Thử hỏi "Tại sao tôi chụp ảnh chưa đẹp & cải thiện thế nào?"

tuanlionsg
2/7/2020 2:46Phản hồi: 105
Thử hỏi "Tại sao tôi chụp ảnh chưa đẹp & cải thiện thế nào?"
Chúng ta hay nói bức ảnh này đẹp, bức ảnh này chưa đẹp. Khi nói đến tính từ "đẹp" cho một bức ảnh, thì có muôn vàn lý giải theo nhiều góc nhìn và lý thuyết khác nhau. Ở đây, mình chỉ muốn giới hạn khái niệm "đẹp" dưới góc nhìn phổ thông của số đông người thích ghi hình lưu niệm, là đẹp theo sự hấp dẫn thị giác mà các bạn mong muốn như ý của bản thân mình, khi chụp một bức ảnh mà thôi.

Nhưng, không phải vì như thế, mà thiếu đi sự nghiêm túc, chăm chút cho mỗi khung hình mà chúng ta dành thời gian và nhiều giá trị khác để chụp nó. Vì vậy, nếu chưa hài lòng, thì cùng thử tìm xem nguyên nhân ở đâu, và có thể khắc phục thế nào nhé.

2512089_Trang_Den7_copy.tinhte.vn.jpg


1 - Tại cái máy ảnh
Cái máy ảnh là phương tiện để chụp ảnh. Nhưng có khi vì nó mà ta không chụp ra hồn được. Thật đấy! Không bàn đến chuyện có tiền chơi máy ở đây. Mà dù có hay không có, miễn nó hiệu quả cho việc chụp hình của cá nhân là ngon. Mình một thời cũng đua đòi chẳng kém gì ai, hiệu quả thì không tỷ lệ thuận, nên bây giờ mạnh dạn chia sẻ. Đừng than phiền về chuyện những chiếc máy ảnh của chúng ta chẳng đủ độ tốt. Chúng ta than phiền rằng mấy chiếc máy ảnh đó không phải “full frame", rằng chúng ta không thể chụp với ISO 12,800 (mà không có nhiễu ảnh), hoặc than rằng máy ảnh của chúng ta nặng quá, rồi thì máy không có “bokeh” đủ đẹp.


Ngày nay, đa số chúng ta là những nhiếp ảnh gia bàn phím. Chúng ta làm những việc phụ nhiều hơn, và lãng phí thời gian trên những website và diễn đàn về các thiết bị. Chúng ta mơ tưởng và thảo luận triền miên về chuyện mua một chiếc máy ảnh mới, thay vì việc cứ đi và chụp hình thôi.

Với mình, thường cảm thấy bị ngáng chân bởi sự thiếu thốn các thiết bị. Nhưng thực tế là đó chỉ là một lời ngụy biện thôi. Giờ đây, nhìn vào những chiếc máy ảnh cũ của những bậc thầy và nghĩ:

Nếu họ có thể tạo ra những bức hình để đời với phong cách cũ của riêng họ với những chiếc máy ảnh cồng kềnh, với film … Vậy tại sao tôi lại không thể tạo ra những bức hình đẹp trên điện thoại của mình? Hãy chụp thật nhiều ảnh bằng cái máy bạn đang có. Nó là cái tốt nhất đối với bạn.

4107582_cameratinhte.jpg



2 - Tại cách sử dụng máy ảnh

Có một vài điều phải nói thật rõ ở đây.
  • Thứ nhất, cách sử dụng thiết bị, máy ảnh và các phụ kiện không phải là môn học nhiếp ảnh, hay là lớp nhiếp ảnh cơ bản gì cả. Nó thuần túy là cuốn sách hướng dẫn dùng cho đúng cách một thiết bị. Thiết bị chụp hình cũng có sách hướng dẫn cách dùng sao cho đúng, phối hợp sao cho hiệu quả, một số thủ thuật và thậm chí có cả mẹo trong đó. Nhưng mà, rất ít người đọc sách đó khi mua máy ảnh và ống kính. Rồi đi tìm lớp học. Mà thực sự cũng vì nhiều người đọc nhưng khó hiểu quả. Thì các lớp ấy giúp giải thích cho dễ hiểu để dễ dùng. Dùng cho thành thạo một thiết bị giống như mọi đồ dùng khác hàng ngày vậy. Có thể tự học.
  • Thứ hai, việc phối hợp các hoạt động của nhiều chức năng khác nhau trên một bộ máy ảnh sẽ là một động tác tạo hình cơ bản. Những cái mà bạn hay nghe, như ISO, tốc độ trập, khẩu độ ống kính, DoF, trường ảnh, Dynamic Range, Layer, phối cảnh... hiệu ứng thị giác được tạo ra khác nhau khi thay đổi những thứ đó. Đó là cái phải học mới biết. Chẳng hạn hiệu ứng của ống góc rộng/ siêu rộng là sao, khi nào thì dùng; tele là sao, dùng thì sẽ có được gì và mất gì, tương tự các tính chất khác... Cho nên, nếu biết rõ ràng và đúng, thì người ta có chụp bằng một điện thoại không hề cần chỉnh chọt gì, họ cũng hiểu rõ họ sẽ tạo hình có hiệu ứng thị giác thế nào, khác với người không hiểu gốc gác là vậy. Nên học.
  • Học sử dụng thiết bị thành thạo không phải chỉ dừng lại cách vận hành, mà hơn thế, học phối hợp các thông số, tính năng của máy ảnh, ống kính, đèn... để tạo hình có hiệu ứng ảnh như ý muốn. Cần học.
IMG_1121.jpg

Quảng cáo


3 - Tại không biết canh khung

Ngày nay, cứ nhắc đến bố cục khung ảnh, rất nhiều người sẽ không thích, với lý do là cản trở sáng tạo tự do của họ. Nhưng, với mình, cũng cần phân định cho rõ, chớ mới lon ton học chụp hình, mà bản lãnh chủ quan tuyệt đối như thế cũng khó đi xa.
  • Về mặt cấu trúc - Một khung hình cơ bản cho người bắt đầu, nó như một luật chơi cái game gì đó, đá banh chẳng hạn. Mọi trận banh đều chung một chuỗi luật định sẵn, nhưng chẳng có trận cầu nào giống trận nào, và nó có sự hấp dẫn riêng. Những gợi ý về việc sắp xếp (bố cục): đa dạng chủ thể, nhân vật; nhân vật trước cắt nhân vật sau, tỷ lệ gần xa, vị trí sắp đặt ở đâu trên khung để thu hút thị giác, đường thẳng hay đường xiên, màu sắc chủ đạo hay sử dụng ánh sáng chủ đạo... tất cả chúng liên quan đến góc rộng / hẹp của ống kính, khoảng ảnh rõ dày hay mỏng, lớp ảnh sít lại hay tách rời... do thiết bị tạo nên, đều là cần thiết cho người bắt đầu.
  • Về mặt ngữ nghĩa nội dung - Một khung hình mang một thông điệp, một lượng thông tin, hay chỉ là một ngẫu hứng cho người xem trầm trồ, thắc mắc, ngỡ ngàng, phản ứng... vui buồn, hài hước ý nhị hay kịch tích thâm sâu... không phải ngẫu nhiên mà có. Chúng được tạo ra cũng xuất phát từ việc người chụp chủ ý, chọn lựa một khung hình được cắt crop trong một đại cảnh rộng lớn ngoài đời thực, rồi sắp đặt nó nằm ở đâu trong khung để người xem có những cảm hứng trên. Đó là một cách tuân theo cách nhìn của mắt người mà họ muốn người xem. Tóm lại là ngoài bẩm sinh Trời phú, việc bố cục một khung hình cũng cần thiết học.
Mọi quy tắc như những vật dụng giúp một đứa trẻ tập đi, rồi sau đó chúng sẽ chạy nhảy tự do. Cứ tuân theo luật nếu nó hiệu quả; nếu không hiệu quả thì hãy bỏ qua và đi theo cách riêng của mình. Bố cục là cái người ta "nhìn thấy" và "suy nghĩ", đặc thù và độc đáo, nên quan trọng là phải "nhìn thấy" và những gì bạn "suy nghĩ". Bố cục xuất hiện để đáp ứng nhu cầu khoảnh khắc mà người chụp cảm thấy phù hợp để ghi nhận và chuyển tải nội dung hay ý nghĩa của cảnh huống ấy.

4107574_cameratinhte-4.jpg
Ảnh Viviant Maier


4- Tại biết sáng mà không biết tối
Dĩ nhiên là chụp cảnh vật có nhiều ánh sáng thì ảnh sẽ rõ ràng, trong trẻo, màu sắc no hơn... nhưng nhiều khi, một phần chủ thể nằm trong vùng tối cũng là cách nhiều người dùng để làm nổi bật chủ đề hơn, dễ hấp dẫn thị giác người xem hơn. Anh em thích ánh sáng vàng bình minh hoàng hôn thì chụp bình minh hoàng hôn, anh em thích ánh sáng những con hẻm cắt xéo khung thì anh em cứ chụp... nhưng cái làm cho anh em vui với bức ảnh nhiều hơn, đó là anh em hiểu rõ luồng sáng hay tia sáng đó đã đóng góp cho bức ảnh tốt hơn thế nào.

Những người bắt đầu, chịu khó tìm hiểu về hướng ánh sáng chiếu và vật thể phản chiếu lên máy ảnh thế nào, từ hướng nào sẽ giúp cho việc tạo ra bức hình ưng ý. Chẳng hạn chụp ra bức hình mà người được chụp tối đen, thì xem xem là ánh sáng đang chiếu vào chủ thể đó từ hướng nào, rồi thử thay đổi vị trí chụp mà xem. Từ từ nó thành thói quen cảm nhận về ánh sáng, tạo nhiều cảm hứng chơi hơn.

Quảng cáo



IMG_0637.jpg


5 - Tại góc chụp đơn điệu lập đi lập lại
Cái này có lẽ nói ở phần bố cục. Nhưng tách ra thế này cho người mới dễ đọc. Đại loại là một khung hình thì sẽ có nhiều thứ ở trong đó. Lựa chọn vị trí đặt máy, góc nhìn từ thấp, ngang, hay từ cao xuống; ống kính góc rộng chụp cận cảnh, hay có khoảng cách; cách chọn nhiều lớp ảnh trong khung hình hay là chụp tối giản (minimalism)... tất cả sẽ tạo một phối cảnh nhất định nào đó, để diễn tả ý muốn của người chụp. Hồi mình học, đơn giản ban đầu là tập theo thế này:
  • Nhân vật đa dạng
  • Kích cỡ khác nhau
  • Hướng nhìn khác nhau
  • Khung viền cắt nhân vật
  • Nhân vật cắt nhân vật
Bạn thử tập mỗi ngày với nhiều góc nhìn khác nhau cùng một cảnh vật, đối tượng nào đó. Rồi quan sát sự khác nhau của các bức hình được chụp. Nếu có thể thì chụp nhiều vị trí cao thấp và xa gần nữa.


4107573_cameratinhte-3.jpg
Ảnh Viviant Maier thể hiện một phần cuộc sống hưởng thụ của xã hội Mỹ đầu thế kỷ 20


6 - Tại chụp mà không biết chụp gì

Chủ đề chính mà người chụp xác định cho ảnh của mình, có thể là:
  • Một chủ đề tĩnh, bất động cho phép người cầm máy đủ thời gian cần để xử lý khung ảnh tốt nhất có thể. Họ sẽ xem xét chủ đề ở nhiều góc, hướng sáng, kết cấu thành phần... và lựa chọn kỹ thuật phù hợp. Người chụp suy gẫm nhiều.
  • Một chủ đề động, dịch chuyển liên tục, khoảnh khắc không lập lại, rất khó để tóm được cái "thần" của cảnh huống với một cú bấm duy nhất, vì không biết trước và sau của sự chuyển động. Người chụp cần khả năng quan sát nhạy bén, đoán trước tình huống, sẵn sàng và phản xạ nhanh.
  • Ảnh mang tính chủ đề trừu tượng như một vẻ đẹp, sự ngạc nhiên, rạng rỡ, niềm vui hạnh phúc, sự giận dữ, mạnh mẽ, quý phái... Người chụp cần có đủ nhạy cảm để cảm nhận tính chất ấy nơi chủ đề và đủ nhanh nhạy làm bộc lộ nó trong khung ảnh của mình.
2512070_255647_113119088890180_1260559040_n.tinhte.vn.jpg


7 - Tại xem thường mấy cái phụ nhỏ nhỏ
Nhiều bức ảnh không đạt hiệu quả như ý muốn, chỉ vì người chụp không chú ý hoặc chưa đúng mức đến các chủ đề phụ xuất hiện trong khung ảnh. Tự thân các chủ đề phụ vẫn là phụ, nhưng chúng vẫn có sự tác động mạnh đến ấn tượng chung của toàn khung. Đó là hậu cảnh, tiền cảnh, bầu trời, đường chân trời.

Hậu cảnh
Phần phía sau là hậu cảnh của chủ đề. Hậu cảnh không nên có màu sắc, hình thù, độ sáng... tương tự với chủ đề, làm cho chủ đề lẫn lộn với hậu cảnh, không phân biệt đâu là chủ đề và đâu là hậu cảnh. Người ta gợi ý các cách:

  • Dùng ánh sáng tách bạch thị giác để phân biệt chủ đề và hậu cảnh, nhìn thấy cái này nhạt hơn hoặc đậm hơn cái kia tạo được sự tách bạch giữa chủ đề chính và hậu cảnh. Bạn xem ảnh sau sẽ thấy có tấm chủ đề bị chìm hẳn trong hậu cảnh.
  • Dùng ống có khẩu độ lớn đẻ làm mờ nhoà hậu cảnh và làm chủ đề nổi bật, tạo ấn tượng chiều sâu hoặc gần xa giữa chủ đề chính và hậu cảnh bằng sự tương phản mờ và rõ.
  • Lia máy để làm rõ chủ đề chính đang chuyển động với hậu cảnh, chủ đề rõ nét trên hậu cảnh mờ nhoè hậu cảnh hoặc xung quanh và cũng tao ấn tượng chuyển động cho ảnh.
  • Đặt chủ đề trên nền hậu cảnh có màu sắc trung tính, không sặc sỡ, nổi bật chi tiết gây tác động sự tập trung mắt nhìn. Nền da trời được cho là trung tính và dễ làm nền nhất.
2512126_57.tinhte.vn.jpg

Tiền cảnh
Tiền cảnh biểu trưng sự gần gũi còn hậu cảnh diễn tả khoảng cách xa xôi không gian. Khi chọn nhấn mạnh tiền cảnh hay hậu cảnh là người chụp muốn diễn tả một ý đồ cụ thể.
  • Nghiêng máy lên/xuống để lấy nhiều/ít tiền cảnh.
  • Dùng ống tele thì giảm cảm giác chiều sâu ảnh, dùng wide để nhấn mạnh tiền cảnh.
  • Dùng một vật tiền cảnh tạo tương phản gần xa / chiều sâu ảnh.
IMG_0258.jpg

Bầu trời
Khi chụp ngoài trời, hãy chú ý bầu trời ngoài việc tập trung vào các đồ vật, con người, sự việc đang diễn ra dưới đất. Bầu trời có hiệu ứng tác động rất mạnh đến ấn tượng hình ảnh. Và, thời điểm chụp bầu trời khác nhau sẽ có hiệu quả hình ảnh khác nhau. Chọn góc chụp và thời điểm chụp lấy hậu cảnh mây trời là điều thú vị.

2512128_1006315_151287115073377_1825456803_n.tinhte.vn.jpg


Chân trời
Là đường phân chia bức ảnh thành hai phần chính. Nó thẳng hay không thẳng đều tác động đến khung ảnh. Đường chân trời thấp thì khoảng trời bay bổng rộng lớn nhấn mạnh đại cảnh; đường chân trời cao , khoảng trời hẹp lại thì chi tiết dưới đất được nhấn mạnh/.

DSC_0735_1.jpg


8 - Tại nhìn mà không thấy
Chúng ta có thể chụp rất nhiều hình, bằng máy ảnh hoặc bằng điện thoại. Nhưng, nếu chụp ảnh nghiêm túc hơn, chúng ta không vui vì chưa có ảnh đẹp, vì có thể chúng ta không biết chụp gì. Đây là khó khăn của rất nhiều người bắt đầu.

Tập luyện đầu tiên là hãy tìm kiếm một tông màu. Chẳng hạn bạn có thể thử chỉ tìm những thứ có màu Vàng Cam và chụp suốt ngày với chỉ một màu ấy. Bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra có rất nhiều thứ màu Vàng Cam bạn có thể nhìn thấy trong thành phố của bạn, mà trước đó bạn không để ý. Việc này có nghĩa là bạn phải tập trung nhìn vào một thứ duy nhất để thực sự nắm bắt đươc nó cách tốt nhất. Thậm chí bạn không cần phải chụp ảnh; bạn có thể bước đi, thả bộ thong thả và đảo mắt nhìn chung quanh, cố làm sao nhìn thấy cho được nhiều thứ có màu Vàng Cam trên đường đi.

4107578_cameratinhte-8.jpg


9 - Tại tự ái khi xem ảnh của người khác

Nếu những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia thành danh mà còn tồn tại được đến nay, thì hẳn là chúng phải có lý do nào đó. Mình không cực đoan, nhưng có cảm giác, 99% nhiếp ảnh gia hiện đại với hình ảnh của họ có rất nhiều thông tin nhiễu do truyền thông. Chỉ có một cách chẳng đặng đừng, nếu muốn học, phải lọc tìm những bức hình được thực hiện ít là 10 năm trở về trước. Sách ảnh (photobook) là nơi dễ gặp những tác phẩm để học hơn là trên mạng.

Tất cả những nhiếp ảnh gia bậc thầy đều đã qua đời rồi. Chúng ta không cảm thấy đố kỵ hay ghen tị với những người đã khuất. Cũng giống như cách tôi không cảm thấy đố kỵ với thành công của Henry Ford, nhưng tôi có thể ghen tức với thành công của bạn tôi (người giàu có hơn tôi), một người vẫn đang còn sống sờ sờ trước mắt tôi.

Nếu bạn được truyền cảm hứng bởi một nhiếp ảnh gia bậc thầy trong quá khứ, bạn không phải chạy đua và thi đấu với họ. Thay vào đó, hãy tưởng tượng họ nằm dưới nấm mồ kia …, tạo động lực để bạn tạo ra những bức ảnh đẹp hơn. Theo những ông thầy đang dẫn dắt bạn hiện tại, nếu không đủ bản lãnh hoặc dẫn không đúng cách là người gợi ý chỉ đường, bạn rất dễ nhai lại khung hình mà họ đã thực hiện. Và, ngay chính bạn cũng không hài lòng về bản thân và dễ nản.

4107580_cameratinhte-12.jpg


10 - Tại không đi chụp hoặc lười chụp
Sau khi học hỏi và tìm hiểu về nhiếp ảnh, hãy dành thêm thời gian cho việc chụp, chụp thật nhiều. “Luôn cầm máy ảnh trên tay, trừ khi đi ngủ”. Sẵn sàng máy ảnh thì sẽ có nhiều cơ hội để chụp ảnh hơn. Cất kỹ trong tủ hay túi xách sẽ khó thấy các bức ảnh xuất hiện hơn. Tò mò và cởi mở với mọi thứ đang diễn ra, luôn có những bức ảnh tuyệt vời để chụp.

Bạn có thể thực hành tập luyện này mỗi ngày theo cách riêng của bạn. Hãy nhìn chung quanh và bắt đầu lên khung cho các tình huống, suy nghĩ về các chủ đề, tìm kiếm các cơ hội. Có rất nhiều tình huống trong từng ngày sống mà qua đó bạn có thể chụp được nhiều bức ảnh.

2015-07-04 09.24.14.jpg
105 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Suy đi tính lại là tại cái thằng chụp ảnh ngu ngơ thôi, như mình dơ lên là chụp chẳng thấy nghệ với thuật đâu cả
@trainoitrull Bây giờ với giá máy tầm trung thì đã đủ chụp nghệ thuật rồi, chứ chưa nói đến máy cao cấp, lens bây giờ họ làm ra cũng tinh xảo hơn nhiều, tất nhiên là hầu hết các máy ảnh bây giờ đều có sẵn các công nghệ điện tử hiện đại để giúp bạn chụp bức ảnh đẹp.
Còn điện thoại thì cũng thế thôi, để chụp mì ăn liền up nhanh qua mạng xã hội thì chỉ cần tươi màu nịnh mắt, thuật toán xử lý mấy cái thừa tốt như lem nhem, tím viền, bóng mờ, cháy sáng, méo ảnh khá tốt.
Nên là bác đừng tự ti quá, công nghệ hỗ trợ mạnh đến thế để fiups những người hay tự ti bớt tự ti hơn đấy
@hieu282828 Theo mình cứ chơi máy hết cỡ đi, tầm 50 triệu - 100 triệu mà ảnh chưa đẹp thì mới thấy là đẹp xấu không phải do thiết bị rồi bán hết đi mua con điện thoại ghẻ chụp đảm bảo ảnh đẹp. Kinh nghiệm cá nhân của mình đó.
@p700i có mua rồi thì nói nghe !
@trainoitrull Đừng vội chụp ảnh mọi người ơi, hãy quan sát nhiều hơn. Rồi từ từ cảm nhận khung hình ấy.
Yêu quá
Vũ!
CAO CẤP
4 năm
tính ra là không biết đi đâu để chụp, suốt ngày đi vòng vòng nơi ở thôi
@Cô Hàng Xóm Chụp cô hàng xóm là đc.
Vũ!
CAO CẤP
4 năm
@samsung focus Cô hàng xóm có chủ hết rồi bác, chụp thì vỡ mồm ngay
@Cô Hàng Xóm chụp lén nha

| Sent from ĐIÊN-DÂM-NHẠT-1981 using TheBubsBerry HétLa |
Bấy lâu nay E vẫn ko ngừng tự hỏi bản thân câu này mà vẫn chưa khắc phục được 😐
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
@crazysexycool1981 cái gì khó quá đừng cố quá bác ui 😄
@caffeinezzZ Vậy đi, cho đời nó đẹp
anhlt
CAO CẤP
4 năm
@crazysexycool1981 chụp khoe iphone với macbook thì nhanh 😁
@caffeinezzZ Thôi, dần dần thời gian sẽ vỡ ra vậy 😌
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
mt9011
TÍCH CỰC
4 năm
Bài viết hay và rất có tâm ! Thanks
Chụp đẹp để làm gì các bác?
@caffeinezzZ Để đẹp hơn chụp xấu chứ bác 😆
@caffeinezzZ chụp đẹp để lưu giữ và truyền tải hình ảnh đẹp, vừa làm vui mắt người xem, người được chụp và vui người chụp bằng liek
@caffeinezzZ Câu hỏi về mục đích à bác. Nó giống như lấy vợ đẹp để làm gì ấy (nói vui nhé). Cái đẹp là một đối tượng mà tự nó làm con người luôn mong muốn. Người ta hay nói cụm "chân - thiện - mỹ", thì ngoài khao khát sự thật (chân), sự tốt (thiện), thì sự đẹp (mỹ) là mong muốn cả đời ấy. Ảnh đẹp là một mảng nhỏ nhỏ trong đó.
@tuanlionsg Tks bác!
Chụp ảnh lắm công phu, mình thì đưa máy lên là chộp thôi chứ hong biết canh chỉnh gì
Chụp ảnh để làm gì để làm gì mục đích để làm gì. Để bán. Để up facebook hay để in ảnh
Tóm lại là có mục đích xác định mục đích là bc đầu tiên để có ảnh đẹp
Dài quá, em lưu lại đọc sau
Chụp ảnh đẹp để cúng cho Facebook Zalo.
@Lê văn zyx Để còn kiếm like nữa chứ😀😀
96,69% bảo hình không đẹp là do máy 😔
Ảnh đẹp quá
iGosu.net
ĐẠI BÀNG
4 năm
Xấu đẹp là do người chụp nhe 🤣
bài viết hay
Chắc là tại người xem ko cùng “Gu” với người chụp ấy mà. 😅😅
cũng rất muốn cải thiện mà chụp hoài không lên tay!
ndta13
CAO CẤP
4 năm
Tại không thường xuyên ghé camera tinh tế :v
Em hóng buổi workshop chủ nhật này được ghi hình lại lắm nha anh Tuấn, chứ hôm đó em có việc bận rồi 😁
@ndta13 Mình sẽ nhờ anh em quay nhé. Dạo này anh em quay hay bận cuối tuần 😔
ndta13
CAO CẤP
4 năm
@tuanlionsg Anh Tuấn thiệt dễ thương quá nhoa <3
HMToon
CAO CẤP
4 năm
Có thích r chụp nhiều r lên thôi chứ biết sao giờ!
sonvchp
ĐẠI BÀNG
4 năm
Chụp chưa đẹp là tại chưa dùng iP11. Nghe nói, ai dùng nó cũng thành nhiếp ảnh gia???
Còn nếu dùng “bếp than tổ ong” mà chụp vẫn chưa đẹp thì thử chuyển sang dùng “bếp từ” xem sao???
@sonvchp iPhone 11 mình ko rõ chứ Pixel cứ cầm lên bấm là đẹp, Google Camera có 1 con AI giỏi Ps vl nằm bên trong sửa ảnh giúp mình :v
sonvchp
ĐẠI BÀNG
4 năm
@zer0_7 Mình nói cho vui thôi chứ mình vẫn thik chụp bằng DSLR hơn bro ạ!
@sonvchp Những nhận định ấy, có thể khích lệ các bạn chụp ảnh nhiều hơn với điện thoại, nhưng nội dung đó rất nguy hại, dễ tạo sự ngụy tưởng. Những tính năng xử lý này kia các kiểu không làm cho người ta chụp tốt hơn nếu không biết chụp gì.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019