[Hỏi Tinh tế] Làm sao để online an toàn? Khóa PIN cho SIM, giấu thẻ tín dụng, mã reset pass...

Duy Luân
6/3/2017 22:12Phản hồi: 180
[Hỏi Tinh tế] Làm sao để online an toàn? Khóa PIN cho SIM, giấu thẻ tín dụng, mã reset pass...
Dạo này có rất nhiều vụ đánh cắp thông tin, trộm cắp thông tin hay bị đổi password từ xa. Nhiều vụ bắt nguồn từ việc điện thoại bị trộm, một vài vụ liên quan tới iCloud, một số vụ khác thì lừa đảo qua email hay Facebook Messenger. Tất cả đều dẫn tới nguy cơ lớn hơn: bạn bị mất thông tin, mất dữ liệu và mất tiền. Xin chia sẻ với anh em một số quy tắc mà mình luôn áp dụng để giữ cho bản thân an toàn khi sử dụng các dịch vụ online cũng như khi xài điện thoại. Mời anh em xem qua, nếu anh em còn cách nào mà mình chưa đề cập thì hãy chia sẻ để mọi người cùng biết nhé.

Không share số điện thoại / email lên những nơi công cộng


Các nơi công cộng bao gồm mạng xã hội, các dịch vụ nhắn tin và những nơi mà bạn biết rằng ngoài bạn ra thì còn người khác có thể thấy được thông tin cá nhân của bạn. Vì sao lại như vậy? Bên cạnh nguy cơ bị gọi làm phiền hoặc spam mail rác, một người nào đó khi cần có thể nhanh chóng dò ra số điện thoại của bạn chỉ bằng cách gõ vào Google rồi từ đó tìm hiểu kĩ thói quen, sở thích của bạn để làm những trò xấu hơn. Nguy hiểm hơn, người đó có thể dựa vào lịch sử hoạt động của bạn trên các mạng xã hội hay website để bêu xấu bạn, những thứ mà đáng ra chúng ta có thể phòng ngừa được từ đầu.

Nếu đã lỡ share số hay địa chỉ rồi thì sao? Tốt nhất là hãy đi xóa nói, rồi liên hệ với chủ website gỡ nó ra khỏi tài khoản của bạn nếu bạn không tự làm được.

Không tiết lộ thông tin thẻ tín dụng dưới bất kì hình thức nào


Ngoài các cổng thanh toán và những website mua bán hay dịch vụ bạn có thể tin tưởng, còn lại thì bạn không được để cho bất kì ai biết số thẻ của mình. Không gửi thông tin thẻ qua email, không gửi thông tin thẻ qua SMS, không post lên Facebook, hãy giữ những con số đó thật kĩ càng. Bên cạnh nguy cơ bị mất tiền như chơi, thẻ còn có thể bị sử dụng cho những chuyện trái pháp luật và nhà chức trách sẽ truy ra nguồn gốc ở bạn, khi đó rất phiền phức để giải thích và chứng minh rằng bạn không phải là người phạm tội.

Chưa hết, có một câu chuyện mà mình vừa đọc được trên Facebook sáng nay. Một anh chàng bị mất iPhone nhưng đã kịp khóa iCloud, tức là theo lý thuyết máy khi đó đã thành cục gạch. Nhưng không, kẻ trộm rất thông minh, hắn lấy SIM ra để biết được số, sau đó hắn đã tìm kiếm trên Google để ra được địa chỉ Gmail của nạn nhân. Khi đã có số điện thoại và địa chỉ email, hắn reset password Gmail và sử dụng mã OTP do Google gửi vào điện thoại để xác thực. Mà khi đã có trong tay Gmail rồi hắn có thể làm bất kì thứ gì hắn muốn.

Nhưng may mắn là Apple có cơ chế xác thực hai lớp, trong đó có yêu cầu reset password iCloud thì cần phải nhập thông tin thẻ tín dụng. Vì tên trộm không có thẻ tín dụng của nạn nhân nên hắn gửi SMS để lừa nạn nhân rằng điện thoại của bạn đã được tìm thấy kèm theo đường link dẫn tới website trông giống như của Apple. May mà anh này biết được và dừng lại, chứ nhập thông tin thẻ vào nữa là xem như mất luôn iCloud.


Cài mã PIN cho SIM


Như trong câu chuyên ở trên anh em có thể thấy rằng việc mất điện thoại không quan trọng bằng việc mất SIM. Khi kẻ trộm có SIM trong tay, hắn ta sẽ có số điện thoại của bạn và dễ dàng reset password rất nhiều tài khoản quan trọng. Mà làm sao hắn ta biết được số điện thoại chỉ dựa vào SIM? Đơn giản, hắn gắn SIM của bạn vào một cái điện thoại khác rồi gọi vào điện thoại của hắn là biết ngay.

Mấu chốt vấn đề nằm ở đây. Nếu hắn ta không thể gọi điện sang máy của hắn thì hắn sẽ không biết được số điện thoại của bạn. Mà chưa biết số điện thoại thì sẽ rất khó để đi dò trên mạng để móc ra được địa chỉ email. Tóm lại, chúng ta cần ngăn chặn việc hắn có thể thực hiện cuộc gọi từ SIM của bạn, và đó là lý do SIM PIN ra đời.

Giao_dien_lock_SIM_Android_iOS_PIN.jpg

Quảng cáo


Mã PIN cho SIM là một chuỗi 4 số bắt buộc phải nhập vào khi cắm SIM sang điện thoại mới. Nếu bạn không nhập đúng mã PIN thì bạn không thể làm gì với SIM này (kể cả gọi điện), và nếu nhập sai 3 lần thì bị khóa SIM. Cách cài mã PIN cho SIM như sau:

Trên iPhone: vào Cài đặt > Điện thoại > SIM PIN, bật tính năng này, nhập vào mã PIN của bạn. Không nên dùng ngày sinh vì dễ đoán.

Trên Android: vào Cài đặt > gõ ô tìm kiếm > nhập chữ "SIM" vào rồi bật tính năng tương ứng. Nếu bạn xài giao diện tiếng Việt thì có thể nó ghi chữ "Cài đặt khóa SIM" hoặc "SIM PIN", nếu tiếng Anh sẽ là "Set up SIM card lock" hoặc "Change SIM PIN". Đừng nên dùng dùng ngày sinh vì dễ đoán.

Lưu ý: khi lần đầu bật tính năng SIM PIN bạn sẽ được hỏi PIN hiện tại là gì. Đừng lo lắng, mã này do nhà mạng thiết lập sẵn như bên dưới. Sau khi nhập xong mã mặc định thì bạn đổi sang mã mới do bạn chọn. Nếu nhập không được, đừng cố gắng tiếp tục vì có thể ai đó đã đổi PIN cho SIM của bạn trước hoặc nhà mạng đổi mà bạn không biết. Hãy gọi tổng đài (xem bên dưới) để được hỗ trợ chứ không lại bị khoá SIM mất công.

  • SIM Viettel: 0000
  • SIM Vinaphone: 1234
  • SIM Mobifone: 1111 hoặc 0000 (sim 4G)

+ Mobifone miền Bắc: 0904.144.144
+ Mobifone miền Trung: 0905.144.144
+ Mobifone miền Nam: 0908.144.144
+ Mobifone Cần Thơ: 0939.144.144

+ Tổng đài Vinaphone: 9191
+ Vinaphone Miền Bắc – 0912481111
+ Vinaphone Miền Nam – 0918681111
+ Vinaphone Miền Trung – 0914181111

+ Tổng đài Viettel: 198
+ Số tổng đài của Viettel tại miền Bắc: 0989.198.198
+ Số điện thoại tổng đài Viettel tại miền Nam: 0983.198.198
Không share password ở bất kì đâu

Trừ khi bạn đang đăng nhập hay xác thực gì đó, còn lại bạn không nên gõ password của mình vào bất kì đâu, tất nhiên cũng không nên chia sẻ nó cho bất kì người nào khác qua bất kì phương tiện như email, tin chat, tin nhắn SMS. Có rất rất nhiều kẻ lừa đảo nhắn SMS cho bạn dạng "Chúng tôi phát hiện giao dịch có hại, hãy nhập password để hủy giao dịch". Rất rất nhiều người đã bị lừa một cách dễ dàng như thế, và chỉ trong chốc lát tin tặc đã có mật khẩu của bạn. Chúng ta lại có thói quen đặt password chung cho nhiều tài khoản khác nhau nên mất một cái là xem như mất hết đám kia.

Ngoài ra, bạn cũng nên để ý kĩ đường link mà bạn tính nhập password vào có phải là link chính chủ, link đúng hay không. Có nhiều trò lừa viết tên miền hơi giống tên gốc nhưng thực chất trang đó được làm ra để đánh cắp mật khẩu của bạn. Ví dị: applc.com hay googlc.com chẳng hạn. Chỉ khác một kí tự thôi là đã ra website khác và việc bị lừa là dễ thấy.

Password_gia_mao.jpg

Nên dùng khác password cho các tài khoản quan trọng và email chính


Như đã nói ở trên, chúng ta thường có thói quen sử dụng chung một password cho tất cả tài khoản. Thói quen này cực kì có hại vì nó sẽ khiến hacker dễ chiếm quyền kiểm soát tài khoản của bạn nếu hắn vô tình đoán hay biết được một cái. Tất nhiên, yêu cầu đặt mỗi account một password gần như là điều không khả thi, do đó mình xin chia sẻ với anh em cách mình đang áp dụng như sau:
  • Với tài khoản email quan trọng nhất: đặt pass riêng, không giống với bất kì tài khoản nào khác. Đây là email dùng với ngân hàng, dùng cho account Tinh tế, cho tất cả mọi thứ cực kì thiết yếu mà mình không thể sống thiếu
  • Với tài khoản ngân hàng: đặt pass riêng, để tránh bị mất tiền
  • Với các tài khoản khác kém quan trọng hơn: đặt pass riêng khác nữa
Tùy theo mức độ quan trọng của các tài khoản anh em sử dụng mà anh em có thể chọn dùng cái nào riêng, cái nào chung cho tiện.

Cách tốt hơn: dùng app password manager nào đó, ví dụ như LastPass hay 1Password. Cá nhân mình không thích những app dạng này vì mình không có đủ niềm tin và không có đủ khả năng giao khoán password nên mình chọn cách nhớ trong đầu.

Số điện thoại gửi OTP cho bạn là gì?


Hiện tại chúng ta đã khá quen thuộc với các hình thức bảo mật 2 lớp, tức là sau khi nhập password thì bạn phải nhập thêm một mã xác thực nữa thì mới đăng nhập được. Tương tự, khi reset password bạn cũng phải nhập mã xác thực thì mới được phép đi tiếp.

Vấn đề là có những trường hợp tin tặc sử dụng số điện thoại lạ nào đó để nhắn tới cho bạn code reset. Những số này thường không phải dạng số tổng đài (có 4-6 số) mà sẽ dài như số cá nhân chúng ta đang xài (10 số, 11 số). Bạn có thể dựa vào đây để đánh giá xem có nên tin tưởng code gửi tới hay không. Nhưng lưu ý rằng cũng sẽ có một số trường hợp mã xác thực được gởi tới bằng đầu số thường, tốt nhất bạn nên hỏi công ty chủ quản dịch vụ bạn đang xài cho an toàn.

Password_OTP_hai_lop.jpg

Nhưng vụ này không nguy hiểm bằng việc đầu số lạ nhắn cho bạn tin gì đó và yêu cầu nhập mã vào rồi gửi ngược lại. Như ví dụ ở trên, anh bạn mình thấy trên Facebook được yêu cầu gửi thông tin thẻ tín dụng qua SMS để xác thực. Mình cũng từng thấy tin nhắn lừa đảo kêu gửi password qua. Đó là chuyện KHÔNG BAO GIỜ xảy ra, nếu có thì chắc chắn là lừa đảo. Anh em nhớ cẩn thận.

Cẩn thận với những người chat với bạn


Nếu bất thình lình một người chat với bạn để hỏi mượn tiền, nạp card điện thoại hay đi mượn cái gì đó mà bạn có thể chuyển không cần gặp mặt thì phải đề cao cảnh giác ngay lập tức. Bạn có thể hỏi một số câu hỏi mà chỉ bạn với người đó biết để xác minh xem có thật sự người gửi là người bạn biết hay là một ai đó đang chiếm lấy tài khoản của họ. Nếu cần, gọi điện thoại thẳng cho họ để xác thực thông tin cho an toàn. Có thể hỏi thêm những người lân cận với người đó để xem có ai đã từng bị dụ theo cách tương tự hay chưa.

Đặt mật khẩu khó


Chuyện này không quá khó nhưng không phải ai cũng làm. Trong password của bạn ngoài chữ ra còn cần phải có số và kí tự đặc biệt nữa. Ví dụ, bạn có thể đặt pass là DuyLuan@XXX1 chẳng hạn. Càng có nhiều kí tự thì hacker càng khó đoán / dò ra mật khẩu của bạn và đây cũng là một cách an toàn nhất bạn có thể thực hiện để đảm bảo mình không bị đánh cắp tài khoản. Xin đừng lười đặt mật khẩu dễ, vì tới khi mất password thì không gì có thể giúp bạn lấy lại được đâu nhé.

Ngoài ra bạn cũng cần thay đổi mật khẩu thường xuyên. Có thể 1 năm đổi 1 lần thôi chứ cũng không cần phải căng thẳng quá. Cách này mình vẫn hay áp dụng với một số tài khoản quan trọng của mình. Tài khoản làm việc ở công ty thì bị bắt buộc đổi mỗi 3 tháng nữa kìa. Hãy chịu khó một chút nhé!

Đây là kinh nghiệm của mình, mời anh em chia sẻ thêm những cách bảo vệ của anh em nhé.
180 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Kinh nghiệm siêu VIP đây
Cạo 3 số CVV đàng sau thẻ tín dụng và nhớ 3 số đó hoặc ghi Note trong điện thoại

Để nhân viên thu ngân hay kẻ gian dù có chụp hay nhớ được các thông tin trên thẻ thì cũng ko thể thanh toán online đc
Những giao dịch online ko yêu cầu CVV thì yên tâm là giới hạn cực ít tiền nên ko lo
Còn khi quẹt thẻ thanh toán thì kẻ gian khó mà kí giống đc mà camera ghi lại đc thì ngân hàng cũng huỷ giao dịch đó khi chủ thẻ claim thôi.

Dùng thẻ Visa thì nên đăng ký thêm tính năng Verify by Visa
Tính năng này hoạt động như sau:
Bạn tự đặt 1 câu hỏi bí mật và câu trả lời bí mật.
Khi xác nhận thanh toán Visa sẽ hiện câu hỏi bí mật của bạn ra (để bạn nhận ra đó đúng là trang của visa)
Bạn nhập câu trả lời bí mật (để visa nhận đó là bạn)

Dùng Master thì đăng ký 3D SecureCode mỗi lần thanh toán sẽ nhắn 1 mã OTP về đt
@yudhoyono mua cái đt cũng 5tr mà kêu ít thì tôi cũng thua. nếu đã áp dụng thì bao nhiêu cũng phải đòi mã hết,
@nguoidaukhohcm
Em thấy bác nói chí phải😃😃
Hornet2012
TÍCH CỰC
7 năm
@nguoidaukhohcm Có trang web sẽ hỏi mã xác nhận otp qua điện thoại và có trang ko hỏi, và lazada là 1 trong những trang đó. Còn có paypal cũng ko hỏi mã xác nhận otp.
Tiki, mobifone, viettel, ... Đều có xác nhận mã otp qua điện thoại.

Sent from my LG-H960 using Tapatalk
@levibinhdinh lúc đăng ký hình thức này mình nghĩ ngân hàng phải bắt buộc các trang mún thanh toán qua nó phải qua bước nhập thẻ, chứ ko phải cho trang web đó tùy chọn đòi hay ko, giống như tôi mua ví đựng tiền có gắn ổ khóa, tôi vào cửa hàng nào cũng phải dùng chìa khóa của tôi mới mở được, đằng này có 1 cửa hàng nó có thể tò tay vào móc ví luôn ko cần mở khóa. Đấy mình ngạc nhiên là như vậy.
có 3 thứ quan trọng nên biết là:
1).không nhà sản xuất, dịch vụ, công ty nào yêu cầu bạn password vì thực ra họ biết rồi, truy lục là có hoặc là họ hoàn toàn có thể truy cập vào tài khoản của bạn dễ dàng.
2). cài pin cho sim thì nên tháo cái sim đó ra cạo xoá mất 16 chữ số seri trên sim( chứ không thôi nó cướp được nó gọi lên nhà mạng hỏi thì nhà mạng yêu cầu 16 số đó nó cung cấp và họ cũng sẽ cung cấp lại mã PUK để mở sim đó thôi).
3). có thẻ ngân hàng thì nên xoá 3 số CVV.
và mấy điều Duy Luân nói là hạn chế, rãnh rỗi nữa thì nên đổi pass thường xuyên mà chắc ít ai làm, thời giờ ai mà chả có cả trăm cái tài khoản cho biết bao nhiêu cái dịch vụ nhớ đã khó đổi nhiều lần chắc ít ai làm.
@huuduong5284 Vậy là làm tầm bậy đó
ltdloletta
ĐẠI BÀNG
7 năm
@_MyLoveIsWinter_ Thằng Hack nó đang cần biết số ĐT, Thím đọc cho Tổng đài rồi thì Tổng có nghi thím đang ăn trộm sim nữa k hả thím?? Đọc 16 số nữa là đủ điều kiện mở sim rồi.
@ltdloletta Thì thế mới nói, chứ đâu cần phải đọc cmt như mod nói đâu.
huuduong5284
ĐẠI BÀNG
7 năm
@nguyentuannb
làm gì mà tầm bậy hả bạn
dangquang2
ĐẠI BÀNG
7 năm
Sim pin mặc định của vinaphone là 1234 chứ không phải 1111 nhé. Bạn sửa lại đi. Bài này 1 phần copy trên mạng nên đã copy cả lỗi rồi.
Hôm qua mình đã bị khoá sim vì cái mã pin kia.
Cẩn thận nhiều người lại bị khoá sim theo
ôi sao cảm thấy sợ quá =(
Các tk thì mình bật bảo mật 2 lớp hết. Trên PC mở WD thường trực, chặn cookie, duyệt web mình dùng Chrome để được bảo vệ thêm nhờ tính năng năng cảnh báo web lừa đảo.
Trên smartphone mình cài pin Sim & kèm tính năng cảnh báo đổi Sim, các thông tin riêng tư, giao dịch v.v.v. mình đặt nó trong KNOX + truy cập bằng vân tay. Brown mình dùng Chrome in knox.
Sau khi test thử, thấy bảo mật riêng tư và an toàn dữ liệu tốt hơn dùng chế độ bình thường của các máy khác rất nhiều.
em đăng bài lên chợ tốt, sau có 1 ngày gõ số điện thoại mình trên gg thì tràn lan các web khác có thông tin mình, chịu thua
mr_fire
ĐẠI BÀNG
7 năm
thím Duy Luân đẹp trai cho xin cái hình nền trong bài đi. 😁
99v9.9999
TÍCH CỰC
7 năm
Càng hiện đại càng nguy hiểm
Tất cả các phương pháp phòng vệ chỉ là tương đối, bọn nó đã muốn hack thì có đến 99% là bạn sẽ chẳng thể nào mà thoát được đâu ! Chỉ có một cách khá hữu dụng là đặt pass khó khăn là thấy ổn nhất thôi !
Boyvideos
ĐẠI BÀNG
7 năm
Mình vào thử thì đúng là web fake thật http://detectphone.com/, nói chung bị mất máy thì nên tới nhà mạng báo chặn hoặc làm thủ tục cắt liên lạc sim ngay hoặc đặt lệnh xóa từ xa, chứ báo mất rồi đề sdt nhiều khi cũng dở. Thời buổi bây giờ một khi đã mất khó lòng tìm lại được nên đừng mong rơi mà có người gọi đến cho chuộc.
Các cách bảo mật trên là đúng nhưng đôi khi rườm rà mà khó khăn với người mới sử dụng
qtgalaxy
TÍCH CỰC
7 năm
Mỗi góc bàn pc 1 mã, cứ thế luân phiên(mã ghi trái nhau, có quy luật do não syn ra) bao chuẩn !
1: thank mod đã cho em biết giá trị của mã SIM và mã PIN
2: đắng lòng wa, giá mà trc khi bị mất d.thoai mk cài cái này thì có phải tốt gấp tỉ tỉ vạn vạn lần không???????????o_O
@ĐứC Nhữ Đaik - Dùng khoá mã pin đôi khi đen vẫn chết đấy; vì mình hay bị khoá sim nên biết;
Nhiều khi gọi đến nhân viên chăm sóc khách hàng mạng Mobile báo bị khoá pin (puk) nó bảo (Chỉ cần) đọc mấy số seri sau đít sim lên là nó đọc cho mã Pin (puk) mới luôn. Nên khoá Pin thì tốt, nhưng đen gặp con CSKH lười thì vẫn chết
@kingking2922 Chuẩn luôn
Mình dùng adr nhưng mất 1 lần và ngay lập tức đăng nhập trang của ss xóa hết dữ liệu trên dt đi kể cả email. Sau đó là alo tổng đài khóa xim ngay và luôn.
Ngon
trungking
TÍCH CỰC
7 năm
Bảo mật 2 lớp là an toàn nhất rồi, nó có biết pass cũng thế thôi 😆
giờ từ mail đến facebook hay gì gì có bảo mật 2 lớp là bật lên hết cho chắc ăn
@trungking Nó có só điện thoại là ăn cám luôn hihi
trungking
TÍCH CỰC
7 năm
@Duy Luân nó có số điện thoại, có sim điện thoại, có mật khẩu chứ có mỗi sdt thì làm đc gì 😆
Càng hiện đại thì lại càng dễ bị lừa, sau này xe hơi mà thông minh khéo bị hack mất cả xe luôn. 😁
Mã PIN mặc định của Vinaphone còn là 1234
huuduong5284
ĐẠI BÀNG
7 năm
@hoangthienan7
vừa bị khóa xong vì cái mã này luôn
alex.hn
CAO CẤP
7 năm
Hay quá! Trước đến giờ mình còn một điều không để ý là cài mã PIN cho SIM. Đọc bài này phải làm luôn.
Ngày xưa dùng feature phone còn dám cho nhau mượn điện thoại chứ giờ dùng smartphone,điện thoại có tỷ thứ thông tin cá nhân quan trọng nên không thể cho mượn dễ dàng như trước nữa.
Đúng là càng hiện đại thì càng hại điện đó mà,LOL 😁
@alex.hn Mình cũng không biết, mới được chỉ có vài hôm à.hay!
Tử Long 07
ĐẠI BÀNG
7 năm
Điện thoại thì PIN và pass
Thẻ thì cạo 3 số CVV
Các tài khoản thì dùng pass tương đối nhưng bật tính năng OTP

Chốt: mọi cách đều tương đối một khi đã thành mục tiêu rồi thì nếu ko phát hiện kịp thì trước sau gì cũng có chuyện.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019