Lần gần đây nhất một tác phẩm game đến từ châu Á được vinh danh là “Game of the Year” tại sự kiện The Game Awards tổ chức thường niên, là Elden Ring của FromSoftware. Hai lần trước đó, Nintendo nhận được giải thưởng năm 2017 với The Legend of Zelda: Breath of the Wild, rồi cũng chính là FromSoftware vào năm 2020 với Sekiro: Shadows Die Twice. Những giải thưởng trong vài năm trở lại đây đủ khiến chúng ta đi đến kết luận rằng, game châu Á nói chung hoàn toàn đủ đẳng cấp để trở thành một tác phẩm hay nhất trong năm.
Mở đầu như vậy là vì, đã bắt đầu có những luồng ý kiến trên mạng xã hội nói rằng, Black Myth Wukong hoàn toàn đủ đẳng cấp để trở thành Game of the Year tại The Game Awards 2024. Vấn đề lại nằm ở chỗ, tất cả những ý kiến như vậy, theo cảm nhận của mình, đều dựa trên cảm xúc sau khi đã nghiên cứu đầy đủ mọi khía cạnh về cốt truyện trong toàn bộ 6 chương của trò chơi, kết hợp thêm cả việc hai ngày trước, đã có những người đầu tiên tìm ra kết thúc thứ hai của tác phẩm.
Trùng hợp ở một chuyện. Tuyệt đại đa số những ý kiến cho rằng Black Myth Wukong xứng đáng trở thành GOTY năm nay đều đến từ các quốc gia Á Đông. Còn trong khi đó ở bên phương Tây, mọi chuyện phức tạp hơn một chút, nhất là khi nhắc tới vấn đề dễ gây tranh cãi ở nước ngoài, đó là mức độ đa dạng chủng tộc trong một trò chơi. Đó là khía cạnh mình muốn bàn tới trước.
Đánh giá Black Myth: Wukong - Cốt truyện chưa hay, nhưng hành động rất đã tay
Hãy bắt đầu luôn với cốt truyện của Black Myth: Wukong. Cái thời điểm trailer đầu tiên ra mắt và ngay lập tức tạo ra ấn tượng mạnh với cộng đồng gamer toàn cầu, đã có những người đặt ra giả thuyết, rằng nhân vật chúng ta sẽ nhập vai trong trò chơi…
tinhte.vn
Mở đầu như vậy là vì, đã bắt đầu có những luồng ý kiến trên mạng xã hội nói rằng, Black Myth Wukong hoàn toàn đủ đẳng cấp để trở thành Game of the Year tại The Game Awards 2024. Vấn đề lại nằm ở chỗ, tất cả những ý kiến như vậy, theo cảm nhận của mình, đều dựa trên cảm xúc sau khi đã nghiên cứu đầy đủ mọi khía cạnh về cốt truyện trong toàn bộ 6 chương của trò chơi, kết hợp thêm cả việc hai ngày trước, đã có những người đầu tiên tìm ra kết thúc thứ hai của tác phẩm.
Trùng hợp ở một chuyện. Tuyệt đại đa số những ý kiến cho rằng Black Myth Wukong xứng đáng trở thành GOTY năm nay đều đến từ các quốc gia Á Đông. Còn trong khi đó ở bên phương Tây, mọi chuyện phức tạp hơn một chút, nhất là khi nhắc tới vấn đề dễ gây tranh cãi ở nước ngoài, đó là mức độ đa dạng chủng tộc trong một trò chơi. Đó là khía cạnh mình muốn bàn tới trước.
Đa dạng chủng tộc?
Hãy bắt đầu với một câu chuyện chưa được xác thực, thứ mà hàng triệu gamer trên toàn thế giới đang lấy làm lý do khiến Black Myth: Wukong đang vấp phải sự phản đối của nhiều cây viết, nhiều trang tin phương Tây. Điều kỳ lạ là không thấy có trang tin nào phàn nàn về chuyện Game Science được Tencent cấp vốn để phát triển tác phẩm này cả.
Cũng có những người nói tác phẩm này là một nỗ lực tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc. Nhưng cũng chính những người ấy phàn nàn về chuyện The Last of Us 2 có nhân vật LGBT, hay phàn nàn nhân vật Ariel được đóng bỏi một diễn viên da màu trong bộ phim điện ảnh Little Mermaid mới ra rạp thời gian gần đây.
Nhắc chuyện da màu và LGBT, đấy chính xác là lý do Black Myth Wukong phải đối mặt với một số quan điểm tiêu cực. Theo những quan điểm như thế này, nhân vật trong game không đủ đa dạng về mặt chủng tộc hay cốt truyện không đủ để đại diện cho đa dạng đối tượng cộng đồng gamer, cho dù họ là da trắng, da vàng, da màu, hay đủ những giới tính mà họ lựa chọn. Chính câu chuyện này cũng là chủ đề tranh cãi và mỉa mai trên mạng xã hội những ngày vừa rồi.
Câu chuyện mà mình đề cập ở trên bắt nguồn từ vài diễn đàn bên Trung Quốc. Có một studio tư vấn đến từ Canada tên là Sweet Baby Inc. Studio này được hai cựu nhân viên của Ubisoft thành lập, Kim Belair và David Bédard. Nhiệm vụ của công ty với chỉ 16 người này là tư vấn cho các studio game khác cách thiết kế một cốt truyện tự sự phù hợp với thị trường, với sự đa dạng và hòa hợp để chiều lòng cộng đồng gamer thiểu số.
Quảng cáo
Thông tin chưa được kiểm chứng, đó là Sweet Baby Inc. đề nghị với Game Science, trả họ 7 triệu USD để giúp cốt truyện của Black Myth Wukong trở nên đa dạng và hòa hợp hơn. Nói cách khác, họ sẽ điều chỉnh lại cốt truyện để phù hợp hơn với cộng đồng đa dạng sắc tộc, độ tuổi và giới tính bên phương Tây, với lời hứa sẽ giúp game được đánh giá cao hơn. Game Science từ chối, vậy là thông tin chưa kiểm chứng nói tiếp rằng Sweet Baby Inc. tống tiền Game Science, nói nếu không làm việc với họ thì sẽ cho chạy chiến dịch truyền thông để tạo tranh cãi khiến mọi người tẩy chay trò chơi.
Xin nhắc lại, trên đây là những thông tin chưa kiểm chứng, không có bằng chứng xác thực. Phía Game Science im lặng về vấn đề này. Nhưng có một điều rõ ràng là trên các mạng xã hội, đúng là đang có một chiến dịch truyền thông liên quan tới nhiều trang tin game với cùng một thông điệp: “Chúng ta đều có chung một sở thích và chúng ta nên đoàn kết lại để đảm bảo rằng càng nhiều người có thể tận hưởng sở thích đó càng tốt.” Không rõ ai là người đứng đằng sau, nhưng nhiều fanpage cùng chia sẻ thông điệp này, chắc chắn không phải trùng hợp:
Mà thực tế thì chủ đề thần thoại Trung Hoa cũng chẳng thiếu sự đa dạng, chỉ là cái đa dạng này không giống như ý muốn của nhiều cá nhân và tổ chức cánh tả phương Tây mà thôi. Bản thân Tôn Ngộ Không cũng là một con khỉ đá, không có giới tính rõ ràng. Rồi những con quái vật lúc thì là nhện, lúc thì là rồng, là lợn, là đủ chủng loài.
Quảng cáo
Gamer thì hầu hết chẳng quan tâm. Sau ba ngày, Black Myth Wukong bán được 10 triệu bản, con số mơ ước của hầu như mọi nhà phát triển game từ lớn tới nhỏ trên toàn thế giới. Và những thị trường lớn nhất của trò chơi này, bao gồm cả quê nhà Trung Quốc, nơi có tới 90% người chơi, “đa dạng” không phải thứ họ quan tâm. Thứ họ, mà cũng có khi là cả chúng ta quan tâm, là game chơi vui và hay.
Nhưng câu chuyện này hoàn toàn không phải nguyên nhân mình nghĩ rằng Black Myth Wukong sẽ khó có thể trở thành Game of the Year năm nay. Phải liệt kê thông tin và đề cập tới câu chuyện này, vì nó là một khía cạnh tranh luận không thể thiếu.
Những ẩn ý sâu xa của tư tưởng Phật giáo
Cá nhân mình cho rằng, nếu ban giám khảo chấm điểm để chọn ra game hay nhất năm của The Game Awards đều đến từ châu Á, hoặc là những người thực sự quan tâm và có nghiên cứu nguyên tác Tây Du Ký của nhà văn Ngô Thừa Ân, thì Black Myth Wukong sẽ ngay lập tức trở thành GOTY. Nhưng đương nhiên đó không phải thực tế, và có rất nhiều rào cản khiến cho người chơi thực sự có thể hiểu hết những tầng lớp ý nghĩa ẩn giấu trong 6 chương của trò chơi này, và cảm thấy cuộc phiêu lưu của The Destined One - Thiên Mệnh Nhân trở thành một khối gắn kết.
Mình sẽ cố hết sức để không hé lộ cốt truyện, vì mình biết còn rất nhiều anh em chưa có điều kiện trải nghiệm trò chơi này vì nhiều lý do, hoặc máy tính chưa đủ cấu hình hay chưa có thời gian để nghiền ngẫm tác phẩm.
Nói một cách ngắn gọn, chuyến hành trình của anh em trong Black Myth Wukong yêu cầu anh em đến với những vùng đất, gặp gỡ, và hầu hết thời gian là chiến đấu với những nhân vật vô cùng quen thuộc, để đòi lại 6 mảnh phần hồn của Đấu Chiến Thắng Phật, Tôn Ngộ Không, sau trận chiến với Nhị Lang Thần ở đầu trò chơi.
Vấn đề lại nằm ở chỗ, 6 mảnh phần hồn ấy không chỉ đơn thuần là con số để game có thời lượng vừa đủ. Càng đọc nhiều trên các mạng xã hội, rồi bỏ thêm thời gian nghiên cứu về cả cốt truyện của Tây Du Ký lẫn tư tưởng Phật giáo, lại càng thấy kết cấu của trò chơi này hoàn hảo cả về ngữ nghĩa, lẫn những giá trị mà biên kịch của trò chơi đưa vào. Rồi càng đọc nhiều những chia sẻ của các anh em trên mạng xã hội lại càng hiểu được vì sao cốt truyện và các nhân vật lại được triển khai như vậy.
Nguyên tác tiếng Trung, 6 relics, 6 mảnh phần hồn của Tôn Ngộ Không bay tứ tán sau trận chiến với Nhị Lang Thần được gọi là lục căn. Theo quan niệm Phật giáo, lục căn là nguồn gốc tạo nên một con người: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Lục căn, sáu giác quan ấy tương tác với lục trần: Màu sắc, âm thanh, hương, vị, cảm giác và hiện tượng. Chính từ lục căn và sự tương tác của nó với lục trận, 6 phiền não của con người hiện diện: Tham lam, sân hận, ngu dốt, ngạo mạn, ngờ vực và ác kiến.
Đẳng cấp của các nhà làm game Trung Quốc, vốn ban đầu xuất thân từ một studio làm phim hoạt hình, đây là tác phẩm AAA đầu tay của họ, đó là họ sở hữu dàn biên kịch đủ xuất sắc để cùng lúc tạo ra 6 chương của trò chơi, vừa đưa đủ 81 con quái vật và đối thủ từng hiện diện trong Tây Du Ký, vừa áp dụng và khai thác đúng câu chuyện của những nhân vật trong từng chương để thể hiện hoàn hảo 6 phiền não của con người, cùng lúc không thoát khỏi giới hạn nội dung trong bộ tiểu thuyết của nhà văn Ngô Thừa Ân.
Đến đây là có vấn đề rồi. Các nhà làm game Trung Quốc triển khai những ẩn ý đầy giá trị, tạo ra chiều sâu cho 6 chương của game theo cách bắt người chơi phải tự nghiên cứu và đọc hiểu. Cách này thật ra không mới, FromSoftware đã làm với Dark Souls, Bloodborne hay Elden Ring từ lâu rồi. Nhưng lý do cách kể chuyện cho người chơi tự hiểu thông qua những đoạn cắt cảnh, những thông điệp hiện hữu trong game chỉ giới hạn trong chính thế giới của trò chơi ấy.
Còn với Black Myth Wukong, người chơi sẽ còn phải tìm hiểu luôn cả giáo lý Phật giáo để hiểu rõ mọi biến đổi tâm lý của từng nhân vật trong trò chơi này, và những thông điệp ẩn giấu phía sau từng chương, từng đoạn cắt cảnh, từng bức tranh vẽ lại các điển tích trong Tây Du Ký. Đó là thứ không phải ai, kể cả những người chơi ở Việt Nam hay Trung Quốc có thể làm được, chứ đừng nói đến những gamer phương Tây.
Hầu hết người chơi game phương Tây đều đã quá quen thuộc với những tác phẩm được lấy cảm hứng từ Tây Du Ký, 7 Viên Ngọc Rồng chẳng hạn. Nhưng bản thân nguyên tác và những ẩn ý của Tây Du Ký ra sao, không nhiều người quan tâm.
Chính vì việc thiếu thông tin, rất có thể kết thúc đầu tiên của trò chơi này, thứ hầu hết mọi người sẽ chạm tới, cảm giác sẽ vô cùng nhạt nhẽo và khó hiểu. Nhưng mình có thể chia sẻ như thế này, chiếc vòng kim cô luôn là trung tâm của câu chuyện game.
Có một vấn đề nữa, ngay cả ở thời điểm hiện tại, có vẻ như những bí mật ẩn giấu trong Black Myth Wukong vẫn chưa được khám phá hết, hoàn toàn có thể tạo ra một bước ngoặt nữa cho câu chuyện vốn đã rất có chiều sâu này.
Có lẽ hay là được, giải thưởng không quan trọng
Ý của mình là như thế này. Tranh cãi về việc trò chơi nào xứng đáng giành danh hiệu Game of the Year năm nào cũng có. Rất hiếm khi tất cả cùng đồng tình với nhau về một tác phẩm xứng đáng, ví dụ như năm 2017 là The Legend of Zelda: Breath of the Wild, hay năm 2022 là Elden Ring. Còn lại năm nào cũng có cãi nhau hết.
Chẳng hạn năm 2014, mọi người khẳng định Dark Souls II và Middle-earth: Shadow of Mordor xứng đáng hơn Dragon Age: Inquisition. Năm 2015, người ta nói Bloodborne và Metal Gear Solid V xứng đáng hơn The Witcher 3. Năm 2016 thì là Uncharted 4 chứ không phải Overwatch. 2018 thì nhiều người cho rằng Red Dead Redemption 2 xứng đáng hơn God of War. Năm 2019, là tranh cãi giữa các fan của Sekiro và những người hâm mộ Death Stranding…
Năm nay, nhìn tình hình thị trường game không có một tác phẩm nổi bật hoàn toàn so với phần còn lại của thế giới game, tức là tác phẩm nào cũng sẽ có những khía cạnh xứng đáng để trở thành Game of the Year. Từ Dragon's Dogma 2 cho tới Helldivers 2, từ Final Fantasy 7 Rebirth cho tới cả Black Myth Wukong nữa.
Nhưng đánh giá trò chơi nào xứng đáng nhất luôn là một quy trình định tính, với cả những bình chọn của các nhà phê bình lẫn cộng đồng hâm mộ trên toàn thế giới. Mỗi người sẽ có gu khác nhau, từ đó ảnh hưởng tới kết quả bầu chọn.
Câu hỏi được đặt ra là, anh em chọn một tác phẩm để thưởng thức vì nó đạt giải, hay vì nó có cả cốt truyện lẫn lối chơi xuất sắc? Black Myth Wukong rất khó có được lợi thế để trở thành GOTY vì lối chơi nhập vai hành động không nhiều đột phá, cùng cốt truyện phải bỏ thời gian nghiên cứu để hiểu hết. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc, nó không phải một trò chơi tuyệt hay.