Trong quá trình phân tích mẫu xương hóa thạch, các nhà nghiên cứu tại Đại học hoàng gia London đã vô tình phát hiện được các tế bào máu và collagen - được cho là thuộc về một loài khủng long sống cách đây 75 triệu năm. Khoan vội nghĩ về công viên khủng long trong thế giới hiện đại do người ta vẫn chưa thể trích xuất bộ DNA từ mẫu máu lấy được, tuy nhiên đây vẫn là nguồn thông tin vô cùng quý giá giúp chúng ta hiểu hơn về tập tính, đặc điểm sinh lý của loài khủng long cũng như quá trình chuyển hóa từ máu lạnh sang máu nóng ở động vật vào thuở xa xưa.
Bạn còn nhớ trong bộ phim công viên kỷ Jura, người ta đã hồi sinh lại loài khủng long dựa vào bộ DNA chứa trong mẫu máu mà con muỗi đã hút nằm trong hổ phách. Giờ đây, có thể các nhà nghiên cứu đã tìm được mẫu máu đó ngoài đời. Nhà khảo cổ học Susannah Maidment, thành viên nhóm nghiên cứu tại Đại học hoàng gia London cho biết: "Chúng tôi phát hiện được điều này một cách hoàn toàn tình cờ. Ban đầu, mục đích của nhóm là nghiên cứu các mẫu xương hóa thạch bằng cách cắt chúng ra thành những mảnh nhỏ."
Mẫu xương hóa thạch có chứa máu của khủng long bên trong
Một cách vô tình, họ phát hiện ra các tế bào giống máu và collagen đã hóa thạch của loài khủng long sống cách đây 75 triệu năm - 10 triệu năm trước khi loài khủng long bạo chúa T-rex xuất hiện. Maidment cho rằng mặc dù các tế bào này chưa chắc có chứa DNA, nhưng có thể dùng kỹ thuật tương tự để trích xuất các mẫu tế bào được bảo tồn tốt hơn. Và ngay cả khi không lấy được DNA, các tế bào mô mềm và phân tử thu được có thể giúp ta hiểu nhiều hơn về sinh lý và hành vi của loài khủng long. Điển hình như kích thước vật lý của các tế bào máu có thể tiết lộ đặc điểm trao đổi chất và quá trình chuyển đổi từ loài máu lạnh sang máu nóng cách đây nhiều năm.
Cho đến hiện tại, việc tìm thấy mô mềm, còn tươi là vô cùng hiếm hoi do hóa thạch phải được bảo quản trong điều kiện đặc biệt. Điển hình như mẫu hóa thạch phải được đông lạnh trong băng đá vĩnh cửu hoặc trong môi trường đủ khô không chứa vi khuẩn nhằm đảm bảo xác thịt không bị phân hủy. Dù vậy, Maidment cho biết: "Mẫu hóa thạch lần này không phải là quá hiếm. Nó được khai quật tại Công viên hóa thạch khủng long Canada - một khu vực khảo cổ bình thường."
Ảnh chụp dưới kính hiển vi các sợi collagen tương tự như ở loài chim
Trong quá trình nghiên cứu mẫu xương hóa thạch, nhóm đã áp dụng kỹ thuật chùm tia ion tập trung (kỹ thuật được dùng trong y học nhằm tìm kiếm dấu hiệu vôi hóa mạch máu gây tắc nghẽn và dẫn tới suy tim). Ban đầu, nhóm nghiên cứu chỉ muốn tìm hiểu có những loại khoáng chất tự nhiên nào có trong mẫu xương hóa thạch và điều gì xảy ra khi collagen phân rã trong xương khủng long. Sergio Bertazzo, một thành viên khác trong nhóm nghiên cứu cho biết: "Chùm tia này hoạt động như một lưỡi dao, với một cánh tay robot siêu nhỏ mang một cây kim cho phép bạn cắt ra 1 mảnh vỡ muốn nghiên cứu."
Sau khi phát hiện ra tế bào máu và quan sát dưới kính hiển vi điện tử, nhóm phát hiện rằng chúng đều có nhân. Vì vậy, nhóm cho rằng mẫu vật vẫn chưa bị ô nhiễm bởi máu người do tế bào máu người không có nhân. Khi Maidment tiến hành phân tích thành phần hóa học của mẫu máu bằng kỹ thuật khối phổ, họ nhận thấy đây là mẫu máu tương tự như của loài chim, một con đà điều. Phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng rằng đây chính là mẫu máu của loài khủng long.
Sắp tới, nhóm hy vọng có thể tiếp tục phát hiện và nghiên cứu thêm nhiều mẫu máu khác. Cô chia sẻ: "Chúng tôi muốn hiểu được quá trình bảo quản mẫu máu diễn ra như thế nào, bắt đầu cách đây bao lâu và loại hóa thạch nào có chứa nó." Hồi năm 2007, nhà nghiên cứu John Asara tại Đại học Y khoa Harvard đã phát hiện ra collagen trong hóa thạch của 1 con T-rex niên đại 68 triệu năm và 1 mẫu hóa thạch Brachylophosaurus niên đại 80 năm. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là 1 mảng chưa được khai thác của ngành khảo cổ và phát hiện lần này hoặc tương tự, chẳng những cung cấp nhiều thông tin hữu ích về các sinh vật cổ mà còn thay đổi diện mạo của ngành khảo cổ trong tương lai.
Tham khảo NS