Logitech G PRO X TKL là một trong số những lựa chọn bàn phím cơ chơi game có thiết kế và mang lại trải nghiệm chất lượng cho người dùng. Ở khoảng giá dưới 5 triệu đồng, G PRO X TKL trừ việc không thể thay switch thì gần như hoàn hảo cho nhu cầu gaming, từ cảm giác cứng cáp đến độ trễ cực thấp và đặc biệt là receivere LIGHTSPEED cho polling rate 1000 Hz.
Cảm giác chất lượng mà sản phẩm nào đó mang tới cho người dùng là ngay từ những cái chạm đầu tiên, không nhất thiết là cần phải ở chính bản thân sản phẩm. Logitech đóng gói mẫu G PRO X TKL trong hộp giấy cứng tông đen, khá nặng so với dự đoán của mình về 1 bàn phím cỡ 80%. Đi kèm bàn phím là hộp vải dù định hình, đầm tay, cho cảm giác cao cấp và rất sướng khi chạm vào. Trên hộp có quay xách, logo G ở góc và góc đối diện xéo là PRO X TKL. Vòng quanh hộp là 2 đầu dây kéo. Thực chất bàn phím thì cứng cáp nhưng không quá nặng, trọng lượng chủ yếu tới từ chính cái hộp này.



Cảm giác chất lượng mà sản phẩm nào đó mang tới cho người dùng là ngay từ những cái chạm đầu tiên, không nhất thiết là cần phải ở chính bản thân sản phẩm. Logitech đóng gói mẫu G PRO X TKL trong hộp giấy cứng tông đen, khá nặng so với dự đoán của mình về 1 bàn phím cỡ 80%. Đi kèm bàn phím là hộp vải dù định hình, đầm tay, cho cảm giác cao cấp và rất sướng khi chạm vào. Trên hộp có quay xách, logo G ở góc và góc đối diện xéo là PRO X TKL. Vòng quanh hộp là 2 đầu dây kéo. Thực chất bàn phím thì cứng cáp nhưng không quá nặng, trọng lượng chủ yếu tới từ chính cái hộp này.


Bên trong, G PRO X TKL được giữ cố định vừa khít khung hộp, bên dưới là receiver LIGHTSPEED cùng dây cáp USB Type-C dài 1.9 m bọc cao su mềm chống rối. Bàn phím trong bài là màu trắng nhưng 2 phụ kiện này là đen.

Như tên gọi, Logitech G PRO X TKL là bàn phím TenKeyLess, tức 80%, không có cụm phím số (numpad). Riêng bản thân sản phẩm nặng gần 1 kg (948 gram), khi đặt trên bàn sẽ gọn gàng hơn nhưng vẫn đủ tính năng phục vụ nhu cầu chơi game. Lược bỏ numpad đối với game thủ có lẽ là 1 thiết kế mang lại lợi thế, do tạo ra phần không gian trống bên phải để di chuột dễ dàng hơn, nhất là ở những tựa game bắn súng.


Trên cùng của bàn phím là 8 nút điều khiển chức năng, ở giữa có đèn báo Caps Lock và pin, ngoài cùng là con lăn chỉnh âm lượng. Cạnh trước ngay gần con lăn là công tắc chính để tắt/mở bàn phím. Đối diện ở đầu kia là cổng USB Type-C.



Quảng cáo

Mặt dưới Logitech G PRO X TKL có khe giấu receiver khi không sử dụng. Logitech tích hợp 5 chân đế cao su chống trượt để cố định trên mặt phẳng, kèm chân dựng 2 nấc, nâng bàn phím lên cao tạo góc nghiêng thoải mái hơn. Ở trạng thái bình thường, G PRO X TKL có góc nghiêng nhẹ 2 độ, mức nâng đầu tiên là 4 độ và cao nhất là 8 độ. Trên các chân đứng này đều có dải cao su.



Thiết kế của G PRO X TKL hơi cao nên anh em chưa quen có thể sẽ cảm thấy mỏi tay. Bản thân mình xài thử cũng thấy mỏi hơn so với những bàn phím quen thuộc. Giải pháp là xài thêm đệm lót tay để thoải mái hơn nếu gõ nhiều trong thời gian dài. Phụ kiện này không tặng kèm do đó anh em cần tự trang bị.


Quảng cáo
Chất liệu của keycap là PBT loại dày, bề mặt hoàn thiện nhám, bên dưới là các switch GX Brown Tactile gắn trên top plate kim loại và phần bottom case nhựa cứng mang lại cảm giác gõ khá tốt. Dĩ nhiên nó sẽ tùy vào việc anh em quen và thích kiểu switch nào nữa, như 1 người bạn của mình thì rất thích Tactile, trong khi mình lại ưa Linear hơn. Keycap PBT in doubleshot kết hợp giữa khung nhựa trắng đục và ký tự nhựa trong mờ, hiệu ứng xuyên LED mềm dịu hơn. Dù vậy với kiểu đặt switch hở chân thì ánh sáng không tập trung chính ở ký tự mà là bên dưới keycap. Cá nhân mình thấy là hiệu ứng LED, các chế độ, khả năng tùy chỉnh, độ đẹp... trên Logitech G PRO X TKL sẽ dễ dàng thỏa mãn những ai ưa thích đèn đuốc đủ màu, chạy nhảy lung tung vui mắt. Thiết lập LED với phần mềm giúp anh em có thể chỉnh hiệu ứng và màu đèn cho từng phím. Trong bóng tối, LED xuyên keycap không gây chói mắt mà dễ nhìn, lưu ý rằng màu trắng của LED sẽ hơi ám xanh dương.


Tuy rằng muốn đổi switch khác là khá rắc rối với G PRO X TKL, do thiết kế của nó không cho phép hot-swap, thế nhưng việc thay thế keycap là đơn giản. Khi cần, chúng ta có thể lựa trong hàng đống bộ keycap trên thị trường, nhờ sản phẩm thiết kế stabilizer dạng plate-mounted, còn cỡ của spacebar là 6.25u, trong khi các phím modifier bên phải là 1.25u tiêu chuẩn.

Nếu không cài phần mềm điều khiển, anh em có thể tinh chỉnh vài tính năng thông qua các nút tích hợp cạnh trên bàn phím. Còn với Logitech G HUB, việc tùy biến G PRO X TKL sẽ dễ dàng hơn trên giao diện trực quan, từ map phím, chỉnh đèn RGB hay tạo các profile phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Bộ nhớ tích hợp của G PRO X TKL cho phép lưu 1 profile tùy biến để đem theo xài ở bất cứ thiết bị nào mà không cần có sự xuất hiện của phần mềm.

Không nói về việc cắm dây USB-C để sử dụng thì anh em hoàn toàn có thể xài với Bluetooth hoặc receiver LIGHTSPEED. Nếu như độ trễ của từng phím riêng lẻ khi xài dây là 4.8 ms thì Bluetooth tới 12.2 ms nhưng đặc biệt qua receiver chỉ có 5.6 ms. Điều này tức là cảm giác xài LIGHTSPEED receiver gần tương đương với cắm dây, nhưng nó gọn gàng và linh hoạt hơn nhiều. Thông qua receiver, G PRO X TKL có polling rate tới 1000 Hz, nghĩa là hệ thống sẽ thực hiện quét kiểm tra các lần nhấn phím mỗi miligiây 1 lần.

Polling rate càng cao thì giảm độ trễ đầu vào, cũng có nghĩa là khi anh em nhấn phím, lý thuyết với 1000 Hz thì chỉ 1 ms sau là tác động đó thể hiện lên màn hình. Điều này mang lại lợi thế cho những tựa game đối kháng cần cạnh tranh nhau từng phản hồi giữa các game thủ. Ngày xưa polling rate tiêu chuẩn khoảng 125 Hz, tương ứng mỗi 8 ms sẽ quét nhận phím 1 lần, còn ngày nay 1000 Hz là 1 ms/lần, khác biệt giữa 8 ms với 1 ms đôi khi là né hoặc chốt được 1 pha headshot quyết định. Ngoài ra, điểm trừ của polling rate cao là ảnh hưởng tới tài nguyên hệ thống, cụ thể là CPU. Thời gian xài pin của G PRO X TKL qua receiver LIGHTSPEED theo Logitech là 50 tiếng.

Logitech G PRO X TKL là 1 bàn phím tốt về chất lượng, độ cứng cáp và trải nghiệm gõ ổn, đặc biệt thích hợp với game thủ nhờ sự gọn gàng và công nghệ LIGHTSPEED. Tuy nhiên với mức giá từ 4.5 tới dưới 5 triệu đồng, anh em có tương đối nhiều lựa chọn hơn, nhất là với những ai muốn có đầy đủ tính năng tùy biến, hot-swap switch chẳng hạn.