Nay đã là 30 tháng Chạp rồi!
Loay hoay vậy mà hết năm Quý Mão, chuẩn bị bước qua Giáp Thìn.
Mấy hôm nay về nhà mình cũng tất bật phụ ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm ít đồ cúng kiếng ba ngày Tết nhất. Năm nay, kinh tế khó khăn, tình hình chung là mọi người đều hạn chế chi tiêu. Quê mình năm nay bà con cũng ăn tết “gọn” thôi. Mọi năm có tiền mình mua to, xài nhiều, năm nay ít tiền thì mình “hà tiện” lại. Những thủ tục thờ cúng thuộc về truyền thống ông cha vẫn gìn giữ.
Mỗi vùng miền đều có những thủ tục, phong tục riêng vào mỗi dịp Tết, mỗi nhà sẽ mỗi khác nhau. Nhà mình thì ba mẹ vẫn giữ lại vài tục lệ được truyền từ ông bà.
Loay hoay vậy mà hết năm Quý Mão, chuẩn bị bước qua Giáp Thìn.
Mấy hôm nay về nhà mình cũng tất bật phụ ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm ít đồ cúng kiếng ba ngày Tết nhất. Năm nay, kinh tế khó khăn, tình hình chung là mọi người đều hạn chế chi tiêu. Quê mình năm nay bà con cũng ăn tết “gọn” thôi. Mọi năm có tiền mình mua to, xài nhiều, năm nay ít tiền thì mình “hà tiện” lại. Những thủ tục thờ cúng thuộc về truyền thống ông cha vẫn gìn giữ.
Mỗi vùng miền đều có những thủ tục, phong tục riêng vào mỗi dịp Tết, mỗi nhà sẽ mỗi khác nhau. Nhà mình thì ba mẹ vẫn giữ lại vài tục lệ được truyền từ ông bà.
Thủ tục bày trí các mâm cúng
Bàn thờ trưng dưa hấu
Làm gì làm Tết cũng phải có cặp dưa tròn trưng bàn thờ ông bà, đó là tục lệ từ xưa đến nay ở gia đình mình. Tục lệ ông bà sao thì mình giữ y vậy.
Những năm gần đây, vài gia đình ở xóm mình có chuyển sang trưng bưởi, quýt, dưa hấu dài… thay vì dưa hấu. Vì dưa hấu trưng xong ít khi ăn được, trái to nhưng trong ruột không ngon.
Nhà mình vẫn giữa nếp trưng dưa hấu tròn, nhưng mấy năm nay chọn loại dưa sọc, không hạt, trái vừa gọn gọn đủ trưng, qua Tết cũng ăn được.
Việc trưng dưa hấu theo ông bà là có ý nghĩa. Dưa hấu tròn trịa tượng trưng cho sự đủ đầy, viên mãn. Màu đỏ của ruột dưa hấu mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng.
Mâm ngũ quả
Bàn thờ có cặp dưa thì bàn dài có mâm ngũ quả.
Theo tục lệ ở miền Tây mình thì mâm ngũ quả phổ biến với 5 loại trái cây: Mãng cầu, Dừa, Đu đủ, Xoài, Sung. Thể hiện cho ước nguyên của gia chủ về một năm sung túc, đủ đầy.
Nhà mình thì trưng mâm trái cây nhiều hơn 5 loại quả, bên cạnh 5 loại cơ bản kể trên thì còn có thêm nho, nhãn, quýt cho đẹp mắt và là những trái mà cả nhà thích ăn. Trừ các loại trái nào có phát âm ứng với ý nghĩa không tốt như chuối (chúi nhủi, không phát), cam (cam chịu), lê (lê lết),…
Thịt kho hột vịt, canh khổ qua
Quảng cáo
Trong mâm cũng cơm ngày 30 của gia đình mình sẽ luôn có 2 món đặc trưng là thịt kho hột vịt và canh khổ qua. Ngày thường nhà mình cũng thích ăn 2 món này.
Ngày Tết thì thịt kho hột vịt tượng trưng cho ấm cúng, sum vầy. Sự hoà quyện giữa các nguyên liệu thịt và hột vịt ngụ ý cho tình cảm gia đình chan hoà.
Còn canh khổ qua thì phát âm như tên gọi là cho khổ nó qua. Những khó khăn trong năm cũ thì để lại năm cũ, bước qua năm mới những điều may mắn tới.
Trước khi bước sang năm mới
Gạo đầy hủ - Nước đầy lu
Tầm giờ này là hủ gạo nhà mình đã được làm đầy từ ít hôm trước. Tối nay thì các lu hủ trong nhà sẽ được đổ đầy. Đây là phong tục có từ rất lâu của gia đình mình. Điều này ngụ ý cầu mong cho 1 năm mới đủ đầy, ấm no, không bị thiếu thốn.
Bùa dựng nêu buộc phải có
Quảng cáo
Đêm giao thừa, ở quê mình nhà nào cũng sẽ làm thủ tục dựng nêu. Nêu là những tờ giấy viết chữ nho, thường gọi là bùa. Vào thời điểm giao thừa, ba mình sẽ mang bùa nêu ra treo trước nhà, trên cao nhằm xua đuổi tà ma, không cho chúng quấy nhiễu, giữ cho gia đình bình an.
Năm nào cũng vậy, từ những ngày 27-28 tháng Chạp là ba hay bà nội sẽ nói mình là đi chợ sẵn ghé mua bùa nêu, hoặc hỏi nay nhà mình mua bùa dựng nêu chưa?
Ngày đầu năm
Xông đất: Tuỳ duyên
Nhà mình từ trước đến nay không quá khắc khe trong việc xông đất, không quan trọng ai bước vào nhà đầu tiên. Hể ai đến nhà thì đều là khách, ngày đầu năm mới quan trọng phải vui vẻ, niềm nở. Đầu năm vui vẻ, cả năm hân hoan.
Nội mình nói rằng nhà có nhiều người, mỗi người 1 tuổi, không hợp người này thì cũng hợp với người kia, họp người này thì kỳ người nọ. Hơi đâu mà coi hay tránh, tuỳ duyên đi!
Chuyện quét nhà
Hồi trước, lúc mình còn nhỏ theo mình nhớ thì đêm 30 là nhà mình đã mang chổi đi dẹp đâu mất hết rồi. Mùng 1 thường là không quét nhà, các mùng khác thoải mái.
Trước cửa nhà có mấy cây mai nở rộ, gió đung đưa những cánh mai rơi, bay vào thềm nhà. Ông nội mình nói cánh mai vàng bay vào nhà như đón lộc năm mới, nên đừng quét đi.
Nếu nhà dơ, nhiều bụi và buộc phải quét thì sẽ bắt đầu quét từ trước thềm vào trong. Mang ngu ý đón tiếp những điều được trao vào đầu năm, chứ không xua đuổi.
Tết nguyên đán là dịp lễ cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Qua nhiều năm, ý nghĩa và vai trò của ngày Tết cũng đã không còn quan trọng nữa, ngày Tết càng mờ nhạt dần, có nhiều thủ tục, phong tục giờ cũng đã dần được lượt bỏ. Nhà mình thì vẫn giữ lại vài phong tục xưa nay, còn nhà anh em thì sao?