Các hành vi quấy rối, đe dọa online có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ việc "ném đá hội đồng" một cá nhân cho đến những lời dọa cướp của, giết người, thậm chí là đe dọa hiếp dâm. Người ta đã nhận thức được nhiều về vấn đề này, nhưng vẫn chưa có cách giải quyết triệt để nào được đưa ra, và khi mà các mạng xã hội bùng nổ thì tình trạng này lại càng nghiêm trọng hơn. Vì sao lại như thế? Mời các bạn đọc qua bài viết bên dưới để hiểu rõ thêm về các hành vi phạm pháp này, cũng như cách mà người ta đang nỗ lực để hạn chế chúng.
Quấy rối và đe dọa trên mạng, một vấn đề nhức nhối
Năm 2010, một người đàn ông ở Mỹ tên Anthony Elonis đe dọa người vợ đã ly thân của mình khi viết lên Facebook một câu đại loại như: "Có một cách để yêu cô nhưng có hàng nghìn cách để giết cô. Tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi nào cơ thể của cô là một đống bầy nhày, chìm trong máu và chết vì những vết cắt". Kết quả là Elonis bị tuyên phạt 3 năm tù vì lời nói của mình.
Đến ngày 1/6 năm nay, Tòa án tối cao bác bỏ hình phạt trên, giải thích rằng tiêu chuẩn về "mối đe dọa có thật" mà tòa dùng để buộc tội Elonis là không đủ. Tòa án quận đã yêu cầu bồi thẩm đoàn cân nhắc liệu những dòng chữ của Elonis có đủ để làm cho một người bình thường sợ hãi hay không, và liệu bị can có thật sự muốn đưa ra lời đeo dọa hay không. Vụ án vẫn đang tiếp tục diễn ra, và kết quả của nó có thể khiến việc truy tố tác giả của những lời đe dọa trên mạng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Đây chỉ là một trong số các tình huống mà người ta bị đe dọa thông qua các phương tiện trên Internet. Caroline Criado-Perez, một nhà hoạt động vì phụ nữ và cũng là người đề xuất đặt hình ảnh phụ nữ lên tờ tiền của Anh - đã bị đeo dọa giết và hiếp dâm. Hay như Zelda Williams, con gái của diễn viên Robin William, đã phải rời bỏ Twitter vì những lời quấy rối theo sau cái chết của cha cô. Anita Sarkeesian, một nhà phê bình truyền thông, thì bị quấy rối trên mạng và thậm chí phải hủy bài thuyết trình của mình ở Đại học bang Utah khi trường nhận được lời cảnh báo về "một cuộc bắn giết ở trường học đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ" nếu cô tiếp tục bài nói của mình. Ngay tại Việt Nam chúng ta cũng đã có rất nhiều vụ "bạo hành online" khi mà nạn nhân, đa phần là các em nhỏ những cũng có nhiều người lớn, bị quấy rối thông qua các phương tiện công nghệ như Facebook, Twitter hay thậm chí là Ask.fm.
Theo một nghiên cứu của Pew Research, tại Mỹ có 25% phụ nữ trẻ bị quấy rối tình dục trên mạng, và 26% bị theo dõi. Những hành vi quấy rồi này còn là một vấn đề nghiêm trọng đến nỗi Tòa án Tối cao Mỹ đồng ý rằng nó cần phải được đối xử như việc đe dọa hay quấy rối ngoài đời thực. Và mặc dù đã nhận thức được khá nhiều về chuyện này nhưng vì sao nó vẫn còn là một vấn đề quá phổ biến như thế?
Ngay cả cảnh sát địa phương cũng khó xử lý việc quấy rối online
Việc tranh cãi với một ai đó trên mạng, điều rất phổ biến ở khắp mọi quốc gia trên thế giới, không phải là hành vi phạm pháp. Nếu bạn gọi tên ai đó ra thì cũng không bị gì cả. Nhưng nếu bạn quấy rối, theo dõi, đe dọa ai đó bằng vũ lực, hay kêu gọi người này đánh/giết người khác, thì bạn đã vi phạm pháp luật rồi, và đáng buồn là hiện nay có rất nhiều người đang làm chuyện đó. Trong các tình huống như thế, bạn có thể bị người khác kiện ra tòa vì nhiều tội danh khác nhau, từ tội xúc phạm danh dự, vi phạm quyền riêng tư cho đến cố tình gây căng thẳng về mặt tâm lý.
Nhưng điều đáng nói nhất lại là cảnh sát ở cấp địa phương thường phải mất nhiều thời gian để điều tra chuyện này. Lý do là vì một số luật ở các bang, các nước chỉ nói đến những lời đe dọa hay quấy rối được gửi trực tiếp cho người dùng. Rõ ràng việc một người đăng ảnh khỏa thân của bạn gái cũ lên mạng là hành vi quấy rối, nhưng do không được gửi thẳng đến nạn nhân nên hành vi này không nằm trong số các định nghĩa ghi trong luật. Tương tự, khi một nhóm người "ném đá" ai đó thì có thể họ không bị buộc tội vì hành động của từng cá nhân không được xem là quấy rối, trong khi hiệu quả của cả nhóm thì có.
Điều may mắn là hiện tại các cơ quan lập pháp ở nhiều quốc gia đang kêu gọi Bộ tư pháp của nước sở tại thiết lập ra những điều luật nghiêm ngặt hơn liên quan đến việc đe dọa hay quấy rối online. Các tổ chức nhân quyền cũng đang cố gắng giúp cảnh sát địa phương biết về loại hình phạm pháp mới này, cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng tìm hiểu, cũng cố luật.
Các công ty thường không để ý đến quyền riêng tư và cách bảo vệ người dùng
Quảng cáo
Vấn đề về bảo mật và an toàn cho người dùng thường là những thứ được các công ty mạng xã hội để xuống sau cùng, đặc biệt là các công ty mới thành lập. John Adams, cựu trưởng bộ phận an toàn của Twitter, nói: "Việc quấy rối là một vấn đề lớn, và nó không được lên kế hoạch để phòng chống". Hiện Adams đang làm tư vấn cho các công ty khởi nghiệp về vấn đề này. "Rất dễ để một ai đó mua 1000 máy chủ trên Amazon và xây dựng một công ty, nhưng họ không tính đến các tình huống về quyền riêng tư, bảo mật hay quấy rối online".
Ví dụ như trang mạng xã hội Yik Yak, thời gian đầu nó hoạt động khá suôn sẻ, nhưng rồi một ngày người dùng báo cáo rằng họ bị "bạo hành" và quấy rối tình dục, và một trong số họ đang vận động để đóng cửa dịch vụ này.
Vì sao lại như thế? Tờ New York Times cho biết: "Các nhà sáng lập của Yik Yak nói rằng thành công quá nhanh của ứng dụng đã khiến họ không kịp chuẩn bị cho một số vấn đề mới xuất hiện." Thật sự mà nói thì ở giai đoạn đầu của những công ty khởi nghiệp, chỉ việc giữ cho doanh nghiệp hay trang web của mình "sống" đã là một thách thức lớn. Họ không có đủ tiền, thời gian và nguồn lực để lo về các mối đe dọa với người dùng của mình, khi đó những mối đe dọa như thế cũng chẳng phải là vấn đề lớn.
Tuy nhiên, khi số lượng người dùng càng lúc càng nhiều thì mọi chuyện không còn đơn giản như thế. Del Harvey, trưởng bộ phận Tin cậy và An toàn của Twitter, từng nói rằng ở quy mô của công ty ông, một việc chỉ có xác suất xảy ra là 1 phần 1 triệu thực chất xuất hiện đến 500 lần mỗi ngày. Chính vì thế, việc đưa ra các công cụ và chính sách hữu hiệu trước khi chuyện xấu xảy đến không chỉ là một việc đúng đắn về đạo đức mà nó còn giúp các công ty tránh được những cuộc khủng hoảng và truyền thông cũng như các tác nhân có thể gây tổn hại đến danh tiếng của mình.
Các công ty công nghệ không có trách nhiệm về việc quấy rồi trên nền tảng của họ
Quảng cáo
Các doanh nghiệp có thể bị kiện vì những tổn thương gây ra cho khách hàng do sự bất cẩn hay cố tình bất cẩn ngoài đời thực, ví dụ như khi một công ty xây bãi đỗ xe mà không gắn đèn. Nhưng các công ty online thì không thể bị kiện khi họ tạo ra một môi trường có thể bị lợi dụng để thực hiện hành vi đe dọa, quấy rối. Nancy Kim, một giáo sư ở Đại học Luật Tây California, người đã dành thời gian nghiên cứu về cách mà luật pháp đang được áp dụng lên mạng, cho hay: "Một nền tảng thường sẽ bị kiện vì các vấn đề bản quyền hơn là khi có ai đó đưa ra lời đe dọa thông qua website của công ty đó".
Sự lỏng lẻo của luật pháp ở nhiều nước chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, và điều này có thể được xem như một tấm chắn bảo vệ cho các trang có nội dung xấu. Có một số trang web được lập ra chuyên nhằm mục đích post ảnh nude của người yêu cũ, hay các trang "tám chuyện" nặc danh sẽ chê bai, châm chọc một người nào đó và yêu cầu trả tiền để gỡ bỏ nội dung.
Vì lý do trên, nhiều nhà hoạt động đã yêu cầu các cơ quan chức năng sửa lại luật của họ để đảm bảo rằng các bên cung cấp nền tảng cũng phải chịu trách nhiệm khi có những hành vi đe dọa, quấy rối diễn ra trên dịch vụ của họ. Nhưng ngặt nỗi là nếu luật này được thông qua thì các công ty sẽ hạn chế những gì mà người dùng có thể nói, ngay cả khi đó chỉ là một cuộc tranh luận lành mạnh. Đây cũng là mối quan ngại của các nhà lập pháp.
Để khắc phục tình trạng khó xử này, các nhà hoạt động đề xuất rằng luật chỉ cấm và phạt các trang có nội dung xấu, có thể gây ảnh hưởng đến các cá thể. Khi đó, chỉ những trang web dùng để post ảnh nude trả thù hay các trang dùng để "ném đá hội đồng" mới bị ảnh hưởng, còn các đơn vị như Facebook, Twitter thì hầu như không gặp vấn đề gì trừ một số trường hợp nhất định.
Không có giải pháp kĩ thuật dễ dàng nào để giải quyết
Các công ty mạng xã hội thường không muốn triển khai những công nghệ che, ẩn nội dung xấu vì họ lo ngại rằng nó có thể vô tình ẩn luôn cả nội dung tốt. Tương tự, các công ty cũng rất hạn chế khóa tài khoản người dùng vì rất có thể họ sẽ bị nhầm lẫn giữa người xấu và tốt. Ngoài ra, ít ai có thể ngăn chặn được việc một người dùng xấu cố tình gia nhập lại vào cộng đồng mạng sau khi tài khoản của người đó đã bị cấm. Việc không cho post nội dung nặc danh cũng không thể bị cấm hoàn toàn bởi nó cũng có những mặt tốt của mình.
Tất cả những lý do nói trên đã khiến các công ty công nghệ khó xây dựng một giải pháp mạnh mẽ trong việc ngăn chặn quấy rối hay đe dọa online.
Để tạm giải quyết vấn đề này, các công ty thường đưa ra những công cụ để người dùng tự chặn hay lọc nội dung quấy rối. Tinh tế có tính năng ẩn comment, Facebook có tính năng Hide hay Report, còn Twitter thì có tính năng chặn tweet của mọi người nào đó và thậm chí là theo dõi để xem liệu tài khoản mới lập ra có phải chỉ để dành đi đe dọa người khác hay không. Game League of Legends thì thiết lập một "tòa án" do chính cộng đồng game thủ chịu trách nhiệm để xử lý những người chơi xấu tính, và quyết định của "tòa" thường khớp với quyết định của công ty phát triển game đến 80%. Nhưng đây cũng chưa phải là giải pháp triệt để, bởi vì nó giống như việc khi có ai đó chửi bạn, bạn bịt tai bịt mắt lại và đi tiếp, còn tên la hét thì không bị gì và tiếp tục la hét.
Mọi giải pháp công nghệ hiện tại chỉ như là trò chơi đuổi bắt với các ý đồ xấu mà thôi. Vẫn còn nhiều việc phải làm, vẫn còn nhiều hành vi để nghiên cứu, và các mối đe dọa cần phải được loại trừ từ sớm.
Phụ nữ và những người dễ bị tổn thương chưa có nhiều sự hiện diện ở các công ty công nghệ lớn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ là đối tượng chủ yếu của các vụ quấy rối nghiêm trọng. Một nhóm nhà nghiên cứu cũng từng thử thiết lập các tài khoản mang tên nam và nữ rồi đưa vào trong các phòng chat thì họ nhận thấy các tài khoản mang tên nữ có đến 100 tin nhắn quấy rối hay đe dọa mỗi ngày, còn tài khoản nam chỉ 3,7 tin nhắn. Còn theo một khảo sát gần đây của Pew thì mọi người, mọi giới tính, mọi độ tuổi, đều có khả năng bị quấy rối online, nhưng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, có xác suất bị cao hơn so với nam.
Ngoài ra, phụ nữ và những người dễ tổn thương cũng chưa được nắm nhiều vai trò quan trọng tại các công ty công nghệ lớn như Twitter, Google, trong giới cảnh sát, hay trong các nhà lập pháp. Điều này làm giảm đi khả năng bảo vệ người dùng là phụ nữ hay các nhóm người dễ bị xâm hại, nhất là khi người đứng đầu công ty là nam thì thường không có nhiều kinh nghiệm thực tế về việc bảo vệ nữ giới.
Chuyện này rất có ý nghĩa bởi nếu ai đó đã từng trải qua một vụ việc xâm hại online thì họ sẽ thay đổi cách nhìn cũng như hành động của mình về vấn đề này. Jason Bentley, giám đốc pháp lý của trang Scribd, từng bị quấy rối bởi chính một người dùng mà Bentley đã cấm truy cập trước đó. Người này nói rằng con gái ông ta đã bị Bentley cưỡng hiếp, và những dòng chữ đó không chỉ có mặt trên Scribd mà còn trên những trang sẽ xuất hiện khi có ai đó vào Google và tìm kiếm bằng tên của ông. "Tôi thật sự không cảm thấy được những cái rắc rối của việc bị quấy rầy online cho đến khi tôi gặp chuyện."
Để góp phần hạn chế tình trạng trên, chúng ta có thể đưa thêm quyền lực cho phụ nữ và nhóm người dễ bị tổn thương, bởi họ chính là những người biết rõ nhất cách phòng ngừa và hạn chế việc bị quấy rồi. Các công ty công nghệ nói riêng lẫn các tổ chức, doanh nghiệp nói chung cũng cần đưa ra những chính sách cân bằng giới tính tốt hơn để phụ nữ cũng có quyền lực như nam giới, một sự công bằng cho mọi người.
Vì sao chuyện này lại quan trọng?
Hãy tưởng tượng đến một người danh tiếng của bạn hoàn toàn sụp đổ vì những lời bàn tán trên mạng, cuộc sống của bạn bị đeo dọa bởi hàng trăm người khi họ liên tục chửi bới, dọa giết hay dọa hiếp dâm bằng những lời lẽ cay độc nhất, kèm theo chi tiết về cách thức họ sẽ thực hiện hành vi phạm pháp đó. Cuộc sống của bạn ít nhất sẽ bị xáo trộn, có những nạn nhân bị nặng hơn thì phải đi điều trị tâm lý và phải ở trên giường trong một thời gian dài trong khi không dám đụng đến laptop nữa. Cũng có những người lo sợ khi bị lấy cắp thông tin cá nhân và làm chuyện xấu trên mạng.
Jaclyn Friedman, một cây bút bảo vệ quyền lợi phụ nữ, ví dụ: "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn đi làm và có ai đó cứ la hét và đe dọa bạn mỗi ngày? Ngay cả khi họ không bao giờ thực sự làm gì đó có hại thì điều này vẫn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, khả năng làm việc của bạn." Nó có thể xảy ra với bất kì ai, bất kì lúc nào, giống như một căn bệnh ung thu vậy.
Tham khảo: Engadget