Với Hãy trao cho anh, Sơn Tùng muốn thoát mọi biên giới địa lý, thể loại, thị hiếu

dangquan09
7/7/2019 7:0Phản hồi: 0
Với Hãy trao cho anh, Sơn Tùng muốn thoát mọi biên giới địa lý, thể loại, thị hiếu
Bỏ qua tất cả hoa hòe hoa sói trong MV đắt đỏ, bản thân ca khúc Hãy trao cho an của Sơn Tùng h được tạo ra để chắc chắn thành hit, hay nói cách khác, như một hit bait (nhái theo cách người ta vẫn gọi Oscar bait - những bộ phim được sản xuất với mục đích được đề cử giải Oscar).

Nó gợi về những mùa hè phóng khoáng mà ta từng có Shape of you hay Despacito.

Đoạn mở đầu Hãy trao cho anh, tiếng nhạc được xử lý giống với những âm thanh của nhạc cụ marimba tươi sáng và thánh thót. Đây cũng là cách mà Ed Sheeran đã tận dụng với Shape of you.


Còn đến khi triển khai, Hãy trao cho anh phối trộn giai điệu Latin gợi cảm với beat nhạc phong cách reggaeton, năng lượng của tropical house và một chút nhấn nhá hip hop, cũng chừng ấy những nguyên liệu đã cấu thành hiện tượng Despacito một thời.

Đáng tiếc rằng câu chủ đề quan trọng nhất Hãy trao cho anh lại khá phẳng với ba âm tiết không có thanh điệu, không có được cái nhạc tính uyển chuyển, cái uốn lưỡi bật hơi quyến rũ như khi phát âm bốn âm tiết "Des-pa-ci-to" (một phần bởi bản chất tiếng Việt không thể bật hơi), khiến bài hát thiếu đi nét trễ nải, ướt át và tinh tế.


Mà đây lại là điểm then chốt trong một ca khúc Latin, ta cứ nghe "Des-pa-ci-to" hay "Ha-va-na-na-na-na" thì đều thấy rõ. Nếu không, có khi Hãy trao cho anh sẽ còn làm nên nhiều chuyện.

Dẫu vậy, giữa bối cảnh âm nhạc các ca sĩ chính thống hầu như đều chọn con đường dễ đi như ballad, việc Sơn Tùng tiếp tục "chọn ngả đường ít người phiêu lãng" vẫn cho thấy vai trò lĩnh xướng chính của anh trong công cuộc đổi mới nhạc trẻ.

Nói đến Sơn Tùng, khó mà không nhắc tới Mỹ Tâm. Bởi chẳng nghi ngờ gì nữa, đó là hai ngôi sao lớn nhất mà V-pop đã sản sinh trong hai mươi năm qua.

Đọc tập sách chân dung Tâm mà nhạc sĩ Quốc Bảo viết, ta thấy Tâm trong vị thế của một nghệ sĩ buổi giao thời, khi mà "Làn sóng xanh" đã bớt "xanh", hệ thống âm nhạc kiểu con nhà nòi đã dần khép lại, thị trường bắt đầu tự do điều tiết.

Theo cách nào đó, có lẽ Sơn Tùng cũng là một nghệ sĩ của buổi giao thời, khi mà âm nhạc chính thống phải chịu cắt xẻ cho âm nhạc độc lập, âm nhạc ngầm; khi mà những hệ thống đĩa nhạc đã gần lụi tàn ở Việt Nam, nhường chỗ cho mạng xã hội. Tâm đặt bản lề cho showbiz Việt, Tùng đặt bản lề cho showbiz thời 4.0.

Nhưng khác với Tâm, nếu như Tâm là một ngôi sao trọng sự an toàn, hay như trích dẫn lời của chính cô với những người đồng nghiệp rằng "bé chỉ ước được trong biên giới", thì Sơn Tùng luôn liều lĩnh và muốn vượt thoát khỏi mọi biên giới: biên giới địa lý, biên giới thể loại, biên giới thị hiếu truyền thống.

Và khác với Tâm, người nghệ sĩ mà khi viết về cô, Quốc Bảo đã in đậm một lời bình thế này: "Điểm em đến chắc là thấp hơn ước mơ thời tuổi trẻ, nhưng an toàn", thì về phía Tùng, trong một bài phỏng vấn với Tri Thức Trẻ mới đây, Tùng lại nói: "Giấc mơ đẹp nhất của tôi là mang tiếng Việt ra thế giới bên ngoài [...]. Đó cũng là lý do tại sao tôi hay nói giấc mơ của tôi lớn hơn những gì tôi đang làm rất nhiều".

Không có chút so bì nào giữa hai ngôi sao, chỉ đơn giản là Tùng đại diện cho một "tinh thần thời đại" khác, thời đại mà người ta mơ lớn và sẵn sàng làm lớn.

Quảng cáo


Xem thêm những thông tin về điện ảnh hay nhất tại: PhotNews - Tin tức showbiz nóng cập nhật liên tục
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019