Mình mua và sử dụng cái máy này cũng 4 tháng rồi nhưng nay mới đủ tự tin làm bài giới thiệu nó với anh em. Thú thực là làm chủ nó khó quá nên giờ mới dám chia sẻ, vì nó là thủ công hoàn toàn nên cái gì cũng phải hiểu thì mới chiết xuất ra một ly espresso tạm gọi là uống được. OK, cùng tìm hiểu về La Pavoni nhé.
Năm 1961, chiếc máy pha cà phê gia dụng đầu tiên được La Pavoni ra mắt, từ đó đến nay nó hầu như chẳng thay đổi kiểu dáng và cách hoạt động. Giữa các phiên bản đầu tiên và sau này, chủ yếu chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ (ví dụ thêm ống kính đo mực nước) mà thôi, còn lại thì nó vẫn là một cái máy không thể thủ công hơn. Ngoài Professional, La Pavoni còn có Europiccola nhưng với nồi đun dung tích nhỏ hơn và không có đồng hồ đo áp suất (boiler). Chiếc Pro này có dung tích boiler là 1,6 lít, mình pha được khoảng 5-7 ngày.
Năm 1961, chiếc máy pha cà phê gia dụng đầu tiên được La Pavoni ra mắt, từ đó đến nay nó hầu như chẳng thay đổi kiểu dáng và cách hoạt động. Giữa các phiên bản đầu tiên và sau này, chủ yếu chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ (ví dụ thêm ống kính đo mực nước) mà thôi, còn lại thì nó vẫn là một cái máy không thể thủ công hơn. Ngoài Professional, La Pavoni còn có Europiccola nhưng với nồi đun dung tích nhỏ hơn và không có đồng hồ đo áp suất (boiler). Chiếc Pro này có dung tích boiler là 1,6 lít, mình pha được khoảng 5-7 ngày.


Thiết kế của La Pavoni là một tấm chân đế bề thế, vững chắc cho phần thân bên trên. Tuy nhiên toàn bộ máy không đủ nặng nên nếu dùng một tay kéo cần lên thì có thể sẽ nâng máy lên và bị xô lệch vị trí, anh em nên thao tác với hai tay. Trên phần chân đế là nồi đun được mạ crom sáng bóng, anh em nào hay vệ sinh và giữ gìn thì nó sạch đẹp lắm, đặc biệt là dưới ánh đèn.
La Pavoni chả có chi tiết điện tử, cảm biến nào nên có lẽ người ta thích vì nó khó hỏng 😁 Chiếc của mình sản xuất năm 1995, tại Italy. Về cơ chế hoạt động, nồi đun sẽ đun nước lên nhiệt độ sôi, nó cũng có vòi để đánh sữa cho những ai muốn thưởng thức cappucino hay latte. Boiler này được nối thẳng với grouphead, khi người dùng kéo tay cần lên sẽ mở van để nước đi ra grouphead và tiếp xúc với cà phê. Như vậy, anh em sẽ phải kiểm soát được các thông số: nhiệt độ, lực ép, thời gian ủ, thời gian chiết xuất. Kiểm soát bằng cách nào? Bằng cảm giác.

Cái gì liên quan đến cảm giác thì nó khó mà ổn định, kiểu như phong độ vậy. Hôm nào vui vui thì pha ngon, hôm nào chán thì pha ra không ngon. Cho nên nếu anh em muốn một chiếc máy pha đơn giản và ổn định thì có thể dừng đọc bài của mình được rồi đấy. Tiêu chuẩn lý tưởng cho một ly espresso là nhiệt độ khoảng 90 và áp suất 9 bar nhưng với La Pavoni, tất cả đều là kinh nghiệm, là cảm giác hết. Anh em sẽ phải điều chỉnh lực tay để kéo cần, cảm giác nhiệt độ và thời gian. Mình thì có tem nhiệt và đồng hồ đo thời gian hỗ trợ nên cũng đỡ chút.
Nhiệm vụ của cái tem nhiệt là hiển thị nhiệt độ ở grouphead. Khi nước sôi từ boiler đi ra grouphead, nó sẽ bị giảm nhiệt đáng kể do grouphead đang lạnh, nước không đủ nhiệt để chiết xuất, do đó sau khi nước trong boiler đủ áp thì chúng ta cũng phải đợi thêm cho grouphead đủ nóng bằng cách nhìn vào tem nhiệt. Sau nhiều lần pha thì chúng ta sẽ có kinh nghiệm và dần dần tự điều chỉnh chứ cái mình nói chỉ là lý thuyết khô khan thôi.

Nói chung nó là thủ công hoàn toàn và phụ thuộc vào cảm xúc nhiều, nên chơi nó cũng có cái hay và cần thời gian. Anh em nào cần espresso công nghiệp, bấm nút có cái uống luôn thì chớ có mua nó. Nó chỉ thích hợp cho uống thanh cảnh, vừa pha vừa chơi thôi. Mình đang sử dụng nó với cối xay tay, cả công đoạn chuẩn bị và chiết xuất ra một ly espresso để uống thì cũng mất cỡ 15-20 phút. Sau khi chơi La Pavoni, mình cũng tìm hiểu và biết kha khá về lý thuyết espresso rồi, còn pha ngon hay không thì lại là câu chuyện khác ;).