Chụp ảnh đường phố: Màu hay trắng đen, xin phép hay không, xử lý hậu kỳ? - Thomas Leuthard - Phần 4

tuanlionsg
4/8/2016 11:6Phản hồi: 28
Chụp ảnh đường phố: Màu hay trắng đen, xin phép hay không, xử lý hậu kỳ? - Thomas Leuthard - Phần 4
Phần 1 là những bước khởi đầu, phần 2 học và luyện cách quan sát tìm đề tài, phần ba trao đổi về sử dụng thiết bị sao cho tốt nhất với chủ đề ảnh đường phố, và phần này, tiếp tục bàn về ảnh màu hay trắng đen, một số tình huống thực tế khi chụp người lạ, những cách xử lý, và một chút về hậu kỳ ảnh đường phố thế nào.

Có 5 phần được tách ra thành 5 bài liên tục trên Tinh Tế như sau:
  1. Bắt đầu từ đâu? Máy ảnh & ống kính nào phù hợp với chủ đề đường phố?
  2. Kỹ thuật quan sát, nhạy bén ánh sáng tự nhiên, chọn lựa bố cục tốt như thế nào?
  3. Thiết lập máy ảnh phù hợp, khoảnh khắc quyết định, chọn phối cảnh ra sao?
  4. Ảnh màu hay trắng đen, về việc xử lý hậu kỳ, những kỹ năng cần thiết là gì?
  5. Chọn thời điểm nào, các cách xử lý tình huống, tạo phong cách riêng như nào?
27123001600_396b926ffc_k.jpg

A. MÀU HAY TRẮNG ĐEN?


Hỏi vậy là sao ?
Rất nhiều ảnh đường phố được chụp trắng đen, và cũng rất nhiều bạn thắc mắc màu hay trắng đen. Tôi từng nhận ra là không phải bất cứ bức ảnh màu nào cũng có thể chuyển sang ảnh trắng đen. Có những bức ảnh trông đẹp hơn khi chúng là ảnh màu. Nhưng giả như bạn hỏi những người khác, thì luôn có người chỉ thích ảnh trắng đen, và không thiếu những người chỉ thích ảnh màu tươi sáng. Chẳng có luật nào bắt phải là màu hay phải là trắng đen cả. Nhưng, trong thực tế, thật là một quyết định khó khăn, bởi vì kho ảnh của bạn sẽ trông chẳng giống ai khi trộn chung ảnh màu với ảnh trắng đen. Tôi tự hỏi không biết liệu đấy chỉ là giải pháp nhất thời hay là về lâu về dài?


Phải chăng nhiếp ảnh đường phố chỉ chụp ảnh trắng đen?
Tôi tự hỏi tại sao mình lại phải chụp trắng đen hay phải chuyển một bức ảnh màu sang trắng đen, trong khi có những màu sắc sinh động làm cho bức ảnh đẹp hơn. Một điều là có nhiều người cho rằng, nhiếp ảnh đường phố chỉ chụp ảnh trắng đen. Tôi không nghĩ vậy. Điều khác nữa là chính bạn nên có phong cách riêng của mình và do đó bạn không thể trộn lẫn ảnh trắng đen với ảnh màu được. Sẽ trông thế nào khi mà, trên thư viện ảnh của bạn, lúc thì màu, lúc thì trắng đen rồi lại màu lộn xộn... Đối với tôi, như vậy thì thật là khó chịu. Có thể cá nhân tôi sẽ phải quyết định cách làm thế nào để tiến bộ trong sự nghiệp chụp ảnh đường phố của mình chứ. Tôi có nên cứ việc công bố ảnh trắng đen mà không cần biết nó trông như thế nào? Hay tôi chỉ nên bắt đầu chia sẻ ảnh màu thôi chăng? Trước mắt, tôi quyết định chụp màu hoặc trắng đen cho từng bức ảnh và bắt đầu định hình cho hướng lâu dài của chính bản thân mình.

Khi so sánh bức ảnh bên dưới đây với bức ở trang sau, bạn thích bức nào hơn…?
5794778795_a57a70848e_b.jpg

Tùy bạn quyết định
Rốt cuộc, chính bạn là người đưa ra quyết định về phong cách những bức ảnh bạn chụp chứ không chiều theo thị hiếu của người khác. Phong cách riêng cũng là thị hiếu và là cách xử lý riêng của mỗi người. Hoặc bạn chụp ảnh vì đám đông hoặc chỉ chụp cho riêng bản thân mình. Miễn sao phù hợp với ý của bạn là được. Nhưng do tôi chụp ảnh vì chính tôi chứ không phải vì đám đông, nên rõ ràng là tôi sẽ tự quyết định bức ảnh nào nên được chụp trắng đen hay không trắng đen.

Phong cách thường thay đổi
Trong nhiếp ảnh đường phố, không có quy tắc. Chỉ có chuyện bạn chụp những bức ảnh theo ý bạn và muốn làm mọi cách để những người khác cũng thích chúng như bạn. Bằng không thì cứ ở nguyên trên xe buýt và tiếp tục làm những gì bạn muốn làm riêng cho thế giới của mình. Nếu cảm thấy thích ảnh màu, cứ chụp ảnh màu. Còn nếu thấy trắng đen thể hiện tốt hơn, thì hãy chụp trắng đen. Khi nhìn vào những bức ảnh đã chụp từ lâu, tôi thấy phong cách của mình đã thay đổi nhiều. Có thể đây chỉ là một phong cách thay đổi nhất thời và trong một lần được hỏi: “Sao bạn lại chụp ảnh màu?” tôi sẽ trả lời, “Tôi đã có mặt tại New York, đã suy nghĩ cẩn trọng về điều đó và quyết định không chụp ảnh trắng đen nữa..."

Cứ thử đi! Tại sao lại không thử?
Nói gì thì nói, bạn phải thử mới biết. Hãy thử tập trung vào việc làm quen với màu sắc trên đường phố trong những dịp sắp tới. Ít nữa là trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, bạn không phải quyết định nên chụp ảnh trắng đen hay ảnh màu. Bạn không nên khư khư với ảnh trắng đen. Còn có rất nhiều màu sắc ở ngoài kia và có thể đang có một thay đổi trong việc chụp ảnh đường phố để tiến đến chỗ chụp ảnh màu. Việc đó sẽ mỗi lúc một khác, song chúng ta phải tận dụng ưu điểm của công nghệ hiện đại để chụp ảnh cuộc sống bằng màu sắc.

Cứ chụp ảnh màu, nếu thích

Quảng cáo


Đôi khi người ta hỏi tôi, có phải máy ảnh của tôi được thiết đặt để chỉ chụp ảnh trắng đen mà thôi không. Đừng làm như vậy, vì bạn chẳng bao giờ có thể quay lại với ảnh màu. Hãy luôn chụp với định dạng RAW, vốn là định dạng màu. Sau đó bạn có tất cả những chọn lựa và cơ sở tốt nhất để xử lý các bức ảnh của mình. Tôi biết là nó choán nhiều không gian lưu trữ, nhưng bạn phải chỉ sử dụng 5% những bức ảnh bạn chụp mà thôi.

Hãy kiên quyết trong khâu tuyển chọn
Thật quan trọng đối với bạn khi phải quyết định giữ hay xóa những bức ảnh nào bạn đã chụp. Ở đây cần chất lượng chứ không cần số lượng. Mới đầu thì khó có thể chụp được những bức ảnh đẹp thực sự ngay, nhưng sau một thời gian, bạn sẽ thoải mái hơn khi xóa hết 99% những bức ảnh bạn chụp trong một ngày. Đến một lúc nào đó, lão luyện thì bạn có thể bấm cú nào ăn cú đó. Tuỳ vào khả năng, sự cố gắng và yêu thích chụp ảnh nói chung và thể loại ảnh đường phố nói riêng.​

25530192154_ab24d18277_k.jpg

B. HÃY TÁO BẠO MẠNH MẼ LÊN


“Chụp ảnh đường phố gồm 80% táo bạo và 20% kỹ năng."
Eric Kim

Eric cực kỳ chính xác khi đưa ra lời phát biểu ấy. Gần như phải có một chút can đảm mới tiếp cận được những con người trên đường phố để chụp ảnh họ. Trong chụp ảnh đường phố, tuy còn có những ý tưởng khác ngoài việc chỉ chụp các gương mặt, song không có gì mãnh liệt hơn một chân dung rất tự nhiên của một con người hấp dẫn. Đang có ở ngoài đó nhiều con người khác nhau; bạn chỉ việc nhìn thấy họ. Nhìn thấy họ thì dễ, nhưng bắt dính được họ trên cảm biến ảnh của bạn còn khó hơn nhiều.

Quảng cáo


Hãy nâng cao kỹ năng giao tiếp
Tôi muốn nói bạn nên bắt đầu xin phép người khác để chụp chân dung của họ. Có chương trình chụp ảnh 100 Người Lạ trên Flickr. Hãy bắt đầu từ đó, bắt đầu thử chụp 100 bức chân dung đầu tiên của bạn bằng cách xin phép người lạ. Dần dà bạn có kỹ năng thuyết phục người ta và có cả những kỹ năng chụp ảnh chân dung ngoài trời nữa. Có được những kỹ năng ấy rồi, bấy giờ bạn lại đi ra ngoài và cũng làm như vậy mà không cần phải xin phép.

Xin phép hay không?
Tôi không thích xin phép và tôi không làm như vậy, trừ khi bị người khác bắt gặp trong khi tôi vẫn cứ muốn chụp chân dung họ. Lúc ấy thì tôi phải xin phép. Còn tất cả những lúc khác, thì không. Thi thoảng người ta quát mắng phản đối, nhưng có hề gì đâu. Bạn vẫn có thể nói chuyện với họ, nói cho họ biết là bạn đang làm gì và có lúc phải xóa bức ảnh đi, nếu buộc phải làm vậy.

Họ không hành hung tôi
Đa số người ta sợ chụp ảnh một người lạ trên đường phố chỉ vì nghĩ rằng những người ấy có thể chửi mắng, hành hung và đập vỡ máy ảnh của người chụp. Tôi thì đã làm việc này những năm qua và có những lúc tôi tiến đến rất gần để chụp ảnh. Tôi vừa có mặt ở New York đấy thôi và chẳng gặp phải khó khăn gì nhiều. Tất nhiên, cũng có những người chửi thẳng vào mặt tôi và đã từng có 4 tay người Mỹ gốc Phi đứng vây lấy tôi, nhưng tôi đã giải quyết những “sự cố” ấy mà không gặp vấn đề gì.

Tiếp cận đối tượng ...
Còn có sự tùy thuộc giữa độ dài tiêu cự ống kính cộng với sự táo báo của bạn. Đại để tôi định nói như thế này:​

“Độ dài tiêu cự càng ngắn, bạn càng cần phải táo bạo…"

Ý nói chụp ảnh đường phố thường là dễ dàng nếu chụp với một ống kính góc rộng, nhưng càng khó khăn hơn khi bạn phải chụp chân dung ngẫu nhiên của một người lạ bằng một ống kính 24mm, 28mm, 35mm hay 50mm. Để luyện tập, có thể bạn nên bắt đầu với một ống kính zoom, nhưng càng lúc càng tiến lại gần hơn. Vả lại, điều quan trọng là hãy để cho người ta nhìn vào máy ảnh của bạn. Việc này càng khiến khó tiếp cận người khác hơn. Nhưng tất cả là do bạn có biết cách để tiếp cận họ hay không thôi.
5939581299_3997b6a695_b.jpg

Không khó lắm
Những gì tôi có thể nói là bạn phải làm quen và có thể thực hành việc tiếp cận. Nó dễ hơn bạn tưởng nhiều. Đừng cho rằng, trong thành phố bạn đang ở, việc ấy khó khăn hơn bất cứ nơi nào khác. Có thể trong một thành phố xa lạ, bạn cảm thấy thoải mái hơn. Tôi có thể khẳng định, trong các thành phố lớn, việc đó cũng không dễ hơn đâu. Ở đâu cũng vậy thôi.

Những điều lưu ý:

 Ra vẻ như một khách du lịch, thì có thể sẽ dễ dàng hơn
 Chụp tai một điểm du lịch, thì có thể sẽ dễ dàng hơn
 Dùng một máy ảnh lớn, bạn trông giống nhà báo, phóng viên hơn (= gây nhiều thắc mắc hơn)
 Sử dụng một máy ảnh nhỏ, bạn giống khách du lịch (= ít gây thắc mắc hơn)
 Làm bộ chụp thứ gì khác
 Luôn cố gắng ưu tiên chụp ảnh ngẫu nhiên hơn
 Tránh tiếp xúc bằng mắt với đối tượng chụp, sẽ tránh được những phiền toái​

25957075154_d3dd37a8d8_k.jpg

C. ƯU TIÊN SỰ TỰ NHIÊN CỦA BỐI CẢNH


Làm cách nào để “chộp”được gương mặt của người khác…
Tôi thích những bức ảnh chân dung tự nhiên nên phải tiến lại gần thực sự. 1m là khoảng cách bình thường mà tôi hay tiếp cận cùng với ống kính 50mm trên chiếc máy ảnh Nikon D7000. Việc này đưa đến chỗ chụp được những bức chân dung hấp dẫn thực sự và những vẻ mặt sống động của những người lạ bạn chụp. Xin phép trước?

“Nếu bạn xin phép trước, người ta sẽ trông khác đi trên máy ảnh của bạn.
Nếu xin phép sau, bạn phải xóa đi một bức ảnh đẹp.”

Nhưng làm thế nào để tiếp cận gần để chụp được?

Chọn đúng nơi đúng chỗ
Điều này quan trọng khi có mặt trong một khu vực đông người. Một sân ga, một trạm xe buýt, một lễ hội hay bất cứ một nơi nào khác mà ở đấy có rất nhiều người. Một lợi thế khác nữa là, khi ấy người ta đang đứng yên tại chỗ. Những người di chuyển thì khó chụp chân dung hơn nhiều. Do đó, bạn hãy chắc chắn là bắt gặp được họ ở những nơi mà họ phải đứng yên không di chuyển. Ngay cả trước vạch dành riêng cho người đi bộ cũng là một vị trí tốt. Người ta dừng lại để chờ đèn đỏ và thế là bạn có thể chụp ảnh họ. Bạn phải nhớ là người ta luôn hướng mắt nhìn về phía những chiếc xe đang qua lại. Ở một góc nào đó, người ta sẽ không nhìn vào ống kính máy ảnh của bạn. Hãy bảo đảm là bạn đã chọn đúng phía thích hợp với ánh sáng và đúng với hướng nhìn của họ.

26164695886_0c0a37129f_k.jpg

Chọn đúng hình mẫu
Một bức ảnh chân dung tự nhiên là một chuyện, một gương mặt người lại là chuyện khác. Bạn phải tìm cho ra những gương mặt hấp dẫn. Tôi thích những người già cả có khuôn mặt như đang thuật lại một câu chuyện nào đó. Trong các thành phố lớn có đầy những người già cả như thế, bạn chỉ cần để ý là thấy ngay. Cứ dạo quanh những nơi như đã nói ở trên và mở lớn mắt của bạn ra. Bạn sẽ trông thấy họ.

Máy ảnh tốt nhất
Khi bạn chộp được gương mặt của họ, thì máy ảnh không còn là quan trọng. Thường thì tôi thích một chiếc máy ảnh nhỏ gọn nhẹ, nhưng đối với loại ảnh chụp này, thì không phù hợp. Tôi dùng chiếc Nikon D7000 với ống kính 50mm, AF-S 1.8 G. Nếu sử dụng một máy ảnh ‘full frame’, bạn có thể dùng ống kính tiêu cự phù hợp với bạn. Lấy nét nhanh có thể sẽ hữu ích và chụp liên tiếp ít nhất là 4 tấm một giây sẽ mang lại cho bạn những thành quả tốt. Tôi luôn chụp 2-3 lần để bảo đảm chắc chắn là đã thực sự chụp được và một trong những tấm ấy sẽ sắc nét. Thường thì bạn chỉ có được một giây ngắn ngủi khi họ nhìn vào bạn, vì thế bạn hãy luôn sẵn sàng. Điều này có nghĩa là bạn phải chĩa sẵn máy ảnh của mình vào chủ thể, tập trung nhìn vào và sẵn sàng chụp. Họ sẽ quay đầu lại, nhìn thẳng vào bạn và bấy giờ bạn phải chụp nhanh.

“Trên đường phố có nhiều gương mặt, hãy tìm cho ra những gương mặt hấp dẫn…”
Thomas Leuthard​

Do ống kính của tôi sắc nét nhất khi chụp với khẩu độ f/4, nên tôi dùng chế độ A với khẩu độ f/4, tốc độ màn trập do máy ảnh tự thiết đặt (hãy chắc chắn là nó đủ nhanh, chí ít là 1/160 với ống kính 50mm) và trị ISO tùy theo ánh sáng. Tôi thường sử dụng ISO 400 vì ở trong thành phố nhà cao khuất luôn tối hơn ngoài đồng trống. Tôi cài đặt máy ở “Tốc Độ Chụp Liên Tiếp Continuous High Speed”, do đó máy ảnh của tôi chụp lên đến 6 khung hình một giây. Tính năng tự động lấy nét được bật sẵn và dùng chế độ lấy nét đa điểm. Với ống kính 50mm trên chiếc Nikon, tôi thường có độ phơi sáng chính xác khi giảm -0.7EV.

24926415624_3960c8186e_k.jpg

Từng bước trở nên dạn dĩ hơn
Không phải ai cũng có thể chộp được gương mặt người khác, nhưng bạn có thể vượt qua trở ngại ấy. Bạn chỉ cần phải thực hành với một ống kính dài hơn và có thể là phải hỏi xin phép trước đã. Sau một thời gian bạn mới có thể đến gần hơn. Bạn sẽ không hình dung trước được người ta sẽ phản ứng thế nào đâu. Cũng có lúc người ta thậm chí không quan tâm. Càng có mặt nhiều người, nhiều khách du lịch và người chụp ảnh, lại càng dễ. Hãy thử đi !

Bạn tìm được đúng nơi đúng chỗ, đúng chủ thể và bạn tiến đến gần. Có thể bạn làm bộ như đang chụp gì đấy trước đã rồi sau đó mới chĩa máy ảnh vào họ rồi nhấn nút chụp. Hãy chờ cho đến khi đã chụp được 3 bức hẵng rời đi. Điều quan trọng hơn cả là đừng bao giờ để cho mắt bạn giao nhau với mắt của chủ thể. Việc tiếp xúc duy nhất bằng mắt chỉ xảy ra thông qua ống ngắm. Nếu bạn nhìn vào người ta, họ nhận ra là bạn đã chụp ảnh họ và họ sẽ đặt ra những câu hỏi. Và khi họ đã đặt câu hỏi, thì bạn phải trả lời và có thể gay go đấy. Chỉ việc đến gần, chụp và bỏ đi.

Video về “cách chụp …”
Tôi đã thực hiện video ngắn để cho thấy cách mà việc đó diễn ra như thế nào. Tôi đoán là bạn có thể thấy được những gì tôi muốn nói và có thể làm theo kỹ thuật hoặc theo cách mà nó mang lại hiệu quả. Thời điểm đó đang diễn ra một lễ hội và ở đấy tiếng nhạc ầm ĩ cùng với nhiều người tham gia. Trong những sự kiện như thế luôn có nhiều nhân vật đặc biệt trên đường phố và rất dễ để chụp ảnh chân dung của họ. Nó không khó như bạn nghĩ. Hãy nhìn và tự làm thử đi :


Kết luận
Như bạn có thể thấy trong hai cuốn video, người ta thậm chí còn lật mặt sau để xem tôi đã chụp những gì. Nghĩa là, khi bạn làm đúng, người ta thực sự không quan tâm. Chỉ việc làm như bạn không chụp ảnh họ và rồi bỏ đi. Họa hoằn lắm mới có người đến gần bạn và hỏi han gì đó. Bấy giờ bạn sẽ chỉ việc nhã nhặn xin lỗi hoặc xóa ngay bức ảnh. Đừng tranh cãi lôi thôi, hãy cứ thân thiện và làm theo lời họ yêu cầu, nếu họ muốn.

24867436704_a873956b46_k.jpg

D. HẬU KỲ


Hãy quên Photoshop đi
Nhiều người cho rằng họ cần phải nhờ đến Photoshop mới thực sự trở thành người chụp ảnh tốt. Tất nhiên đó là công cụ tốt hiện nay để xử lý các bức ảnh của bạn. Nó cũng là phần mềm đắt tiền và phức tạp nhất. Trong nhiếp ảnh đường phố, việc xử lý hậu kỳ không quan trọng như trong nhiếp ảnh thời trang hoặc mỹ thuật. Bạn không trở thành người chụp ảnh giỏi hơn bằng cách sử dụng Adobe Photoshop. Tôi nhớ một bình luận của Siegfried Hansen (một trong những nhiếp ảnh gia lão luyện nhất châu Âu) trên một diễn đàn đề cập đến việc ông sử dụng một phiên bản Adobe Photoshop cũ đến 10 năm để xử lý các bức ảnh của ông. Và cho dẫu là như vậy đi nữa, ông cũng chỉ dùng một số xử lý tự động mà thôi. Ông làm việc bằng đôi mắt cực kỳ tinh tế và phần còn lại chẳng là gì đối với ông.

Thời lượng tối thiểu
Theo thiển ý, tôi thấy bạn nên bỏ ra càng ít thời gian càng tốt vào việc dùng phần mềm để xử lý. Bằng không, bạn chỉ phí thời gian, vì bạn chẳng cải thiện được bao nhiêu khi xử lý hậu kỳ các bức ảnh của bạn. Hoặc nói cách khác, những thao tác chính của tiến trình ấy nên được tự động hóa. Một điều khác nữa mà bạn nên chắc chắn là hãy dùng cùng một cách xử lý như nhau để có cho thống nhất phong cách riêng của mình. Hiện thời thì phải nói thẳng là tôi chưa có phong cách riêng.

Đâu là công cụ tốt nhất ?
Không có công cụ tốt nhất trong việc xử lý hậu kỳ. Tôi sử dụng phiên bản mới nhất của Apple Aperture để thực hiện việc đó. Nó gần giống với Adobe Lightroom. Qua đó tôi có thể sắp đặt những “thứ còn giữ lại được” (nguyên văn=”keepers”) của mình và sắp xếp chúng theo địa danh những nơi chúng đã được chụp. Tôi luôn nhớ tên thành phố khi nhìn vào một bức ảnh. Đối với tôi, đây là giải pháp tốt nhất và rất hiếm khi tôi dùng đến Photoshop, còn với những bức ảnh đường phố thì không.

Nên giữ lại những tấm ảnh nào ?
Việc chọn lựa những bức ảnh mà bạn muốn giữ lại là một tiến trình quan trọng ngay khi bạn trở về sau một chuyến đi. Đặc biệt là khi không muốn làm đầy chiếc đĩa lưu trữ chỉ trong thời gian ngắn, cho nên bạn phải chọn phương pháp đúng. Có nhiều người giữ lại tất cả những gì mình chụp trong một chuyến đi.

Trở về sau một chuyến đi, bạn hãy chọn ra những bức ảnh tốt nhất, nhập chúng vào phần mềm mà bạn quen sử dụng (với tôi là Aperture), xử lý và chia sẻ chúng; chấm hết ! 95% các bức ảnh còn lại đều phải xóa đi. Vâng, xóa hết. Nếu không thể xóa đi những bức ảnh xấu, thì sớm muộn gì bạn cũng gặp vấn đề. Và như vậy, viên quản lý, người mà sẽ tìm thấy những bức ảnh chưa được phát hiện của bạn sau khi bạn chết, ngày ấy sẽ cảm ơn bạn, anh ta phải xem cho bằng hết tất cả chúng. Mong sao được giống như trường hợp John Maloof (người quản lý của Vivian Maier, 01/02/1926 – 21/4/2009), một nhiếp ảnh gia đường phố người Mỹ .


Cách xử lý của tôi
Trở về nhà sau khi chụp ảnh đường phố, tôi luôn nhớ đến một số bức ảnh đã chụp tốt. Tôi thường xử lý chúng. Tôi không nhìn màn hình hiển thị của máy ảnh trong lúc chụp, vì bạn không thể nhìn thấy được nhiều và đang chụp chứ không nhìn vào các bức ảnh. Tôi nhập tất cả những bức chụp tốt vào công cụ xử lý và sau đó là tiến hành các bước:

 kiểm tra chất lượng (độ sắc nét/độ nhiễu)
 sắp xếp cho ngăn nắp, nếu cần
 cắt xén nếu cần (chỉ rất ít)
 điều chỉnh theo các thiết đặt từ trước, gồm những việc như sau:
  • Thêm độ tương phản
  • Thêm độ phân giải
  • Làm sắc nét
  • Đen & Trắng (33% Đỏ / 33% Xanh lá / 33% Xanh dương)
  • Với ảnh màu, tôi giảm độ bão hòa xuồng 10-20%
  • Và gia thêm độ sặc sỡ 10-20%
  • Tôi thêm một ít độ ‘vignette’ cho một vài bức chụp

Việc đó mỗi lúc mỗi khác. Bạn không thể nói lúc nào cũng giống nhau được. Tùy theo bức ảnh, có khi phải xử lý nhiều, có khi ít. Thường thì chúng ta quá bận tâm đến việc xử lý ảnh. Nếu nhìn cùng một bức ảnh ấy vào hôm sau, có thể bạn còn làm khác hơn nữa. Đấy là một kiểu chiều theo những cảm nhận đang diễn ra trong bạn.

27901877585_d7b9b8c380_k.jpg


Thomas Leuthard
Copyright © 2011 by Thomas Leuthard
All rights reserved. No part of the contents of this book may be reproduced or transmitted in any form or by any means without the written permission of the publisher.
Published on July 26, 2011 on http://www.thomasleuthard.com/Book
Bản chia sẻ miễn phí tại: http://thomas.leuthard.photography/wp-content/uploads/2014/02/GoingCandid.pdf
28 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

cu kum
TÍCH CỰC
8 năm
Thật tuyệt vời, những kiến thức bổ ích
doccoc
TÍCH CỰC
8 năm
Hữu ích
K2.PCTDN
ĐẠI BÀNG
8 năm
Nói chung tùy mỗi quốc gia và vùng miền của quốc gia đó thì việc xin phép chụp ảnh mình thấy là cực kì quan trọng trong nhiếp ảnh đường phố. Dù bắt được khoảnh khắc đẹp mà người được chụp không đồng ý thì hãy xóa ngay.

Mình xin chia sẻ 1 câu chuyện có thật về chuyện xin phép chụp ảnh như thế này: trong 1 lần đi chơi cùng nhóm du học sinh tại Nhật, có 1 anh chàng trong nhóm mình không rõ là vừa mua máy ảnh hay sao mà chụp lấy chụp để. Lúc lên tàu điện ngầm để di chuyển anh ấy cũng chụp rất nhiều, tình cờ lia máy vào 1 em học sinh và chụp, em này tỏ vẻ khó chịu và yêu cầu xóa ảnh. Anh chàng kia được dịp nên cũng châm chọc em nữ sinh này và không chịu xóa ảnh, cả nhóm cũng nói xóa nhưng anh này vẫn rất "quách tỉnh". Em này sau khi yêu cầu không được thì ngay lập tức gọi cảnh sát. Tới ga xuống thì anh chàng kia bị cảnh sát đón ngay tại cửa và kiểm tra máy ảnh thì đúng như lời em học sinh kia nói là anh kia chụp ảnh mà không xin phép. Anh này bị deport ngay lập tức vì tội quấy rối và cấm nhập cảnh vào Nhật vĩnh viễn.
Slashcode
ĐẠI BÀNG
8 năm
@K2.PCTDN Dám Giỡn với em gái Nhật
conb
TÍCH CỰC
8 năm
@K2.PCTDN Bạn nên nghiên cứu kỹ văn hóa của từng quốc gia trước khi chụp ảnh. VD như ở Đức đã cấm việc chụp ảnh đường phố, những video quay công cộng ở Đức cũng phải censor mặt những người không liên quan, ở Nhật không nên chụp ảnh nữ sinh, hoặc phụ nữ mặc váy, đặc biệt là ở cầu thang hay tàu điện ngầm, vì tình trạng quấy rối khá phổ biến ở Nhật. Nói chung ở đâu đi càng xa thành phố lớn càng dễ chụp 😁. Mà thực ra xóa xong về recovery mấy hồi ;)).
K2.PCTDN
ĐẠI BÀNG
8 năm
@conb Thì mình chỉ chia sẻ câu chuyện về anh bạn kia thôi. Còn mỗi lần mình đến một vùng khác thì đều nghiên cứu kỹ phong tục ở đấy chứ ko thì dễ bị kiện lắm.
K2.PCTDN
ĐẠI BÀNG
8 năm
@Thích tiểu nhân Phim ảnh và thực tế khác nhau xa bạn ạ. Anh bạn kia được dẫn độ về VN ngay trong 2 ngày, đã là người nước ngoài mà phạm mấy tội này thì khó lắm. Với cả ở đây rạch ròi chứ không như VN đâu bạn 😁
bài viết quá hay - xách máy ảnh lên & đi thôi 😁
bendn
ĐẠI BÀNG
8 năm
Mình rất thích các bài viết của bác Tuấn, rất bổ ích. 20160724_085551-01.jpeg
Lỡ như chụp không xin phép, rồi đến khi bức ảnh đó nổi tiếng, người trong ảnh tới đòi chia tiền thì sao?
@anhviethoachua thì chia chứ sao 😁
@anhviethoachua Không chia nó kiện cho ôm mồm 😆 xong vẫn phải chia vì thu lợi bất chính =))
conb
TÍCH CỰC
8 năm
@anhviethoachua Tùy theo luật pháp nước sở tại, như VN thì mình phải trả công đó. Nhưng nếu có lòng thì nên mang đến tặng trc khi bị đòi 😆.
Cá nhân mình thích màu ảnh trắng đen (B&W) hơn :v có anh em nào cùng sở thích điểm danh cái nào :3
Mình thích chụp ảnh, nhưng không thích bị chụp lén, sẽ khó chịu nếu như vậy
@StickyChannel Hầu như ai cũng đều cảm thấy khó chịu khi bị chụp lén chứ không chỉ riêng bạn đâu :v
liem.ht
ĐẠI BÀNG
8 năm
Ngày nào cũng được thang thuốc đại bổ này, chúng em mau đầy kinh nghiệm.
tjenkute
ĐẠI BÀNG
8 năm
Mình dùng Cam dt nên cũng hay chuyển về trắng đen tăng tương phản 😃😃😃
sGear
TÍCH CỰC
8 năm
Trong nhiếp ảnh thì hậu kỳ là 1 khâu cực kỳ quan trọng để hoàn thiện và truyền tải thông điệp trong bức ảnh của mình 1 cách mạnh mẽ hơn
libieu
CAO CẤP
8 năm
Bài hay nhất trọng ngày 😁
Nếu nghiên cứu luật rồi chụp như bác gì nói thì tốt nhất nên k nên chụp ảnh đường phố. Nữ sinh Nhật đẹp như thế mà bác í bảo không nên chụp thì thật là có tội
conb
TÍCH CỰC
8 năm
@buddyphuong Thế thì bác nên chuyển qua chân dung gái 😆
@conb Em nói thế cho vui thôi mà. Chứ chụp đường phố mà k mạnh dạn tiếp cận đối tượng thì khó chụp lắm. Nhiều bạn hỏi em chụp có phải xin phép hay làm cách nào để chụp người trên phố mà không bị từ chối. Nhiều khi chỉ bằng một nụ cười hoặc một câu nói vu vơ là có thể chụp được rồi
conb
TÍCH CỰC
8 năm
@buddyphuong Bác có flirck hay 500px không, cho e coi với 😁
smile_mask00
ĐẠI BÀNG
8 năm
Bức đầu tiên màu quá là đẹp luôn . . .
Khó ở chỗ chụp những khoảnh khắc tự nhiên nhưng không bị out nét.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019