Tuổi thọ của con người đang ngày càng được gia tăng bởi sự phát triển vượt bậc của y khoa, không những vậy họ còn muốn tiến đến sự bất tử như những nhân vật trong bộ phim "Avatar". Tuy nhiên, liệu con người có trường thọ được không khi những căn bệnh nan y như AIDS, ung thư vẫn chưa hề có phương pháp điều trị nào triệt để. Đã có rất nhiều liệu pháp nhưng tất cả đều không mang lại tỉ lệ thành công 100% như mong đợi. Hiểu được vấn đề cấp bách này, những nhà nghiên cứu tại đại học Tennessee đã phát triển được một loại tia lade với tốc độ siêu nhanh, được biết đến như một liệu pháp điều trị ung thư não không cần phẫu thuật hoặc thông qua các lỗ thiên nhiên như mũi, miệng, âm hộ, hậu môn,...
Cụ thể, công nghệ này sẽ tìm kiếm và tiêu diệt các khối u ung thư bằng tia lade với tốc độ một phần nghìn triệu triệu giây. Với tốc độ cao như vậy, tia lade sẽ dễ dàng phóng to một khu vực cụ thể để có thể tìm kiếm và hiển thị chính xác hình ảnh của khối u. Hơn nữa, ngay tại những khu vực có vị trí khó tiếp cận, công nghệ sẽ sử dụng những xung cực ngắn với bức xạ có cường độ cao. Do đó một khi vùng ung thư được xác định, chỉ cần cường độ cực mạnh từ bức xạ lade cũng đủ để đốt cháy khối u.
Lợi ích của việc lợi dụng bức xạ lade đó chính là tính chính xác cao và hiệu quả hơn bất kỳ phương pháp chữa trị ung thư bằng dao lade hay những ca phẫu thuật đầy tính may rủi và đau đớn như hiện nay.
"Bởi bức xạ lade đạt tốc độ một phần nghìn triệu triệu giây nên nó có thể được hội tụ một cách chính xác cả về không gian lẫn thời gian, vì vận tốc quá nhanh như vậy nên các bộ phận khác sẽ không bị đốt nóng bởi tia lade", nhà vật lý Parigger cho biết. "Sử dụng xung lade dài hơn tương tự như bắt một bóng đèn toả nhiệt ấm áp nhưng có thể gây hại đối với những mô khoẻ mạnh khác", Parigger lý giải vì sao công nghệ này sử dụng ánh sáng lade với xung cực ngắn.
Đặc biệt công nghệ mới này phù hợp với việc chữa trị những bệnh nhân ung thư não bởi cơ chế hình ảnh của nó có thể cung cấp cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về khối u bên trong hộp sọ mà không cần phẫu thuật. Chính vì không cần phải tiến hành mổ não để xem tình trạng bệnh, những mô thần kinh khoẻ mạnh khác sẽ không bị ảnh hưởng. Do đó, công nghệ này đã khắc phục được những hạn chế của liệu pháp quang động thông thường (trị liệu ung thư bằng ánh sáng) và những ca phẫu thuật đầy đau đớn - các phương pháp đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân nhưng mang lại hiệu quả không rõ rệt.
Cuối cùng, cùng với sự hỗ trợ từ quỹ đầu tư nghiên cứu của đại học Tennessee, những nhà nghiên cứu cho biết họ đang làm việc cật lực nhằm đưa thiết bị này đến với thị trường trong thời gian sớm nhất có thể. Đây được xem như niềm hy vọng mới của những người đang chịu sự hành hạ của căn bệnh quái ác ung thư - bệnh gây ra cái chết cho 7,1 triệu người trên toàn thế giới hàng năm.