Bone-conduction - dẫn truyền âm thanh qua xương có thực sự tốt hay không

AudioPsycho
25/10/2016 17:20Phản hồi: 4
monospace-aftershokz-trekz-titanium.jpg
Bữa trước có một member đã làm một bài review về chiếc tai nghe Trekz Titanium của Aftershock, mình thấy hứng thú nên mượn về nghe thử và sẵn đây viết bài này cho mọi người tham khảo. Bài review các bạn có thể tìm thấy ở đây. Theo lý thuyết âm học, âm thanh được tạo ra bởi những rung động của các sự vật xung quanh chúng ta. Sóng âm truyền qua không khí, chịu những ảnh hưởng của môi trường như áp suất, độ đặc (hay loãng) của phân tử khí đồng thời bị dội lại từ sự vật xung quanh... Tất cả những rung động này được tai ghi nhận và truyền tải qua một tổ hợp gồm 3 xương nhỏ trong đầu chúng ta. Tại đây chúng được chuyển hóa thành xung điện sau đó truyền đến não và “dịch” ra thành âm thanh mà chúng ta có thể hiểu được, hay còn gọi là “nghe” được


Các phát triển khoa học gần đây đã cho phép con người tiếp nhận âm thanh bằng một cách khác hơn: truyền tải âm thanh qua xương. Nghe có vẻ quá cao cấp và xa vời, tuy nhiên chỉ với một mức chi phí trung bình, chúng ta đã có thể trải nghiệm với phương pháp truyền tải âm thanh mới này. Thử nghiệm với tai nghe wireless Trekz Titanium ($130) đến từ hãng Aftershokz, bài viết sau đây sẽ nêu lên một số cảm nhận cá nhân về phương pháp truyền tải âm thanh qua xương (bone-conduction).

monospace-bone-conduction-headphones.jpg

Phương pháp bone-conduction có thể được phân tích một cách ngắn gọn là thay vì truyền tải âm thanh bằng các rung động qua không khí, nó sẽ truyền tải các rung động này qua xương hàm trên và trực tiếp đến thẳng tai trong và não. Phương pháp này dĩ nhiên sẽ có những khuyết điểm riêng, tuy nhiên chúng ta cũng không thể phủ nhận các ưu điểm mà nó mang lại.

Đầu tiên, khuyết điểm của tai nghe bone-conduction là có chất lượng âm thanh không hay bằng các loại tai nghe thường. Lý do chính và quan trọng nhất là do việc truyền tải rung động qua xương hàm đòi hỏi nhiều năng lượng hơn so với việc truyền tải qua không khí. Cấu trúc phân tử của các bộ phận như xương hay cơ bắp trong cơ thể thường rất chặt chẽ nên việc truyền tải rung động qua chúng cần nhiều năng lượng hơn. Nói nôm na rằng nếu muốn tăng âm lượng với tai nghe bone-conduction, ép chúng sát vào mặt sẽ mang lại tác dụng tốt hơn so với tăng mức âm lượng thông thường, vì điều này chỉ làm tai nghe rung mạnh hơn và có thể gây khó chịu, sự thật là mở to nó rung rung nghe nhột nhột có hơi ko được vui cho lắm.

Và sự thật là vậy. Sự khó chịu sẽ tăng dần nếu bài nhạc có nhiều phân khúc với âm lượng khác nhau. Cứ mỗi lần âm lượng tăng, hai bên đầu sẽ có cảm giác rung cao hơn. Tuy độ rung không đến mức gây váng đầu hay mệt mỏi nhưng đôi khi có thể làm giật mình, nhất là đối với người mới sử dụng lần đầu. Cũng có những phân đoạn nhạc mang lại cảm giác mới lạ hơn so với khi nghe tai nghe thường, hai bên tai nghe bone-consuction sẽ rung và nảy lên theo nhịp nhạc. Tuy vậy cảm nhận này đa số vẫn nghiêng về trải nghiệm sự mới lạ hơn là trải nghiệm âm thanh.

monospace-aftershokz-trekz-titanium-3.jpg

Khác với tai nghe thông thường được ốp vào hai bên tai, tai nghe bone-conduction ép vào hai bên hàm nhờ vào phần cao su trợ lực. Cũng cần hiểu rõ thêm rằng khi nói tai nghe bone-conduction nghe không hay bằng tai nghe thông thường không có nghĩa là chất âm của nó không hay. Trekz Titanium theo đánh giá chủ quan của mình có chất âm tương đương với một cặp tai nghe giá rẻ tầm $30. Điểm dễ nhận thấy nhất khi đánh giá chất âm của tai nghe bone-conduction là bass yếu và âm lượng nhỏ (do trở ngại khi truyền tải qua xương như đã nói trên).

Lợi thế to lớn của tai nghe bone-conduction là tai chúng ta được tự do, có thể vừa nghe nhạc vừa chú ý được âm thanh xung quanh, đồng thời cũng phục vụ tốt cho những người thích nghe nhạc nhưng không muốn đeo tai nghe (hoặc không thể đeo do có bệnh về tai). Tuy vậy, nó lại tồn tại một khuyết điểm là âm thanh từ chiếc tai nghe sẽ bị trộn lẫn vào âm thanh bên ngoài. Tai nghe Aftershokz Trekz Titanium biến khuyết điểm này thành ưu điểm khi được giới thiệu như một chiếc tai nghe thể thao, mang lại cho người tập các môn thể thao như chạy bộ hay đi xe đạp khả năng nhận biết xung quanh khi đi trên đường. Trekz Titanium cũng được trang bị chức năng chống ẩm và chống thấm để hạn chế các ảnh hưởng từ mồ hôi hay nước mưa.

Thêm một điểm trừ nữa (tuy không quá đáng chú ý) ở tai nghe bone-conduction là sự thoát âm (sound leakage) có thể làm khó chịu người bên cạnh, cùng với việc người xung quanh có thể nghe được bạn đang nghe gì. Tuy nhiên đây cũng có thể là điểm cộng vì biết đâu nhờ vậy mà bạn có thể làm quen được với những người có cùng sở thích?

Về kỹ thuật, tai nghe bone-conduction có cách thức hoạt động không khác gì so với tai nghe thường, chỉ khác ở chỗ nó không truyền tải các rung động qua màng diaphragm mà truyền tải trực tiếp đến xương hàm người đeo. Tai nghe bone-conduction giống như một chiếc loa mini vậy, trên đường phố đông đúc có thể sẽ không ai biết bạn đang nghe gì, nhưng ở một quán café yên lặng hay trong taxi, âm thanh của nó sẽ được người xung quanh nghe khá rõ ràng.

Từ các so sánh trên, hẳn bạn đọc có thể thấy phương pháp truyền tải bone-conduction hiện nay tuy sở hữu một số ưu điểm nhưng cũng vẫn còn nhiều khuyết điểm nhất định. Tai nghe bone-conduction cũng chưa thể vượt qua những chiếc tai nghe thông thường. Nếu bạn đọc muốn trải nghiệm, Aftershokz Trekz Titanium sẽ là một lựa chọn tốt với tầm giá hợp lý và mức tiện dụng cao. Còn đối với những ai đặt tiêu chuẩn âm thanh lên hàng đầu thì một chiếc tai nghe thông thường sẽ là lựa chọn hợp lý hơn.

Quảng cáo

4 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thanks bác, giờ mình mới biết đến thông tin hữu ích này. Ai có những thông tin dạng như thế này post lên cho mọi người cùng tham khảo luôn nhé. Đang rất quan tâm
Em đã trải nghiệm tai nghe này. Đúng như bài viết, tai nghe mang tính trải nghiệm sự mới lạ hơn là về chất lượng âm thanh. Thêm một chút ý kiến là thiết kế của thế hệ thứ hai vòng đeo ôm đầu hơn so với thế hệ đầu tiên, không bị vướng.
Về thực tế ở thì tai nghe này không phù hợp với di chuyển bằng xe máy trên đường, chỉ phù hợp trong việc tập thể thao hoặc sử dụng khi đi xe hơi.
Về mặt nghe thì chất lượng bình thường, về mặt nhìn thì sành điệu 😃 giống mấy phim viễn tưởng 😃)
Thông tin cuối cùng là em thanh lý tai nghe này nhé. 😃))
(đùa thôi ạ, em vẫn thích giữ lại để dùng khi tập thể thao 😁)
somee
ĐẠI BÀNG
5 năm
em tới đây từ cuốn origin của Dan Brown, thấy ổng chém gió về công nghệ này ghê lắm vào xem thử
ai dè, chả có gì đặc biệt
LeonTr
ĐẠI BÀNG
5 năm
Ủa, có thể thoát âm được sao? Mình nghĩ phải rung với xương thì chỉ người dùng mới nghe được chứ.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019