Có lẽ hôm nay, 13/3, thông tin công nghệ toàn cầu không có bất kỳ thứ gì khỏa lấp được tuyên bố mới từ Intel, khi hội đồng quản trị tập đoàn chip xử lý Mỹ công bố việc bổ nhiệm tổng giám đốc điều hành mới.
Đối với một tập đoàn như Intel, có lẽ muốn biến thông tin ông Lip-Bu Tan, phiên âm sang tiếng Việt là Trần Lập Võ (陈立武), trở thành CEO mới của Intel, thì chắc OpenAI và Apple phải có một cái gì đó hoàn toàn mới, hoặc thực sự gây sốc thì mới khiến công chúng bớt quan tâm. Còn nếu không thì từ giờ đến tuần sau, những thông tin xoay quanh việc ông Trần trở thành CEO mới của Intel vẫn sẽ là chủ đề để vô vàn những bài viết phân tích và tin tức được đem tới cộng đồng.
Những gì giới thiệu về ông Trần, từ một kỹ sư đến một vị lãnh đạo trong ngành công nghệ nói chung và bán dẫn nói riêng, thiết nghĩ anh em có thể đọc cụ thể trong bài viết của mod Nghĩa, nên mình xin phép không đề cập lại nguồn gốc, học vấn và sự nghiệp của vị giám đốc 65 tuổi này nữa:
Đọc thêm: Tân CEO Lip-Bu Tan của Intel - Gió đảo chiều?
Có một điều rất rõ ràng, để lèo lái một con thuyền mà chúng ta có thể ví von là đang thủng lỗ chỗ như con thuyền mang tên tập đoàn Intel, số lượng những ứng cử viên phù hợp, đã có quá trình làm việc và những thành tựu thực tế để chứng minh cho tài năng của họ, có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đối với một tập đoàn như Intel, có lẽ muốn biến thông tin ông Lip-Bu Tan, phiên âm sang tiếng Việt là Trần Lập Võ (陈立武), trở thành CEO mới của Intel, thì chắc OpenAI và Apple phải có một cái gì đó hoàn toàn mới, hoặc thực sự gây sốc thì mới khiến công chúng bớt quan tâm. Còn nếu không thì từ giờ đến tuần sau, những thông tin xoay quanh việc ông Trần trở thành CEO mới của Intel vẫn sẽ là chủ đề để vô vàn những bài viết phân tích và tin tức được đem tới cộng đồng.
Những gì giới thiệu về ông Trần, từ một kỹ sư đến một vị lãnh đạo trong ngành công nghệ nói chung và bán dẫn nói riêng, thiết nghĩ anh em có thể đọc cụ thể trong bài viết của mod Nghĩa, nên mình xin phép không đề cập lại nguồn gốc, học vấn và sự nghiệp của vị giám đốc 65 tuổi này nữa:
Đọc thêm: Tân CEO Lip-Bu Tan của Intel - Gió đảo chiều?
Có một điều rất rõ ràng, để lèo lái một con thuyền mà chúng ta có thể ví von là đang thủng lỗ chỗ như con thuyền mang tên tập đoàn Intel, số lượng những ứng cử viên phù hợp, đã có quá trình làm việc và những thành tựu thực tế để chứng minh cho tài năng của họ, có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ngay từ cái thời điểm đầu năm 2025, vài tuần kể từ khi ông Pat Gelsinger bị cho từ nhiệm và đi đến quyết định nghỉ hưu, Reuters đã đưa tin rằng “người cũ” của Intel, một trong những thành viên hội đồng quản trị nhưng đã nghỉ từ tháng 8/2024, hiện tại đang là ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế CEO của tập đoàn. Người đó không ai khác chính là ông Trần.

Và rốt cuộc, những người theo dõi sát sao thông tin ngành công nghệ nói chung và bán dẫn nói riêng chắc chắn sẽ không thấy bất ngờ khi cái tên của ông Trần được xướng lên lúc sáng nay, khi ông trở thành CEO mới của tập đoàn Intel.
Xin phép nhắc lại, lựa chọn của Intel không nhiều, và họ cần một vị CEO hiểu cách tập đoàn vận hành nhậm chức ngay lập tức, thay vì một vị giám đốc tài chính (David Zinsner) và một vị giám đốc quản lý mảng sản phẩm tiêu dùng (Michelle Johnston Holthaus) làm hai vị CEO tạm quyền như vài tháng qua.
Câu hỏi được đặt ra ngay bây giờ, sau khi đã đọc xong CV của ông Trần, cũng như những gì Intel đã và đang phải trải qua, đấy là Intel của 1, 2 hay thậm chí là 5 năm tới trông sẽ như thế nào?
Vì sao tháng 8 năm ngoái ông Trần từ chức?
Tháng 8 năm ngoái, ông Trần đệ đơn từ chức khỏi hội đồng quản trị Intel sau 2 năm làm việc. Khi ấy không nhiều người để tâm đến câu chuyện này, đơn giản vì thời điểm đó Intel chuẩn bị ra mắt thế hệ chip xử lý laptop thế hệ mới, kiến trúc Lunar Lake ra thị trường. Và thực tế cũng cho thấy, mọi nguyên nhân và giải thích cho lá đơn từ chức của ông Trần khoảng gần nửa năm trước đều đến từ những bất đồng giữa ông Trần với những quan chức cấp cao khác của Intel, và đặc biệt là với CEO khi ấy là ông Gelsinger.
Khi ấy Reuters có mẩu tin nói về sự kiện này. Thời điểm đó, Intel có kế hoạch cắt giảm nhân sự, trong mắt anh em là thông tin Intel cắt giảm 15 nghìn nhân viên toàn cầu. Nhưng bên trong nội bộ Intel, mọi chuyện diễn ra tương đối khác biệt theo quan điểm của mỗi người. Điều không bất ngờ ở đây là ông Trần cũng đồng tình với việc Intel cần cắt giảm nhân sự, nhưng thứ ông muốn là cắt giảm tới mức tối đa những đầu nhân sự quản lý trung gian, thứ đã gây ra sự chậm chạp ì ạch và quan liêu của Intel.
Quảng cáo
Đó là một trong ba nguyên nhân dẫn tới những căng thẳng giữa ông Trần và ông Gelsinger.

Năm 2021, khi ông Gelsinger được bổ nhiệm làm CEO Intel, kế hoạch IDM 2.0, viết tắt của Integrated Devices Manufacturer của ông đặt ra một yêu cầu, đó là mở rộng vận hành, kể cả nhân sự lẫn vốn đầu tư để Intel giành lại vị thế vốn có của họ trên thị trường gia công bán dẫn, thứ mà chính Intel đã để tuột khỏi tay khoảng 10 năm về trước. Vậy là đến năm 2022, Intel có thêm ít nhất 20 nghìn nhân viên.
Rồi ở trong văn bản được Intel gửi lên cơ quan quản lý Mỹ khi công bố báo cáo tài chính hồi tháng 8/2024, họ cho biết lúc đó đang có tổng cộng 125.300 nhân viên toàn cầu. Dễ nhận ra con số ấy thậm chí còn nhiều hơn cả tổng số nhân viên của Nvidia và TSMC cộng lại. Sự khó chịu của ông Trần trước sự ì ạch chậm chạp giữa lúc Intel cần phải thay đổi mạnh và nhanh là điều dễ hiểu.

Nguyên nhân thứ hai, đó là việc Intel đã một lần nữa bỏ lỡ cơ hội tạo ra xuất phát điểm trước so với những tập đoàn khác. Họ đã từng bỏ lỡ cơn sốt smartphone, rồi bỏ lỡ bước chuyển từ thiết bị quang khắc DUV lên EUV, và giờ Intel lại bỏ lỡ bước đầu tiên của cơn sốt AI. Cả hai vấn đề này đều có thể tạ ỏa cho chúng ta những dự đoán tương đối chính xác về cách hoạt động và ra mắt sản phẩm mới của Intel trong tương lai gần, và sẽ được mình đề cập ở những mục dưới đây.
Quảng cáo
Intel chắc chắn sẽ không chia tách
Cái đó là dự đoán của mình sau khi đọc những dòng chữ đầu tiên mà ông Trần viết và gửi cho toàn bộ nhân viên trong tập đoàn Intel, ngay sau khi thông tin ông được bổ nhiệm làm CEO Intel được công bố. Cụ thể hơn, ông viết:
"Một trong những điều các bạn hiểu về tôi, là tôi sẽ không bao giờ chùn bước trước những thử thách. Trong suốt sự nghiệp, chính những thử thách đã tạo ra động lực để tôi giải quyết những vấn đề khó khăn. Trong quá trình chuẩn bị nhậm chức, tôi tin chúng ta sẽ có một cơ hội độc nhất để tái sinh công ty ở một trong những thời điểm mang tính bước ngoặt của lịch sử.
Nói vậy không có nghĩa mọi chuyện sẽ dễ dàng. Nhưng tôi chấp nhận thử thách vì tôi có niềm tin rằng chúng ta có trong tay những điều kiện để chiến thắng. Intel vẫn đóng một vai trò thiết yếu trong toàn bộ hệ sinh thái công nghệ, dù là ở Mỹ hay trên toàn thế giới. Cùng nhau, tôi tự tin rằng chúng ta có thể hồi phục quá trình kinh doanh.
Dưới sự dẫn dắt của tôi, Intel sẽ là một tập đoàn tập trung vào kỹ thuật. Chúng ta sẽ tự thúc đẩy bản thân để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, lắng nghe kỹ những ý kiến của khách hàng của chúng ta, và chịu trách nhiệm với những lời hứa và cam kết chúng ta đưa ra, để tạo dựng lại lòng tin."

Nửa trên của bức thư mà ông Trần gửi tới mọi người mô tả một cách rõ ràng, ông hiểu tầm quan trọng của mảng sản phẩm thương mại, với những con chip Core hay Xeon mà Intel bán ra thị trường, dựa trên những công nghệ bán dẫn và quy trình gia công được Intel phát triển ra.
Nhưng cùng lúc, tuyên bố ở những dòng cuối của bức thư cũng mô tả rõ ràng kế hoạch của ông Trần: “Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc hết sức để đòi lại vị thế của Intel, một công ty tạo ra những sản phẩm đẳng cấp thế giới, rồi cùng nhau trở thành foundry top đầu, phục vụ các khách hàng của chúng ta theo cách chưa từng có. Đó là thứ chúng ta đang phải hướng tới, để tái tạo ra một Intel của tương lai. Nhưng cùng lúc, chúng ta vẫn phải có trách nhiệm đối với các cổ đông, thứ mà tôi tập trung không kém, và khi chúng ta tập trung cho các khách hàng, tôi tin kết quả tốt sẽ đến.”

Vài người cho rằng, dựa trên nền tảng kiến thức và kinh nghiệm quản trị nghiêng nhiều về phần tài chính thay vì kỹ thuật, có thể ông Trần sẽ tìm cách chia tách Intel để tạo ra những bộ máy độc lập, một bên lo sản phẩm thương mại, bên còn lại lo mảng foundry. Theo mình thì mọi chuyện sẽ diễn ra theo hướng ngược lại, tức là Intel sẽ không chia tách.
Chí ít thì hiện giờ, Intel có một vị giám đốc điều hành có chung quan điểm như Pat Gelsinger. Chỉ khi nắm được trong tay công nghệ và tiến trình gia công bán dẫn cạnh tranh được với mọi cái tên khác đang dẫn đầu ngành, thì Intel mới tạo ra được những sản phẩm thương mại cạnh tranh được. Intel, chí ít là trong khoảng thời gian ông Trần điều hành, sẽ không chia tách.

Còn trong khi đó, vẫn có những thông tin xoay quanh việc các đối thủ cạnh tranh, cùng lúc lại chính là đối tác tiềm năng của Intel Foundry sẽ có kế hoạch đầu tư mua cổ phần của mảng này để hỗ trợ nó vận hành, tạo ra những fab gia công bán dẫn đủ sức cạnh tranh với TSMC hay Samsung, đối mặt với những nguy cơ địa chính trị tiềm tàng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Nhưng cái này không mấy liên quan tới việc Intel có chia tách hay không.
Vả lại câu chuyện đối thủ/đối tác đầu tư đến từ cùng lúc ba nỗi lo: Những vấn đề địa chính trị ở đảo Đài Loan là một. Hai là lo ngại về hàng rào thuế quan, thứ ông Trump đang dựa vào để ép các doanh nghiệp đưa dây chuyền sản xuất về đất Mỹ. Và ba là lo ngại an ninh quốc gia, Mỹ hiện tại đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các khu vực khác về công nghệ và sản phẩm bán dẫn. Cả ba điều này hoàn toàn có thể tách ra để phân tích thêm về chiến lược kinh doanh của Intel dưới sự điều hành của ông Trần.
“Vận hành tinh gọn hơn”
Một trong số ba lý do người ta dự đoán, khiến ông Trần từ nhiệm vị trí thành viên hội đồng quản trị Intel hồi tháng 8 năm ngoái chính là bộ máy quá cồng kềnh và ì ạch của tập đoàn, khi CEO Gelsinger lúc ấy cố gắng thực hiện kế hoạch IDM.
Sau khi cắt giảm 15% tổng số nhân sự toàn cầu, Intel hiện tại đang có xấp xỉ 109 nghìn nhân viên tính đến cuối năm 2024, tức là ngang ngửa với số nhân viên trong năm 2018. Vấn đề vẫn nằm ở chỗ, doanh thu năm 2018 của Intel là 70.8 tỷ USD, còn doanh thu trong năm 2024 của họ chỉ là 53.1 tỷ USD.
Điều chắc chắn sẽ xảy ra, đó là Intel sẽ thực hiện một quá trình cắt giảm nhân sự nữa, ít nhất là một. Để tạo ra bộ máy vận hành gọn gàng như cách ông Trần mong muốn, rất có thể Intel sẽ phải chia quá trình thanh lọc nhân sự theo từng giai đoạn. Để anh em tiện so sánh, con số 109 nghìn nhân viên của Intel hiện giờ gấp hơn 3 lần tổng số nhân sự của Nvidia, khoảng 30 nghìn người. AMD thậm chí còn có ít nhân sự hơn, khoảng 26 nghìn người. Mà thậm chí AMD còn đang cân nhắc cắt giảm 4% trong số đó.

Từng có lúc, ông Trần khẳng định với những người đồng nghiệp và những cấp dưới, rằng Intel đang tràn ngập những tầng tầng lớp lớp những quản lý cấp trung, gây ra tình trạng trì trệ và quan liêu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc nghiên cứu phát triển những cải tiến mới trong những thế hệ chip xử lý máy tính cá nhân và máy chủ.
Mà chính ông Gelsinger cũng từng thừa nhận điều y hệt: “Doanh thu năm 2020 của chúng ta cao hơn 24 tỷ USD so với năm 2023, nhưng trong năm 2023, tổng số nhân sự cao hơn 10% so với 2020. Có rất nhiều lý do dẫn đến điều đó, nhưng đây hoàn toàn không phải cách chúng ta có thể vận hành một cách bền vững.”

Điều không thể tránh khỏi, đó là những nhà đầu tư hoảng loạn chắc chắn sẽ có phản ứng dưới hình thức bán tháo cổ phiếu của Intel, khiến giá cổ phiếu của tập đoàn giảm mỗi khi công bố cắt giảm nhân sự. Đó sẽ là chuyện không thể tránh khỏi, kể cả khi cuối năm nay và đầu năm sau, Intel tạo ra những đột phá trong cả hai khía cạnh, sản phẩm thương mại và tiến trình bán dẫn. Thứ mà ban lãnh đạo Intel cần phải làm, đó là cân bằng cả việc phát triển công nghệ lẫn cắt giảm nhân sự, để cái “hóa đơn” chi phí vận hành cũng như vốn đầu tư hàng năm giảm đi, tạo ra những báo cáo tài chính làm yên lòng các cổ đông của tập đoàn.
Chìa khóa ở đây là, ông Trần sẽ phải tìm ra đúng người để cắt giảm. Nếu cắt giảm nhầm người, thì quá trình phát triển sản phẩm và tiến trình bán dẫn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đổi lại, có thể chắc chắn một điều, đó là ông Trần sẽ mạnh tay, thậm chí đôi khi là “máu lạnh” hơn trong việc thực hiện cắt giảm nhân sự. Lý do là trước giờ ông liên tục tìm được thành công trong kinh doanh bằng cách vận hành một tập đoàn tinh gọn, giữ lối suy nghĩ của một đơn vị tự coi mình “chiếu dưới” để nỗ lực cạnh tranh. Đấy là những gì ông đã làm được với Cadence, còn với Intel, phải đợi thời gian trả lời.
Sản phẩm thương mại và tiến trình bán dẫn
Thế mạnh của Pat Gelsinger không phải là không có, nhưng có lẽ ông đã bị cho thôi việc ở đúng thời điểm bước ngoặt khi Intel đang chuẩn bị có những đổi mới trong cả hai mảng gia công bán dẫn lẫn sản phẩm thương mại. Sự ra mắt đầy khốn khổ của Arrow Lake thực sự chỉ là giọt nước làm tràn ly, khi chúng ta kết hợp với những khó khăn mà Intel đã công bố từ hồi tháng 8 năm ngoái, với tình hình kinh doanh thua lỗ và những vấn đề liên quan tới sản phẩm chip xử lý tiêu dùng và doanh nghiệp mà Intel bán ra, hoặc hủy dự án.
Đây là phần mình cảm thấy lo ngại nhất cho Intel khi họ đưa ông Trần lên làm tổng giám đốc điều hành. Trên giấy tờ, việc biến một đơn vị như Cadence Design Systems từ một đơn vị có giá trị vốn hóa 1 tỷ USD hồi năm 2009, trở thành một tập đoàn giá trị gần 52 tỷ USD khi ông rời ghế CEO vào năm 2021 là một thành tựu mà ai nhìn vào cũng phát ngợp.

Nhưng nói gì thì nói, nếu ông Gelsinger là một người đã sống cùng thời điểm Intel trưởng thành và thành công trong hàng chục năm, và hiểu một cách vô cùng rõ ràng văn hóa vận hành, cũng như cách mà các kỹ sư của Intel làm việc để kích thích sáng tạo, thì ông Trần lại là một nhà quản trị đúng nghĩa đen. Những bằng master mà ông Trần có được ở MIT và đại học San Francisco là chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân và quản trị kinh doanh.
Chắc chắn ông Trần sẽ không nhắm mắt làm ngơ kết quả kinh doanh, mà chỉ tập trung gần như toàn lực vào việc đầu tư mở rộng khả năng và kỹ thuật gia công bán dẫn của Intel như những gì ông Gelsinger đã làm trong gần 4 năm qua. Để chứng minh thành tựu công nghệ, không có gì mô tả hoàn hảo hơn chính những con chip Core, Xeon hay những chip xử lý AI mà Intel có thể ra mắt trong tương lai.

Thứ ông Trần có mà ông Gelsinger không có, là những mối quan hệ. Năm 2017, Relationship Science gọi tên ông Trần là một trong những giám đốc có quan hệ rộng nhất ngành công nghệ. Trong số hơn 2.700 kết nối mà ông Trần đã tạo dựng được, là những vị trí giám đốc điều hành và quản lý cấp cao của rất nhiều tập đoàn lớn. Chính điều này có thể đem lại những hợp đồng béo bở cho Intel.
Ở Cadence, không có ông Trần, Cadence Design Systems rất khó có được ngày hôm nay. Từ chỗ cung cấp phần mềm thiết kế chip bán dẫn và hợp tác rất sâu với TSMC, cho tới việc được Apple lựa chọn, đó đều là thành tựu của ông Trần. Nhưng để làm được điều đó ở Intel, ông cần những cấp dưới hiểu cách nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng như tiến trình. Ông Trần sẽ lo việc định hướng kinh doanh, và ông sẽ cần nhân sự của Intel tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh.
Kế thừa những gì Pat để lại
Điều đó đưa chúng ta đến với phần tiếp theo của những dự đoán về Intel trong tương lai. Hãy tạm thời liệt kê những vấn đề mà ông Trần sẽ phải đối mặt ngay thời điểm ông ngồi vào ghế CEO kể từ ngày 18/3:
- Thế hệ chip Core mới dựa trên tiến trình 18A sẽ vấp phải sự nghi hoặc của cả cộng đồng, sau sự ra mắt mờ nhạt của Arrow Lake và Lunar Lake.
- Phải kiếm được khách hàng gia công bán dẫn để kiếm tiền từ những fab vận hành trên tiến trình 18A.
- Định hướng tiếp những tiến trình gia công bán dẫn từ nay đến hết thập niên 2020.
- Phải có một chiến lược ra mắt sản phẩm chip xử lý AI rõ ràng, kể cả ở khía cạnh huấn luyện lẫn vận hành nội suy để phục vụ thị trường.
- Giải quyết tình trạng kinh doanh thua lỗ của Intel.
Có một điều mà ông Trần có thể yên tâm, đó là thời kỳ CEO Gelsinger, kế hoạch IDM đã giải quyết được hầu hết mọi vấn đề nằm ở mức độ nền móng, ảnh hưởng căn bản đến cả quá trình kinh doanh lẫn nghiên cứu phát triển sản phẩm của Intel.
Giờ những fab cao cấp nhất của Intel đều đã đủ trang thiết bị, không thiếu gì nữa, có khi còn là những cỗ máy quang khắc EUV với thấu kính khẩu độ cực rộng, tối tân nhất hành tinh hiện giờ. Ông Trần sẽ không phải lo đến vấn đề nền móng công nghệ bán dẫn. Thứ ông phải lo là quản lý các nhóm kỹ sư phát triển sản phẩm thương mại và phát triển công nghệ gia công, để tận dụng tối đa những dây chuyền và trang thiết bị mà Intel đổ hàng chục tỷ USD đầu tư trong vòng 3 năm qua.

Dù rằng hiện tại họ vẫn còn gặp rất nhiều rắc rối vì thiếu vốn, dẫn đến việc phải hủy hoặc hoãn xây dựng và vận hành những fab gia công bán dẫn mới, nhưng về cơ bản, tiến trình 18A đã vận hành được. Dự kiến quá trình tape-out, tạo ra những photomask khuôn mẫu chip xử lý để máy quang khắc EUV thế hệ mới quang khắc những con chip xử lý mới sẽ được thực hiện trong nửa đầu năm 2025, rồi đến cuối năm, tiến trình này sẽ được vận hành sản xuất thương mại.

Với tiến trình 18A, Intel sẽ có bốn cơ hội để thuyết phục thị trường. Tất cả chúng đều là những thế hệ kiến trúc chip xử lý được phát triển dưới sự dẫn dắt của CEO Gelsinger. Đây sẽ là những phép thử để Intel chứng minh khả năng gia công bán dẫn, chứng tỏ kiến trúc transistor Gate-All-Around RibbonFET cũng như thiết kế Backside Power Delivery, đẩy hết kết nối kim loại xuống mặt dưới con chip để tối ưu nhiệt độ và xung nhịp vận hành:
- Thế hệ chip xử lý laptop Panther Lake
- Thế hệ chip GPU tiêu dùng Celestial, Arc C series
- Thế hệ chip xử lý máy chủ Xeon Clearwater Forest
- Thế hệ chip tăng tốc xử lý AI Jaguar Shores
Hiện giờ vẫn còn quá sớm để khẳng định tiềm năng của 18A. Nhưng có một điều chắc chắn, 18A cần được cộng đồng và thị trường đón nhận, dưới cả hai hình thức phản hồi đánh giá lẫn doanh số sản phẩm.
Chiến lược nội địa hóa bán dẫn của chính phủ Mỹ
Chưa từng có một thời điểm nào thành công hay thất bại của Intel lại gắn liền với những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Thành ra, quá trình phục hồi kinh doanh và lợi nhuận của tập đoàn sẽ có sự theo dõi hay thậm chí là giúp đỡ trực tiếp của chính quyền Mỹ.
Intel được kỳ vọng là một trong những công ty hưởng lợi lớn nhất từ Đạo luật CHIPS. Tháng 3/2024, tổng thống Biden đã công bố khoản tài trợ ban đầu lên tới 8,5 tỷ USD cho Intel nhằm hỗ trợ các dự án mở rộng tại Arizona, New Mexico, Ohio và Oregon. Tuy nhiên, khoản tài trợ này đã bị cắt giảm xuống còn 7,86 tỷ USD do Intel cũng nhận được hợp đồng quân sự trị giá 3 tỷ USD để sản xuất chip cho chính phủ Mỹ.

Rồi thậm chí hôm qua 12/3, lại có thông tin nói rằng, TSMC đang cân nhắc nghiêm túc những lời đề nghị của chính quyền Mỹ, để giúp đỡ cho mảng gia công bán dẫn của Intel, từ đó tạo ra thêm một nguồn cung chip xử lý phục vụ cho các tập đoàn công nghệ Mỹ.
Không chỉ cân nhắc, mà TSMC có vẻ như cũng đã liên hệ với những tập đoàn lớn trong ngành thiết kế chip xử lý, bao gồm AMD, Nvidia và Broadcom. Mục tiêu của TSMC là thành lập một liên doanh để mua lại cổ phần mảng IFS của Intel, rồi cũng chính liên doanh này sẽ vận hành những fab gia công bán dẫn của Intel. Bên cạnh ba tập đoàn Mỹ kể trên, nguồn tin của Reuters cho biết TSMC cũng đã liên hệ với các đại diện của Qualcomm để chia sẻ ý tưởng này.

Tuy nhiên, TSMC cùng toàn bộ liên doanh mà họ kêu gọi được nguồn vốn, nếu có, thì cũng sẽ không sở hữu quá 50% cổ phần của mảng Intel Foundry Services. Lý do là, chính quyền tổng thống Trump hoàn toàn không muốn Intel hay chỉ riêng mảng gia công bán dẫn của tập đoàn này hoàn toàn thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của một thực thể nước ngoài. Nếu TSMC thành lập được liên minh để mua lại cổ phần của IFS, thương vụ ấy cũng sẽ phải được chính quyền Mỹ phê duyệt.
Liệu những gì cựu CEO Craig Barrett nói có chính xác?
Hôm vừa rồi, trên tờ tạp chí Fortune, có một bài viết của ông Craig Barrett, CEO của Intel từ 1998 đến 2005. Ông viết như thế này:
"Thử thách của Intel là phải tìm được một người giám đốc điều hành hiểu rõ việc kinh doanh của mảng gia công bán dẫn, sản xuất ra những con chip. Rồi dần dần, chúng ta sẽ lại phải lo về hội đồng quản trị tập đoàn. Họ chính là những người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với những gì đã xảy đến đối với Intel trong vòng một thập kỷ qua.
Quan điểm của tôi là, giải pháp tốt hơn rất nhiều sẽ là đuổi việc hết hội đồng quản trị Intel hiện giờ đi, rồi gọi Pat Gelsinger quay trở lại vị trí tổng giám đốc điều hành, vị trí mà Pat đã giúp Intel có được rất nhiều thứ xét trên khía cạnh kỹ thuật công nghệ trong những năm qua."

Thời điểm sáng nay lúc mình đọc thông tin ông Trần sẽ trở thành CEO mới của Intel, ngay lập tức một lo ngại nảy sinh. Ông Trần được ngồi vào vị trí CEO là quyết định của hội đồng quản trị Intel, dẫn đầu bởi một cái tên hiếm khi được nhắc tới: Frank Yeary. Vị này là thành viên HĐQT Intel từ năm 2009, rồi sau đó đến năm 2023, ông trở thành chủ tịch HĐQT.
Chính trong khoảng thời gian này, Intel đi từ Brian Krzanich đến Bob Swan, rồi tới Pat Gelsinger. Trong toàn bộ thời gian ấy, Intel trải qua những chu kỳ không hồi kết. Krzanich, một kỹ sư với đầy đủ kinh nghiệm vận hành một tập đoàn như Intel đã phải giải quyết những vấn đề mà CEO cũ, Paul Otellini để lại. Rồi Bob Swan, một người thuần túy chỉ có kiến thức và kỹ năng quản trị và kinh doanh thay thế Krzanich vào năm 2016 để giải quyết những trì hoãn trong quá trình nâng cấp tiến trình gia công bán dẫn của Intel, thứ mà anh em hay gọi là… 14nm+++.

Rồi khi nhận ra chuyên gia kinh doanh không giúp ích được Intel, họ phải mời lại một người từng gắn bó với Intel từ năm ông 18 tuổi, Pat Gelsinger.
Theo cá nhân mình, thứ Gelsinger tư duy đúng đắn nhất, đó là thứ tạo ra sức mạnh và vị thế thống trị thị trường của Intel những ngày xưa cũ chính là khả năng tự gia công chip bán dẫn của tập đoàn. Vậy là đảo ngược lại mọi ý tưởng của Bob Swan (đặt hàng gia công bên ngoài), Gelsinger sẵn sàng đổ hàng trăm tỷ USD để sửa chữa cái lỗi lớn nhất của Intel nhiều năm về trước: Chậm ứng dụng thiết bị quang khắc bước sóng EUV.

Nếu không vì áp lực của các nhà đầu tư, và việc cổ phiếu Intel cắm đầu xuống đất, kết hợp với sự hoảng loạn của HĐQT, có lẽ Gelsinger sẽ có thêm một năm nữa để nhìn thấy thành quả của ông, 4 năm phát triển xong 5 tiến trình gia công bán dẫn, và nhìn thấy sản phẩm thương mại trên tiến trình 18A ra mắt. Rồi tới lúc đó, tùy vào phản ứng thị trường, HĐQT có thể định đoạt số phận của ông Gelsinger sau. Nhưng chúng ta đều biết mọi chuyện đã không diễn ra như vậy.
Sẽ thế nào nếu tiến trình 18A của Intel thất bại, kể cả về mặt công nghệ lẫn thương mại? Câu trả lời rất đơn giản, ba năm nữa, sẽ có một người khác thay thế cho ông Trần, nếu HĐQT Intel vẫn chỉ lo về giá cổ phiếu và phản ứng của các nhà đầu tư, vì hiện giờ Intel vẫn đang đi đúng quỹ đạo chu kỳ đổi qua đổi lại giữa những vị CEO chuyên môn kỹ thuật và chuyên môn quản trị kinh doanh.