Trang AnandTech đã có cơ hội thử nghiệm kết nối Thunderbolt trên Windows với mainboard Z77A-GD80 đến từ MSI, một trong các bo mạch máy bàn đầu tiên hỗ trợ Thunderbolt. Với sự xuất hiện của các mainboard như thế này, Thunderbolt sẽ dần hiện diện trên nhiều máy tính Windows hơn chứ không còn là một tính năng chỉ có ở máy Mac như một năm trước. AnandTech đã có thể vừa xuất hình ảnh ra màn hình ngoài, vừa tiến hành thao tác với dữ liệu chứa trên ổ cứng rời. Tốc độ đọc ổ đĩa và xuất hình thông qua Thunderbolt trên Z77A-GD80 đều đạt mức 7Gbps. Đây là một con số khá tốt so với tốc độ lý thuyết 10Gbps cho mỗi kênh truyền tải của Thunderbolt. Tuy nhiên, khi gắn thiết bị theo chuỗi nối tiếp (daisy-chan) phức tạp thì một số có thể không hoạt động ổn định. Trên OS X cũng xảy ra chuyện này nhưng AnandTech gặp nhiều hơn khi chạy Windows.
Theo AnandTech, Windows không hỗ trợ việc gắn nóng thiết bị Thunderbolt vào máy. Bạn có thể ngắt kết nối Thunderbolt khi đang trong Windows nhưng nếu kết nối thiết bị mới vào thì máy không thể nhận ra. Bất cứ thứ gì muốn gắn vào Thunderbolt đều phải thực hiện khi Windows khởi động. OS X thì linh hoạt hơn khi cho phép người dùng gỡ và gắn bất cứ lúc nào họ muốn. Intel cho biết hãng sẽ sớm ra mắt bản nâng cấp driver dành cho các thiết bị đã "được chứng thực" để khắc phục vấn đề "gắn nóng" trên Windows. Hãng cũng nói rằng mainboard dùng trong thử nghiệm của AnandTech chưa trải qua quá trình chứng thực nên còn nhiều vấn đề phát sinh. Các lỗi này sẽ biến mất một khi Intel cấp chứng nhận hoạt động tốt với Thunderbolt.
Hệ thống mà AnandTech thiết lập để kiểm tra Thunderbolt trên Windows