Nhóm các nhà thiên văn học tại Đại học Yale và Đại học California tuyên bố đã phát hiện ra một thiên hà nằm ở vị trí xa nhất từ trước đến nay trong vũ trụ. Với tên gọi EGS-zs8-1, thiên hà này nằm cách Trái Đất chúng ta tới 13 tỷ năm ánh sáng. Điều này có nghĩa là thiên hà này đã bắt đầu hình thành từ khi vũ trụ mới được 5% độ tuổi so với hiện tại (tương đương với 670 triệu năm sau khi sự kiện Big Bang diễn ra).
Trong thông cáo vừa phát đi hôm nay trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, nhà thiên văn học Pascal Oesch tại Đại học Yale cho biết: "Thiên hà EGS-zs8-1 có khối lượng lớn hơn 15% so với Miky Way của chúng ta hiện nay và nó chỉ mất 670 triệu năm để làm điều này - khi mà vũ trụ con rất trẻ" Các nhà thiên văn học đã lần đầu tiên nhận thấy sự tồn tại của thiên hà EGS-zs8-1 bằng kính viễn vọng không gian Hubble và sau đó, họ xác nhận nó bằng dụng cụ MOSFIRE tại đài thiên văn W.M Keck. Dù ở vị trí rất xa, nhưng không quá khó để nhận dạng ra nó do đây là vật thể sáng nhất trong vũ trụ sơ khai.
Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch để tiến hành các nghiên cứu khác xoay quanh thiên hà này bằng kính viễn vọng không gian James Webb dự kiến sẽ khởi động vào năm 2018. Bằng cách tìm hiểu quá trình hình thành của nó, các nhà khoa học sẽ có thêm hiểu biết về sự hình thành và hoạt động của vũ trụ sơ khai. Đồng tác giả của nghiên cứu, Garth Illingworth đến từ Đại học California cho biết rằng: "Hiện nay chúng ta đang quan sát nó khá rõ ràng và hứa hẹn sẽ có thể phát hiện thêm nhiều thiên hà xa xôi khác khác khi sử dụng kính viễn vọng James Webb."