TTBC2024
Trump vs Cook hay Chú Sam và Quả Táo

Trong một cuộc gọi vào năm 2016, Donald Trump thúc giục Tim Cook chuyển dây chuyền sản xuất của Apple về Mỹ, mọi thứ đã diễn ra với không khí căng thẳng. Trump, lúc đó là Tổng thống đắc cử, nói với giọng dứt khoát: "Tim, một trong những thành tựu lớn của tôi sẽ là khiến Apple xây dựng một nhà máy lớn ở Hoa Kỳ, hoặc nhiều nhà máy lớn. Không phải ở Trung Quốc, không phải ở Việt Nam, không ở bất kỳ nơi nào khác, mà là ở đây, ngay tại Mỹ".

Đáp lại, Tim Cook ậm ừ "Tôi hiểu điều đó". Trái ngược với đòi hỏi không khoan nhượng của Trump, Cook giữ thái độ thận trọng. Với ông, thực tế Apple khác biệt, sản xuất iPhone ở Mỹ là một lựa chọn xa vời, với các chi phí và rủi ro mà một người có tầm nhìn như Cook không thể lờ tảng.

Lịch sử đối đầu này không chỉ là một cuộc trao đổi giữa một tổng thống và CEO, mà là màn tái hiện cuộc xung đột tư tưởng kéo dài qua nhiều năm. Năm 2011, tại bữa tối với các lãnh đạo công nghệ, tổng thống Obama từng đặt câu hỏi tương tự với người sáng lập Apple, Steve Jobs "phải làm gì để sản xuất iPhone ở Mỹ?", Jobs khi đó không ngần ngại trả lời "những việc như vậy sẽ không có nữa". Lời của Jobs phản ánh thực tế bất di bất dịch, rằng sản xuất hiện đại đã phát triển thành một cỗ máy toàn cầu có sự ràng buộc khó tưởng tượng, không dễ dàng thay đổi.

Tính cách Trump được tôi luyện qua nhiều năm thương trường, nơi ông không ngần ngại ngược dòng, sẵn sàng đối đầu bất kỳ ai cản đường. Trump Tower, biểu tượng quyền lực tại New York, được xây dựng bằng tất cả sự kiên quyết ấy. Trump đàm phán các khoản miễn thuế, vượt qua chỉ trích khi phá bỏ tác phẩm nghệ thuật tại tòa nhà cũ, phớt lờ phản đối của công chúng để hoàn thành mục tiêu. Tòa nhà là một minh chứng cho phong cách "nếu muốn, sẽ đạt được" của Trump, lúc đó ông 33 tuổi. 37 năm sau, Trump mang phong cách này đến Nhà Trắng.


Hẳn nhiên, trên cương vị tổng thống, Trump muốn nhiều hơn một tòa tháp. Ông muốn một nước Mỹ tự chủ, không phụ thuộc vào sản xuất nước ngoài. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là một ví dụ rõ nét cho cách triển khai chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Trump áp đặt thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, để thúc đẩy các công ty Mỹ về nước sản xuất. Ông tin rằng điều này không chỉ cứu lấy nền công nghiệp Mỹ mà còn tạo ra việc làm, hồi sinh các vùng đất công nghiệp cũ đang bị lãng quên.

Khi Trump rút khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, ông đã truyền tải rõ ràng một thông điệp, Mỹ sẽ không bị ràng buộc vào các hiệp định toàn cầu nếu không mang lại lợi ích thiết thực. Với TPP, ông cho rằng hiệp định này giúp các nước khác phát triển mà không mang lại gì cho người lao động Mỹ. Với thỏa thuận Paris, ông khẳng định rằng các yêu cầu về cắt giảm khí thải sẽ chỉ làm giảm sức mạnh kinh tế của Mỹ. Bằng cách rút lui, ông thể hiện quyết tâm ưu tiên lợi ích Mỹ trên hết, bất chấp các tranh cãi quốc tế.

Trong sự kiên định đó, Trump tìm đến Apple, tập đoàn công nghệ quyền lực bậc nhất thế giới. Ông muốn thấy những nhà máy sản xuất iPhone mọc lên trên đất Mỹ, chỉ có điều Tim Cook không dễ dàng chấp nhận. Ông biết rằng lời của Jobs năm nào vẫn còn nguyên giá trị "những việc như vậy sẽ không có nữa". Đối với Cook, chuỗi cung ứng của Apple đã được tối ưu hóa tại Đông Á, từ các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc đến hàng loạt nhà cung cấp linh kiện châu Á. Việc di dời chuỗi cung ứng này về Mỹ không chỉ khó khăn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Và quan trọng hơn, chi phí lao động cao ở Mỹ sẽ đẩy giá thành iPhone lên mức không tưởng.

Khi gác máy, Tim Cook có thể đã hiểu rõ hơn về Trump, một người không ngại thách thức, một người sẵn sàng tạo ra xung đột để đạt được điều mình muốn. Cook cũng hiểu rằng trong cuộc chơi này, không phải tất cả yêu cầu của Trump đều có thể thành hiện thực. Thay vì đối đầu trực tiếp, ông chọn sự khéo léo của một nhà lãnh đạo biết cách duy trì quan hệ, tránh xung đột không cần thiết. Cook chỉ đơn giản là "Tôi hiểu điều đó".

Nhưng, mối lo của Trump là mối lo của một người có trách nhiệm với nước Mỹ chứ không quy giản về trách nhiệm với một công ty, tổ chức. Câu chuyện của Trump xa hơn câu chuyện của chi phí hay lợi nhuận.

Một buổi sáng vào năm 2015, Charles Lieber, giáo sư Harvard, nhận được bức thư từ FBI. Ông không ngờ rằng những nghiên cứu tiên tiến của mình về công nghệ nano đã trở thành tâm điểm trong cuộc điều tra nghiêm trọng về gián điệp công nghệ. Lieber sau đó bị buộc tội vì không khai báo khoản tiền hàng triệu USD mà ông nhận từ một chương trình bí mật của Trung Quốc, có tên "kế hoạch ngàn nhân tài" nhằm chiêu mộ các chuyên gia hàng đầu ở Mỹ để lấy cắp thông tin công nghệ và khoa học tiên tiến. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp được tiết lộ, cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc khai thác công nghệ Mỹ thông qua các mối quan hệ học thuật và tuyển dụng chiến lược.

GS. Lieber là quân Domino đầu tiên bị đẩy đổ dẫn đến thương chiến quy mô toàn diện trong lĩnh vực công nghệ. Đến ngày hôm nay, trong khi Huawei tuyên bố đoạn tuyệt với Android và công nghệ Mỹ thì TSMC lại bị điều tra do cố tình tuồn chip cho ông lớn công nghệ của Trung Quốc. Mặt trận sẽ trở lại khốc liệt hơn khi Trump quay lại chính trường trong vai trò thuyền trưởng.

Tôi thích câu chuyện ẩn dụ sau, nó dường như lột tả chính xác tình trạng gián điệp khoa học công nghệ mà Trung Quốc triển khai trên đất Mỹ. Một biên phòng viên hàng ngày đều thấy một người đạp xe qua biên giới vào buổi sáng và quay trở lại vào buổi chiều với bao đất phía sau. Tuy nghi ngờ, nhưng mọi lần kiểm tra đều không phát hiện bất thường trong bao đất. Nhiều năm sau, khi cả hai gặp nhau trong trại giam, họ tâm sự thì người thồ đất năm nào nói rằng ngày đó anh ta buôn lậu xe đạp. Những anh chàng gián điệp cũng vậy, họ trở về Đại Lục với hành lý thô sơ vượt qua mọi khâu kiểm soát gắt gao, nhưng chính họ lại là món hàng lậu. Thực tế Trump nhận ra điều này từ rất lâu rồi, từ ngày ông còn là một đại gia khét tiếng xa hoa.

Quảng cáo



Trên tờ Washington Post nói về chiến dịch đưa nước Mỹ hùng cường trở lại nhiều năm trước, một bình luận viết thế này:

"Áo phông và mũ in dòng chữ Make America Great Again được nhập từ Trung Quốc".

Và Trump đã trả lời, trong một phỏng vấn chớp nhoáng, 4 từ "Yeah, well, so what?". Ừ đấy, thì sao?

Pic: quả Táo và chú Sam.

7
4
Ủng hộ Trump. Tôi muốn xài một chiếc iPhone made in USA chứ ko muốn lắp ráp ở khựa
3
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019