#TinhteLookBack: Các điểm nhấn của Y tế toàn cầu trong năm 2021

#TinhteLookBack: Các điểm nhấn của Y tế toàn cầu trong năm 2021
Vậy là sắp hết năm 2021, cũng coi như sắp hết năm covid-19 thứ 2 trên thế giới và đến giờ hầu hết mọi nguồn lực về y tế trên thế giới vẫn tập trung cho đại dịch này. Tuy nhiên nền y tế cũng có các bước tiến lớn khác chứ không chỉ quay quanh đại dịch. Dưới đây là các điểm nhấn được WHO chọn để ghi nhận lại 1 năm đầy biến động sắp trôi qua. Những lựa chọn của WHO mình thấy rất rõ ràng và có tính điểm nhấn, rất đáng để tham khảo. Đây cũng là 1 dịp để chúng ta có thể nhìn nhận lại những cái đã qua và chuẩn bị tinh thần cho các bước tiến tiếp theo của năm 2022 đầy những khó khăn thử thách nhưng cũng có rất nhiều khả năng biến nguy thành cơ 😃.

1. Sự sáng tạo và sự bất bình đẳng trong việc phản ứng lại đại dịch covid-19



Tinhte_Health1.png

WHO1.jpg

Vào cuối năm 2020 khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu diễn ra sau khi loài người phát triển thành công vaccine chống covid-19 đã có những ý kiến lo ngại về việc bất bình đẳng trong tiêm chủng bởi các nước giàu gần như đặt gạch hết vaccine thì đến năm nay sự bất bình đẳng càng thể hiện rõ hơn. Trong số hơn 8 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu nhưng đến cuối tháng 11 vừa rồi mới chỉ có 1 trong 4 nhân viên y tế tại châu Phi, là nhóm ưu tiên tiêm chủng, mới được tiêm đủ 2 mũi. Ngoài ra trong tổng số xét nghiệm được thực hiện trên thế giới chỉ có 0.4% được làm tại các nước thu nhập thấp.
Không thể phủ nhận việc phát triển thần tốc khi chỉ trong 1 năm chúng ta đã có vaccine chống covid-19, các dạng thuốc để điều trị như molnupiravir, favipiravir cũng như hàng loạt các dạng xét nghiệm đầy sáng tạo như lấy dịch nước bọt hay qua hơi thở... Cũng phải kể đến biện pháp hỗ trợ của WHO cho các nước nghèo như cơ chế chia sẻ vaccine Covax đã giúp phân bổ vaccine được đến các nước nghèo nhưng để thực sự bao phủ được vaccine trên phạm vi toàn cầu thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong năm 2022.

2. Các tình trạng khẩn cấp vẫn diễn ra và kéo dài chưa thấy hồi kết



Tinhte_Health7.png

who-afghan.jpg

Ngoài đại dịch covid-19 năm vừa qua các khủng hoảng nhân đạo và tình trạng khẩn cấp liên quan đến lương thực và y tế khác vẫn diễn ra. Đặc biệt là vấn đề khủng hoảng nhân đạo ở Yemen, Syria và sự kiện Taliban chiếm lại Afghanistan làm làn sóng tị nạn tiếp tục tăng mạnh. Đặc biệt ở Afghanistan không chỉ có vấn đề về chính trị mà còn cả covid-19, tiêu chảy cấp, sốt rét, sởi, bại liệt và sốt xuất huyết đều tăng mạnh. Syria sau hơn 1 thập kỷ hỗn loạn vẫn rất cần sự hỗ trợ về vật tư y tế và còn cả hỗ trợ về sức khỏe tâm thần cho người dân.

3. Các thách thức về dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu



Tinhte_Health8.png

who-malnutrition.jpg

Đây cũng là 1 mảng bị tác động mạnh bởi đại dịch khi mục tiêu thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân đã bị chặn đứng lại do covid-19. Đại dịch không chỉ làm dừng lại quá trình phấn đấu hơn 20 năm về chăm sóc sức khỏe toàn dân mà còn gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ giai đoạn Đại suy thoái từ những năm 1930 đến giờ. Theo số liệu mới ghi nhận trên toàn cầu có 23 triệu trẻ em bị trễ hoặc lỡ việc tiêm vaccine thông thường, làm tăng nguy cơ tái diện các dạng bệnh như sởi và bại liệt, là những bệnh đáng lẽ có thể phòng ngừa được nếu tiêm chung đầy đủ. Hơn 1/2 quốc gia thành viên WHO cho biết có sự gián đoạn và đứt gãy trong các dịch vụ chăm sóc người bệnh tiểu đường, rà soát và điều trị ung thư cũng như bệnh cao huyết áp tại quốc gia của mình.

4. Sự đóng góp mạnh mẽ và những khó khăn của phụ nữ trong việc tham gia ngành y tế



Tinhte_Health3.png

who-malaria.jpg

WHO ghi nhận sự đóng góp lớn lao của phụ nữ trong ngành y tế trong 2 năm trở lại đây khi bắt đầu đại dịch covid-19 bởi họ chiếm tới 70% số nhân viên y tế và làm các công tác cộng đồng. Tổ chức này cũng cam kết sẽ thúc đẩy vận động hành lang để giúp nhiều phụ nữ có thể tham gia thêm vào các hoạt động nghiên cứu khoa học. WHO trong năm vừa qua cũng đã hoàn thiện 1 nghiên cứu lớn nhất liên quan đến bạo hành chống lại phụ nữ và cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị bạo hành về thể chất và tình dục bởi bạn tình hoặc bị bạo hành tình dục của người khác. Dự định WHO sẽ vận động để đưa vấn đề chống bạo hành phụ nữ vào trong luật của các nước thành viên và coi đó như 1 mối nguy của y tế công cộng trong thời gian tới.

5. Vaccine chống lại sốt rét là tia sáng giúp loại người chống lại không chỉ sốt rét mà cả các bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai



Tinhte_Health2.png

who-malaria1.jpg

Năm vừa rồi có 1 tin rất đáng mừng đó là việc dạng vaccine chống sốt rét đầu tiên đã được hoàn thiện và hiện đang được khuyến cáo sử dụng rộng rãi cho nhóm trẻ em có nguy cơ, đặc biệt là tại khu vực Cận Sahara ở Châu Phi. Để có được thành quả này WHO đã dựa trên chương trình thử nghiệm dạng vaccine có tên RTS,S trên hơn 800 nghìn trẻ em tại Ghana, Kenya và Malawi từ năm 2019 đến giờ. Lý do tập trung cho trẻ em bởi nhóm trẻ dưới 5 tuổi chiếm tới 80% trong số hơn 600 nghìn ca tử vong do sốt rét tại châu Phi mỗi năm.
Ngoài vaccine chống sốt rét năm vừa rồi còn có việc phê chuẩn vaccine chống lại Ebola và việc các nước đồng thuận với kế hoạch hành động toàn cầu chống lại viêm màng não cũng là những bước tiến lớn đang được nhắc đến. Cũng có thể kể thêm dạng vaccine thử nghiệm chống lại đại dịch HIV/AIDS, một đại dịch mới được phát hiện vài chục năm trở lại đây những cũng đã kịp lấy đi sinh mạng của hàng triệu con người.

6. Tăng tốc trong cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường



Tinhte_Health6.png

WHO-diabetes.jpg

Đã tròn 100 năm kể từ khi loài người phát hiện ra insulin, nhân dịp kỷ niệm này WHO đã cho khởi động dự án Tác động của Đái tháo đường trên toàn cầu để có thể tăng tốc trong việc phòng ngừa và điều trị căn bệnh này. Báo cáo mới nhất được xuất bản hồi tháng 11 vừa rồi cho thấy vẫn còn rất nhiều người vẫn chưa được tiếp cận insulin. Còn rất nhiều thứ cần phải làm để giúp những người này nhận được insulin và các sản phẩm có liên quan, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là phải đảm bảo không có sự gián đoạn trong việc sản xuất và cung cấp insulin cho người bệnh. WHO cũng đang tiếp tục trao đổi với các chuyên gia y tế để có thể đặt insulin vào trong Danh mục thuốc thiết yếu, nhằm giúp thuận tiện hơn trong việc phê chuẩn, tăng tính cạnh tranh và phần nào đó giảm giá thành của dạng thuốc này.

7. Tỷ lệ người sử dụng thuốc lá giảm



Tinhte_Health4.png

7ab568a7d72f4ba3d5c82d4cfa5f3267.jpg

Đây là 1 tin rất đáng mừng khi ngày càng có nhiều người quyết định dừng hút thuốc lá để có thể có sức khỏe tốt hơn cũng như để phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm. Trong khoảng 2 thập kỷ từ năm 2000 đến năm 2022, số người hút thuốc giảm đi 69 triệu người. Nếu như 2 năm vừa qua mới có 32 quốc gia cho biết có bước tiến trong công cuộc giảm 30% số người hút thuốc trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2025. Đến hiện tại số này đã tăng lên 60 quốc gia xác định sẽ đạt được mục tiêu này. WHO cũng đã đưa ra khung phòng ngừa và kiểm soát thuốc lá để các quốc gia có thể lập các cơ chế liên quan đến chi trả cho việc tăng các biện pháp kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu.
Những người hiện đang hút thuốc giờ đây nếu muốn bỏ thuốc có thể sử dụng các thông tin trong chiến dịch Cam kết bỏ thuốc và có cả Nhật ký bỏ thuốc để ghi lại quá trình bỏ thuốc của mình, một cách tiếp cận gần gũi hơn nhiều so với những lời nói đao to búa lớn trong các chiến dịch truyền thông.

8. Cảnh báo những khó khăn trong điều trị bệnh sa sút trí tuệ trong tương lai



Tinhte_Health9.png

who-dementia.jpg

Năm rồi WHO đã công bố bản báo cáo đầu tiên liên quan đến tình trạng hiện tại của việc nhóm y tế công cộng phản ứng lại căn bệnh sa sút trí tuệ và số liệu rất đang lo ngại khi mới chỉ có 1/4 các quốc gia có chính sách, chiến lược hoặc kế hoạch hỗ trợ những người bị sa sút trí tuệ và gia đình của họ. Hiện tại trên toàn cầu có khoảng 55 triệu người, trong đó có 8.1% phụ nữ và 5.4% đàn ông trên 65 tuổi, bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Và khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng cao thì con số bị ảnh hưởng bởi sa sút trí tuệ có thể sẽ lên đến 78 triệu vào năm 2030 và 139 triệu vào năm 2050. WHO đang phát triển Sách xanh về nghiên cứu bệnh sa sút trí tuệ để tạo nên bộ khung chung, nhằm cho các bên có thể dựa vào để nghiên cứu và đưa ra các sáng kiến có liên quan.

9. Các tranh cãi về y tế liên quan đến biến đổi khí hậu



Tinhte_Health5.png

who-climate.jpeg

WHO đã đưa ra Hướng dẫn về chất lượng không khí toàn cầu vào tháng 9 vừa qua để cung cấp các bằng chứng thực tế về việc ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như làm giảm khả năng tập trung của con người như thế nào. Trong sự kiện COP26 do Liên Hiệp Quốc chủ trì ở Glasgow vừa qua WHO cũng đã gửi báo cáo và 1 thư ngỏ được kí bởi những tổ chức y tế đại diện cho 2/3 số nhân viên y tế trên toàn cầu để nâng cao nhận thức về việc biến đổi khí hậu đã gây tác động đến ngành y tế như thế nào.

Với mình việc phát triển được các dạng vaccine chống covid-19, sốt rét và HIV là thành tựu lớn nhất và đáng nhớ nhất, chắc vì cũng liên quan đến công việc hiện tại của mình. Còn anh em thì sao? Năm vừa rồi ấn tượng lớn nhất về y tế là gì (không tính những lùm xùm nhé)?

Tham khảo WHO

Deeptalk là dạng bài phân tích sâu, nội dung chất lượng với đồ họa đẹp, coi sướng con mắt. Hình ảnh trong bài Deeptalk được mở rộng ra tối đa để bạn có thể chiêm ngưỡng và đón nhận thông tin theo cách hoàn toàn mới. Hãy pha một ly cà phê thật ngon, vừa nhâm nhi vừa đọc bài Deeptalk nhé, sẽ phê lắm đó!

Tinhte LookBack sẽ nhìn lại sự kiện, sản phẩm đáng chú trong năm qua, cung cấp những nhận định chuyên sâu, các phân tích đậm chất công nghệ. Nhân dịp cuối năm, mời anh em thưởng thức các bài LookBack rất hay nhé.

6 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

cảm ơn mod. (thêm) một năm thật khó khăn với ngành y tế nhưng đâu đó vẫn có ánh sáng cuối con đường để mọi người vững tin bước tiếp.
esata
CAO CẤP
2 năm
Vietnam có 1 điểm sáng cuối năm là Nanovovax đạt hiệu quả bảo vệ tốt - đáng chú ý là hiệu quả 6 tháng sau tiêm với biến thể delta có thể còn hơn Pfizer - 51.6% vs 47% !

Nên rất mong hội đồng chuyên môn thông qua để cấp phép sớm nhất. Hội đồng y đức đã thông qua với 13/15 YES (trong đó 2 phiếu YES yêu cầu bổ sung dữ liệu) và 2 phiếu trắng.
esata
CAO CẤP
2 năm
@nospecial Ai lừa ai? Lùa gà là gì, tôi không hiểu? Việt Á mới bắt thêm 12 tên quan, nhìn tên nào cũng nham nhở. Còn Nanogen khác xa vụ Việt Á lừa đảo tha hồ chọc họng cắt cổ dân - chứ vaccine giá bèo chúng ăn được gì chứ?
Kết thúc 1 năm thật khó khăn, mong năm mới sẽ sáng sủa hơn
TOKYO VICE
TÍCH CỰC
2 năm
Bác nào muốn xem lại 2021 thì có 1 Video do VTV làm.



Rất ý nghĩa
Techsavvy20
ĐẠI BÀNG
2 năm
chán cái tràng viết bài có đầu tư dài... k có đăng được 😔 đéo lookback nữa

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019