Hẳn là anh em đã quá quen với việc mỗi lần Microsoft tung ra bản update hệ điều hành mới trong năm, thì đi kèm với nó là các lỗi lớn lỗi nhỏ, có cái chấp nhận được, có cái làm máy tính hỏng luôn không sử dụng được nữa. Và người dùng thì rất bực bội với Microsoft, họ đổ lỗi cho gã khổng lồ phần mềm lại làm phần mềm quá tệ, vậy thì lí do thực sự ở đây là gì. Lỗi ở đây vừa thuộc Microsoft vừa thuộc người dùng, lí do vì sao thì Jerry Berg, cựu kỹ sư cấp cao phát triển các công cụ kiểm tra (Software Development Engineer In Test hay Senior SDET) của Microsoft trả lời trong một bài phỏng vấn sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ nhất, mặc dù chính Microsoft không hề đề cập đến điều này.
Con người và phần cứng cụ thể là yếu tố then chốt
Con người và phần cứng cụ thể là yếu tố then chốt

Quảng cáo
Đầu tiên, chúng ta cùng đi tìm hiểu xem là Microsoft đã kiểm thử những bản preview hay bản dựng trước của Windows 10 như thế nào trước. Ngày xưa, trước năm 2015, để có thể thử nghiệm các bản dựng của Windows, Microsoft đã có một đội ngũ hùng hậu các tester, các developer chuyên để test các phiên bản của Windows.
Theo Berg, người đã có 15 năm làm việc tại Microsoft trong vai trò thiết kế thiết kế và phát triển các công cụ và tiến trình để tự động hóa quá trình kiểm tra hệ điều hành Windows nói rằng, đội ngũ tester của Microsoft rất đông và họ kiểm thử các phiên bản hệ điều hành bằng các phần cứng máy tính thật và rất đa dạng, kết hợp với phần mềm tự động hoá quá trình kiểm thử. Tức là, sẽ có rất nhiều người và nhiều phần cứng đa dạng về cấu hình, driver hay ổ cứng khác nhau cùng test một phiên bản Windows đó, cùng với các công cụ kiểm thử tự động. Sau khi kiểm thử, họ sẽ họp lại với nhau để tổng hợp lại các lỗi gặp phải, và cùng nhau giải quyết lỗi đó triệt để, sau cùng tổng hợp lại lần nữa rồi sẽ tiến hành bổ sung các đoạn code vào Windows và cập nhật cho toàn bộ người dùng.
Ngoài ra, các nhân viên Microsoft ngày xưa cũng thường tự cài đặt các bản thử nghiệm đó vào máy và trực tiếp sử dụng, sau đó gặp lỗi cũng báo cáo lại cho đội ngũ tester để tìm cách xử lý. Hay rộng hơn là các người dùng cuối sử dụng các bản beta hoặc Insider Preview, họ cũng được gọi là tester và cũng có thể báo cáo lỗi gặp phải về Microsoft cũng như đội ngũ test. Nhưng từ khi Windows 8.1 ra mắt thì điều đó không còn nữa.
Sử dụng máy ảo và Telementry gây ra nhiều phiền toái

Tuy vậy, sau khi Berg rời khỏi Microsoft thì quá trình kiểm thử của Microsoft đã thay đổi đi rất nhiều. Berg cho biết rằng là đội ngũ tester trước đây của Microsoft đã được cho nghỉ việc gần hết, hoặc chuyển sang bộ phận khác. Còn các nhân viên của Microsoft cũng không còn cài những bản cập nhật thử nghiệm nhiều nữa để mà góp ý lỗi lại cho Microsoft, mà cũng có còn đội ngũ tester nữa đâu. Tất cả đã được Microsoft chuyển sang ảo hoá và sử dụng phép đo từ xa (Telementry) từ đội ngũ người dùng Insider đông đảo của mình. Nói cách khác, người dùng cuối bây giờ chính là đội ngũ tester của gã khổng lồ Redmond, mà họ lại không đòi hỏi một đồng lương nào cả.
Điều này cũng dễ hiểu khi Microsoft hướng Windows trở thành một dịch vụ, tức là nó đã không còn là xương sống trong sự phát triển của Microsoft nữa, mà nó sẽ giống Office hay Azure, mặc dù nó vẫn là cái làm nên tên tuổi của Microsoft. Windows - Xbox - Windows Mobile, nếu anh em còn nhớ tham vọng hợp nhất 3 nền tảng này của Microsoft thì anh em sẽ hiểu lí do vì sao Microsoft sa thải gần như toàn bộ đội ngũ tester “người thật việc thật” của mình.
Quảng cáo
Với tham vọng đó, họ đã sử dụng nguồn dữ liệu của người dùng Insider, các bản dựng Windows Insider Preview được cài đặt lên hàng triệu máy tính của người dùng tham gia vào chương trình Insider, để đánh giá các lỗi có thể xảy ra. Cách hoạt động của Telementry hay máy ảo sẽ đại loại như: người dùng sử dụng bản Insider Preview, khi có lỗi hoặc crash xảy ra, Microsoft sẽ phát hiện và muốn người dùng báo cáo về lỗi đó thông qua các thông báo mà anh em hay thấy. Nhưng tới đây, vấn đề nảy sinh và nó thật sự phức tạp hơn nhiều.
Đầu tiên, người dùng thường bỏ qua các thông báo lỗi này, họ thường không có thời gian để báo cáo ngay lúc đó vì đang dang dở công việc, hoặc họ để dành lại báo cáo sau, lúc đó hoặc là lỗi không xảy ra nữa, hoặc là người dùng quên. Kế đến là người dùng Insider không phải ai cũng là chuyên gia để có thể biết lỗi bắt đầu từ đâu, họ thường sẽ lên mạng để tìm cách sửa lỗi đó từ những người khác, chứ ít ai tự đi truy tìm nguyên nhân. Và bởi vậy, nó sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các kĩ sư của Microsoft thì họ không biết lỗi chính xác bắt đầu từ đâu, những mô tả của người dùng cũng chưa chắc chính xác.
Điều này làm cho hệ thống đo từ xa cũng không hiệu quả, nó thường không phát hiện ra những lỗi lặt vặt nhỏ hơn trong quá trình sử dụng. Trước kia còn đội ngũ tester làm việc chung, các kĩ sư data của Microsoft chỉ việc đợi các tester đó kiểm thử và phân tích lỗi, gửi các dữ liệu cần thiết để họ vá lỗi đó là xong. Còn bây giờ, họ chỉ có Telementry là cách duy nhất để biết lỗi từ người dùng, mà Telementry lấy dữ liệu từ những báo cáo của người dùng, thành ra các kĩ sư họ chỉ vá những lỗi được báo cáo nhiều, sau đó đẩy ngược về cho người dùng Insider sử dụng qua những bản preview, rồi lại chờ tiếp xem có lỗi nào khác xảy ra không. Một lòng lẩn quẩn như vậy làm cho những lỗi nhỏ nhỏ không được khắc phục triệt để.
Ảnh hưởng đến lộ trình định hướng Windows 10 của Microsoft

Quảng cáo
Nhiều anh em nói rằng Microsoft tại sao không thay đổi triệt để Windows 10 đi, thay đổi giao diện đồng loạt như kiểu macOS Big Sur ấy. Thật ra, Micorosoft không phải không làm được, mà bởi vì khi bổ sung quá nhiều tính năng mới, với hệ thống làm việc như trên, thì lỗi xảy ra là rất cao. Anh em còn nhớ bản cập nhật Windows 10 1809 đã phải ngưng cập nhật chỉ sau 5 ngày phát hành vì quá nhiều lỗi xảy ra không, hậu quả của việc thiếu đội ngũ test thực tế và nhồi nhét quá nhiều tính năng mới cùng một lúc.
Tất cả là do quá trình kiểm thử đã bị thay thế từ con người sang máy móc và AI, cũng như dữ liệu nhận được từ lượng người dùng Insider quá ít, không đủ để họ có thể vá các lỗi từ lớn đến nhỏ. Đó là lí do vì sau càng ngày càng nhiều người ngại update lên các phiên bản mới, họ không muốn một thứ mình đang dùng ngon lành lại bị lỗi sau khi cập nhật, nó rất là rắc rối và phiền phức.
Tổng kết lại, nếu anh đang sử dụng Windows 10 và tham gia vào chương trình Insider, hoặc bất cứ một sản phẩm nào mà anh em đang thử nghiệm, anh em nên quan tâm đến sản phẩm đó và chịu khó feedback lại cho nhà sản xuất những vấn đề anh em gặp phải khi sử dụng, nó là cách tốt nhất và hay nhất để nhà sản xuất biết sản phẩm của mình đang bị lỗi ở đâu, chỉ có như vậy thì sản phẩm cuối cùng mới đạt chất lượng cao và hoàn hảo nhất. Bởi, nếu một cái gì không hỏng thì đâu cần phải sửa nó, đúng không?