho căn nhà đó. Đồng thời, Lockheed phải chịu đựng sự sỉ nhục trước công chúng tại “quảng trường thành phố”, tức là các cuộc điều trần của quốc hội. Đây là một dư âm từ cuộc khủng hoảng ngân sách năm 2010 của F-35: Hàng năm, Văn phòng Kế toán Tổng hợp của Quốc hội công bố một cuộc kiểm toán chương trình, mà bản báo cáo này chắc chắn (dĩ nhiên là xác đáng) cho biết rằng F-35 đến muộn và vượt quá ngân sách — khơi dậy nhiều tiêu đề báo chí xấu xí hơn.
Chính những người nộp thuế ở Hoa Kỳ là người thanh toán hóa đơn kèm theo tiền lãi. Norman Augustine, người từng là Giám đốc điều hành của Lockheed Martin vào cuối những năm 1990, cho biết chi phí vượt mức tuân theo những gì gần như là một quy tắc sắt đá của tổ hợp công nghiệp quân sự. Các chương trình lớn tuân theo cùng một đường cong chi phí, ông giải thích: Ban đầu, chi phí phát triển rất lớn và hầu như luôn cao hơn dự kiến vì nó có liên quan đến phát minh thực tế, và quá trình đổi mới là không thể đoán trước. Nhưng sau đó, chi phí có thể giảm khi các công ty tinh chỉnh quy trình sản xuất của họ và nhiều đơn vị sản phẩm hơn được bán cho Hoa Kỳ và các đồng minh.
F-35 cuối cùng có thể đã đạt đến giai đoạn thứ hai đó, mà ở đó quá trình thử và sai đã khiến nó phù hợp với các kỳ vọng của Lầu Năm Góc — và người nộp thuế. Nhưng Augustine lưu ý rằng chu kỳ này chắc chắn sẽ tự lặp lại, một phần vì các yêu cầu cấp thiết về an ninh quốc gia luôn chi phối. Ông nói: “Tôi không biện luận để ủng hộ việc chi tiêu quá mức và chậm trễ. Nhưng làm đúng quan trọng hơn là làm nhanh. Không có danh hiệu nào được trao cho những thất bại nhanh chóng.”
Đôi khi rất khó để biết Lockheed Martin kết thúc ở đâu và chính phủ bắt đầu ở đâu. Bộ phận hàng không của Lockheed có trụ sở tại một nhà máy khổng lồ thuộc sở hữu của chính phủ ở Fort Worthm, được xây dựng để sản xuất máy bay ném bom cho Thế chiến II. Trong khi đó, cơ quan của Lầu Năm Góc giám sát chương trình F-35 chiếm một tòa nhà văn phòng tư nhân trong khu phức hợp có tên Crystal City, ở ngoại ô Washington D.C.. Ở cả hai nơi, dân thường trong trang phục công sở thường nhật làm việc cùng với quân nhân tại ngũ. Khi Trung tướng Schmidt đi bộ ngang qua các phòng nhỏ bên ngoài văn phòng ở tầng sáu của mình, các binh sĩ mặc đồng phục đứng dậy sau bàn của họ để chào nghiêm.
Schmidt đã tiếp quản chương trình F-35 vào năm ngoái, kế thừa một hệ thống ngổn ngang gồm các chương trình con phức tạp và đắt tiền. Khi các nhà phê bình lưu ý rằng chiếc máy bay phản lực vẫn chưa được “phê duyệt”, họ đang đề cập đến cột mốc được gọi là “sản xuất hoàn tất, đầy đủ”. Việc phê duyệt ở cấp độ đó sẽ đưa F-35 ra khỏi giai đoạn phát triển và cho phép Lockheed sản xuất nó nhanh nhất có thể. (Hãng hiện đang chế tạo khoảng 125 máy bay mỗi năm.) Nhưng việc phê duyệt đã nhiều lần bị trì hoãn vì vô số lý do. Thứ nhất, trình mô phỏng chuyến bay cần thiết để thử nghiệm chiếc F-35 theo các yêu cầu kỹ thuật của Lầu Năm Góc vẫn chưa tồn tại. Điều này không phải vì Lockheed không biết cách xây dựng trình giả lập mô phỏng; ít nhất một phần là do F-35 tiếp tục mở rộng phạm vi của những gì cần được mô phỏng. Máy bay chiến đấu phát hiện và tránh các tín hiệu đặc trưng từ radar, tàu ngầm, tháp điện thoại, các máy bay khác và thậm chí cả các dấu hiệu trực quan như cột khói. Một trình mô phỏng chưa được xây dựng có thể bắt chước tất cả dữ liệu này theo cách thức nhanh nhạy, đan xen trộn lẫn giống như một vùng chiến sự.
Dường như mọi cải tiến đều sinh ra chi phí, sự chậm trễ, hoặc là cả hai. Động cơ F-35 đang được nâng cấp: Không quân đã yêu cầu 255 triệu đô la chỉ riêng cho các hợp đồng thiết kế và chưa ước tính chi phí cải tiến sẽ là bao nhiêu, theo GAO. Schmidt đang thúc đẩy “Tech Refresh 3”, một bản nâng cấp lớn cho cơ sở hạ tầng máy tính của F-35 mà sẽ tiêu tốn hơn 1.6 tỷ USD. Chiếc F-35 đầu tiên được làm mới đã ra khỏi dây chuyền lắp ráp vào mùa hè này, nhưng Lầu Năm Góc không thể tiếp nhận bàn giao vì cần phải thực hiện thêm quá trình thử nghiệm phần mềm. Lầu Năm Góc hy vọng vấn đề đó sẽ được giải quyết vào tháng 4 năm 2024, trong khi Lockheed cho rằng điều đó có thể xảy ra sớm hơn, nhưng bất chấp mọi việc ra sao, các máy bay sẽ không hoạt động cho đến khi quá trình thử nghiệm hoàn tất.
Tiêu chuẩn để đánh giá F-35: hai siêu cường khác của thế giới
![[IMG]](https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2023/08/7234127_Lockheed-Martin-F35-illustration.jpg)
Tranh vẽ tiêm kích F-35. Ảnh: Tavis Coburn/Fortune
Việc liệu chương trình cuối cùng có trở thành một thành công tài chính cho Lockheed hay không có thể phụ thuộc vào các đồng minh của Mỹ. Hoa Kỳ đang tìm cách mua cùng một số lượng F-35 như họ đã muốn hơn 20 năm trước — khoảng 2,500 chiếc. Bất kỳ doanh số bán hàng bổ sung nào sẽ đến từ các đối tác nước ngoài và nhu cầu đó dường như đang tăng lên. Schmidt ước tính rằng trong vòng 10 năm, Hoa Kỳ sẽ vận hành 60 chiếc F-35 ở châu Âu, trong khi các quốc gia châu Âu sẽ vận hành 600 chiếc. Mức giá được báo cáo cho các giao dịch bán ra nước ngoài gần đây trung bình từ 150 triệu đến 200 triệu USD mỗi máy bay, bao gồm cả dịch vụ và bảo trì. Khung giá đó có vẻ quá cao, nhưng theo một nghĩa nào đó, đó là một món hời: Những người nộp thuế ở các quốc gia đó đã không trả thêm hàng tỷ đô la cho quá trình phát triển lâu dài của máy bay. Và số tiền từ việc bán hàng ra nước ngoài bổ sung đó cuối cùng sẽ quay trở lại Lockheed.
Sự chỉ trích đối với F-35 vẫn còn mạnh mẽ và nó đã được châm ngòi bởi cuộc xung đột ở Ukraine, nơi tình trạng thiếu đạn dược cơ bản đã gây nguy hiểm cho nỗ lực trong chiến trận. Richard Faulkner, một nhà sử học quân sự giảng dạy tại trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu của Quân đội (USACGSC) tại Fort Leavenwort (Kansas), cho biết những thiếu hụt như vậy nêu bật lên mối lo ngại rằng Hoa Kỳ đầu tư quá mức vào các hệ thống vũ khí “mạ vàng” bất chấp thực tế là hầu hết các cuộc chiến tranh được xác định bằng những trận chiến kéo dài, khốc liệt trong đó toàn bộ thiết bị đều bị ngốn sạch.
“Tất nhiên, vấn đề lớn nhất là những chiếc [F-35] chết tiệt đó gần như được làm thủ công,” ông Faulkner nói. “Vì vậy, nếu bạn mất một chiếc, bạn sẽ không nhận được chiếc khác trong một hay hai hay ba hay bốn năm. Nếu bạn mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh tiêu hao — và chiến tranh vốn dĩ là tiêu hao — bạn bắt đầu đánh mất những thứ này, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bất cứ thứ gì để thay thế chúng.”
Thật khó để đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của F-35. J.R. McDonald, phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh máy bay phản lực của Lockheed, gợi ý rằng hai siêu cường quốc khác của thế giới, hay ít nhất là trang thiết bị của họ, sẽ là thang đo để đánh giá chiếc máy bay này. McDonald cho biết: “Mặc dù không chắc là chúng ta sẽ chiến đấu với Nga và Trung Quốc, nhưng khả năng 100% là chúng ta sẽ chiến đấu với vũ khí của Nga và Trung Quốc.”
Đáng chú ý là việc các phi công Hoa Kỳ đã bay ở Syria, nơi các hệ thống phòng không do Nga sản xuất đang hoạt động và ở khu vực Thái Bình Dương, nơi các hệ thống của Trung Quốc hoạt động. F-35 chưa hề bị bắn hạ ở cả hai đấu trường. Các phi công tại ngũ nói rằng đó là một dấu hiệu có ý nghĩa. Đại úy Hải quân Scott Buchar, người làm việc tại văn phòng F-35 của Lầu Năm Góc, cho biết: “Tôi có những người mà tôi đã phục vụ cùng họ hơn 25 năm nói với tôi rằng: 'Không có chiếc máy bay phản lực này, chúng ta sẽ thua trận' ", Đại úy Hải quân Scott Buchar, người làm việc tại văn phòng F-35 của Lầu Năm Góc, cho biết.
Sự thay thế F-35 đã được lên kế hoạch
Ngay cả khi F-35 dường như đang giải quyết các vấn đề của nó — và ngay cả trước khi nó phải đối mặt với chiến tranh toàn diện, tổng lực — thì những người ra quyết định đang nghĩ tới việc thay thế nó. Không quân đã công bố một cuộc đua tranh để chế tạo một loại máy bay chiến đấu mới, một dự án mà họ gọi là Sự thống trị trên không Thế hệ Kế tiếp, hay NGAD (Next Gen Air Domination). Dự án kêu gọi một hệ thống liên kết chặt chẽ, nặng về cảm biến—không giống như F-35—sẽ dựa ít nhất một phần vào máy bay không người lái. Không rõ công ty nào đã gửi hồ sơ dự thầu cho dự án (được coi là mật), nhưng nhà phân tích Ron Epstein của Bank of America cho biết Lockheed gần như chắc chắn sẽ tham gia. Epstein nói: “Sẽ rất ngạc nhiên nếu họ không giành được một vị trí nào đó, nếu đó không phải là vị trí hàng đầu của NGAD. Tại sao? Đó là những gì họ làm.”
Vị thế của Lockheed có vẻ an toàn vì đây vẫn là công xưởng chiến tranh hàng đầu của Hoa Kỳ, bất chấp những vấp váp. Cũng quan trọng không kém là gần 500 tỷ đô la chi tiêu đã đưa F-35 đến đúng vị trí dự định của nó—ở trung tâm của quá trình phát triển hướng tới chiến tranh kết nối mạng lưới, sử dụng cực nhiều dữ liệu. “F-35 hoàn toàn ở giữa cuộc chơi. Ngày nay, nó là tiền vệ,” Lauderdale, tổng giám đốc chương trình F-35 của Lockheed cho biết. “Và khi cuộc chơi thay đổi, nó sẽ tiếp tục thích hợp một cách khác thường, trong nhiều thập kỷ tới.”
Theo bài của Christopher Leonard, Fortune.
Chú thích:
[1] Ông Maher muốn ví F-35 với Yugo, là thuật ngữ dùng để mô tả thứ gì đó có chất lượng kém hoặc không đáng tin cậy. Từ này bắt nguồn từ chiếc Yugo, một chiếc xe cỡ nhỏ được sản xuất bởi nhà sản xuất ô tô Zastava của Nam Tư. Chiếc xe được biết đến với giá thấp, nhưng cũng có chất lượng và độ tin cậy kém.
[2] Chi phí cơ hội là lợi ích bị bỏ qua có được từ lựa chọn không được nắm lấy, chi phí này không thấy được bằng các hóa đơn vật lý, nghĩa là nếu Hoa Kỳ gạt bỏ chương trình này mà chọn một dự án máy bay khác thì họ đã không mất hàng trăm tỷ đô la.
[3] Vào ngày 22 tháng 5 năm 2018, Tư lệnh Không quân Israel, Thiếu tướng Amikam Norkin, thông báo rằng Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng F-35 trong chiến đấu trong các cuộc đụng độ với Iran ở Syria. Khi quân đội Israel tuyên bố rằng các lực lượng Iran ở Syria đã phóng 20 quả rocket vào các vị trí của quân đội Israel trên Cao nguyên Tây Golan.