Vì sao năng lực cạnh tranh CNTT VN xếp hạng chót bảng (61/64)?

dihuta
17/8/2007 6:1Phản hồi: 0
Vì sao năng lực cạnh tranh CNTT VN xếp hạng chót bảng (61/64)?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 4136/VPCP-QHQT ngày 25/7, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo Chính phủ về việc của Tổ chức thông tin kinh tế (EIU) xếp hạng năng lực cạnh tranh CNTT của Việt Nam đứng thứ 61/64.


Thế mạnh của VN là nguồn nhân lực sẵn sàng cho ngành CNTT-Truyền thông.


Theo báo cáo này, Việt Nam được xếp thứ 61 trong tổng số 64 nước, nền kinh tế được đánh giá. Nhìn chung, điểm số của Việt Nam cho các nhóm chỉ tiêu đều đứng ở khu vực gần cuối trong tổng số 64 nước, nền kinh tế.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trong 2 nhóm tiêu chí là hạ tầng và môi trường nghiên cứu phát triển thì điểm số của Việt Nam (cũng như nhiều nước đang phát triển) rất thấp, gần như bằng không.

Trong báo cáo của EIU, có một mục riêng mang tiêu đề "Những ngôi sao đang lên của ngày mai". Tuy đứng ở vị trí 61/64, nhưng Việt Nam vẫn được EIU đánh giá là một "ngôi sao" cùng với Malaixia, Brazin, Nga, Ba Lan, Hungary.

Theo EIU thì thế mạnh của Việt Nam chính là nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ người Việt Nam đang làm việc trong ngành CNTT&TT ở nước ngoài cùng với sự quan tâm của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng thông tin.

Tại sao VN được đánh giá đứng thứ 61/64?

Thứ nhất: Trong 25 tiêu chí so sánh có 13 tiêu chí mang tính định tính và 12 tiêu chí định lượng. Các số liệu để tính giá trị cho 12 tiêu chí định lượng được lấy từ nguồn của các tổ chức IDC, Pyramid Research, UNESCO, WB, WIPO, IMF, OECD. Số liệu không hoàn toàn cập nhật, nhiều số liệu theo thống kê của các tổ chức từ năm 2004. Trong số 12 tiêu chí định lượng, số liệu gồm có:
+ 3 tiêu chí của năm 2006.
+ 3 tiêu chí của năm 2005.
+ 6 tiêu chí của năm 2004.

Như vậy có tới 50% số liệu định tính là số liệu từ năm 2004. Vì vậy,tuy bản báo cáo được công bố 2007 nhưng thực chất là đánh giá cho giai đoạn 2002-2006.

Thứ hai: Mục đích của hệ thống chỉ số trên đây là nhằm so sánh những điều kiện cần thiết hỗ trợ cho một nền công nghiệp CNTT mạnh có sức cạnh tranh quy mô toàn cầu. Nhiều chỉ số thể hiện mức độ thu, chi của chính phủ và xã hội cho thiết bị, phần cứng, phần mềm, dịch vụ, máy tính, thuê kênh, cho nghiên cứu và phát triển, bản quyền,... gắn liền với khả năng tài chính của Nhà nước và thu nhập của người dân nên những nước đang phát triển sẽ chỉ đạt được điểm rất thấp đối với những chỉ số này.

Chỉ số cạnh tranh trong ngành công nghiệp CNTT với GDP trên đầu người có liên quan rất chặt chẽ. Nhìn chung, những nước có GDP trên đầu người càng cao thì vị trí chỉ số cạnh tranh công nghiệp CNTT cũng càng cao. Khi so sánh Việt Nam với các nước cho thấy độ chênh lệch GDP bình quân đầu người cao hơn nhiều so với mức độ chênh lệch chỉ số cạnh tranh công nghiệp CNTT.

Quảng cáo



Cụ thể, trong số 64 nước, nền kinh tế có có 22 nước, nền kinh tế có GDP bình quân gấp từ 8 đến 15 lần Việt Nam, trên 30 nước có GDP bình quân đầu người gấp từ 2 đến 7 lần Việt Nam. Có thể thấy, mặc dù khoảng cách về trình độ phát triển nói chung còn xa nhưng Việt Nam có cố gắng lớn trong việc rút ngắn khoảng cách về các chỉ số liên quan tới BCVT, CNTT. Việc Việt Nam được đưa vào danh mục 64 nước, nền kinh tế có sức cạnh tranh nhất về công nghiệp CNTT cũng là dấu hiệu tích cực .

Thứ ba: Nhiều tiêu chí quan trọng không chỉ liên quan trực tiếp tới tiềm lực tài chính của Chính phủ và của xã hội mà còn liên quan, đòi hỏi các chính sách phát triển lâu dài. Ví dụ, nhóm tiêu chí về "Môi trường nghiên cứu phát triển", có tiêu chí "Số bằng sáng chế đăng ký mỗi năm trên 100 dân" với trọng số tới 65%. Nhóm tiêu chí về "Hạ tầng CNTT" có tiêu chí "Số máy tính trên 100 dân" vớitrọng số tới 60%. Nhóm tiêu chí về "Nguồn nhân lực" có tiêu chí " Năng lực của hệ thống giáo dục trong việc đào tạo cán bộ về công nghệ có kỹ năng thương mại (quản lý dự án, v.v...) với trọng số 60%.

Một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh về công nghiệp CNTT - Những kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh về công nghiệp CNTT của EIU cũng cho ta những gợi ý về một số định hướng cần tập trung chỉ đạo để nâng cao môi trường thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp CNTT. Cách đơn giản và cũng là hợp lý nhất là bám sát vào 25 tiêu chí của EIU để có những chỉ đạo cụ thể.

- Đối với những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của mình, những năm qua, ngành BCVT đã rất nỗ lực xây dựng và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương chính sách mà về thực chất cũng bám rất sát các tiêu chí của các tổ chức quốc tế, trong đó có EIU. Đó là tập trung đi thẳng vào công nghệ hiện đại, băng thông rộng, tạo điều kiện thuận lợi về giá cả và truy cập cho mọi người dân cũng như tạo môi trường thông thoáng, tôn trọng sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp CNTT phát triển.

- Tuy nhiên, như đã báo cáo ở phần trên, có nhiều vấn đề không chỉ giới hạn trong ngành CNTT-TT. Để sức cạnh tranh của ngành CNTT được nâng cao - với tư cách một ngành kinh tế mũi nhọn, hướng về xuất khẩu - cần có sự chỉ đạo đồng bộ toàn diện từ hạ tầng đến nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý, môi trường nghiên cứu phát triển, và đặc biệt là vai trò hỗ trợ, tiên phong của Chính phủ.

Đây chính là thách thức lớn ở tầm chiến lược đối với CNTT ở các nước đáng phát triển, trong đó có nước ta. Nếu không có quan tâm ở tầm chiến lược dài hạn, có sự tập trung đầu tư đủ ngưỡng cho ứng dụng và phát triển CNTT cùng những yếu tố liên quan như nói trên (nhất là về môi trường nghiên cứu phát triển) thì về lâu dài không thể cạnh tranh được. Đặc biệt, đối với CNTT, ngoài vấn đề cạnh tranh trên phương diện một ngành KTKT còn liên quan chặt chẽ tới khả năng làm chủ, kiểm soát các yếu tố về ANQP.

Quảng cáo



Thứ tư: Như đã phân tích ở trên, chỉ số cạnh tranh công nghiệp CNTT phụ thuộc nhiều vào tiềm lực tài chính của Chính phủ, thu nhập của người dân. Đồng thời, có những chỉ tiêu có thể cải thiện nhanh nhưng nhiều chỉ tiêu chỉ có thể được cải thiện sau một thời gian với những chính sách vĩ mô đúng đắn.

Đối với một số tiêu chí, như về hạ tầng, cách nhìn nhận, đánh giá của EIU trong báo cáo này cũng khác so với các báo cáo khác của chính EIU cũng như các tổ chức khác. Trong báo cáo này, điểm số về hạ tầng CNTT của Việt Nam rất thấp, chỉ đạt 0,6%.

Trong khi đó, theo đánh giá của chính EIU về chỉ số sẵn sàng điện tử (e-readiness) thì chỉ số về năng lực kết nối và hạ tầng CNTT củaViệt Nam lại có số điểm khá tốt và liên tục tăng từ năm 2003: 0.6, năm 2004: 0.92, năm 2005: 1.25, năm 2006: 1.6 và năm 2007: 2.25. Lý do là trong báo cáo này, hạ tầng CNTT được EIU nhìn nhận như khả năng thâm nhập của máy tính vào mọi lĩnh vực sản xuất, đời sống thay vì chỉ là khả năng sử dụng các dịch vụ viễn thông thông thường.

Một điểm đáng lưu ý khác là chỉ số cạnh tranh trong ngành công nghiệp CNTT của EIU rất trùng khớp với chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới-WEF(Việt Nam đứng thứ 77). Hầu hết các nước có chỉ số cạnh tranh toàn cầu cao hơn Việt Nam cũng có chỉ số cạnh tranh trong ngành công nghiệp CNTT cao hơn Việt Nam.

Đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông với Thủ tướng Chính phủ:

Thứ nhất: Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Chương trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2007-2010 theo tinh thần đổi mới tư duy, không thiết lập một "siêu đề án" theo kiểu Đề án 112 mà hướng trao quyền chủ động và trách nhiệm trực tiếp cho người đứng đầu các cơ quan nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung hướng dẫn khung về kiến trúc để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ. Một vấn đề quan trọng là chương trình chỉ có thể thực hiện được nếu các Bộ ngành và các tỉnh, thành phố quan tâm thực sự tới ứng dụng CNTT.

Nếu không có sự quan tâm thực chất thì trước nhiều yêu cầu bức xúc khác như sản xuất, giao thông, phòng chống dịch bệnh... CNTT vẫn chỉ quan trọng, chiến lược về mặt lý thuyết. Một thể hiện cụ thể của sự quan tâm là ưu tiên bố trí kinh phí đủ ngưỡng và đội ngũ cán bộ làm CNTT ở các cấp. Bộ Thông tin và Truyền thông kính đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt Chương trình và có ý kiến chỉ đạo để Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh, thành phố dành sự quan tâm, ưu tiên thực sự cho nguồn lực để triển khai chương trình.

Việc thực hiện chương trình này không chỉ có ý nghĩa đối với cải cách hành chính mà còn là điều kiện cần thiết, thúc đẩy CNTT được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực sản xuất, đời sống. Đây chính là một tiêu chí quan trọng như EIU đánh giá. Đồng thời với chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tích cực triển khai các chương trình sử dụng Quỹ viễn thông công ích để đưa Internet băng rộng và máy tính giá rẻ về các vùng nông thôn nhằm cải thiện nhanh tiêu chí về hạ tầng.

Thứ hai: Vấn đề tạo môi trường cho Nghiên cứu và Phát triển không chỉ đòi hỏi sự đầu tư trực tiếp cho các cơ quan nghiên cứu của Chính phủ. Điều quan trọng hơn là cơ chế đòn bẩy kinh tế - chủ yếu bằng chính sách thuế và tín dụng - khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển.

Trong lĩnh vực CNTT, trước hết cần thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, có uy tín để Việt Nam thực sự trở thành một mắt xích trong dây chuyền toàn cầu của các tập đoàn này. Những cơ chế ưu đãi có thể ảnh hướng đến nguồn thu ngân sách nhưng nếu không quyết tâm thì không bao giờ có. Ngành công nghiệp CNTT của Ấn Độ được ưu đãi tối đa về thuế từ những năm 1980, sau 20 năm mới có kết quả hôm nay.

Hiện nay, nhiều tập đoàn muốn đầu tư vào Việt Nam để thiết lập các cơ sở công nghiệp phần cứng quy mô rất lớn cho thị trường toàn cầu cũng như các cơ sở phát triển phần mềm. Để có thể cạnh tranh với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam cần có những ưu đãi về thuế và các hỗ trợ rất mạnh mẽ. Đây là vấn đề rất chiến lược, cần có sự quyết đáp kịp thời để tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư.

Thứ ba: Nguồn nhân lực CNTT (cả ứng dụng và phát triển) là yếu tố hết sức quan trọng để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT trong đó đã đề xuất những giải pháp mang tính đột phá. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Quy hoạch. Tuy nhiên, để Quy hoạch được thực hiện có hiệu qủa, rất cần chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Mặt khác, như báo cáo ở trên, EIU đánh giá rất cao nguồn lực người Việt Nam hiện đang làm việc trong lĩnh vực CNTT&TT ở các nước phát triển, coi đây là một trong những yếu tố để Việt Nam có thể có bước bứt phá trong những năm tới. Bộ Thông tin và Truyền thông kính đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo để các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ chế thiết thực, cụ thể để huy động lực lượng này.

Thứ tư: Về sở hữu trí tuệ, gần đây Chính phủ đã có một số quyết định thể hiện sự nhìn xa và quyết tâm trong việc tôn trọng và bảo vệ bản quyền phần mềm. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, một mặt đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động (không chỉ để đối phó), coi việc mua bản quyền như một đầu tư lâu dài cho công nghiệp CNTT.

Mặt khác, trong xử lý các hành vi vi phạm cũng rất cần sự mềm dẻo để tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiết kiệm chi phí cho ứng dụng CNTT. Hiện nay, vấn đề thanh tra, xử lý vi phạm bản quyền phần mềm đang được giao cho Bộ VHTT chủ trì. Bộ Thông tin và Truyền thông kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo giao việc này cho Bộ Thông tin và Truyền thông để đảm bảo có các giải pháp xử lý đồng bộ, thích hợp với trình độ ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta.

Thứ năm: Công nghệ thông tin vừa là một công cụ, vừa là ngành kinh tế có tiềm năng phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, tính bức xúc không dễ thấy như các vấn đề như mùa vụ, dịch bệnh, giao thông...

Vì vậy, rất cần sự chỉ đạo rất quyết liệt ở tầm chiến lược. Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng phương án kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT. Việc Thủ tướng nhận lời làm Trưởng Ban chỉ đạo đã bước đầu có tác dụng động viên rất tích cực. Bộ Thông tin và Truyền thông kính đề nghị Thủ tướng sớm cho kiện toàn Ban Chỉ đạo và dành thời gian trực tiếp quan tâm chỉ đạo lĩnh vực quan trọng này.

Nguồn: VietnamNet
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019