Sự thay đổi về nguyên lý thiết kế giao diện của Apple và những hạn chế trong iOS hiện nay

ductran5566
28/11/2015 1:13Phản hồi: 295
Sự thay đổi về nguyên lý thiết kế giao diện của Apple và những hạn chế trong iOS hiện nay
Apple từ lâu đã là một công ty nổi tiếng chăm chút về mặt thiết kế, không chỉ cho phần cứng mà cả về mặt phần mềm và giao diện người dùng. Tuy nhiên, một vài cựu nhân viên của hãng mới đây đã lên tiếng chỉ trích Apple về việc vi phạm những quy tắc thiết kế do chính mình đề ra nhiều năm về trước, rằng Apple đã ưu tiên cái đẹp hơn là tính dễ dùng. Hôm nay chúng ta sẽ phân tích sâu hơn về nhận định trên và sử dụng các nguyên lý thiết kế giao diện cơ bản để xem liệu iOS hay OS X đang gặp những hạn chế như thế nào.

Hãy bắt đầu với sơ đồ bên dưới. Sơ đồ này nói về việc thay đổi thứ tự các nguyên lý thiết kế của Apple qua các năm, và nó được tổng hợp từ chỉ dẫn thiết kế do chính Apple phát hành cho cộng đồng lập trình viên của mình.

thay_doi_nguyen_ly.png

Như bạn có thể thấy, một số nguyên lý đã biến mất khỏi danh sách vào năm 2015 so với năm 1995. Một số thì thay đổi, một số được gộp chung. Tuy nhiên, có một số điểm đáng lưu tâm như sau:

Khả năng phát hiện


"Khả năng phát hiện" (Discoverability) là khả năng bạn có thể nhìn vào hệ thống và ngay lập tức phát hiện ra những chức năng có thể xài được là gì, ý nghĩa của nó như thế nào. Ở những ngày đầu thì Apple không xài chữ Discoverability mà dùng thuật ngữ "See-and-point" để chỉ nguyên lý nói trên bởi vì tất cả mọi hành động mà bạn có thể làm đều được đại diện bằng những đối tượng cụ thể, ví dụ như một cái nút nhấn, một cái icon, hoặc một danh sách menu nào đó. Nói cách khác, bạn không cần phải tự mình ghi nhớ khi cần làm thứ gì đó, bạn chỉ cần nhìn là biết ngay. "Đừng cố gắng ẩn các tính năng trong app của bạn bằng cách dùng các menu chung chung", trích chỉ dẫn của Apple năm 1995.

Nguyên lý phát hiện này cũng là thứ xuất hiện rất rõ ràng trong bộ nguyên tắc thiết kế Nielsen và DOET - hai bộ nguyên tắc giao diện nổi tiếng trên thế giới và được sử dụng cũng như giảng dạy rộng rãi cho ngành kĩ thuật phần mềm.

Donald A. Norman, người đề ra DOET, cho rằng với những tính năng chính, hãy đem chúng ra giao diện chính, nơi người dùng dễ thấy nhất. Đừng cố "tỏ ra nguy hiểm" và giấu nó vào những menu ẩn sâu trong ứng dụng, điều đó không giúp gì cho người dùng cả. Nó còn làm người dùng rối và cảm thấy bực mình nữa.

Tương tự, theo Jakob Nielsen, người tạo ra nguyên tắc Nielsen, thì lập trình viên và nhà thiết kế cần lưu ý rằng việc nhìn và nhận diện (recognition) sẽ luôn tốt hơn là bắt người dùng nhớ lại những gì đã từng diễn ra (recall). Việc ứng dụng biểu tượng đồ họa, gợi ý về password, sử dụng màu sắc để thông báo một thứ gì đó đã được hoàn tất…

Vậy mà với iOS 9, Apple đã vi phạm nguyên tắc này ở một số nơi. Ví dụ, chức năng đính kèm mọi loại file trong ứng dụng Mail mặc định bị ẩn đi, chúng ta phải nhấn giữ vào khung soạn thảo thì mới có nút để thực thi chức năng này. Còn hồi iOS 8 trở về trước, bàn phím ảo lúc nào cũng hiện chữ in dù cho bạn có đang nhấn phím Shift hay không, trong khi đáng ra thì nó chỉ hiện chữ in hoa khi bạn nhấn Shift, và hiện lại chữ thường khi bạn không còn ấn Shift nữa.

Chu_hoa_chu_thuong.jpg
Bàn phím của iOS 8, bạn có phân biệt đâu là đang ở chế độ gõ chữ thường, đâu là đang gõ chữ hoa?

Chức năng 3D Touch tuyệt vời cũng là một "nạn nhân" tương tự. Mình đã từng gặp rất nhiều người dùng phổ thông mua iPhone 6s và 6s Plus, mình hỏi họ xài 3D Touch có sướng không. Câu trả lời mà mình nhận được từ TẤT CẢ những người đó khá bất ngờ: "3D Touch" là cái gì vậy? Thế rồi mình mượn máy của họ, trình diễn cho họ xem việc ấn mạnh vào icon để bung menu phụ, việc ấn mạnh vào hình để xem một khoảnh khắc động trước đó. Tất cả đều ngạc nhiên và thích thú, nhưng nó cũng cho thấy rằng Apple đã làm chưa đủ tốt trong việc hướng dẫn cho người ta biết là 3D Touch có hiện diện trên thiết bị của họ. Một ví dụ rất rõ ràng cho "tính năng tuyệt vời nhưng nhiều người không biết tới".

Khả năng hồi phục khi phát sinh lỗi

Quảng cáo



Người dùng luôn mắc lỗi, cho dù đó là vô tình hay cố ý, thế nên cả bộ DOET lẫn Nielsen đều nói rằng thiết kế giao diện tốt là thiết kế cho phép người dùng khắc phục lỗi sai của họ, cho phép họ quay trở lại trạng thái trước đó. Nguyên lý này được Apple gọi là "forgiveness", trong tiếng Anh có nghĩa là sự tha thứ, và hiện tại nó chỉ còn xuất hiện trong OS X chứ không còn trong danh sách nguyên lý cho iOS. Theo Apple thì forgiveness sẽ khuyến khích người dùng khám phá hệ thống mà không lo sợ gì vì họ luôn có thể quay trở lại trạng thái lúc trước, không lo hư hỏng gì cả.

Một ví dụ rất đơn giản của nguyên lý forgiveness đó là nút Undo. Undo xuất phát từ nền tảng Xerox từ những năm 1974. Bạn làm sai một thứ gì đó, bạn gần như luôn có thể Undo chúng. Ví dụ, bạn lỡ xóa sạch văn bản của mình trong Word, bạn nhấn Undo một cái là mọi thứ trở về nguyên trạng. Bạn lỡ tay ấn vô một trang web không mong muốn, nút Back của trình duyệt sẽ giúp bạn quay lại trang trước trong tích tắc.

Undo_lac_may.PNG

Trong iOS, Apple có triển khai tính năng Undo khi gõ văn bản. Tuy nhiên, nó đã bị giấu đi và chỉ khi nào chúng ta lắc máy thì nút Undo mới xuất hiện. Như vậy, Apple không cung cấp khả năng hồi phục tốt cho người dùng. Ngoài ra, Apple cũng không có nút back nào áp dụng cho toàn hệ thống như Android hay Windows Phone / Windows 10 Mobile mà hãng để cho lập trình viên tự đưa nút back vào app của mình.

Một tình huống khác: giả sử như bạn đang ở giao diện bàn phím số T9 để gọi điện trong app Phone mà lỡ ấn sang màn hình call log thì làm sao quay lại? Suy nghĩ bình thường sẽ là kiếm nút nào đó để back lại, và iOS không có nút back để làm chuyện đó. Bạn phải nhấn vào icon nằm ở Tab Bar dưới cuối màn hình. Với anh em Tinh tế thì thao tác này không có gì đáng nói, nhưng với những người dùng ít hiểu biểu về công nghệ, những người mới tiếp cận iOS thì sẽ gặp khó khăn ngay. Tất nhiên, việc đưa nút back ở cấp hệ thống vào như thế nào cho tiện, cho đẹp là việc mà Apple phải suy nghĩ về thử nghiệm.

[​IMG]

Nói đi thì cũng phải nói lại. iOS 9 có thêm nút "Back To..." để quay trở về app trước đó, đây là một điểm rất đáng khen và cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dùng. Chỉ là Apple mất quá nhiều thời gian để đưa chức năng này lên một nền tảng phổ biến cỡ như iOS.

Quảng cáo



Phép ẩn dụ

Như bạn có thể thấy trong sơ đồ ở trên, nguyên lý được Apple đặt lên hàng đầu vào năm 1995 cho đến tận năm 2008 là phép ẩn dụ. Theo định nghĩa của hãng thì phép ẩn dụ là những thứ trong ứng dụng mô phỏng lại thế giới thực, tạo ra một sự liên tưởng cho người dùng trong quá trình sử dụng. Nhờ sự liên tưởng này mà người ta nhìn vào là biết ngay chức năng đó để làm gì, nút đó cần phải hoạt động ra sao. Một vài ví dụ có thể kể đến như sau:
  • Giao diện lịch trong app Calendar phỏng theo một cái lịch gắn tường ngoài đời
  • Giao diện app Notes của iOS 6 có khung viền giả da như một cuốn sổ ghi chú thật
  • Di chuyển các lớp giao diện để lộ ra lớp bên dưới, phỏng theo thao tác di chuyển giấy
  • Kéo thả, quét ngón tay để đưa các đối tượng từ chỗ nàu đến chỗ khác
  • Gạt các cần để tắt bật, quét ngón tay để đổi hình ảnh
  • Gạt ngón tay để lật trang sách
Vậy mà đến năm 2015, nguyên lý đó đã bị đẩy xuống thứ 2 cho phần mềm OS X, và xuống tận thứ 5 cho ứng dụng iOS. Điều đó có nghĩa là giao diện của iOS và OS X "xa rời thực tế hơn", và người dùng phải tốn nhiều công sức suy nghĩ hơn để biết được về một chức năng nào đó.

Điển hình là khu vực đa nhiệm của iOS 9. Từ trước đến nay chúng ta quen rằng những thứ cần thiết nhất thì nằm bên trái, càng lướt về bên phải là những thứ càng cũ hơn, ít xài hơn. Ở iOS 5 và 6, những app mới chạy gần đây nhất sẽ nằm bên trái, càng về bên phải thì càng là những app cũ hơn và ít có khả năng chạy lên hơn. Lên đến iOS 7 và 8, mặc dù Apple bổ sung thêm ảnh thu nhỏ cho từng app nhưng về cơ bản cũng là cuộn từ trái sang phải. Giao diện đa nhiệm trước đây của Android 4.x và Windows Phone, Windows 10 Mobile cũng theo quy luật này. Thế mà lên tới iOS 9, Apple lại chơi cuộn từ phải sang trái, khá là ngược ngạo và trái với suy nghĩ thông thường.

ios-8-vs-ios-9-appswitcher.jpg

Tính thẩm mĩ


Đẹp, đó là chuyện mà ai cũng muốn, và giao diện đẹp thì luôn được đánh giá cao. Hãy nhìn vào cách mà Apple thiết kế iOS hay những gì Google làm với Android, tất cả đều xoay quanh một chữ đẹp. Khi sử dụng một thứ gì đó có tính thẩm mĩ cao thì người dùng sẽ cảm thấy hài lòng hơn và có hứng hơn. Ngoài ra, thông tin cung cấp cho người dùng cũng phải liên quan, nếu không thì cũng bằng thừa. Ví dụ, trong một thông báo hiện ra trước khi lưu tập tin, thứ mà chúng ta nên đưa vào đó là câu hỏi "bạn có muốn lưu đè tập tin hay không" hoặc "bạn có muốn lưu nó vào đây hay không", không phải là một bài viết dài về cách lưu tập tin, tác hại khi không xài phần mềm đúng cách (!?).

Nhưng đẹp không phải là tất cả trong thiết kế giao diện người dùng. Đẹp mà khó dùng đồng nghĩa với việc bạn đang làm khó cho chính người dùng của mình, đang làm cho họ cảm thấy thất vọng và bực mình khi không thể hoàn thành tốt tác vụ mong muốn. Thà xấu một chút nhưng được việc thì còn mang lại giá trị nhiều hơn. Nếu vừa đẹp mà vừa được việc thì tuyệt vời, không còn gì bằng.

Có một số chỗ, Apple đã đưa chữ đẹp lên đầu và để lại tính tiện dụng phía sau. Trên Android, bạn có thể nhanh chóng liếc qua thanh thông báo và biết được mình đang bỏ lỡ các notification nào chưa xem. Còn với iOS? Bạn chỉ có cách kéo thanh thông báo xuống thì mới xem được những notification này, ngoài ra không còn dấu chỉ nào khác để báo cáo cho bạn biết tình hình. Không biết bao nhiêu lần mình đã bỏ lỡ email quan trọng vì cách iOS và OS X thiết kế hệ thống thông báo rồi. Đồng ý là giải pháp của Android sẽ làm thanh notification bị rối hơn, nhưng nó cũng không phải là vấn đề nếu như nó thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình.

[​IMG]

Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo, và phần mềm hay giao diện cũng là những thứ như thế. Apple không phải là thánh, hãng không thể làm ra một giao diện hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên, và sẽ cần thời gian cũng như nhiều lần update để mọi thứ đi đúng con đường của mình. Vấn đề đó là Apple đang ngày càng hi sinh nhiều hơn về mặt tiện dụng để ưu tiên sự đơn giản và cái đẹp, và đây mới chính là thứ tạo ra sự khó chịu cho người dùng chứ không phải việc hãng chưa làm ra giao diện hoàn hảo.

Và ở vai trò dẫn dắt của mình trong ngành thiết kế, đáng ra Apple nên làm tốt hơn bởi vì hiện tại rất nhiều công ty, nhà thiết kế đang cố gắng bắt chước theo cách làm giao diện của Apple mà không nhận ra những điểm hạn chế của nó mà khắc phục. Tất cả những gì mà mình hi vọng đó là Apple sẽ nhanh chóng đưa những quy tắc thiết kế cơ bản lên lại hàng đầu, và hãy tiếp tục tạo ra những sản phẩm vừa đẹp và dễ xài thì lúc đó người dùng sẽ vui vẻ hơn rất nhiều.

Tham khảo: Apple, Fast CoDesign
295 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thấy trong setting của ios hết đơn giản rùi.
VD: cái bàn phím chia làm 2 cái: cài đặt > bàn phím or cài đặt chung > trợ năng > bàn phím.
Cài đặt ngày giờ thủ công (để 12h) ko dc, toàn để mặc định. Ngay cả Lịch.
@dac Có lẽ vậy vì toàn dùng android. Thấy xung quanh cụ già em bé dùng ip thì có lần mình hỏi sao trên màn có cái nút gì nó nổi thế này họ bẩu là trợ năng nên e cứ tưởng ip dùng cho người ....
@dac Không thấy cái trong ngoặc à. Đâu phải cái gì dành cho người khuyết tật, người bị hạn chế thì không được dùng. Sách nói người ta làm cho người mù, mà vẫn nhiều người thích nghe đó thôi. Có những thứ ít dùng Apple cũng nhét vào đây cho gọn luôn
@dac mình cũng thích dùng trợ năng không phải sợ hỏng phím mà vì sự liền lạc của cảm giác. Đang bấm trên màn hình với 1 lực và tầm với ngón tay ổn định thì mình muốn dùng trợ năng để thoát hay tắt màn với cùng 1 cảm giác bấm. Còn nếu dùng phím thực thì lại phải nhấn với 1 lực khác và phải thay đổi vị trí của bàn tay.
@dac mình cũng thích dùng trợ năng không phải sợ hỏng phím mà vì sự liền lạc của cảm giác. Đang bấm trên màn hình với 1 lực và tầm với ngón tay ổn định thì mình muốn dùng trợ năng để thoát hay tắt màn với cùng 1 cảm giác bấm. Còn nếu dùng phím thực thì lại phải nhấn với 1 lực khác và phải thay đổi vị trí của bàn tay.
Apple thì luôn có khen ngợi và chỉ trích trong mọi việc dù việc đó là thành công hay thất bại.
cuthuyen
TÍCH CỰC
8 năm
Càng ngày càng khó dùng và nhiều lỗi vặt
vxx9x
TÍCH CỰC
8 năm
mấy cái triết lý này k đơn giản.
Nói chung là IOS càng ngày càng loằng ngoằng hơn ! Cơ mà đừng bắt em quay về 5.1.1 😁

Dù sao IOS cũng chưa tới mức ghê gớm lắm :D:D:D
nếu k phải để khoe thì NOTE 5 là 1 lựa chọn rất xứng đáng cho người của công việc
strypper
TÍCH CỰC
8 năm
@facebook.com/loptuva hoàn toàn không phải nhé
ý mình không nói cách dùng mỗi người nhưng đây là tất cả ý kiến gọp lại
cây bút của note 5 làm việc rất tốt nhưng thực sự mà nói màn hình note 5 còn quá nhỏ cho việc ghi note hay draw ý tưởng
cái máy mà làm công việc lý tưởng là cái galaxy tab A hoặc ipad pro
do khả năng sử dụng của cây bút không hề giới hạn (surface em không xài dịch vụ của nó nhiều nên không có ý kiến gì)
còn màn hình cỡ điện thoại nói thạo cho công việc nhất chỉ có PRIV
phamca
ĐẠI BÀNG
8 năm
đang tạm thời hài lòng về giao diện của ios, điều quan trọng là pin, hiệu ứng nhiều, giao diện đẹp tốn nhiều pin cũng vậy
Lúc mới dùng ios em toàn ấn nút home để chụp ảnh hay gọi điện ạ. Cảm thấy iOS ngu hơn Symbian hay WinMo.
@vnstockguru Mình thấy bạn bấm nút home để chụp thì bạn ngu hơn iOS rồi đó ;);)
Kanturu
ĐẠI BÀNG
8 năm
@Lê Viết Nhật Ngta nói lúc mới dùng đấy, hiểu ko bạn hiền "thông manh"....?
hungjeon1
ĐẠI BÀNG
8 năm
HĐH ios, android, winphone hay cả BB10 sẽ đều ngày 1 phình to để có thể đáp ứng được nhu cầu ko bao giờ thoả mãn của ng tiêu dùng. Đến 1 lúc nào đó mấy cái HĐH này sẽ có dung lượng gấp đôi hiện nay (vì gấp đôi tính năng như bây giờ), và tất nhiên, sẽ ngày càng giống nhau hơn.
Đúng ở nhiều điểm. Apple nên cải tiến hoặc chỉnh sửa lại cho hợp lý hơn. Tốt nhất k nên so sánh bản thân apple với các hệ khác mà nên tập trung hoàn thiện bản thân, việc học hỏi cần thực sự nghiêm túc, không nên chỉ phát triển mà k hoàn thiện. Đính kèm mail nên mở hơn thật.
Đơn giản và mượt mà là điều quan trọng. Càng tuỳ chỉnh nhiều càng rắc rối.
AKG
ĐẠI BÀNG
8 năm
Xưa dùng Android rồi chuyển sang iPhone, cảm giác thoải mái ko muốn chuyển ngược lại. Năm nay đổi từ Android (LG G2) sang 6s Plus gần 2 tháng vẫn chưa quen, vẫn nhớ Android.
Kết luận là Android ngày càng hoàn thiện hơn trong khi iOs thì ko còn những bước tiến lớn. Dự là Android 7 hoặc 8 sẽ vượt trội iOs.
theblues
TÍCH CỰC
8 năm
@AKG mình cũng chuyển qua lại giữa ios và android suốt, kết luận rằng ios ổn định mượt mà thời trang hơn, nhưng android phục vụ công viêc tốt hơn, các tính năng giải trí thì tương đương nhau, từ android 5 trở lên là hệ điều hành nó đã ổn định ko thua gì ios rồi
@theblues Kết cái android 5.0 trở đi vì từ android 5.0 trở đi Google đã chuyển sang xài android runtime (art) rồi, nên mượt mà hơn so với android 4.4 trở về trước xài dalvik. Nên android 5.0 trở đi rất mượt và ổn định
@AKG mình cũng hi vọng như bạn 😁 vì dùng ios có nhiều cái bó buộc quá ... 1 trong số đó là camera ... lý do lớn nhất mình dùng g4 là camera :D
@BLACKBERRY__7290 Thực ra là art từ 4.4 đã có thử nghiệm, có thể chuyển đổi. 4.4.4 thấy nhiều người nói mượt lắm. Nói chung đag dùng 5.1.1 ko chê gì cả.
Ttdmt
TÍCH CỰC
8 năm
Theo mình 3D touch chi lằn nhằn, nhấp vào biểu tượng hai lần thấy hay hơn ấn mạnh
@Ttdmt Hà hà hà....
Ttdmt
TÍCH CỰC
8 năm
@khungtanthoi Sao không hiểu
@Ttdmt Mình sài quen 3DTouch nên thấy bạn nói mắc cười!!! Bây giờ phải tập lại longpress..
step2
ĐẠI BÀNG
8 năm
Bài viết hay!
Tính dễ dùng bây h bị đặt xuống thấp hơn nhiều khi Jony Ive lên phụ trách. Thời Scott Fostall mình thấy dễ xài hơn tuy ko đẹp bằng. Và mặc dù ko thíc triết lý thiết kế mới nhưng mà cũng phải làm theo bởi vì apps trên một hệ điều hành thì phải đồng nhất và ko trái với triết lý chung của hệ điều hành. Chốt: đẹp trước -> function sau
K2.PCTDN
ĐẠI BÀNG
8 năm
Với iOS thì hiện giờ mình sử dụng khá ổn rồi, giao diện thì cả Android và iOS đều làm mình hài lòng. Giao diện iOS thì mình thích nhất ở chỗ là ko cần quan tâm gì đến giao diện cả, cứ thế mà dùng thôi. Còn Android trên em Nexus 7 của mình thích nhất là đổi cái gì được, cứ mỗi lần xài Nexus là phải vào Play tìm xem có bộ icon pack hay launcher nào hay/mới không.

Về tính năng trên iOS thì mình nghĩ cần sửa vài cái này (cho máy không JB)
  • Nút bật/tắt Cellular Data trong Control Center, nếu có thể tùy biến được vùng này nữa thì càng tốt.
  • Nút Clear all tất cả Notification trong Notification Center.
  • Tính năng Do not disturb có thể set nhiều khoảng thời gian trong ngày.
  • Phần cuộc gọi, nên thêm nút Decline thay vì nút Remind cho cuộc gọi tới, hiện giờ mình khá khó chịu phần này, phải double press phím nguồn để Cancel.
  • Thêm tính năng Pinch to Zoom trên Home Screen để swap/add các trang với nhau cho dễ. Mỗi lần cứ muốn thêm trang mới hoặc swap cứ phải kết nối với iTunes khá là nhiều bước.
  • Background app refresh trên iOS phải nói là khá tệ, không biết do iOS kém hay do các dev bên thứ 3 kém. Điển hình nhất là Dropbox, Flickr, One Drive và Google Photos. 3 apps đầu tính năng auto upload quá kém, toàn phải bật app lên nó mới chịu up. Google Photos thì tốt nhất nhưng lâu lâu cũng dở chứng.
gaucon3503
TÍCH CỰC
8 năm
@K2.PCTDN Thắc mắc cuối của bạn, mình nghĩ là do hạn chế phần cứng(thiếu RAM) nên IOS ko ưu tiên background process.
@K2.PCTDN mình dùng onedrive toàn tự up khi có kết nối wifi ko phải bật app lên
@K2.PCTDN JB XOG LÀ ok mọi thứ nhé bạn.😁
K2.PCTDN
ĐẠI BÀNG
8 năm
@vanhoa96.bmt Thì mình đã nói là cho máy không JB rồi mà. Ở đây mình chỉ nói những tính năng gốc chưa mod của iOS thôi, dùng khó chịu hơn nhiều so với Android, mình có feedback lại với Apple về mấy khoản này rồi nhưng chắc còn lâu bác Cook và bác Ive mới tiếp thu.

Còn JB xong để tweak thì quá đơn giản rồi :D
@K2.PCTDN hihi 😃 😃
ios ngày một cồng kềnh và phức tạp, android thì làm ngược lại, WP còn đang loay hoay.
Mình bị hỏng con android giờ xài tạm IP 5 và thỉnh thoảng vẫn loay hoay tìm nút back của nó
DAVIDHUY08
TÍCH CỰC
8 năm
Chuẩn thời này nhưng thời khác sẽ đổi thay, có thể do phần đông không thể có cái chuẩn như thời nay chẳng hạn. Nhìn mấy bạn 9X là mình thấy khác rất xa với 8X rồi. 😁
:oops: Thiết kế UI và UX cao siêu vãi. Ko khó hiểu khi nhiều hãng muốn đi bắt chước hơn là tự mình nghiên cứu mày mò.
Còn những thằng đi đầu thì lại rất hay bị chỉ trích.
- Mình cũng thích nó phải tiện dụng lên đầu tiên. Cám ơn Duy Luân với bài viết rất hay và chính xác!
- Nhiều khi bạn cần 1 chức năng mà phải mò xem nó ở đâu là rất bực ...... Thiết kế phải làm sao để khi người sử dụng không cần tìm lâu, không phải làm quen nhiều ......... vẫn biết cách dùng!
- VD: như nút share trong thư viện của IOS trên máy tính bảng quá bé! Lần đâu tiên mình cần gửi mail đi ngay trong thư viện đã lúng túng mất 1 lúc mới gửi được! Mà muốn gửi cùng lúc 10-20 ảnh qua mail lại càng lằng nhằng hơn! (Bởi vì gửi ảnh qua mail ngay trong trình xem ảnh - thư viện là rất quan trọng. Nó rất trực quan và rất dễ để người dùng xem trước cũng như kiểm soát đúng bức ảnh muốn gửi).
- IOS sẽ dễ dùng vs nhưng tính năng cơ bản như đọc báo, nghe nhạc .... mở ứng dụng ...v...v... Nhưng vs 1 vài tính năng nâng cao quen thuộc như bên Android thì IOS làm rất dở. Chính điều này mà fan Android khi sử dụng IOS kêu giời là hđh không tiện dụng, trong khi fan IOS lại nói IOS cực kỳ dễ sử dụng! Thành ra gây war mãi!
hongson890
TÍCH CỰC
8 năm
@maithang215 IOS dễ dùng với những các tác vụ đơn giản. Còn với các tác vụ hơi nâng cao một tý như ví dụ của bạn thì Android làm tốt hơn. Mình cực ghét cái khoản select ảnh của ios, ko cho select all. Hồi trước bắt bấm chọn từng cái một. Em nào chụp 1000 cái ảnh thôi là chẳng bao giờ muốn xóa cả. Bây giờ đỡ hơn có tính năng quẹt tay để select nhiều cái một lúc, tuy nhiên xóa 1000 cái ảnh cũng chịu. 😁

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019