Nếu nói OnePlus đã “disrupt” cả ngành công nghiệp smartphone thì cũng không có gì là quá đáng. Trong 7 năm vừa qua, thương hiệu này đã từ một công ty nhỏ với chỉ một thiết bị mỗi năm trở thành một công ty lớn có phạm vi trên toàn cầu. OnePlus thống trị thị trường smartphone cao cấp tại Ấn Độ và có sự hiện diện mạnh mẽ tại các khu vực khác trên thế giới. Điểm nhấn ở đây là tuy đạt được những điều này nhưng OnePlus vẫn giữ các sản phẩm của mình tương đối rẻ so với hầu hết các đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên mọi chuyện không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió với OnePlus. Đã có một vài sai lầm, những chiêu trò tiếp thị và thậm chí những sản phẩm mà lẽ ra không nên được phát hành từ công ty này. Nhân dịp sinh nhật 7 năm của OnePlus, hãy cũng điểm qua 7 thành công lớn nhất và 7 “cú vấp” không nhỏ mà công ty này đã có trong 7 năm qua nhé.
Anh em quan tâm OnePlus có thể đọc thêm:

OnePlus, hành trình từ "flagship killer" sang flagship thông thường
Thành công đầu tiên: chiếc OnePlus One
Điều gì về OnePlus One mà vẫn chưa được nói tới? Đây thường xuyên được coi là một trong những chiếc smartphone tốt nhất mọi thời đại.

OnePlus One ra mắt vào năm 2014, chỉ 4 tháng sau sinh nhật đầu tiên của OnePlus. Nó cung cấp gần như tất cả các thông số kỹ thuật hàng đầu mà người dùng mong đợi từ một chiếc flagship, và với mức giá chỉ bằng một nửa so với các flagship đương thời. Chắc chắn OnePlus One vẫn có một vài thiếu sót như camera không phải là tốt nhất, không có các tính năng mới nhất như màn hình 1440p hoặc cảm biến vân tay… nhưng nó nhanh, bền và hấp dẫn.
Tuy cách bán hàng qua thư mời lúc đó đã gây ra sự khó chịu cho người mua cộng với dịch vụ hỗ trợ khách hàng cũng không tốt lắm, nhưng OnePlus One vẫn là một cú hít lớn dành cho thương hiệu mới mẻ này. Sản phẩm đầu tiên ra mắt đã tạo được tiếng vang lớn như vậy là một thắng lợi lớn dành cho công ty và tạo tiền đề cho sự thành công trong tương lai.
Thành công thứ 2: Oxygen OS
OnePlus One được xuất xưởng cùng với Cyanogen OS, phiên bản thương mại của bản Android tuỳ biến nổi tiếng CyanogenMod. Mặc dù gặp đôi chút rắc rối sau này với công ty chủ quản của CyanogenMod là Cyanogen Inc. nhưng chúng ta cũng có thể cảm ơn Cyanogen OS vì một lý do đơn giản: nó buộc OnePlus phải tại ra Oxygen OS sau này.

Khi mọi thứ với Cyanogen dần trở nên lộn xộn, OnePlus đã ý thức rằng họ cần phải loại bỏ thương hiệu này khỏi các thiết bị trong tương lai. Và vào năm 2015, OnePlus bắt đầu phát triển giao diện Android “gần gốc” của riêng mình. Skin này sau đó được đặt tên là Oxygen OS sau khi OnePlus tổ chức một cuộc thi đặt tên trực tuyến để hỏi ý kiến người dùng. Không lâu trước lần sinh nhật thứ 2, công ty đã tung ra Oxygen OS như một bản nâng cấp tuỳ chọn cho OnePlus One.
Lúc ban đầu thì Oxygen OS rất gần với Android gốc, chỉ bổ sung thêm một số tính năng nhỏ. Theo thời gian OnePlus đã làm cho giao diện Android của mình trở thành một trong những sản phẩm tốt nhất trên thị trường, một trải nghiệm hầu như không có bloatware với vô số tính năng tuỳ chỉnh và giao diện người dùng đẹp mắt, linh hoạt.
Quảng cáo
Oxygen OS được nhiều fan hâm mộ OnePlus yêu thích đến nỗi nhiều người không muốn chuyển sang smartphone của các hãng khác vì đơn giản là không muốn trải nghiệm Android gốc nhiều thiếu sót hoặc những giao diện tuỳ biến cồng kềnh từ các OEM khác.
Thành công thứ 3: OnePlus 3T
OnePlus One sẽ luôn có một vị trí đặc biệt trong danh sách các smartphone Android quan trọng trong lịch sử. Tuy nhiên OnePlus 3T có thể sẽ được ghi nhận là thiết bị tốt nhất mà OnePlus từng cung cấp.
Ban đầu có một phản ứng trái chiều của người hâm mộ đối với OnePlus 3T. OnePlus đã phát hành nó ngay trước sinh nhật lần thứ 3, chỉ sáu tháng sau khi OnePlus 3 ra mắt. Một mặt, người hâm mộ thích ý tưởng về một chiếc OnePlus tốt hơn một chút được ra mắt sáu tháng sau đó, nhưng cũng có rất nhiều người đã chuyển sang mua OnePlus 3 rồi sau đó tiếc nuối khi biết một lựa chọn tốt hơn sẽ đến sớm như vậy.

Và mọi nghi ngờ đều nhanh chóng bị quên lãng khi người dùng bắt đầu sử dụng OnePlus 3T. Vẫn giữ thiết kế kim loại bóng bẩy của OnePlus 3 nhưng 3T đã tăng cường thêm các thông số kĩ thuật về bộ vi xử lý, pin và camera trước. Ngoài ra cũng bổ sung thêm tuỳ chọn bộ nhớ trong 128GB.
Quảng cáo
OnePlus 3T còn được hỗ trợ phần mềm cho đến tận năm 2019, với bản cập nhật cuối cùng là Android 9 Pie. Một kỷ lục của OnePlus khi cập nhật 4 bản Android khác nhau cho một thiết bị (Android 6 Marshmallow (xuất xưởng), 7 Nougat, 8 Oreo và 9 Pie).
Thành công thứ 4: công nghệ sạc nhanh Dash Charge (Warp Charge sau này)
Với OnePlus 3, công ty đã ra mắt Dash Charge, một hệ thống sạc nhanh độc quyền được cấp phép từ Oppo. Dash Charge hứa hẹn rằng “sức mạnh trong một ngày sẽ có trong nửa giờ”, OnePlus 3 có thể sạc từ 0 đến 60% chỉ trong 30 phút.

Trong khi người hâm mộ chê bai OnePlus trong nhiều năm vì không cung cấp tính năng sạc không dây cho điện thoại của mình thì Dash Charge được ghi dấu là một thành công lớn. OnePlus chắc chắn không khởi đầu cho xu hướng sạc nhanh có dây nhưng họ là một trong những người tiên phong trong công nghệ này. Dash Charge là một lý do lớn để khiến các đối thủ cạnh tranh bắt đầu coi trọng tính năng này sau đó.

Sau này vì vướng vào một vụ tranh chấp thương hiệu ở EU nên OnePlus đã đổi tên Dash Charge thành Warp Charge sau này. Đổi tên nhưng không đổi sức mạnh, hệ thống này vẫn tốt và càng trở nên mạnh mẽ hơn theo thời gian. Warp Charge 65W trên OnePlus 8T có khả năng sạc từ 0% pin lên 58% chỉ trong vỏn vẹn 15 phút.
Thành công thứ 5: người dẫn đầu ở Ấn Độ
Trong thời gian sinh nhật lần thứ 5 của mình thì OnePlus đã đón nhận một thông tin tuyệt vời. Theo Counterpoint Research, OnePlus đã trở thành thương hiệu smartphone cao cấp bán chạy nhất tại Ấn Độ.

Chúng ta không nghe nhầm đâu. Điều đó có nghĩa là OnePlus đã bán được nhiều smartphone cao cấp hơn Samsung, Apple, Huawei hay bất kỳ nhà sản xuất smartphone nào khác tại thị trường Ấn Độ. Với việc Ấn Độ là một trong những thị trường điện thoại thông minh lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới, thành tích này là một thành tựu vô cùng lớn của OnePlus.
Kể từ ngày đó, OnePlus đã giữ vững danh hiệu này thường xuyên hơn qua mỗi năm trong khi độ nhận diện thương hiệu và thị phần cũng tăng lên ở nhiều nơi khác trên thế giới bao gồm Anh, Mỹ và Châu Âu. Nhưng thành tích này ở Ấn Độ sẽ luôn là một trong những dấu mốc quan trọng nhất của công ty.
Thành công thứ 6: OnePlus 7 Pro
Vào năm 2019, OnePlus đã ra mắt một loại thiết bị OnePlus mới: mẫu Pro. Trước đó thì công ty chỉ phát hành một chiếc flagship chính và sau đó là một mẫu nâng cấp “T” mỗi năm. Và OnePlus 7 Pro chính là mẫu smartphone “Pro” đầu tiên của công ty.

Ban đầu, người hâm mộ rất phấn khích với việc OnePlus phát hành một thiết bị thậm chí còn đắt hơn chiếc OnePlus 6T, chiếc điện thoại đắt nhất trước đó của OnePlus. Tuy nhiên ngoài việc giá cao, OnePlus 7 Pro còn được coi là một trong những chiếc smartphone tốt nhất trong năm 2019.

Chiếc điện thoại này rất đẹp và là một thành tựu kỹ thuật đáng nể. Nó debut một trong những tính năng đỉnh nhất của ngành công nghiệp lúc bấy giờ đó là màn hình có tốc độ làm tươi 90Hz, với cái tên tiếp thị là Fluid AMOLED. Ngoài ra nó còn ra mắt tiêu chuẩn lưu trữ UFS 3.0 trên smartphone cũng như là thiết bị đầu tiên đặt chân đến Bắc Mỹ có camera selfie thò thụt.
Nói một cách khác thì OnePlus 7 Pro là một ví dụ điển hình về việc OnePlus chuyển mình từ một công ty cung cấp những chiếc flagship hiện đại với mức giá phải chăng sang một công ty tiên phong với các tính năng sáng tạo.
Thành công thứ 7: OnePlus Nord
Đầu năm 2020 này, OnePlus đã phát hành một chiếc điện thoại thuộc dòng hoàn toàn mới. OnePlus Nord là thiết bị đầu tiên thuộc dòng điện thoại tầm trung của công ty. Nord cung cấp những giá trị cốt lõi của điện thoại OnePlus trong khi cắt giảm một vài mặt nào đó để giữ mức giá thấp hơn.

Nói theo một cách nào đó thì Nord chính là đại diện cho một chuyến “homecoming” của công ty này. Tạo ra các thiết bị rẻ với rất ít sự thoả hiệp, đúng với khẩu hiệu “Never Settle”. Kể từ sinh nhật lần đầu tiên thì OnePlus đã trở thành một người chơi chính thống hơn nhưng Nord lại là một chút “hồi tưởng” về những ngày trước đó.
Thực sự thì thứ tệ nhất của Nord chính là mức độ phổ cập của nó, không có sẵn ở tất cả các nơi trên thế giới. Ở Mỹ cũng không bán, rất đáng tiếc. Còn ở những nơi khác, người dùng có thể tìm thấy OnePlus Nord với mức giá đâu đó dưới 500 USD theo đồng tiền địa phương. Ở nước ta, OnePlus Nord 5G có mức giá hiện tại là 12.490.000 đồng, khá sát với mức giá niêm yết trên thế giới.
Thất bại đầu tiên: Chiến dịch quảng cáo “Smash the Past” và “Ladies First”
OnePlus trong lịch sử thường ít gặp vấn đề về những rủi ro trong marketing với lối suy nghĩ thận trọng của mình từ khi thành lập cho đến nay. Tuy nhiên ít nhưng không phải là không có, 2 trong số những chiến dịch marketing ban đầu từ công ty này đã bị phản tác dụng một cách khủng khiếp.

Đầu tiên là chiến dịch “Smash the Past” hay “Đập tan quá khứ”, ra mắt song song với việc phát hành chiếc OnePlus One. Video quảng cáo khuyến khích người dùng quay phim lại việc họ đập nát chiếc điện thoại thông minh hiện tại của mình theo đúng nghĩa đen, đổi lại sẽ được mua một chiếc OnePlus One với giá chỉ 1 USD. Và thật không may, người dùng đã hiểu sai về cách thức của chương trình khuyến mãi này và có những người đã không có cơ hội trúng thưởng đã lại còn đập tan luôn chiếc điện thoại của mình do nhầm lẫn. Cuối cùng chỉ 100 trong số 140.000 người tham gia nhận được chiếc OnePlus với giá 1 USD, rất chua chát cho phần còn lại.

Không lâu sau thất bại của “Smash the Past”, OnePlus đã tiếp tục ra mắt một chiến dịch sai lầm khác có tên là “Ladies First” hay “Ưu tiên phụ nữ”. Chiến dịch này khuyến khích các thành viên nữ trên các diễn đàn cộng đồng OnePlus đăng ảnh của mình cùng với logo OnePlus, đổi lại là thư mời mua chiếc OnePlus One. Những người không tham gia được (chủ yếu là nam) trên các diễn đàn sau đó có thể Like những bức ảnh này, và chấm hết. Anh em có thể hình dung ra cảm giác của những thành viên nam này lúc đó rồi chứ 😁
Thất bại thứ 2: khởi đầu với Cyanogen OS
CyanogenMod, hiện tại đã được đổi tên thành Lineage OS, là một bản ROM Android tuỳ biến và được cộng đồng ưu thích ROM cook rất yêu thích. Người dùng ban đầu đã rất phấn khích khi OnePlus tiết lộ OnePlus One sẽ được cài sẵn Cyanogen OS (bản thương mại của CyanogenMod). Điều này không chỉ đại diện cho một chiến thắng lớn cho Cyanogen Inc. mà còn cho cộng đồng ROM tuỳ biến nói chúng. Nhưng thật không may, mọi thứ diễn ra khá nhanh chóng.

Công ty chủ quản của Cyanogen OS đã đưa ra một số quyết định tồi tệ sau đó mà ảnh hưởng trực tiếp đến OnePlus. Một trong số những sai lầm lớn nhất chính là việc ký hợp đồng với một đối thủ cạnh tranh của OnePlus sau đó cấp phép cho đối thủ này độc quyền Cyanogen OS tại thị trường Ấn Độ. Điều này được coi là một cú shock lớn cho OnePlus.
Tất nhiên sau đó OnePlus đã phát triển giao diện Oxygen OS tuỳ biến của riêng mình. Tuy nhiên OnePlus ngay từ ban đầu đã không nên làm việc với Cyanogen vì công ty này có một vị CEO nóng nảy, không có kinh nghiệm và thành tựu gì nổi bật. Thậm chí có lúc anh này khoe rằng Cyanogen cuối cùng sẽ giành quyền kiểm soát Android từ Goolgle, đúng thật là rất điên rồ.
May mắn là OnePlus hầu như đã tránh xa các mối quan hệ đối tác có vấn đề như thế này kể từ thời điểm đó.
Thất bại thứ 3: OnePlus 2
Mặc dù rất khó để đánh giá bất kỳ chiếc flagship OnePlus nào là “tệ” nhưng OnePlus 2 được coi là kẻ kém nhất trong số đó. Thừa hưởng rất nhiều từ thiết kế và tính năng của OnePlus One rất thành công trước đó, tuy nhiên một số thay đổi được giới thiệu trên OnePlus 2 hoặc là quá nhỏ để khiến người dùng hào hứng hoặc thực sự là một bước thụt lùi.

Sai lầm lớn nhất của OnePlus 2 là loại bỏ NFC. OnePlus nói rằng không có đủ người dùng tận dụng tính năng này, vì vậy không cần trang bị chip NFC. Nhưng nhìn lại thị trường lúc đó thì thật khó có thể đồng tình với suy nghĩ này của OnePlus, việc thanh toán không tiếp xúc đã bắt đầu được đẩy mạnh và Apple đã tung ra Apple Pay một năm trước đó.

Một sai lầm khác đó là cổng USB-C trên thiết bị này mặc dù đây là một trong những chiếc smartphone thương mại đầu tiên trang bị. Trong khi USB-C lẽ ra phải là một tính năng nổi bật của điện thoại thì OnePlus đã chọn cách sử dụng cáp và adapter của riêng mình và không phù hợp với tiêu chuẩn USB-C. Do đó sợi cáp không hoạt động với các thiết bị của bên thứ 3 và trực tiếp ngăn người dùng thực hiện những việc đơn giản như chuyển dữ liệu giữa điện thoại và máy tính.
May mắn là sau đó OnePlus đã sửa sai nhanh chóng với sự ra mắt của OnePlus X, và OnePlus 3 được đón nhận nồng nhiệt sau đó. Tuy nhiêu những cú vấp vẫn còn rất dài.
Thất bại thứ 4: “Never Settle” hay là “Settle Sometimes”
Kể từ ngày thành lập thì phương châm hoạt động của OnePlus luôn là “Never Settle” hay “Không bao giờ thoả hiệp”. Khẩu hiệu khuyến khích người dùng smartphone luôn yêu cầu chất lượng sản phẩm phải là cao nhất và “không bao giờ thoả hiệp” cho bất kỳ thứ gì thấp hơn.

Tuy nhiên trong những năm qua, câu phương châm này lại được sử dụng để chế giễu công ty này khi OnePlus thường xuyên làm ngược lại với những điều cộng đồng mong muốn. Một vài ví dụ như:
- Loại bỏ NFC khỏi OnePlus 2
- Không trang bị sạc không dây trong nhiều năm
- Bảo người dùng “học cách yêu tai thỏ” trên OnePlus 6
- Loại bỏ jack 3.5 khỏi OnePlus 6T sau khi chế giễu các đối thủ vì đã loại bỏ nó
- Không trang bị tiêu chuẩn IP trong nhiều năm
- Tăng giá đều đặn với mỗi thiết bị mới
- …
Còn rất nhiều ví dụ khác có thể kể ra nhưng điểm mấu chốt là phương châm “Never Settle” có vẻ như là càng nói càng phai, lời nói gió bay :D
Thất bại thứ 5: Sai lầm khi triển khai cập nhật Android 10
Quay lại vào cuối mùa hè 2018, OnePlus đã gây ấn tượng mạnh khi mang Android 9 Pie lên OnePlus 6 chỉ trong hơn 40 ngày kể từ khi Google giới thiệu chính thức. Vào thời điểm đó, điều này đã biến OnePlus trở thành một trong những OEM cung cấp bản cập nhật Android nhanh nhất cho các thiết bị ngoài Google Pixel.
OnePlus 6T được phát hành ngay sau đó cũng đi kèm với Android 9 Pie. Nó đã trở thành chiếc điện thoại đầu tiên trên thị trường làm được điều đó.

Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi kể từ năm 2019 với việc tung ra Oxygen OS 10 dựa trên Android 10. Mặc dù OnePlus đã công bố Oxygen OS 10 cho OnePlus 7 và 7 Pro chỉ 18 ngày sau khi hệ điều hành mới ra mắt, đánh bại thành tích trước đó nhưng quá trình triển khai cập nhật đã bắt đầu và bị trì hoãn nhiều lần. Khởi đầu khó khăn là do nhiều lỗi và các vấn đề với bản build ổn định.
Sau đó việc phát hành Android 10 cho OnePlus 6 và 6T cũng bắt đầu và dừng lại một vài lần do lỗi và các vấn đề khác về phần mềm.
Có vẻ như trong nỗ lực duy trì danh tiếng là một trong những OEM đầu tiên cung cấp các bản cập nhật Android mới nhất đã khiến OnePlus đưa mọi thứ đi quá xa và bắt đầu đặt tốc độ lên trên vấn đề kiểm soát chất lượng. Mặc dù người dùng OnePlus sẽ rất vui khi điện thoại của mình được cập nhật Android trước các thiết bị khác nhưng họ cũng sẽ sẵn lòng đợi thêm một thời gian nữa nếu bản cập nhật có đầy đủ chức năng và không có lỗi xảy ra.
Thất bại thứ 6: bội thực với OnePlus 7 series
Qua hầu hết 7 năm qua, OnePlus thường chỉ phát hành một hoặc hai chiếc điện thoại mỗi năm. Tuy nhiên vào năm 2019, công ty này lại phát hành quá nhiều điện thoại và khiến người dùng bội thực và dễ gây nhầm lẫn hơn bao giờ hết.

Vào năm 2018, OnePlus đã phát hành 3 chiếc smartphone là OnePlus 6, 6T và 6T McLaren Edition. Chiếc McLaren là phiên bản đặc biệt nên cứ tạm coi là chỉ phát hành 2 chiếc chính trong năm 2018, và đây là danh sách của năm 2019:
- Tháng 5: OnePlus 7
- Tháng 5: OnePlus 7 Pro
- Tháng 8: OnePlus 7 Pro 5G
- Tháng 9: OnePlus 7T
- Tháng 10: OnePlus 7T Pro
- Tháng 11: OnePlus 7T Pro 5G McLaren Edition
Đó là 6 thiết bị khác nhau và đều bắt đầu bằng chữ OnePlus 7, điều này cực kỳ khó hiểu. Mọi thứ càng trở nên khó hiểu hơn khi người dùng nhận ra rằng chỉ một số thiết bị nhất định được bán ở một số khu vực nhất định trên thế giới khiến người tiêu dùng khó có thể tự tin để chọn và mua một thiết bị cho mình.
Trong năm 2020 này thì công ty cũng đã phát hành nhiều điện thoại hơn so với năm 2019, nhưng rất may một số trong đó thuộc dòng Nord, giúp phân biệt các sản phẩm khác nhau trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên điều đó đưa chúng ta đến thất bại cuối cùng trong bài viết này.
Thất bại thứ 7: OnePlus Nord N10 và N100
Trong danh sách thành công ở trên thì OnePlus Nord được coi là một trong những thành công lớn nhất của OnePlus kể từ khi thành lập. Tuy nhiên 2 chiếc điện thoại còn lại trong dòng này thì hoàn toàn thiếu sót về mọi mặt.

Trong khi OnePlus Nord cung cấp các giá trị chủ chốt của OnePlus với mức giá thấp thì N10 và N100 đã cắt bỏ gần như tất cả các tính năng đó. Không có cảm biến vân tay trong màn hình, không có tính thẩm mỹ trong thiết kế và ngay cả nút trượt vật lý nổi tiếng cũng đã bị cắt giảm. Điều duy nhất khiến người ta biết đây là điện thoại OnePlus chỉ là logo ở mặt sau và Oxygen OS chạy trên đó. Tuy nhiên ngay cả Oxygen OS trên 2 thiết bị này cũng chỉ là một thất bại bởi vì OnePlus chỉ hỗ trợ duy nhất một bản cập nhật lớn.
Mặc dù công ty luôn “vay mượn” nhiều thứ từ công ty mẹ Oppo nhưng Nord N1000 lại đặc biệt nghiêm trọng khi nó thực sự chỉ là một chiếc Oppo A53 được đổi tên và thêm vào một số thay đổi nhỏ.
Vẫn chưa rõ những chiếc Nord này trong tương lai có mang lại nhiều lợi nhuận hơn hay không nhưng thị trường đã có những chiếc điện thoại giá rẻ “khủng” của Google, Samsung và thậm chí cả Apple nữa. OnePlus sẽ cần phải cố gắng nhiều hơn thế này rất nhiều nữa.
7 năm thành lập, điểm qua 7 thành công và thất bại lớn nhất của OnePlus. Anh em đã xài qua điện thoại OnePlus chưa? Có ý kiến gì thêm thì comment nhé :D