QGeeM: chiếc docking station thunderbolt 4 đa năng
Tổng quan
Với các anh em dùng MacBook đã không còn xa lạ gì với cảnh lúc nào cũng thiếu cổng ngoại vi. Giải pháp cho điều này thì vô vàn, từ những chiếc hub bổ rẻ cung cấp thêm vài cổng USB A, cho đến các hub to hơn, nhiều cổng hơn, bổ sung thêm các cổng xuất hình hiển thị đủ 4k60Hz, đến những chiếc dock cần cả nguồn riêng nhưng giao thức USB-C, và cao cấp nhất là những chiếc dock với giao thức với host là thunderbolt ¾. Gần đây với sự xuất hiện của dòng MacBook 14 và 16 inch mới, cũng như là Mac Studio, thì sự khan hiếm cổng đã đỡ hơn rất nhiều, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều anh em “cổng thủ” với mục tiêu trang bị cho cỗ máy của mình đầy đủ các cổng hơn bao giờ hết. Đó cũng là lí do tại sao dock ngày càng được cải tiến với nhiều cổng hơn, nhiều công năng hơn (như dock cho Mac studio và Mac mini; hoặc dock có cổng gắn SSD NVMe).Tôi cũng không ngoại lệ, sở hữu chiếc MacBook M1 pro 14 inch, tôi khát khao có thêm cổng cho cỗ máy của mình, từ việc loay hoay quanh những chiếc hub tạm bợ 5,6 cổng, tôi đã đi thẳng tới chiếc thunderbolt dock đầu tiên trong đời: Elgato thunderbolt 3 docking station.

Chiếc dock thunderbolt cũ Elgato của tôi. Vẫn rất là ngon nghẻ
Anh em cần chú ý rằng, M series cao cấp hơn (M1 pro trở lên) sở hữu cổng được ghi rõ là thunderbolt 4. Còn những con máy như MacBook Pro M2, dù có ra đời sau đi nữa, tên cổng vẫn chỉ là thunderbolt/USB 4. Điều này đã được tìm hiểu rõ sau một thời gian, khi mà Apple có lẽ đã cố tình khai thác tiêu chí thunderbolt 3 cũng như USB4 theo cách có lợi nhất có thể. Không giống như bên thunderbolt 3 mà Intel đã trang bị cho phần còn lại của thế giới, thunderbolt 3 của Apple thực sự chỉ thoả tiêu chí tối thiểu của nó, trong bối cảnh nhằm “phù hợp hoá” với sự hạn chế của chip M1/M2, và hệ quả chỉ xuất mỗi được một con màn hình, đã được nói lên nói xuống từ rất lâu rồi. Mọi người có thể đọc thêm tiêu chí và bản chất thunderbolt cũng như USB4 trên web của Intel. Anh em có đang nghĩ tới Displaylink? Tôi sẽ nói về nó sau.

So sánh giữa Air M2, Pro M2 và Pro M2 pro chip
Tới đời của M1 pro trở lên, mọi thứ đã khác. Phần cứng mạnh mẽ hơn, có lẽ là động cơ để tạo nên một cổng thunderbolt 4 đúng nghĩa và tự tin ghi trên Tech Specs: thunderbolt 4. Với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt được tạo ra với danh xưng “thunderbolt 4”, có lẽ Apple cũng không dám, hoặc không thèm mập mờ nữa: dư xăng xuất 2 màn hình 6K với M1 pro, 4 màn với M1 max,.. và hơn thế nữa. Tuy nhiên nếu đúng là thunderbolt 4 thì 2 màn hình 4k (tôi nói là 4k nhé) có thể chỉ cần xuất qua một cổng mà thôi. Bàn điều này làm gì? Bởi vì tôi là một người thích mọi thứ gắn với MacBook chỉ qua một sợi cáp, dù đang xuất hơn 1 màn hình đi nữa, xong việc lại rút 1 cộng đó ra thôi. Dock thunderbolt 3, có lẽ đối với tôi, đây là việc nó có thể làm được với nhiều ý nghĩa nhất.
Tham, tham nữa, tham mãi. Khi có dock thunderbolt 3 dùng một thời gian rồi, tôi lại thấy “ sao ít cổng USBC quá, sao có dư mỗi một cổng thunderbolt, sao không có thêm này thêm kia..”. “Cổng thủ” như tôi lại bắt đầu dòm ngò các phiên bản “pro” của thunderbolt 3 (chuyển USBA thành USBC, nhiều cổng 10Gb/s hơn là 5Gb/s, có thêm card reader..) nhưng vẫn không làm tôi thoả mãn. Ơ, cổng của MacBook của tôi là thunderbolt 4 cơ mà? Có lẽ mình cần tìm dock thunderbolt 4 để phát huy hết sức mạnh. Và a lê hấp, sau một thời gian đào bới, tôi đã rinh em thunderbolt 4 này về để thay cho dock thunderbolt 3 cũ, và cuộc sống setup của tôi đã đổi thay.

Có thể thấy không giống thứ thunderbolt 3 bên thế giới Win, thunderbolt 3 trên M1/M2 chỉ thoả tiêu chí tối thiểu của Thunderbolt
Tính năng: đầy đủ một cách vừa đủ
Đầy đủ, có lẽ chiếc dock QGeeM này của tôi chỉ thua con Caldigit TS4 mà thôi, nhưng mà “hơn trong thua”. Tôi sẽ để hình ở đây thay vì liệt kê chi tiết một cách nhàm chán. Nếu so sánh thô thì 16 cổng ít hơn 18 cổng đấy, nhưng nó lại không hẳn:- Caldigit có sự bổ sung về cổng âm thanh audio 2-in-1 bên canh 2 cổng microphone và earphone riêng lẻ. Đối với tôi thì tôi không cần.
- Nhiều USB-A hơn? tốc độ 10Gb/s cao hơn với khả năng cung cấp dòng 7,5w, tôi cũng chả cần vì:
- - Nếu tôi cần truyền dữ liệu, tôi sẽ dùng hẳn cổng thunderbolt nếu là eGPU hoặc thunderbolt/M2 Nvme 10Gb/s box , hoặc cổng USBA với tốc độ 5Gb/s nếu là HDD gắn ngoài (giao thức lý thuyết chỉ là 6Gb/s và tốc độ thực tế thì 5Gb/s là quá đủ). Thực sự tôi không rõ công việc đặc thù cần USB-A 10Gb/s để làm gì (nếu thiết bị ngoại vi có tốc độ đó thì cổng giao tiếp thường là USB-C luôn rồi).
- - Nếu tôi cần truyền điện, thì 7,5w là một con số rất lỡ cỡ. AW hay AirPods cũng chỉ từ 2,5-5w thôi, còn điện thoại thì không bàn rồi, huống chi con caldigit còn có một cổng USB-C 20w riêng.
- Cổng LAN 1Gb/s so với 2,5 Gb/s, nhưng với cơ sở hạ tầng mạng hiện tại, số tiền tới 10tr cho caldigit TS4 để thêm những điều này, theo tôi là không đáng.
- SD/TF reader: con số 208Mps nêu trên web khiến tôi hơi giật mình. Chậm hơn cả USB 2.0? Nhưng thực sự có một cái cổng như vậy trên một con dock như này? Tôi nghĩ đã có sự nhầm lẫn và quyết định test tốc độ với cả cổng trên dock, cổng trên MacBook và với cả hệ điều hành Windows. Thật may mắn, kết quả đều là tầm 90MB/s cho cả đọc và ghi, tức là tầm 700 Mb/s, khá ổn nếu bạn không có công việc đặc thù về dữ liệu hình ảnh. Tốc độ này có lẽ chưa đạt cả UHS-I (không phải so sánh với UHS-II trên Caldigit nữa), nhưng nếu cần bạn đã có sẵn cổng UHS-II trên MacBook rồi, phải không?
Và việc nhiều cổng hơn, với băng thông cao hơn, caldigit đã đánh đổi bằng việc phải mất đi một cổng thunderbolt 4. Nhắc lại một chút, với các dock thunderbolt 4, thường sẽ có đến 3 cổng thunderbolt 4 downstream để kết nối ra ngoài (không tính cổng với host rồi nhé). Có ai thắc mắc tại sao dù giữ đủ 3 cổng thunderbolt 4 (tận 3 cổng, thật tuyệt vời phải không?), nhưng số cổng của QGeeM lại hầu nhau không thua thiệt mấy với con caldigit ở trên?. Anh em nhìn lại nào, CÓ CẢ HDMI VÀ DISPLAYPORT trong khi giữ đủ 3 cổng thunderbolt 4? Có lẽ nghe hơi sai về mặt băng thông, nhưng đó là điểm làm nên điều tuyệt vời của con dock này: DOCK THUNDERBOLT 4 KẾT HỢP DISPLAYLINK.
Quảng cáo
Sự khác biệt
Công nghệ Displaylink
Thế giới dock theo tôi nghĩ có thể chia làm 2 trường phái: docking station chuyên về displaylink và docking station thunderbolt. Điều này có nghĩa là gì? Những sản phẩm dock có displaylink thường thiên về khả năng xuất nhiều màn hình tuyệt vời, nhưng bù lại không có giao thức truyền dữ liệu tốc độ cao. Do đó cổng kết nối với host có thể là USB-A hoặc C, và các cổng ngoại vi trên dock chỉ ở mức trung bình về tốc độ. Còn dock thunderbolt như đã nói ở trên, giao thức thunderbolt với host đem lại băng thông tuyệt vời ở các cổng ngoại vi, và còn tuyệt vời hơn nữa với thunderbolt 4, nhưng lại hạn chế về khả năng xuất hình (chủ yếu trên MacOS). Chú ý là, dù có dock thunderbolt 4 xịn đi nữa, bạn vẫn chỉ xuất được tối đa 2 màn hình qua một cổng thunderbolt 4 trên MacBook mà thôi (như con Caldigit 10 củ chẳng hạn, ahihi.). Vậy rõ ràng, có sự kết hợp giữa 2 công nghệ trên là điều trên cả tuyệt vời trên con dock QGeeM này, điều này trước giờ tôi không dám nghĩ tới, và tôi cũng hiếm tìm thấy được những chiếc dock tương tự.Displaylink trên con dock này, hoạt động trên cổng DisplayPort và cổng HDMI. Điều này có nghĩa là, nếu bạn xuất hình qua các cổng thunderbolt, nó sẽ ăn băng thông trực tiếp và iGPU của M chip, và bạn sẽ có được một màn hình với hiệu suất hoàn hảo. Và ngược lại, nếu bạn xuất hình qua 2 cổng tôi nói ở trên, bạn sẽ nhận được một màn hình được xử lý qua phần mềm, và lại ăn nhiều hơn vào CPU, với hiệu suất có phần giảm đi nhận thấy được. Chú ý, dù bạn có chưa xuất màn nào qua cổng thunderbolt đi nữa, thì màn xuất qua 2 cổng trên LUÔN LÀ DISPLAYLINK. Điều này khác với cổng DisplayPort trên Caldigit là ăn thẳng vào băng thông của thunderbolt. Tuy vậy, cổng DisplayPort trên QGeeM vẫn có thể kéo đến 4k120Hz, theo như các test của kênh Youtube nước ngoài về vấn đề này. Quả là kinh khủng!
Vậy tổng kết lại, với 2 cổng thunderbolt và 2 cổng displaylink, bạn có thể kéo được lên tới 5 màn hình đều 4k (kể cả màn tích hợp MacBook) với MacBook Pro M1 pro bản base qua chiếc dock này, mà vẫn được hưởng lợi từ các đặc tính của một thunderbolt dock mang lại (mà không cần phải đánh đổi mua dock displaylink). Lý do tại sao tôi chỉ nói tới MacBook M1 pro base, không chỉ vì tôi chỉ có con MacBook này trong nhà, mà là vì 2 lý do: nguồn cấp ngược cho host chỉ là 60w, tương đối ổn cho con M1 pro bản base nhưng lại có vẻ không ổn cho những con to hơn. Mà lại trùng hợp thay, những con cần nhiều điện hơn như M1 max vốn lại đã có đủ cổng để xuất nhiều màn hình. Trừ phi bạn cũng như tôi, chỉ thích mọi thứ qua một sợi cáp mà thôi.
Nút nguồn: thật quyền lực
Chiếc dock cũ của tôi không có nguồn. Và tôi thực sự cần một chiếc nút nguồn. Thực sự nếu bạn rút host ra, thì một chiếc dock vẫn đang có điện trong đó cũng chẳng bị ảnh hưởng gì nhiều, khi mà nó được làm ra để chịu tải liên tục. Tuy nhiên hãy tưởng tượng trong một tình huống khác, bạn gập máy, và nó lại hiện chế độ vỏ sò (do máy bạn vẫn đang được cấp nguồn) trong khi bạn chẳng muốn rút cáp ra. Và bạn cũng chẳng muốn sleep thủ công (thậm chỉ còn có nguy cơ wakeup máy do chuyển động). Thay vào đó, bạn chỉ cần nhấn nguồn, thế là xong!
Quảng cáo
Một vài điều khác
Như trong hình về tech specs của thunderbolt ở phần trên, các khác biệt dễ nhận thấy giữa thunderbolt 3 dock và thunderbolt 4 dock bao gồm sự hỗ trợ lên tới tổng cộng 4 cổng thunderbolt, và KHẢ NĂNG ĐÁNH THỨC MÁY TỪ CHẾ ĐỘ SLEEP BẰNG PHÍM VÀ CHUỘT. Cái này có thể người cần người không, nhưng mà chắc cần nhiều hơn không. Rõ ràng là tiện lợi hơn rất rất nhiều. Còn cái vụ dây thunderbolt 4 dài được tận 2m (bây giờ có cả option 3m của Apple) thì thôi, nó lại vung tiền vô ích quá các anh em ạ.Những mong ước
Đã là “cổng thủ”, thực sự tôi không có công việc gì quá đặc thù để chỉ cần một vài cổng nào đó. Thay vào đỏ, tôi lại thích phải có thật đầy đủ các cổng để khi nào cần đột ngột là có sẵn ngay. Nghe hơi phèn những tôi nghĩ cũng sẽ có vài anh em như tôi 😆. Mà theo thời gian, thể nào sự tham lam cũng sẽ lớn hơn nữa, và tôi sẽ lại muốn chiếc dock của mình có thêm nhiều tính năng hơn nữa. Thực sự những chiếc thunderbolt dock hiện tại đã có những tính năng mà chiếc QGeeM này không có, như có thêm cổng gắn SSD gắn trong, hay thậm chí là dock có kết hợp KVM switch! Đây là một trong những tính năng giúp tôi có được setup trong mơ của mình. Tôi sẽ cùng bạn bàn về nó ở phần sau!.