USB-C: không đơn giản như bạn tưởng

Duy Luân
28/1/2016 9:0Phản hồi: 100
USB-C: không đơn giản như bạn tưởng
Kể từ khi USB-C bắt đầu xuất hiện, chúng ta đã liên tục nghe rằng chỉ cần một cổng này là có thể truyền được nào là dữ liệu, nào là hình ảnh, rồi còn có khả năng truyền điện để sạc máy móc nữa. Nói cách khác, USB-C sẽ là cổng kết nối tương lai cho mọi thiết bị công nghệ! Tuy nhiên mọi chuyện thực chất không đơn giản như thế. USB-C đơn thuần là cái cổng, còn giao thức bên trong là gì lại là một chuyện khác và điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới cách mà chúng ta sử dụng máy móc. Lại càng rắc rối hơn khi các giao thức bị chia nhỏ thành nhiều loại khác nhau và dễ gây ra những nhầm lẫn không đáng có cho người dùng.

Có USB-C nhưng chưa chắc có tốc độ cao, có dòng điện mạnh, hay có thể xuất video


Để ví dụ về những nhầm lẫn mà USB-C có thể gây ra, mình sẽ nói về các thiết bị thực tế đã có mặt trên thị trường. Nokia N1, MacBook 12" Retina, Chromebook Pixel, Dell XPS 15 (2015), Lumia 950 / 950 XL đều là những thiết bị dùng USB-C. Tuy nhiên, chiếc tablet Nokia N1 lại xài USB-C với giao thức là USB 2.0 mà thôi, tức là nó chỉ có thể truyền tải dữ liệu tối đa ở tốc độ 480Mbps. MacBook, Chromebook Pixel, Lumia 950 / 950 XL cũng có USB-C nhưng lại xài giao thức USB 3.1 gen 1 với tốc độ tối đa là 5Gbps. Và nếu bạn chưa biết thì USB 3.1 gen 1 chính là USB 3.0 nhưng được bổ sung thêm một số tính năng nhỏ. Nhiêu đây đã đủ rắc rối với anh em Tinh tế rồi chứ đừng nói đến là những người dùng phổ thông không rành về công nghệ.

new-macbook-usb-c.jpg

Trong khi đó, chiếc Dell XPS 15 (2015) cũng xài USB-C nhưng lại là giao thức Thunderbolt 3 với tốc độ truyền tải lý thuyết 40Gbps. Vâng, cũng là một cổng USB-C thôi nhưng bạn có thể thấy rõ sự khác biệt lớn về tốc độ rồi đấy. Với đa số những người dùng thông thường, họ có thói quen phân biệt các kết nối thông qua hình dáng của cổng giao tiếp nên sẽ rất dễ bị nhầm. Các nhà sản xuất lại không ghi chú thật rõ để người dùng hiểu nên mọi chuyện trở nên rắc rối hơn.


3585636_Tinhte_tren_tay_Dell_XPS_15_doi_2015_4K_vien_mong-19.jpg

Và không phải máy tính nào có cổng USB-C thì cũng có khả năng xuất hình ra ngoài. Nếu cổng USB-C đó chỉ dùng giao thức USB 3.1 không thì chưa đủ, nó phải hỗ trợ thêm giao thức video như DisplayPort, MHL hay HDMI thông qua USB-C nữa thì bạn mới xuất được hình ảnh.

Liên quan đến vấn đề truyền tải điện năng, mặc định USB-C cũng chỉ có thể truyền được điện 5V với cường độ 1,8A. Dòng điện này chỉ đủ sạc cho điện thoại hoặc tablet cỡ nhỏ, chứ sạc cho laptop hay tablet tầm 10"-12" thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu muốn dùng cổng USB-C để sạc máy tính, máy tính đó phải hỗ trợ thêm cấu hình USB Power Delivery 2.0 (USB PD). Cấu hình này cho phép cổng USB-C tăng cường độ dòng điện tối đa lên thành 5A, còn hiệu điện thế thì được lựa chọn giữa mức 5V, 12V hoặc 20V. Khi đó, công suất tối đa sẽ đạt 100W và nhiêu đây mới đủ để sạc laptop.

Thiết bị ngoại vi có USB-C không phải cứ ghim vào máy tính là sẽ chạy được


Nãy giờ chúng ta toàn nói về những thiết bị như smartphone, tablet, PC, tức là những thiết bị host. Còn những thiết bị ngoại vi (peripheral) như ổ cứng rời, máy in, màn hình, cáp kết nối thì sao? Chúng cũng có cùng vấn đề như đã nói ở trên. Một cái ổ cứng Thunderbolt 3 khi ghim vào MacBook 12" hay Chromebook Pixel cũng chỉ chạy được với tốc độ tối đa là 5Gbps mà thôi, không thể nào đạt đến 40Gbps vì bên host không hỗ trợ.

Hay như chiếc Lumia 950 XL, Microsoft nói rằng cổng USB-C của máy có thể xuất hình ảnh ra bằng giao thức DisplayPort. Tuy nhiên, thứ mà Microsoft không đó là 950 XL không xuất đủ điện nên một số màn hình dùng kết nối USB-C sẽ chẳng thể hoạt động. Mình đã trực tiếp thử nghiệm điều đó với cái màn hình USB-C mới của Asus. Lúc ghim vào MacBook 12", do nó có nguồn điện xuất ra nên màn hình chạy được, còn khi ghim vào Lumia 950 XL thì màn hình chỉ sáng lên được một cái rồi tắt ngúm ngay lập tức.

3590075_ASUS_USB_C_Monitor_MB169C-2.jpg

Và nếu bạn muốn tìm hiểu thông tin về cổng USB-C của Nokia N1 thì xin chúc may mắn, bạn khó mà tìm được tài liệu hỗ trợ chính thức nào nói về cái cổng này và những gì nó có thể làm được. Tất cả những gì chúng ta biết đó là cổng này hỗ trợ giao thức USB 2.0, không biết nó có hỗ trợ xuất hình ảnh ra ngoài hay không.

Quảng cáo



Đề cập thêm về sợi cáp USB-C dùng cho giao thức Thunderbolt 3, nó có 2 loại. Loại thụ động rẻ tiền hơn nhưng chỉ đạt tốc độ bằng với USB 3.1, tức là 5Gbps. Loại thứ hai là loại chủ động, đắt tiền hơn do nó tích hợp con chip dùng để khuếch đại tín hiệu, và loại này mới đạt mức 40Gbps. Đau đầu ở chỗ cả hai loại này đều xài chung logo hình tia sét, ngoại hình cũng giống nhau, vậy thì làm sao mà phân biệt được??? Intel cho biết họ đang cân nhắc sử dụng logo khác cho loại cáp chủ động nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.

Intel_Thunderbolt_3_connector.jpg

Tính tương thích của cáp cũng là vấn đề


Ngoại trừ sự khác biệt về giao thức, bạn nghĩ rằng hai thiết bị có cùng cổng USB-C thì có thể xài chung cáp? Chưa chắc à nha. Mới đây có một vấn đề là cáp USB-C của chiếc điện thoại OnePlus 2 không thể dùng với những thiết bị USB-C khác do vấn đề chế tạo không theo chuẩn, và hãng OnePlus đã phải hoàn tiền lại cho những ai đã lỡ mua sợi cáp đó. Tương tự, cáp USB-C của Nokia N1 cũng không thể dùng để sạc pin cho Lumia 950 và 950 XL (mod @Trung Dt đã thử nghiệm chuyện này) do sự khác biệt về chấu tiếp xúc (8 chấu với cáp của N1, trong khi chuẩn phải là 24 chấu).

oneplus_cable_official_11.jpg

Có thể đây chỉ là vấn đề ở buổi đầu của USB-C, tuy nhiên nó cũng rất đáng để nói tới vì chúng ta đã quá quen thuộc với kiểu dùng chung cáp giữa các thiết bị với nhau rồi. Vậy mà giờ cáp USB-C của cái này lại chẳng dùng được cho cái khác, thì quả thực cũng đau đầu và rắc rối lắm chứ. Hi vọng là trong tương lai các hãng làm phụ kiện sẽ giải quyết gọn gàng chuyện này.

Có thể phân biệt bằng logo, nhưng đời không như là mơ

Quảng cáo



Hiệp hội USB hoàn toàn hiểu được những rắc rối mà mình đã nói tới ở trên, thế nên họ đưa ra một hệ thống các logo để giúp bạn phân biệt giữa USB 2.0, USB 3.1, USB Power Delivery. Những logo này sẽ được gắn không chỉ trên bao bì sản phẩm mà còn in trên thân máy nữa. Mời các bạn xem qua cái bảng bên dưới.

[​IMG]

Nhưng lại một lần nữa, đời không như là mơ, không phải là thiết bị nào cũng có in đầy đủ những logo như trên để mà phân biệt. Chiếc Chromebook Pixel và MacBook thậm chí còn chẳng có logo gì rõ ràng, Lumia 950 XL cũng không khác. Thật là đau khổ! Trong ảnh bên dưới là cái màn hình USB-C của Asus, nó ghi rõ là vừa hỗ trợ USB và có thêm logo DisplayPort, ý chỉ khả năng hiển thị video.

3590083_ASUS_USB_C_Monitor_MB169C-11.jpg

Trong quá khứ, các hãng làm thiết bị từng xài chiêu sơn màu khác nhau để phân biệt các giao thức. Ví dụ, cổng USB 2.0 là đen, USB 3.0 thường có màu xanh dương, xanh lá là USB 3.1, vàng là cổng cho phép sạc ngay cả khi máy đã sleep. Tuy nhiên, việc sử dụng màu này không nằm trong quy chuẩn của Hiệp hội USB, chỉ là các hãng tự làm ra mà thôi. Ngay cả khi họ quyết định xài màu cho USB-C thì cũng rất khó để nhìn do cổng này nhỏ và rất mỏng.

nokia-n1-usb-type-c.0.0.jpg

USB-C vẫn sẽ là tương lai


Dù cho có nhiều thứ rắc rối như vậy nhưng USB-C sẽ là một xu hướng không thể chối cãi và nó sẽ trở thành cổng kết nối chủ đạo trên hầu hết những món đồ công nghệ mà chúng ta mua trong 1-2 năm nữa. Smartphone, tablet, PC, TV, máy chơi game... rồi sẽ sử dụng USB-C một cách rộng rãi vì những lợi ích lớn của nó, ví dụ như khả năng cắm cáp mặt nào cũng được, khả năng hỗ trợ nhiều giao thức, kích thước nhỏ gọn, mỏng nhẹ.

Vấn đề còn lại đó là là các nhà sản xuất thiết bị cần phải làm sao để giải thích thật rõ cho khách hàng hiểu cổng USB-C trên cái máy họ sắp mua có thể làm được gì, nó có chức năng gì và không hỗ trợ cho những thứ gì. Chẳng phải sẽ rất hụt hẫng sao khi bạn vừa hí hửng mua một cái ổ cứng Thunderbolt 3 để rồi phát hiện ra nó không tương thích đầy đủ với chiếc MacBook của mình. Những tình huống như thế này sẽ khiến trải nghiệm của người dùng bị giảm đi và tạo ra những sự bực mình không đáng có.

Một trong những cách mà các hãng có thể giải thích kĩ càng cho người dùng đó là thông qua logo. Có thể họ sẽ không in trên thân máy vì tính thẩm mỹ, nhưng hi vọng ít nhất thì vẫn sẽ có đầy đủ trên bao bì hay trên trang web. Trang hỗ trợ online hay trang web giới thiệu sản phẩm cũng phải có mục giải thích về USB-C thay vì bắt người dùng phải tự tìm hiểu hết mọi thứ vì rõ ràng không phải ai cũng có thời gian làm chuyện đó.

NÊN ĐỌC THÊM: USB-C vs USB 3.1 vs Thunderbolt 3: giải mã những hiểu lầm của anh em


Tham khảo: CNET, Engadget, ArsTechnica, AnandTech, NDTV
100 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

@Trung Dt Vấn đề là bên trong cái Lumia 950/950XL của bạn nó không có SSD để mà test tốc độ của cáp 😁. 70MB là cũng ngon quá rồi 😃
minhvan89
ĐẠI BÀNG
8 năm
@Trung Dt Sao mình dùng phần mềm OTG CHECKER thì thấy Nokia N1 có otg vậy?
Đúng là k đơn giản chút nào
Đúng là phức tạp vãi, nên bookmark bài này lại để dò khi có sản phẩm mới mà nhà sản xuất nhập nhèm USB - C để loè khách hàng
Tôi thật bất ngờ khi gần 100% người dùng không biết rằng cái USB-C này nó rắc rối đến như thế.
9199
ĐẠI BÀNG
8 năm
thật rắc rối
theblues
TÍCH CỰC
8 năm
Sao ko dùng cáp lightning hết đi nhỉ :rolleyes: vừa đẹp lại chắc chắn
@TSTT Tác dụng của điện giật là dựa trên dòng điện.
Theo mình biết thì dòng điện cỡ 100 mA là đã gây tác động khá lớn trên cơ thể con người. Dòng sạc là dòng DC nên nếu I = 100mA thì U cỡ 1000V, điều đó mình thấy hơi vô lý do U quá lớn. Nên mình nghĩ I nó sẽ > 100mA và sẽ gây giật nếu chân tiếp xúc bên ngoài 😃.
Anw, đó là những gì mình biết, còn chứng kiến thì chưa thấy bao giờ.
@huyanh995 Cảm giác điện giật chỉ xảy ra khi chênh lệch giữa điện áp mà mình tiếp xúc và đất ( điểm 0V) hoặc giữa 2 điểm mà mình tiếp xúc phải đủ 1 mức cụ thể để vượt qua mức cách điện của da người bạn à, không nhớ chính xác nhưng hình như khoảng tầm 36V trở lên

Nên với điện áp 5V, 12V chẳng hạn thì dù có mang dòng tải hàng ngàn Ampere cũng không gây giật được, ví dụ bạn hoàn toàn có thể sờ 2 tay vào 2 cực của 1 bình accu công nghiệp 12v - 1000A vẫn không sao 😃
@huyanh995 Bản thân lightning nó đã dự phòng đủ số chân, cái này là quan trọng nhất, còn nó muốn truyền cái gì thì APPLE chỉ cần thay con chip đều khiển bên trong để nó truền được đa dạng và tương thích với các giao thức kia, vậy là xong, ko có gì khó cả
@TSTT Đã lỡ tay chạm vào 2 đầu điện bình ắc quy của Ô tô 12V - 35A và 12V - 45A ==> không bị giật.

Đúng như bạn nói, hiệu điện thế (tốc độ và độ đặc của Electron giữa 2 đầu) mới là cái thành phần quyết định, chỉ số điện trở con người khá lớn, với hiệu điện thế (U) thấp thì dòng (I) không bao giờ cao được.
tieu.ngao
TÍCH CỰC
8 năm
multi funtional hả mod. công nhận là công nghệ ngày càng ảo diệu ! không tìm hiểu kiểu thấy khít là đút vào lỗ là ăn mắm ngay
namautoenx
ĐẠI BÀNG
8 năm
Dây cáp chuyển đổi Type C to Type A là theo chuẩn nào vậy Mod?
@namautoenx Có cả 2.0 lẫn 3.1 nha. Belkin có bán đủ hết 2 loại đó bạn
namautoenx
ĐẠI BÀNG
8 năm
@Duy Luân Thank Mod!
nokishock
TÍCH CỰC
8 năm
Công nhận đây là bài hay nhất của Tinh Tế trong tháng này mình đọc được 😃 Mod Duy Luân thì chuẩn thôi rồi 😃
@nokishock Có bác Duy Luân là không đăng bài luyên thuyên
MasterPhuong
ĐẠI BÀNG
8 năm
Haiz vấn đề đau đầu hơn là phải tìm 1 cái cáp chất lượng để cấp nguồn lên đến 3A. Ngay cả cáp Anker cũng không cấp nổi... thật là đau đầu huhu
nokishock
TÍCH CỰC
8 năm
@MasterPhuong Ủa vậy mấy cục pin sạc dự phòng xuất ra dòng 5V - 3.6 A(max) của Anker là xạo hả bác?
vậy tóm lại có mấy ý chính :
1/ USB -C chỉ là 1 cái xác bên ngòai nhỏ gọn vừa tích hợp dc trên PC,LAP,Tablet,mobile . ưu điểm là cắm chiều éo nào cũng dc như cái đầu lighting của táo.
2/ còn phần hồn tức cái ruột bên trong tùy thiết bị tùy hãng mà nó có "công lực" khác nhau như : tốc độ usb 2.0 ; 3.1 ; supply with power or display , thunderbolt.
hết rồi
XBlue
CAO CẤP
8 năm
Dễ hiểu nó là hình dáng chứ chuẩn thì phụ thuộc cái khác
1ink
TÍCH CỰC
8 năm
V
Về vấn đề đọc dữ liệu thì có thể không phải do cái USB mà là do tốc độ đọc của chip nhớ thấp như vậy thôi.
1ink
TÍCH CỰC
8 năm
V
Về vấn đề đọc dữ liệu thì có thể không phải do cái USB mà là do tốc độ đọc của chip nhớ thấp như vậy thôi.
@1ink Yes, giống như một con đường rộng thênh thang cho chạy 250km/h nhưng xe chỉ chạy nổi 69 km/h :d
leopark121
TÍCH CỰC
8 năm
Đọc bài này trước đỡ khổ về sau.
mannguyenvan
ĐẠI BÀNG
8 năm
mod Duy Luân thì chuẩn rồi. mình cũng thắc mắc bấy lâu làbọn đt tàu nó xái lightning thì chỉ hình dáng cái cổng thôi còn công nghệ mới là chính
quan trọng là nó có tương thích ngược ko ví dụ
đem cáp usb type C của điện thoại gắn vào macbook type C thunder bolt có nhận được ko? ko đủ chức năng nhưng truyền data với sạc dc ko?
hay ngược lại USB type C 2.0 dùng được cho điện thoại type C 3.1 ko?
nếu có tương thích ngược tương thích xuôi là được rồi.
alex.hn
CAO CẤP
8 năm
Thế này thì thế giới phụ kiện USB-C tha hồ mà phức tạp,từ hàng chính hãng đến hàng lô đến từ Trung Hoa Anh Hùng.
Chuẩn công nghiệp mà khó đạt được sự thống nhất chung thế à?
Cứ vài năm, mấy ông bự lại nghĩ ra trò mớ, người dùng ổn ổn cái, lại đẻ tiếp... Nô lệ công nghệ...:mad:

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019