Với giá bán khởi điểm từ 11 triệu ở thị trường nước ngoài, Nothing Phone 1 là 1 chiếc máy trung cấp nhưng những gì mà nó mang đến thật sự khiến cho mình hơi bất ngờ một chút xíu, đặc biệt là độ hoàn thiện và khả năng cầm nắm rất thân thiện.
Điểm nổi bật nhất cần nói tới Nothing Phone 1 nằm ở mặt lưng kiểu trong suốt với các dải đèn LED xung quanh. Những dải LED này đóng vai trò đèn thông báo, quá trình sạc pin và trợ sáng cho cụm camera trong trường hợp thiếu sáng. Nhờ phần mềm đi kèm, người dùng có thể tùy biến cách dải đèn LED này hiển thị khi có thông báo với rất nhiều cấu hình khác nhau và đồng bộ với âm chuông báo.
Hệ thống thông báo bằng đèn LED
Điểm nổi bật nhất cần nói tới Nothing Phone 1 nằm ở mặt lưng kiểu trong suốt với các dải đèn LED xung quanh. Những dải LED này đóng vai trò đèn thông báo, quá trình sạc pin và trợ sáng cho cụm camera trong trường hợp thiếu sáng. Nhờ phần mềm đi kèm, người dùng có thể tùy biến cách dải đèn LED này hiển thị khi có thông báo với rất nhiều cấu hình khác nhau và đồng bộ với âm chuông báo.
Nothing gọi mỗi kiểu thông báo như vậy là glyph và họ cung cấp 20 cái khác nhau, 10 cho thông báo và 10 cho cuộc gọi. Ở mặt sau của máy có tổng cộng 4 cụm đèn, với chúng ta có thể tuỳ chỉnh đèn sáng ở cụm nào thì nhận biết được đang có thông báo đến từ cuộc gọi của người nào hoặc thông báo từ ứng dụng nào. Trong thời gian ngắn cầm máy trên tay thì mình cũng nghịch được một số cái như gán chuông báo và đèn khác nhau cho 2 người bạn thân trong danh bạ, hoặc chỉnh âm thanh riêng dành cho app Telegram nè.
Đây rõ ràng là 1 tính năng vừa tạo sự khác biệt của Nothing Phone so với các máy tầm trung khác, vừa giúp cho các cảnh báo kiểu đèn LED màu xanh, đỏ ngày xưa nâng cấp lên 1 tầm cao mới. Giờ chúng ta chỉ cần nhìn đèn và nghe âm thanh là biết được thông báo từ ứng dụng nào, khá tiện. Nhưng theo mình thì anh em chỉ nên set vài cái thôi chứ nhiều quá thì sẽ không nhớ hết và sẽ bị rối đó. Nhìn chung thì đây là yếu tố giúp cho Nothing Phone nổi bật nhất, và nó có công năng nhất định chứ không phải chỉ để làm màu.
Thiết kế tương đồng iPhone, hoàn thiện rất tốt
Quay trở lại với những yếu tố cấu thành 1 chiếc smartphone, đầu tiên là thiết kế Nothing Phone 1 với ấn tượng ban đầu của mình kể từ khi chiếc máy này ra mắt là nó trông như 1 chiếc iPhone 12 nhưng vuông vức hơn và có mặt lưng được độ đèn LED. Mình thật sự bất ngờ khi được cầm chiếc máy trên tay.
Nó được hoàn thiện tốt, các cạnh được vác cong, không sắc nhọn khi cầm nắm trên tay. Ngoài ra, cảm giác cũng khá nhẹ nhàng, các nút bấm không bị rơ. Bên cạnh phím nguồn ở bên cạnh phải đặt ở vị trí vừa vặn với ngón tay, phím âm lượng ở cạnh trái thì cạnh dưới là nơi bố trí khe SIM cũng như cổng USB-C. Máy được bảo mật bằng cảm biến vân tay dưới màn hình.
Quảng cáo
Như đã nói, phần mặt lưng của máy là yếu tố giúp tạo điểm nhấn về mặt thiết kế. Bên ngoài là dường như một lớp nhựa trong suốt chứ không phải kính, có thể nhìn xuyên thấu vào hệ thống đèn bên trong. Do phiên bản mình dùng là màu trắng nên cũng không bị lộ vết vân tay quá nhiều. Gần như mình không tìm thấy điểm nào để mà chê ở thiết kế của Nothing Phone 1 cả.
Khả năng hiển thị
Màn hình của máy có kích thước 6"55 độ phân giải Full-HD với tấm nền OLED cho độ sáng 1200 nits, theo như công bố của nhà sản xuất. Tuy nhiên, một số người dùng khi nhận máy phản ánh họ đo được màn hình này chỉ sáng tối đa 700 nits mà thôi. Thực tế sử dụng khi kéo thanh độ sáng lên mức tối đa, việc dùng máy ở ngoài trời, ngay dưới trời nắng là điều dễ dàng, màn hình không bị mờ hay đục gì cả. Bên cạnh đó, tần số quét của màn hình là 120Hz, giúp cho các thao tác sử dụng mỗi ngày như cuộn trang, lướt web này kia cũng trở nên mượt mà và thích mắt hơn.
Một ưu điểm khác về khả năng hiển thị của máy nữa đó là các cạnh viền của màn hình được làm mỏng và đều nhau, điều tưởng chừng như chỉ có trên những chiếc smartphone cao cấp trước đây. Việc này giúp cho trải nghiệm thụ hưởng nội dung trên máy đã hơn, sướng hơn.
Quảng cáo
Hệ thống camera
Máy có cụm 2 camera chính có cùng độ phân giải 50MP (cảm biến Sony IMX766), trong đó một ống kính góc siêu rộng (cảm biến Samsung JN1). Camera chính không chỉ có chống rung quang học mà còn chống rung điện tử với các chế độ như chụp đêm, chân dung, quét tài liệu. Trong khi ống siêu rộng có góc nhìn 114 độ và có thể chụp macro ở khoảng cách 4cm.
Nhìn chung, cấu hình camera như vầy là đủ dùng, không cần thiết phải có sự xuất hiện của cam macro vốn không mấy khi động tới trong quá trình sử dụng máy. Sự thiếu vắng của cam tele cũng là điều gây tiếc nuối, nhưng thật ra cũng không thể đòi hỏi trang bị này trên 1 chiếc smartphone trung cấp như Nothing Phone 1.
Trong khi đó, camera trước của máy là dạng khoét lỗ, được đặt lệch nằm ở góc trên bên trái của màn hình, độ phân giải 16 MP. Nhìn chung về thông số, phần cứng camera của máy rõ ràng khá hứa hẹn.
Sức mạnh phần cứng
Nothing Phone 1 được trang bị CPU Snapdragon 778G+, RAM 8GB hoặc 12GB và ROM 128GB hoặc 256GB. Cấu hình này vừa đủ ổn đối với 1 chiếc smartphone trung cấp như Nothing Phone 1. Chưa dùng nhiều và thử được hiệu năng nhưng Snapdragon 778G+ cũng là con chip mới được ra hồi năm ngoái, và chạy nhanh mấy ứng dụng, thao tác đơn giản này kia thì máy có thể xử lý rất mượt mà.
Về pin thì Nothing Phone 1 có pin dung lượng 4.500mAh, một con số mà mình nghĩ là vừa đủ đối với 1 chiếc smartphone Android ngày nay. Vả lại, máy còn được trang bị sạc nhanh công suất 33W, thế nên việc sạc đầy viên pin này trong vòng 1 tiếng hoặc hơn xíu là điều không phải quá khó.
Khi bán ra thị trường, Nothing Phone 1 sẽ chạy Nothing OS phát triển dựa trên nền Android 12, được hãng tuỳ biến giao diện một chút xíu để đẹp mắt và hợp với thiết kế bên ngoài hơn.
Cảm ơn cửa hàng Lê Quân Mobile (643 Lê Hồng Phong, Phường 10, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) đã cho Tinh tế mượn máy để làm bài.