ASUS ROG Strix XG32VQ: cong, 144 Hz 4 ms có FreeSync, 86% AdobeRGB, phân giải 2K, giá 14 triệu

bk9sw
27/4/2018 9:31Phản hồi: 42
ASUS ROG Strix XG32VQ: cong, 144 Hz 4 ms có FreeSync, 86% AdobeRGB, phân giải 2K, giá 14 triệu
ROG Strix XG32VQ là phiên bản lớn hơn với kích thước 32" của XG27VQ mà mình từng giới thiệu đến anh em cách đây không lâu. Về cơ bản nó vẫn là màn hình cong, thiết kế thì vẫn y chang dòng 27" nhưng có nhiều nâng cấp như hệ thống đèn AURA có thể sync tốt hơn, độ phân giải lên thành 2K và tấm nền chất lượng hơn với độ bao phủ dải màu rộng cùng với các kết nối mới trong khi vẫn duy trì các thông số đặc trưng của dòng màn hình này như tốc độ quét 144 Hz, 4 ms GtG, hỗ trợ AMD FreeSync. Mức giá của XG32VQ vào khoảng 14 triệu, cao hơn khoảng 2 triệu đối với phiên bản 27". Vậy chiếc màn hình này có gì hay, nên chọn khi nào?


Mình đang dùng phiên bản XG27VQ, khi mượn chiếc màn hình này từ ASUS để đánh giá nhanh cho anh em thì cảm nhận đầu tiên là nó y hệt nhau về thiết kế, chỉ khác ở kích thước. Vỏ vẫn bằng nhựa sần cứng cáp, mặt sau hầm hố với các họa tiết lấy ý tưởng từ nền văn minh Maya, các khe thoát nhiệt và vòng LED RGB bao quanh phần khớp nối với chân đế.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-14.jpg
Vòng LED này có nhiều khác biệt so với phiên bản XG27VQ vốn có giá rẻ hơn, trong bảng thông số thì anh em sẽ thấy giữa 2 phiên bản này, XG27VQ ghi là hỗ trợ Aura Effect trong khi XG32VQ hỗ trợ Aura Sync. Cái yếu tố Sync ở đây ám chỉ khả năng đồng bộ hiệu ứng đèn này với các phần cứng khác hỗ trợ AURA của ASUS như bo mạch chủ, card đồ họa, bàn phím cơ, chuột chơi game ....Nói chung là hệ sinh thái đèn RGB Aura. Yếu tố này khiến mình thích XG32VQ hơn hẳn so với XG27VQ bởi khi đã chỉnh hiệu ứng đèn thì tất cả cùng nhảy theo một nhịp thay vì lạc tông như XG27VQ.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-26.jpg
Tuy nhiên, phần đèn này vẫn chỉ cho vui, không đủ độ sáng để tạo ra hiệu ứng ambient light khi bạn kê sát màn hình vào tường, nó chỉ giá trị khi bạn đặt chiếc màn hình này ở một cái bàn mà phần mặt lưng ai cũng thấy.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-17.jpg
Còn đây là cụm nút điều khiển của XG32VQ, nó vẫn có 4 nút và 1 cần D-pad màu đỏ tương tự XG27VQ. Cái nút D-pad này mình thấy không ngon như trên XG27VQ bởi nó dài hơn và cảm giác gạt qua gại lại rất sợ ... Sợ gãy 😁. Mình vẫn đánh giá cao kiểu thiết kế 4 nút nằm ở mặt sau cùng với D-pad bởi nó giúp chúng ta đặt tay vào, tì lên màn hình và điều khiển rất dễ dàng. Có thể nói là một yếu tố công thái học rất hay trên màn hình chơi game của ASUS.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-10.jpg
Phần chân chế vẫn to, vững chãi với 3 chân và phần tháp lớn. Logo ROG trên phần tháp có thêm đèn nền đỏ và dưới đáy tháp cũng có đèn hắt xuống mặt bàn. ASUS cũng tặng kèm 2 cái nắp có khắc logo ROG khác nhau để chúng ta tùy biến, đáng tiếng là vẫn chỉ đèn LED đỏ, nếu RGB thì còn đẹp nữa.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-12.jpg
Nói về phần chân đế và khớp nối màn hình thì nó có thiết kế khá linh hoạt, cho phép bạn xoay màn hình qua 2 bên ở góc 50 độ và khớp nối cho phép ngửa lên hoặc chúc xuống trong một góc từ -5 đến 20 độ, nâng lên hạ xuống trong khoảng 100 mm, những thông số này y hệt XG27VQ. Nếu bạn muốn bắt màn hình lên tường thì màn hình XG32VQ cũng hỗ trợ ngàm VESA tiêu chuẩn và dĩ nhiên mua rời.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-19.jpg
Các cổng kết nối trên XG32VQ rất nhiều và những khuyết điểm về cổng kết nối trên XG27VQ đã được giải quyết trên phiên bản 32" này, dĩ nhiên là thêm tiền thì thêm tính năng. Về trình xuất XG32VQ có DispayPort, HDMI và mini DisplayPort 1.2. Về kết nối dữ liệu và âm thanh thì màn hình có jack tai nghe 3,5 mm cùng với 2 cổng USB 3.0.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-20.jpg
Với hệ thống 2 cổng USB 3.0 và jack tai nghe thì bạn có thể tận dụng nó để dùng với bàn phím, chuột, ổ cứng gắn ngoài và tai nghe, cắm trực tiếp vào màn hình luôn thay vì phải luồn dây ra sau máy. 2 cổng USB 3.0 này lấy dữ liệu thông qua một sợi cáp một đầu USB-B và một đầu USB-A để đảm bảo băng thông tối đa và cũng đóng vai trò là cáp dữ liệu hỗ trợ cho tính năng AURA Sync. Các cổng này có nắp che khiến chuyện đi dây trở nên đơn giản và gọn hơn.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-11.jpg
Trở ra mặt trước thì nhìn qua không khác gì XG27VQ với thiết kế màn hình con 1800R, viền khá mỏng và nhờ xử lý kiểu viền 2 lớp với lớp ngoài cùng là vỏ nhựa, lớp trong là viền tấm nền màu đen thành ra khi sử dụng thì chúng ta sẽ ít có cảm giác về phần viền này.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-8.jpg
Màn hình 32" có lớp phủ matte mịn chống chói, độ phân giải 2560 x 1440 px, tốc độ làm tươi 144 Hz, thời gian phản hồi 4 ms và hỗ trợ AMD FreeSync. Đây là những thông số cơ bản của màn hình và anh em game thủ hẳn sẽ quan tâm đến các thông số về tốc độ làm tươi và phản hồi nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải kiểm tra xem về màu sắc và những tính năng hỗ trợ cho game tích hợp trên chiếc màn hình này để anh em có cái nhìn cụ thể hơn bởi không chỉ game, hẳn nhiều anh em còn dùng màn hình để làm hình ảnh, giải trí với các nội dung khác.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-22.jpg
Ở tầm giá này thì công nghệ màn hình được trang bị trên XG32VQ là tấm nền VA (Vertical Alignment) - loại tấm nền được dùng rất phổ biến trên những dòng màn hình cong tầm trung, ngay cả phiên bản XG27VQ cũng dùng tấm nền này. Vậy VA có gì khác so với IPS hay TN?

Quảng cáo


Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-7.jpg
Về cơ bản tấm nền VA được xếp nằm giữa IPS và TN khi nó kết hợp những ưu điểm của IPS lẫn TN nhưng cũng có nhiều hạn chế. So với IPS thì VA có lợi thế về tốc độ làm tươi (điểm này giống TN) nhưng so với TN thì VA lại có lợi thế về khả năng tái tạo màu sắc, độ sáng và góc nhìn tốt hơn (lần này lại giống IPS). Thêm vào đó, VA cũng là tấm nền có độ tương phản cao nhất trong số 3 công nghệ tấm nền nhưng bù lại hạn chế của VA là thời gian đáp ứng thường lâu hơn so với IPS lẫn TN, từ đó khả năng hiển thị các vật thể chuyển động nhanh như game bắn súng, đua xe sẽ bị hạn chế, dễ gây tình trạng mờ nhòe chuyển động (motion blur), bóng ma sau vật thể (ghosting).

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-23.jpg
Với đặc trưng về thề gian phản hồi lâu thì các hãng sản xuất màn hình chơi game dùng tấm nền VA thường trang bị các công nghệ khử nhòe chuyển động hình mà chúng ta hay được nghe đến với khái niệm "anti motion blur". Trên màn hình XG27VQ thì tính năng này có tên là ELMB (Extreme Low Motion Blur) và nó luôn được bật mặc định nhưng trên XG32VQ thì trong OSD mình không tìm ra chức năng này.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-27.jpg
Bài test MPRT vs GtG cho thấy tốc độ phản hồi GtG 4 ms cho tháy sự khác biệt rõ ràng về độ nét cạnh của thanh trên so với thanh dưới.
Thêm vào đó, thời gian phản hồi của màn hình XG32VQ là 4 ms, thời gian này thể hiện tốc độ chuyển từ xám sang trắng xang xám của một điểm ảnh, còn gọi là GtG và hầu hết các hãng đều dùng thang này bởi thời gian chuyển đổi trạng thái của điểm ảnh ở thang GtG luôn thấp hơn so với BtB hay BtW, nhờ đó các hãng dễ dàng quảng cáo sản phẩm và anh em "dễ tin" rằng cái màn hình đó có tốc độ phản hồi rất nhanh.
Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-5.jpg
Với tốc độ quét cao, thời gian phản hồi 4 ms và nhiều chế độ hỗ trợ cho game, mình kiểm tra các hiện tượng ghosting và motion blur trên UFOTest và có vài nhận định sau. Về motion blur thì tấm nền VA của XG32VQ vẫn cho thấy tình trạng đuôi nhòe sau con UFO.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-2.jpg
Đuổi UFO bị bóng ma khi chưa bật chế độ game và thay đổi OD.
Khi UFO chuyển động nhanh và chúng ta đưa mắt nhìn theo thì có thể thấy khá rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được giảm thiểu đáng kể nếu chỉnh thiết lập overdrive trong menu OSD > Image > OD về mức 3 hoặc 4. Mình hay chọn mức 4 hơn bởi phần nhòe đuôi được khử khá nhiều, trong khi đó nếu chỉnh sang mức 5 thì con UFO bị hiện tượng cháy cả trước lẫn sau do điểm ảnh ăn quá nhiều điện.

Quảng cáo



Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-3.jpg
Chỉnh chế độ FPS Mode, đuôi và đầu UFO vẫn có bóng ma.
Tương tự với ghosting, UFO bị bóng ma khá nhiều ở khung ảnh tối và tốt nhất là chỉnh sang chế độ tối ưu cho game FPS hoặc Racing trong OSD > Gaming Mode. Lúc đó phần bóng ma sau UFO sẽ được giảm đi đáng kể, nhất là chế độ FPS.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-4.jpg
Hiện tượng bóng mờ sau UFO đã được khử đáng kể khi chỉnh OD lên Level 4.
AMD FreeSync, mình thử nghiệm chơi nhiều game với card đồ họa ASUS ROG Strix RX Vega 56 để khai thác tính năng này và hiệu quả vẫn tương tự các dòng màn hình hỗ trợ FreeSync cùng thông số làm tươi và thời gian phản hồi khác.
Tình trạng giật hình, xé hình được giảm thiểu đáng kể giúp trải nghiệm chơi game mượt hơn. Trên chiếc màn hình này, FreeSync hỗ trợ dải tần số đáp ứng từ 48 Hz đến 144 Hz, tương đương 48 fps đến 144 fps. Thành ra để khai thác FreeSync thì ngoài việc phải dùng card đồ họa AMD có hỗ trợ thì anh em cũng cần phải cân chỉnh cấu hình đồ họa của game để khung hình rơi vào khoảng từ 48 đến 144 fps để đạt hiệu quả tốt nhất.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-1.jpg
Trở lại với các thông số của XG32VQ, cá nhân mình cho rằng chiếc màn hình này rất lý tưởng cho cả 2 việc chơi game, giải trí, làm việc hàng ngày và xử lý đồ họa không chuyên. Tấm nền cong 1800R hiện đang là tiêu chuẩn trên các dòng màn hình cong tầm trung và ở kích thước dưới 35" thì độ cong này rất hợp lý để mang lại trải nghiệm hút mắt, toàn khung hình.

Thế nhưng điểm mình thích nhất trên XG32VQ không phải là nó cong mà là độ phân giải 2560 x 1440 px. Độ phân giải này có thể nói là lý tưởng đối với màn hình cỡ 32". Mật độ điểm ảnh 91 ppi trong khi chiếc XG27VQ lần trước mình có review là 81 ppi (1920 x 1080 px, 27"), mọi thứ trở nên mịn màng hơn hẳn. Thêm vào đó, mình thích 2K bởi khi chơi game ở độ phân giải này thì khung hình vẫn có thể đạt tỉ lệ cao với các thiết lập đơn card đồ họa như mình vẫn đang dùng.

Dùng Spyder4Elite mình đo được những thông số rất tốt trên XG32VQ với thiết lập OSD đang ở mặc định là độ sáng 100%, tương phản 80, bão hòa màu 50, gamma 2.2, chế độ Standard.

Re AdobeRGB.PNG
Re sRGB.PNG Re NTSC.PNG
Đầu tiên về độ bao phủ các dải màu sắc thì XG32VQ đạt 86% AdobeRGB, 100% sRGB và 81% NTSC. Theo thông số được ASUS công bố thì chiếc màn hình này đạt trên 100% sRGB và điều này chính xác. Độ bao phủ dải màu này thậm chí có thể so sánh tương đương với những chiếc màn hình làm đồ họa chuyên nghiệp.

Color Accuracy.PNG
Tuy nhiên, nếu anh em muốn sử dụng XG32VQ để làm đồ họa thì cũng cần phải lưu ý những thông số tiếp theo. Chẳng hạn như về độ chính xác màu sắc, mặc dù phần lớn màu sắc trong thang 48 màu đều có tỉ lệ Delta-E thấp nhưng riêng màu xanh lại có tỉ lệ đến 2.85 - trên mức lý tưởng là 2.0. Mình cũng thấy thú vị khi tấm nền VA của XG32VQ lại đạt độ chính xác màu cao hơn rất nhiều so với tấm nền của chiếc XG27VQ hay nhiều dòng màn hình cùng phân khúc khác.

Brit 100%.PNG
Về độ sáng, màn hình có độ sáng tối đa 220 nit và phân bổ khá đều ở độ sáng 100%. Dù vậy vùng bên phải màn hình luôn tối hơn đôi chút so với vùng giữa và bên trái. Tỉ lệ chênh sáng giữa vùng bên trái so với trung tâm chỉ vào khoảng 2 đến 5% trong khi vùng bên phải từ 6 đến 9%.

Color Uniform 100% 83%.PNG
Độ bảo toàn màu sắc cũng vậy, tỉ lệ sai lệch màu ở độ sáng 100% lớn nhất nằm ở vùng bên phải, phía dưới với Delta-E 7.4, các vùng còn lại có độ chênh từ 2.2 đến 5.5 so với vùng giữa phía trên (mốc 0.0). Ở độ sáng màn hình thấp hơn như 50% thì tỉ lệ chênh lệch màu sắc giữa các vùng giảm đi đáng kể, chỉ còn 4.5 ở vùng bên phải phía dưới. Đây cũng là một đặc điểm của tấm nền VA bởi khả năng hiển thị đồng đều và chính xác màu sắc giữa các vùng màn hình không cao.

Gamma.PNG
Gamma mặc định 2.2 đo được trên màn hình XG32VQ (màu đen) bám rất sát với đường cong chuẩn gamma 2.2 (màu xanh dương). Với độ sáng 100%, độ tương phản của màn hình là 850:1, kèm theo đó là khả năng hiển thị màu đen cực tốt với tỉ lệ black level 0.26 - rất gần với mức 0 tức màu đen thui hoàn toàn mà thường chỉ thấy trên những tấm nền OLED. Thế nhưng khả năng tái tạo sắc trắng của màn hình lại kém, với độ sáng 100% thì white point ở 9100 (9100 Kelvin), white point thấp nhất là 8800 ở độ sáng 0%. Do đó với những anh em có nhu cầu đồ họa hay in ấn với các mức white point chuẩn như 6500 hay 5500 thì cần phải cân chỉnh nhiều để có thể đạt được mức white point này.

Tinhte.vn_ASUS_ROG_Strix_XG32VQ-9.jpg
Nhìn chung so với chiếc XG27VQ lần trước mình đánh giá thì XG32VQ có thể nói là … đạp chết chính phiên bản anh em của nó. Mức giá gần gần nhau, chỉ thêm 2 triệu thì XG32VQ có lý hơn rất nhiều. Độ bao phủ dải màu rộng hơn, kích thước lớn hơn, độ phân giải cao hơn khiến hình ảnh mịn hơn, tương phản tốt và cũng hỗ trợ đầy đủ các tính năng dành cho game thủ như tốc độ làm tươi 144 Hz với 4 ms GtG cùng công nghệ FreeSync đồng bộ khung hình. Đó là chưa kể các tính năng râu ria như đèn AURA cũng đã hỗ trợ Sync với các phần cứng AURA khác của ASUS và thêm nữa là có 2 cổng USB 3.0 tích hợp rất tiện lợi. Tuy nhiên, mình cũng mong muốn nhiều hơn với chiếc màn hình này:

Điểm mình thích:
  • Thiết kế ngầu, đèn AURA đã hỗ trợ đồng bộ, chân đế vững và linh hoạt;
  • Viền màn hình mỏng, độ cong 1800R;
  • Kích thước 32" với độ phân giải 2K cho hình ảnh mịn
  • Tấm nền VA cho độ bao phủ các dải màu rộng, tương phản cao, black level tốt và góc nhìn rộng;
  • 144 Hz, 4 ms, FreeSync đủ cho trải nghiệm chơi game mượt mà với card đồ họa AMD.

Điểm mình chưa thích:
  • Đèn LED dưới chân đế vẫn chỉ 1 màu, AURA luôn sẽ rất đẹp;
  • Độ sáng màn hình chưa cao, white point cao ở gamma 2.2;
  • Độ đồng đều về khả năng hiển thị màu sắc ở các vùng màn hình không cao, chênh lệch lớn ở vùng bên phải;
  • Khử motion blur không ngon như trên XG27VQ do không có EMBL.
42 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

càng lớn đi cày càng nhiều. Giờ có time theo đuổi Game gú như cái thời buffalo thì cũng đú em này.
sdawhai1
TÍCH CỰC
6 năm
@baotam2101 Giờ lớn thì mua cho thằng ku ở nhà sài 😁
Lại cho nhà giàu rồi.Xem cho biết thôi
@huytoanpham Ngồi xa hơn tí là xong, tôi dùng tv làm màn pc đây mà có thấy khó chịu gì đâu, giờ người ta còn sản xuất cả monitor 43". Mỗi thời mỗi khác, điện thoại 4,3" nếu là 8 năm trc thì được coi là hàng khủng lồ, thế mà giờ ai cũng chê bé.
@Cùi Bưởi Ngồi xa thì khác gì 27 inch ngồi gần, lại tốn điện hơn ấy chứ, vả lại TV input lag cao ngút trời, làm office thì ok chứ game thì chịu, chóng mặt lắm 😃
@huytoanpham Nó SƯỚNG hơn bạn ạ, quan trọng là cảm giác. Mà màn tv mình dùng chơi game là chính, mấy game cần đến tay cầm ấy, chứ làm việc thì vẫn dùng monitor, tv cho làm màn phụ. Tv mình đời mới nhất nên input lag chỉ cỡ 13ms khi bật full hd 120hz, chơi game ngon lành.
@Cùi Bưởi Tv toàn tần số quét ảo thôi, chiếc Sony 55 Inch ở nhà mình, nhà sx công bố là 200hz nhưng còn thua nhiều so với em monitor 75hz của LG, input lag mà cỡ 15 -20ms vậy chơi game moba hay dàn trận thôi, chứ game như cs hay đua xe thì hay bị bóng mờ, giảm trải nghiệm đi nhiều, được cái sống động và to 😃, choi Gow thì phê thôi.
Bên TN thì có em Dell Alien... 240hz, Full HD.
Bên VA thì có Samsung 49 Inch 32:9 144hz
Bên IPS thì có LG 34UC89-B 144hz
Bác nào muốn cân đối mọi thứ thì LG và Sam làm khá tốt, còn Hardcore Fps CS Go hay game cần tốc độ cao thì TN thôi, mấy màn này quá chat chúa luôn, đúng là chỉ có thể ... Ngắm 😃
@huytoanpham thế mà màn chơi game asus nó chiếm 30% thị phần đấy . quan trọng là phải đẹp và ngầu
Doremono
ĐẠI BÀNG
6 năm
Chơi game màn hình lớn đâu có tốt đâu nhỉ? vì phải đảo mắt nhìn nhiều hơn. chơi con 27 inch Asus gog strix XG27VQ này là ổn, 32 to quá https://www.facebook.com/posts/1661942050590141
Cho hỏi công nghệ cong này là của LG hay SS khởi xướng mà được áp dụng nhiều thế. Cong này có vô dụng không các bro?
@thanh.vohong Nó gia tăng tầm nhìn bao quát của người ngồi chính diện, nói chung game, film là chuẩn chỉ rồi, còn để làm việc PS, LR thì không chuẩn lắm, vì bị bẻ cong các đường nét phần nào rồi
bạn chơi game gì mới đc ,chứ chơi Moba thì màn hình to góc nhìn rộng hơn so với màn nhỏ mà 😁
boy86deptrai
ĐẠI BÀNG
6 năm
Đẹp ...làm 1 cái nữa có G-syn thì tốt.
@boy86deptrai thêm cái mạch Gsync thì xác định thêm 3-5 củ nhé, nhìn mấy mẫu có Gs điển hình như mẫu Alien của Dell, chênh ~5 củ với bản AMDsync
Cowboyz
TÍCH CỰC
6 năm
Ad cho hỏi màn này có nhận cùng lúc 2 tín hiệu vào và hiển thị đồng thời không?
GragonV
CAO CẤP
6 năm
Đúng thích nhất là 2k 😁
Con bàn phím Logitech Craft như của tinhte đăng trong ảnh ở đâu bán nhỉ ^^
@Quang Dang 15 cùng câu hỏi như bác, kết em bàn phím. @bk9sw bác có biết không?
@J_Android con này Logitech hình như ko đem về bán 😁
@bk9sw Mod chỉ trình diễn là chính, chứ còn sử dụng trên bàn hẹp thế kia, nhìn lâu thì mắt sẽ ảnh hưởng nhiều lắm, màn 32 Inch lên cách mắt cỡ 80-95cm, bàn phím và màn gần nhau thế kia thường dành cho màn <24Inch thôi 😃
@huytoanpham phải ngồi tầm 1 m mới thấy hết 😁
@bk9sw thấy apshop.vn đăng mà chắc để hình vs giá thôi chứ ko có hàng :D
mafiarock
ĐẠI BÀNG
6 năm
Mình thì thấy thích con này : https://techzones.vn/dell-alienware-25-gaming-monitor-aw2518h-240hz bởi cái màu màn hình quá tốt với 1 tấm nền TN cùng độ quét cao và phản hồi tốt như thế này
monmeo93
ĐẠI BÀNG
6 năm
Cái vụ chênh lệch màu nặng thế này thì fail rồi
Trước mình có dùng một con lcd của philips cũng bị lệch màu bên phải luôn tối hơn bên trái, lướt web cực kì khó chịu khi bên sáng bên tối, cuối cùng đẩy đi sau một tuần đầy bức rức
@monmeo93 màn chơi game thì chấp nhận được, nếu màn làm đồ họa thì ko thể tha thứ 😁
monmeo93
ĐẠI BÀNG
6 năm
@bk9sw Bởi vậy nên vừa rồi mình đi mua con màn lcd, cứ đến nơi xem trực tiếp cho chắc, test chán chê cả tiếng đồng hồ rồi mới đưa tiền, ông bán hàng chỉ biết đứng nhìn ngán ngẩm hê hê
Các bác cho em hỏi cổng usb trên màn này nó cứ chập chờn lúc nhận lúc không là sao ạ? Em cắm chuột vào là hay bị vậy. Trước dùng con dell u2717d cũng thế.
Ae tư vấn giúp mình Build 1 Case chơi max setting OverWatch & PUBG dùng với màn hình này đc ko? Mình đang tính build 1 Case với màn hình này. Tks ae nhiều.
Mình định sắm em này chơi PUBG thay con Dell 2414H mà vẫn ngại vụ 4ms.
Có con MSI Optix 321CRQ (hay CQR gì đó), 144HZ 1MS nên mua hơn em này ko nhỉ anh em?
conan1212
TÍCH CỰC
5 năm
Chán chơi game, giờ muốn bán lại Dell U2718Q 27" 16:9 UltraSharp 4K IPS LED Monitor with InfinityEdge hàng nhập từ Mỹ về, do Taiwan sản xuất (rất hiếm) (ở VN đa phần là Made in China bị hở sáng + màu không chuẩn nha) giá 12T ai mua liên hệ 😁
tanngle
TÍCH CỰC
4 năm
khoong ham =))
HMG2020
TÍCH CỰC
4 năm
Tivi 4k 50" date 2019 giờ chắc <10 triệu, cái này 2k 32" giá 14 triệu. Giữa tivi và màn vi tính có sự chênh lệch khá lớn về giá

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019