Tư duy kinh tế và tư duy phi kinh tế

14/1/2016 16:3Phản hồi: 2
Từ trước khi nền kinh tế phát triển, mỗi cá nhân trong xã hội đều tập trung vào việc sản xuất. Tất nhiên là mệnh ai nấy làm, không ai liên quan tới ai. Mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau nhưng tinh thần chung khi đó vẫn là “ruộng nhà ai người nấy cầy”. Về mặt lợi, điều này đảm bảo tính ổn định, an toàn bởi tính phụ thuộc trong sản xuất, tiêu dùng là rất ít. Sự bất an thường không xuất hiện và mọi người có thể sống với nhau hòa thuận. Về mặt hại, điều này khiến sức lao động của xã hội không được toàn dụng nên năng suất lao động thấp, mỗi cá nhân cũng không có cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy về mặt vật chất. Hoạt động trao đổi sản phẩm lao động đã xuất hiện một cách tất yếu làm tư duy kinh tế được sinh ra và trưởng thành dần trong tâm trí con người.

Tư duy kinh tế hướng tới đảm bảo tính trọn vẹn, đủ đầy của lợi ích. Nhờ có sự đóng góp của rất nhiều người, tư duy kinh tế của loài người đã khắc phục được hết các nhược điểm của mình và trở nên hoàn hảo. Do mỗi cá nhân đều tập trung vào cái mình có lợi thế về sản xuất hơn cả nên sức lao động được toàn dụng, năng suất sản xuất cao, tạo ra nhiều của cải vật chất hơn. Trao đổi, thông thương giúp cho mỗi cá nhân dễ dàng có được một cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Cho dù là có người giàu hơn và có người nghèo hơn nhưng nhìn chung, mọi cá nhân đều được thỏa mãn các nhu cầu của mình. Tuy nhiên, do tư duy kinh tế hướng tới sự giao lưu, gắn kết chặt chẽ giữa mọi cá nhân trong toàn xã hội cho nên tính lệ thuộc lẫn nhau trong sản xuất, tiêu dùng trở nên cao dữ dội. Để đảm bảo cho các dòng chảy trong nền kinh tế có thể tuần hoàn liên tục, mỗi cá nhân trong nền kinh tế đều phải chịu rất nhiều áp lực. Những sự vận động trong nền kinh tế luôn diễn biến một cách thất thường, khó lường trước như thời tiết vậy. Bởi vậy, mỗi cá nhân trong nền kinh tế đều bị ảnh hưởng liên tục bởi tính bất ổn định. Sự bất an, căng thẳng trong tâm lý con người gia tăng. Mỗi ngày đều là một cuộc chiến đấu, nhưng là chiến đấu với tư duy lệ thuộc bởi sự an bình, ổn định của người này lại được quyết định bởi người khác trong nền kinh tế. Mặc dù tư duy kinh tế giúp gia tăng sự thỏa mãn nhưng điều đó lại làm giảm sự an tâm.

Trong tâm lý con người, những cảm giác khác nhau luôn luôn giao thoa, chồng chéo lên nhau. Cảm giác an tâm và cảm giác thỏa mãn cũng vậy. Dù bạn thực ra chưa thỏa mãn, nhưng cảm giác ổn định, an tâm mà cao thì sẽ che lấp đi sự chưa thỏa mãn trong bạn, khiến bạn cũng có cảm giác thỏa mãn. Ngược lại, dù bạn đang thấy bất an, nhưng sự thỏa mãn cao có thể che lấp đi sự bất an này và khiến bạn thấy an tâm. Cảm xúc không tồn tại dưới dạng trạng thái mà tồn tại dưới dạng xu hướng. Những xu hướng cảm xúc trái ngược nhau luôn cùng tồn tại song song giống như hai mặt của cùng một đồng tiền. Xu hướng này ở mặt ngửa thì xu hướng kia ở mặt sấp. Một cái ở dạng trội, một cái ở dạng lặn. Một cái ở ngoài sáng, một cái ở trong tối.

Ngay từ lúc được khai sinh, tư duy kinh tế đã hướng tới mục đích là nâng cao độ thỏa mãn các nhu cầu trong cuộc sống của con người chứ không phải là nâng cao độ an tâm. Ngày xưa, khi kinh tế chưa phát triển mạnh, tính ổn định sản xuất và tiêu dùng cao khiến cho xu hướng an tâm dễ dàng chiến thắng được xu hướng bất an trong tâm lý con người. Sự an tâm trong tâm lý trở thành cái nền tảng cho tư duy hướng đến nâng cao sự thỏa mãn. Trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay, kinh tế phát triển cao độ, độ thỏa mãn được nâng cao hết mức nhưng lại khiến cho cuộc sống con người lúc nào cũng giống như đang lênh đênh trên biển cả dữ dội với vô vàn những dòng chảy và những con sóng. Ai chinh phục được những con sóng này thì sẽ leo lên đến đỉnh, ai không làm được thì sẽ bị nhấn chìm xuống đáy. Trong hoàn cảnh như vậy, xu hướng bất an rất dễ dàng chiến thắng xu hướng an tâm. Cho dù thời nay việc thỏa mãn các nhu cầu là rất dễ dàng nhưng sự bất an sẽ giết chết cảm giác thỏa mãn trong bạn, nghĩa là bạn ăn vào bao nhiêu cũng vẫn thấy đói. Sự bất an trong tâm lý sẽ thúc đẩy bạn chiến đấu nhiều hơn. Nhưng tư duy kinh tế lại đặt tiền tuyến là sự thỏa mãn, hậu cần là sự an tâm nên sự bất an sẽ khuyếch đại cảm giác bất mãn trong bạn lên, khiến bạn không thấy hài lòng về mọi thứ.

Tư duy kinh tế hướng tới giao lưu, hợp tác giữa người với người nên làm cho tính lệ thuộc ngày nay trong xã hội lớn đến mức ngoài tầm kiểm soát. Tâm lý con người lệ thuộc vào nhau sâu sắc, mà thế giới của tâm lý thì bất ổn còn hơn cả thời tiết. Xét cho cùng, toàn bộ sự bất ổn định của xã hội, kinh tế, chính trị đều từ tâm lý con người mà ra. Mỗi cá nhân không thể để sự bình an trong tâm lý bị phụ thuộc vào môi trường bên ngoài được. Cái sẽ mang lại cho bạn sự an tâm không phải là việc có nhiều tiền, nhiều của cải mà chính là sự tự chủ và tỉnh táo. Để có được sự tự chủ, bạn cần một kiểu tư duy trái ngược hẳn với tư duy kinh tế đó là tư duy phi kinh tế.

Tư duy phi kinh tế đặt tiền tuyến là sự an tâm và hậu cần là sự thỏa mãn. Để có được sự an tâm đương nhiên bạn cần phải hành động, phải chiến đấu, nhưng ở đây là chiến đấu với tất cả sự tự chủ của bạn. Bạn chịu trách nhiệm về sự an bình của mình chứ không lệ thuộc vào người khác. Thực ra thì chúng ta không lệ thuộc vào nhau mà lệ thuộc vào những xu hướng. Nếu có ai đó ra sức ép với bạn thì thực tế đó là do người đó đang chịu sức ép từ một cái gì đó hay một ai khác mà thôi. Mỗi cá nhân trong xã hội giống như những con cờ domino vậy, bị đổ theo những xu hướng mà không phản kháng lại được. Các xu hướng này là vô hình, không quan sát được, cũng không lường trước được. Nội trong ngày hôm nay bạn sẽ gặp những sự kiện gì bạn còn không biết trước huống chi là ngày mai. Vì vậy, nhược điểm của tư duy kinh tế là luôn hướng tới quan sát và dự đoán các xu hướng trong tương lai để lập kế hoạch dù điều đó là không thực tế. Tư duy phi kinh tế đã khắc phục được nhược điểm này bằng cách chỉ tập trung vào hiện tại. Câu chuyện “Tái ông mất ngựa” nói cho chúng ta biết điều cốt lõi nhất của tư duy phi kinh tế đó là bất cứ sự kiện nào cũng chứa đồng thời cả may mắn lẫn rủi ro. Bất kỳ xu hướng nào, bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ ai hay bất kỳ cái gì xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào đều có thể khiến bạn bất an, đồng thời cũng là điểm tựa cho tâm lý của bạn. Khi một sự kiện xảy ra với bạn, thoạt tiên bạn cũng thấy sợ hãi khi nhìn vào mặt xấu của nó. Nhưng thời nay, có không thiếu thứ có thể giúp bạn khắc phục nỗi sợ hãi như sách báo, Internet,… Mọi thứ thời nay tự tìm tới bạn chứ bạn không cần cất công đi tìm nó như ngày xưa nữa. Chỉ cần bạn muốn là bạn sẽ dễ dàng tìm thấy. Bên cạnh đó, sự thỏa mãn cũng giúp che lấp đi nỗi bất an. Khi sự bất an đã được xoa dịu đi, bạn sẽ cân bằng hơn và nhìn vào mặt tốt của mọi sự kiện đang diễn ra ở hiện tại một cách tổng thể, bao quát. Lặp đi lặp lại nhiều lần điều này, bạn sẽ dần khám phá ra nhiều tiềm năng mới của mình, hiểu được ý nghĩa sự tồn tại của mình trên đời này, có lòng tin hơn vào tính an toàn của vũ trụ, ngày càng sáng suốt hơn trong suy nghĩ và linh hoạt hơn trong hành động. Kinh nghiệm tư duy phi kinh tế tăng lên làm bạn ngày càng thấu hiểu về tâm lý của chính mình và người khác, từ đó biết cách xử lý nội tâm nhanh chóng và hiệu quả. Cảm giác an tâm luôn hiện diện giúp cho sự thỏa mãn trở nên sâu sắc hơn. Bạn ăn ít hơn nhưng lại ngon miệng và no lâu hơn.

Tư duy phi kinh tế không phủ nhận tư duy kinh tế mà ngược lại còn hỗ trợ rất nhiều. Chúng giống như vợ chồng vậy. Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Tư duy kinh tế giống người chồng, tư duy phi kinh tế giống người vợ. Đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có một người phụ nữ giúp đỡ. Tư duy phi kinh tế giúp phát triển tâm lý học bởi nó giúp bạn vừa nhìn thấy thực tiễn các vấn đề tâm lý vừa nhìn thấy cách giải quyết ngay bên trong tâm trí mình thông qua trải nghiệm các sự kiện trong cuộc sống. Phát triển tư duy phi kinh tế chính là phát triển tâm lý học. Mà tâm lý là yếu tố then chốt trong việc giữ tính ổn định cho nền kinh tế. Đối với cá nhân mỗi người, tư duy phi kinh tế giúp bạn không còn giống một con domino nữa mà giống một con lật đật. Các dòng chảy sự kiện liên tục làm nghiêng ngả con lật đật, nhưng nó vẫn nhanh chóng quay trở lại trạng thái cân bằng. Tóm lại, trong thời đại bây giờ, bạn nên lấy sự thỏa mãn làm nền tảng để chiến đấu vì sự an bình. Hãy nhìn thấy cách mà mọi thứ chở che cho bạn, rồi một ngày bạn sẽ cảm thấy cả vũ trụ đang ôm bạn vào lòng.
2 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

bài viết khá hay
@TrangThyTran Thanks! 😃

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019