[Tìm hiểu về TV] CRT: Công nghệ của ngày hôm qua

agp8x
14/7/2016 11:1Phản hồi: 118
[Tìm hiểu về TV] CRT: Công nghệ của ngày hôm qua
Trong bài trước, mình đã giới thiệu với các bạn về 2 công nghệ màn hình phổ biến nhất hiện nay trên TV là LCD/LED và OLED. Tuy nhiên sẽ là rất thiếu sót nếu như chúng ta không nhắc tới những công nghệ từng làm mưa làm gió trước đây. Vì vậy với bài tiếp theo trong series "Tìm hiểu về TV", chúng ta sẽ ngược dòng về quá khứ để tìm hiểu về CRT, để khám phá những bước thăng trầm cũng như vì sao mà nó phải nhường chỗ cho LCD/LED và OLED như ngày nay.

CRT là gì?


CRT (Cathode ray tube) có thể được xem là công nghệ màn hình TV lâu đời nhất được thương mại hoá vào năm 1922. Cũng giống như điện ảnh thời kỳ này, các TV CRT lúc đó cũng chỉ có thể hiển thị hai màu trắng đen. Mãi cho đến 1954, chiếc TV CRT màu đầu tiên mới được thương mại hoá và CRT chính thức thống trị ngành công nghiệp TV cho đến 2007, thời điểm mà nó bị vượt mặt bởi LCD.

panasonic-1.jpg

Kỷ nguyên của TV CRT, cụ thể là ở thị trường Việt Nam, gắn liền với các thương hiệu Nhật Bản. Sony, Panasonic, Toshiba,... là những cái tên gần như chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt là Sony với các dòng TV Wega được xem như tiêu chuẩn của chất lượng, và đó cũng chính là điểm bắt nguồn của câu: "Nét như Sony". Bên cạnh đó, TV CRT cao cấp cũng nổi tiếng với độ bền của mình. Vẫn còn rất nhiều TV CRT được sản xuất từ thập niên 90 vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.

Nguyên tắc hoạt động cơ bản

CRT (Cathode ray tube) về bản chất là một hệ thống đèn điện tử chân không. Trong đó nó sử dụng một (TV đen trắng) hoặc ba (TV màu) súng điện tử (bắn tia âm cực) và một màn phosphor. Để hiển thị được hình ảnh, các súng điện tử sẽ bắn tia âm cực (các hạt electron) vào màn phosphor để kích thích chúng phát sáng. Tuỳ theo màu sắc muốn hiển thị, các electron có thể được gia tốc hoặc chuyển hướng trong quá trình bắn từ súng (qua lớp chân không) đến màn phosphor.


CRT_color_enhanced.png
Cấu tạo của ống tia âm cực (Ảnh Wikipedia):
  1. Ba súng điện tử (cho màu đỏ, xanh lá cây, và xanh da trời dùng phốt pho)
  2. Chùm electron 3. Cuộn dây tập trung
  3. Cuộn dây làm lệch
  4. Kết nối anode
  5. Mặt nạ để tách chùm tia thành các phần màu đỏ, xanh lá cây, và xanh da trời của hình ảnh hiển thị
  6. Lớp phosphor với vùng màu đỏ, xanh lá cây, và xanh da trời
  7. Cận cảnh của phần trong của màn hình được tráng phốt pho.
Cụ thể hơn đối với TV màu, công nghệ CRT thường sử dụng 3 loại Phosphor, mỗi loại có khả năng phát ra một trong 3 màu cơ bản (đỏ, xanh lá, xanh dương) khi bị kích thích bởi tia âm cực. Màu sắc mà các bạn thấy cuối cùng cũng chính là sự kết hợp của 3 màu cơ bản này.

Từ màn hình lồi đến màn hình phẳng


Một điều thú vị là hầu hết các dòng TV CRT cho đến tận đầu thế kỷ 21 đều có màn hình lồi. Nguyên nhân của việc này là do nguyên tắc hoạt động của nó sử dụng súng điện tử bắn các tia âm cực vào tấm nền phosphor. Càng xa trung tâm, khoảng cách mà tia âm cực phải đi sẽ càng xa và góc sẽ càng hẹp, dẫn đến hình ảnh ở góc bị thay đổi màu sắc. Việc sử dụng màn hình lồi (nhẹ) là để giúp cân bằng giữa hiện tượng biến dạng hình ảnh (do TV lồi) và màu sắc (do tia âm cực bị lệch góc)

100_2825.jpg

Về sau các nhà sản xuất đã phát triển công nghệ mới cho phép TV CRT sở hữu màn hình phẳng mà không ảnh hưởng đến khả năng tái tạo màu sắc ở góc. Và rồi đến thời kỳ của TV LED, chúng ta lại bắt đầu thấy xuất hiện xu hướng TV màn hình cong. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là các TV LED/OLED màn hình cong ra đời là do các hãng sản xuất muốn như vậy (ưu thế của màn hình cong vẫn còn là một chủ đề gây khá nhiều tranh cãi), còn các TV CRT màn hình lồi là vì lý do kỹ thuật.

Shadow Mask và Aperture Grille: IPS và VA của kỷ nguyên CRT

Quảng cáo



Với TV LCD hiện nay, việc sắp xếp các tinh thể lỏng theo công nghệ IPS hay VA tốt hơn luôn là một chủ đề bất tận mà có lẽ sẽ không bao giờ có hồi kết. Mỗi công nghệ đều có ưu nhược điểm riêng, chẳng hạn như IPS được biết đến với góc nhìn rộng hơn nhưng khả năng thể hiện màu đen lại không sâu bằng VA. Và một sự thật là với các công nghệ bổ trợ mới, sự khác biêt của chúng cũng không nhiều như các hãng muốn chúng ta nghĩ.

mask-2.jpg Apeture Grille (trái) và Shadow Mask (phải)

Đối với TV CRT cũng không phải là ngoại lệ. Phần màn hình phoshor của nó cũng có 2 phương pháp sắp xếp là Aperture Grille (phosphor được xếp theo dạng sợi) và Shadow Mask (phosphor được xếp theo dạng lưới). Vào thời kỳ đầu, Aperture Grille được xem là vượt trội về khả năng tái hiện màu sắc so với Shadow Mask, tương tự như IPS so với VA. Các bạn liệu có nhớ câu "nét như Sony"? Vào cuối những năm 60, chính hãng điện tử Nhật Bản đã giới thiệu những dòng TV Trinitron sử dụng công nghệ Apeture Grille và gây ấn tượng mạnh mẽ về chất lượng hình ảnh. Về sau, các thương hiệu khác khi áp dụng công nghệ Apeture Grille cho TV/CRT thường đặt tên chữ "tron" ở cuối, chẳng hạn như DiamondTron của Mitsubishi hay SonicTron của ViewSonic.

1206091028-01.jpg
TV Sony Wega Trinitron​

Tuy nhiên kể từ năm những năm 90, công nghệ Shadow Mask và công nghệ lai (giữa Shadow Mask và Apeture Grille) đã phát triển mạnh mẽ. Vì vậy lựa chọn công nghệ nào thực chất là tuỳ theo gu hoặc mục đích sử dụng của mỗi người, tương tự như IPS và VA ngày nay.

Sự đi xuống của TV CRT

Quảng cáo


Tính đến thời điểm này, CRT được xem là công nghệ lỗi thời và các TV CRT không còn được ưa chuộng nữa. Kể từ những năm 90, TV CRT gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ TV Plasma và LCD. Cho đến năm 2007, khi doanh số TV LED lần đầu tiên vượt mặt CRT, ngành công nghiệp TV đã có vị vua mới của mình: LCD. Các dòng TV CRT cao cấp hiện tại đã biến mất hoàn toàn. Ngay cả những tên tuổi từng làm mưa làm gió trên thị trường như Sony hay Mitsubishi cũng đã ngưng sản xuất TV CRT cao cấp từ 2010. Ngày nay, bạn chỉ có thể tìm thấy những chiếc TV CRT giá rẻ tại siêu thị điện máy.

LG2-6.jpg
TV LCD/LED hiện đang thống trị nền công nghiệp TV

Công nghệ CRT dù đã có rất nhiều cải tiến trong vòng đời của mình, nó vẫn rất nặng nề và cồng kềnh so với những công nghệ sau này như LCD và Plasma. Với đặc tính kỹ thuật của mình, việc sản xuất TV CRT trên 40 inch là không khả dụng bởi không gian đòi hỏi qua lớn cũng như chi phí đắt đỏ. Trong khi đó, công nghệ Plasma và LCD cho phép các nhà sản xuất dễ dàng vượt qua giới hạn này. Ngày nay, kích thước TV trung bình đã lên đến 55 inch và các TV 75 inch cũng đã rất phổ biến.

3430055_W800C-4.jpg
Kích thước 40 inch rất bình thường đối với LCD/Plasma, tuy nhiên nó lại bất khả thi với TV CRT

TV CRT cũng có khá nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người xem. Điển hình do việc sử dụng súng bắn tia âm cực, TV CRT phát ra một lượng nhỏ phóng xạ trong quá trình hoạt động. Mặc dù vậy, các nhà khoa học thời kỳ này vẫn cho rằng nó đủ ít để không gây ảnh hường đến sức khoẻ người xem. Cơ mà nếu bạn từng có tuổi thơ hay con cái sử dụng TV CRT, có lẽ cũng đã rất quen thuộc với quan niệm "ngồi gần TV sẽ hư mắt". Ngoài ra thì trong TV CRT cũng có chì, nếu không xử lý đúng cách thì có thể sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Và dĩ nhiên, điều quan trọng nhất là chất lượng hình ảnh mà công nghệ LCD và Plasma mang lại vượt trội so với CRT.

Một số ưu điểm của TV CRT mà các công nghệ TV hiện nay vẫn chưa thể bắt kịp


Xét về mức độ tổng thể, TV CRT kém hơn rất nhiều so với LCD, Plasma và OLED. Tuy nhiên nó không phải là không có ưu điểm. Sau đây là một số điểm mạnh của TV CRT mà ngay cả các công nghệ ngày nay vẫn chưa thể làm được:

2679948_Tinhte.vn-Tren-tay-LG-OLED-TV-CES-2015-3.jpg
  • Màu sắc không bị thay đổi dù ở bất kỳ góc nhìn nào
  • Hiển thị bất kỳ độ phân giải nào mà không cần phải nội suy
  • Không input lag (độ trễ tín hiệu đầu vào)
  • Bền (TV CRT vài chục năm vẫn chạy tốt là không hiếm)
Tham khảo thêm: [Tìm hiểu về TV] Các loại công nghệ tấm nền phổ biến
Tổng hợp​
118 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

hhhdang
ĐẠI BÀNG
8 năm
Ôi tuổi thơ của em lạ ùa về........................
Nhớ ngày xưa cả xóm em chỉ được 1 nhà có cái tivi trắng đen,ngày nào cũng vậy cứ đến tối là từ trẻ em đến người già kéo nhau đến ......rất đông rất vui.......
@hhhdang Hồi đó là phim "đơn giản tôi là Maria", rồi "nhà giàu cũng khóc", hề "xaclo"
Nhớ lại cái tv ngày xưa có nút chỉnh kênh. Rè là đập đập vặn vặn mấy phát là hình nét ngay
Nhà em vẫn dùng con Toshiba 21" màn hình phẳng với loa siêu trầm Boomba. Hình ảnh vẫn rất tốt, sắc nét, màu sắc trung thực, còn âm thanh thì tuyệt vời, chưa biết bao giờ nó hư để đổi TV mới nữa 😁
Bật cái loa siêu trầm lên thì nghe ca nhạc với xem phim phụ đề rất là phê.
tv.jpg
newslove
TÍCH CỰC
8 năm
@hnadov coi phim lồng tiếng của châu tinh trì là bá nhất =))
NNK910
TÍCH CỰC
8 năm
@hnadov giống nhà mình. cái TV toshiba mua chục năm trước. giờ vẫn xài tốt, loa không rè mà có khi còn hay hơn mấy con tivi LCD bây giờ, màn nét căng
arcwin
CAO CẤP
8 năm
@NNK910 Loa tv thường hay dùng để dân chơi chọn đóng loa thùng bác nhé
NNK910
TÍCH CỰC
8 năm
@arcwin cái TV củ nhà tớ có tới 4 củ loa, cộng thêm con sony fh g80 , mở nhạc đánh nghe dịu tai lắm
Cái này là do ngồi gần thì dễ bị cận thị hơn chứ liên quan gì đến phóng xạ đâu thớt?
Giờ coi TV LCD thì cũng phải ngồi xa xa thôi, có cái tỷ lệ ngồi coi lý tưởng là lấy màn hình x3 thì phải.
@hnadov cái đấy là quan niệm các cụ ngày xưa, thớt nói đúng chứ có sai đâu, trẻ con ngồi gần tivi lúc nào cũng bảo như thế
Nhà vẫn còn tivi goldstar từ năm 91.
Vẫn bình thường, đúng là góc quái nào cũng nhìn thấy.
Giờ thi thoảng hỗ trợ quay tay, chả khác 3d là mấy
@quocanh_ltk Thí chủ có link không 😁
huynhthy
TÍCH CỰC
8 năm
2 năm trước ông bà già mới chịu bỏ cái TV sony mua từ hồi năm 96 😁
manh_lhm
ĐẠI BÀNG
8 năm
Nhớ cái ngày xem tây du ký trên TV đen trắng của SONY
manh_lhm
ĐẠI BÀNG
8 năm
Có nhà bác nào đã dùng TV đen trắng, có còn nhớ hồi VTV3 chuyển phát trên sóng UHF, thế là phải cất thêm cái gì đó thì mới xem được VTV3
nmtinh
ĐẠI BÀNG
8 năm
@manh_lhm anten băng tần UHF, cái VHF cũ thì nhìn to hơn
@manh_lhm Mình nhớ hồi đó VHF chỉ có HTV7, HTV9 và Tây Ninh thì phải, còn tất cả các kênh khác như VTV1,2,3, Tiền Giang, Bà Rịa, Đồng Nai, Long An... đều là UHF. Hồi đó tối nào cũng thức khuya xem phim kiếm hiệp, nhớ nhất là phim Hiệp Khách Hành trên kênh Long An (LA34) 😁
thanhtoan177
ĐẠI BÀNG
8 năm
Khoảng năm 1989 mua được cái tv màu hiệu Sanyo giá gần....5 cây vàng! Cả xóm cùng xem vui ơi là vui, vì ngày xưa chỉ có kênh HTV 7 & 9 thôi, không có nhiều như bây giờ. Từ tv den trắng chuyển sang tv màu là như một đột phá rất lớn thời đó.
huyhieuvp
ĐẠI BÀNG
8 năm
@thanhtoan177 Nhà bác hồi đó là đại gia đấy! mãi đến 1990 xóm e mới có 1 nhà có tivi đen trắng xem tây du ký với thủy hử, nhà họ còn có cả Dream nữa cơ
Khoa81
CAO CẤP
6 năm
@huyhieuvp Nhà mình Euro 88 đã coi TV màu lâu rồi cụ ạ. Còn nhớ coi trực tiếp Hà Lan đá với Liên Xô Van Basten sút tung lưới Dasaev lên ngôi vô địch. Lúc đó còn có đầu máy nữa lâu lâu kiếm được phim Thành Long về chiếu xóm nó bu lại xem đè sập cổng rào luôn
Ma Vương.
ĐẠI BÀNG
8 năm
Hồi nhỏ coi TV Sanyo gì có nút vặn chỉnh kênh. Vặn vặn hoài bị lờn, phải lấy cây chim tại vị trí kênh đó, mỗi lần đổi kênh là vấn đề lớn.
Nhà em vẫn dùng mẫu Sony 29" có loa siêu trầm nghe nhạc rất hay, mua năm 2005 giờ vẫn để trên phòng ngủ.


@yeucongnghe2012 Bác có còn con sony nay không để lại cho em với.hehe.
@yeucongnghe2012 bác còn em sony này không ạ.
@namhoang210 Em bán rùi bác à.
daovanhuy
ĐẠI BÀNG
3 năm
@yeucongnghe2012 bán bn vậy b? M cũng đang dùng con sony 25in có loa nóc trầm đây hihi. Ko rõ khác gì nhau mấy ko
Nói chung là tivi CRT đc cái siêu bền dùng cả chục năm ko biết hỏng là gì, chứ ko như tivi LED bây giờ dùng đc mấy năm là tèo
Trọng Dĩ
ĐẠI BÀNG
8 năm
Nhà em giờ con xài tivi crt JVC, 20 năm rồi, hư lên hư xuống mà sửa lại vẫn ngon hơ. Kêu ba mẹ đổi lên đời mới thì nhận được lí do tivi đời mới dài quá
Hồi ấy cả xóm chỉ có 1 cái tivi. Tối đến 6h là trẻ con xem những bông hoa nhỏ, 7h là người lớn xem thời sự. Xong là trẻ con đi học bài. Đến hè thì rải chiếu ra sân, cả xóm tụ tập xem cải lương và mỗi nhà cầm 1 cái quạt nan. Sân lại sáng trăng lũ trẻ ngồi chơi đố câu đố hoặc chơi bài búng tai.
Còn nhớ hồi 1990, 1991 buổi sáng 9h là có phim hãy đợi đấy, hết là tới Tôn ngộ không. Nhà mình hồi ấy có cái JVC 14 inch, có cả điều khiển từ xa hoành tráng lắm. Vàng hồi ấy chưa đến 500K mà cái tivi là 3.5trieu, mua tivi về phải làm ngay cái tủ có cánh lật lên lật xuống, khi lật lên đẩy vào là xem được ti vi, khi đóng xuóng là khóa kín tivi vào, giá trị ghê gớm. Nhớ cái cảm giác khi lần đầu tiên nhìn thấy tôn ngộ không mặc áo vàng, sư phụ áo đỏ, bát giới áo đen, sa tăng áo tím... mà sung sướng ngây ngất. Ôi tuổi thơ dữ dội, nay đã lên bố mẹ cả rồi.
Giờ không biết mấy bạn trẻ còn biết làm ăng ten từ vỏ lon bia nữa nhỉ? Rồi làm bằng vành xe đạp nữa chứ. Thời năm 1994 mà lên tòa nhà cao tầng nào nhìn xuống thì oi thôi dày đặc ăng ten, thả diều chỉ mắc vào ăng ten thôi. Rồi có cái trò lấy giấy bạc trong bao thuốc lá cuốn vào ăngnten râu bắt nét hơn hẳn.
Giá mà được 1 lần về lại hồi ấy. Nhớ quá, giờ nhà mình vẫn giữ cái JVC14inch, tuy hỏng rồi nhưng không bao giờ mình bỏ, nó là tuổi thơ của mình.
@fantastic_No1 Hẳn là cụ đã nhầm! Chương trình "Những bông hoa nhỏ" ngày xưa (1990) phát sóng trước chương trình "Thời sự", thời lượng 15'. 😃
@fantastic_No1 bác làm em nhớ lại tuổi thơ quá, ai cho tôi xin một vé về tuổi thơ dữ dội, tuổi thơ của những năm 96, 97 vs những máy nhắn tin, những cái điện thoại nokia huyền thoại cùng vs điện tử bấm 4 nút :p
@ndkhoivtv Có thể, vì nhà mình mẹ cho sang hàng xóm xem ti vi từ 6h đến 7h nên cứ nhớ như vậy. đến 7h lại trèo tường về nhà học bài. 5h30 là trải chiếu lên nóc bể ngồi ăn cơm rồi 😃
baokecave
ĐẠI BÀNG
8 năm
@fantastic_No1 ông này chắc trạc tuổi mình
magicgoblet
ĐẠI BÀNG
8 năm
Ủa màu sắc ko bị thay đổi dù ở góc nhìn nào? hình như các màn hình ips cũng làm đc mà
quang577
TÍCH CỰC
8 năm
Phần hình ảnh và mô tả ko khớp nhau òi mode ơi 😃
dunganh_bg
ĐẠI BÀNG
8 năm
chất lượng màu của crt chuẩn hơn lcd
Khoảng 15 năm về trước gia đình nào khá giả mua tv đèn chiếu cỡ to hoành tráng.
Sony KDS-R70XBR2 projection tv 16:9

[​IMG]
[​IMG]

Panasonic projection tv

[​IMG]

vhtn8381
TÍCH CỰC
8 năm
@tuyen_kientruc2013 Cái này thuộc đẳng cấp Hi-end rồi bồ ơi(mình ko nói cái tivi nhá) 😃
thích nhất lúc tắt tivi, sờ vào màn hình thiệt là "phê"

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019