Độ sáng rất lớn và lớp phủ chống phản xạ ánh sáng Glare Free hoạt động cực kỳ hiệu quả là cái đã giúp cho chiếc TV OLED S95D của Samsung làm được những điều chưa từng chứng kiến trước đây trong thế giới của những chiếc TV OLED. Giờ đây, ở bất kỳ không gian với độ sáng môi trường nào, chiếc TV OLED này đều thể hiện hình ảnh với độ sáng, màu sắc, độ tương phản hết khả năng của nó, cho phép người dùng thoải mái hơn trong việc lắp đặt chiếc TV này ở bất cứ vị trí nào mà họ muốn, bao gồm cả việc "khùng điên" như mình thử trong bài này là mang nó ra giữa trưa nắng ở ngoài sân.
Để thử khả năng thực tế của lớp phủ chống phản xạ ánh sáng mà Samsung gọi là Glare Free và cả độ sáng của một chiếc TV OLED, mình đã thử mang cả chiếc TV ra sân phía trước quán cà phê Tinh tế.
Thử nghiệm xem TV OLED ngoài trời
Để thử khả năng thực tế của lớp phủ chống phản xạ ánh sáng mà Samsung gọi là Glare Free và cả độ sáng của một chiếc TV OLED, mình đã thử mang cả chiếc TV ra sân phía trước quán cà phê Tinh tế.
Sơ một chút về điều kiện thử nghiệm. Mình mang TV ra 2 lần với 2 cường độ ánh sáng khác nhau. Thử nghiệm đầu tiên là vào lúc 10h sáng, ánh sáng tự nhiên từ Mặt Trời trong một ngày trời quang ở Sài Gòn. Bên dưới đây là hình ảnh chụp lại bằng điện thoại (do thực ra ban đầu mình cũng không nghĩ là nó sáng của nó đủ để bằng hoặc thắng ánh sáng môi trường lúc đó), tất nhiên là đo sáng toàn khung, chụp tự động.
Thử nghiệm thứ 2 mình tăng độ khó lên. TV đặt ngoài sân lúc 12h trưa, cũng là một ngày trời quang, nắng gắt ở Sài Gòn. Hình ảnh chụp lại bằng máy ảnh Nikon Z8, đo sáng toàn khung hình. Kết quả thu được khá bất ngờ. Bên dưới đây là các kết quả và qua đó chúng ta cũng phần nào hình dung được khả năng của tổng thể chiếc TV này. Tấm trên nhìn cứ như là một bức tranh luôn chứ không nghĩ là một chiếc TV.
Hiệu quả chống phản xạ ánh sáng của lớp phủ là cực kỳ tốt. Tất cả các hình ảnh đều không có bóng của cảnh vật phía sau, cho thấy lớp phủ làm việc rất hiệu quả. Mình thử để màn hình điện thoại ở trước TV để anh em tiện hình dung. Có thể thấy màn hình điện thoại màu đen vẫn sẽ hiện các bóng của hình ảnh, ánh sáng từ bên ngoài. Trong khi nền đen của chiếc TV gần như không hề hiện bất cứ hình ảnh nào, nó vẫn là đen, rất đã.
Tiếp theo chính là độ sáng của chiếc TV. Có thể thấy tất cả hình ảnh được chiếu trong môi trường này đều thể hiện đảm bảo độ sống động, rực rỡ của màu sắc, độ bão hòa màu, độ sáng vốn có của nội dung hình ảnh,... Tất cả đều được giữ lại trọn vẹn.
Thêm vào đó, bản chất đây vẫn là một chiếc TV OLED với các điểm ảnh bật tắt độc lập, chỉ có trạng thái bật hoặc tắt, nên tất nhiên màu đen sẽ đảm bảo tạo nên tương phản vô cực. Một cảnh có nhiều vùng đen để anh em dễ hình dung.
Thêm một cảnh đen test OLED cho anh em
Quảng cáo
Một yếu tố khác cần nhắc tới ở chiếc TV S95D này của Samsung chính là HDR Pro. Công nghệ OLED HDR Pro tối ưu độ tương phản và độ sáng đem lại hình ảnh rõ nét đến từng pixel, chất lượng hình ảnh tối ưu với từng điểm ảnh pixel cải thiện điểm sáng và tối. Công nghệ OLED HDR Pro độ sáng cao hơn tới 70% so với OLED HDR+, do đó, độ tương phản phong phú hơn nhờ bộ xử lý AI NQ4 thế hệ 2 điều chỉnh linh hoạt từng khung cảnh để tối đa hóa trải nghiệm xem.
Trên thực tế, trong đời sống bình thường sử dụng của chúng ta sẽ hiếm có khi nào mang TV ra giữa trưa nắng để xem. Dù vậy, với khả năng đó thì chúng ta hoàn toàn có thể thoải mái đặt chiếc TV này bất cứ đâu trong nhà chúng ta, đặc biệt là trong phòng khách vốn là nơi mà có những khoảng thời gian cố định trong ngày sẽ có ánh sáng mạnh phản xạ lung tung vào, từ đó giảm chất lượng khi thưởng thức TV vào các khung giờ này. Điển hình như đối với chiếc TV OLED màn hình gương ở nhà mình, đời cũng cũ nên tấm nền cũng không sáng như bây giờ, những ngày nghỉ CN ở nhà muốn coi một bộ phim lại phải kéo kín rèm lại hoàn toàn để không thấy hình của mình phản chiếu vào chiếc TV ở cả các cảnh nền tối lẫn cảnh sáng.
Màu sắc, ánh sáng, tương phản ổn định trong hầu hết các môi trường
Theo mình, cách Samsung tinh chỉnh và tối ưu màu sắc trên chiếc TV này khá hài hòa và tự nhiên ở chế độ mặc định. Tất nhiên nếu anh em có những gu màu hay nhu cầu khác, chúng ta hoàn toàn có thể tùy chỉnh chi tiết các thông số như nhiệt độ màu (độ ấm lạnh), độ rực, độ no màu, độ sáng,... để hợp ý nhất. Nếu hơi lười chút, chúng ta cũng có thể sử dụng trí thông minh nhân tạo tích hợp sẵn trong chiếc TV này để cân chỉnh màu sắc tương ứng với từng mảng nội dung và theo gu mà chúng ta cài đật ban đầu.
Quảng cáo
Ngoài ra chúng ta còn cói tính năng gọi là color boost, cho phép S95D liên tục điều chỉnh và nhận diện những chủ thể đang được hiển thị trên màn hình để cân chỉnh màu sắc một cách thích hợp. Ngoài ra, S95D cũng là một trong những chiếc TV hiếm hoi trên thị trường hiện tại được công nhận chuẩn màu sắc PANTONE, giúp màu sắc được thể hiện một cách chính xác hơn, đúng với nội dung gốc mà người ta đã tạo ra hơn.
Là một chiếc TV ra mắt trong năm 2024, S95D cũng được trang bị con chip xử lý trên TV mới nhất của Samsung là NQ4 AI Gen 2. Đây là con chip mới nhất, được nâng cấp không chỉ khả năng tính toán của con chip xử lý thần kinh NPU cao gấp đôi thế hệ trước đây, mà ngoài ra nó còn được tích hợp hệ thống mạng lưới thần kinh nhân tạo nhiều hơn gấp 2,5 lần trước đây. Nghe có vẻ lùng bùng, nhưng tựu trung thì lợi ích của tất cả chính là tăng tốc độ thực thi và độ chính xác của các tính năng có xài trí thông minh nhân tạo, từ nâng cấp độ phân giải hình ảnh gốc lên 4K, cho tới tăng tốc độ khung hình, nhận diện chủ thể để tối ưu hình ảnh, rồi tối ưu nguồn âm phát ra từ nó,.... và cả loạt tính năng AI mà mình sẽ nói ở bên dưới nữa.
Mình có một phân tích khá nhiều về các tính năng AI này, anh em có thể coi thêm trong bài viết sau
Các tính năng dùng AI để tối ưu trải nghiệm hình ảnh / âm thanh
Đầu tiên chính là tính năng dùng trí thông minh nhân tạo để nhận diện chủ thể đang được chiếu trên chiếc TV. Sơ lược một chút, AI sẽ nhận diện trong khung hình đang chiếu có cái gì, đâu là chủ thể (thí dụ như con người, động vật, cầu thủ, ca sĩ,...) và cảnh vật đằng sau là cái gì (lá cây, rừng, biển, thành phố,...) Ngoài ra, AI còn nhận diện nội dung tổng thể đang chiếu là cái gì, thí dụ như cảnh phim kinh dị hay cảnh video thể thao, cảnh phim phong cảnh hay chương trình thời sự.
Sau đó, AI sẽ dựa trên các dữ liệu huấn luyện mà nó đã được dạy trước đó để tối ưu chất lượng của các từng mảng nội dung này, cả về độ chi tiết, độ phân giải cho tới những thông số khác như màu sắc, độ tương phản,...
Tiếp nữa, AI cũng sẽ nhận diện chủ thể chính của khung hình là gì để nó tinh chỉnh sau cho chủ thể nổi khối hơn, tạo cảm giác nhiều chiều sâu hơn trong hình ảnh được chiếu trên TV. Và cũng chính quá trình này là 4K upscale, trong đó hình ảnh sẽ được nâng cấp lên độ phân giải 4K từ những nguồn vào có độ phân giải thấp hơn.
Một tính năng sử dụng trí thông minh nhân tạo khác nữa chính là AI sẽ nhận diện được đoạn hội thoại trong nội dung mà chúng ta đang xem. AI sẽ nhận diện đâu là voice chính của nhân vật để tách nó ra khỏi nền âm, đảm bảo rằng thoại của diễn viên vẫn nghe được một cách rõ ràng. Samsung cho biết rằng tính năng này cũng hoạt động trong các chương trình thời sự vốn dĩ voice của người dẫn chương trình chính là cái quan trọng nhất đối với người xem.
Như những chiếc TV khác được Samsung trang bị tính năng AI và ra mắt trong năm 2024 này, Samsung OLED S95D 4K này cũng được trang bị tính năng để tận dụng hiệu quả khả năng chơi game của tấm nền 4K 144Hz và hỗ trợ HDR, VRR, AMD FreeSync,... Cụ thể AI sẽ đọc màn hình title đầu tiên của tựa game mà chúng ta chạy trên PS5 hay Xbox, từ đó nó sẽ tự biết "à, cái này là Call of Duty, là game FPS,... " và sẽ tự động điều chỉnh profile màu sắc một cách tự động theo đúng thể loại game đó. Khi xưa thì chúng ta đổi thủ công thì năm nay, AI tự nhận diện và đổi luôn. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ là bấm Start PS5 từ tay bấm, ngả lưng ra sofa và chơi thôi.
Ngoài ra còn một tính năng AI khác cũng khá thiết thực chính là tự động nhận diện điều kiện môi trường, đặc biệt là ánh sáng để tối ưu hóa mức độ tiêu thụ điện thông qua việc tự động điều chỉnh các thông số hiển thị của TV.
Thiết kế Infinity One tinh tế và gọn gàng
Chia sẻ một chút xíu về cái phần ngoại hình của chiếc TV này anh em có thể thấy rằng chúng ta vẫn sẽ có một chiếc TV rất là mỏng với phần viền gần như là không thể thấy được so với kích thước 77 inch của chiếc TV này. Ngoài ra S95D còn có tùy chọn kích thước khác là 65 inch.
Thiết kế là cái không thay đổi nhiều trên các mẫu TV Samsung dòng cao trong những năm qua. TV vẫn mỏng, sexy và đẹp.
S95D cũng sử dụng kết nối kết nối One Connect Box và bởi thế, sẽ dễ dàng giấu dây để gọn gàng hơn, đặc biệt là đối với anh em nào muốn treo sát tường. Đặc biệt, tất cả các cổng HDMI trên S95D đều là 2.1, nghĩa là cắm cái nào cũng lên tới tốc độ khung hình cao. Mình sẽ thử lấy nó chơi Wukong và chia sẻ với anh em tiếp coi sao nha.
Điểm cuối cùng cho anh em có thể thấy rằng chúng ta vẫn sẽ có hệ điều hành của Samsung phát triển từ trước giờ đó chính là Tizen OS với giao diện được thay đổi ở phiên bản năm nay tương tự như những chiếc TV khác của Samsung. Màn hình chính sẽ được phân chia ra khá là rõ ràng ở tab Home chứa những ứng dụng stream nội dung mà chúng ta thường dùng như Youtube, Vieon, VTV Go hay Apple TV, FPT Play.
Tiếp theo là khu vực Daily Plus mà Samsung mới bổ sung trong năm nay. Cơ bản thì đó sẽ là một hub biến chiếc TV này trở thành trung tâm điều khiển các thiết bị thông minh khác trong hệ sinh thái SmartThing của Samsung. Đồng thời đây cũng là nơi mà chúng ta sẽ có thể kết nối không dây những cái thiết bị khác như máy tính. Một nhóm nội dung khác trong đây chính là các bài tập thể dục nhẹ nhàng tại nhà, được Samsung gom lại sẵn. Lúc này, chúng ta có thể cắm webcam vào TV, chia đôi màn hình ra và vừa coi huấn luyện viên tập, vừa nhìn thấy mình tập trong khung hình để xem có tập đúng không. Khá hay, hồi dịch mình xài tính năng này nhiều lắm.
Tạm kết
Có thể thấy, bên cạnh 2 điểm nổi bật về độ sáng và lớp phủ chống phản sáng cực kỳ hiệu quả, S95D còn có những điểm đáng chú ý khác như đạt chuẩn màu sắc PANTONE, loạt các tính năng sử dụng trí thông minh nhân tạo để tối ưu chất lượng hình ảnh, "3D hóa hình ảnh" để tạo chiều sâu nhiều hơn trong không gian, tối ưu hóa nguồn âm thanh dựa vào khả năng nhận diện vật thể tại các vùng trên TV, tự động tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, công nghệ bảo vệ tấm nền OLED thông minh dựa vào nhiệt độ và độ sáng môi trường,.... Tất cả tạo nên một chiếc TV mà theo mình xứng đáng là ứng cử viên cho chiếc TV OLED xuất sắc trong năm 2024 này.