Tìm hiểu về ghế công thái học, và so sánh với ghế gaming.

lxhungdp
20/1/2022 14:8Phản hồi: 131
Tìm hiểu về ghế công thái học, và so sánh với ghế gaming.
Hôm nay mình sẽ tìm hiểu một thiết bị mà phần lớn anh em ở đây có lẽ dành hơn 50% quảng thời gian trong cuộc đời để sử dụng nó. Đó là chiếc ghế ngồi. Nguồn cơn của việc sao lại đi nghiên cứu tìm hiểu một cái ghế ngồi, một thiết bị khá bình thường và phổ biến, là bởi lẽ mình khá tò mò và thắc mắc, tại sao một chiếc ghế để ngồi làm việc văn phòng thôi mà lại có giá đến hơn 3 ngàn đô, gần 100 triệu VNĐ, và nó được gắn với cái tên mỹ miều là ghế công thái học.

Để giải quyết khúc mắc này, mình đã tậu một chiếc ghế công thái học phiên bản rẻ hơn nhiều, sau trải nghiệm vài tháng, có đầy đủ các cung bật cảm xúc, cũng như tìm hiểu khá chi tiết về chiếc ghế. Hôm nay mình muốn chia sẻ lại cho anh em về đặc điểm cấu tạo, về cảm xúc chiếc ghế mang lại với vai trò một người dùng chưa biết gì về ghế công thái học - cho đến khi dùng được vài tháng.

Bài chia sẻ này khá dài, anh em nên chuẩn bị tách cafe vừa nhâm nhi vừa đọc, nó sẽ ngốn của anh em tầm 30 phút. Với 30 phút, đảm bảo đọc xong anh em sẽ hiểu hơn về chiếc ghế công thái học: tại sao lại gọi là ghế công thái học, nó có những đặc điểm như thế nào? cấu tạo như thế nào? so sánh với ghế gaming, nên chọn loại nào? Từ đó sẽ có những quyết định đúng đắn hơn là có nên xuống tiền để mua một chiếc ghế công thái học hay không.
DSC00739.JPG

1. Thế nào là ghế công thái học:
Nghe cái tên có vẽ cao siêu, nhưng thực chất nó không có gì cả, nó chỉ là cái ghế được thiết kế để mang đến tư thế ngồi tốt nhất cho người sử dụng. Vậy nếu không phải là ghế “công thái học” thì nó sẽ mang đến tư thế ngồi “tệ” cho người dùng hay sao? Không phải vậy, ghế nào khi thiết kế người ta cũng đều nghĩ đến phải làm sao để nó mang đến tư thế tốt nhất cho người dùng, tuy nhiên ghế chỉ có thể được thiết kế để đáp ứng đều này cho 1 nhóm người dùng có kích thước giống số đông nhất, còn những người quá thấp, cao, lưng dài, chân dài, bụng bự, … khi dùng sẽ cảm thấy không thỏa mái cho lắm.

Vì vậy càng ngày người ta càng nghĩ ra nhiều cách điều chỉnh trong một cái ghế để sao cho nó có thể hợp với nhiều người nhất, như điều chỉnh độ cao, độ nghiêng mâm ghế, độ cứng ngả lưng, độ nghiêng ngả lưng, bệ tỳ tay …. Với những cái ghế có nhiều điều chỉnh như thế, người ta gọi cho nó một cái tên mỹ miều là “ghế công thái học”.

Không có quy định cụ thể rõ ràng để phân loại ghế công thái học, ghế công thái học có thể được gọi là ghế văn phòng, và chiếc ghế văn phòng bình thường nếu anh em cảm thấy nó khá thỏa mái thì gọi nó là ghế công thái học cũng không sai.
Bởi không có đặc điểm nhận dạng rõ ràng, nên chúng ta cũng không có dữ liệu về những chiếc ghế công thái học đầu tiên, ai phát minh ra nó, … mà nó hòa cùng dòng chảy trong quá trình tiến hóa của những chiếc ghế. Ở một thời điểm nào đó, chiếc ghế nào có nhiều tùy chỉnh hơn, thuận tiện hơn cho người dùng thì đều có thể được gọi là ghế công thái học. Ở thời điểm mà chỉ toàn là ghế gỗ, thì đưa miếng đệm vào mâm ghế cũng là đã biến nó thành ghế công thái học.

Tuy nhiên, một cột mốc mà chúng ta nên chú ý, năm 1994, Herman Miller đã đưa ra một thiết kế tiên phong cho ghế văn phòng ở thời điểm đó, họ bảo là thiết kế này dựa vào những gì cơ thể cần chứ không phải những gì mắt muốn thấy. Đặc điểm đáng chú ý nhất của thiết kế này là có khá nhiều điều chỉnh ở phần kết nối chân ghế và phần trên và tựa lưng được vật liệu đặc biệt có khả năng tản nhiệt khi ngồi lâu, họ gọi là “pellicle”. Đây là vật liệu được Herman Miller phát triển và được cấp bằng sáng chế, được làm bằng vật liệu tổng hợp, trông giống như lưới đan vào nhau nhưng bền hơn khá nhiều (để đơn giản mình gọi là “lưới”). Vào thời điểm mà điều hòa văn phòng chưa phổ biến như hiện nay thì việc dùng tựa lưng bằng lưới mang lại hiệu quả cho người dùng rõ rệt.

Thiết kế kiểu này sau đó được rất nhiều hãng khác làm theo và được “đóng đinh” là công thái học. Từ đó đến nay gần 30 năm, con người vẫn chưa tung ra được thiết kế đột phá nào khác cho ghế công thái học. Những chiếc ghế công thái học ngày nay về cơ bản vẫn giống như phiên bản Herman Miller đưa ra năm 1994. Nếu anh em tậu chiếc ghế công thái học Aeron Chair vài ngàn đô của Herman Miller, xin chúc mừng, đó chính là ông tổ, là bản chính của mọi chiếc ghế công thái học khác trên thị trường.

Thôi tóm lại, không có quy định nhưng thị trường ngầm hiểu, những chiếc ghế có thiết kế nhìn giống như ghế Herman Miller thì họ gọi là ghế “công thái học”. Đó là những chiếc ghế văn phòng có nhiều điều chỉnh, và ít nhất một chỗ nào đó (tựa lưng, mâm ghế) dùng vật liệu dạng lưới. Từ đoạn này trở về sau, hễ mình đề cập đến “ghế công thái học” tức là mình đang nói đến những ghế có đặc điểm như vậy.

DSC00731.JPG

2. Tìm hiểu về những thành phần trong ghế công thái học, cụ thể là ghế Sidiz T50
2.1. Chân ghế.
Cũng giống như nhiều thế thông thường, ghế Sidiz T50 mình đang dùng cũng có 5 cái chân, dưới mỗi chân là bánh xe để di chuyển, chính giữa là hệ thống pít tông để nâng đỡ phần bên trên. Mình sẽ lần lượt tìm hiểu 3 thành phần này.

Quảng cáo



- Bánh xe: Bánh xe của ghế là bánh đôi, việc dùng bánh đôi thay vì bánh đơn, vì để áp suất bánh xe gây cho nền giảm, qua đó giảm lún cho nền khi dùng ghế trên nền yếu. Việc dùng bánh đôi cũng giúp trục đỡ bánh được bố trí chính giữa 2 bánh, tăng tính thẩm mỹ cho ghế.
DSC00741.jpg

Bánh xe sử dụng cho ghế cũng giống với nhiều loại bánh xe khác, như bánh xe của xe lăn, … Có bạn nào từng thắc mắc tại sao trục bánh lại lệch so với tâm của bánh xe hay không.

Bởi vì bánh xe chỉ di chuyển được theo 1 phương, chỉ lùi và tiến theo một phương, nếu bố trí trục đỡ ngay tại trọng tâm của bánh xe, thì khi phần trên của ghế di chuyển theo phương vuông góc với phương di chuyển của bánh xe, bánh xe sẽ trượt theo phương đó mà không thể xoay lại để di chuyển động theo được.
2.PNG

Với kiểu bố trí lệch tâm, khi ta đẩy ghế theo phương vuông góc với phương chuyển động của bánh xe hiện tại, trục của bánh xe sẽ xoay, kết hợp với trục của ghế xoay theo, hai chuyển động xoay này kết hợp thành chuyển động tịnh tiến của cả ghế theo phương vuông góc, sau đó bánh xe đã được xoay lại theo phương mới và bắt đầu chuyển động.

- Chân ghế: Khi mình mua ghế về, gỡ phần seal nilon bao bọc bánh xe ra, mình gỡ 4 lần, rồi lắp vào để sử dụng, thì vẫn thấy còn 1 bọc nữa mình chưa gỡ. Vậy hóa ra tổng cộng có 5 chân ghế. Mình xem những cái ghế khác, cũng có 5 chân. Vậy tại sao không phải 3, 4, hay 6. Mà là 5.

Quảng cáo


DSC00759.JPG

Tiêu chí đầu tiên của chân ghế phải là sự cân bằng, ổn định. Nếu dùng chỉ 3 chân, khoảng cách từ trọng tâm đến trục gây lật (là 1 trong 3 cạnh của hình tam giác) khá nhỏ, dẫn đến ghế dễ lật khi ta ngồi ở rìa, Nếu muốn ghế không lật phải bố trí 3 chân khá to, to hơn khá nhiều so với tổng thể mặt bằng chiếm chỗ của ghế khá nhiều, dẫn đến khá bất tiện. Do đó ta sẽ hiếm khi thấy cái ghế có 3 chân. Nhưng việc dùng 3 chân có điểm lợi là sẽ không bao giờ bị bấp bênh, chúng ta thường thấy ở những vật dụng mà chúng không bị lệch tâm như quạt, giá treo đồ ….

Vậy tại sao không dùng 4 chân như mọi cái ghế thông thường khác. Việc dùng 4 chân cơ bản là ổn định, cũng khó bị lật. Nhưng giả sử sàn nhà bấp bênh, không bằng phẳng tuyệt đối, giả sử có 1 chân bị kê cao lên. Khi đó trục gây lật sẽ là đường chéo của hình vuông, đi qua trọng tâm của ghế, nơi ta đang ngồi, do đó ta khó có thể ngồi vững chãi được. Nếu muốn ngồi vững chãi ta phải ngồi nép hẳn sang 1 bên ghế, nếu không khi ta hắt hơi 1 phát, ghế nó sẽ nghiêng qua bên này, khi ta thở 1 phát, ghế nó sẽ nghiêng qua bên kia.
1.PNG
Đây cũng là vấn đề phát sinh khi dùng số chân ghế là số chẵn. Với số chẵn, đường thẳng nối giữa 2 chân sẽ đi qua trọng tâm của ghế. Khi ghế được đặt bấp bênh, điểm nối giữa 2 chân sẽ là trục gây lật.

Do đó chúng ta hiếm khi thấy những chiếc ghế (mà có chân được thiết kế độc lập với phần trên) lại dùng số chân là số chẵn. Dĩ nhiên với những cái ghế thông thường chân và phần trên liền lạc, thì họ phải dùng 4 chân để phù hợp với tổng thể của ghế.

Không dùng 3 chân, không dùng số chẵn: 4 chân, 6 chân. Thì dùng 5 chân là hợp lý rồi. Dùng 7 chân 9 chân lại tốn kém thêm, tốn thêm bánh xe, không hiệu quả về kinh tế.

- Piston đỡ: Đây là bộ phận chế tạo “phức tạp” nhất trong chiếc ghế. Ghế xịn hay không xịn cũng ăn thua ở bộ phận này. Nó là hệ thống piston bên trong chứa khí nén. Với ghế rẻ tiền, hệ thống piston không ngon, sau thời gian dài nó sẽ bị rò khí, nên bạn ngồi thời gian sẽ bị tuột xuống, hoặc thảm họa hơn là nó vỡ khi bị nén lại, dẫn đến phát nổ. Có khá nhiều trường hợp ở Trung Quốc hệ thống piston ghế phát nổ gây tai nạn cho người dùng rồi.

Với hệ thống này, khi bạn nhấn cần gạt, ghế sẽ tự động bung lên hết cỡ, sau đó khi bạn ngồi mà nhấn cần gạt tiếp, ghế sẽ từ từ tụt xuống, đến vị trí bạn hài lòng, thả cần gạt ra ghế sẽ giữ nguyên đúng vị trí đó.

Chắc ai cũng đã tận hưởng những điều này do hệ thống piston mang lại. Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao ghế tự bung lên , mặc dù trong ghế hoàn toàn không có lò xo, không có năng lượng, hay pin để bơm khí vào?
Trong hệ thống piston đó hoàn toàn không có lò xo, cũng không có bơm khí hay xả khí gì ra bên ngoài cả. Để tiện giải thích mình gọi 2 thành phần chính trong hệ thống đó là pít tông và xi lanh. Khác với pít tông và xi lanh thông thường (như ống bơm thuốc, chỉ ngăn ống xi lanh thành 1 khoang chứa khí), pít tông trong đó có dạng hình chữ T , ngăn ống xi lanh thành 2 khoang trên và dưới. Khoang trên có diện tích mặt cắt ngang chứa khí nhỏ hơn khoang dưới, do phải chứa lõi là thân chữ T

Giữa khoang trên và khoang dưới có đường thông khí và có nút đóng mở, gọi là van, đây là chính là cái chốt khi ta nhấn, Khi ta nhấn thì van mở.
3.PNG

Ban đầu khí gas được nạp và nén vào đó. Nếu van mở, khoang trên và khoang dưới thông với nhau, dưới áp lực của khí gas, nói nôm na là khí gas nó sẽ di chuyển vào khoang để nó ít bị nén hơn, tức khí gas sẽ di chuyển hết vào khoang phía dưới, do khoang dưới có thể tích to hơn, hay cũng có thể giải thích là do lực đẩy của khí gas từ khoang dưới lên piston lớn hơn lực đẩy từ khoang trên xuống piston, nên nó đẩy piston đi lên. Kết quả pít tông bị đẩy ra hết cỡ, lực đẩy này thắng trọng lượng bản thân của phần trên ghế, chúng ta có trường hợp nhất nút mà không ngồi, ghế sẽ nâng lên hết cỡ.

Sau đó chúng ta ngồi xuống, giữ cần gạt (mở van) ghế sẽ từ từ tuột xuống, do dưới trọng lượng làm khí gas ở khoang trên theo van di chuyển xuống khoang dưới. Nếu ta nhấn cần gạt, đóng van, khí gas không có đường thoát, nên ghế không di chuyển.

Đấy là 3 thành phần cấu tạo chân ghế, nó rất quan trọng cho sự ổn định và tuổi thọ của ghế. Với những cái ghế xịn, hệ thống piston sẽ xịn sò, có tuổi thọ cao, khí không bị rò rỉ theo thời gian. Chân ghế bằng kim loại, khá nặng, vững chãi. Bánh xe trơn, dễ di chuyển, có tuổi thọ cao, ….
Với những cái ghế rẻ tiền, hệ thống này không tốt, sau thời gian khí gas sẽ rò rỉ ra ngoài, dẫn đến lực đẩy của pít tông khi xả van yếu hơn trọng lượng của ghế, nên ghế không tự bung lên, hoặc trường hợp khác là van nối giữa khoang trên và khoang dưới bị rò rỉ, khi ta ngồi khí rò rỉ nhẹ nhẹ từ khoang trên xuống khoang dưới, dẫn đến ghế từ từ lún lún xuống dần.

Với ghế Sidiz T50 mình đang dùng, có vẽ như chân ghế không phải bằng kim loại, mà bằng loại nhựa cứng nào đó, rất cứng. Hệ thống piston, bánh xe, mình chưa dùng lâu nên không biết sau này thế nào, nhưng hiện tại khá tuyệt vời, lên xuống nhẹ nhàng, trược đi nhẹ nhàng.

2.2. Hệ thống kết nối phần dưới và phần trên của ghế:
Đây chính là phần khác biệt mà người ta dựa vào đó để phân loại ghế “công thái học” và không phải công thái học. Vậy hệ thống này ở ghế công thái học có gì hay ho?
Hệ thống kết nối giữa phần trên của ghế và chân ghế, thôi gọi cho ngắn gọn là hệ thống kết nối, theo mình quan sát thì có thể chia ra những loại cơ bản như sau:

a) Loại mà mâm ghế và tựa lưng là một khối thống nhất. Khi ngã người ra, tựa lưng ngã ra sau dẫn đến mâm ghế cũng xoay xung quanh điểm xoay. Loại này có nhược điểm là khi ngã người, phần trước mép ghế lại nâng lên, làm chân ta hỏng lên, cái này rất khó chịu, làm máu không lưu thông tốt ở chỗ này được.
4.PNG
Người ta có thể cải tiến hơn xíu là làm điểm xoay tiến dần về điểm phía trước của mâm ghế, để khi ngả người ra điểm phía trước không nâng lên đáng kể, tuy nhiên mông lại bị hạ xuống quá thấp, dẫn đến cũng không thỏa mái.
Loại này thường được bố trí ở những ghế rẻ tiền.

b) Loại mà mâm ghế và tựa lưng là 2 khối độc lập. Khi ngả người ra chỉ mỗi tựa lưng ngả ra, mâm ghế vẫn không thay đổi.
5.PNG
Loại này có cái nhược điểm là chúng ta không thể dùng sức nặng (lực theo phương thẳng đứng) để làm tựa lưng nghiêng ra được, mà bắt buộc chúng ta phải dùng lực ngang, khác với trường hợp đầu, khi chúng ta có thể dồn trọng lượng ra phía sau thì cả hệ thống nghiêng xuống.
Việc phải dùng lực ngang để làm tựa lưng nghiêng khiến chúng ta tốn sức và vất vả hơn, tựa lưng loại này cũng không thể thiết kế nhiều mức lực tác dụng cho việc nghiêng. Loại này thường dùng ở những ghế rẻ tiền hơn loại đầu tiên.

c) Loại mà mâm ghế và lưng ghế liên kết với nhau. Đây là loại mà những cái ghế nào nếu muốn được gọi tên mỹ miều là “công thái học” phải trang bị, để khi tựa lưng nghiêng thì mâm ghế cũng chuyển động theo, nhưng với tỷ lệ khác nhau.
6.PNG
Theo như những nghiên cứu, để mà gọi là “công thái” nhất, phù hợp với có thể nhất, thì tỷ lệ xoay của tựa lưng và mâm ghế nên là 2.5 : 1.0 (tức là khi lưng ghế xoay 2.5 độ thì mâm ghế xoay 1.0 độ thôi)
Thực ra cái này cũng không có gì là thần thánh, chỉ là mâm ghế, tựa lưng, và chân ghế kết nối với nhau bằng hệ thống khớp cơ khí, như ta có thể thấy, với chiều dài cánh tay đòn được thiết kế sao cho khi xoay thì tỷ lệ chuyển động như thế. Với mỗi ghế, tỷ lệ này sẽ mỗi khác, nhưng thông thường với ghế công thái học là như thế.

Hệ thống này không có gì là phức tạp, nhưng nó khiến liên kết giữa mâm ghế và phần dưới rời rạc, không thống nhất một khối. Để đảm bảo ghế ổn định khi ngồi, không rung lắc, không ọp ẹp, và tuổi thọ cao, hệ thống liên kết này phải đủ “tốt”, nên cần phải “tốn tiền” hơn những ghế thông thường. Do đó ghế công thái học thường mắc tiền hơn ghế thông thường.
Phía bên dưới, hệ thống lò xo, van điều chỉnh, … được bố trí trong một cái box, nhìn khá gọn gàng và đẹp.
DSC00755.JPG
DSC00758.JPG

2.3. Cấu tạo mâm ghế và tựa lưng
Vật liệu dùng ở mâm ghế và tựa lưng là lớp vải rất thưa, giống như sợi cước giăng ngang, khoảng cách giữa các sợi ngang tầm 1.5mm, cứ 3 sợi có 1 sợi được bọc nhung to lên, để tạo độ nhám, giúp không bị trượt khi ngồi. Theo như như nhà sản xuất, thì việc dùng vật liệu như vậy giúp không khí luôn luôn thoáng, không có cảm giác nóng phía dưới hay nóng ở lưng nếu ở phòng không điều hòa như những ghế khác.
DSC00750.JPG
DSC00746.JPG
DSC00748.JPG

Mâm ghế được thiết kế hơi lõm xíu, phần mép phía trước được thiết kế cong nhẹ nhẹ từ từ xuống như đường cong của giọt nước. Các nhà công thái học bảo rằng thiết kế vầy giúp cho ngồi thỏa mái nhất. Mình cũng thấy vậy, cũng khá thỏa mái 😁 Mắc tiền mà, phải thỏa mái tí thôi.

Lưng thế được thiết kế cong như đường cong của hotgirl. Phần dưới của lưng lõm vào, phần trên của lưng nghiêng ra, nhìn khá sexy làm ghế nhìn tổng thể rất đẹp. Tuy nhiên không phải phần này nó ôm trọn cái lưng đâu, thực ra khi làm việc tập trung, như khi mình đang gõ những dòng này, thì chỉ cần phần dưới của tựa lưng đụng vào lưng là thỏa mái rồi, phần lưng trên nếu ôm luôn sẽ cảm giác gò bó khó chịu. Chỉ khi nào cần thư giãn, đọc cái gì đó như đọc comment của anh em, ngã lưng ra xíu thì mới chạm nguyên phần phía trên.
DSC00735.JPG
Về tổng thể thiết kế và dùng vật liệu như vậy khiến việc ngồi thỏa mái, nhưng không phải quá thỏa mái sung sướng gì lắm đâu, nó không phê bằng ngồi trên chiếc ghế xe Mer mới cóng đâu. Nó chỉ là hơi chút chút thỏa mái, nhưng ngồi lâu đôi lúc bạn sẽ quên bén nó đi, cảm giác cũng như mọi cái ghế khác.

4. Các điều chỉnh của ghế công thái học Sidiz T50

- Nâng lên hạ xuống :D Dĩ nhiên cái này là cơ bản, tuy nhiên cũng đừng nên chọn ghế không thương hiệu hoặc quá rẻ, vì phần này có thể bị hỏng. Cái này mà hỏng thì mất 80% chức năng của cái ghế :D

- Mâm ghế thụt ra thụt vào được: cái này ghế thường hiếm khi có, với những người có phần đùi quá ngắn hay quá dài sẽ thường dùng điều chỉnh này. Khi đùi dài thì thường kéo ra để mâm ghế dài ra, đỡ nguyên phần đùi, với đùi ngắn thì ngược lại. Với nhiều loại ghế “công thái học” khác, mâm ghế có thể điều chỉnh để xoay nhẹ được, nhưng ghế mình dùng không có. Mình cũng cảm thấy bố trí hiện tại là ổn, không cần phải xoay.

- Lưng ghế ngả ra, và mâm ghế cũng chuyển động theo, bởi vì chúng được kết nối với chân ghế bằng hệ thống như đã bàn ở phần trước. Phía dưới có lẫy để khóa không cho tựa lưng nghiêng. Nếu để cho nghiêng, mức độ dùng lực nặng hay nhẹ tác dụng vào lưng ghế cho việc nghiêng cũng được điều chỉnh bằng hệ thống quay ở bên dưới.

Mình thấy nhiều ghế thông thường khác tùy chỉnh này cũng có, nhưng chúng ta phải cúi xuống vặn cái núm để xoay 1 bộ phận trong đó theo phương thẳng đứng, khá khó khăn và bất tiện. Với ghế công thái học, phía dưới mâm ghế thoáng, có đủ khoảng không gian lớn đủ để họ chuyển đổi bộ phận xoay theo phương thẳng đứng kia thành phương ngang, và bố trí tay quay vào, để vừa ngồi vừa xoay xoay khá tiện.
Với ghế mình đang dùng, để điều chỉnh từ lúc ngả lưng nhẹ nhất đến nặng nhất, mình phải xoay tầm 20 lần. Mình lại thấy chia nhỏ vầy khá bất tiện, nhiều khi mình cứ băn khoăn không biết xoay đến cỡ nào là hợp lý. Mình nghĩ tầm 5 vòng là vừa.

- Tựa tay: tựa tay ghế mình dùng điều chỉnh được: cao thấp, tiến lùi, và xoay được trên mặt bằng, có 3 hướng để điều chỉnh nên gọi là tựa tay 3D. Với những ghế khác có thể có thêm điều chỉnh ra xa, hay gần người, gọi là 4D.
DSC00745.JPG
Tựa để tay điều chỉnh là điều mình ít thấy ở các ghế thông thường. Mình thích tựa để tay cao, cao gần bằng mặt bàn để tựa một phần tay lên đó khi ngồi xa bàn, với những ghế thông thường không hiểu sao họ thiết kế tựa để tay khá thấp làm nhiều khi mình cảm thấy nó không có tác dụng để tì tay.
Mặt tựa để tay đủ to, dài, và vuông vức, tạo cảm giác thỏa mái khi kê tay trên đó.

- Tựa đầu: Điều chỉnh được lên xuống, và xoay để nó tiến về phía trước hay lùi về phía sau. Chẳng hiểu sao, mình với chiều cao 1.72m, lưng không phải quá ngắn, nhưng với vị trí tựa đầu thấp nhất, nó cũng chỉ đỡ được ngay sau đầu chứ chưa đỡ được cổ.
DSC00761.JPG

5. Cảm nhận khi sử dụng ghế công thái học, ưu và nhược điểm.
Đây là phần viết khó khăn nhất và lâu nhất của mình, viết đoạn này mình cứ dừng và lại tiếp tục vài lần, vì cần phải ngẫm nghĩ chính xác những gì mình cảm nhận và làm sao để chuyển tải và phân loại những cảm xúc đó thành mạch logic để viết nên văn bản.

- Cảm giác ban đầu mua cái ghế về, thực sự là sướng và thích. Vì cái ghế khá đẹp, màu trắng nhìn sang trọng, hình dáng cong rất sexy, để vào bàn làm việc nhìn thích hẵn, và mình cũng rất thích khi chuẩn bị ngồi lên. Việc có 1 cái ghế xịn sò ở ngay bàn làm việc khiến mình có cảm hứng muốn ngồi vào bàn liền, mặc dù có những việc không cần lên máy tính, nhưng vẫn thích ngồi vào bàn. Đó là cảm giác trước khi ngồi vào ghế.

- Tiếp theo là cảm giác mới ngồi vào ghế (trong vòng 1 giờ). Lúc này tâm trí vẫn còn để ý đến chiếc ghế, nhất là trong 15-30p đầu tiên, tuy nhiên càng để ý thì mình lại càng có cảm giác bình thường, tự nhiên, một cảm giác như thể là đương nhiên cái ghế nó phải vậy. Chắc là đạt đến cảnh giới “công thái học” chăng. Một cảm giác đương nhiên như: đã là cái ghế phải ngồi không mỏi đùi chân, phải lõm vào xíu để đỡ phần dưới lưng, phải có tựa đầu khi mình cần ngửa ra, phải nghiêng xuống nhiều khi mình cần nằm ra thư giản, phải có chỗ tựa cánh tay khi mình muốn tựa … Có lẽ cũng đúng, dù gì nó cũng chỉ là cái ghế, dù có mắc tiền cỡ nào thì nó cũng chỉ tiếp xúc với mình một chủ yếu ở bệ ngồi và một ít ở lưng, nó không thể mang lại nhiều cung bậc cảm xúc và trải nghiệm và khám phá như nhiều món đồ khác được. Thứ tiếp xúc nhiều với mình là lớp lưới, thì cũng cảm nhận không quá khác biệt so với những loại vật liệu khác, có thể nói là cảm giác khô khan và bình thường hơn, không có cảm giác nịnh nọt, êm ấm như những chiếc ghế gaming. Do mình ở khí hậu ôn đới, không bị nóng nực, nên không cảm nhận được việc dùng lưới nó tản nhiệt, thông gió như phần giới thiệu của nhà sản xuất ghế.

Trong quá khứ mình từng lắp và dùng 1 chiếc ghế văn phòng, cảm giác ngồi bó buộc, gờ phía trước mâm ghế hơi cao nên khá mỏi chân nếu không dùng kê chân. Còn 1 cái to bành nhưng ngồi có cảm giác bị tuột nếu thả lỏng. Rõ ràng chiếc này không có những cảm giác bất tiện đó ở lần đầu tiên ngồi. Mình nghĩ đấy là do độ nghiêng của mâm ghế, mép của mâm ghế có độ cong tự nhiên, không gây mỏi.
Tuy nhiên về lâu dài, sau vài năm thì mình không rõ như thế nào. Mình từng gặp 2 loại “dở chứng” của ghế khi ngồi thời gian lâu, một là bị lõm phần chính giữa xuống, khiến gờ ghế cao lên làm người ngồi mỏi chân, hai là kết cấu không tốt khiến mâm ghế bị nghiêng về phía trước, khiến ngồi dễ bị tuột xuống. Nhưng những sự xuống cấp này đều ở những cái ghế có mức giá tầm 1/4 – 1/3 chiếc ghế này, nên hi vọng nó không đúng với chiếc ghế này.

- Tiếp theo đến cảm giác khi ngồi vào một thời gian đủ lâu, tầm sau 2-3 tiếng, tức là đủ để quên đi mình đang “cố gắng” để cảm nhận chiếc ghế mà chỉ tập trung công việc, và để cảm xúc về chiếc ghế đến một cách tự nhiên.
Thực sự, nó là chiếc ghế văn phòng tuyệt vời, mình nhấn mạnh là chiếc ghế văn phòng, vì nó rất phù hợp với “văn phòng”. Khi làm việc say mê, bạn muốn dựa ra 1 xíu để thư giãn, quá ổn, lưng ghế sẽ nâng niu bạn và từ từ để bạn nghiêng xuống một cánh nhẹ nhàng chậm rãi, êm ái không gây tiếng động cọt kẹt ồn ào. Khi bạn cần căng mắt ra nhìn vào màn hình, căng não lên debug hay phải chat tới tấp với 1 ai đó, bạn chồm tới phía trước trong thời gian dài nhưng cũng không bị mỏi chân. Khi bạn cần chuyển tới bàn bên cạnh, khá tiện lợi, chỉ 1 cái hẩy chân, ghế sẽ mang bạn trượt qua bàn bên cạnh rất nhẹ nhàng, không gây ra tiếng động.

Đấy là những thứ cần thiết cho một chiếc ghế văn phòng, đúng là 1 chiếc ghế tuyệt vời, nhưng không phải lúc nào nó cũng tuyệt vời như thế, khi đặt chiếc ghế này ở nhà, ở góc thư giãn giải trí, media bạn sẽ cảm nhận nó không còn perfect nữa:

Đó là khi bạn xem cái gì đó thư giãn, muốn gác 1 chân, hoặc 2 chân lên ghế, phần không gian nhỏ của mâm ghế sẽ làm bạn khó khăn hơn, và khi bạn đã cố nhét 2 cái chân lên ghế thì mắc cá chân nó ịn vào lưới của mâm ghế khiến bạn cảm thấy không thỏa mái chút nào. Đó là khi bạn muốn đổi tư thế 1 chút, muốn vừa ngồi vừa nằm nghiêng nghiêng lại xíu cho đỡ mỏi người, thì không gian chật chội của ghế cũng làm cho bạn không thỏa mái khi ngồi nghiêng người. Đó là khi bạn muốn nằm chợp mắt, nằm ngã ra hết cỡ kiểu freestyle để thưởng thức bản nhạc, nó sẽ không thỏa mái vì ghế thiết kế để bạn ngồi làm việc. Đó là khi con bạn, hoặc … vợ bạn chạy lại, muốn leo lên ngồi cùng với bạn, cảm giác sẽ chật chội, không vững vàng, không thỏa mái. Và đó là khi, đôi lúc bạn khỏa thân và ngồi vào ghế, thì cảm giác lớp lưới sần sùi chạm vào da cũng không dễ chịu và thỏa mái tí nào.
DSC00768.JPG
Đó là những nhược điểm mình cảm nhận được khi dùng chiếc ghế này với mục đích chung ở nhà. Ngoài ra với nhà có trẻ nhỏ nghịch phá cũng nên chú ý, kẻo nó chọt lủng cái màng lưới để ngồi thì coi như hỏng hết cái ghế.

6. So sánh với ghế gaming, nên chọn ghế nào cho phù hợp
Chắc hẳn khi ý định bỏ ra hầu bao kha khá cho việc đầu tư cái ghế và tìm hiểu ghế, ai cũng sẽ phân vân giữa ghế công thái học kiểu vầy và ghế gaming. Ở mục này mình sẽ phân tích sự khác nhau giữa 2 loại ghế này, đảm bảo các bạn sẽ hiểu rõ và phần nào hết lăn tăn.

Ghế gaming có điểm chung là được thiết kế rất hoành tráng, to bự, màu sắc sặc sỡ, giống như ghế của những chiếc xe hơi thể thao. Tại sao họ lại phải làm như vậy?

Với ghế xe hơi, việc thiết kế viền hai bên, viền phía trước mâm ghế, viền phần lưng ghế để giữ cơ thể ổn định nhất ở vị trí ghế, hạn chế chuyển động tuột ra khỏi ghế khi xe rung lắc, thì với ghế gaming, thiết kế như vậy khiến game thủ (ý mình nói game thủ chuyên nghiệp một tý) có cảm giác được ôm trọn cơ thể, chắc chắn, cảm thấy tự tin, an toàn, và toàn tâm toàn ý với những trận chiến, có thể vững vàng trước những trận đua xe gay cấn nhất hay những trận chiến đấu ác liệt nhất. Cái ghế bự thỏa mái, ngồi vào tự tin vững vàng, có cảm giác ấm chỗ ngồi cũng làm tăng mức chiến đấu lên phần nào. Các game thủ cũng có thời gian “chiến đấu” rất lâu, có khi tính bằng ngày, nên ghế phải cần thiết kế to, bự để khi cần game thủ có thể ngả người ra, cong lại và chợp mắt, trước khi quay lại chiến đấu tiếp.

Tuy việc thiết kế của ghế gaming dành cho những người ngồi rất lâu, nhưng không phải bạn ngồi làm việc toàn thời gian ở văn phòng hay ở nhà là có thể dùng nó tốt. Theo mình nếu mang ghế game thủ để làm ghế văn phòng thì chắc chắn tệ hơn rất nhiều so với mang ghế văn phòng để chơi game, sau đây là những lý do:
- Ghế gaming to, nặng nề, chiếm nhiều không gian, chỉ thích hợp với việc chốt nó cố định một chỗ, không phù hợp với việc có thể trượt qua trượt lại ở khu văn phòng
- Ghế gaming có phần gờ trước ghế, nên sẽ khiến bạn mỏi chân nếu không được kê chân cao lên. Với game thủ họ thường gác 2 chân lên, hoặc kê thẳng chân lên cao, đeo tai nghe, cố định một tư thế để chiến đấu trong thời gian dài, nhưng với dân văn phòng bạn sẽ thường xuyên thay đổi tư thế, không thể nằm ểnh như vậy làm việc được.
- Ghế gaming to nặng, thường có một vài size cố định, và không thể điều chỉnh được nhiều như ghế công thái học. Do đó với người có kích thước khác thường nhiều thì cũng khó chọn ghế gaming phù hợp.

Ngoài những nhược điểm của ghế gaming so với ghế công thái học, thì ghế gaming có những ưu điểm hơn, đó chính là những nhược điểm của ghế công thái học như mình đã đề cập ở phần trước.
Vậy nên, ở văn phòng công ty, chắc chắn là phải chọn ghế văn phòng. Còn ở nhà, nếu bạn thích ngồi vào máy tính, vọc vạch, tìm hiểu, viết lách, làm việc, đọc báo, trading, đăng bài tinhte … thích góc làm việc sang trọng, đẹp đẽ, thoáng đãng, bố trí ở một nơi thông thoáng và đẹp đẽ nhất ở phòng khách, thì hãy chọn ghế công thái học. Nó sẽ khiến góc làm việc, và căn phòng của bạn pro hơn và thích thú hơn khi ngồi vào bắt đầu 1 công việc gì đó.

Nhưng nếu bạn thường ngồi vào máy tính để chơi game trong thời gian dài, thích ngồi coi film trên máy tính hàng giờ, thích nằm mang tai nghe chìm đắm trong những bản nhạc du dương và từ từ chìm vào giấc ngủ ngắn, thích 1 góc media vui chơi giải trí kín đáo, ấm cúng, luôn luôn có đèn đóm đầy màu sắc, thì hãy chọn ghế gaming.
DSC00760.JPG
7. Kết luận
Ghế công thái học mặt bằng chung là giá thành hơi cao, nó cao không phải vì nó có chất “công thái học”, mà nó cao vì bản thân nó là một chiếc ghế văn phòng chất lượng cao. Đừng nghĩ rằng bạn trả tiền cho sự “công thái học” gì gì đó, hãy nghĩ rằng bạn trả tiền để có chiếc ghế chất lượng hơn, ngả lưng không gây ọp ẹp, ngồi không bị mỏi chân, trượt đi một cách nhẹ nhàng trơn tru. Để đạt được độ chất lượng cùng như vậy, mình nghĩ giá thành của những loại ghế khác cũng tương đương nhau, bất chấp nó có gắn mác “công thái học” hay không.

Ngoài những chiếc ghế công thái học của các thương hiệu nổi tiếng, được bảo hành, đã được người dùng kiểm định trong thời gian dài, thì hiện nay cũng có rất nhiều thương hiệu ghế công thái học nổi lên, với mẫu mã đẹp, nhiều chức năng, đặc biệt là nhiều thương hiệu từ Trung Quốc. Nhưng với đặc điểm cố hữu của ghế công thái học như đệm ngồi và lưng bằng lưới, có nhiều khớp nối, nhiều bộ phận được điều chỉnh, thì khả năng nó hỏng hóc rất lớn so với ghế thường. Đặc biệt là lớp lưới nó mà rách là xong phim.

Vậy có nên mua 1 chiếc ghế công thái học hay không? Nếu với lý luận “cái ghế rất là quan trọng với những người thường xuyên ngồi làm việc, ảnh hưởng sức khỏe, xương cốt đồ … “ để mua cho bằng được một chiếc ghế công thái học, thì e rằng các bạn đã sai lầm, bởi lẽ, không có gì chắc chắn rằng dùng chiếc ghế công thái học có thể tốt cho bạn hơn 1 chiếc ghế văn phòng bình thường. Đôi khi một chiếc ghế văn phòng xịn, có thể fit với bạn một cách hoàn hảo hơn là chiếc ghế công thái học có quá trời kiểu điều chỉnh, để rồi loay hoay không biết điều chỉnh thế nào là tốt nhất.
Tùy vào mức thu nhập của mỗi người, nhưng với mình nếu phải bỏ 30% - 50% tháng lương ra để sắm một chiếc ghế, thì mình không dám mạo hiểm chọn cái ghế công thái học của thương hiệu không tin tưởng cho lắm. Mình sẽ mua một chiếc ghế văn phòng tốt một chút, chắc chắn nó sẽ bền hơn, không có nguy cơ hỏng một phát là đi toi cái ghế.

Nhưng với thu nhập cao, không cảm thấy hài lòng với những chiếc ghế văn phòng đã từng dùng, hoặc muốn có cảm giác thú vị, thích thú hơn khi ngồi vào ghế, thì chắc chắn chúng ta nên tìm và thử một chiếc ghế công thái học nào đó.

Chiếc ghế công thái học Sidiz T50 mình mua ở Hàn Quốc trị giá gần gần 8tr VNĐ, nó tương đương (quy đổi theo thu nhập) với việc một người ở VN mua cái ghế gần 3tr VNĐ, đấy là mức giá mình sẵn lòng mua liền mà không đắn đo. Nhưng nếu ở Việt Nam mà phải mua nó mới mức giá gấp 4 lần (12tr VNĐ) thì mình cần phải suy nghĩ thêm, cũng như xin phép vợ :D

DSC00767.JPG
131 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

grozar
CAO CẤP
2 năm
Giờ ghế công thái học rẻ nhiều rồi nên ko có lý do gì lại mua ghế gaming.
hadryan
TÍCH CỰC
2 năm
@grozar Rẻ vì cái ghế thường gắn thêm cái mác công thái học thôi
Còn cth thật thì ko rẻ
Còn ghế gaming ngồi vẫn êm hơn
yeucodon
TÍCH CỰC
2 năm
@grozar e dang dùng cái ghế công thái học đây, trc còn chẳng biết nó là công thái học, nhưng e thấy ghế gaming ngồi sướng hơn vì điều chỉnh lưng linh hoạt hơn
cuongpk
TÍCH CỰC
2 năm
@yeucodon Ghế gaming ngồi hư lưng hết.
định ngồi đọc tý mà dài quá, thôi đánh dấu tối trước khi ngủ đọc ngâm cứu vậy 😁
@Xuân Híu nên đọc bạn, bao nhiêu là thông tin hữu ích, trải nghiệm
xuanlongtv
ĐẠI BÀNG
2 năm
Mình cũng mua 1 cái, ko biết có công thái gì ko nhưng mình ít ngồi vì nóng đít,
Trend quảng cáo các năm trước: công nghệ nano
Trend quảng cáo 2021-2022: công thái học

ko hiểu trend tiếp theo là gì 😁? Công nghệ lõi?

P/s: đang dùng 1 con ghế công thái học của D'ergo, rất hài lòng :D .
@p700i Thái công chỉ cần hoạn, không cần học
@megatroll Chuột công thái học, bàn phím công thái học, lót chuột công thái học …. Ghế tình yêu công thái học 😆)
tiencanh2791
ĐẠI BÀNG
2 năm
@megatroll em đoán là công thái học nhưng kiểu dáng gaming :D
hipppo
CAO CẤP
2 năm
@megatroll tế bào gốc
Theo mô tả của chủ thớt thì tất cả những ghế có bánh xe, điều chỉnh lên xuống ngả lưng được đều là ghế công thái học.

Hóa ra cách đây 20 năm mình đã bắt đầu dùng ghế công thái học rồi mà không biết.
@hqm_thunderlion Do vậy, cứ mua loại chân quỳ cố định cho nó bằng phẳng chắc chắn nếu không có điều kiện mua ghế công thái học đắt tiền 😁
Jero.xgo
ĐẠI BÀNG
2 năm
@iPhonecafe Thường gặp ở ng sử dụng là nam b, tại bi hơi lệch
@nospecial Đây bạn
image.jpg
homangchua
ĐẠI BÀNG
2 năm
Dù có ghế nào nhưng nguyên tắc làm việc của mình là sau 60' đứng dậy đi lại tối thiểu 5' quay lại làm việc hiệu quả hơn rất nhiều là ngồi thông
@homangchua Mình cứ đặt lịch cho con đồng hồ smart watch nó nhắc thời gian đứng dậy, thường là 30-45 phút.
@homangchua Ngày xưa mình làm thế, người trong cty nói là "thằng này bị điên, cứ 1 tiếng nó lại ra ngoài đi 1 vòng rồi về". Sau đó vài ngày mình nghỉ (không phải vì lí do đấy). Lão trưởng phòng không cho. Ngay đầu giờ chiều, CEO hạ lệnh xuống, không ai dám cản.
Khôn như mày :D
@homangchua đeo cái APple Watch, tự nó nhắc, không cần nguyên tắc 😁
Mình quyết định không động gì tới CÔNG THÁI HỌC vì tinh tế quảng cáo nhiều quá.
@russia.usa.lc Kkkkk !
Nệm, vải bọc sau 4-5 rách lúc tìm chỗ bọc là cả vấn đề
@kobebryant nếu nệm thì ra tiệm yên xe mà làm lại thôi : )
còn lưới thì bền lắm ,5 năm còn ngon .nếu mua hàng tq thì phụ kiện ko thíu
@kixx Lưới dễ bị xù lông, chưa kể lỡ bị con nít cắt hay vì nhiều lý do phải thay, tìm chỗ thay lưới nghĩ oải
@kobebryant mình cũng thich nệm hơn .ngồi nóng đit ,nên buộc mình fai đứng lên vận động 🤣

mà bản lưới luc nào cũng măc hơn nệm mới ac 🤣🤣
@kixx lưới lâu lâu hằn mông, ngứa đít nữa bạn.
Cười vô mặt
về IT thì biết chuột công thái học, dùng thích. Cơ mà sau này dùng mac thì chỉ dùng có con chuột "Phi công thái học" của Apple thôi @@.
Kế đó là bàn phím công thái học > mua và dùng thử. K dùng được.
Ghế công thái học > Mua loại giá rẻ và đang dùng. Cũng ngon cơ mà hơi làm quá. Có lẽ tại rẻ.
Có tiền mua ghế đắt tiền sau.
@qng171 chuột công thái học dùng thích mà, giờ mình không quay lại chuột bình thường dùng nữa vì cầm 1 lúc mà mỏi tay 😁 DÙng khi nào chơi game thôi vì chơi game cầm mấy con vertical khó vẩy vl =))
IMG_20220314_103949.jpg
@Xuân Híu E có nói nó dùng không thích đâu. Dùng phê luôn mà…
Cơ mà dùng cơ bản thì oke, hard code 1 chút thấy nó k tiện lắm.
Kế đó nó k support tốt cái mình dùng đó bro.
Nên nếu dùng ở dạng nhẹ nhàng e ưu tiên con này.
Hơn tí nữa e dùng trackpad
Hardcode hẳn 1 dùng chuột thường thôi ạ.
Chủ yếu là đảm bảo tốc độ làm việc.
lala8121991
ĐẠI BÀNG
2 năm
Không có video sưcdụng nâng hạ lên xuống ngả lunge chp dễ hình dung hả bác
@lala8121991
@lala8121991 Bạn tham khảo video này và còn nhiều video nữa. Ghế trên là mã T50 air
18K
CAO CẤP
2 năm
Một bài viết công phu, cảm ơn bạn đã chia sẻ
bài viết chất lượng
Bạn chủ thớt nghiên cứu khá kỹ đó. Tks bạn
Cá nhân mình nghĩ ghế công thái học & bàn nâng điều chỉnh độ cao là 2 thứ đang bị thổi phồng giá quá mức trong thời buổi Work From Home này.
@gauto988 Có chút tiền muốn làm phiền người khác ấy mà bác 😆) Chấp gì 3 cái thứ trọc phú.
@gauto988 Cái motor rất lợi nếu muốn đứng làm. Office chỗ mình làm tất cả bàn đều có motor cả, mn lúc thì đứng làm lúc thì nguồi tùy hứng. Lúc cần đứng lên làm ko lẽ đứng đó xoay ốc, rất công phu mất tg của bản thân trong giờ làm. Với bàn có motor thì chỉ cần 2 cái profile bấm 1 cái là đứng, 1 cái là ngồi, mất có 3 giây.

Tất cả đồ dc tạo ra đều có mục đích của nó hết, nếu bạn ko có chút nhu cầu nào đứng làm việc thì ko cần bàn có motor, còn nếu có thì việc đầu tư cái bàn như vậy là chuyện tất yếu.
@tan.phan.vt Bỏ công ra search một tí thì cuối cùng cũng có cái sản phẩm đúng ý mình:



không cần motor, chỉ cần tay xoay. Đương nhiên thêm bộ motor thì tiện hơn nhưng giá nó cũng đội lên nhiều.
chir7t
ĐẠI BÀNG
2 năm
@gauto988 Được. Trư thích huynh đài rồi đấy
Chiếc lưng khỏe, không bệnh tật là chiếc lưng có thể tự nó ngồi thẳng.

Chiếc lưng yếu không được luyện tập cho khỏe mà được trang bị cho cái "nạng" siêu xịn để dựa vào thì nó ngày càng yếu đi 😁

Ghế "công thái học" giúp bạn có thể dựa cả thân thể vào một cách thoải mái? Đúng.
Nhưng bạn có nên để cơ thể trượt dài và tựa lên cái ghế trên 8 tiếng/ ngày? Mình nghĩ là không.

Cá nhân mình ngồi 8 tiếng một ngày, không tựa vào lưng ghế (dù ghế có tựa hay không) và mình không có triệu chứng đau lưng mỏi cổ gì cả.

Mình bắt đầu chú ý chủ động điều chỉnh tư thế ngồi từ năm 1, năm 2 ĐH. Quá trình luyện cho lưng khỏe chắc chắn sẽ tốn thời gian và kèm theo những cảm giác khó chịu, và không mang lại dòng sản phẩm chục triệu trăm triệu nào nên có lẽ không được các nhà làm kinh tế chú ý.

Thay vào đó là sáng tạo ra những chiếc ghế "công thái học" và thúc đẩy ý tưởng ngồi dựa hẳn người vào một cái ghế có khung sẽ giúp cho lưng khỏe.

Các bác muốn một chiếc ghế để ngồi tựa thoải mái? Oke bác! Nhưng đừng cho rằng nhờ cái ghế này mà lưng mình sẽ khỏe hơn :D Nếu việc ngồi không có tựa lưng làm bác đau lưng thì có lẽ vấn đề ở cái lưng chứ không phải ở cái ghế không tựa.
@Nghêu Nghêu 1. Lưng mà cần tới cái nẹp hình sống lưng mới không đau thì bác xem lại chứ em không nghĩ nó là khỏe.

2. Bác lôi vụ giày vào để bẻ lái cũng hay đấy, nhưng tiếc là vụ giày cũng tương tự.
Đã có nghiên cứu cho thấy việc mang các loại giày có phần đệm quá êm ảnh hưởng đến chức năng của gan bàn chân. Và các vận động viên chạy chuyên nghiệp cũng có dòng giày đế mỏng ít đệm rồi đấy.

Mình cũng đồng ý việc ghế này giúp kiểu ngồi dựa hết cả người lên ghế sẽ rất thoải mái, vấn đề là kiểu ngồi đó chỉ nên kéo dài tầm 1-3 tiếng 1 ngày thôi chứ không phải là kiểu 7-12 tiếng.

Bản thân mình từng có kiểu ngồi khòm lưng, tự đi tập gym, tự tìm hiểu và chữa lại tư thế ngồi. Mình không cản anh em mua ghế, mình chỉ cản anh em mua ghế và nghĩ cái ghế này sẽ giúp anh em có cái lưng khỏe mạnh thôi.

Anh em cứ ra hàng tư vấn sẽ thấy: "ghế này ngồi thoải mái, ghế này ngồi êm, ghế này đỡ đau lưng",... chứ có ai bảo "ghế này ngồi nhiều lưng anh sẽ khỏe, dăm bữa nửa tháng lưng anh tự ngồi thẳng băng đúng tư thế, chẳng cần con ghế này nữa" không?

Cái phong trào ghế công thái học này do các KOLs, content creators và nhà bán hàng tạo ra, nó cũng tương tự kiểu bàn đứng ấy. Sau khi xuất hiện vài năm rồi vẫn chẳng có cái nghiên cứu đàng hoàng nào chỉ ra là mấy thứ đồ này nó thực sự giúp cho cột sống khỏe, lưng khỏe cả.

Nó là kiểu đồ có cũng hay hay, "nice to have" ấy.
@lehungluan1212 1. Lưng mà cần tới cái nẹp hình sống lưng mới không đau thì bác xem lại chứ em không nghĩ nó là khỏe.
—> ai nghĩ nó khoẻ đâu bạn. chỉ cần không đau là quá tốt rồi. ngồi đau lưng ảnh hưởng hiệu suất làm việc lắm. Kiểu trong đầu lúc nào cũng bị distract vì cái sự ko thoải mái ở lưng.

mình càng tập ngồi thẳng càng đau lưng vì mông lép + chân dài bất thường (so với lưng). mình thấy ngồi ghế này giúp lưng mình bớt đau hơn (và vì nâng hạ độ cao + êm đít nên đỡ hại lưng hơn —> khoẻ mạnh hơn)

thì agree nó là nice to have mà, tự chữa tư thế đc thì quá tốt, nhưng việc đó ko dễ, có tiền bỏ ra mua cái ghế ngồi đỡ đau dễ hơn hehe.

P/S: vụ giày. có nghiên cứu việc giày êm ảnh hưởng gang bàn chân, đợt đó cùng thời điểm phong trào chạy giày ít support lên ngôi, kèm thêm cuốn Born2Run của cái tộc Tanamuhara gì đó khiến dân tình càng hype thêm. Nhưng về sau cũng có nghiên cứu phủ nhận cái nghiên cứu ban đầu đó =))))) và giới runner lại quay về xài giày max support =))))))))
(share vui thôi vì mình ko nhớ nguồn chỉ nhớ của 1 bs runner tại VN chia sẻ)
H.Tung
ĐẠI BÀNG
2 năm
@lehungluan1212 Có ngườ ko thích tập gym, hoặc thể thao thì mua những chiếc ghế ntn sẽ giúp tư thế chuẩn hơn chứ sao.

Hoặc công việc, thú vui của họ là ngồi máy tính nhiều, thì việc có 1 cái ghế tốt cũng thoải mái và tốt cho lưng hơn chứ

Ông thích tập cho lưng khỏe, ngồi ghế gỗ thì kệ ông, chứ đừng phủ nhận tác dụng của nó.
Việc nó bị đôn giá quá mắc, và tác dụng của nó nên tách biệt.
Tôi cũng gym, cũng chạy bộ và cũng chả chê cái loại ghế này 😆
Mình cũng đang dùng, mình mua bản giá rẻ chỉ 4tr và thấy rất hài lòng với tính năng và tầm tiền
Cười vui vẻ
image.jpg
H.Tung
ĐẠI BÀNG
2 năm
@jackychanqn Cho xin tên, mã với bác
@H.Tung Sản phẩm này đợt thử nghiêmj mình mua bên vegaboost mà hình như nay hết hàng rồi á
tanvinhtien
ĐẠI BÀNG
2 năm
DO covid hay do điều gì mà ghế công thái học lại lên ngôi vua của các loài ghế thế nhỉ :vv
@tanvinhtien WFH +tiền túi nên trend lên rât nhanh 😁
@tanvinhtien Do marketing đó bác, từ 1 năm trở lại đây kol từ thế giới đến Việt Nam đẩy mấy cái này rất dữ.
tanvinhtien
ĐẠI BÀNG
2 năm
@lehungluan1212 😆) ai ai cũng công thái học tưởng mới mà thực ra cũng lâu rồi

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019