[Đánh giá] ASUS RoG G751JY: thiết kế mới, hoàn thiện tốt, cấu hình cao, giá 44 triệu

bk9sw
2/8/2015 13:58Phản hồi: 160
[Đánh giá] ASUS RoG G751JY: thiết kế mới, hoàn thiện tốt, cấu hình cao, giá 44 triệu
ASUS_G751JY.jpg

ASUS năm nay tiếp tục làm mới dòng laptop chơi game RoG chủ lực với phiên bản G751. So với phiên bản tiền nhiệm G750, G751 mang một diện mạo mới, chất liệu chế tạo cũng thay đổi và dĩ nhiên là cấu hình được nâng cấp hợp thời. Mình đã mượn được phiên bản G751JY với cấu hình mạnh nhất và chúng ta cùng tìm hiểu xem thế hệ G751 này có gì hay, hiệu năng ra sao so với mức giá bỏ ra.

Thiết kế: vẫn mang đậm chất RoG, hầm hố hơn, chất lượng hoàn thiện cao hơn:



Về thiết kế tổng thể, G751JY vẫn hao hao G750JZ thế hệ trước với vẻ ngoài hầm hố, bản lề nổi, 2 hốc tản nhiệt lớn lấy ý tưởng từ chiến đấu cơ F-22 Raptor, nhìn qua là có thể nhận ra ngay đây là một chiếc máy RoG. Tuy nhiên, G751JY vẫn sở hữu nhiều điểm khác biệt so với người tiền nhiệm. Dưới đây là những thay đổi cũng như nét đặc trưng của G751 nhìn từ bên ngoài:

Tinhte.vn_ASUS_G751-4.jpg
  • Nắp máy có thêm một phần hình thang bằng kim loại phay xước nằm giữa phần vỏ nhựa được hoàn thiện bằng chất liệu mềm, nhám (Soft-touch);
  • Logo ASUS RoG được thiết kế lại, logo đỏ nằm trong chiếc khiêng màu xám thay vì logo trắng nằm trong khiêng đen;
  • Gù sau được làm mềm mại hơn với một phần ốp che bản lề bằng kim loại phay xước;
  • Hốc tản nhiệt sau được thiết kế lại với các lá nhựa điều hướng nhiệt màu cam ánh kim, lồi hẳn ra ngoài;
  • Các góc được bo tròn hơn, không còn được cắt vuông;
  • Bản lề cải tiến với 1 nấc khiến màn hình có thể tự đóng vào thân máy khi khép lại ở góc tối đa.

Bên trong:
  • Viền màn hình vẫn được hoàn thiện bằng chất liệu soft-touch nhưng các miếng cao su đệm màn hình được làm nhỏ lại, trông thẩm mỹ hơn;
  • Webcam trên màn hình thiết kế đơn giản, không còn lớp kính hình tam giác bọc ngoài;
  • Vỉ phím và chiếu nghỉ tay được làm bằng nhựa, phủ nhám thay vì một tấm kim loại phay xước nguyên khối;
  • Bàn phím được thay đổi về thiết kế, phím đen chữ đỏ thay vì chữ trắng, cụm phím WASD nổi bật, có thêm nhiều phím chức năng và macro;
  • Logo RoG dưới bàn phím cũng chuyển thành màu đỏ;
  • Đèn nền đỏ thay vì trắng như phiên bản trước;
  • Bàn rê kích thước tương tự, liền mạch với thiết kế nội thất chung, phím chuột được phủ nhám.

Nhìn chung, G751 được hoàn thiện cao cấp hơn so với G750, thiết kế được thay đổi và chăm chút kỹ lưỡng hơn và trên chiếc máy này mình cũng không phát hiện ra bất kì điểm ọp ẹp nào. Điểm mình thích nhất là phần bản lề được cải tiến, giữ chắc màn hình 17" khá nặng và có thể đóng rất khít với thân máy. Như vậy nhược điểm trên G750 đã được ASUS phát hiện và khắc phục. Tiếp theo, miếng kim loại phay xước ngoài nắp máy khiến G751 rất khác biệt, khi mở nắp máy thì phần kim loại này phối hợp với phần kim loại bọc bản lề tạo nên hình tượng một ngọn tháp rất vững chãi. Tuy nhiên, điều mình quan tâm là chất liệu soft-touch - nó rất bám vân tay và mồ hôi khiến máy dễ bẩn. Thêm vào đó chưa rõ ASUS có cải tiến chất lượng của lớp phủ này hay không bởi trong quá khứ, ASUS thường dùng chất liệu soft-touch trên dòng G75 và qua thời gian sử dụng, lớp phủ thường bị bong ra khiến chiếc máy trở nên xấu xí.

Trải nghiệm nhập liệu: bàn phím và bàn rê cải tiến, ngon hơn hẳn


Tinhte.vn_ASUS_G751-17.jpg

So với G750 thì bàn phím G751 đã tốt hơn rất nhiều, tốc độ gõ phím thử nghiệm trên 10fastfingers.com của mình đạt khoảng 105 từ/phút, mọi thao tác đều rất trơn tru. Về mặt thẩm mỹ, bàn phím của G751 ấn tượng hơn phiên bản cũ với các ký tự trên phím được làm to hơn, cụm phím điều hướng rõ ràng hơn, cùng nhiều phím chức năng mới như phím mở Shadow Play để quay phim màn hình khi chơi game, phím mở Steam, 3 phím macro và phím Numb Lock được đổi thành một phím mở ASUS Gaming Center.


Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng có mặt tốt và chưa tốt. Theo cảm nhận của mình:
Điểm tốt:
  • Tình trạng flex đã không còn xảy ra, phím có độ nảy vừa phải, mềm dễ bấm, mang lại độ phản hồi tốt, cảm giác bấm rất đã tay;
  • Key pitch tiêu chuẩn ở 19 mm, layout phím rộng rãi dễ thao tác;
  • Phím W có một gờ nổi nhỏ, cụm 4 phím WASD được làm nổi bật, dễ tiếp cận;
  • Có thêm nhiều phím chức năng rất hữu ích, nhất là phím Shadow Play.

Quảng cáo


Điểm chưa tốt:
  • Đèn bàn phím hơi tối ở khu vực chính giữa, chỉ có 3 nấc chỉnh sáng;
  • Vị trí các phím chức năng hơi tách biệt, nhất là các phím macro, khó với tới;
  • Vị trí phím Numb Lock được đổi thành phím mở ASUS Gaming Center - một ứng dụng quản lý các thiết lập chơi game trong khi phím Numb Lock được tích hợp vào phím Home, dùng tổ hợp Fn + Home để kích hoạt khá bất tiện;
  • Bề mặt các phím hơi trơn khiến dễ tuột tay khi nhấn tổ hợp phím.
Tinhte.vn_ASUS_G751-31.jpg
Bàn rê trên G751JY có kích thước tương đương G750JZ nhưng thiết kế được thay đổi đôi chút. Do nội thất không còn dùng chất liệu kim loại nên bàn rê không còn phần viền vát kim cương như trước, nó được làm tiệp với khu vực chiếu nghỉ tay 2 bên, thiết kế vẫn là hình thang cân, bề mặt phủ kiến, 4 góc được trang trí dạng kính ngắm và 2 phím chuột lớn được phủ một lớp nhám giống đá mài. Thiết kế bàn rê trên G751 khiến mình rất hài lòng, không chỉ hòa hợp với thiết kế tổng thể, bàn rê mang lại trải nghiệm điều khiển tốt với độ nhạy cao, các phím chuột dễ bấm.

Các cổng giao tiếp: nhiều USB 3.0, có Thunderbolt, thêm SPDIF


Tinhte.vn_ASUS_G751-13.jpg
Tinhte.vn_ASUS_G751-14.jpg

Là một mẫu máy chơi game to xác, G751 được trang bị đầy đủ các cổng kết nối thế hệ mới. Cách bố trí các cổng vẫn tương tự G750 với 2 x USB 3.0 tại cạnh trái và 2 x USB 3.0 + Mini DisplayPort (Thunderbolt 2) + HDMI + VGA tại cạnh phải. Riêng về cổng âm thanh, ASUS trang bị thêm một cổng SPDIF dùng cho ampli ngoài bên cạnh 2 cổng audio tiêu chuẩn. Đây là một bổ sung khá hay và cũng rất hợp thời bởi nhiều nhà sản xuất máy tính chơi game hiện nay như Clevo hay MSI cũng đã đưa cổng này lên sản phẩm của mình.

Màn hình và âm thanh: màn hình đẹp nhờ tấm nền IPS, âm thanh đã hơn

Quảng cáo



ASUS RoG G751 được trang bị màn hình 17,3" tấm nền IPS, độ phân giải Full HD 1080p. So với G750 thì màn hình của G751 có sự thay đổi lớn khi không còn dùng tấm nền TN nữa, thay vào đó là IPS để có được chất lượng hiển thị cũng như góc nhìn tốt hơn. Mặc dù nhiều anh em ghiền dòng game FPS cho rằng TN với lợi thế tốc độ làm tươi cao sẽ mang lại trải nghiệm chơi game tốt hơn so với IPS nhưng việc trang bị IPS lại mang lại trải nghiệm tổng thể tốt hơn, không đặc thù cho dòng game FPS mà còn tăng cường hiển thị cho các nội dung giải trí khác cũng như khả năng chia sẻ nội dung với mọi người.

Màn hình có độ phân giải 1920 x 1080p - một độ phân giải tiêu chuẩn trên các dòng máy tính chơi game. Mặc dù có thể trang bị độ phân giải cao hơn nhưng không nhiều tựa game hiện nay hỗ trợ tốt độ phân giải 2K hay 4K. Kích thước màn hình lớn cùng độ phân giải Full HD khiến hình ảnh trên màn hình vẫn chưa có được độ sắc nét cao nhất, bạn vẫn có thể thấy được các điểm răng cưa trên font chữ khi quan sát gần nhưng không phải là vấn đề quá lớn. Màn hình có độ sáng vừa phải, không gây chói mắt khi mở sáng tối đa, rất lý tưởng để chơi game trong thời gian dài. Màn hình vẫn có lớp phủ matte bên ngoài nên vẫn đảm bảo khả năng hiển thị ngoài trời hay dưới nguồn sáng trực tiếp. Nhìn chung, mình vẫn rất hài lòng về chất lượng màn hình của G751 bởi những cải tiến đáng chú ý của nó so với phiên bản cũ.


Về âm thanh, G751 được trang bị hệ thống loa stereo cùng loa sub đặt dưới tương tự G750. Tuy nhiên, cách bố trí loa đã được ASUS thay đổi, loa được đặt ẩn trong hốc bản lề phía sau màn hình. Như vậy âm thanh sẽ đi luồng xuống dưới rìa màn hình, hướng về phía người dùng. Mặc dù gặp phải vật cản là màn hình nhưng âm thanh đầu ra trên G751 vẫn rất to và chất lượng âm thanh thì ngon hơn so với G750. Điều đáng chú ý là âm bass đã được tái hiện tốt hơn, cùng với các loa stereo cho âm thanh khá chi tiết và tự nhiên tạo nên một hiệu ứng âm thanh vòm rất kích thích khi chơi game. Mình rất ngạc nhiên về âm thanh trên G751 và nó khiến mình nhớ đến dàn âm thanh ấn tượng Harman/Kardon của dòng máy chơi game Toshiba Qosmio. Bạn có thể tùy chỉnh các chế độ âm thanh bằng phần mềm MaxxAudio theo máy với nhiều preset và tùy theo nội dung như nhạc, phim, game, …

Cấu hình: GTX 980M, SSD, đủ sức cán game nặng:


Là chiếc máy đầu bảng của dòng ASUS RoG, G751 được trang bị cấu hình cao để phục vụ cho nhu cầu chơi game hạng nặng của game thủ. Phiên bản mình mượn được là G751JY với cấu hình như sau:
  • CPU: Intel Core i7-4720HQ (Haswell) 4 lõi, xung nhịp 2,6 GHz (Turbo Boost 3,6 GHz), 6 MB Cache;
  • GPU: Nvidia GeForce GTX 980M 4 GB GDDR5 + Intel HD Graphics 4600;
  • RAM: Samsung 16 GB DDR3L bus 1600 MHz (8 GB mỗi thanh), chạy Dual-Channel;
  • Ổ cứng: SSD SanDisk 128 GB + Hitachi HDD 1 TB (7200 rpm);
  • Ổ quang: Matshita Blu-ray Writer;
  • Kết nối: Bluetooth 4.0, Intel Dual Band Wireless-AC 7260 (a/b/g/n/ac);
  • Hệ điều hành: FreeDOS.

Cấu hình của G751JY đã được nâng cấp khá đáng kể so với phiên bản G750JZ với CPU Core i7-4720HQ, mặc dù vẫn là thế hệ Haswell nhưng phiên bản này có xung nhịp cao hơn. Bên cạnh đó là GPU GeForce GTX 980M, đây là con GPU cho laptop mạnh nhất thuộc G900 Series và là phiên bản nâng cấp của GTX 880M từng nắm vị trí số 1 hồi năm ngoái. Khác biệt lớn nhất giữa GTX 880M và GTX 980M là nền tảng kiến trúc, trong khi GTX 880M được phát triển trên kiến trúc Kepler thì GTX 980M dùng kiến trúc Maxwell và hiệu năng nó được cải thiện đáng kể so với người tiền nhiệm. GTX 980 dùng các chip GM204 có 1536 đơn vị shader ALU, 96 đơn vị TMU, giao diện bộ nhớ 256-bit và băng thông 160 GB/s. Phiên bản GTX 980 cũng hỗ trợ nhiều công nghệ độc quyền của Nvidia như chuyển đổi card thông minh (Optimus), tiết kiệm pin (Battery Boost) và ghi hình gameplay (ShadowPlay) mà bạn có thể kích hoạt bằng nút riêng như đã nói ở trên. Ngoài những nâng cấp về CPU và GPU thì lần này ASUS đã trang bị tiêu chuẩn cho G751 ổ SSD tốc độ cao thay vì vẫn gắn bó với ổ HDD như phiên bản G750. Tác dụng của ổ SSD như thế nào thì chắc anh em đã nắm rõ, mọi thức được tăng tốc rất nhiều, không còn tình trạng thắt cổ chai. Dưới đây là điểm số benchmark và trải nghiệm chơi game trên G751:

Benchmark:


Vẫn là các bài test hiệu năng quen thuộc gồm 3DMark 11, 3DMark 13, PCMark 7, PCMark 8 và CrystalDisk Mark. Anh em có thể xem qua điểm số và so sánh. Dĩ nhiên các bài test chỉ mang tính tham khảo nhưng điểm số cũng phản ánh ít nhiều hiệu năng của chiếc máy, đơn giản điểm càng cao càng tốt.

3DMark 11:



Điểm số của G751JY là 11476 điểm cho bài test Performance, chỉ thấp hơn MSI GT80 Titan với 2 card GTX 980M chạy SLI và cao hơn khoảng 2800 điểm so với phiên bản G750JZ.

3DMark 13:



Trong bảng xếp hạng này thì G751JY hiện tại chỉ xếp sau khủng long MSI GT80 Titan, đặc biệt là mặc dù chỉ chạy một card GTX 980M nhưng điểm số của G751JY cũng xấp xỉ MSI GT80 Titan với 2 card. So với phiên bản G750JZ thì điểm số chênh lệch khá nhiều, anh em có thể xem thanh màu đỏ của G751JY và thanh màu xanh nhạt của G750JZ. Trong 4 bài test thuộc gói benchmark 3DMark 13 thì điểm số Fire Strike test Physics được xem là quan trọng nhất và điểm số của G751JY là 8566 điểm, cao hơn G750JZ khoảng 2700 điểm.

PCMark 7 & 8:



PCMark 7 và 8 sẽ giúp chúng ta nắm được hiệu năng tổng thể của máy. Điểm số PCMark 7 của G751JY là 6053 điểm, cao hơn 1 chút so với G750JZ. Trong bản so sánh trên thì Eurocom X3 là con máy có điểm PCMark 7 cao nhất bởi nó dùng con CPU Core i7-4930MX Mobile Extreme mạnh nhất. Nhìn chung hiệu năng của G751JY trong bảng tổng sắp này chỉ xếp thứ 2.

Tốc độ đọc/ghi ổ cứng:



Nhờ sử dụng ổ SSD, tốc độ khởi động và truy xuất ứng dụng, game trên G751JY đã được cải thiện đáng kể so với ổ HDD chậm chạp trên G750JZ cũ. Thử nghiệm bằng CrystalDisk Mark, tốc độ đọc của ổ SSD SanDisk trên G751JY đạt 483,7 MB/s, trong khi đó tốc độ ghi ở 336,7 MB/s, nếu như ASUS trang bị thêm ổ SSD và cho chạy RAID 0 thì tốc độ đọc/ghi sẽ còn cao hơn.

Thử nghiệm chơi game:



Về trải nghiệm game trên G751JY, có thể nói với cấu hình này thì chiếc máy có thể cán được hầu hết các game đòi hỏi cấu hình cao hiện nay. Mình đã thử chơi 3 game gồm Battlefield 4, CoD Advanced Warfare và Assassin Creed Unity với các thiết lập cấu hình sau.
  • Battlefield 4: thiết lập Ultra, khử răng cưa MSAA 4x, AO HBAO, khung hình > 50 fps;
  • Assassin Creed Unity: thiết lập Ultra High, khử răng cưa MSAA 8x, AO HBAO+ > 25 fps
  • CoD Advanced Warfare: thiết lập Extra, khử răng cưa FXAA, AO HBAO+, khung hình > 120 fps.
*Trong video mình test Assasin Creed Unity với khung hình khá thấp, qua tìm hiểu thì do chưa cài bản vá lỗi cho game, bạn có thể xem thêm video dưới của tác giả Meaty Icecream, cũng với chiếc G751JY, max thiết lập thì khung hình rơi vào khoảng 58 - 60 fps.


Pin và nhiệt độ: tản nhiệt tốt, pin tạm được


G751JY được trang bị hệ thống tản nhiệt 2 quạt, 3 ống đồng dẫn nhiệt từ CPU, GPU. Quạt bên trái giải nhiệt cho CPU và mình để ý là nó luôn chạy. Khi tải nặng, quạt tự động tăng tốc nhưng khá êm, không gây âm thanh lớn. Riêng quạt bên phải giải nhiệt cho GPU thì ồn ào hơn đôi chút, khi tải nặng thì quạt liên tục tăng tốc, phát ra tiếng rì rì khá rõ ràng. Mặc dù vậy, tiếng động từ quạt vẫn ở ngưỡng bình thường, không quá ồn ào ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi game.
So với G750JZ, G751JY vận hành mát mẻ hơn nhờ hệ thống tản nhiệt cải tiến. Khu vực chiếu nghỉ tay vẫn duy trì nhiệt độ đo được khoảng 24 độ C (không tải) đến 28 độ C (full tải). Khu vực nóng nhất mình đo được khi máy full tải là gần bản lề 2 bên. Cũng khá dễ hiểu khi ngay bên dưới khu vực này là các lá nhôm tản nhiệt, nhiệt độ ở bề mặt lên đến khoảng 47 độ C. Tuy nhiên, tần suất tiếp xúc với khu vực này không nhiều nên trải nghiệm sử dụng máy không bị ảnh hưởng. Khu vực bàn phím khi full tải có nhiệt độ vào khoảng 35 đến 40 độ C, khá dễ chịu.

Về pin, G751JY được trang bị pin Li-ion 8 cell, 88 Wh tương tự G750JZ. Thử nghiệm chơi game trên máy không cắm nguồn, pin từ 96%, độ sáng tối đa, âm lượng tối đa thì sau gần 1 giờ, pin báo còn 10% yêu cầu cắm sạc lại. Thử nghiệm xem phim HD trực tuyến trên máy với độ sáng tối đa, âm lượng 70% thì pin trụ được khoảng 2 giờ. Dĩ nhiên với một chiếc máy háu ăn như G751JY thì thời lượng pin không thể dài lâu được, đây cũng là đặc điểm chung của dòng máy chơi game và thường thì chúng ta phải cắm sạc để chơi game để tận dụng tối đa năng lực phần cứng.

Tổng kết:


Như vậy, so với G750JZ thì G751JY rõ ràng sở hữu nhiều thay đổi và nâng cấp đáng chú ý cả về thiết kế lẫn hiệu năng. Điều mình đánh giá cao trên G751JY là chất lượng hoàn thiện máy đã cao hơn một bậc so với phiên bản cũ, ASUS đầu tư nhiều hơn cho chiếc laptop đầu bảng của mình với việc kết hợp hài hòa giữa chất liệu soft-touch và kim loại phay xước, bàn phím bàn rê ngon hơn hẳn, công nghệ màn hình IPS cũng đã giúp khắc phục hạn chế về góc nhìn, và không còn khiến chúng ta nghĩ về một phiên bản "Bình cũ rượu mới" như G750JZ.

Phiên bản G751JY với cấu hình trên có giá khoảng 44 triệu, trong khi đó G750JZ có giá khoảng 39 triệu. Như vậy mức chênh lệch về giá khoảng 5 triệu, khá cao nhưng những gì G751JY đem lại mình cho là rất xứng đáng.

Ưu điểm:
  • Thiết kế đẹp, hầm hố, chắc chắn, chất lượng hoàn thiện cao;
  • Màn hình đẹp, góc nhìn rộng, dàn loa chất lượng;
  • Cấu hình mạnh, đáp ứng nhu cầu chơi game đồ họa cao;
  • Trải nghiệm bàn phím bàn rê rất tốt;
  • Nhiều cổng kết nối cao cấp;
  • Hiệu quả tản nhiệt tốt;
  • Thời lượng pin khá.

Nhược điểm:


G751 không có nhiều nhược điểm nếu xét về một mẫu máy chơi game, các nhược điểm có thể nói đến là dày, nặng, giá cao 😃 nhưng nhắc đến giá cao thì điều mình quan tâm là tại sao ASUS lại không trang bị thêm ổ SSD cho G751, thiết lập RAID để tăng hiệu năng hệ thống. Thêm nữa, ASUS không cài sẵn Windows bản quyền trên máy. Hy vọng ASUS sẽ có thêm tùy chọn này cho anh em yêu thích dòng ROG.
160 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

trungiris
ĐẠI BÀNG
9 năm
đẹp😆 *vẫn thua cái bác card >.<* pó tay
@trungiris Lần sau vào đừng đọc, xuống bóc tem phát 😁 bạn có cơ hội nhận 1 vé ra đảo
trungiris
ĐẠI BÀNG
9 năm
@quangkhanh60 e tình cờ thôi bác =.="
Dài quá đọc chưa hết.
Cấu hình cũng ngon.
Nếu có tiền sẽ suy nghĩ nên mua hay không 😆
Cấu hình này mà chơi game thì quả là bá đạo. Nhưng nếu là mình thì 39tr sẽ đầu tư một PC để chơi game vẫn sướng hơn nhỉ? Tại sao nhiều người chơi game lại chơi loại này nhỉ?
chitrung712
ĐẠI BÀNG
9 năm
@hangchinhhieu.vn em đang so sanh máy chứ ko so sanh tiền nhé bạn 😁 đương nhiên asus lợi thế về giá 😃
Hoanganhzip
ĐẠI BÀNG
9 năm
@pro744 Đi du lịch chơi game sao? Hjhj
lay110000
ĐẠI BÀNG
9 năm
@Hoanganhzip không được chơi game sao 😃
Hoanganhzip
ĐẠI BÀNG
9 năm
@lay110000 uhm, tất nhiên là chơi được chứ, thay vì trải nghiệm văn hóa đời sống, phong tục tập quán, cảnh quan thì ta chỉ có 1 thứ để trải nghiệm đó là GAME ở nơi không phải ở nơi quen thuộc. Chắc hẳn cũng thú vị lắm,,,,😃
cũng thick mà không yêu được cái giá!
Lập Lê
ĐẠI BÀNG
9 năm
ko có tiền mua, vào xem chơi :v
quá đẹp, quá bá đạo luôn :eek:
đi làm màu với người khác ko lẽ vác cái PC đi 😁

neoline
ĐẠI BÀNG
9 năm
Vẫn mong tinh tế trên tay dòng dell precision hơn.
@neoline Loại đó nặng. Trên tay chắc mỏi lắm
zenkufist15
ĐẠI BÀNG
9 năm
máy này mấy a tinh tế mượn của cửa hàng nào thế các bác 😃
Con này mà đấu ra màn hình tivi to chơi game tuyệt vời , JAV phim mấy chục GB cũng nuột
@hoanghung.tb ý tưởng lớn gặp nhau 😃
baodng
TÍCH CỰC
9 năm
Con này chưa phải mạnh nhất, còn 1 em SLI 980 mà nay hết hàng rồi.
Giờ mới thấy Laptop Asus có SPDIF, chỉ toàn thấy trên MacBook Pro thui. Xuất âm thanh Digital đỉnh 😃!
xxxfbsxxx
ĐẠI BÀNG
9 năm
@Joseph Nguyen Khuong asus g trước h vẫn có spdif giống macbook, chỉ là cổng quang xài chugn với cổng headphone thôi
@xxxfbsxxx ^^. Sr bạn mình k biết.
minh19590
ĐẠI BÀNG
9 năm
Đang dùng ROG G75VW hơn 2 năm nay và thấy kiểu dáng ok nhất trong các dòng ROG, hiệu năng cũng quá đủ ^^
mr.pakapun
ĐẠI BÀNG
9 năm
mình đang gom lúa rước em về. Mình tham khảo giá bán của em nó trên vietcali, laptopno1 chỉ có ~40M thôi mà. Có SSD 128GB luôn
nói chung laptop chơi game thì mỗi hãng đều có 1 mẫu sản phẩm TOP của mình. nếu so sánh thì khó có thể biết ai hơn ai. chủ yếu bạn thích hãng nào mà thôi
cái nầy do ông thớt, ghi cấu hình có HD 4600 làm mình ghi kô có G-SYNC

bác thì nói gì, do cha thớt ghi có HD 4600 kìa
playmarble
TÍCH CỰC
9 năm
Bài viết rất chi tiết tỉ mỉ.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019