Trải nghiệm Beast Canyon - chiếc NUC cao cấp nhất của Intel, thiết kế module, mạnh như máy tự build

bk9sw
23/8/2021 11:43Phản hồi: 79
Trải nghiệm Beast Canyon - chiếc NUC cao cấp nhất của Intel, thiết kế module, mạnh như máy tự build
Intel NUC 11 Extreme Kit là một chiếc máy rất thú vị khi được thiết kế module hóa, có thể nâng cấp phần cứng tương đối dễ dàng, hiệu năng chơi game rất tốt trong khi vẫn có thể giữ được thiết kế nhỏ.



NUC Extreme là dòng máy tính mini PC được Intel thiết kế hướng đến game thủ, những ai cần một chiếc máy tính để bàn hiệu năng cao với kích thước nhỏ gọn. Song song với dòng NUC nhỏ gọn hướng đến văn phòng với cấu hình tương đương một chiếc laptop thì dòng NUC Extreme này mình nhớ khởi nguồn từ thế hệ NUC thứ 6 (Skylake), Intel khi đó lần đầu ra mắt phiên bản Skull Canyon chạy Core i7 4 nhân với GPU Irs Pro 580 tích hợp. Biểu tượng của dòng NUC hiệu năng cao này là logo hình đầu sọ cách điệu và đây cũng là cách phân biệt giữa NUC Extreme với NUC thường.

tinhte_nuc 11 extreme-28.jpg
Phiên bản NUC 11 Extreme Kit có tên mã Beast Canyon, thiết kế của nó mới mẻ hơn so với các thế hệ "Canyon" trước. Chiếc máy này nếu nói là mini PC thì không còn đúng nữa, nó giờ giống như một cái máy SFF (Small Form Factor) hơn với kích thước 357 x 189 x 120 mm. Dù vậy nó vẫn nhỏ gọn hơn rất nhiều so với những chiếc máy tính có cấu hình tương đương.

tinhte_nuc 11 extreme-27.jpg
3 mặt của Beast Canyon có thiết kế lưới sắt, nó cần phải đủ thoáng để giải phóng nhiệt lượng lớn tỏa ra tư các phần cứng hiệu năng cao như vi xử lý đến 8 nhân và card đồ họa rời.

tinhte_nuc 11 extreme-29.jpg
Mặt trước của Beast Canyon có thiết kế khá ngầu với logo đầu lâu tích hợp đèn RGB. Đèn RGB cũng có tại gầm máy, rất bắt mắt và thể hiện nhóm người dùng là gamer. Phần khoét phía trước máy có 2 cổng USB 3.1 Gen2 (10 Gbps), khe đọc thẻ SDXC và jack âm thanh.

Thiết kế module dễ tháo


NUC đặc trưng với khả năng nâng cấp phần cứng dù thiết kế nhỏ gọn, chiếc NUC 11 Extreme Kit này cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí tháo còn đã hơn so với NUC thông thường.

tinhte_nuc 11 extreme-18.jpg
Thứ đầu tiên có thể nâng cấp được ngay mà không phải tháo quá nhiều là ổ M.2 nằm tại mặt dưới. Mặt dưới này anh em sẽ thấy phần chân đế với feet cao su chống trượt, 2 dải đèn RGB và khe gắn ổ M.2 có nắp che kiêm luôn miếng tản nhiệt đã gắn sẵn thermal pad. Mình gắn thêm một ổ 1 TB, dòng PNY XLR8 CS3030 đã có sẵn nhiều game để test máy.

Đây không phải là khe M.2 duy nhất trên chiếc máy này. Nó thực ra có đến 4 khe M.2 trong đó 3 khe còn lại nằm trong module Compute Element, nằm cạnh CPU và RAM. Với việc sử dụng chipset WM490 cùng với vi xử lý thế hệ 11 thì các 2 khe M.2 sẽ hỗ trợ PCIe 4.0 x4 lấy lane từ CPU, 2 khe hỗ trợ PCIe 3.0 x4 lấy lane từ chipset.

tinhte_nuc 11 extreme-23.jpg
Tiếp theo là tháo phần nắp tại panel I/O sau ra, nó được cố định với 4 con ốc 4 cạnh tương tự con ốc ở khe M.2.

Quảng cáo



tinhte_nuc 11 extreme-24.jpg
Gỡ cái nắp này từ dưới lên, cần cẩn thận chút vì Intel sử dụng các ngàm bằng nhựa.

tinhte_nuc 11 extreme-25.jpg
Sau khi tháo nắp nhựa đuôi thì chúng ta có thể tháo 2 nắp bên hông, vỉ kim loại, khung nhựa cứng rất chắc chắn, trượt về sau là lấy ra được rất đơn giản.

tinhte_nuc 11 extreme-16.jpg
Tại mặt sau là một loạt các cổng kết nối, tương tự trên một chiếc PC thông thường với nhóm các cổng nằm trên bo mạch gồm 6 cổng USB 3.1 Gen2 (10 Gbps), HDMI 2.0b, RJ-45, 2 cổng Thunderbolt 4. Các cổng này đều nằm trên Compute Element.

tinhte_nuc 11 extreme-17.jpg
Các cổng trình xuất sẽ tùy theo card đồ họa. Chiếc NUC 11 Extreme Kit này được trang bị card GeForce RTX 3060 Ti bản ASUS DUAL GeForce RTX 3060 Ti V2 MINI, nó có 4 cổng trình xuất gồm 3 DisplayPort và 1 HDMI.

Quảng cáo



tinhte_nuc 11 extreme-26.jpg
Phần nắp phía trên dùng ngàm toàn bộ, nhìn khá là ngầu với cấu trúc tổ ong.

tinhte_nuc 11 extreme-1.jpg
Đây là 3 quạt tản nhiệt, mỗi quạt cỡ 90 mm do Cooler Master làm. Hệ thống quạt này rất cần thiết để đưa khí nóng ra khỏi thùng nhanh nhất có thể. Thành quạt dày, 7 cánh, mình không rõ tốc độ vòng quay và các thông số về airflow cũng không được tiết lộ nhưng qua trải nghiệm thì mình thấy các quạt này cho lượng gió lớp, áp suất tĩnh cao và không ồn như mình dự đoán ban đầu.

tinhte_nuc 11 extreme-20.jpg
Tại mặt hông trái có thể thấy quạt của PSU. Chiếc máy này được trang bị nguồn SFX của FSP, công suất 650 W chuẩn 80+ Gold, mình nghĩ là con Dagger Pro 650 W. Mặt quạt hướng ra ngoài hút khí tươi trực tiếp từ bên ngoài làm mát cho linh kiện của nguồn.

tinhte_nuc 11 extreme-22.jpg
Ở đây có một cái lỗ để chúng ta thò ngón tay vào gạt cái chốt nhả của khe PCIe được dùng cho Compute Element. Một thiết kế có tính toán kỹ lưỡng bởi không gian trong máy không nhiều để có thể đưa cả bàn tay vào thao tác.

tinhte_nuc 11 extreme-2.jpg
Dàn quạt phía trên được gắn trên một cái khay có bản lề, chỉ cần đẩy lên là giải phóng được không gian phía trên. Từ đây anh em có thể thấy rõ hơn về card đồ họa rời là ASUS DUAL GeForce RTX 3060 Ti V2 MINI, nguồn SFX với hệ thống cáp module tháo rời, được đi dây sẵn rất gọn và tối ưu cùng với Compute Element nơi có khắc logo Intel màu vàng ở góc.

Nâng cấp được hầu hết phần cứng


tinhte_nuc 11 extreme-3.jpg
ASUS DUAL GeForce RTX 3060 Ti V2 MINI là phiên bản RTX 3060 Ti nhỏ nhất của ASUS, phù hợp với những dàn máy mini ITX nhỏ gọn.

tinhte_nuc 11 extreme-6.jpg
ASUS DUAL GeForce RTX 3060 Ti V2 MINI chỉ dài 20 cm (7,87"), dual-slot và cần một chân nguồn 8-pin ATX. NUC 11 Extreme Kit hỗ trợ card đồ họa có chiều dài chiều dài tối đa hỗ trợ là 30,48 cm (12"). Như vậy nếu anh em muốn gắn card đồ họa hiệu năng cao hơn với thiết kế 3 quạt vẫn được. Mình kiểm tra một vòng thì thấy chiếc card như TUF Gaming RTX 3070 dài 11,8" vừa đủ, những chiếc card mình đang có như RTX 2060 Super, RX 6600 XT của PowerColor cũng gắn vừa.

tinhte_nuc 11 extreme-13.jpg
PSU chừa sẵn thêm 2 cáp 8-pin ATX, mình nghĩ tối đa có thể là RTX 3080 hay RX 6800, các phiên bản thường không OC. 650 W như chiếc nguồn trên NUC 11 Extreme Kit đủ để kéo những chiếc card mạnh hơn nó còn dư công suất khi CPU Core i9-11900KB chỉ ăn tối đa chỉ 110 W điện, một chiếc card như RTX 3080 sẽ ăn khoảng 320 W, RTX 3060 Ti sẽ ăn khoảng 240 W.

tinhte_nuc 11 extreme-5.jpg
Trong tình huống muốn đổi PSU thì mình nghĩ điều này có thể làm được, miễn là anh em tìm mua được nguồn SFX. Chiếc nguồn FSP này dùng lại cáp mặc định, không có sợi cáp nào đặc biệt. Thậm chí là cáp 24-pin cho bo mạch và 8-pin cho CPU vẫn tiêu chuẩn.

tinhte_nuc 11 extreme-11.jpg
Riêng ở đây anh em sẽ thấy một sợi cáp đấu ra cổng cắm nguồn 3 chấu. Sợi cáp này chỉ đơn thuần là nối dài từ cổng lấy điện trên cục PSU ra phía sau máy thôi bởi thiết kế cục nguồn đặt trước. Vậy nên khả năng nâng cấp của chiếc NUC 11 Extreme Kit rất cao.

tinhte_nuc 11 extreme-10.jpg
Thậm chí nếu anh em muốn đổi 3 cái quạt của Cooler Master bằng 3 quạt khác cùng cỡ thì vẫn có thể tháo ra thay được bởi các quạt này đều dùng chân 4-pin điều tốc, gắn trên một mạch điều khiển chung.

tinhte_nuc 11 extreme-9.jpg
Card đồ họa và Compute Element được kết nối với nhau với một bo mạch phụ. Chiếc bo này có chipset WM490, 2 khe PCIe x16 dành cho Compute Element và card đồ họa cùng với 1 khe PCIe x4 còn trống. Mặt kia của chiếc bo có khe M.2 ở đáy.

tinhte_nuc 11 extreme-4.jpg
Compute Element là một thứ rất hay mà Intel đã nghĩ ra cho những chiếc NUC hiệu năng cao. Nó xuất hiện từ thế hệ NUC 9 Extreme (Ghost Canyon) và có hình dạng là một chiếc card add-in. Trên chiếc card này bao gồm tất cả các thành phần còn lại của một chiếc máy tính bao gồm CPU, hệ thống tản nhiệt, các khe M.2, khe RAM và các cổng kết nối cho panel I/O sau.

tinhte_nuc 11 extreme-14.jpg
Ý tưởng của Compute Element đó là nếu anh em muốn nâng cấp CPU thì có thể mua cụm Compute Element mới gắn vào mà không phải làm thủ công như ráp PC thông thường.

tinhte_nuc 11 extreme-7.jpg
Toàn bộ các thành phần phần cứng được bọc kín trong một lớp vỏ nhựa, quạt tản nhiệt cho CPU là một chiếc quạt kiểu lồng sóc, nó sẽ hút khí tươi từ bên ngoài và thổi qua hệ thống heatsink ở cạnh trên của Compute Element. Hơi nóng từ đó được hút ra ngoài bằng 3 quạt nóc.

tinhte_nuc 11 extreme-8.jpg
Để có thể lấy luồng khí tươi thì Intel bố trí một chiếc phễu, nó áp sát vào, khe lấy gió tại mặt sau của máy. Thiết kế này nhằm định hướng luồng gió vào quạt, quạt sẽ hút khí từ bên ngoài thùng thay vì khí bên trong thùng. Không khí bên trong thùng sẽ nóng hơn so với khí bên ngoài bởi nó bao gồm nhiệt tỏa ra từ card đồ họa và PSU.

Beast Canyon Compute Element.jpg
Đây là bên trong Compute Element, hình này mình mượn của The Verge, anh em có thể thấy hệ thống heatsink, phần màu vàng nằm dưới là heatspreader với ống đồng, quạt lồng sóc đã được tháo ra. Bên cạnh chiếc ổ M.2 của Sabrent thì Compute Element còn trống 2 khe M.2 nữa, có sẵn card Wi-Fi với dây ăng-ten đi ra ngoài, ở ngoài cùng bên phỉa là 2 khe RAM SO-DIMM hỗ trợ DDR4-3200, tối đa 128 GB.

tinhte_nuc 11 extreme-15.jpg
Đây là ăng-ten Wi-Fi đi dây từ bên trong Compute Element ra ngoài thùng để đảm bảo chất lượng bắt sóng.

Hiệu năng của Beast Canyon


Cấu hình của chiếc NUC 11 Extreme Kit mình test như sau:
  • CPU: Intel Core i9-11900KB 8 nhân 16 luồng (Tiger Lake-H), 3,3 - 4,9 GHz (TB3.0) > 5,3 GHz (TVB), 24 MB cache, TDP 65 W;
  • iGPU: Intel UHD Graphics 750;
  • dGPU: ASUS DUAL GeForce RTX 3060 Ti V2 MINI
  • RAM: 2 x 8 GB Kingston DDR4-3200 SO-DIMM (gắn tối đa 128 GB);
  • SSD (OS): Sabrent Rocket 4.0 500 GB PCIe 4.0 x4 NVMe;
  • SSD (Game, gắn thêm): PNY XLR8 CS3030 1 TB PCIe 3.0 x4 NVMe.

Với cấu hình này thì anh em sẽ có thể làm được rất nhiều thứ với NUC 11 Extreme Kit. Anh em có thể dùng nó như một chiếc máy để làm nội dung, dựng phim nhưng lý tưởng nhất vẫn là chơi game.

Core i9-11900KB là một con vi xử lý rất độc đáo của Intel. Nó có tên tựa như phiên bản flagship của dòng Rocket Lake-S dành cho desktop mà mình từng đánh giá trước đó nhưng kỳ thực lại là một con chip di động, nó thuộc dòng Tiger Lake-H. Vì vậy kiến trúc và tiến trình của Core i9-11900KB khác nhiều so với Core i9-11900K. Chữ B trong tên gọi của nó viết tắt của Badass và là chip di động nên nó dùng socket BGA1787 tức hàn trên bo mạch, không tháo ra thay được như LGA1200 của Core i9-11900K.

Core i9-11900KB có 8 nhân Willow Cove trong khi Core i9-11900K có 8 nhân Cypress Cove. Core i9-11900KB dùng tiến trình 10nm SuperFIN còn Core i9-11900K vẫn dùng tiến trình 14nm. Có thể hình dung Core i9-11900KB giống như một biến thể được OC, bining tốt nhất của Core i9-11900H trên laptop. TDP của Core i9-11900KB là 65 W, xung tối đa 5,3 GHz (Thermal Velocity Boost), tương đương với mức xung tối đa của Core i9-11900K với TDP đến 125 W.



Mình đã thử hiệu năng của con CPU này và nhận thấy nó đạt hiệu năng đa nhân khi chạy Cinebench R20 thua khoảng 25% so với Core i9-11900K, 23% so với Ryzen 7 5800X, thua 36,5% so với Core i9-10900K nhưng chỉ thua 12% so với Core i9-9900KS - flagship thế hệ 9 (Coffee Lake Refresh). Tương tự với Cinebench R15, Core i9-11900KB thua 18% so với Core i9-11900K, 24% so với Ryzen 7 5800X, thua gần 30% so với Core i9-10900K nhưng chỉ thua 7% so với Core i9-9900KS. Trong khi đó về đơn nhân, Core i9-11900KB bám rất sát Core i9-11900K về điểm số, hoàn toàn vượt mặt Core i9-10900K, Core i9-9900KS hay Ryzen 7 5800X. Mức xung đơn nhân của nó có thể đạt 4,9 GHz theo thiết kế.

Dù thua nhưng thật sự ấn tượng bởi Core i9-11900KB là một con vi xử lý có TDP 65 W PL1 và 109 W PL2, khi chạy Cinebench, nó chỉ giữ mức xung đa nhân ở 4,6 GHz trong khoảng 1 giây sau đó giảm dần xuống còn 3,6 GHz trong toàn thời gian, lúc này TDP ở 82 W. Cũng dễ hiểu bởi hệ thống tản nhiệt cho nó rất hạn chế, chỉ gồm quạt lồng sóc và heatsink cũng không lớn. Khi chạy ở xung đa nhân 4,6 GHz, CPU lập tức chạm Tjunction 100 độ C nên nó buộc phải cắt xung xuống để giảm xuống dưới 90 độ C khi chạy đa nhân. Dù vậy, với mức xung đa nhân 3,6 GHz thì nó vẫn không thua nhiều so với một con chip 8 nhân 16 luồng chạy ở xung 5 Ghz như Core i9-9900KS. Điều này thể hiện rõ về sự cải thiện hiệu năng IPC giữa Willow Cove và Skylake.



Thử nghiệm render thì mình thấy Core i9-11900KB cho hiệu năng khá tốt nhưng không lý tưởng cho lắm bởi vấn đề duy nhất mình lo ngại là nhiệt độ. Chẳng hạn như với Blender, CPU chạy 3,6 GHz toàn nhân thì nhiệt độ của các nhân tầm 92 - 93 độ C và có thể lên 100 độ C. Khi chạy ở 3,3 GHz toàn nhân, TDP lúc này đã là 65 W thì nhiệt độ các nhân mới ở dưới 90 độ C, tầm 76 - 86 độ C tùy nhân và tải. Vì vậy nếu dùng để render thì mình nghĩ tốt nhất nên khai thác GPU để render, chẳng hạn như Blender có hỗ trợ Optix hay CUDA để render, nhanh và mát hơn nhiều so với render bằng CPU.



Về hiệu năng chơi game thì trước đó mình đã test RTX 3060 Ti bản Founders Edition cùng với Core i9-10900K 10 nhân 20 luồng nên có sẵn thông số để so sánh với combo Core i9-11900KB và RTX 3060 Ti bản DUAL Mini V2 này. Dĩ nhiên bản DUAL Mini V2 với thiết kế nhỏ gọn, 2 quạt thì xung tối đa của GPU khi xử lý game sẽ không cao bằng bản TUF Gaming với 3 quạt, heatsink to nạc và có hỗ trợ OC. Dù vậy, trải nghiệm chơi game trên NUC 11 Extreme Kit không thua thiệt quá nhiều nếu so với một chiếc máy desktop.

Bảng trên là mình test với 2 độ phân giải là 2K và FHD, thiết lập đồ họa trong game tối đa. Một số tựa game mình nhận thấy hiệu năng còn tốt hơn, chẳng hạn như Wolfenstein: Youngblood. Trong khi đó nhiều tựa game không cho thấy sự chênh lệch đáng kể nào như The Division 2 cấu hình Ultra hay Borderlands 3.

MetroExodus.jpg
Khi chơi game, Core i9-11900KB có thể đạt xung 4,5 GHz đa nhân và 4,7 GHz đơn nhân. Nhiệt độ của CPU thường ở 77 - 82 độ C. GPU RTX 3060 Ti đạt xung tối đa 1830 MHz, nhiệt độ 69 - 72 độ C.

tinhte_nuc 11 extreme-30.jpg
Sử dụng chiếc NUC 11 Extreme Kit trong suốt thời gian giãn cách này thì mình thấy nó sẽ là tương lai của những chiếc desktop chơi game, rất khớp với xu hướng mini ITX hiện tại. Phần cứng ngày càng mạnh hơn, tiến trình sản xuất chip dần nhỏ hơn thì một chiếc máy cỡ nhỏ như NUC 11 Extreme Kit vẫn có thể mang lại trải nghiệm chơi game và làm việc cực tốt. Intel đã thành công khi tạo ra NUC, từ đó thúc đẩy các hãng sản xuất khác tạo ra máy tính mini PC và những form máy nhỏ hơn so với desktop truyền thống nhưng vẫn có thể nâng cấp và tùy biến được.

tinhte_nuc 11 extreme-21.jpg
Giờ với NUC 11 Extreme Kit, mình nghĩ Intel đang muốn đóng vai trò tham chiếu một lần nữa với mảng máy tính chơi game. Compute Element là một thứ rất hay, nó như một chiếc NUC nhỏ bằng cái card nhưng đây cũng là thứ Intel cần giải quyết. Nếu như Intel chỉ cần xài một con chip laptop dòng Tiger Lake-H như Core i9-11900H TDP 35 W thì mình nghĩ hiệu năng vẫn tốt trong khi áp lực tản nhiệt sẽ được giải quyết với thiết kế tản nhiệt khí dùng quạt lồng sóc hiện tại. Còn nếu vẫn muốn trang bị những con chip hiệu năng cao thì Intel phải tìm ra cách khác để cải thiện vấn đề tản nhiệt và điều này đồng nghĩa với việc chiếc máy sẽ cần có kích thước lớn hơn.
79 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thật ra thi với con máy khôh gian cỡ này thì 3060ti là vừa sức, nêu nhét con cao hơn thì vấn đề về tản nhiệt sẽ phức tạp hơn nhiều, tuy nhiên nếu cặp với 3060ti bản rút gọn mà nhét 1 con i9 thì có vẻ hơi phô trương quá. Tầm con nà chỉ cần i5 là đủ, vừa giải quyết vấn đề không lãng phí hiệu năng mà cung giảm bớt nhiệt.
@suvival198 i9 dòng kb cho đỡ thọt chứ làm quả chip t thì sợ không cân sứng với vga
ky vo phong
ĐẠI BÀNG
3 năm
Về cấu hình ổn định thì không phải bàn chỉ là hơi thất vọng không có GPU intel và giá cũng không rẻ.
@ky vo phong gpu intel chưa ra mắt kịp đời này bác, e nghĩ chắc đời tiếp theo của con NUC Extreme sẽ xài GPU Intel, chắc chắn luôn 😁
MavicVN
ĐẠI BÀNG
3 năm
@ky vo phong Biết giá luôn rồi ah?
ky vo phong
ĐẠI BÀNG
3 năm
@MavicVN Ước lượng theo giá bản trước thôi.
vunt
TÍCH CỰC
3 năm
Nhỏ gọn, em chả thấy nhỏ gọn ở chỗ nào cả. Nhìn cái thùng thì khác gì cái máy case đâu!
Shine.shin
TÍCH CỰC
3 năm
@riletan Con TUF Gaming RTX 3070 thì mấy slot ?? Ờ ờ ờ ờ " chỉ lắp đc card 2 slotttt " =]] cười ỉa 2.7 làm tròn xuống 2 học giỏi đấy
steveangel
ĐẠI BÀNG
3 năm
@riletan Tôi đăng hình lên để bạn ấy biết kích thước của thùng máy, vì bài đăng không có vật chuẩn ( vd thước kẻ, thùng máy tiêu chuần, hoặc những vậy dụng khác để so sánh) không hề đăng thêm bất kỳ bình luận nào, không hề so sánh bảo lớn nhỏ. Tôi thấy nick của bạn liên tục trả lời rất nhiều bình luận nhưng câu chữ đều miệt thị người xem khác - " ngáo à" " ngáo đá" "ngáo chưa hết à".....Kiến thức của bạn mình không rõ tới đâu nhưng nếu viết bình luận thì đưa vào hình ảnh, link để chua sẻ kiến thức, đ6òng thời dẫn chứng cho lời nói của mình, người xem sẽ tôn trọng bạn hơn là miệt thị hạ thấp người khác để thể hiện mình có hiểu biết hơn họ. Có kiến thức thì cũng nên rèn luyện thêm đạo đức.
Cười mặt nồi
junkey
TÍCH CỰC
3 năm
tổng thiệt hại con này bao nhiêu vậy bác, nhỏ gọn đẹp ghê
@junkey Tìm mãi trong bài tưởng mình bỏ sót ở đâu 😁
@thanhlonghp mình cũng tưởng bỏ sót, phải dò lại nhưng vẫn ko thấy
db9911
TÍCH CỰC
3 năm
ITX nhưng ít đau đít hơn.
Tommy297
TÍCH CỰC
3 năm
Đẹp thật nhưng sao thấy chật hẹp quá, mai mốt vệ sinh cũng cực
mua cai này về làm excel thì bá đạo. Hiiiiiii
@featherchickens nếu làm excel thì con này phí tiền . kiếm máy nuc như thế này nhưng không có vga thì tốt hơn
cupidmen
ĐẠI BÀNG
3 năm
@featherchickens làm excel thì mấy con case đồng bộ cho lành, to hơn 1 xíu thôi
Haiminh0912
ĐẠI BÀNG
3 năm
@featherchickens Làm excel thì mua AIO cho lành nha
hachoa
ĐẠI BÀNG
3 năm
Giá để có 1 em như này với các option cơ bản trên web tầm 1k5$. Nếu thêm VGA + SSD và ram 32G thì tầm 3k😃
khoa-ckd
TÍCH CỰC
3 năm
Kích thước con này thì hết NUC được rồi 😁
Nhà giờ toàn máy bé, hài lòng với dell optiplex và mac mini, vẫn thích skull canyon nhưng mỗi lần lên là toàn loanh quanh 90 độ, chả có lẽ cắt vỏ chế thêm cái tản to vào =))

Các cụ đừng mong đám bé bé này nó rẻ, chả có lý do gì để nó rẻ luôn khi mà nó vừa phải làm được việc như những ông to đen hôi, vừa phải gọn đẹp.
máy cấu hình cao mà bộ case nhỏ thì có thể tản nhiệt hết được hiệu suất của máy khi chạy quá nóng không nhỉ
hatito
ĐẠI BÀNG
3 năm
con này vẫn gọi là NUC à? to cỡ này thì lên đến minipc rồi chứ?
tranvinh4u
TÍCH CỰC
3 năm
Còn này giá bao nhiêu thế mod ơi
farcry2708
TÍCH CỰC
3 năm
Rất thích dòng NUC intel nhưng cái giá thành so với build lại chênh lệch nhiều và với nhu cầu chỉ game của mình thì mình lại trở về với build truyền thống
llyllr
TÍCH CỰC
3 năm
Thu nhỏ hết đi, mang đi chơi với lũ bạn cũng tiện
@llyllr Cho vào ba lô , sáng mang ra công ty , chiều mang về nhà giống như Mac mini
Khiếp thật, phỉa công nhận là nhìn rất hầm hố 😁
dhphucs
CAO CẤP
3 năm
Máy mạnh và gọn, nhiệt độ như vậy với form máy nhỏ gọn cũng ok. Trở ngại lớn chắc chỉ là giá.
_Vito_
ĐẠI BÀNG
3 năm
NUC của intel giá thì đắt mà toàn chơi mấy con cpu laptop, tầm tiền đấy thà ng dùng tự build case itx rẻ hơn nhiều, hoặc chọn case itx build sẵn của các hãng khác vẫn ok hơn
@_Vito_ con intel đó giá bn vậy bác? nếu build itx cấu hình tương tự thì rẻ hơn bao nhiêu vậy? mình đọc trong bài ko thấy giá
_Vito_
ĐẠI BÀNG
3 năm
@nhtphuc theo intel công bố thì 1350$ cho bản i9 và 1150$ cho bản i5 chưa gồm ram + ssd + vga bác nhé. build itx thì như mình nói trên đó, main + chip + nguồn + case ~17-18 củ.
Galaxy_Beer
ĐẠI BÀNG
3 năm
@_Vito_ Giá này là quá tốt
@Galaxy_Beer Giá đó bên US. Ở vn thì x 1.3 - 1.4 đi bác.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019