[Tuần này xem ảnh của ai?] "7 ngày của rác thải" với nhiếp ảnh gia Gregg Segal

blueJune
7/2/2022 11:8Phản hồi: 6
[Tuần này xem ảnh của ai?] "7 ngày của rác thải" với nhiếp ảnh gia Gregg Segal
Văn hoá tiêu dùng của ngày nay nhiều khi đi đôi với sự lãng phí. Chúng ta dùng một gói kẹo, bao bì đựng hàng hay túi nilon đựng thực phẩm và ngay lập tức thải loại chúng. Tại các hộ gia đình, rác được bỏ vào túi rác và để bên lề đường để cơ quan quản lý chất thải thu gom và đưa đi cùng với 2,12 tỷ tấn rác mà cả thế giới thải ra mỗi năm. Dù chỉ hữu hình trong giây lát đối với người tiêu dùng nhưng hậu quả rác thải để lại có thể kéo dài tới hàng nghìn năm. Chúng tích tụ trong các bãi rác, làm ô nhiễm nguồn nước và gây thiệt hại khó lường cho hành tinh này.

Thông qua ống kính của mình, nhiếp ảnh gia Gregg Segal đã chụp lại những ảnh hưởng của cá nhân tới vấn đề toàn cầu. Tại sân sau ngôi nhà của mình ở Altadena, California, Mỹ, anh đã dàn dựng để chụp tác phẩm ảnh về chủ đề này, trong nỗ lực nhằm hạn chế việc tiêu dùng và tái hình dung mối quan hệ của chúng ta với rác thải. Theo quan điểm của Segal, sự thay đổi chỉ có thể bắt đầu ở cấp độ cá nhân.

tuan-nay-xem-anh-cua-ai-1.jpg
Susan, 2014 ©️️ Gregg Segal

Trong bài phỏng vấn với tạp chí nhiếp ảnh đương đại LensCulture, người hỏi Justin Herfst đã trò chuyện với Gregg Segal về lý do tại sao anh bắt đầu dự án, những quan điểm khác nhau anh đã đối mặt khi thực hiện dự án ở Mỹ và châu Âu, cuối cùng là việc sử dụng quá trình chụp ảnh như một phương thức để giáo dục.

Ý tưởng của tôi là làm cho vấn đề tiêu thụ và lãng phí khó bị bỏ qua bằng cách cá nhân hoá nó. Tôi bắt đầu với bạn bè, hàng xóm, họ hàng và bất cứ ai mà tôi có thể thuyết phục giữ lại rác thải của họ trong một tuần. Họ nằm giữa đống rác thải và tôi chụp ảnh lại. Chúng ta trở nên miễn nhiễm và thờ ơ với các sản phẩm chúng ta tiêu thụ đến mức tôi cảm thấy đó là điều mình cần phải làm. Tôi cũng chụp ảnh gia đình mình bởi vì tôi không muốn mọi người nghĩ rằng tôi chỉ hướng vấn đề này tới người khác. Tôi nghĩ người tiêu dùng vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm; chúng ta là nạn nhân của toàn bộ hệ thống và chúng ta cũng góp phần vào chính vấn đề đó.

ffbe16bb-2ef3-4230-9b04-bcce2bb4d6fa.jpg
Tammy và Trevor, 2014 ©️️ Gregg Segal

  • Rác thải là vấn đề toàn cầu nhưng tôi tò mò muốn biết, anh nghĩ điều nổi cộm trong mối quan hệ giữa Mỹ và vấn đề này là gì?
Điều thú vị là dự án này được tiếp nhận như thế nào ở Mỹ so với châu Âu, đặc biệt khi liên quan tới chủ nghĩa ngoại lệ (exceptionalism) của Mỹ. Ở Mỹ, sự len lỏi sâu sắc của chủ nghĩa tự do khiến người Mỹ không muốn mình bị yêu cầu phải làm gì. Vì thế, dự án này như một nỗi xấu hổ khiến nhiều người không thích - tôi nghĩ mọi người có chút ác cảm. Ở châu Âu, dự án được đón nhận và xuất bản trên vô số tạp chí. Ở Mỹ, tôi không hề biết là họ đã đăng về dự án. Đối với tôi, điều đó thực sự thú vị. Ở châu Âu, mọi người có chung tinh thần trách nhiệm, đại loại như “chúng ta cùng đối diện với vấn đề này”. Tuy nhiên, ở Mỹ, không có bất kì điểm chung nào, đặc biệt là khi nói đến trách nhiệm cá nhân.

  • Anh có nhớ lần đầu khi sự tiêu thụ quá mức và lãng phí gây tác động tới anh không?
Tôi nhớ hồi bé, khi nhìn lượng rác mà người ta thải ra, tôi lúc ấy mới 10 tuổi đã nghĩ rằng: Chà, đống rác đó sẽ đi đâu nhỉ? Chúng tôi có một người hàng xóm bên kia đường và tôi nhớ rất rõ lượng rác mà anh ta đem đổ vào ngày thu gom rác. Tôi bắt đầu làm phép tính. Mọi người đều có nhiều rác như vậy.


  • Tôi tò mò về quá trình thực hiện dự án của anh với các đối tượng trong ảnh. Anh có thể cho tôi biết không?
Vâng, hãy tới nhà tôi và mang theo rác của anh - sẽ rất vui đấy! Nhiều người đến nhưng không mang theo chỗ rác thải lộn xộn, hôi thối. Họ không muốn đối phó với điều đó, bản thân điều này đã rất thú vị. Làm thế nào để mọi người thực sự coi vấn đề này là đủ nghiêm túc và mang tới tất cả chỗ rác thải có mùi của họ? Có một anh chàng đã rửa sạch chỗ rác của mình trước khi mang đến nhà tôi. Tôi nhận ra rằng những người ủng hộ chủ đề này nhất coi đây là thời điểm thích hợp để giáo dục con cái họ. Và chính những đứa trẻ đã mang đống rác thải hôi thối tới và thực hiện một cách nghiêm túc.

  • Anh quyết định về background của mỗi bức ảnh như thế nào?
Tôi muốn tạo ra những môi trường trong tự nhiên để nói lên rằng không còn nơi nào nguyên sơ. Tất cả đều bị ô uế bởi chất thải của chúng ta. Vì vậy, tôi nhờ mọi người cùng tạo ra một khối nước ở sân sau. Sau đó, tôi xây dựng bối cảnh một khu rừng: một số thân cây, đá và lá để đem tới cảm giác về một cánh rừng. Tiếp tới là bãi biển với cát. Tôi cũng dựng nên một cảnh có tuyết. Tôi không thể đi ra ngoài thiên nhiên và phá huỷ nó với đống rác của con người. Vì vậy, tôi đã tái tạo nó trong sân nhà mình.

  • Sau khi nằm trong đống rác thải và cuối cùng là vứt bỏ chúng, phản ứng của mọi người là gì?
Hầu hết mọi người đều khá ngạc nhiên, như anh có thể tưởng tượng. Đó là toàn bộ ý tưởng. Chúng ta không thực sự nghĩ về điều đó vì ta chỉ sử dụng chúng trong một phút, sau đó chúng biến thành rác thải. Rời xa khỏi tầm mắt là chúng ra khỏi tâm trí chúng ta, đó không phải là vấn đề của ta nữa. Tôi muốn nó trở thành vấn đề của mọi người trong khoảng thời gian dài hơn chút.
3e364e1b-e6d2-48dc-a5cb-ed615fd2d67a.jpg

Quảng cáo


Joya, Santinketan, Rabindranath, Chandramohan, Ben, Bodhisattva, Omjabarindra, 2014 ©️️ Gregg Segal

  • Khi suy nghĩ về cách tiếp cận vấn đề, tôi nhận thấy có rất nhiều gia đình trong dự án của anh. Tôi nhận ra rằng nhà trở thành nơi đầu tiên chúng ta bắt đầu tạo ra mối quan hệ với rác thải.
Đúng thế, tôi đã chụp ảnh rất nhiều gia đình bởi vì họ coi đó cũng là thời điểm để giáo dục con cái. Vào thời điểm thực hiện dự án này, con trai tôi khoảng tám tuổi và tôi muốn nó để lại tác động tới đứa bé. Với những đứa trẻ, anh sẽ không chắc chúng có thể tiếp thu bao nhiêu vào thời điểm đó. Vài tuần sau một buổi chụp, tôi lái xe loanh quanh với con trai và nó bắt đầu có phản ứng lại với đồ nhựa. Nó thực sự ngạc nhiên khi biết rằng không có bất cứ thứ gì bằng nhựa trên thế giới cách đây 100 năm. Và bây giờ thế giới bao phủ bởi nhưa. Anh có thể xây một toà tháp lên tới mặt trăng với số nhựa đó. Chúng ta hãy hi vọng thế hệ trẻ sẽ chủ động hơn vì trường hợp mà chúng ta đang để lại cho bọn trẻ không phải là điều đáng hi vọng.

984ee34f-ea8f-471c-a462-1a60e5019716.jpg
Art và Sean, 2014 ©️️ Gregg Segal

  • Khi bận tâm với vấn đề này, anh có gợi ý gì cho thế hệ người tiêu dùng mới, có ý thức hơn và anh muốn thấy sự thay đổi gì trong mối quan hệ của chúng ta với sự lãng phí?
Sẽ có một sự thay đổi lớn về giá trị, điều này chưa xảy ra. Ý tôi là điều đó đã bắt đầu xảy ra nhưng thường chỉ là marketing; các tập đoàn đề chữ lên tường và cố gắng định vị họ là những bên có ý thức về môi trường, biết tái tạo và sống xanh. Điều này gây ra nỗi thất vọng vì đó chỉ là chiêu trò tiếp thị. Nhưng có những điều nhỏ bé bạn có thể làm. Và tôi nghĩ cách duy nhất để thay đổi xảy ra là trở lại với dự án này. Cá nhân hoá vấn đề là một cách để mọi người suy nghĩ về việc tiêu dùng.

Nhưng có nhiều điều mà một người có thể làm. Ví dụ, tôi có thực sự cần mua hạt lựu đã đóng gói sẵn đến từ bên kia nửa vòng trái đất không? Tôi có thể mua hạt lựu ở địa phương mình sống và tự làm không? Tôi có thực sự cần túi nilon để đựng dưa chuột hay tôi có thể rửa chúng khi mang về? Có rất nhiều điều nhỏ nhặt có vẻ như không tạo ra sự khác biệt nhưng nếu mọi người làm được, sự thay đổi sẽ diễn ra.
a28814ba-6fb9-48f0-99f1-5cb2d0e90dd5.jpg
Till và Nicholas, 2014 ©️️ Gregg Segal

Quảng cáo



  • Anh nghĩ nhiếp ảnh có vị trí đặc biệt như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Chà, có một câu nói cũ sáo rỗng rằng một bức ảnh đáng giá 1000 từ. Tôi nghĩ ngày nay khả năng đọc hiểu bằng hình ảnh đã tăng lên trong khi khả năng đọc hiểu truyền thống đã giảm xuống. Vì vậy rõ ràng là, vị trí của nhiếp ảnh có tác động lớn hơn. Đồng thời, chúng ta liên tục bị ảnh hưởng bởi hình ảnh. Vì vậy, bức ảnh không cần phải thông qua quá nhiều sự việc khác để tạo ra tác động. Hiện tại mọi người nghĩ về hình ảnh và theo một cách nào đó, nhiếp ảnh được coi là ngôn ngữ chính của chúng ta.

37b1f8ff-d583-420a-a729-a2c7f42a38d3.jpg
Michael, Jason, Annie và Olivia, 2014 ©️️ Gregg Segal
24b6297e-2afd-421f-890e-b090d10a434b.jpg
Milt, 2014 ©️️ Gregg Segal
ec31cae1-1d7a-4269-96bb-0a18649a483f.jpg
Alfie, Kirsten, Miles và Elly, 2014 ©️️ Gregg Segal
dfc18adf-cd74-4aa7-a10c-146f8d7c36eb.jpg
Sam và Jane, 2014 ©️️ Gregg Segal
68ab8935-073c-4781-a6ba-00859bc8ecba.jpg
Mariko, 2014 ©️️ Gregg Segal

Theo Lensculture
6 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Rác thải ngập ngụa trái đất. Mih sợ nhất là rác thải nhựa và rác thỉ hóa chất độc hại.
Thay bằng hình gái jav sẽ nhiều ng xem hơn
Metal 3338
ĐẠI BÀNG
2 năm
Dịp Tết rác càng nhiều hơn ngày thường, rác mọi nơi, mọi chỗ, rác bủa vây con người...
lại nhớ MU ;))
Rác thì có gì mà đe dọa tới tồn vong của nhân loại? Chỉ có CO2 thôi.
Pop-up
TÍCH CỰC
2 năm
thật sự là mấy bức anh quá đẹp, quá có hồn mà thông điệp thì ý nghĩa. 100 điểm!!

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019