Laptop Acer



Xin việc ngành Công Nghệ (phần 1): Chia sẻ kinh nghiệm viết CV / Resume cho người mới

Gia Tường
29/4/2023 7:48Phản hồi: 67
Xin việc ngành Công Nghệ (phần 1): Chia sẻ kinh nghiệm viết CV / Resume cho người mới
Trong thời buổi thất nghiệp gia tăng hiện nay, tỷ lệ chọi khi xin việc ngành công nghệ / IT rất cao, vì thế mình sẽ đem kinh nghiệm đau thương của mình để chia sẻ với mọi người (ở góc độ một người từng xin việc trái ngành lẫn một người đi tuyển dụng). Hy vọng sẽ giúp mọi người tăng cơ hội nhận được việc mà bạn mong muốn.

Trước khi bắt đầu xin khẳng định không có kiểu viết CV nào gọi là đúng hay sai cả, mà phù hợp hay không. Tuỳ theo ngành mà bạn apply, vị trí, và trình độ mà CV cần phải được viết theo một kiểu khác nhựa. Trong bài viết này, mình sẽ nói về tình huống bạn là người “XIN VIỆC TRÁI NGÀNH” + “CHƯA CÓ KINH NGHIỆM LÀM VIỆC IT”.

Một bộ hồ sơ xin việc nên gồm 2 thứ:
  1. Cover letter: Thư mở đầu: Dùng để giới thiệu bản thân, chia sẻ về suy nghĩ của bạn với công việc. Một dạng bài luận, văn ngắn. (sẽ đề cập trong phần 2)
  2. CV/Resume: Chứa thông tin về học vấn, kinh nghiệm làm việc và các thành tựu khác của bạn.

Trong bài viết này, mình sẽ mặc định gọi Resume là CV luôn. Tuy Resume và CV là 2 thứ khác nhau, nhưng thực tế thị trường đang dùng CV để gọi Resume luôn. Vì thế để gọn hơn và dễ hiểu. CV chính là Resume trong bài viết này.

Mình dùng CV kiểu Harvard, được tạo ra bởi Harvard và khuyến kích các học sinh trong trường sử dụng. Ưu điểm là gọn gàng, đơn giản, trọng tâm. Nhược điểm là nhìn rất buồn tẻ. Vì thế kiểu CV này hợp với các khối ngành kỹ thuật nhưng không hợp với các khối ngành kinh doanh/sáng tạo. Cấu trúc này được minh hoạ như dưới đây (ví dụ được cắt ra từ tài liệu của Harvard. Xem ở ĐÂY)


harvard CV copy.jpg Đây là CV mẫu của Harvard

CV standard.jpg
Đây là những CV xin việc mình thường thấy. Không có gì sai cả, chỉ là không nên dùng để xin việc IT thôi.

CV để xin việc IT cần có các thành phần cơ bản sau:

  1. Thông tin cơ bản và cách thức liên lạc
  2. Học Vấn
  3. Các chứng chỉ IT
  4. Kinh nghiệm làm việc
  5. Các kỹ năng/ tech stack mà bạn biết dùng
  6. Các dự án mà bạn đã làm hoặc tham gia
  7. Các mục phụ khác

Và đây là CV mà mình đã dùng để xin việc IT, cụ thể là Data Analyst tháng 8 năm 2022. Lúc này là mới học xong mấy chứng chỉ, đi apply luôn.
CV - Data Analyst.jpg

Những thứ mình đã chỉnh sửa trong CV của mình và lý do mình làm vậy


1/ Học vấn

edu.jpg

  • Vì chưa có kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp nên phần này phải đưa lên trên
  • Kinh nghiệm làm việc của mình trước đây chả liên quan với công việc mình apply, nhưng may thay là lúc đi học cũng có vài môn liên quan => Đưa học vấn lên đầu.
  • Trong phần này mình đã liệt kê những thứ mình đã học ở đại học và các thành tích. Học giỏi thì phải ghi ra để nhà tuyển dụng còn biết chứ 😁

2/ Chứng chỉ chuyên nghiệp/chuyên môn

cert.jpg

  • Đây là nơi liệt kê các chứng chỉ IT mà mình đạt được.
  • Nói về chứng chỉ, Certificate thì có cái giá trị, có cái không nên đưa vào cũng nên chọn lọc tí. Nếu bạn ít chứng chỉ quá thì .. cứ cho vào hết cũng được.
  • Ở đây mình đi xin việc ngành Data nên mình bỏ những chứng chỉ liên quan tới data thôi. Riêng cái certificate của Harvard thì thật ra nó không liên quan, nhưng mà nhìn nó oách => cho vào :v
  • Nhiều bạn nói chứng chỉ không quan trọng => Sai lầm. Chứng chỉ IT cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong các công ty chuyên về consulting, khi bạn đứng ra đại diện công ty mà không có thứ gì để khách hàng an tâm thì thực sự là rất … không ổn. Tất nhiên không phải lúc nào công ty cũng cần, nhưng có thì … tốt quá!

Quảng cáo


3/ Kinh nghiệm làm việc

experience.jpg

  • Việc gì liên quan, hoặc thể hiện các kỹ năng quan trọng của bạn thì đưa vào. Cái nào lạc đề quá thì thoi. Trong trường hợp của mình: Kinh doanh => có phân tích tính toán = > thêm vào. Freelance photographer => Liên quan gì??? => Loại ra
  • Mô tả công việc của bạn theo cú pháp được khuyến cáo như sau: Động từ + thành tựu/mô tả chi tiết + số liệu (nếu có). Ví dụ:
  • Thúc đẩy lợi nhuận công ty tăng 69%
  • Đạt được thành tựu XXX, đem lại lợi ích YYY
  • Build 6 cái dashboard, sửa 9 cái bug mỗi ngày
  • Viết ra phần mềm XXX giúp công ty IPO được 1 tỷ đô,…
  • Các cú pháp khác hoặc mô tả công việc chung chung vẫn được, nhưng tuỳ công ty. Tốt nhất là chi tiết và đi vào trong tâm thì vẫn ổn hơn.
  • Phần này có thể nói quá lên tí, nhưng không nên nói sai sự thật, vì sau sẽ có reference check nữa.
  • Một mẹo nhỏ mà mình hay dùng, đó là mình sẽ mô tả công nghệ cũ dựa trên yêu cầu của công việc mới. Ví dụ công nghệ bạn đang ứng tuyển là phân tích dữ liệu thì nói về những việc mà bạn hay làm liên quan tới phân tích dữ liệu thôi. Nếu bạn toàn kể về kỹ năng bán lẻ, marketing thì nó không liên quan => Nhà tuyển dụng đọc vào không thấy bạn phù hợp => Loại

4/ Dự án (Project Portfolio)

project.jpg

  • Vì bạn đang apply vào ngành IT mà không hề có kinh nghiệm làm việc trước đó nên phải có các DỰ ÁN CÁ NHÂN để chứng minh năng lực và chứng minh là thực tế bạn biết làm việc. Về lý thuyết, phần này nên xếp sau phần certificate và trước phần kinh nghiệm. Nhưng nghĩ ở góc độ một người đọc CV, thì họ muốn xem kinh nghiệm. Vì thế việc giấu kinh nghiệm quá sâu theo mình là không nên. Và mình quyết định dự án cá nhân sau phần kinh nghiệm.
  • Nên để link dẫn tới portfolio của bạn, dùng tính năng hyperlink của word ấy. Dẫn thằng link vào portfolio . Bạn có làm 10 project, không thể cho hết 10 project vào CV được. Nên cứ để link để mọi người tự vào coi nếu có nhu cầu.
  • Viết tiêu đề mô tả dự án. + mô tả chi tiết dự án. Nhớ dẫn Link vào nha

5/ Kỹ năng (Skill) + Công cụ 🛠️️️️

skill.jpg

  • Thêm các kỹ năng hoặc công cụ mà bạn biết vào, kỹ năng về mặt kỹ thuật nhé. Chứ kỹ năng mềm, làm việc nhóm chả ai quan tâm vì chả có thứ gì đo đếm được.
  • Tuỳ theo vị trí bạn đang ứng tuyển mà các kỹ năng này phải được sắp xếp theo mức độ liên quan từ trên xuống dưới, từ trái qua phải.
  • Biết gì thì liệt kê ra, người tuyển sẽ biết là bạn có kinh nghiệm với các tech stack này và sẽ biết để chọn. Còn trình độ tới đâu thì phải test/hỏi thử mới biết. Tự nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn. Bạn không cần phải tự đánh giá bản thân vì nó bias lắm và không có giá trị lắm với người xem.
  • Nhiều bạn coi mấy mẫu CV trên mạng rồi đánh giá theo “SAO ★” là sai lầm nhé mấy bạn. Kỹ năng lập trình Javascript 5 sao: ★★★★★ ? Là ngang trình độ với người tạo ra JS à :v
Screenshot 2023-04-29 at 2.20.15 PM.png
PHP 100% 🤔 Java 90% 🤔
  • Ví dụ bạn nộp CV cho vị trí Data Analyst mà bạn ghi: Kỹ năng phân tích dữ liệu: 5 sao thì vô nghĩa và không đánh giá được :D
  • Chỗ này có thể khắc phục bằng cách liệt kê chi tiết: Nếu bạn biết Python, chuyên cho data analyst thì ghi các thư viện bạn hay dùng ra (Pandas, Numpy, Scipy,..). PowerBI (dax function…), biết SQL Server (SSMS,).
  • Ví dụ như bạn biết các dùng Store procedure, trigger, biết deploy SQL Server bằng docker, hay biết dùng k8s,… thì cứ ghi vào.
  • Phần này khá quan trọng vì có nhiều công ty đang dùng các hệ thống scan CV tự động gọi là ATS Applicant Tracking System. Có từ khoá họ muốn thì sẽ pass, không có từ khoá thì họ loại luôn, hoàn toàn tự động. Nên việc liệt kê các từ khoá quan trọng vào đây sẽ giúp CV dễ vượt qua các hệ thống screening tự động hơn.
  • Đợt rồi mình cũng trực tiếp review CV và tuyển người mới cho team, mình sẽ ưu tiền các CV có các keyword mà chỉ những người thực sự biết họ đang làm gì biết. Ví dụ bạn học SQL, bạn ghi vào bạn biết SQL, nếu chỉ đơn giản vậy thì ai cũng ghi được. Nhưng nếu bạn ghi SQL (PostgreSQL: complex query, store procedure, trigger, indexing ,json,…) hay nếu biết data warehouse thì ghi rõ (Azure / AWS / Google BigQuery), thì nó sẽ ấn tượng hơn rất nhiều và mình sẽ muốn gặp các bạn này.

Những nguyên tắc viết CV của cá nhân mình:

  1. CV chỉ nên gói trong 1 trang là đẹp, 2 trang là được, 3 trang là quá dài và thường người tuyển dụng không có thời gian đọc.
  2. Với nguyên tắc này, phần giới thiệu bản thân cần phải được bỏ ra để tối ưu không gian => Cho vào Cover letter (sẽ giới thiệu ở phần 2)
  3. Tốt nhất là nên dùng cấu trúc 1 cột để các hệ thống ATS đọc nhanh hơn, tốt hơn. Hạn chế dùng bảng (table), hình ảnh, các ký tự lạ,… vì các hệ thống ATS sẽ không hiểu được
  4. CV gởi đi phải dùng format PDF. Gởi file Word => Cấu trúc không cố định => tỷ lệ bị lỗi khi đọc cao => Dễ bị loại
  5. Phải có thông tin cơ bản: Tên + email + phone

Quảng cáo


Lưu ý:

  1. CV chỉ có thể giúp bạn lọt vào vòng 2, còn vượt qua được vòng tiếp theo không là tuỳ năng lực mỗi người. Một chiếc CV tốt sẽ giúp bạn có cơ hội được thể hiện bản thân. Còn CV viết lởm quá thì còn chưa kịp tung chiêu, họ đã loại mình rồi.
  2. Bạn chỉ có 1 hoặc 2 trang giấy để thể hiện giá trị bản thân, vì thế mọi dòng trong CV nên được tính toán kỹ, không nên “thêm đại vào cho có”, uổng lắm.
  3. Đây chỉ là cách viết CV của CÁ NHÂN mình, mình thấy nó hiệu quả nên chia sẻ. Nhưng cách viết này không phải là tiêu chuẩn, chả phải chân lý. Bạn không nhất thiết phải làm theo nếu bạn thấy không hợp ý bạn hoặc bạn có ý tưởng khác.
  4. Phần 2 sẽ là cách viết Cover letter và tự động hoá quy trình sản xuất Cover letter + quản lý quá trình xin việc

Các bạn cần mình giúp sửa CV cứ comment ở dưới, mình sẽ góp ý nếu có thời gian (đi làm bận quá ).
67 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

lên canva lấy mẫu
@binhnn nhanh gọn lẹ bác nhỉ
Cv mình hơn 10 trang, giờ công ty nào kêu rút gọn còn 2 trang chắc thôi khỏi nộp 😔
@nw_47 Lên chat gpt bảo nó tóm lược lại còn 2 trang cho tôi 😆
@nw_47 ghi cái gì liên quan và xịn nhất thôi bạn
@nw_47 Thế là bạn không phân biệt được portfolio và CV rồi.
CV chỉ lưu thông tin cơ bản về bạn, tên tuổi, kinh nghiệm cơ bản và những thứ quan trọng thôi.
Nếu bạn muốn khoe thành tích, sản phẩm,…thì viết trong portfolio.
CV trả lời cho câu hỏi “bạn là ai?”.
Còn portfolio thì trả lời cho câu hỏi “bạn có thể làm gì?”.
Bạn có thể lưu cả CV và Portfolio vào chung 1 file pdf, nhưng phải tách bạch 2 phần. Trang đầu là CV, còn lại là portfolio.

Và đừng bao giờ nói CV của bạn dài 10 trang nhé.
@Nguyệt Thần À cám ơn bạn, mình chỉ nghe CV với resume và file của mình cũng là 1 trang đầu ghi như bạn nói, phần kia thì giờ mình mới biết nó là portfolio. Hồi mới ra trường tìm việc cũng có để ý chút nhưng sau này quên đi luôn.
Bận bịu nhưng vẫn nhiệt tình chia sẻ hữu ích. Tks bạn
Mình cũng đang chuyển CV mới, hôm trước đi PV mọi thứ rất ok, trơn tru sau đó được kết luận là kinh nghiệm của mình vượt quá vị trí của họ cần nên FAIL, ủa ủa ủa???????
@nguyenphu0802 trình bạn manager mà đi làm việc của junior thì đâu có đủ lương cho bạn nên người ta cũng phải tính về sau vị trí đó bạn có khả năng nghỉ ngang vì lương hay công việc quá chán ko nữa chứ :v
@nguyenphu0802 đầy b à. Nhiều khi bản thân cứ thích làm ở mức middle vs senior để có thời gian tự build product ngoài, đâm ra ko biết từ bao giờ có thêm các kỹ năng BA, PM, PO. Nên khi đi pv lỡ nói quá trớn ng ta cũng sốc lắm =)) sợ trả ko nổi hoặc nghĩ mình zô cty có ý đồ khác. Trong khi mục đích chỉ là muốn làm việc nhẹ nhàng, ko phải đi công tác gặp khách các kiểu như PM vs BA hay phải lead đám khác.
@mrrdddddd Cũng giống giống mình. Công ty kêu lên làm quản lý đi nhưng mình thích làm cấp dưới cho nhẹ đầu, hết việc thì đi chơi thoải mái, tự thấy tính tình cũng hơi hiền khó quản người khác nữa
@mrrdddddd yep, cty củ mình làm lâu năm có tiếng nói mà bị áp lực quá nên sang cty này kiểu start up, nhỏ nhắn xinh xinh thôi. Mà đúng là mình đi tìm công việc nhẹ nhàng, k cần tăng ca, k áp lực, k cần đi làm T7, CN. Thế mà Fail, về buồn hết cả tuần.Hic
https://www.businessinsider.com/tech-workers-freak-out-blind-end-of-high-salaries-pay-2023-4 Ngành tech lại quay về thời kì khủng hoảng trước iPhone rồi, khi mọi người mọi nhà đều đi học IT. Theo bài viết này thì hiện nay có thể bong bóng thu nhập ngành tech đã hình thành và chực vỡ (mà cũng có thể đã vỡ rồi - các đợt sa thải lớn), cung đang vượt cầu. Thêm sự tiếp sức của AI nữa, thì hầu như các bạn dev làm các phần đơn giản như front end, web marketing sẽ sớm lên đường. Mobile app và mobile game cũng thoái trào, nói chung ngành hiện tại đang phải tìm một hướng đi thích hợp với nhu cầu mới của thị trường, mà nhu cầu mới thì không biết khi nào mới hình thành. Mình thấy việc lạm dụng AI đang đẩy con người đến bờ vực thất nghiệp, các nước đã có nền tảng kinh tế ổn định, dân số ít, thì AI là trợ thủ đắt lực, còn các nước đẻ đông mà còn nghèo như Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng rất nặng nề.

Tech workers are freaking out over whether the end is here for $500,000-plus salaries

Tech workers are concerned it might be the end of an era, as a Blind poll sparked a debate on if ultra-high tech salaries are over.
businessinsider.com
@irtel_neyugn => sẽ có 1 hãng khác dập iphone android :v
@irtel_neyugn front end mà đơn giản gì bạn 😁 Bất kể mảng này đều có những thứ đơn giản đã bị tự động hoá. Nhưng nó cũng phức tạp lắm chả thay thế được con người đâu. AI giờ còn ngu lắm, chủ yếu là những người đã biết, dùng AI để phục vụ thì được, thứ không biết mà phó mặc cho AI thì chỉ có ... tiêu :D
@irtel_neyugn front end đơn giản chết cười 😆)
joe1111
ĐẠI BÀNG
một năm
IT có chứng chỉ nghề nghiệp gì kiểu ACCA bên kế toán hay SHIRM-SCP bên nhân sự, PMP ben quan li du an k nhỉ?
@joe1111 có bạn, tùy theo lĩnh vực mà sẽ có 1 số chứng chỉ tương tự kiểu đấy
@joe1111 Ví dụ bên CyberSecurity thì có CISSP đó bạn. Tuỳ mảng mới có. Hiện tại bên mảng Data Analytics hay Data Science thì chủ yếu phục thuộc vào uy tín của trường đại học/trung tâm giảng dạy
joe1111
ĐẠI BÀNG
một năm
@Gia Tường A e nên học mấy cái này, nó cung cấp rất nhiều kiến thức
Giờ không những người mới mà người có kinh nghiệm giờ xin việc cũng căng thẳng nữa
Mình bắt đầu đi làm năm 1998, xin việc thông qua 1 cái email, không có CV hay cái gì kèm theo cả.
Cũng may từ đó đến giờ không phải đi xin việc lần nào nữa 😁
@dac Thời nay nó khó lắm anh :D Nhất là đổi ngành, chuyển ngành thì nó căng thẳng hơn nữa
@dac Chắc bạn chỉ cần forward từ 1 mail của cán bộ gởi gắm rồi vô đó làm yên ổn cho tới giờ😃
@Qioc Tuan Bạn nghĩ có cán bộ nào thời đó có email? Và bạn có biết mình đang sống ở Mỹ?
@Gia Tường Mình may vì theo nghề sớm và theo 1 nghề 25 năm rồi nên đỡ. Giờ toàn nhận được offer từ các bạn head hunt thì lại lười thay đổi rồi 😃
Soạn cái CV cho đẹp vào, 80% interviewer đến giờ meeting interview mới đi in CV ra coi. Cái chính vẫn là thể hiện của bạn trong quá trình interview và probation thôi. Mình từng gặp nhiều bạn sv mới ra trường nhìn bảng điểm toàn A với B+ mà vào hỏi mấy câu cơ bản OOP là gì trả lời không nổi, array list và linked list không phân biệt được khi nào nên và không nên xài. Còn mấy cái fwk FE, BE thì không biết hoặc trả lời kiểu hên xui, hên thì đúng xui thì sai.
@zzvilzz Nhưng nếu CV không ổn thì nó loại luôn từ đầu rồi ạ, chưa kịp gặp interviewer luôn
@Gia Tường Cái đó là HR nó xem CV coi bạn có những skill và kiến thức phù hợp với JD hay không thôi. Nếu từ đầu không hợp thì bạn có vào được vòng interview cũng rớt thôi.
@zzvilzz thì đó là những gì mình đang nói mà 😁 Cuối bài mình có ghi rõ "CV chỉ có thể giúp bạn lọt vào vòng 2, còn vượt qua được vòng tiếp theo không là tuỳ năng lực mỗi người"
Bạn du học ở nước ngoài à?
@dra.long10 Học ở VN tới năm 2 nghỉ ngang, học dốt quá nên phải đi học tư bản đó bạn T_T
Cực kì đồng ý phần đánh giá skill theo "sao" và % trong bài. Nó không mang ý nghĩa gì cả, thà rằng kể ra project cũ này mình có vai trò gì, dùng skill gì còn dễ hiểu hơn. Mấy bạn mới ra trường đánh giá skill HTML, CSS, JavaScript toàn 5 sao cả, tới lúc hỏi thì... shallow copy vs deep copy trong JS ko biết là gì :v
@hoatongoc Do dùng template có sẵn. Nhất là mấy trang như TopCV gì đó thấy quá trời luôn
@hoatongoc Đúng ra do tự ứng viên ngây ngô hoặc cố ý thôi. Chứ vd mức 5/5 nghĩa là trùm cuối hỏi gì cũng biết mới dám để 5/5
@nw_47 giờ có để 4/5 hay 3/5 thì cũng ghê gớm lắm đó bạn 😃
@Gia Tường Bản thân mình chắc cũng chỉ dám để 4/5 ở cái mình rành nhất. Sợ lắm 😁
timmyvo
ĐẠI BÀNG
một năm
Vietnam đang dần theo nước ngoài rồi. CV càng gọn, càng nhiều keyword match với JD thì càng dễ pass vòng screening. Còn đẹp cỡ nào, ko match keyword thì vẫn out. Trừ khi người scan cv của bạn. Hãy cho máy những gì nó cần là xong. Không phải riêng gì iT, hầu hết ngành nào cũng vậy. Càn gọn, rõ, keyword là OK.
CV và resumé không giống nhau. CV là chữ viết tắt của curriculum vitae là từ tiếng latin ra. Nghĩa là course of life, là 1 bản chi tiết về giáo dục, các nghiên cứu hoặc chương trình gì mình đã làm, chủ yếu là để xin fellowship hoặc nghiên cứu học thuật, hoặc nghĩ những việc về bên y khoa hoặc luật. Còn resumé là từ tiếng Pháp ra, nghĩa là summary. Thường là 1 bản tóm tắt những việc mình đã làm, kỹ năng, và trình độ học vấn. Resumé thường gói gọn trong 1 hoặc 2 trang. 2 cái này thường dễ bị nhầm lẫn nhưng thực ra nó không giống nhau.
@Shintaroo Cảm ơn bạn đã cung cấp thêm thông tin. Biết là 2 thứ nó khác nhưng thực tế thị trường họ dùng chung nên mình viết chung vậy cho nó gọn và đúng thực tế hơn 😁 Khi HR họ bảo nộp CV, thực ra họ muốn nói về Resume.
@Gia Tường Cái này có thể là tùy nước. Úc thì 2 cái gần như tương đương nhau. Mỹ thì phần lớn là resume. Họ cũng đòi là resume. Họ chỉ muốn biết sơ mình như thế nào. CV thường chỉ dành cho xin những nghiên cứu hay gì đó học thuật mới viết. Còn hình như VN ta thì ghi là CV nhưng ko hiểu nghĩa của từ, cái muốn là resume nhưng lại đòi là CV. Có thể bịnh của VN ta là thích sử dụng từ ngoại để nghe cho sang. 🤔. Mình thích cách bạn trả lời. Mình gặp nhiều người xù lông lại khi mình giải thích 2 từ đó.
Tuyệt vời
Bài hay và giá trị
Bài viết hay quá, ngưỡng mộ em!… kaka iloveu!
lâu lâu lên tinhte có bài viết chất lượng ghê

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019