HP EliteBook 845 G7 là một chiếc máy rất thú vị mà mình đang dùng thử. Đầu tiên, nó là một chiếc laptop doanh nghiệp 14" với thiết kế đẹp, bền bỉ; tiếp theo là việc được trang bị Ryzen PRO 4000 series (Renoir) dùng kiến trúc Zen2, được trang bị nhiều tính năng bảo mật cần thiết cho doanh nghiệp và thời lượng pin của máy tốt đáng ngạc nhiên.
EliteBook 845 G7 là một thành viên của dòng EliteBook 805 - những chiếc EliteBook chạy AMD. Tên gọi của nó 845 cho thấy nó là dòng 800 series cao cấp, 4 tức cỡ màn hình 14" và 5 là mã thể hiện vi xử lý AMD (0 là Intel) và G7 tức thế hệ thứ 7 của dòng máy này. So với EliteBook 840 G7 thì cả 2 chiếc máy gần như y hệt nhau, HP cũng thường dùng lại chassis giữa các biến thể Intel và AMD.
Phần vỏ của EliteBook 845 G7 như thường lệ vẫn là nhôm sáng, bề mặt được xử lý anodize. Điều mình thích trên chiếc máy này là nhôm ở cả nắp, thân lẫn đáy máy. HP cho biết bên trong hãng đã thiết kế phần khung gia cường bằng nhựa để khiến chiếc máy chịu va chạm tốt hơn và chắc chắn hơn khi cầm. Thực sự EliteBook 845 G7 cho cảm giác tiếp xúc lẫn cầm rất tốt, nó không hề ọp ẹp dù lớp vỏ nhôm không quá dày. Chiếc máy này đạt tiêu chuẩn độ bền MIL-STD 810G với 120 ngàn giờ thử nghiệm theo quy trình HP Total Test Process.
EliteBook 845 G7 là một thành viên của dòng EliteBook 805 - những chiếc EliteBook chạy AMD. Tên gọi của nó 845 cho thấy nó là dòng 800 series cao cấp, 4 tức cỡ màn hình 14" và 5 là mã thể hiện vi xử lý AMD (0 là Intel) và G7 tức thế hệ thứ 7 của dòng máy này. So với EliteBook 840 G7 thì cả 2 chiếc máy gần như y hệt nhau, HP cũng thường dùng lại chassis giữa các biến thể Intel và AMD.

Phần vỏ của EliteBook 845 G7 như thường lệ vẫn là nhôm sáng, bề mặt được xử lý anodize. Điều mình thích trên chiếc máy này là nhôm ở cả nắp, thân lẫn đáy máy. HP cho biết bên trong hãng đã thiết kế phần khung gia cường bằng nhựa để khiến chiếc máy chịu va chạm tốt hơn và chắc chắn hơn khi cầm. Thực sự EliteBook 845 G7 cho cảm giác tiếp xúc lẫn cầm rất tốt, nó không hề ọp ẹp dù lớp vỏ nhôm không quá dày. Chiếc máy này đạt tiêu chuẩn độ bền MIL-STD 810G với 120 ngàn giờ thử nghiệm theo quy trình HP Total Test Process.

Ngôn ngữ thiết kế phẳng vẫn đang được HP sử dụng triệt để trên dòng EliteBook cũng như các dòng cao cấp hiện tại. 2 cạnh bên được cắt phẳng, không phay xước mà vẫn được làm anodize. Chiếc máy có độ mỏng 17,9 mm và trọng lượng ở 1,5 kg.

Cạnh sau thì cắt kiểu hình thang cân theo mặt cắt ngang. Ở đây HP để logo dòng EliteBook và có một chi tiết mà mình chưa ưng ý trên chiếc máy này đó là phần ốp bản lề của màn hình ở đây lại được làm bằng nhựa trùng màu với màu vỏ. Phần nhựa này hơi lỏng, hy vọng vấn đề này chỉ xảy ra với chiếc máy mình đang xài.

Mặt đáy của EliteBook thiết kế dạng một tấm nhôm liền và việc tháo ra cũng rất dễ dàng với những 5 con ốc 4 cạnh. Mình luôn thích kiểu thiết kế dễ mở của những chiếc máy dòng doanh nghiệp của HP bởi việc bảo trì và nâng cấp phần cứng trở nên đơn giản hơn nhiều, không cần phải ra các trung tâm của hãng để làm.
Dựa trên service manual của HP thì thứ chúng ta có thể nâng cấp bao gồm ổ SSD M.2, chiếc máy vẫn dùng ổ M.2 2280, khe M.2 hỗ trợ PCIe NVMe SSD. 2 khe RAM SO-DIMM tiêu chuẩn và chiếc máy mình đang xài hiện đang gắn sẵn một thanh RAM DDR4-3200 8 GB. Ngoài ra chúng ta vẫn có thể thay được card Wi-Fi hay gắn thêm card WWAN.

Trang bị cổng kết nối trên EliteBook 845 G7 khá đa dạng và đủ để đáp ứng nhu cầu của người dùng văn phòng. Tại cạnh trái của máy, chúng ta có 2 cổng USB-A (USB 3.2 Gen1 5 Gbps), jack âm thanh và khe đọc thẻ SmartCard - một đầu đọc thẻ thường thấy trên dòng EliteBook trước đây của HP và lâu lắm rồi mình mới thấy sự xuất hiện của nó trên dòng máy này.

SmartCard là một loại thẻ nhựa có gắn chip kích thước tương tự thẻ ATM và nó thường được dùng để xác thực người dùng, quản lý thiết bị hay dữ liệu. SmartCard trên những chiếc máy của HP đi với bộ công cụ bảo mật HP Client Security. Với thẻ SmartCard thì người dùng có thể đăng nhập Windows, đăng nhập vào nhiều thành phần của máy, mã hóa ổ đĩa theo tính năng Drive Encryption. Đây là một lớp bảo mật vừa vật lý vừa kỹ thuật số để bảo vệ dữ liệu quan trọng trong máy và nó thường được triển khai bởi phòng IT của các doanh nghiệp, cấp cho người sử dụng máy.

Bên cạnh SmartCard thì chiếc EliteBook 845 G7 cũng có cảm biến vân tay một chạm, tốc độ nhận dạng nhanh, anh em có thể thiết lập qua Windows Hello của Windows 10. Chiếc máy này cũng như dòng EliteBook của HP nói chung đều được cài sẵn Windows 10 Pro và đây vẫn là phiên bản Windows tốt nhất dành cho doanh nghiệp cũng như người dùng chuyên nghiệp. Nó có những tính năng đặc trưng như BitLocker - mã hóa dữ liệu trên toàn ổ đĩa tránh bị đánh cắp dữ liệu trong tình huống mất máy hay WIP (Windows Information Protection) cũng là tính năng chống rò rỉ dữ liệu, bảo mật ứng dụng và dữ liệu doanh nghiệp, đặc biệt cần thiết trên những thiết bị được trang bị cho nhân viên.

Ở cạnh phải là các cổng kết nối còn lại gồm HDMI 2.0, 2 cổng USB-C (hỗ trợ USB 3.2 Gen1 5 Gbps và trình xuất DisplayPort 1.4). Một cổng có biểu tượng phích cắm cho biết nó hỗ trợ sạc PowerDelivery và như vậy bên cạnh cổng nguồn chân kim với cục sạc HP thông thường thì anh em có thể dùng với sạc USB-C 65 W. Chiếc máy hỗ trợ sạc nhanh và HP cho biết có thể lấy lại 50% pin trong chỉ 30 phút. Có một khe nhỏ bị bít lại ở đây và đây chính là khe SIM - 1 tùy chọn trên dòng máy này, trên bo mạch vẫn có một khe M.2 2240 để hỗ trợ gắn thêm card WWAN 4G/LTE với ăng-ten chờ sẵn.

Đóng máy lại và mở nắp máy, bản lề cực mượt và cho phép mở bằng một tay. Góc mở màn hình tối đa 180 độ, thiết kế màn hình viền mỏng 2 bên tầm 7 mm, viền trên dưới cân đối bằng nhau và mình thích sự cân đối này.

Tại viền trên HP bố trí camera với màn đóng mở cơ học để tăng tính bảo mật, chống bị truy xuất và chụp hình trái phép khi không dùng webcam. Bên cạnh webcam có cảm biến ánh sáng để tự động cân chỉnh độ sáng màn hình và 2 mic có tính năng chống ồn chủ động.

Màn hình trên EliteBook 845 G7 khá tốt, mình nói là khá vì so với những chiếc laptop doanh nghiệp. Tấm nền IPS được HP trang bị cho máy do InnoLux sản xuất, mã tấm nền N140HCA-E5B. Tấm nền này có một số đặc điểm như độ phân giải FHD (1920 x 1080 px), độ sáng tối đa 250 nit, độ tương phản ở 1000:1, độ bao phủ các dải màu lần lượt là 66% sRGB, 50% AdobeRGB và 47% NTSC.

Theo quan sát của mình thì màu sắc trên tấm nền này không quá tươi bởi độ bao phủ các dải màu thấp. Dù vậy nếu dùng để xem phim giải trí thì vẫn ổn nhờ độ tương phản cao. Việc sử dụng máy ở ngoài trời không khó chịu bởi màn hình được hoàn thiện kiểu matte chống chói nhưng vẫn cần độ sáng 100% để quan sát tốt nhất. Có thể hơi tối với nhiều người nhưng với mình thì độ sáng này cho phép mình có thể làm việc liên tục, ít mỏi mắt. Bên cạnh tùy chọn màn hình IPS FHD với độ sáng lên đến 1000 nit kèm tính năng HP SureView với lớp phân cực chống nhìn trộm. Mình không rõ HP Việt Nam có bán tùy chọn này hay không.

2 loa của EliteBook 845 G7 nằm ở 2 bên bàn phím, tinh chỉnh bởi B&O và âm thanh đầu ra của nó đủ lớn để đáp ứng nhu cầu hội họp của nhiều người trên cùng một chiếc máy. 2 loa hướng lên và rất vang, khá có lực, treble và mid rõ ràng.

Bàn phím trên HP EliteBook 845 G7 là loại bàn phím Quiet Keyboard - một loại bàn phím được thiết kế tối ưu về hành trình, độ nẩy và độ ồn. Chiếc bàn phím này mình từng chia sẻ trên con EliteBook x360 1040 G7 và cực kỳ thích cảm giác gõ của nó lẫn layout. Cảm giác nhấn rất rõ ràng, hành trình sâu và độ nẩy tốt mang lại sự kích thích khi gõ. Tuy nhiên nó lại không phát ra tiếng ồn ngay cả khi gõ mạnh tay vì vậy rất phù hợp để sử dụng trong môi trường văn phòng. Chiếc bàn phím này cũng có tính năng chống lọt nước và có đèn backlit 2 mức sáng.

Layout phím dễ làm quen và có thể gõ nhanh bởi các phím chính được làm kích thước lớn, bố trí hợp lý, xương phím chắc chắn không chông chênh, vỉ phím không bị flex. Hàng phím cho văn bản nằm riêng tại cạnh phải, các phím điều hướng lớn và tách bạch, hàng phím chức năng thì có đầy đủ các phím cần thiết để làm việc như tắt mic nhanh, trình chiếu, airplane mode và shortcut để gán chức năng.

Để điều khiển con trỏ chuột thì trên EliteBook 845 G7 bạn sẽ có 2 thứ, 1 là bàn rê ClickPad của Synaptics với bề mặt phủ kính, hỗ trợ đa điểm, độ nhạy cao với driver Microsoft Precision Touchpad. Chiếc bàn rê này không quá lớn nhưng bù lại cho trải nghiệm cực tốt. Từ đời EliteBook 8460p thì bàn rê phủ kính đã được HP trang bị trên dòng EliteBook và trải nghiệm sử dụng của nó đã tốt từ thời điểm đó.

Phía trên bàn rê là 2 phím chuột dành cho núm điều khiển PointStick. Chiếc núm này cũng như các loại trackpoint khác và nó đã xuất hiện trên dòng EliteBook từ rất lâu. Đây là một thứ mà nhiều người dùng vẫn thích và không muốn các hãng lược bỏ đi trên chiếc laptop doanh nghiệp. Nhìn chung về hệ thống nhập liệu của chiếc EliteBook 845 G7 thì mình không có gì phải chê, nó gần như hoàn hảo trên một chiếc laptop để làm việc.

Về cấu hình, đây cũng là thứ khiến EliteBook 845 G7 đặc biệt bởi HP trang bị cho nó vi xử lý Ryzen PRO - một giải pháp cạnh tranh với Intel vPro của AMD. Có 2 tùy chọn CPU trên dòng EliteBook 845 G7 gồm Ryzen 5 PRO 4650U 6 nhân 12 luồng hoặc Ryzen 7 PRO 4750U 8 nhân 16 luồng. Phiên bản mình đang trải nghiệm dùng Ryzen 5 PRO 4650U, cấu hình chi tiết như sau:
- CPU: AMD Ryzen 5 PRO 4650U (Renoir) 6 nhân 12 luồng, 2,1 - 4 GHz Boost, 8 MB Cache;
- GPU: AMD Radeon RX Vega 6, 6 CU, 384 nhân Stream, 1500 MHz Boost;
- RAM: 8 GB DDR4-3200 (đang chạy single-channel);
- SSD: Samsung P991 512 GB PCIe 3.0 x4 NVMe SSD;
- Pin: 56 Wh;
- OS: Windows 10 Pro 64-bit.
Nếu quan tâm đến hiệu năng đồ họa thì Radeon RX Vega 6 tích hợp trên Ryzen 5 PRO 4650U có thể cho sức mạnh tương đương với dòng GeForce MX 150 của Nvidia. Nó đủ để anh em ngoài làm việc có thể giải trí với vài tựa game eSport ở tỉ lệ khung hình trên 60 fps với đồ họa thấp đến trung bình, phân giải FHD.

Riêng về RAM thì để Ryzen 5 PRO 4650U có thể phát huy tối đa hiệu năng thì mình nghĩ anh em nên trang bị thêm cho máy một thanh RAM 8 GB DDR4-3200 nữa để chạy kênh đôi, từ đó hiệu năng đồ họa của Radeon RX Vega 6 cũng được tăng cường.

Mình chỉ mới trải nghiệm chiếc máy này trong vài ngày nên vẫn chưa đưa ra những đánh giá chi tiết cho anh em về hiệu năng cũng như thời lượng pin. Tuy nhiên, theo ghi chú nhanh của mình về thời gian sử dụng thì ở độ sáng 100%, mình làm việc liên tục trong đúng 5 tiếng thì thời lượng pin của máy vẫn còn gần 50% pin. Mình kỳ vọng rằng thời lượng pin của máy sẽ có thể đạt đến 10 tiếng với nhu cầu làm việc văn phòng, độ sáng màn hình thấp hơn. Kết quả benchmark PCMark 8 Home, độ sáng ở 100%, chế độ pin Better Battery cho thấy chiếc máy đã đạt 6 tiếng 20 phút trước khi pin còn 20%. Có thể nói thời lượng pin này rất tốt đối với một chiếc laptop có pin chỉ 56 Wh và con CPU có đến 6 nhân như Ryzen 5 4650U.

HP chỉ cài thêm một vài phần mềm trên EliteBook 845 G7, tất cả đều xài được không phải bloatware. Ngoài gói phần mềm HP Client Security để thiết lập bảo mật và các tính năng quản lý cho IT thì ứng dụng HP Workwell là thứ mình thấy rất hay. Nó tựa như Digital Wellbeing trên smartphone, tự động nhắc nhở chúng ta nghỉ sau 1 khoảng thời gian làm việc và cung cấp các hướng dẫn để tập thể dục tại chỗ, rất cần thiết cho dân văn phòng. Mình đã bắt đầu quen với cái phần mềm này sau khi xài EliteBook 845 G7 trong vài ngày và nó thật sự có ích.
Ngoài ra HP còn cài sẵn một app có tên Quickdrop - một ứng dụng giúp gởi file nhanh giữa thiết bị di động và máy tính. Nó hỗ trợ trên iOS và Android, anh em chỉ cần cài thêm app trên điện thoại và quét mã QR trên máy tính để 2 máy pair với nhau. Tốc độ gởi file như văn bản và ảnh mình thấy rất nhanh và tiện dụng.

Cá nhân mình thích chiếc máy này vì nó cho hiệu năng và thời lượng pin vượt kỳ vọng của mình. Ngoài ra với mức giá bán tầm 28 triệu cho Ryzen 5 PRO 4650U và 35 triệu cho Ryzen 7 PRO 4750U thì mình thấy dòng EliteBook 845 G7 đang cho hiệu năng/giá rất tốt, chưa kể về mặt thiết kế, chất lượng hoàn thiện, trải nghiệm sử dụng.
