Các nhà khoa học tại Đại học Johns Hopkins và Makerere đang tìm cách dùng máy bay drone để vận chuyển máu tới cho các bệnh nhân ở khu vực xa xôi hẻo lánh. Sau những thử nghiệm cho kết quả hết sức khả quan, nhóm nghiên cứu hy vọng rằng họ sẽ tiếp tục được thử nghiệm thực tế tại châu Phi, nơi mà những cơ sở y tế thường cách rất xa các trung tâm chuyên nghiệp.
Dựa án dẫn đầu bởi bác sĩ Timothy Kien Amukele tại Đại học Johns Hopkins. Ban đầu, nhóm kêu gọi 56 người trưởng thành khỏe mạnh, sau đó lấy 6 mẫu máu từ mỗi người. Một nửa trong số 6 mẫu máu này (đại diện cho mỗi người) sẽ được đóng gói cẩn thận và đặt lên chiếc máy bay drone 3DRobotics. Cuối cùng, chiếc drone sẽ mang theo các mẫu máu tới nhiều địa điểm định trước cách đó từ 6 đến 38 phút.
Trong quá trình thử nghiệm, nhiệt độ không khí vào khoảng 21 độ C và chiếc drone không được bay cao quá 100 mét. Sau khi vận chuyển hoàn tất, toàn bộ các mẫu máu (cả mang đi lẫn đặt tại chỗ) đều được mang trở về Phòng thí nghiệm thuộc Bệnh viện Johns Hopkins để kiểm tra. Tại đây, các mẫu máu sẽ trải qua 33 bài thử nghiệm để đánh giá.
Lúc đầu, một số ý kiến cho rằng việc tăng tốc độ khi máy bay cất cánh và độ rung lớn khi hạ cánh có thể ảnh hưởng đến chất lượng các mẫu máu. Tuy nhiên kết quả cho thấy hầu như toàn bộ các mẫu máu, dù có bay hay không bay, vẫn có chất lượng như nhau. Trong một số trường hợp vẫn có sự khác nhau về nồng độ CO2 trong máu nhưng các nhà khoa học cho rằng đó là do sự chênh lệch về thời gian vận chuyển máu sau khi bay với drone về phòng thí nghiệm.
Bác sĩ hy vọng sắp tới sẽ được tiến hành các thử nghiệm thực tế cách làm này tại châu Phi, nơi mà những cơ sở y tế thường nằm ở vị trí rất xa so với các trung tâm thí nghiệm chuyên nghiệp. Ông cho biết: "Một chiếc drone có thể đi 100 km trong vòng 40 phút. Chúng ít tốn kém hơn so với xe máy, không bị kẹt xe và công nghệ hiện tại hoàn toàn có khả năng lập trình những chiếc drone di chuyển tới một tọa độ GPS chính xác giống như chim bồ câu vậy."
Tham khảo Hopkinsmedicine, Gizmag