Xin chào! Tôi đã làm và sử dụng tủ chống ẩm này hai năm rồi, sau khi bị mốc vài ống kính do trước chỉ để máy móc trong balo, túi, kệ rồi bỏ thêm vài gói silica, lâu lâu phơi nắng. Nay làm thêm cái nữa cho người quen sẵn tiện chia sẻ quá trình làm tủ chống ẩm cho bạn nào thích DIY có thể tham khảo.
I. Thiết kế
Tôi luôn thích phong cách tối giản nên thiết kế tủ theo sở thích của mình. Sử dụng vít âm, chốt cam có thể lắp ráp thuận tiện cho việc vận chuyển. Dung tích 78L chia làm 3 ngăn thoải mái để đồ, đây cũng là dung tích chỉ cần làm một bộ hút ẩm là duy trì được độ ẩm trên dưới 50%.
Bên cạnh bản thiết kế tổng quan tủ, cần thêm một bản vẽ kích thước cưa gỗ sao cho phù hợp nhất. Có dụng cụ tối ưu và sử dụng thành thạo phần mềm thì việc thiết kế trở nên thú vị hơn nhiều.
Quá trình cưa MDF bằng dụng cụ cầm tay chiếm khoảng 35% thời gian làm tủ (còn dán cạnh, bắt vít âm, chốt cam, đệm băng keo dẻo làm ron cửa,...). Tủ phải được kín khí nên cần cân chỉnh các cạnh gỗ, sai lệch 1mm cũng làm tủ bị méo và hở. Thực tế tôi không có đủ máy móc để làm chính xác như CNC, nhưng chịu khó tỉ mỉ bằng tay và có cách xử lý thì cũng ổn.
Khoét một lỗ mặt lưng tủ để gắn bộ hút ẩm. Với thiết kế tối giản của tủ, chỉ được thấy một sợi dây nguồn đưa ra. Phần khó là phải gắn vừa bộ hút ẩm vì phần nhôm tản nhiệt phía sau dày, vừa lại cần thêm quạt tản nhiệt. Thiết kế phiên bản sau thì tôi làm miếng nhôm mỏng lại, to hơn, nhưng cũng tăng chi phí cho miếng nhôm.
Xẻ rãnh vách ngăn để cân bằng độ ẩm giữa các ngăn. Bề mặt Melamine đủ thân thiện khi để thiết bị lên mà không sợ trầy, bạn có thể lót thêm mút nếu muốn.
Sau khi đã cưa cắt, cân chỉnh, khoan vít, dán viền các miếng MDF thì việc lắp ráp trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Tủ nặng 13kg, chủ yếu là nặng 4 cạnh tủ MDF 17mm, có thể tháo lắp nhanh chóng lúc cần vận chuyển.
Kích thước mỗi ngăn 36x29x17.5cm (DxRxC) thoải mái để được các thiết bị, rút bớt một miếng đáy để tăng chiều cao lên 35cm.
Quảng cáo
II. Bộ hút ẩm
Tôi sẽ hướng dẫn cách làm bộ hút ẩm đơn giản bằng miếng nhôm lạnh từ TEC (sò nóng lạnh). Đối với điều kiện môi trường khắc nghiệt hơn (nhiệt độ môi trường lạnh âm độ) cần bộ hút ẩm chuyên dụng hoạt động phức tạp hơn. Bộ hút ẩm này dùng nguồn 3-12v (2-5A) và điều chỉnh công suất điện cho độ ẩm mong muốn. Bạn có thể lắp thêm module điều chỉnh % độ ẩm thay vì chỉnh công suất điện cho TEC.
Bề mặt nhôm này khi lạnh hơn nhiệt độ điểm sương sẽ ngưng tụ độ ẩm trong không khí, tích tụ thành giọt, theo sóng nhôm chảy dọc xuống phểu rồi thoát ra tủ nhờ miếng bông thấm ở ngoài.
Miếng nhôm nhỏ đặt bên trong tủ được làm lạnh nhờ TEC. TEC là Thermoelectric Cooler, còn hay nghe gọi là sò nóng lạnh. Bộ phận này trước hết bắt buộc phải được gắn tản nhiệt ở mặt không có chữ vì nó sẽ nóng lên khi được cấp điện, nếu không sẽ bị cháy hư. Mặt bên kia là mặt in chữ có thể lạnh xuống âm độ nếu cấp đúng điện áp và được tản nhiệt tốt. Nếu đảo điện âm dương cho dây đen đây đỏ thì mặt nóng lạnh cũng đảo theo.
Bôi keo tản ở hai mặt TEC và gắn vô miếng nhôm, cố định lại bằng dây rút hoặc vít cách nhiệt. Nếu không cách nhiệt thì nhiệt độ giữa 2 mặt bị giao thoa với nhau dẫn đến TEC không hoạt động hiệu quả.
Quảng cáo
Phểu nhựa cần dán thêm lớp cách nhiệt để tránh hiện tượng đọng hơi nước mặt ngoài phểu (nước giọt xuống ngăn tủ) khi phểu đang chứa nước lạnh.
Thiết kế tủ treo tường nên tôi phải tối ưu diện tích và cần dùng quạt điều hướng thổi vào miếng nhôm. Cấp nguồn 10v 5A cho TEC để duy trì mặt lạnh khoảng 2 độ C thì quạt phải chạy với độ ồn 52dB để làm mát. Thường tôi cấp nguồn 5v 5A thì quạt đủ yên tĩnh, mặt lạnh 16 độ. Nếu dùng nguồn USB 5v 2A với miếng nhôm 18x6cm ở mặt nóng như trên mà không có quạt hoặc cách khác tản nhiệt tốt thì miếng nhôm ở mặt lạnh không thể lạnh hơn 22 độ, không đủ để ngưng tụ hơi nước.
Bộ hút ẩm được nối dây với jack 5.5 cho tiện việc sử dụng (giống dây đèn năng lượng mặt trời). Có thể dùng đầu USB đổi qua jack 5.5 hoặc adapter điều áp 3-12v đã có sẵn jack này. Cẩn thận nóng 70 độ khi chạm tay vào jack với nguồn cấp 12v 5A cho TEC.
Không khí khô hơn (đã được hút ẩm) có xu hướng chìm xuống dưới, vậy nên lắp bộ hút ẩm vị trí càng trên cao càng hút ẩm tốt hơn. Do thiết kế treo tường nên tôi chỉ gắn được ở ngăn giữa, ngăn trên cùng chênh khoảng 2% độ ẩm, nhưng sẽ được cân bằng sau một khoảng thời gian.
III. Nhiệt độ điểm sương
Sau khi đã hoàn thành tủ và bộ hút ẩm. Câu hỏi đặt ra là miếng nhôm cần lạnh bao nhiêu độ C để có thể hút ẩm tốt nhất?Nhiệt độ điểm sương là nhiệt độ mà tại đó hơi ẩm trong không khí bị ngưng tụ. Một bề mặt chỉ cần lạnh hơn nhiệt độ điểm sương đã có thể làm ngưng tụ hơi nước. Miếng nhôm trong tủ phải lạnh hơn nhiệt độ điểm sương từ 10-15 độ và không được lạnh 0 độ làm đông đá nước (nước không thể chảy xuống phểu thoát ra khỏi tủ) thì mới hút ẩm hiệu quả.
Nhiệt độ điểm sương được tính từ nhiệt độ và độ ẩm môi trường hiện tại. Để tính các bạn lấy công thức sau đây vô Excel và thay J1 là nhiệt độ, J2 là % độ ẩm:
- =243.5 * LN((J2 / 100 * 6.112 * EXP((17.67 * J1) / (J1 + 243.5))) / 6.112) / (17.67 - LN((J2 / 100 * 6.112 * EXP((17.67 * J1) / (J1 + 243.5))) / 6.112))
IV. Một vài vấn đề lưu ý
- Lý tưởng nhất là gắn thêm một quạt bên trong tủ để lưu thông, không khí sẽ phân bổ đều độ ẩm cũng như tăng hiệu quả hút ẩm và phá vỡ các túi khí ứ đọng xung quanh thiết bị.
- Tủ cần được gia công kín khí, có thể dùng băng keo để bịt các lỗ hở
- TEC phải được tản nhiệt tốt ở mặt nóng. Nếu không có quạt tản nhiệt hoặc phương pháp tản nhiệt khác thì mặt lạnh không thể lạnh. Lưu ý không cấp điện khi không có tối thiểu một miếng nhôm tản cho mặt nóng dẫn đến cháy TEC
- TEC cần chênh lệch nhiệt độ giữa hai mặt để hoạt động tốt, không thể dẫn nhiệt lạnh từ mặt lạnh để tản nhiệt cho mặt nóng để thay cho việc dùng quạt (tương tự việc cố định bằng vít mà không có cách nhiệt)
- Kiểm tra nước lạnh khi ngưng tụ chảy xuống phểu phải được ngấm dần hết ra miếng bông phía sau
- Độ ẩm càng xuống thấp thì miếng nhôm lạnh càng khó ngưng tụ được thêm không khí ẩm. Gắn thêm quạt lưu thông không khí trong tủ để giúp miếng nhôm tiếp xúc được với không khí ẩm hơn. Hoặc gia tăng bề mặt làm lạnh, hạ thêm nhiệt độ miếng nhôm nhưng phải trên 0 độ để không làm đông đá, dùng thêm silica,…
- Độ ẩm được cân bằng sau một khoảng thời gian nhất định (thường thì 5 tiếng là đã đạt được độ ẩm tối đa mà miếng nhôm lạnh ngưng tụ được), riêng trong 1h đầu độ ẩm hạ xuống nhanh hơn do khi độ ẩm cao dễ ngưng tụ hơi nước hơn.
Chúc các bạn DIY an toàn và thành công!
#review