Đánh giá combo MSI X99A Gaming Pro Carbon và Intel Core i7-6900k: Mạnh, đẹp, giá khoảng 40 triệu

agp8x
20/6/2016 3:42Phản hồi: 62
Đánh giá combo MSI X99A Gaming Pro Carbon và Intel Core i7-6900k: Mạnh, đẹp, giá khoảng 40 triệu
Trong bài viết này mình sẽ đánh giá một combo khá ấn tượng của nền tảng Broadwell-E, bao gồm bo mạch chủ MSI X99 Gaming Pro Carbon và CPU Intel Core i7-6900K. Không chỉ đáp ứng tiêu chí hiệu năng mạnh mẽ, combo này còn sở hữu thiết kế đẹp mắt và nhiều tính năng hỗ trợ ép xung, giúp bạn vượt qua mức hiệu năng mặc định của Intel một cách khá dễ dàng.

Thông tin về Broadwell-E và CPU Intel Core i7-6900K

Broadwell-E là nền tảng máy tính để bàn cao cấp (HEDT/High-End Desktop) mới nhất của Intel được giới thiệu vào ngày 31/5 vừa qua tại Computex 2016. Sử dụng chung socket 2011-v3 với Haswell-E, các bộ xử lý mới của Broadwell-E vẫn tương thích ngược với mainboard Haswell-E sử dụng chip Intel X99, tuy nhiên bạn có thể sẽ phải cập nhật BIOS.
3727492_Intel6900k-1.jpg

CPU Broadwell-E có từ 6-10 nhân (so với tối đa 4 nhân của Broadwell), hỗ trợ công nghệ Hyper Threading (tăng gấp đôi số lượng luồng xử lý so với nhân vật lý), sản xuất trên tiến trình 14 nm (Haswell-E là 22 nm) và không tích hợp GPU. Cùng với Broadwell-E, Intel cũng giới thiệu phiên bản 3.0 của công nghệ Intel Turbo Boost Max cho phép ép xung tự động hiệu quả hơn khi chạy những tác vụ nặng.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về các CPU Broadwell-E vừa ra mắt qua bài viết: [Computex 2016] Intel ra mắt CPU Core i7-6950X Extreme Edition: 10 nhân, 3.5GHz, giá 1723 đô la


CPU mình sử dụng trong combo là Core i7-6900K, bạn có tìm hiểu thêm về nó qua bài viết: Trên tay CPU Intel Broadwell-E Core i7-6900K: 8 nhân,16 luồng, xung nhịp 3,2 GHz, giá 1089 USD

Thông số kỹ thuật
  • Tên CPU: Core i7-6900K​
  • Số nhân vật lý: 8​
  • Số luồng xử lý: 16 (công nghệ siêu phân luồng)​
  • Xung nhịp gốc: 3,2 GHz​
  • Xung nhịp Boost: 3,7 GHz​
  • Bộ nhớ đệm L3: 20 MB​
  • Socket: 2011-v3​
  • Chipset hỗ trợ: Intel X99​
  • RAM: 4 kênh DDR4 2400 MHz​
  • TDP: 140 W​
  • Giá ở Mỹ: 1089 USD​
Thông tin về bo mạch chủ MSI X99A Gaming Pro Carbon

Thông số kỹ thuật
  • Socket: 2011v3 (hỗ trợ CPU Haswell-E và Broadwell-E)​
  • Chipset: Intel X99​
  • RAM DRR4: hỗ trợ ép xung tối đa 3466 MHz​
  • Số kênh: tối đa 4 kênh (quad channel)​
  • Số lượng khe cắm RAM: 8​
  • Dung lượng RAM tối đa: 128​
  • Số khe PCIe 16x: 4​
  • Thế hệ PCIe: Gen3​
  • SATA Express: 1​
  • SATA 3: 10​
  • M.2: 1​
  • RAID: 0/1/5/10​
  • TPM: 1​
  • LAN: 10/100/1000​
  • Cổng USB 3.1 phía trước: 4 (Gen1)​
  • Cổng USB 3.1 phía sau: 1 (Gen2), 1(Gen2, Type C), 4(Gen1), 1(Gen1, Type C)​
  • Cổng USB 2.0 trước: 4​
  • Cổng USB 2.0 sau: 4​
  • Chip âm thanh: Realtek® ALC1150 Codec​
  • Hỗ trợ SLI và Crossfire: Có​
  • Kích thước: ATX​
X99A Gaming Pro Carbon là dòng bo mạch chủ mới nhất của MSI dành cho nền tảng Broadwell-E. Đây là dòng sản phẩm cao cấp hướng đến giới game thủ cũng như dân ép xung, vì vậy nó được thiết kế để không những có ngoại hình đẹp mắt mà còn tích hợp nhiều tính năng tiên tiến để bạn có thể dễ dàng ép xung hơn. Giá bán lẻ của dòng bo mạch chủ này là 13 triệu đồng. Mặc dù khá cao, tuy nhiên bạn cũng cần phải lưu ý là Broadwell-E cao cấp hơn một bậc so với nền tảng Skylake, vì vậy linh kiện của nó đắt hơn là chuyện bình thường. Về cơ bản, giá của Core i7-6900K chắc chắn sẽ hơn 20 triệu đồng vì vậy bo mạch chủ đi kèm giá 13 triệu là khá tương xứng. Ngoài X99A Gaming Pro Carbon, MSI còn một dòng bo mạch chủ Broadwell-E cao cấp hơn nữa là X99A Godlike Gaming Pro Carbon với giá khoảng 19 triệu đồng.
MSIX99-23.jpg

Tương xứng với cái giá khá cao của mình, MSI X99A Gaming Pro Carbon sở hữu ngoại hình cực kỳ ngầu. Nói chung nhìn vào là bạn sẽ cảm thấy rất ấn tượng. Điểm nhấn đầu tiên của nó chính là chất liệu chủ đạo của bo mạch được làm bằng polyme gia cố bằng sợi carbon, tạo sự khác biệt đẳng cấp so với các dòng bo mạch truyền thống.
MSIX99-14.jpg
Khu vực socket 2011v3 để gắn CPU được gia cố rất chắc chắn. Khác với những dòng bo mạch chủ Skylake (Z170), X99A Gaming Pro Carbon nói riêng và các bo mạch chủ sử dụng socket 2011v3 đều có phần đệm kim loại ở mặt dưới socket CPU. Điều này là bởi Intel và các hãng sản xuất bo mạch chủ tạo điều kiện tối đa để người dùng có thể sử dụng các hệ thống tản nhiệt hiệu năng cao từ các đối tác thứ 3. Intel cũng không kèm theo tản nhiệt stock cho các CPU sử dụng nền tảng Broadwell-E. Nếu so sánh với bo mạch dùng chipset Z170, bạn sẽ thấy việc lắp đặt tản nhiệt trên X99A Gaming Pro Carbon đơn giản hơn rất nhiều do đã có sẵn miếng kim loại đỡ phía sau socket CPU.
MSIX99-4.jpg

MSI X99A Gaming Pro Carbon có tổng cộng 8 khe cắm RAM DDR4, tất cả đều được bọc thép. Nhà sản xuất cho biết điều này giúp giảm nhiễu và cho phép người dùng có thể ép xung cao hơn, tối đa đến 3466 MHz. Dĩ nhiên, bo mạch hỗ trợ là một chuyện, thanh RAM DDR4 có lên được đến mức đó hay không thì cũng phải tuỳ thuộc vào chất lượng của nó cũng như kỹ năng của bạn. Và có lẽ thêm vào một chút may mắn và đam mê nữa, vì thật ra RAM là một trong những linh kiện khó ép xung nhất trên máy tính cũng như theo ý kiến cá nhân mình thì hiệu quả mà nó đem lại cũng tương đối hơi khiêm tốn (mình chủ yếu là chơi game, các bạn sử dụng máy cho đồ hoạ thì có lẽ sẽ cảm thấy khác). Bo mạch chủ của MSI nói riêng và những nền tảng HEDT nói chung đều hỗ trợ tối đa 4 kênh bộ nhớ (Quad channel), một nâng cấp đáng kể so với chỉ 2 kênh (dual channel) của nền tảng phổ thông Skylake/Broadwell/Haswell. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng 3 kênh (triple channel) nếu muốn.
MSIX99-2.jpg

Bo mạch chủ của MSI có tổng cộng là 2 khe cắm PCIe 1x 2.0 và 4 khe PCIe 16x 3.0. Riêng khe PCIe 16x thì được bọc thép để gia cố độ chắc chắn. Đây là điều rất cần thiết bởi các dòng card màn hình cao cấp hiện nay, với tản nhiệt khủng của chúng, đều rất nặng. Việc gia cố sẽ giúp bạn tránh được trường hợp bị gãy khe cắm khe cắm PCIe 16x sau một thời gian sử dụng. Cũng cần lưu ý là dù có đến 4 khe cắm PCIe 16x, X99A Gaming Pro Carbon chỉ hỗ trợ thiết lập tối đa 3 card ở chế độ SLI (Nvidia) hoặc Crossfire (AMD) mà thôi. Tuy nhiên như vậy cũng là quá đủ đối với phần lớn các game thủ hiện nay. Nếu muốn chơi một lúc 4 card, bạn sẽ phải sử dụng dòng cao cấp hơn là X99A Godlike Gaming Pro Carbon. Với CPU hỗ trợ 40 làn PCIe như Intel Core i7-6900K trong thử nghiệm của mình, bạn có thể thiết lập x16/ x0/ x0/ x0, x16/ x16/ x0/ x0, x16/ x16/ x0/ x8, x8/ x16/ x8/ x8. Ngoài ra nếu bạn dùng CPU chỉ hỗ trợ 28 làn thì tuỳ chọn thiết lập là x16/ x0/ x0/ x0, x16/ x8/ x0/ x0, x8/ x8/ x8/ x0, x8/ x8/ x8/ x4.
MSIX99-12.jpg

Về khả năng lưu trữ, chipset Intel X99 trong MSI X99A Gaming Pro Carbon cho phép kết nối tối đa 10 thiết bị thông qua kết nối SATA III 6 Gb/s (2 trong số đó là SATAe). SATA từ 1 đến 6 cho phép bạn thiết lập chế độ Raid 0/1/5/10. Trong khi SATA 7 đến 10 chỉ hỗ trợ chế độ IDE và AHCI. Ngoài ra thì bo mạch chủ của MSI còn tích hợp một khe M.2 (hình phía trên), hỗ trợ các dòng SSD tốc độ cao tận dụng chuẩn kết nối PCIe 3.0 4x. Bạn còn có 1 cổng U.2 để có thể kết nối SSD chuẩn NVMe. Cũng cần lưu ý là khe M.2 và cổng U.2 chia sẻ cùng một băng thông với khe PCIe 16x thứ 4 (PCIe_6), vì vậy nếu như bạn cắm card màn hình vào khe PCIe 16x thứ 4 (thật ra thì khe này chỉ chạy với tốc độ 8x) thì cổng U.2 sẽ bị vô hiệu hoá còn M.2 sẽ chỉ sử dụng được tốc độ tối đa của PCIe 2x và ngược lại.​

MSIX99-1.jpg
Bản thân chipset Intel X99 hỗ trợ 5 cổng USB 3.1 Gen 1 (một cổng Type-C nối ra thùng máy) và 8 USB 2.0 (4 cổng phía sau màu đen và 4 cổng để nối ra thùng máy). Không dừng lại ở đó, MSI bổ sung thêm chipset ASMedia ASM1142 để tăng cường 1 USB 3.1 Gen 2 và 1 USB 3.1 Gen 2 Type-C ở phía sau (cụm USB nằm riêng biệt). Ngoài ra còn có chipset VIA VL805 điều khiển thêm 4 cổng USB 3.1 Gen 1 nữa. Nếu bạn vẫn còn chưa hiểu về các loại cổng USB hiện nay thì có thể tham khảo bài: [Chia sẻ] Giúp anh em gỡ rối về USB-C và mớ bòng bong 3.0, 3.1, Gen1, Gen2 ... Một điều khá khó hiểu là MSI lại sử dụng bộ điều khiển mạng Intel® I218-V Gigabit LAN trong X99A Gaming Pro Carbon thay vì loại chuyên dụng cho chơi game là Killer™ E2400. Thật ra thì nó cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến trải nghiệm thực tế khi mình vẫn chơi online ầm ầm, đặc biệt là đối với thời buổi nhà nhà đều xài cáp quang như hiện nay. Nhưng với một sản phẩm cao cấp như thế này, việc MSI không dùng hàng tốt nhất hơi khiến mình bất ngờ.

Quảng cáo



MSIX99-1-2.jpg

MSI sử dụng chip âm thanh Realtek® ALC1150 Codec, hỗ trợ âm thanh 7.1 và ngõ ra quang (S/PDIF). 2 công nghệ Audio Boost 3 và Nahimic Audio Enhancer tăng cường chất lượng âm thanh, đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người nghe. Cụm chip âm thanh cũng được đặt ở vị trí riêng biệt, tránh vấn đề về nhiễu, nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của chip tích hợp. Mặc dù Realtek® ALC1150 có chất lượng khá tốt nhưng nó không phải là xuất sắc. Xét mức giá khá cao của X99A Gaming Pro Carbon so với các bo mạch chủ Z170 thì mình hơi thất vọng vì không có sự cải thiện về chất lượng âm thanh.

MSIX99-21.jpg
Chipset Intel X99 được đặt dưới cụm tản nhiệt được thiết kế cực kỳ ngầu với logo rồng đặc trưng của series MSI GAMING. Logo này được tích hợp đèn RGB và bạn có thể tuỳ chỉnh màu sắc theo ý muốn. Rất đẹp, tuy nhiên đây cũng là một trong số những lỗi thiết kế hiếm hoi của MSI đối với dòng bo mạch chủ X99A Gaming Pro Carbon này. Vấn đề ở chỗ nếu bạn xài những dòng card màn hình cao cấp (mà sự thật là nếu đã chơi đến nền tảng Broadwell-E thì chẳng ai lại gắn card giá rẻ cả) thì thân card sẽ che mất đầu rồng. Nhìn xa cũng không đến nỗi nào nhưng nhìn gần lại khá kỳ cục.

MSIX99-10.jpg

Linh kiện sử dụng trên X99A Gaming Pro Carbon đạt chuẩn Military Class 5, nói chung đó là cách mà MSI khẳng định là nó rất bền. Khu vực các mạch cấp nguồn cho CPU có khối tản nhiệt riêng, giúp kiểm soát nhiệt độ khi bạn tăng dòng điện lên để ép xung.

Quảng cáo


MSIX99-5.jpg Được thiết kế không chỉ cho game thủ mà còn cả dân ép xung, vì vậy bạn sẽ tìm thấy cụm phím Power và Reset ngay trên bo mạch. Ngay cạnh đó sẽ là núm xoay với 12 vị trí, tương ứng với 12 chế độ ép xung (CPU) thiết lập sẵn của MSI. Đáng tiếc là hãng vẫn chưa cập nhật để hỗ trợ cho các CPU Broadwell-E. Mặc dù vậy, khi mình xoay thử thì vẫn dùng được, tuy nhiên nó xem Core i7-6900K (Broadwell-E) như là Core i7- 5820K (Haswell-E) ở mức xung mục tiêu. Phía trên cụm nút điều khiển bạn sẽ thấy một cần gạt, cho phép bạn chuyển đổi qua lại giữa 2 BIOS. Điều này giúp bạn cứu vãn những lần ép quá tay hay flash hỏng 1 trong 2 BIOS.

MSIX99-3.jpg

Một điểm nhấn khác trong phần thiết kế của MSI X99A Gaming Pro Carbon là màn hình báo hiệu ở góc. Đối với các dòng bo mạch thông thường, nếu lỡ bị lỗi thì bạn phải lắng nghe tiếng "tít" báo hiệu, khá bất tiện. Còn đối với dòng bo mạch này, tất cả sẽ được hiển thị lên màn hình để bạn dễ xử lý.
cputest-7.jpg cputest-10.jpg


Hai ứng dụng bổ trợ cho MSI X99A Gaming Pro Carbon là Gaming App và Command Center. Gaming App cho phép bạn ép xung bằng phần mềm với các mức thiết lập sẵn của MSI (bạn có thể lựa chọn ép bằng phần cứng với núm xoay trên bo mạch hoặc bằng phần mềm với Gaming App), tuỳ chỉnh màu sắc của đèn cũng như cách chiếu của hệ thống đèn Mystic Light. Bạn cũng có thể chuyển đổi giữa 3 chế độ Silent (xung nhịp CPU tự điều chỉnh tuỳ theo mức độ hoạt động của máy), Gaming (xung nhịp CPU được Boost lên tối đa) và OC (ép xung vượt qua mặc định xung nhịp của Intel). Nếu như RAM của bạn có hỗ trợ XMP thì các chế độ OC cũng sẽ ép xung luôn RAM. Chẳng hạn như bộ Patriot Viper mình dùng có xung nhịp mặc định là 2133 MHz, chuyển qua chế độ OC thì tự ép lên 2400 MHz luôn. Nói chung muốn đơn giản nhẹ nhàng thì Gaming App là tất cả những gì bạn cần, còn muốn chuyên sâu hơn thì bạn có thể dùng Command Center. Nó cho phép bạn theo dõi chi tiết hơn hệ thống, ép xung bằng tay với mức độ tuỳ biến cao hơn (thay đổi hệ số của từng nhân, điều chỉnh base clock, ép xung RAM). Nói chung là hằng hà sa số thứ để đáp ứng đam mê của những bạn thích ép xung (trong đó không có mình, mình thì chỉ thích nhẹ nhàng để chơi game thôi). Ngoài ra thì bạn cũng có thể điều khiển ép xung và đèn Mystic Light từ xa bằng điện thoại Android.

Nói một chút về hệ thống đèn Mystic Light của MSI X99A Carbon Gaming Pro, bạn có thể chỉnh màu sắc, cách thể hiện tuỳ theo gu của mình. Ngoài ra thì theo mình biết nếu bạn là dân mod case thì MSI sẽ tặng thêm một dây đèn LED nối dài nữa, để bạn có thể dùng trang trí cho case. Dây đèn này có thể được gắn thẳng vào bo mạch hoặc dùng đầu chuyển USB (hình như cũng tặng kèm luôn) và điều khiển được màu sắc bằng Gaming App.


Đánh giá hiệu năng

Để đánh giá hiệu năng của combo MSI X99A Gaming Pro Carbon và Intel Core i7-6900K, mình sử dụng hệ thống có cấu hình như sau: CPU Core i7-6900K, bo mạch chủ MSI X99A Gaming Pro Carbon, tản nhiệt Cooler Master Hyper 212X, MSI GeForce GTX 970, 16 GB Patriot Viper DDR4-2400 MHz, SSD Patriot Blast 240 GB và PSU Xigmatek Tauro 600W.

MSIX99-7.jpg

Mình sẽ thử nghiệm hiệu năng ở 2 mức xung nhịp: xung nhịp mặc định là 3,2 GHz và 3,8 Ghz (xoay núm OC sang mức 1, ép xung theo thiết lập tự động của bo mạch chủ X99A Gaming Pro Carbon). Mình đã thử ép lên 4.1 GHz và thấy hệ thống vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên do không có thời gian nhiều để test độ ổn định nên mình quyết định dùng kết quả của mức xung nhịp 3,8 GHz. Nói chung là ép nhẹ nhàng để sử dụng hằng ngày thôi. Nhiệt độ thì Cooler Master HyperX kiểm soát khá tốt, luôn ở dưới ngưỡng 70 độ khi fullload ở phòng máy lạnh 20 độ. Mặc định là một khi vào chế độ OC, quạt của tản nhiệt sẽ được kích để chạy 100% công suất. Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy ồn (mình thì không) thì có thể chuyển qua chế độ Smart (tự động theo nhiệt độ).

testing-1.jpg
Thiết lập mặc định của Core i7-6900K, xung nhịp sẽ dao động từ 1200 MHz - 3700 MHz

Một điều cần lưu ý là ở mặc dù Intel công bố Core i7-6900K có xung nhịp gốc là 3,2 GHz và có thể Turbo Boost lên 3,7 GHz, trên thực tế chỉ có 2/8 nhân là đạt được mức xung nhịp này. 6 nhân còn lại chỉ đạt tối đa 3,5 GHz. Vì vậy nếu xét về tương đồng thì kết quả so sánh ở bên dưới thực chất là 3,5 Ghz (2 nhân 3,7 GHz + 6 nhân 3,5 GHz) và 3,8 GHz (8 nhân 3,8 GHz).
cputest-11.jpg
Ép xung bằng thiết lập số 1 của MSI X99A Gaming Pro Carbon - 8 nhân đều lên 3,8 GHz


3Dmark Fire Strike Ultra
cputest-4.jpg 3,2 GHz (trái) và 3,8 Ghz (phải)
Các bạn lưu ý là trong phần này chúng ta chỉ xem kết quả ở phần Physics Score, điểm tổng thể thấp là do card GTX 970 không đủ mạnh.

Cinebench

cputest-12.jpg
3,2 GHz (màu cam bên dưới) và 3,8 Ghz (màu cam bên trên)

Handbrake


Mình encode 1 video clip ca nhạc 4K "Cất giấu ký ức", độ dài 3:52 và dung lượng 6,79 GB xuống 1080p cho AppleTV. Kết quả thời gian như sau:

testing-2.jpg
Core i7-6900K@3,2 GHz: 1 phút 18 giây
Core i7-6900K@3,8 GHz: 1 phút 5 giây

PCMark08


cputest-8.jpg

PCmark 8 thì mình chỉ có điểm của Core i7-6900K@3,2 GHz.

Mình không đưa kết quả test game vào bởi vì sau khi thử qua các trò chơi (Tomb Raider, Metro Last Light Redux, Bioshock Infinite, The Witcher 3, Diablo 3, GTA 5) thì gần như không có sự khác biệt (chỉ 1-2 fps, nhiều khả năng làm nằm trong sai số mỗi lần chạy benchmark).

Kết luận


Tóm tắt ưu nhược điểm của combo MSI X99A Gaming Pro Carbon + Intel Core i7-6900K

Ưu điểm
  • Nền tảng Broadwell-E mới nhất
  • Hiệu năng ấn tượng
  • Thiết kế hoành tráng
  • Hỗ trợ tối đa ép xung
  • Dân không chuyên vẫn có thể ép xung dễ dàng
Nhược điểm
  • Chi phí cao (khoảng 40 triệu chỉ cho bo mạch chủ và CPU)
  • Đèn LED tại vị trí chipset bị che khi sử dụng
  • Quá mạnh nếu chỉ dùng để chơi game
Vậy ai là đối tượng của combo MSI X99A Gaming Pro Carbon + Intel Core i7-6900K?

Game thủ và dân ép xung mong muốn có được hiệu năng cao nhất, vượt qua khả năng đáp ứng của Skylake chính là đối tượng chính của combo MSI X99A Gaming Pro Carbon + Intel Core i7-6900K.

Khi xét riêng về nền tảng Broadwell-E, nhiều bạn sẽ nghĩ rằng nó được thiết kế dành cho công viêc đồ hoạ và CPU nhiều nhân (6-10 nhân vật lý, 12-20 luồng xử lý) là không cần thiết cho chơi game. Sự thật đúng là CPU của Broadwell-E hiện tại, điển hình là Core i7-6900K là quá dư thừa khi chơi game. Chiến những trò nặng như Witcher 3 ở 4K (dùng GTX 1080GTX 1070 chứ không phải GTX 970 mà mình thử nghiệm trong bài này) thì mức độ sử dụng CPU chỉ vào khoảng 70% là tối đa. Và bằng chứng là khi ép xung lên thì cũng chẳng cải thiện được tốc độ khung hình. Nhưng điểm đáng giá của Broadwell-E là CPU của nó hỗ trợ 40 làn PCIe (trừ dòng thấp nhất Core i7-6800K chỉ 28 làn, tương đương với Skylake), giúp bạn có thể chạy ở thiết lập SLI hoặc Crossfire 2 card màn hình cùng lúc ở tốc độ tối đa 16x. Với kiến trúc Pascal, Nvidia hiện tại đã tối ưu hoá SLI 2 card với cầu nối HB SLI mới, giúp nền tảng Broadwell-E là sự lựa chọn hàng đầu nếu bạn muốn tận dụng hết khả năng của hệ thống đa card màn hình. Gì chứ sức mạnh của card màn hình thì không bao giờ có chuyện "quá nhiều". Riêng về Core i7-6900K thì đây là sự lựa chọn khá tốt với mức giá 1089 USD ở Mỹ, về Việt Nam chắc khoảng 25-27 triệu gì đó. Thấp hơn thì chỉ có 6 nhân mà cao hơn là i7-6950X với giá ngót nghét 1800 USD, bằng nguyên cả cái combo này luôn.

Trong khi đó bo mạch chủ MSI X99A Gaming Pro Carbon là một sự lựa chọn rất tốt nếu bạn muốn tận dụng được hết khả năng của nền tảng Broadwell-E. Ngoại trừ phần logo rồng đặt ở vị trí khá là trớt quớt thì bo mạch của MSI xứng đáng với số tiền đắt xắt ra miếng của nó. Ngoại hình ngầu, đàn đèn Mystic Light ấn tượng với khả năng tuỳ chỉnh theo ý muốn. Nhiều bạn sẽ nghĩ rằng bo mạch chủ gắn trong thùng thì chẳng cần đèn đóm chi cho mệt, nhưng thực tế thì đã đầu tư đến mức này thì chuyện sắm thùng xịn với cạnh hông trong suốt là chuyện bình thường. Một quy luật chung của các sản phẩm hướng đến game thủ là phải có đèn, bởi lẽ bạn không chỉ chơi mà còn ngắm nữa. Nói chung thì LED trên bo mạch có thể xem như nội y phụ nữ á, không cho thì thôi chứ đã cởi thì phải khiến ai xem cũng phải bị quyến rũ. Các mức ép xung được thiết lập sẵn cho phép ngay cả những bạn không chuyên, như mình, vẫn có thể thực hiện một cách dễ dàng.

Và dĩ nhiên cái gì cũng phải có giá của nó. Hiệu năng cao, thiết kế đẹp với đàn đèn cực ngầu và một loạt các tính năng dành cho ép xung; bạn sẽ phải đầu tư số tiền khá lớn. Trong trường hợp này có lẽ trên dưới 40 triệu cho bộ combo MSI X99A Gaming Pro Carbon và Intel Core i7-6900K. Liệu đây có phải là mức giá hợp lý hay không? Nói thật với các bạn là mình cảm thấy không, nhưng có một quy tắc trong giới công nghệ là đã lao vào cuộc đua hiệu năng thì chẳng có gì là hợp lý cả. Nếu đã chọn nền tảng Broadwell-E, bạn tốt nhất là hãy quên chuyện hiệu năng/giá mà thay vào đó là tận hưởng cảm giác ngồi trên đỉnh cao hiệu năng và nhìn xuống bên dưới (với tư cách là game thủ như mình hoặc dân ép xung, còn dân đồ hoạ thì chắc chỉ nghĩ đến kiếm tiền thôi).
62 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

cuticuti
TÍCH CỰC
8 năm
Xài chắc phê tê tái 😃 combo 2 món thôi đã nhỉnh hơn nguyên dàn mới ráp của tớ rồi 😃
NNK910
TÍCH CỰC
8 năm
@cuticuti bộ này mà full thì chắc mẩm cũng 150 củ chưa kể đồ chơi hay tảng nhiệt
@NNK910 Bạn nói hơi quá rồi .
Intel i7-6900k = 1089$
Msi x99A gaming pro carbon ~ 500$
Msi gtx 970~300$
Mấy thứ lặt vặt còn lại khoảng 500$ .
Tính tổng chưa tới 3000$
Ngay cả chơi gtx 1080 + ssd intel 750 hay ss 950 pro + tản nhiệt nước cũng không quá 5000$
99v9.9999
TÍCH CỰC
8 năm
nhìn cái main thích nhỉ
matrix8145
TÍCH CỰC
8 năm
Ai mua combo này chơi game mà đưa nó vào cons 😃
Mấy main x99 đc trang bị 2 cổng PCIe x16. Mà mình thấy mấy main thường có 2 cổng PCIe thì chỉ có x1 PCIe x16 và 1 PCIe x8. Vậy chạy SLI card trên main đó có phải băng thông bị bóp đi không? con đc gắn vào PCIe x8 yếu hơn con gắn trên x16 à?
Thang0206
ĐẠI BÀNG
8 năm
@leequan2012 Đã hết đâu mà bóp =)), chả ai gắn SLI 1080 với con i5 cả đâu bác
@Thang0206 là sao không hiểu, rõ hơn giúp ạ
@leequan2012 Thường những main như vậy không hỗ trợ SLI. chỉ hỗ trợ Crossfire thôi.
@leequan2012 Mấy main đó đa phần ko hỗ trợ SLI đâu bác, chỉ hỗ trợ CROSS FIRE thôi. SLI thường những dòng main mắc tiền tí mới có.
qtgalaxy
TÍCH CỰC
8 năm
mạnh quá...nhưng để cài windows mà nhiễm virus chắc vẫn ì nhẩy @@
@qtgalaxy Macbook nhiễm còn ì nữa là Windows.
Tuấn haha
ĐẠI BÀNG
8 năm
@qtgalaxy Chắc bác đang xài mac hay các máy khác không phải windows nhẩy. Window là thứ tốt nhất có thể cài lúc này. Mà hdh gì chả có virus, nói cứ như không.
qtgalaxy
TÍCH CỰC
8 năm
@Tuấn haha hi, chấp nhận thui, virus ư?....quen rùi, sống chung với lũ...virus cộng sinh os thui bạn ợ 😃
chân dài đy bới đạu gia. Thèm
cuthuyen
TÍCH CỰC
8 năm
Mình có thắc mắc các thiết bị USB 2.0 thì khi gắn vào cổng 3.0 hay 3.1 vẫn dùng bình thường. Sao họ không trang bị luôn hết đều là 3.1 Gen2 đi mà còn để 2.0 làm gì nữa?
@Anhking Thực ra thì P/S2 hình như dùng cho bàn phím để nó nhận NKRO, nhược điểm là ko dùng bàn phím có led được. Nói chung bàn phím giờ xài USB thì tiện hơn 😃, nhận 10 ngón là ok rồi.
@Anhking Máy mình không phải khởi động lại, plus and play luôn.
@cuthuyen để 2.0 còn cài win nữa bạn. usb 3.1, usb 3.0 cài driver nó mới nhận.
Thang0206
ĐẠI BÀNG
8 năm
@nguyenbathanhtk4 Của mình USB 2.0 cắm 3.0 nó vẫn nhận bình thường 😁
Mốt mình định sắm như sau :
CPU core i7 6700k 3.5Ghz 8M
GPU GTX 1080 của Asus
Ram G.Skill 16GB 2400Mhz
SSD Intel 750 Series 480GB và HDD 1TB 7200rpm của WD
Motherboard : Gìgabyte Z170X-Gaming
còn mấy cái kia thì phụ khỏi kể
còn cái nữa là phải quất màn hình 2k của Dell nữa hehe
@baohen1510 Nguồn 100$ có cái giá của 100$ nha 😁 Dàn kia dùng PSU theo mình thì cỡ 1K tầm 200$ mới phù hợp ;)
@thriller Bộ này có gì đầu mà cần tới 1k . Có chạy SLI đâu . Phí lắm .
Bên voz tư vấn bộ 6700k + 1 card hầu như toàn chọn nguồn dưới 700W ( đa số tư vấn chọn con seasonic 620W giá dưới 2tr ) . Cao lắm thì kiếm con PSU 750W là chạy dư rồi . Khi nào chạy SLI mới cần tới 1000W
leon_1234
ĐẠI BÀNG
8 năm
@khải đập chai Ai nhắc tới main G1 Gaming đấy. :rolleyes:

@yeucongnghe.vn Bác mua nguồn đểu coi chừng hỏng hết cả dàn thì sướng
Cái gì chứ nguồn thì phải coi trọng nhất
leon_1234
ĐẠI BÀNG
8 năm
Nhìn lại dàn i7 6700K của mình mà tủi. 😔
synguyen7989
ĐẠI BÀNG
8 năm
lên dàn này, kèm 2 card 1080, đóng tiền điện cũng mệt
@synguyen7989 lo bò trắng răng, sao ko lo nốt mấy thằng chạy siêu xe thiếu tiền đổ xăng đi =))
synguyen7989
ĐẠI BÀNG
8 năm
@suvival198 tại bạn hok biết, đây mình có ông anh mê cong nghệ, để dành tiền lên i7 4790k, với 1 vga gtx 980ti, mà đợt tiền điện nặng quá, phải bán dàn, mình đây hok phải khoe của, nhà cũng bình thường, mình chạy laptop core 2 T7250 từ 2007 đến giờ, mình ở nhà làm part time để dành mất 2 năm lên dàn i7 6700k skylake (hết 30tr) mà còn ngán tiền điện ( cắn răng để lên dàn mạnh hok phải khó, mà mở mày chạy phà phà 5 - 6h mỗi ngày hoặc cày game liên tục hok phai ai cũng cứng vậy đâu, mình chưa nói những người mức thu nhập trung bình họ cũng đầu tư máy lạnh ( 7-8tr inverter cũng có) nhưng nóng quá mới dám mở chứ có dám mở phà phà hok, có rất nhiều người thích công nghệ họ để dành tiền để lên cái mới cái mạnh để cảm nhận nhưng hok nghĩ sâu xa, chứ mình hok nói nhưng người giáu có thật sự làm gì
newslove
TÍCH CỰC
8 năm
mình luôn có mong ước lắp dc case có cấu hình max để chơi pikachu
Anhking
ĐẠI BÀNG
8 năm
Vẫn chưa hiểu lắm về công dụng của dòng E này...Mục đích tạo ra nó để làm gì nhỉ ? Chạy SV à ?😕
kungfu9
CAO CẤP
8 năm
cái main khủng khiếp...em chỉ dám xài main 500k trở lại...cpu chỉ lắp tới pen 4...đồ hoạ tích hợp các bác à....
Và em cất kho..phũ đầy bụi😔
giờ em chán bộ môn lắp ráp rồi...làm tiền cứ xúc hẵn mac pro..nhanh gọn nhẹ rời xa windows:p
@kungfu9 Bụi đầy yên xe kìa, phủi sạch chở anh 1 cuốc đi mátxa nào
kungfu9
CAO CẤP
8 năm
@Khánh Ducati miền trung nóng quá anh ơi😁
Linhhho
ĐẠI BÀNG
8 năm
that ko the tin được !!!!
duaIshock
ĐẠI BÀNG
8 năm
Yêu MSI.

Nhưng đi mua main cũ toàn săn hàng Gigabyte, tầm G31,41 chắc Giga nó không đối thủ !
sonvt9x
ĐẠI BÀNG
8 năm
mấy con core i7 boardwell E này chắc phải đặt tên là core i9 mới đúng vs sức mạnh của nó
@sonvt9x I7 5960x broadwell trước đâu thua kém con này. I3,5,7 mới là tầm thường thôi. Dòng E5,E7 mới khiếp.
maclife
TÍCH CỰC
8 năm
Trước gì chả biết chơi game gì ngoài xếp kim cương với bắn trứng khủng long! 😔
Nói thật mình xài skylaky cũng vượt xa nhu cầu chơi game của mình. Cái main này xấu hơn con main gigabyte Z170X Gaming G1 nhiều lắm 😁
Nhìn đẹp quá nhỉ

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019