Bạn đã gửi bộ ảnh đăng ký học & thi ảnh kể chuyện chưa? Hạn gửi 21/6

blueJune
14/6/2019 11:15Phản hồi: 1
Bạn đã gửi bộ ảnh đăng ký học & thi ảnh kể chuyện chưa? Hạn gửi 21/6
Vậy là đã được 1 tuần phát động cuộc thi ảnh kể chuyện, một cuộc thi lớn dành cho các bạn có niềm yêu thích chụp ảnh ở cả 3 miền. Các bạn sẽ có cơ hội học với những mentor nhiều kinh nghiệm, đa dạng về phong cách, trao đổi và kết nối cùng cộng đồng anh chị em yêu nhiếp ảnh. Đặc biệt, người đạt giải đặc biệt sẽ được trao tiền thưởng là 50.000.000 VND cùng cơ hội học workshop và triển lãm ảnh quốc tế. Top 8 thí sinh sẽ được tặng 1 chiếc Oppo Reno phiên bản zoom 10x mới nhất.
Chờ chuyện ảnh của bạn nhé!



Mời bạn xem một số bộ ảnh của các học viên đã gửi về dự thi, đa dạng mọi chủ đề 😁

Bộ ảnh Loanh quanh công trường của thành viên @linhpham89
linhpham89-loanh-quanh-công-trường.jpg
Thích chụp ảnh nhưng thời gian lại dành hết cho công trường xây dựng, phải làm sao? Bộ ảnh không có nội dung, không có câu chuyện, chỉ là những mảnh đẹp đẽ loanh quanh công trường bụi bặm. Chỉ cần yêu và hiểu, nghề gì cũng đẹp, cũng nên thơ.


Bộ ảnh "Kí ức những ngôi nhà cũ" của thành viên @Long Dzin
longdzin-kí-ức-những-ngôi-nhà-cũ.jpg
Mỗi người có một ấn tượng về Hà Nội, một hương vị riêng nơi thành phố này. Với tôi mỗi khi nhớ về Hà Nội, tôi lại nghĩ đến những dãy nhà của khu tập thể cũ kỹ trước đây còn tồn tại, với những mảng tường sơn tróc màu vàng và những cái lồng sắt cheo leo, thật đặc biệt, bí ẩn và thú vị, nhất là lúc có trong tay chiếc máy ảnh để đi tìm những dấu ấn một thời đã qua trên đất Hà Thành. Những khu nhà tập thể cũ có thể chỉ còn là một mảng mờ nhạt trong diện mạo thủ đô biến đổi từng ngày. Nhưng với tôi cái khu tập thể cũ kỹ tồn tại giữa guồng quay gấp gáp của cuộc sống hiện đại này lại thật hấp dẫn. Nó có vẻ chật chội nhưng ấm cúng, cũ kỹ nhưng cổ kính, những người già bình thản sống, trầm mặc ngắm nhìn sự hối hả của cuộc sống. Nhìn cảnh người già và trẻ nhỏ dắt cái xe lên tầng trên men theo cái lối nhỏ giữa cầu thang khá vất vả vì người ta cứ phải gồng mình đẩy khi lên và níu kéo chống trượt khi dắt xuống, mà không biết ai đó đã sáng tạo ra nó từ thuở ban đầu. Rồi thoảng đâu đấy cái hương vị của ly càphê tan ngút ngát trong không gian tĩnh lặng. Người ta cũng ngửi thấy cả cái mùi của cái nghèo ở nơi đây... Ngoài những cái tên như: Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương…, còn bao nhiêu khu tập thể của các trường đại học còn lưu giữ nhiều nếp sinh hoạt cũ - một phần ký ức của Hà Nội. Có dịp đi dọc những hành lang của khu tập thể, ngắm nhìn và lắng nghe những cư dân ở đây, ta gặp những câu chuyện sinh hoạt thời bao cấp rất đáng được trân trọng, lưu giữ, như một phần ký ức của Tràng An, của thủ đô Hà Nội một thời..

Bộ ảnh Chuyện Trên Tàu của thành viên @tanngoct
tanngoct-the-train-ride.jpg
Chuyến tàu mang tên Thống Nhất đầu tiên cách đây 40 năm chở người miền Bắc vào Nam, trong niềm hân hoan của họ, một năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Những năm sau đó tên chuyến tàu mới dần dần được hiểu đúng nghĩa của nó, chở người ba miền di dọc đất nước.
Tôi bắt đầu đi tàu vào đầu năm 2013, hầu hết các chuyến đi là những đoạn ngắn từ Tam Kỳ đến Đà Nẵng và ngược lại, đi bằng SE7 và về bằng SE8 đều là những chuyến tàu đêm. Di chuyển một khoảng ngắn nhưng tôi đã bắt đầu để ý những điều thú vị ở các băng ghế cứng, được sắp xếp đối diện nhau, nơi mà tôi nghe những câu chuyện chia sẻ từ các vùng miền, tôi thấy những con người khác nhau, văn hóa khác nhau và hơn hết tàu là nơi mà người Bắc-Trung-Nam có thể nằm ngủ chung với nhau như một nhà.

Chứng kiến một xã hội thu nhỏ trên các chuyến tàu, tôi quyết định ghi lại sự tương tác đó bằng nhiếp ảnh, tôi bắt đầu đi tất cả các chuyến tàu từ Bắc vào Nam và ngược lại, từ đó tàu trở thành nơi thân quen, nơi để ngắm nhìn, và hành trình là sự khám phá bản thân chứ không còn là phương tiện di chuyển. Khác với quan điểm về nhiếp ảnh của tôi chỉ dừng lại ở người quan sát không háo hức bởi sự tò mò không ngạc nhiên bởi sự lạ lẫm, thì đối với chuyến tàu tôi cũng là người trong cuộc, là người chứng kiến và nếm trải, tôi ghi lại cho bản thân cho tuổi trẻ, không phán xét và không soi mói.

Do nhu cầu của con người ngày càng cao, hầu hết các toa tàu ghế cứng bị bỏ đi và thay thế bởi ghế mềm điều hòa và các toa giường nằm, sự riêng tư và tiện nghi dường như đã được ưu tiên, thời gian tới sẽ không còn các toa ghế đối diện nhau, sự gắn kết dần bị phai mờ, các hình ảnh mà tôi chụp sẽ chỉ còn là kí ức cá nhân, cũng như kí ức của đoàn người đi từ Bắc vào Nam năm 1976.
Bộ ảnh Làng chiếu Định Yên của thành viên @xTruongcrx
xTruongcrx-Làng-chiếu-Định-Yên.jpg
Làng chiếu Định Yên thuộc Huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp là “cái nôi” của nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng khắp nơi. Làng chiếu Định Yên được hình thành cách đây hàng trăm năm, tập trung chủ yếu ở 02 xã Định An và Định Yên, nhất là Định Yên, khi tới đây bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh làm chiếu ở khắp nơi, từ trong nhà ra ngoài ngõ....

Bộ ảnh Khi tôi một mình của thành viên @superbeez
superbeez-khi-tôi-một-mình.jpg
Khi chúng ta một mình, không làm gì cả chỉ suy nghĩ và quan sát mọi thứ, đột nhiên những điều kì lạ sẽ đến với chúng ta trong suy nghĩ và cả những hình ảnh, và đây là tôi khi ở một mình.

Quảng cáo



Bộ ảnh Brotherhood của thành viên @trinhhai1210
trinhhai1210-brotherhood.jpg
Tôi đi lính ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, trải qua 3 tháng huấn luyện tại Tiểu Đoàn 453, Lữ Đoàn 957, Vùng 4 Hải Quân (Cam Ranh, Khánh Hoà) trước khi được biên chế đến một đơn vị mới. Cùng với tôi, những thanh niên đến từ nhiều vùng quê, trình độ khác nhau . Chúng tôi đã trải qua thời tiết khắt nghiệt của Cam Ranh, tập làm quen với môi trường bộ đội cho dù thời gian đầu không dễ dàng gì. Điều quan trọng là ở một khía cạnh khác trong cuộc sống quân ngũ, một môi trường mà nam giới chiếm đa số thì những hành động chăm sóc cho nhau dù nhỏ nhặt cũng mang một giá trị đặc biệt. Không phải lúc nào người ta cũng cảm nhận được giá trị đặc biệt ấy, khi mà một điếu thuốc có thể chia mười, đầu tóc cũng chính tay đồng đội cắt tỉa hay chỉ một hành động đơn giản là chia nhau chai thuốc trị ghẻ. Chính những tình huống như vậy đã dần biến khoảng cách từ xa lạ trở nên thân thuộc giữa những chàng trai tuổi đôi mươi, không ít lần tôi được lắng nghe những tâm sự nhớ nhà của đồng đội hay thấm thía hơn câu nói “lật mặt nhanh như người yêu cũ”…Càng trải nghiệm ba tháng đẹp nhất đời lính, tôi càng bị cuốn hút. Cùng với chiếc máy phim khổ 35mm được giấu kín, tôi quyết định ghi lại hành trình này (từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2017). Khi bị tách khỏi tổ ấm và đi thật xa, bằng một cách nào đó, tình bằng hữu lại càng rõ nét. Và những khổ cực ban đầu sẽ sớm xua tan, theo những bước chân ngày trở về. Và cuộc sống lại tiếp diễn với những nỗ lực tái thiết từ sau cuộc hành trình này. Quãng thời gian tại ngũ đã kết thúc. Mà ở đó, chúng tôi không còn đi cùng nhau. Nhưng nhìn lại những bức ảnh mà tôi chụp, với tôi, nó là một nghiệm cảm vô giá và với những đồng đội ngày ấy, nó đã trở thành một mảng ký ức gợi về một thời đi lính không thể nào quên.

Bộ ảnh Trẻ con của thành viên @Bong_Bang
Bong_bang-trẻ-con.jpg
Tôi rất yêu trẻ con, thích chơi đùa và quan sát trẻ con chơi và đặc biệt thích ghi lại những khoảnh khắc của các bạn ý bằng bất kỳ thiết bị gì đang có trên tay...

Bộ ảnh Hiếu của thành viên @eason chang
Eason Chang- Hiếu.jpg
Nghệ nhân Ngọc Hiếu – tên thật là Nguyễn Thành Hiếu, sinh năm 1995, là 1 trong số ít những người rất trẻ được công nhận là 1 nghệ nhân bóng rỗi. Hiếu mê bóng rỗi từ năm 9 tuổi, qua những lần đi xem múa bóng ở các miếu trong Sài Gòn. Nhà Hiếu ban đầu là nghề Lân Sư Rồng, sau đó, do gặp khó khăn trong việc cạnh tranh nên chuyển sang làm quán ăn. Vì đặc thù những ngày vía Bà thường nằm vào các tháng 2,3,4 âm lịch, nhưng thời gian đó, Hiếu gần như chạy show khắp nơi từ sáng sớm cho đến đêm. Những tháng còn lại trong năm, Hiếu sẽ đi diễn vài show, còn lại là phụ quán ăn cho gia đình. Hiếu xem việc hát bóng rỗi là nghiệp của mình, và niềm vui cua Hiếu là cầu an cho mọi người. Một nghệ nhân hát bóng, trên sân khấu, và hơn hết là với những người hiểu vể bộ môn nghệ thuật dân gian này, thì họ là Nghệ Nhân, 1 người đẹp. Nhưng bên cạnh đó, với những người không biết, không hiểu, hay chỉ đơn giản là sự tò mò, thì họ chẳng còn được xem là Nghệ Nhân nữa. Đôi lúc, sẽ còn buồn hơn, khi họ bị đánh đồng với những người làm “nghề” “hát quậy” ở đám ma. Với độ tuổi rất trẻ, nhưng ít nhiều, Hiếu cũng từng trải qua nhiều tâm sự, như việc mất người thân , hay chịu đựng sự “dòm ngó", mà vẫn trung thành với những tôn chỉ của 1 cô Bóng, vẫn mơ được là 1 nghệ nhân, vẫn ước được múa mỗi ngày.

Bộ ảnh 3359 của thành viên @Caffeinaddict
caffeinaddict-3359.jpg
Khác với nhiều người, tôi thường có thói quen nhìn xuống đất thay vì ngước lên bầu trời. Tôi dần nhận ra rằng mặt đất cũng ẩn chứa những điều thú vị, thậm chí là cả chút thơ mộng nữa. Vì thế với tôi, mặt đất còn là một cách để ngắm vẻ đẹp của Hà Nội, qua một góc nhìn khác.

Quảng cáo



Bộ ảnh Tuồng của thành viên @Lê Thạch Thảo
Lê Thạch Thảo-Tuồng.jpg
Tuồng là một loại hình sân khấu nghệ thuật mang tính kinh điển và đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam. Sự phát triển của Tuồng gắn liền với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc ta. Sử dụng ngôn ngữ ước lệ, tượng trưng cao trong những hình thức nghệ thuật cổ còn xót lại ở châu Á, đó cũng là đặc điểm nổi bật của Tuồng so với những loại hình sân khấu nghệ thuật khác. Theo một số nghiên cứu, Tuồng ra đời sớm nhất gần giữa thế kỷ XVII, do Đào Duy Từ phát triển từ diễn xướng dân gian lên sân khấu Tuồng. Sang thế kỷ XVIII, Tuồng phát triển mạnh trên ba miền đất nước. Những năm cuối thế kỷ XX, Tuồng hưng thịnh. Cả nước có trên dưới 20 đoàn Tuồng tự tồn tại bằng doanh thu hoặc do Nhà nước nuôi dưỡng. Tuồng chuyên, không chuyên luôn gắn kết như hình với bóng, tạo ra phong trào hâm mộ, nuôi dưỡng Tuồng trong quần chúng. Đặc biệt ở một số tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nam,… hát Tuồng trở thành phong trào và đam mê của rất nhiều người thời đó. Ngày nay, cũng giống như Chèo, Cải Lương,..và một số loại hình sân khấu truyền thống khác, Tuồng đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Khán giả tìm đến xem Tuồng hầu hết là các khách du lịch tới Hà Nội, đó cũng là nguồn thu nhập chính của các diễn viên tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Thế nhưng có một bộ phận những người trẻ vẫn dành tất cả đam mê và sự tâm huyết để theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Hiện nay Nhà hát Tuồng Việt Nam có 92 nghệ sỹ đang hoạt động và 29 nghệ sỹ trẻ vừa được ký nhận hợp đồng. Lớp nghệ sỹ trẻ là các sinh viên sau khi được đào tạo 4 năm từ khoa Kịch hát dân tộc trường Đại học Sân khấu Điện ảnh sẽ được Nhà hát Tuồng nhận về làm việc. Trước khi được nhận về làm việc, mỗi diễn viên trẻ phải hoàn thành vai diễn tốt nghiệp của mình cho các NSND, NSƯT trực tiếp ra đề và chấm điểm.

Bộ ảnh Như một lời mời gọi của thành viên @Duck Tran
DuckTran-như-một-lời-mời-gọi.jpg
Cái cảm giác khi đặt chân tới một vùng đất nào đó và ngay lập tức có tình cảm với nó, với những con người sống nơi ấy, như thể nghe thấy một lời mời gọi, và để tự hứa với lòng mình sẽ quay trở lại. Những ngôi làng Chăm ở Châu Đốc, đối với tôi, là một trong những lời mời gọi như vậy. Dù chỉ ghé qua đây vài lần trong những chuyến đi ngắn ngày, những gì tôi nhìn thấy và cảm nhận được từ những con người hiền lành sống ở đây liên tục gợi mở và đặt những câu hỏi khiến tôi muốn tiếp tục trở lại và tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ. Đây không phải là một project đã trải qua một quá trình tìm hiểu sâu sắc, mà đây là những quan sát của tôi, bước đầu tiên của một niềm hứng thú muốn khám khá và tiếp tục project này, một lời đáp lại tiếng mời gọi hãy quay lại của mảnh đất này.

Bộ ảnh Làm Quen của thành viên @Kiên Ơi
Kiên-ơi-làm-quen.jpg
Tôi bắt đầu chụp ảnh như một cách để tới gần hơn với mọi người. Do bản tính nhút nhát, tôi tò mò nhiều nhưng lại ít khi dám mở miệng hỏi ai bao giờ. Tôi chụp không có mục đích nào hơn ngoài việc thu nhặt những khoảnh khắc thật thà nhất về ông, về bà. Hằng ngày, cứ sau giờ học tôi lại về nhà ông bà với chiếc áo đồng phục trắng tinh khôi mà cả ông lẫn bà vẫn tấm tắc khen. Mỗi tấm hình chụp xong cũng luôn kèm theo dăm ba câu hỏi. Bởi cuối cùng, tôi chỉ muốn biết rõ hơn về ông bà mình, ông thật sự có phải là người vẫn quát mắng bố tôi không biết điều, hay là người sẵn sàng đi tù vì một tấm banner viết sai chính tả*? Và từ những buổi chiều ấy, tôi nhặt nhạnh được cho riêng mình hàng loạt những câu chuyện gia đình mà ông bà có lẽ chỉ kể cho mình tôi. *Năm ấy ông tôi phụ trách kẻ một cái banner tuyên truyền cho Cách Mạng, nội dung nhấn mạnh vào đoạn “… Quang Vinh Muôn Năm”. Theo ông kể có tay ‘thư kí’ này không hay chữ bằng ông tôi, khăng khăng phải viết là ‘Muôn Lăm’ mới đúng. Hai bên có xảy ra cãi cọ, ông tôi bị bắt.

Bộ ảnh Hàng rào của thành viên @Ng.Phuong
Ng.Phuong-hàng-rào.jpg
Bộ ảnh mình thực hiện trong một đêm ở Buôn Trinh - Tây Nguyên sau khi ở đó một tuần. có nhiều câu chuyện về sự thay đổi từ đời sống và cách thực hành văn hóa của bà con dân tộc Ê Đê cũng như tình cảm của những người sống trong buôn. Nền văn hóa cũ đang dần biến mất và mình xúc động khi nghe những câu chuyện về một số bác không chịu sự mất mát về thiên nhiên văn hóa của chính dân tộc mình đã tự vào sâu trong bản xây cho mình lớp hàng rào với cuộc sống hiện tại. Bộ ảnh mình chụp phía sau những hàng rào trong buôn.

Bộ ảnh A Note to Metteyya-Mai của thành viên @Skinny Siddhartha
SkinnySiddhartha-A-note-to-Metteyya-Mai.jpg
Đây là một ghi chép hàng ngày qua ảnh, một dự án cá nhân (ongoing personal project) để sau này gửi lại cho con gái đầu lòng của tôi, Metteyya-Mai, để cho Mai thấy tôi, với tư cách người cha, và Emma, vợ tôi, vui sướng và hãnh diện dường nào với sự hiện diện của Metteyya-Mai trong cuộc đời của cả hai chúng tôi.

Còn rất nhiều dự án ảnh từ các thành viên khác để mọi người cùng xem: LINK

Nhanh chóng gửi ảnh dự thi nhé, mong được xem những dự án thú vị từ các bạn!

1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Nom AE tham gia kể chuyện bằng hình ảnh mà kích thích ghê, tiếc là mình văn dở, chụp kém nên chỉ biết nhìn và hóng xem các bài Top Ten thôi :p
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019