Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Tham quan “nhà máy vinyl truyền thống” Electric Recording Company (London)

AudioPsycho
2/5/2020 6:38Phản hồi: 9
Tham quan “nhà máy vinyl truyền thống” Electric Recording Company (London)
Gọi Electric Recording Company (London) là “nhà máy vinyl truyền thống” thực sự rất chính xác vì nơi đây hiện tại vẫn cắt đĩa theo quy trình như những năm 1950 ~ 1960. Electric Recording Company (sau đây gọi tắt là ERC) được đặt ở vùng phía Tây London, sở hữu dãy thiết bị phần cứng với công nghệ xưa cũ đồng thời cũng sản xuất đĩa theo quy trình truyền thống nhằm mang đến chất lượng nguyên bản nhất về cả chất lượng lẫn hình thức, từ đó đáp ứng được đòi hỏi của những khách hàng khó tính nhất.

ERC bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2012 và phát hành chủ yếu là các ấn phẩm nhạc jazz của những năm 1950 ~ 1960. Các tác phẩm mà ERC tái phát hành đến từ những tên tuổi nổi tiếng như Wilhelm Furtwängler, John Coltrane, Thelonious Monk hay Johanna Martzy.

tinhte_Electric_Recording_Company_vinyl_2.jpg

Mỗi đợt phát hành của ERC được giới sành nhạc đánh giá là “một kỳ công” và không lạ khi mức giá lên kệ của những chiếc đĩa của hãng này cũng vào phần “nặng ký”. Tùy từng đợt mà số lượng đĩa gia công sẽ chỉ từ 300 chiếc trở xuống, cũng như có giá bán từ $400 ~ $600/đĩa LP. Quy trình sản xuất đĩa của ERC sử dụng những thiết bị đời cũ (còn gọi là đồ vintage) được tân trang lại như tube-amplifier hay các hệ thống mono-tape, những thứ hầu như chỉ xuất hiện trong các studio khoảng nửa thế kỷ trước. Theo Pete Hutchison, sáng lập viên của ERC, quy trình làm đĩa của hãng nhắm đến mục tiêu “sản xuất đĩa theo cách thức nguyên bản nhất, trung thành nhất với quy trình của những năm 1950 ~ 1960”. Điều này được thể hiện qua việc mỗi chiếc bìa đĩa cũng được in đơn lẻ chứ không in hàng loạt như chu trình sản xuất hiện nay.

tinhte_Electric_Recording_Company_vinyl_3.jpg


Hutchison nói: “Việc quan trọng là mỗi ấn phẩm tái phát hành phải giữ được hình thái riêng biệt của album chính thức. Nó vẫn là bản đĩa tái phát hành tuy nhiên không thực hiện theo kiểu sao chép đại trà mà thay vào đó được chú trọng vào các chi tiết sao cho giống nhất với album phát hành lần đầu”.

Ý tưởng của Hutchison được rất nhiều người chơi vinyl quan tâm, trong đó chủ yếu là các nhà sưu tập đĩa vinyl. Dĩ nhiên nó cũng vấp phải các ý kiến trái chiều khác như “đắt đỏ một cách không cần thiết” hay “đĩa master kiểu nửa vời”. Điều này không làm Pete Hutchison nản chí, trái lại còn là động lực để ông chứng minh quan điểm của mình với cộng đồng người chơi audiophile.

Hutchison chia sẻ: “Định nghĩa audiophile đối với tôi thực chất mang tính quảng cáo nhiều hơn là giá trị thực sự. Theo tôi thì dân audiophile cũng chỉ nghe nhạc bằng tai chứ không phải bằng “cả trái tim” như nhiều người vẫn thường tung hô như vậy. Điều tôi đang làm chính là thoát khỏi những lối mòn xưa cũ của việc tái phát hành các bản thu theo quy mô đại trà, thay vào đó là sản xuất chúng theo đúng quy trình như trước đây để tạo ra những chiếc đĩa có giá trị nguyên bản cao nhất”.

tinhte_Electric_Recording_Company_vinyl_4.jpg

Phong trào hồi sinh vinyl bùng nổ trong thập kỷ qua đã khiến thị trường đĩa tràn ngập những bản album tái phát hành, tuy nhiên chưa có hãng nào thực hiện một cách “nghiêm túc cực hạn” như ERC. Hutchison đầu tư máy master Lyrec tape-deck và máy cắt đĩa (cũng của Lyrec) cùng chiếc amplifier Ortofon 1965, sau đó bỏ ra 3 năm với chi phí hơn $150.000 để tân trang chúng lại. Dây đồng cũng được ông thay thế bằng dây bạc để có được tín hiệu âm thanh sạch hơn. Thiết lập hệ thống này cho phép Hutchison “tránh” được những công nghệ mới hiện nay như chuyển đổi tín hiệu kỹ thuật số, xử lý máy tính hay sử dụng các linh kiện bán dẫn, thay vào đó là quy trình “hoàn toàn analog” bằng tape-deck và tube-amplifier.

tinhte_Electric_Recording_Company_vinyl_5.jpg

Công đoạn master cho bản thu bao gồm việc “cắt” các rãnh lên đĩa lacquer và chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể tạo ra các ảnh hưởng không ngờ, đúng nghĩa của câu “sau một li đi một dặm”. Hutchison cho biết ông luôn master đĩa ở mức âm lượng thấp, đôi khi còn nhỏ hơn so với bản thu gốc để co thể mang đến cảm giác tự nhiên nhất cho tiếng nhạc cụ. Kỹ thuật này được ông áp dụng trong dự án mới nhất cho album Mal/2 (1957) của nghệ sỹ piano jazz Mal Waldron, có sự tham gia của Coltrane. Hutchison cho biết ông đã phải thử nghiệm nhiều lần với tác phẩm One by One cho đến khi có được mức âm lượng phù hợp nhất cho phép thể hiện được đầy đủ các chi tiết trong tiếng trumpet của Idrees Sulieman.

Trong khoảng những năm 1990, Hutchison từng là một nghệ sỹ nhạc techno với nhãn thu riêng Peacefrog. Nhờ vào tài năng âm nhạc cùng sự nhanh nhạy trong kinh doanh, Peacefrog nhanh chóng phát triển và trở thành ERC như chúng ta biết ngày nay. Hutchison cho biết ý tưởng của ông nhen nhóm khi được thừa hưởng những bản thu classical từ người cha quá cố. Những bản thu này có chất âm cực kỳ tuyệt vời đã khiến ông đặt ra câu hỏi liệu có thể tái tạo chúng với chất lượng chính xác như vậy hay không? Câu trả lời chính là những gì ERC đang thực hiện.

Quảng cáo



Sau khi đầu tư và tân trang lại máy móc, ERC phát hành bộ 3 album Bach Solo của Martzy vào năm 2012 và ghi dấu ấn đầu tiên lên thị trường đĩa vinyl. Hutchison sau đó tiếp tục hướng đến các quy trình sản xuất và phát hành đĩa chi tiết hơn nữa, trong đó bao gồm cả khâu in ấn và đóng gói. Để “trung thành” nhất với quy trình làm đĩa ngày xưa, Hutchison quyết định chọn kiểu in letterpress cho chất lượng màu sắc tốt nhất, nhưng cũng làm chi phí cao hơn rất nhiều.

tinhte_Electric_Recording_Company_vinyl_6.jpg

Lấy ví dụ với album Mozart à Paris, để có được một ấn phẩm giống nhất với boxset phát hành năm 1956, Hutchison đã tiêu tốn nhiều tháng lùng sục khắp London để tìm ra đúng loại lụa làm dây trang trí. Bộ boxset 7 đĩa được ERC bán với mức giá $3.400 và hầu như chỉ nhắm đến khách hàng có sở thích sưu tập.

Mức giá khá cao cho mỗi album cũng liên quan đến các chi phí sản xuất và quy trình kiểm tra chất lượng vô cùng chặt chẽ của ERC. Điều này có nghĩa là dù ERC có sản xuất bao nhiêu bản album đi nữa thì lợi nhuận từ mỗi bản đĩa bán ra đều không thay đổi. Hutchison từng được hỏi rất nhiều lần rằng vì sao ông không “dập đĩa đại trà và bán giá rẻ để bán được nhiều đĩa hơn”, tuy nhiên bản thân câu hỏi này dường như đã đi ngược lại hoàn toàn những gì mà ông nhắm đến: đó là mang đến “chất lượng nguyên bản” cho các bản thu tái phát hành.

tinhte_Electric_Recording_Company_vinyl_7.jpg

Trái ngược với những ái ngại thường thấy là “đồ đắt kén người mua”, Hutchison cho biết đĩa của ERC phát hành rất được người dùng ưu ái và hầu như luôn số lượng đặt mua khá cao. Đại dịch coronavirus cũng có ảnh hưởng đến quy trình sản xuất của ERC đôi chút nhưng không quá nhiều, nói chung công ty vẫn làm đủ đĩa theo nhu cầu mua của khách hàng.

Quảng cáo



Hutchison tiết lộ rằng sau khi đặt được “nền móng” với nhạc jazz và classical, mục tiêu kế tiếp của ERC sẽ là rock. Gần đây ERC vừa đạt thỏa thuận cho phép tái bản album Forever Changes (1967) của Love. Bản tái phát hành dự kiến lên kệ vào tháng 7 năm nay, tiếp theo đó là Mal/2 vào tháng 8.

Một trong những album được ERC phát hành làm Hutchison tự hào nhất chính là Bach của nghệ sỹ piano Yvonne Lefébure. Album phát hành lần đầu tiên vào năm 1955 và hiện được tái phát hành theo chuẩn đĩa 10-inch. Album được gia công hầu như chính xác với nguyên bản gồm phần chốt gáy, bìa cotton và bìa da nổi không khác gì bản phát hành đầu tiên. Hutchison nói: “Nó là một tác phẩm nghệ thuật nếu không muốn nói là bảo vật. Và nó cũng là một album rất tuyệt vời”.

Nguồn nytimes
9 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thông tin hay, thks
Hyenu
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bọn England cái bỏ mẹ gì cũng đắt và lâu đời.
Lonely08
TÍCH CỰC
4 năm
@Hyenu Nhưng tụi nó lại không lỗi thời, thế mới đáng nói
Ấn tượng, thông tin hay 😃
qua2007
TÍCH CỰC
4 năm
nhìn cũng hầm hố
máy móc khá hầm hố
aceracer
TÍCH CỰC
4 năm
Râu dài thế
Mr Seen
CAO CẤP
4 năm
Hic mê món này quá mà hông đủ khả năng chơi hì hì
Amazing

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019