[Tâm lý học] Chúng ta biết gì về vô thức và thực tại tinh thần?

blueJune
22/10/2021 9:25Phản hồi: 10
[Tâm lý học] Chúng ta biết gì về vô thức và thực tại tinh thần?
Vô thức là phần tâm trí mà chúng ta không nhận thức được và có vẻ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Đó là nơi chúng ta lưu giữ mọi kí ức, suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Theo Sigmund Freud, một bác sĩ về thần kinh và nhà tâm lý học người Áo, tâm trí thường ngày của chúng ta không chỉ dừng ở những gì chúng ta nghĩ, cảm nhận, ghi nhớ và trải nghiệm. Đây chỉ là một phần nhỏ của những nguồn lực tâm thức mang tính tổng thể hoạt động trong thực tại tinh thần và chỉ mang tính bề mặt, nơi ta có thể tiếp cận dễ dàng và ngay lập tức, Vô thức mới là nơi chi phối những trạng thái nhận thức và hành vi của chúng ta.

Lý giải về vô thức và cách điều trị của Sigmund Freud

Có thể giải thích rằng khi những kí ức, suy nghĩ và xung năng không thích hợp hoặc tràn ngập khắp tâm trí hữu thức có thể chịu đựng được, chúng sẽ bị dồn nén và đẩy vào tầng vô thức, nơi ý thức không thể tiếp cận được. Từ đây, vô thức lặng lẽ điều khiển ý nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân. Sự chênh lệch giữa những suy nghĩ vô thức và suy nghĩ hữu thức tạo nên sự căng tâm thức. Nhận ra sự thật này, Freud đã phát triển lý thuyết phân tâm học vào cuối thế kỉ 19 - nghiên cứu về tâm trí và các thuộc tính tâm lý liên quan tạo nên tâm trí rồi đưa ra các điều trị phù hợp. Ông và bác sĩ Josef Breuer (người đã khám phá ra cách giảm trừ những triệu chứng nặng của bệnh tâm thần bằng cách yêu cầu bệnh nhân mô tả những huyễn tưởng và ảo giác của mình) đã cùng nghiên cứu về thôi miên và hysteria. Trong cuốn sách cùng thực hiện Những nghiên cứu về hysteria (1985), họ cho rằng có một cách để giải phóng những kí ức bị dồn nén khỏi vùng vô thức. Bệnh nhân sẽ nhớ lại kí ức một cách hữu thức và đối diện với những trải nghiệm cả về cảm xúc lẫn nhận thức, giải phóng những cảm xúc bị dồn nén và những triệu chứng sẽ biến mất.


Freud cho rằng có một vùng gọi là “tiền ý thức” - nơi những kí ức không nằm trong phần trí nhớ ngắn hạn thường ngày của chúng ta, nhưng cũng không phải bị dồn nén. Những kí ức này có thể được đẩy lên tầng ý thức bất cứ lúc nào. Vô thức hoạt động như một nơi chứa những ý nghĩ hoặc kí ức quá mạnh, quá đau khổ hoặc quá tải để phần tâm trí hữu thức có thể vận hành. Cách điều trị mà Freud nhấn mạnh là qua phân tâm học, làm phần vô thức trở nên có ý thức.

sigmund-freud.jpg
Sigmund Freud (1856 - 1939)


Cái nó, cái tôicái siêu tôi

Nhà tâm lý học cũng phát triển một lý thuyết về tâm trí bao gồm cái tôi, cái nó và cái siêu tôi. Đây không phải là các khu vực vật lý của não mà là các khái niệm giả định về các chức năng tinh thần quan trọng, được coi như ba phần thiết yếu của nhân cách con người.


Freud cho rằng cái nó hoạt động ở mức độ vô thức theo nguyên tắc khoái cảm, sự hài lòng đến từ việc thỏa mãn các bản năng cơ bản. Cái nó bao gồm hai loại bản năng sinh học Freud gọi là Eros và Thanatos. Eros hay bản năng sống, giúp cá nhân tồn tại; nó chỉ đạo các hoạt động duy trì sự sống như hô hấp, ăn uống và tình dục. Năng lượng được tạo ra bởi bản năng sống gọi là dục năng (libido). Ngược lại, Thanatos hay bản năng chết, là một tập hợp các lực lượng hủy diệt hiện diện trong con người. Khi năng lượng này hướng ra ngoài với người khác, nó thể hiện qua sự hung hăng và bạo lực. Freud tin rằng Eros lớn hơn Thanatos nên con người sẽ có xu hướng tồn tại hơn là tự hủy diệt.

Cái tôi phát triển từ cái nó trong thời kì ấu thơ. Mục tiêu của cái tôi là đáp ứng nhu cầu của cái nó một cách an toàn và được xã hội chấp nhận. Ngược lại với cái nó, cái tôi tuân theo nguyên tắc thực tại khi nó vận hành trong cả tâm trí có ý thức và vô thức.

Cái siêu tôi phát triển trong thời thơ ấu và chịu trách nhiệm đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức được tuân thủ. Cái siêu tôi hoạt động trên nguyên tắc đạo đức và thúc đẩy chúng ta hành xử theo cách có trách nhiệm với xã hội và được xã hội chấp nhận.

Vấn đề nan giải cơ bản nhất trong sự tồn tại của con người là mỗi yếu tố của bộ máy này đưa ra những yêu cầu không tương thích với hai yếu tố kia. Vì thế, xung đột nội tâm là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn, cái siêu tôi có thể khiến một người cảm thấy tội lỗi nếu các quy tắc không được tuân thủ. Khi có xung đột giữa các mục tiêu của cái nó và cái siêu tôi, cái tôi đóng vai trò trung gian cho các xung đột này. Cái tôi có thể lập nên các cơ chế phòng vệ khác nhau để ngăn nó trở nên quá lo lắng.

Những hoài nghi

Lý thuyết của Freud rất tốt ở việc giải thích nhưng lại không thể dự đoán hành vi (một trong những mục tiêu của khoa học). Vì lý do này, lý thuyết của Freud không thể kiểm chứng. Ví dụ, tâm trí vô thức rất khó để kiểm tra và đo lường một cách khách quan. Nhìn chung, lý thuyết này khá phi khoa học.


Bất chấp sự hoài nghi về tâm trí vô thức, tâm lý học nhận thức đã xác định được những quá trình vô thức, chẳng hạn như trí nhớ phương thức (Tulving, 1972), quá trình xử lý tự động (Bargh & Chartrand, 1999; Stroop, 1935) và tâm lý học xã hội cho thấy tầm quan trọng của quá trình trí nhớ ẩn (Greenwald & Banaji, 1995). Những phát hiện thực nghiệm như vậy đã chứng minh vai trò của quá trình vô thức trong hành vi con người.

Quảng cáo



Tuy nhiên, hầu hết các bằng chứng cho thấy các lý thuyết của Freud được lấy từ những mẫu không mang tính đại diện. Ông chủ yếu nghiên cứu bản thân, bệnh nhân và một đứa trẻ. Vấn đề chính ở đây là các nghiên cứu điển hình dựa trên việc nghiên cứu chi tiết một người và với sự tham khảo của Freud, những người được đề cập thường là những phụ nữ trung niên đến từ Vienna (bệnh nhân của ông). Điều này làm cho việc khái quát hóa toàn bộ dân số trở nên khó khăn. Mặc dù vậy, Freud cho rằng điều này không quan trọng. Ông cũng thể hiện sự thiên lệch nghiên cứu trong các diễn giải của mình. Có thể ông chỉ chủ ý tới thông tin hỗ trợ lý thuyết của mình và bỏ qua thông tin và các giải thích không phù hợp với chúng.

Tham khảo Simply Psychology
10 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Có 2 loại dữ liệu với tốc độ truy xuất khác nhau: Dữ liệu được lưu trong RAM và dữ liệu được lưu trong hard drive. RAM bị đầy thì lưu trong hard drive.

Bạn hiểu ý mình chứ? ;)
End-User
TÍCH CỰC
3 năm
Hay quá, lĩnh vực này mới, và khó, để phổ biến kiến thức mong mod nên có vài dòng đầu tiên giới thiệu về Ông, người đặt nền móng cho phân tâm học hiện đại.

Lĩnh vực này đọc, chiêm nghiệm cá nhân đã rất khó rồi, nhưng rất hay. Thanks BlueJune!
Lưu hết vào usb rồi 😂
NgoHaiLong
ĐẠI BÀNG
3 năm
Bạn viết thêm các bài về tâm lý nhé.
Giao diện mới tinhte, thời gian load trang cũng rất tinhte. Lâu quá lâu.
Cười ra nước mắt
đang uống lon thứ 3 vào đọc cái ngu cmn =))
IMPK
ĐẠI BÀNG
3 năm
Ông này có 1 học trò cũng khá đỉnh. Phân tâm học của ông ngày nay bị chỉ trích khá nhiều, nhưng nhờ ông mà có những vấn đề cụ thể đã được giải quyết cho các bệnh nhân tâm thần.
Đọc những cái này ng hiểu thì rất dễ hiểu, ng chưa thể hiểu thì rất khó để hiểu
Cảm ơn Mod những bài viết có thể ít view hay tương tác hơn so với những chủ đề khác, nhưng nó chứa nhiều thông tin hữu ích ^_^

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019