Chuyện là dạo này mình khá là đam mê với xe hơi điện, tuy nhiên trải nghiệm của mình với xe điện ở Việt Nam có vẻ cũng chưa đủ thuyết phục được mình thay thế hoàn toàn nhu cầu di chuyển bằng xe xăng. Thế nên trong chuyến đi châu Âu vừa qua, mình quyết định mạnh dạn thuê một chiếc xe thuần điện trong hơn 30 ngày, chinh phục quãng đường gần 8000km, đi qua hơn 10 quốc gia từ Thụy Sĩ đến tận các vùng phía Tây Na Uy xa xôi, với đầy đủ mọi địa hình từ thành thị cho đến nông thôn, từ cao tốc không giới hạn tốc độ cho tới đèo dốc khúc khuỷu. Hi vọng với trải nghiệm của mình đủ để có thể chia sẻ để giúp các bạn có một cái nhìn mới về xe hơi thuần điện trong tương lai.
Những điều mình thích:
- Chi phí nhiên liệu: mình nghĩ bất cứ ai khi nghĩ về xe điện thì cũng sẽ có lý do đầu tiên đó là chi phí “nhiên liệu" để vận hành chiếc xe điện nó rẻ hơn khá nhiều so với việc sử dụng xăng dầu. Nói sơ qua giá sạc điện nhanh ở châu Âu thường rơi vào khoảng 0.35-0.79EUR/kWh, trung bình xe mình tiêu thụ khoảng 14-15kWh/100km đường hỗn hợp, quy đổi với giá xăng 95 trung bình từ ~2-2.2EUR/l tại thời điểm mình đi thì mọi người có thể quy đổi xe sẽ tốn chi phí nhiên liệu tương đương với một chiếc xe xăng tiêu thụ 3-6l/100km tùy theo giá điện bạn phải trả. Cơ mà con số trên mình chỉ đang tính trường hợp bạn trả mức chi phí tối đa, chứ nếu khéo léo tận dụng các ưu đãi dành cho xe điện thì bạn hoàn toàn có thể được sạc pin giá rẻ hoặc thậm chí là miễn phí.
- Thuê nhà hoặc bất cứ nơi đâu có thể cắm điện nối ra xe: cái này thì hơi chậm với bộ sạc 2.2kW theo xe nhưng nếu cắm qua đêm cũng đủ để mình có thêm đủ điện để lái vài chục km đi chơi quanh thành phố.
- Đi mua sắm ở một số siêu thị nhất định: thường để kích cầu thì chuỗi siêu thị (điển hình nhất là LIDL hay IKEA) họ có lắp cây sạc điện free phục vụ cho khách đi xe điện đến mua sắm, tốc độ sạc tầm 22-60kW. Như xe mình nếu sạc nhanh thì có khi vào mua đồ ăn thức uống tính tiền xong hết mất tầm hơn nửa tiếng thì ra tới xe có khi đã đủ cho xe chạy thêm tầm 150-200km rồi, tuy nhiên free thì cũng có giá của nó, không phải lúc nào cũng có slot trống đâu nhé.
- Một số bãi xe: như ở ga tàu hoặc siêu thị chỉ thu phí giữ xe nhưng lại có cổng sạc xe điện miễn phí, thay vì chỉ đơn thuần trả tiền parking như các xe khác thì khi gửi xe ở đây các bạn coi như được hoàn lại một phần vào chi phí sạc điện, cũng có lợi hơn đôi chút.
- Đăng ký subscription theo tháng của các hệ thống trạm sạc: chi phí đăng ký từ 4 đến 20 EUR trả theo tháng hoặc theo năm tùy chính sách của mỗi hệ thống trạm sạc nhưng bù lại có thể giúp bạn tiết kiệm từ 20-50% so với giá sạc thông thường, nếu bạn đi nhiều thì chỉ cần sạc vài lần đã đủ bù chi phí tháng rồi, nên cũng có thể cân nhắc.
Sạc miễn phí ở siêu thị LIDL - Xe điện rất phù hợp khi đi trong thành phố: các thành phố lớn của châu Âu thường có một khu vực emission zone, vùng xanh để giới hạn khí thải của các xe hơi di chuyển qua các khu vực trung tâm, đi xe điện thì tất nhiên là zero emission nên sẽ đơn giản hơn nhiều. Ngoài ra chính về bản chất kĩ thuật, tăng tốc nhanh, thắng thu hồi năng lượng thì xe điện rất phù hợp khi đi ở tốc độ chậm và biến thiên liên tục trong thành phố. Việc đạt mô men xoắn tối đa ngay từ khi vừa đạp ga giúp cảm giác di chuyển linh hoạt và tiết kiệm nhiên liệu hơn rất nhiều so với xe xăng cùng phân khúc. Khả năng tăng tốc rất nhanh của xe điện cũng giúp mình tự tin hơn khi tham gia giao thông, dân châu Âu là họ lái rất nhanh và dứt khoát nên lớ ngớ rất dễ gây ra tai nạn.
- Leo đèo sướng như xe sang: cũng chính nhờ việc có khả năng cung cấp gia tốc lớn ngay từ lúc vừa mớm ga giúp xe điện thoải mái leo đèo cực kỳ mạnh mẽ. Lục địa già thì không thiếu những địa hình đồi dốc, nếu có kĩ năng lái xe tương đối tốt thì việc điều khiển một chiếc xe điện sẽ giúp bạn tận hưởng việc chinh phục các đoạn đường đèo một cách thú vị hơn nhiều mà ko lo bị bấm còi hay dí đít (tin mình đi việc bị dí đít cũng không hề dễ chịu đâu). Ngoài ra đổ đèo thì bạn còn có thể dùng chức năng hãm động cơ (engine brake), vừa thu hồi được điện năng hao phí mà còn an toàn ko cần phải rà phanh quá nhiều.
- Thoải mái bật máy lạnh để nghỉ ngơi lúc dừng xe: nghe khá là vô lý nhưng thực tế lại vô cùng thuyết phục. Với xe xăng thì việc nổ máy để chạy máy lạnh có khá là nhiều vấn đề như tốn xăng, hại máy, khí thải độc hại,… Tuy nhiên đối với xe điện thì cái này lại là chuyện nhỏ như muỗi. Việc tắt máy xe mà bật máy lạnh nó chẳng tốn bao nhiêu điện cả, bạn hoàn toàn có thể bật máy lạnh ngủ cả đêm tới tận sáng cũng được luôn, trái ngược hoàn toàn so với giả thiết của nhiều bạn hay đặt ra là xe điện mà kẹt thì bật máy lạnh thì sẽ hết pin luôn trên đường. Cao tốc châu Âu thì lại có khá là nhiều các điểm rest stop, dọc đường nhiều khi chạy chán có thể tấp vào ngủ một giấc rồi đi tiếp, khá là sướng trong thời tiết nắng nóng chả khác gì Việt Nam.
Những điều mình không thích:
- Hệ thống trạm sạc (charging network): đây là điều mình quan tâm đầu tiên và dành thời gian tìm hiểu khi quyết định thuê xe điện để đi roadtrip. Ấn tượng ban đầu của mình là châu Âu có cực kì nhiều trạm sạc ở khắp mọi nơi mình đi qua thuộc rất nhiều hệ thống trạm sạc từ cá nhân, công ty, quốc gia lẫn liên minh EU chứ không phải chỉ có một mình Vinfast như ở VN. Tuy nhiên mọi chuyện cũng ko hề đơn giản, mỗi hệ thống trạm sạc này lại có đặc thù độ phủ trạm sạc khác nhau tùy từng quốc gia và khu vực, sạc nhanh hay sạc chậm, tập trung khu vực cao tốc hay khu vực nông thôn, từng quốc gia riêng lẻ cũng có hệ thống riêng. Vấn đề chưa kết thúc ở đấy khi mỗi network lại có một chính sách đăng ký subscription hàng tháng và giá sạc khác nhau nên bạn còn phải tính toán tiếp network nào là phù hợp với nhu cầu di chuyển của bản thân.
- Cách thức thanh toán: Tìm được cây sạc đã là vấn đề, muốn trả được tiền để kích hoạt cây sạc cũng không hề đơn giản. Sơ bộ mình có thể thấy có 3 cách thức thanh toán chính:
- Thẻ RFID: bạn sẽ dùng một cái thẻ từ giống như thẻ thang máy, quẹt vào đầu đọc và kích hoạt sạc. Cách này có vẻ như phổ biến với các cây sạc kiểu cũ không có màn hình, không có kết nối internet hay giao tiếp với server gì đấy. Điều bất cập ở phương án này là bạn phải order cái thẻ mất tầm 10EUR và chờ giao đến nhà trong khoảng 7-20 ngày, hoàn toàn không có địa chỉ để pickup, cách này có vẻ chỉ phù hợp với người bản xứ hơn là dân du lịch như mình nên mình bỏ qua, và mình nghĩ hình thức thanh toán này cũng sẽ sớm biến mất so với xu thế phát triển hiện tại của trạm sạc.
- QR Code: cách thức này chắc là phổ biến nhất, nếu bạn vô tình hết pin và đến một cây sạc bất kì, rất dễ để bạn thấy một cái mã QR Code ở cổng sạc của cái cây sạc bạn cần, việc của bạn là quét mã, nhập thẻ thanh toán và sạc thôi. Tuy nhiên cái này cách này cũng khá là củ chuối khi hệ thống sẽ tự trừ trước của bạn một khoảng tiền đâu đó khoảng 50-60EUR để deposit, sạc hết bao nhiêu thì nó sẽ trừ ra rồi hoàn lại. Cơ mà nếu kích hoạt sạc rồi mà lỗi, thì bạn lại phải sang một cổng khác, làm lại toàn bộ quy trình rồi lại mất tiếp một khoảng tiền deposit khác và cũng không biết khi nào mới được refund. Đó chính xác là trải nghiệm của mình trong lần đầu tiên và duy nhất mình thử cách thanh toán này.
- Phần mềm điện thoại (app): bạn tải app về, đăng ký thông tin, thêm thẻ tín dụng và kích hoạt đúng mã số cây sạc mà bạn muốn sạc là được. Cách này có vẻ như là cách đơn giản nhất, tuy nhiên như mình nói ở trên, bạn hãy hình dung là mỗi network là một app riêng, một biểu giá riêng thì như trong điện thoại mình sẽ có tầm chục cái app chỉ để hỗ trợ cho việc di chuyển và sạc điện, khá là phiền phức. Hiện nay có một startup mới là Bonnet đến từ UK đang cố gắng thống nhất 1 ứng dụng, 1 biểu giá tuy nhiên hành trình này có vẻ còn xa và mình đã có những trải nghiệm cũng ko đc hài lòng lắm với app này. Ngoài Bonnet thì 2 network khác mà mình dùng chủ yếu trong suốt chuyến đi là Ionity và Tesla.
Cây sạc này có đủ 3 phương thức thanh toán: QR-Code, RFID hay kích hoạt từ phần mềm điện thoại đều được
Sạc non-Tesla ở trạm Tesla Supercharge, cây Tesla thì thường hỗ trợ dây sạc 2 đầu Type 2 lẫn CSS, tốc độ hỗ trợ từ 125kW tới 250kW, hầu hết là xe Tesla ghé sạc chứ ít có xe hãng khác do giá điện tương đối cao dù đã có subscription và không phải trạm nào cũng hỗ trợ xe non-Tesla
Ionity là hệ thống sạc siêu nhanh, rất hiện đại, chủ yếu đặt trên các tuyến đường cao tốc đi qua các nước ở khắp châu Âu, tốc độ sạc tối đa có thể lên đến 350kW, chỉ có mỗi cổng CSS
Trạm Fastned, cũng thuộc dạng sạc siêu nhanh 300kW, chủ yếu phát triển khá mạnh ở Hà Lan và đang dần mở rộng ra các nước lân cận như Đức, Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ - Không sạc được: kiếm được cây sạc, sẵn sàng trả tiền rồi, nhưng chắc gì đã sạc được. Nguyên nhân không sạc được này đến từ rất nhiều lý do trời ơi đất hỡi mà mình liệt kê ra dưới đây:
Quảng cáo
- Không có cổng sạc trống: mình từng đến một trạm Ionity có tận 12 cổng mà vẫn full xe xếp hàng chờ tới lượt sạc. Còn ở chỗ sạc free mà không có chế tài phạt xe đỗ quá giờ thì cũng dễ thấy sẽ có nhiều xe full pin nhưng lại không chịu dời đi cho người khác sạc. Thậm chí bãi sạc tính phí trên đường cũng có rất nhiều xe cắm sạc nhưng lại ra lệnh ngắt sạc từ xe chỉ để chiếm chỗ đậu xe mà ko phải trả phí sạc điện.
- Cổng sạc không tương thích: EU cũng đã cố gắng thống nhất sử dụng cổng CSS Type 2 Combo, tuy nhiên vẫn có những chiếc xe như Nissan Leaf xài Chademo, mình cũng có thử qua nhưng thấy bất tiện quá nên đổi lại, bạn nào dùng dòng xe này thì cứ xác định phải có adapter hoặc bị giới hạn rất nhiều trong việc lựa chọn cây sạc.
Từ trái qua: Chademo, CSS, Type 2
- Không phải cây sạc nào cũng có sẵn cáp: khá nhiều cây sạc tốc độ trung bình từ 7-22kW dùng cổng Type 2 âm (như hình cây sạc mình đưa minh họa cho 3 phương pháp thanh toán bên trên) bạn phải đem theo cáp mới cắm sạc được, xe mình không có sẵn nên mình phải mượn tạm để sử dụng trong suốt đoạn hành trình, nếu không có thì chịu thua luôn.
- Dây quá ngắn: có dây là một chuyện, nhưng mỗi xe thiết kế vị trí cắm sạc mỗi khác, có xe bên trái, có xe bên phải, có xe trước mũi, có xe lại ngang hông, dây sạc ở các trạm thì bị giới hạn về độ dài nên nhiều lúc bị vướng chỗ đậu của xe bên cạnh là không cách nào kéo được sợi dây sạc để cắm vào xe mình, đành phải đợi người ta đánh xe ra hoặc đi chỗ khác.
- Xe xăng giành slot đậu của xe điện: chuyện ý thức không chỉ riêng ở Việt Nam
- Cắm được rồi mà lỗi không sạc được: cái chuyện đánh xe vô đỗ nghiêm chỉnh, vừa chui ra xe bật app thấy ngay cái ô mình đổ cây sạc bị lỗi hoặc không hoạt động là chuyện cũng xảy ra vài lần, đánh qua ô tiếp theo cắm sạc thì không kích hoạt được hoặc đầu cáp sạc bị hư hỏng không tiếp xúc được với chân sạc, nhiều lúc loay hoay mãi mà không sạc được là chuyện ko chỉ diễn ra với mình mà thậm chí với cả dân bản xứ nên cũng ko có gì lạ.
- Sạc không đủ công suất tối đa: kích hoạt được sạc rồi nhưng không thể sạc nhanh, đôi lúc lạnh quá còn phải chạy vài vòng cho ấm pin mới sạc nhanh được.
- Sạc được rồi mà lúc muốn dừng lại không rút đầu sạc ra được: mình thấy có một bác app lỗi ko ngắt được kết nối, loay hoay mãi cây sạc không chịu nhả đầu sạc ra, cũng đành chịu chết phải gọi support hỗ trợ và mất rất lâu sau đó mới có thể đi được.
- Và rất nhiều lý do dở khóc dở cười khác…
Quảng cáo
Sạc ở cây Allego, kích hoạt thông qua app Bonnet, mấy cây sạc của Allego thường xuyên lỗi, suốt hành trình thử 3 lần thì 3 lần đều gặp vấn đề
Tổng kết:
Sau trải nghiệm vừa qua thì mình sẽ bớt quan tâm tới các thông số như động cơ, công suất, mô men xoắn mà cần phải quan tâm nhiều hơn tới những tiêu chí sau nếu đã có một hạ tầng trạm sạc ổn và nhiều mẫu xe điện để lựa chọn hơn:- Dung lượng pin thực tế: xe điện không thể sử dụng toàn bộ dung lượng pack pin nó đem theo, nên việc có dung lượng pin cao hơn sẽ giúp các bạn có dung lượng pin thực dụng cao hơn, quãng đường đi dài hơn và khả năng linh động hơn trong việc lên lộ trình di chuyển. Lưu ý rằng sạc xe điện cũng như sạc điện thoại, bạn càng cố nhồi pin đầy thì thời gian sạc càng lâu nên tốt nhất chỉ nên sử dụng trong khoảng sạc tối ưu từ 10-80%.
- Tốc độ sạc nhanh tối đa: chiếc xe của mình trải nghiệm hỗ trợ tốc độ sạc nhanh tối đa là 100kW, tương đương quãng đường 500km/h sạc tuy nhiên với mình vẫn là chưa đủ, nhanh hơn nữa sẽ tốt hơn nhiều. Các hãng cũng nên công bố thông tin này cho người dùng, nhất là hiện nay mình chưa thấy thông số này từ phía Vinfast. Nhiều người dùng chưa thật sư quan tâm lắm tới vấn đề này nhưng với mình đây là một thông số quan trọng không những cho chính chiếc xe của mình mà còn cho cả thị trường xe điện, tưởng tượng bạn đang gấp mà thằng kế bên giành cổng sạc nhanh lại đang sạc như con rùa thì cũng cực kì ức chế, không phải lúc nào bạn cũng có thời gian chờ đợi đâu nếu càng ngày càng nhiều xe điện lăn bánh trên đường.
Các bạn hoàn toàn có thể so sánh và tham khảo các thông số mình đề cập ở đây: https://ev-database.org/
EV Database
A complete overview of all electric vehicles in Europe. Search and compare by range, make, model and price.
ev-database.org
Hi vọng mọi người cảm thấy hữu ích với chia sẻ của mình. Xin cám ơn.
Bổ sung thêm một vài tấm hình về xe điện:
Hongqi eHS9 đi sạc trạm Tesla
Mấy con Smart EV như này khá là phổ biến và dễ thương, VN mà hạ tầng đường xá rộng rãi chắc mấy con này thay thế hẳn xe máy