Không chỉ sở hữu thiết kế mỏng gọn và trọng lượng nhẹ nhàng, Xiaomi Book Air 13 còn có khả năng biến hóa linh hoạt, cho phép sử dụng thoải mái với nhiều tư thế khác nhau. Mẫu laptop đạt chứng nhận Intel Evo mới nhất mà Xiaomi cung cấp tỏ ra rất đa năng, hứa hẹn trở thành bạn đồng hành hay văn phòng di động của người dùng mọi lúc mọi nơi.
Cách mà Xiaomi đóng gói sản phẩm cũng đặc biệt, 1 phần thể hiện được đặc điểm nổi bật của nó như tựa đề bài viết này. Bên trong thùng carton có quai xách là 1 hộp giấy cứng vuông vức, rất gọn, chỉ chứa vừa đúng Xiaomi Book Air 13 và 1 khăn lau màn hình. Phụ kiện theo máy ngoài cáp sạc Type-C còn có 1 adapter loại ngắn chuyển từ USB Type C sang USB Type A. Củ sạc có mã AD651, công suất đầu ra tối đa 65 W, có sạc nhanh để đáp ứng được những yêu cầu của chứng nhận Intel Evo. Cách đóng hộp ôm sát thân máy cũng hay, nhưng theo mình nên có thêm 1 lưỡi gà để người dùng lấy được sản phẩm ra ngoài dễ hơn, thay vì phải dựng hộp, nghiêng từ từ và dùng tay đỡ.



Cách mà Xiaomi đóng gói sản phẩm cũng đặc biệt, 1 phần thể hiện được đặc điểm nổi bật của nó như tựa đề bài viết này. Bên trong thùng carton có quai xách là 1 hộp giấy cứng vuông vức, rất gọn, chỉ chứa vừa đúng Xiaomi Book Air 13 và 1 khăn lau màn hình. Phụ kiện theo máy ngoài cáp sạc Type-C còn có 1 adapter loại ngắn chuyển từ USB Type C sang USB Type A. Củ sạc có mã AD651, công suất đầu ra tối đa 65 W, có sạc nhanh để đáp ứng được những yêu cầu của chứng nhận Intel Evo. Cách đóng hộp ôm sát thân máy cũng hay, nhưng theo mình nên có thêm 1 lưỡi gà để người dùng lấy được sản phẩm ra ngoài dễ hơn, thay vì phải dựng hộp, nghiêng từ từ và dùng tay đỡ.

Quảng cáo
Ngoại hình và có thể nói là hầu hết những thứ liên quan đến Xiaomi Book Air 13 đều có tông trắng chủ đạo, 4 góc máy bo tròn trong khi phần cạnh có kiểu vát kim cương. Xiaomi khá hay trong việc kết hợp và làm sao để hài hòa trong các đường nét thiết kế chính trên Book Air 13, tổng thể mang lại vẻ sang trọng nhưng không kém phần thời trang. Viền cạnh máy có màu vàng đồng tạo điểm nhấn, trên đó hiện rõ các đường vân xước. Mặt A, C và D của Xiaomi Book Air 13 đều được gia công từ kim loại, cụ thể là hợp kim nhôm, trải qua quy trình cắt CNC chính xác để tạo nên bộ khung. Dù vậy khi sờ vào bề mặt sẽ dễ chịu nhờ 1 lớp phủ siêu mỏng mang cảm giác lụa. Khả năng lau chùi là dễ nhưng bù lại nó cũng tương đối “hút” bụi, đặc biệt nếu dính dầu hay nước sẽ hiện lên rất rõ.

Xiaomi Book Air 13 có kích thước 296.5 x 205.5 mm, dày khoảng 12 mm và nặng 1.2 kg. Máy nhẹ, cầm nắm dễ dàng, nhưng vì lớp phủ cao su mềm (dù rất mỏng) cộng với đặc tính dễ dính bẩn mà cảm giác cầm nắm chưa hoàn toàn thoải mái. Bản lề 360 độ của máy hơi cứng, không thể dùng 1 tay để nhấc mở màn hình mà bắt buộc phải giữ cố định phần thân dưới. Theo mình, đây là 1 điểm trừ của sản phẩm. Mặt dưới sản phẩm khá kín và liền lạc nhờ hệ thống làm mát bằng buồng hơi (vapor chamber) cỡ lớn.


Để có được độ mỏng cần thiết, Xiaomi hi sinh những cổng kết nối chiếm quá nhiều diện tích, điển hình như HDMI hay USB Type A. Mẫu Book Air 13 chỉ trang bị 1 cổng âm thanh 3.5 mm và 2 cổng Thunderbolt 4, kèm theo cáp chuyển sang USB Type A. Nếu có nhu cầu sử dụng nhiều thiết bị ngoại vi, anh em cần mua thêm phụ kiện Thunderbolt Hub. Nút nguồn chính đặt bên cạnh phải (nhìn từ phía trước), chỉ hơi nhô cao hơn bề mặt 1 chút nhưng tích hợp thêm đầu đọc vân tay, trong khi bên trái có vị trí nam châm sạc bút cảm ứng. Lưu ý rằng máy không kèm theo bút mà phải mua riêng.

Nếu mỏng nhẹ là điểm nhấn trên Xiaomi Book Air 13 thì màn hình của máy cũng không kém nổi bật. Xiaomi mạnh tay trang bị cho sản phẩm màn hình kích thước 13.3 inch, tấm nền OLED E4 có độ phân giải 2880 x 1800, mật độ điểm ảnh 255 ppi, tần số quét 60 Hz và độ sáng tối đa 600 nits. Không chỉ có độ sáng cao đạt chuẩn VESA DisplayHDR 500, màn hình này còn có góc nhìn rộng và độ chính xác màu tốt. Xiaomi Book Air 13 phủ 100% dải màu DCI-P3, có độ sai màu Delta E ~ 0.33, được bảo vệ bằng kính cường lực Corning Gorilla Glass 3, phủ lớp chống bám vân tay. Trải nghiệm của mình trên màn hình này là độ sáng tốt, màu sắc rực rỡ, lớp phủ chống vân tay chưa hoạt động đúng chức năng của nó. Vì là màn hình gương cảm ứng nên phần nào khó nhìn nội dung trong môi trường dư sáng.
Quảng cáo




Tính linh hoạt là thứ đáng nhắc đến trên Xiaomi Book Air 13. Nhờ thiết kế bản lề 360 độ và màn hình OLED cảm ứng nên máy có thể biến hình khá tốt, mang lại nhiều tư thế sử dụng khác nhau. Xiaomi liệt kệ ra 5 cách sử dụng gồm chế độ laptop thông thường, chế độ nhìn từ phía trên (mở bản lề 180 độ và đặt thẳng trên mặt bàn, đứng nhìn từ trên xuống), chế độ lều, chế độ máy tính bảng và chế độ đứng. Nhìn chung với những góc mở tùy thích, anh em có thể thoải mái sử dụng Xiaomi Book Air 13 để đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau.


Khi ở chế độ laptop, bàn phím và touchpad sẽ là 2 thứ tiếp xúc nhiều nhất với người dùng. Máy trang bị bàn phím chiclet với các phím có diện tích bề mặt lớn, hành trình 1.3 mm nên cho cảm giác gõ tương đối, độ nảy và phản hồi ổn. Đối với môi trường thiếu sáng, bên dưới bàn phím có đèn nền LED trắng, cho phép thao tác dễ dàng hơn. Touchpad mặt kính có diện tích lớn, là dạng clickpad với phần viền kim loại vát kim cương, sử dụng công nghệ Precision Touchpad của Microsoft để giúp điều khiển con trỏ chuột chính xác, đồng thời hỗ trợ cử chỉ đa điểm. Ở 2 góc dưới mặt C, Xiaomi có thiết kế 2 chân đế cao su nhỏ để đỡ phần màn hình khi người dùng gập máy, tránh ảnh hưởng đến phần kính. Ngoài ra, cạnh dưới màn hình cũng là nơi chứa cảm biến ánh sáng, microphone (2 bên logo Xiaomi) và webcam (góc trái) có độ phân giải 8 MP.
Quảng cáo

Mẫu Xiaomi Book Air 13 trong bài viết có cấu hình sử dụng vi xử lý Intel Core i7-1250U, bộ nhớ trong LPDDR5-5200 dung lượng 16 GB, lưu trữ M.2 SSD chuẩn PCIe 4.0 dung lượng 512 GB. Core i7-1250U là vi xử lý thế hệ 12 “Alder Lake” của Intel, có 10 nhân (2 nhân Performance và 8 nhân Efficient) 12 luồng, xung gốc 1.1 GHz, boost 4.7 GHz, bộ đệm Intel Smart Cache 12 MB, mức PBP (Processor Base Power) chỉ 9 W và MTP (Maximum Turbo Power) là 29 W. Theo mình đoán phần RAM LPDDR5 là được hàn thẳng vào mainboard, thiết lập kênh đôi, do phần mềm CPU-Z hiển thị có đến 8 khe RAM nhưng toàn bộ trống. Vì vậy, anh em sử dụng Xiaomi Book Air 13 có thể thay thế, nâng cấp SSD nhưng RAM thì không. Khả năng đồ họa của thiết bị là đủ đáp ứng môi trường văn phòng kèm giải trí nhẹ nhàng, tích hợp GPU Iris Xe.



Mình có thử nghiệm nhanh 1 số phần mềm benchmark như CPU-Z đạt điểm đa nhân 2329.3, đơn nhân 363.1; BAPCo CrossMark đạt tổng điểm 1251, trong đó 1259 điểm Productivity, 1256 điểm Creativity và 1215 điểm Responsiveness; UL Procyon cho 3827 điểm ở khả năng Office Productivity; trong khi PCMark 10 chấm 3574 tổng điểm. Mình không đủ thời gian để thử nghiệm về pin, nhưng thông số của hãng thì Xiaomi Book Air 13 trang bị pin dung lượng 58.3 Whr, kèm sạc nhanh 65 W qua cổng Type C. Cũng theo Xiaomi, thử nghiệm nội bộ ở độ sáng màn hình 150 nits, volume 50%, tắt đèn nền bàn phím, không xài adapater và cũng tắt Wi-Fi, thời gian máy có thể phát lại video 1080p là 12 giờ 20 phút. Dĩ nhiên với nhu cầu thực tế, thời gian dùng pin sẽ ít hơn, nhưng chứng nhận Intel Evo sẽ mang lại sự an tâm cho anh em.



Nhìn chung, Xiaomi Book Air 13 là 1 mẫu laptop mỏng gọn và nhẹ nhàng, rất thích hợp để anh em mang theo bên mình, phục vụ công việc ở bất kỳ nơi đâu. Máy có thiết kế hiện đại, sang trọng, bản lề linh hoạt và màn hình đẹp, đáp ứng nhu cầu giải trí hay xử lý 1 ít về đồ họa. Thiết bị tản nhiệt thụ động bằng công nghệ buồng hơi, vì vậy nếu sử dụng trong môi trường ít khí lưu thông sẽ có thể gây khó chịu đôi chút nếu đặt trên đùi, cũng như phần lót tay. Đối với cá nhân mình, những điểm mà Xiaomi Book Air 13 cần cải tiến là khả năng nhấc màn hình bằng 1 tay, loại bỏ lớp phủ lụa mềm, ngoài ra tặng kèm bút cảm ứng cũng là 1 ý hay.
Cám ơn bạn Lê Hải đã cho mình mượn máy để trên tay giới thiệu với anh em