Vì sao máy tính của "ngày xưa" chỉ toàn một màu xám be? Vì sao giờ chẳng thấy chúng đâu nữa?

P.W
10/7/2021 11:12Phản hồi: 41
Vì sao máy tính của "ngày xưa" chỉ toàn một màu xám be? Vì sao giờ chẳng thấy chúng đâu nữa?
Cái thời những năm 90 của thế kỷ trước, khi bố mẹ mua những cỗ máy tính cá nhân đầu tiên, chạy Windows 95 để trong nhà, hẳn anh em cũng đã quá quen với những chiếc monitor dùng bóng đèn hình và case máy tính nho nhỏ bỏ dưới gầm bàn với tông màu xám be không thể lẫn đi đâu được. Hoặc, sau nhiều năm, cái màu be trên bề mặt những miếng vỏ nhựa của máy tính dần dần xỉn sang màu vàng. Một ví dụ khác là chiếc máy PlayStation đời đầu hồi năm 95 anh em được sở hữu.

Đã từng có thời, ngoài màu xám be ra, thời cha mẹ chúng ta chẳng có lựa chọn máy tính màu khác. Trên lý thuyết thì tông màu này không chính xác là màu be mã Pantone 14-1118 TPX. Hầu hết những thiết bị điện toán thập niên 80 và 90 đều là những dải màu từ trắng ngà đến trắng xám. Cá biệt có cả hãng đặt tên cho tông màu sản phẩm của họ, ví dụ như Apple gọi màu sắc máy tính họ sản xuất là “Putty”. Vài hãng khác thì mô tả màu sắc sản phẩm của họ giống như “tông sáng nhạt của vải lanh chưa tẩy trắng.”

[​IMG]

Nhưng rồi cũng đùng một cái, làng sản xuất linh kiện và máy tính toàn thế giới cũng dừng sử dụng màu sắc này để sản xuất thiết bị điện toán. Giờ máy tính có đủ màu, từ trắng tinh đến đen nhám, từ hồng đến… RGB. Chỉ duy nhất một điều, không hề thấy những sản phẩm và linh kiện màu be hiện diện trên thị trường nữa. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Hồi năm 2017, một YouTuber có tên kênh VWestlife đã làm một video clip, qua đó đổ lỗi cho việc máy tính màu xám be bị tuyệt chủng là vì một sản phẩm đã quá nổi tiếng: IBM ThinkPad. Anh dẫn nguồn một cuốn sách tổng hợp lịch sử ngành laptop thế giới thuở sơ khai có tên là “ThinkPad: A Different Shade of Blue” của hai tác giả Deborah Dell và Gerry Purdy. Trong cuốn sách ấy, hai tác giả Dell và Purdy cho rằng, IBM chính là công ty đã phá bỏ xu hướng sản xuất sản phẩm màu xám be, và đưa ra khẳng định rằng, quãng năm 80 90 của thế kỷ trước, máy tính toàn thế giới phải có màu sắc ấy vì một điều luật được chính phủ Đức đặt ra.




Cụ thể hơn, theo cuốn sách này, “vào cuối những năm 1970, nước Đức thiết kế những tiêu chuẩn chung cho công việc văn phòng, qua đó yêu cầu tất cả các trang thiết bị máy tính trong các văn phòng của các công ty đều phải có những màu sắc sáng sủa, và những tiêu chuẩn ấy dần được các quốc gia châu Âu và Bắc Âu áp dụng. Và rồi, trong thập niên 1980, tất cả những sản phẩm với những màu sắc khác xám trắng hoặc trắng tinh cơ bản đều bị loại bỏ hoàn toàn khỏi ngành công nghiệp máy tính điện toán toàn cầu vì lo ngại không đạt quy chuẩn, dẫn đến việc không được sử dụng trong các doanh nghiệp ở châu Âu.”

Tiếp tục, cuốn sách này nói rằng IBM lúc đó muốn tạo ra khác biệt so với những sản phẩm của đối thủ cạnh tranh bằng cách tung ra một chiếc máy tính xách tay màu đen tuyền, nhưng rồi họ vấp phải sự phản đối của chi nhánh IBM bên Đức, đến mức IBM còn tính đến nước sản xuất một chiếc ThinkPad màu be chỉ phục vụ thị trường Đức (và cũng bị từ chối). Cuối cùng thì IBM Đức cũng phải chịu thua, “chấp nhận việc sử dụng màu đen, với điều kiện phiên bản máy tính bán ở Đức phải in dòng chữ rất to trên cuốn hướng dẫn sử dụng, rằng ‘Sản phẩm này không phục vụ cho tác vụ văn phòng.’”

Tinhte_PC3.png

Vấn đề là, không thể tìm thấy bất kỳ điều luật nào của Đức yêu cầu máy tính sử dụng trong tác vụ văn phòng phải có “màu sáng” cả. Mascha Tobe của bảo tàng máy tính Computerspiele Museum tại Berlin, Đức khẳng định: “Kể cả có điều luật yêu cầu như thế thì tôi cũng chưa bao giờ biết đến nó cả.” Một sử gia khác của ngành máy tính, Christian Bartsch thuộc Cộng đồng Bảo tồn Phần mềm của Đức thì cho rằng ông “không thể tìm được bất kỳ bộ luật nào yêu cầu máy tính phải có vỏ ngoài màu be” cả, nhưng cũng cho biết thêm, quy định nơi công sở ở Đức về cơ bản là vô cùng nghiêm ngặt, lấy ví dụ “phải tránh việc màn hình và đồ vật xung quanh có màu sắc quá tương phản.”

Sau đó, đến lượt Pillsbury Winthrop Shaw Pittman, một hãng luật chuyên trách về các bộ luật liên quan tới máy tính điện toán và trò chơi điện tử cũng đã phải nhờ tới một thủ thư nghiên cứu để tìm một bộ luật liên quan tới việc máy tính phải có màu xám be. Và kết quả là nhà nghiên cứu cho biết anh ấy “không tìm được bất kỳ điều khoản luật nào được ban hành chính thức” mà cũng chỉ có “vài yêu cầu và bình luận.”

Tinhte_PC6.jpg

Tạm thời có thể gạt lý do máy tính những năm 80 và 90 toàn màu xám be là vì luật pháp Đức yêu cầu, nhưng cũng không thể phủ nhận một điều, đúng là xu hướng thiết bị điện toán 40 năm về trước không có nhiều lựa chọn về mặt màu sắc. Kể cả nước Đức có ra bộ luật yêu cầu hay không, thì một điều rõ ràng là các hãng luôn cố gắng phổ biến hóa việc sử dụng máy móc giúp ích cho con người trong các văn phòng, và để làm được điều đó, các sản phẩm đều phải đáp ứng văn hóa nơi công sở, nghĩa là sử dụng màu sắc càng ít ấn tượng càng tốt. Nó cũng phần nào thành công, như cách một bài viết của tờ New York Times đăng tải vào năm 2002, cho rằng: “Máy tính màu be xuất hiện ở những văn phòng vào thập niên 80, khi phong cách quản lý thời đó coi thường mô hình cấp bậc và đề cao phẩm chất làm việc nhóm, tạo ra một môi trường công sở bình đẳng hơn trước.”

Quảng cáo



Tinhte_PC2.png

Cũng là bài viết ấy cho rằng, các quản lý văn phòng công sở lúc bấy giờ muốn tiêu chuẩn hóa trang thiết bị, và phó chủ tịch của Gateway lúc đó là Mike Stinson cho rằng: “Trên thương trường, họ không muốn những thứ mới trông quá khác biệt so với những thứ đã cũ." Và một khi thị trường chấp nhận cái màu sắc nhạt nhẽo ấy, thì không gì cản được xu hướng ấy cả.

Đi đúng trọng tâm hơn và phần nào giải thích hợp lý hơn, bài viết của NYT cho rằng chọn màu xám be một phần là để giảm thiểu chi phí, khi màu sắc đó là lựa chọn mặc định từ phía các đơn vị cung cấp linh kiện máy tính sản xuất tại Đông Á, từ ổ đĩa mềm cho đến ổ đĩa CD. Tác giả bài viết, Steve Lohr cho rằng: “Chỉ đến những năm về sau, giám đốc mỹ thuật công nghiệp khi ấy của Dell, Steve Gluskoter, mới nhận ra rằng thị phần sản phẩm của họ đủ lớn để không phải trả thêm một khoản chỉ để sơn đen linh kiện máy tính.”

Những mẩu thông tin nho nhỏ ấy qua thời gian không giải đáp nhiều thứ cho chúng ta, mà chỉ đưa ra thêm nhiều câu hỏi. Tại sao những gã khổng lồ trong ngành máy tính ở Đông Á thời ấy lại chọn màu be làm màu sắc mặc định, sản xuất thiết bị số lượng lớn dựa trên tông màu này? Phải chăng lựa chọn của họ có liên quan tới điều luật lao động bí ẩn kể trên của Đức, hay trước cả thời điểm ấy màu be đã trở nên phổ biến? Cũng có một điều vô cùng chắc chắn, đó là xu hướng màu sắc của máy tính điện toán nơi công sở khi ấy rất khác so với xu hướng chung của thiết bị điện tử, thường dùng hai tông màu chính đen hoặc bạc, đôi khi ứng dụng cả vân gỗ trên những chiếc TV, dàn HiFi hay cả máy điện tử nữa. Cũng lạ khi máy tính điện toán chưa bao giờ ứng dụng màu vân gỗ, với một trường hợp đặc biệt là chiếc máy chơi game Atari 2600:

Tinhte_PC1.png

Và cuối cùng, xu hướng máy tính xám be dần biến mất sau khi IBM ra mắt chiếc ThinkPad nguyên một màu đen tuyền, còn Apple cùng lúc ra mắt chiếc máy tính iMac với đầy những màu sắc tươi tắn bắt mắt trong thập niên 90. Bài viết của NYT dẫn lời vị giám đốc của Hewlett Packard, Tom Anderson, cho rằng những người mua máy tính cá nhân dùng trong gia đình “muốn tránh xa màu be vì có cảm giác như máy tính dùng ở nơi làm việc”, một cái xu hướng diễn ra đến tận ngày hôm nay, chỉ khác là thay vì vỏ máy nhiều màu, thì chúng ta có đèn RGB 16 triệu màu lập lòe vui mắt.

Quảng cáo



Tinhte_PC5.jpg

Ngay cả ở những văn phòng hiện giờ, màu đen đã trở thành màu sắc chủ đạo của những hệ thống PC phục vụ công việc. Thời đại màu be có lẽ đã chính thức kết thúc. Nhưng, nếu chúng ta xét đến xu hướng của thời trang, thì cứ vài năm, một xu hướng cũ sẽ được trở lại và cách tân để hợp thời hơn. Biết đâu đấy, quãng 20 năm nữa, những linh kiện cao cấp nhất lại có những tông màu trắng tinh hay xám trắng thì sao?

Theo Kotaku
41 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Mình cũng thích màu sắc của các dòng máy tính ngày xưa hơn, mang 1 nét cổ điển đặc trưng mà các dòng máy tính hiện nay ko có được 😃
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
@crazysexycool1981 Vì nó là "đồ cổ" mà bác =))
@Phức Hợp Giờ xài đồ hiện đại mà vẫn có nét cổ của ngày xưa sẽ thấy kích thích hơn 😁
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
@crazysexycool1981 mấy cái PC cổ, nhìn nó vẫn đẹp mạnh mẽ thế nào ấy nhỉ <3
@c0mmand0 Nét đẹp về hoài niệm quá khứ, đó là thứ khiến mấy loại máy kiểu này vẫn còn gây được ấn tượng đó chú, nhất là với những ai từng trải qua giai đoạn đó 😁
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
Sunrai
ĐẠI BÀNG
3 năm
Bẩn chết đi được, sau nó ố ố vàng vàng nhìn khó chịu.
Sunrai
ĐẠI BÀNG
3 năm
@vodanhdaisu Đúng thật, bây giờ nhân viên mới vào mà được sắm cho máy mới nhìn cũng tức, mà máy mới giờ chỉ hơn nhau 1 năm nó đã khác í.
@Sunrai nó hơn 2 nhân, x2 ram và cái vỏ đẹp hơn
HKS-Eternity
ĐẠI BÀNG
3 năm
@vodanhdaisu Làm thế tuyệt chủng là phải. Chả ai muốn đồ dùng của mình cũ đi cả
@vodanhdaisu Có lẽ là ngược lại, họ muốn phân biệt máy mới và máy cũ để phân biệt đẳng cấp.
Mr_Khuyen
TÍCH CỰC
3 năm
Nó là mầu của thời đại. Thời nào thì có mầu của thời đó. Nó giống như mốt thời trang vậy.
Mình không để ý, giời mới hiểu, thanks!
Mình vẫn thích chiếc Leopold 980 màu be đi cùng keycap stock. Đó là lý do đây là chiếc phím cơ stock non-gaming đầu tiên mình mua
màu này, màu nọ, màu vải lanh chưa tẩy trắng, màu ghi, màu cháo lòng, màu vàng kem....sao loằng ngằng thế? xanh đỏ tím vàng lục lam đen trắng đậm nhạt là đủ. chi tiết quá thì ai mà biết nó là màu gì? vì một số đồ chưa thấy bao giờ. hoặc nên quy định bằng số các màu cơ bản. vd: 1 là màu đỏ, 2 là màu hồng, 3 màu xanh lam, 4 xanh lục.... 23-45 là màu pha trộn giữa màu 23 và 45 cho đỡ phải ví von so sánh.
@A to Z Bác có biết nội cái chuyện màu xanh cũng có hàng chục tên gọi khác để phân biệt không, nếu ko thì làm sao mô tả được ... nếu ko biết có thể gg màu đó , vd bác đi mua hàng muốn mua 1 thứ màu xanh thay vì đứng diễn giải xanh nó trông như nào thì bác chỉ cần nói : xanh cổ vịt, xanh thiên thanh, xanh lá mạ, xanh biển, xanh hoàng gia, cyan, xanh ngọc bích ... dễ cho người bán ko ?
renzoson
ĐẠI BÀNG
3 năm
@A to Z Vãi, bác mà làm giám đốc marketing thế thì chết. Giả sử đánh màu theo mã như bác, bác sẽ quảng cáo trên truyền thông "iphone đã màu mới rất hot, đó là màu số 23" à =)) và khách hàng đếu thể hiểu màu 23 là cái màu gì cả, và chẳng phải ai cũng rảnh phải lên lại website để dò xem màu 23 là mẫu màu gì. Đến cả bên mỹ thuật cũng chẳng quy ước thế, chả nhẽ hỏi họa sĩ bạn dùg màu nào tô mảng tranh này thế, tôi dùng màu 2, 12, 45 à. Chưa nói tới thực tế có hàng tỷ màu sắc, kể cả áp dụng phổ màu rgb đơn thuần thôi đã hơn 16 triệu màu rồi, bác định đánh số từ 1 đến 16 triệu cho sản phẩm à 😆
Cái cách đặt mã số của bác chỉ phù hợp cho quy ước nội bộ của cty, đơn vị sản xuất phục vụ cho việc quản lý. Chứ marketing cho thị trường mà thế thì nó mất hết độ thu hút trong quảng cáo
valve
TÍCH CỰC
3 năm
@A to Z Suy nghĩ của người dốt nó khác suy nghĩ của hãng
HoangSong
TÍCH CỰC
3 năm
Đến khi hết thời sử dụng các sản phẩm điện tử màu be thì mới biết đc thứ dùng để tẩy ố mà mấy chỗ sửa chữa máy tính hay sử dụng để làm mới mua đi bán lại...
nuoc-tay-da-nang-sumo-700g-201912251116113410.jpg
@Hoang Song Xưa mình cũng mua chai này để lau vỏ monitor 😆
Tùy gu của từng người, cá nhân mình lại thích màu đó. Tuy nhiên ngày xưa chất lượng vật liệu không tốt như bây giờ nên nhanh xuống màu, chứ nêud vật liệu tốt thì vẫn đẹp chán 😆
XBlue
CAO CẤP
3 năm
@gatheringviolet Vậy liệu siêu bền và gia công rất sắc nét nhé, ko như bây h, trừ Apple
nghia3d
CAO CẤP
3 năm
màu đẹp vkl, chất liệu sờ vào cũng thích 😔
Kiểu như Apple thiết kế iphone từ bo tròn 2G rồi đến vuông 4-5, sau đó lại quay lại bo tròn 6-7-8-X,11 rồi cuối cùng lại quay lại Vuông ở 12. Một vòng tròn mãi mãi!
vì nó là xu thế , giống như ip bây giờ là xu thế, nao lại có người hỏi tại sao ngày xưa ngta toàn dùng ip còn bh nó lại biến mất @@
HKS-Eternity
ĐẠI BÀNG
3 năm
@toivaem986 Xu thế biến mất thì phải nói tới nokia
@HKS-Eternity Tương lai chưa biết trước đc cụ à, ip cũng chỉ mới tồn tại chục năm nay thôi
GragonV
CAO CẤP
3 năm
Ibm đen cũng chưa nổi bật. Đình đám và chính thức phá vỡ sự nhàm chán này đúng là Apple với huyền thoại iMac G3 màu bondi blue ^^
thucgiac21
ĐẠI BÀNG
3 năm
Ở Nhật thấy đồ dùng nhà cửa toàn màu này, nhà mình thuê, mấy cái cửa tủ, đồ dùng nhà tắm, phòng WC, đến cả giấy dán tường cũng toàn cái màu này. Màu này được cái hay là đồ cũ hay mới nó cũng gần gần như nhau chả phân biệt, vì nhìn nó đều bẩn bẩn.
có vẻ như màu đen hoặc tối màu sẽ cho sự tập trung tốt hơn so với màu sáng. Như điện thoại, màn hình hay máy đọc sách màu đen thì mình hầu như ko bao h để ý đến viền. Nhưng màu trắng thì lại rất hay để ý
phiên bản PS4 kỉ niệm 20 năm cũng dùng tông màu này như của PS1 đời đầu, nhìn quá đẹp
https://www.techadvisor.com/cmsdata/features/3591010/PS4_special_anniversary_edition.jpg
ark_ff9
CAO CẤP
3 năm
Mình nghĩ vì màu be là màu trung tính nhất.
HKS-Eternity
ĐẠI BÀNG
3 năm
Giờ cứ phải rgb lập lòe 😆 cái màu be này dùng 1 thời gian chuyển sang màu cháo lòng với vàng khè. Kém sang lắm
văn phòng tiêu chuẩn 3 đến 5 năm lại thay máy, chả đủ thời gian cho nó ố. giờ nhìn đâu cũng màn hình, cục máy đen sì sì trông đến chán.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019