Kiến thức cơ bản về ổ SSD bạn nên biết trước khi chọn mua

cuLong
13/8/2012 4:43Phản hồi: 410
Kiến thức cơ bản về ổ SSD bạn nên biết trước khi chọn mua
10.png

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công ghệ thông tin hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng sắm một chiếc máy tính cá nhân có cấu hình rất cao, ví dụ như CPU 4 nhân, card đồ họa DirectX 11, Ram 16GB và ổ cứng vài Terabyte. Tuy nhiên, với cấu hình như vậy nhưng máy vẫn khởi động chậm và chạy các chương trình rất ì ạch, thì nguyên nhân đa phần đều xuất phát từ ổ cứng HDD, bởi đây vẫn là thứ tiến hóa chậm nhất trong các linh kiện máy tính ngày nay. Vì vậy, chọn SSD sẽ là một trong những nâng cấp đáng giá nhất cho máy tính của bạn, bài viết sau đây sẽ giải thích cho chúng ta SSD là gì, vai trò của nó và vài kiến thức cơ bản để có thể chọn một ổ SSD phù hợp.

Vậy SSD là gì?

SSD là viết tắt của từ Solid-State Drive - ổ cứng thể rắn, còn HDD là viết tắt của Hard Disk Drive, tức ổ đĩa cứng hoạt động bằng cơ. Với HDD, dữ liệu được ghi lên các phiến đĩa (gọi là platter), ví dụ trong ổ đó bạn có 1000 bài nhạc MP3, khi muốn mở một bài nhạc nào đó, đầu từ của ổ sẽ quét lên các phiến đĩa để tìm file MP3 đó, việc này mất một khoảng thời gian (gọi là seek time), tương tự như bạn tìm 1 cái áo trong tủ đồ của mình, nhưng vì seek time này vô cùng nhỏ, chỉ vài mili giây, nên hầu như chúng ta không nhận thấy sự chậm trễ này. Tuy nhiên, vì cơ chế đó mà với HDD có chứa nhiều dữ liệu, chúng sẽ bị phân mảnh, dẫn tới việc tốc độ truy xuất bị giảm sút (giống như ta mất thời gian tìm 1 cuốn sách trong thư viện), và cũng vì giới hạn trong công nghệ sản xuất mà HDD ngày nay chỉ tăng về dung lượng là chủ yếu chứ tiến rất chậm về tốc độ.

Ổ SSD cho PC thông thường có kích thước 2.5", sử dụng giao tiếp Sata (ở bài này chúng ta không nói đến SSD dùng PCI Express), nhưng nó vẫn tương thích với các máy tính để bàn dùng ổ cứng 3.5", bạn chỉ cần dùng một cái khay chuyển đổi là xong, thường thì nó được bán kèm theo chiếc SSD đó luôn, nếu không thì ta cũng có thể tìm mua ở các cửa hàng chuyên bán linh, phụ kiện vi tính.

ssd.jpg

Với SSD thì cao cấp hơn, chúng không sử dụng phiến đĩa cũng như đầu từ, mà dữ liệu sẽ được lưu trữ trong các chip flash, nên dù có bị phân mảnh dữ liệu giống trên HDD thì điều này cũng không ảnh hưởng tới tốc độ truy xuất dữ liệu, do đó khi cần tìm dữ liệu, việc truy xuất diễn ra gần như tức khắc mà không có độ trễ. Thêm nữa, vì sử dụng chip flash nên dữ liệu trên SSD được lưu trữ an toàn hơn các loại HDD và tốc độ cũng nhanh hơn nhiều lần, tóm lại, SSD có thể tăng tốc độ cho các tác vụ của máy tính như sau:

- Giảm thời gian khởi động hệ điều hành.
- Khởi chạy phần mềm nhanh hơn.
- Tốc độ lưu file và truy xuất dữ liệu cực nhanh.
- Chống sốc tuyệt đối, không có tiếng ồn, mát hơn.
- Tóm lại, Hiệu năng tổng thể của máy cũng tăng theo.

Giá bán của SSD đang có xu hướng giảm mạnh, hiện tại đang ở mức khoảng 1 USD/GB, tuy vẫn còn cao hơn HDD thông thường nhiều lần, nhưng đây cũng là mức giá có thể chấp nhận được đối với không ít người dùng hiện nay. Chọn mua SSD không khó, những có nhiều điều làm chúng ta phân tâm, ví dụ như tốc độ, thương hiệu... vậy thì đâu là những tiêu chí cần quan tâm khi chọn mua 1 ổ SSD? Chúng ta sẽ cùng làm rõ ngay sau đây.

  • Tốc độ truy xuất tối đa
Với giao tiếp Sata 3 hiện nay (băng thông 6Gpbs), những ổ SSD có thể đạt tốc độ đọc và ghi rất nhanh, lên đến hơn 500MB/giây, còn những SSD sử dụng chuẩn Sata 2 thì có tốc độ thấp hơn nhiều, trong khoảng 200 - 275MB/giây, những thông số này đều được nhà sản xuất công bố và ghi rõ bên bao bì của sản phẩm mà khi mua chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy.

Đo tốc độ truy xuất của 1 SSD sata 3​

  • Loại chip nhớ, MLC hay SLC
Các SSD hiện nay sử dụng 2 loại chip nhớ, là MLC (multi level cell) và SLC (single level cell), điểm khác biệt giữa chúng là MLC có thể lưu trữ nhiều dữ liệu hơn trên mỗi cell, và cũng dễ sản xuất hơn, do đó giá thành của SSD sử dụng chip dạng MLC sẽ có giá bán rẻ hơn loại SLC. Các hãng sản xuất SSD chuyên sử dụng MLC có thể kể đến như Corsair, Crucial, Kingmax, Adata... Tuy nhiên vì lưu trữ nhiều dữ liệu trên một cell hơn nên chip MLC cũng có tỉ lệ lỗi cao hơn loại SLC, nhưng nó vẫn rất ít gặp chứ không xảy ra tình trạng mất dữ liệu phổ biến như trên HDD.

Quảng cáo


intel.jpg
Intel thường dùng loại chip SLC nên SSD của họ thường có giá mắc hơn
  • Giao tiếp hỗ trợ
Hiện nay chúng ta đã có giao tiếp Sata III với băng thông lên đến 6Gbps, các SSD sử dụng chuẩn này có thể đạt tốc độ đọc, ghi lên đến hơn 550MB/giây. Và để tận dụng được băng thông này, bạn nên kiểm tra xem máy tính của mình có hỗ trợ Sata 3 hay chỉ là Sata I (1,5Gbps) hoặc Sata II (3Gbps) hay không, dĩ nhiên SSD Sata 3 cũng tương thích ngược với Sata I và II, tuy nhiên tốc độ cũng bị giảm xuống tương ứng.

  • Chức năng sửa lỗi ECC
ECC (Error Correcting Code) là một chức năng giúp SSD có thể tự phát hiện và sửa các lỗi dữ liệu phát sinh trong quá trình sử dụng, giúp hạn chế tình trạng dữ liệu của chúng ta không may bị mất mát hoặc hư hỏng. Tuy nhiên ECC chỉ được trang bị trên những SSD cao cấp và do đó giá thành của chúng cũng đắt hơn SSD thông thường rất nhiều, tương tự thông số MLC/SLC và chuẩn Sata, ECC cũng được nhà sản xuất công bố và ghi rõ trên bao bì (cũng như trang web) của sản phẩm cho người sử dụng được biết.

  • Lựa chọn thương hiệu phù hợp
Hiện nay có rất nhiều hãng tham gia sản xuất ổ SSD, tuy nhiên lại vắng bóng những tên tuổi cực kì nổi tiếng trong mảng HDD là Western Digital, Seagate hoặc Hitachi, nhưng không vì thế mà thị trường SSD kém sôi động hơn. Khi chọn mua một sản phẩm nào đó, thông thường ngoài giá cả thì chúng ta cũng hay bị chi phối bởi một yếu tố khác nữa, đó chính là thương hiệu, nếu ta thích thương hiệu này hoặc nó được bạn bè "khuyên dùng" thì dĩ nhiên nó sẽ có cảm tình tốt hơn với chúng ta. Do đó, hãy hỏi bạn bè hoặc người quen có dùng SSD để nhận lời khuyên từ họ, hoặc bạn cũng có thể tìm đọc cái bài đánh giá về SSD có trên mạng để tìm mua một chiếc ổ SSD thích hợp.

  • Làm công tác tư tưởng với SSD
Với 100$ trong tay thì bạn có thể mua được 1 HDD 2.5" dung lượng 1TB, nhưng với SSD thì chỉ được ổ 128GB, nôm na là với cùng số tiền bỏ ra thì với SSD ta chỉ có được mức lưu trữ bằng 1/8
so với HDD thông thường. Do đó, khi chọn mua SSD thì bạn phải lên công tác tư tưởng với bản thân bởi giới hạn về mặt dung lượng của nó. Tuy nhiên, ta nên xác định rõ rằng tốc độ của SSD cao hơn HDD nhiều lần, mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể dễ dàng nhận thấy, và SSD thường dùng để cài hệ điều hành và phần mềm, giúp tăng hiệu năng hoạt động của máy tính, chứ nó ít được dùng để lưu trữ dữ liệu hơn. Do đó, hi sinh dung lượng để đổi lấy tốc độ của SSD là một việc làm đáng tiền.

  • Chuyển từ HDD qua SSD
Như đã nói ở trên, vì giới hạn dung lượng lưu trữ so với giá bán, nên chúng ta thường dùng SSD để cài HĐH và phần mềm, do đó khi chuyển đổi, việc đầu tiên cần làm thường là chuyển đổi dữ liệu. Chúng ta có 2 lựa chọn: Cài mới HĐH hoặc chuyển HĐH cũ đang dùng từ HDD qua SSD.

Lựa chọn 1: cài mới HĐH thì rất đơn giản. Chỉ cần tiến hành cài lại OS mà bạn muốn, cài driver và các phần mềm cần thiết, vậy là xong.

Quảng cáo



Lựa chọn 2: Chuyển từ HDD qua SSD. Công việc này phức tạp hơn một chút, chúng ta sẽ cần các ứng dụng hỗ trợ việc chuyển toàn bộ dữ liệu từ ổ đĩa này qua ổ đĩa khác. Với Windows, bạn có thể dùng phần mềm Ghost rất nổi tiếng của Norton, hoặc Acronis True Image hoặc một phần mềm nào khác tương tự.

Nếu không rành về vấn đề này thì bạn hãy nhờ người nào am hiểu giúp, vì cả 2 lựa chọn trên đều cần đến kiến thức tin học cơ bản và nâng cao.

  • Mở rộng dung lượng lưu trữ miễn phí
Như đã nói ở trên, SSD có dung lượng nhỏ hơn HDD nhiều lần, do đó chúng ta phải làm công tác tư tưởng khi chuyển qua dùng SSD. Tuy nhiên, vẫn còn vài phương án dự phòng khác, mà một trong số đó lại vô cùng tiện lợi và hoàn toàn miễn phí: sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây. Thật vậy, lưu trữ đám mây rất phổ biến hiện nay, và các công ty cung cấp thường tặng chúng ta vài GB miễn phí, rất đơn giản. Bạn có thể tham khảo qua vài dịch vụ như Dropbox, Sugarsync, SkyDrive, Google Drive, iCloud (cho người dùng iOS)...

skydrive.jpg
SSD cơ bản đã có tốc độ truy cập và đáp ứng nhanh hơn HDD vài lần, tuy nhiên cũng có thêm vài mẹo nhỏ giúp tăng hiệu năng, tuổi thọ cho SSD mà chúng ta có thể áp dụng như sau:

Kích hoạt TRIM

TRIM là một chức năng của HĐH giúp nó quản lý cách xóa dữ liệu trên SSD một cách triệt để, tức là khi chúng ta xóa một thứ nào đó trên SSD, dữ liệu đó sẽ bị xóa vĩnh viễn mà không phục hồi lại được. Như vậy dung lượng trống trên SSD là thực sự, dữ liệu mới sẽ không bị ghi đè, chồng lấn lên đó. Nhờ vậy, TRIM sẽ gián tiếp tăng tuổi thọ cho ổ SSD của bạn, tuy nhiên nó cũng có một nhược điểm nhỏ là thời gian xóa dữ liệu sẽ lâu hơn một chút.

Về cơ bản, HĐH Windows Vista và Windows 7 của Microsoft sẽ mặc định kích hoạt TRIM cho các SSD có hỗ trợ chức năng này, với Mac OS thì chúng ta phải làm vài bước nhỏ để kích hoạt TRIM cho các SSD không phải của Apple cung cấp, tham khảo ở bài viết này.

trim.jpg

Tắt chức năng Hibernate (ngủ đông)

Người dùng Mac OS không cần quan tâm đến chức năng này. Riêng Windows Vista và Win 7 có một chức năng khá thú vị là Hibernate. Nó sẽ ghi lại toàn bộ tình trạng hiện tại của máy tính từ RAM vào ổ cứng, ở lần khởi động máy tính tiếp theo bạn sẽ có lại y chang 100% hiện trạng đó, rất tiện lợi cho người thực hiện nhiều công việc cùng lúc. Lưu ý là Hibernate khác Restart/Shut Down máy tính.

Vì ghi lại dữ liệu từ RAM vô ổ cứng nên Hibernate sẽ tốn của bạn một dung lượng không nhỏ, với Windows Vista, nó tốn đúng bằng dung lượng RAM mà máy tính đang có, ví dụ RAM 8GB thì ta sẽ

tốn 8GB ổ cứng cho Hibernate. Windows 7 thông minh hơn một chút, nhưng nó cũng lấy một dung lượng ổ cứng bằng khoảng 3/4 RAM. Do đó, tắt Hibernate sẽ tiết kiệm được kha khá dung lượng cho bạn, nhất là khi ta có một SSD nhỏ, ví dụ chỉ 64GB.

Tắt Hibernate rất đơn giản, ta chạy cửa sổ Run (Windows + R) hoặc cửa sổ Command Prompt rồi gõ dòng lệnh sau:
powercfg /hibernate off -> Enter
Tương tự: powercfg /hibernate on -> Enter để bật lại chức năng Hibernate khi cần.

hibernate.png
  • Đừng chạy ứng dụng Chống phân mảnh cho SSD của bạn
Như đã nói ở trên, với HDD thông thường thì dữ liệu sẽ được ghi lên các phiến đĩa, và đầu từ có nhiệm vụ tìm chúng khi ta cần truy cập đến. Cũng vì vậy mà trên HDD bị xảy ra một tình trạng rằng 1 file dữ liệu (có thể) có nhiều phần được lưu ở nhiều nơi khác nhau trong phiến đĩa, dẫn đến tốc độ khi truy xuất bị giảm đáng kể, gọi là Sự phân mảnh (fragment). Vì vậy HĐH sẽ cho ta một chức năng gọi là Chống phân mảnh (Defragment) để gom các mảnh dữ liệu đó lại gần nhau, nhằm giảm tình trạng trên.

Tuy nhiên, SSD có cấu tạo cũng như cơ chế hoạt động khác HDD. Dữ liệu được lưu trên các chip nhớ dạng Flash, nên dù có bị tình trạng phân mảnh, nhưng SSD không sử dụng đầu từ để dò tìm dữ liệu nên việc truy cập vẫn diễn ra tức thì. Do đó, không cần và tuyệt đối không nên chạy ứng dụng chống phân mảnh cho SSD của bạn. Việc làm này vô nghĩa, thậm chí là gây hại cho SSD vì bắt nó phải làm một việc quá sức (tuổi thọ của SSD được tính theo số lần ghi/xóa dữ liệu mà chương trình chống phân mảnh là di chuyển dữ liệu từ chỗ này sang chỗ khác).

19.png
  • Kết luận
Trên đây chỉ là những kiến thức cơ bản về SSD và sự khác nhau của nó so với HDD, cũng như vài mẹo nhỏ áp dụng cho SSD. Việc lựa chọn SSD tuy dễ mà khó, tuy khó nhưng rất dễ, bởi nó còn tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố Giá cả và Mức độ chấp nhận của người dùng, như đã đề cập ở trên. Do đó, quyết định cuối cùng vẫn chỉ ở bạn, rằng có muốn chuyển qua dùng SSD hay vẫn tiếp tục với HDD truyền thống hay không mà thôi.
410 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

ssd còn đắt quá nhưng chắc mai kia rồi cũng phổ biến
anhtuan9x_bn
ĐẠI BÀNG
6 năm
@karlbenz đã phổ biến như bác đoán 😆)
cupido
TÍCH CỰC
5 năm
@anhtuan9x_bn 6 năm trời trả ttù chưa muộn.
2019, 7 năm sau điểm lại phát nữa : 1TB SSD giờ loại trung cũng loanh quanh mức 3-4tr 😁
@cupido Quân tử 10 năm trả thù chưa muộn bạn ơi, bạn nôn nóng quá rồi :D
Giá hạ thì tốt cho người ít tiền.
Thấy là tốt nhất 1 ổ SSD làm ổ khởi động, còn 1 ổ HDD vài TB để làm ổ lưu trữ... thực ra có chậm thì chậm ở phần khởi động chứ ứng dụng mở file ít khi chậm lắm (tất nhiên là trừ các bác xử lý video, verto...)
quocanh58
TÍCH CỰC
12 năm
@CoffeeHN ít có cmt nào chất lượng như thế này, e là e ngán ngẩm đọc toàn cmt của mấy thằng gắn não tranh cmt
đọc xong bùn ngủ quá , dài dữ vậy

Sent from my SAMSUNG-SGH-I897 using Tinhte.vn
@holo124 Nhưng đầy đủ thông tin và rất chi tiết + dễ hiểu mà bác 😃
enix
ĐẠI BÀNG
12 năm
@holo124 Comment vô nghĩa, người ta tốn công tốn sức viết bài, đầu trâu ko hiểu thì thôi đừng có đưa ra cho người khác thấy chứ, mod nên ban mấy nick cmt kiểu này 1 tuần để cảnh cáo.
@enix người ta đọc trên dt cảm thấy dài và buồn ngủ thôi , nói kêu không hiểu là hơi quá rồi bạn à , nếu ko thích mới cái như này chắc tôi đã ko đọc rồi
hoangbkuno
ĐẠI BÀNG
12 năm
@holo124
Bài viết hay vậy mà ông này than buồn ngủ cả dài dòng chứng tỏ văn hóa đọc của ông này qúa kém luôn
@hoangbkuno thì đang buồn ngủ , đọc xong thấy mờ mắt mà 😃
Đang đắn đo muốn mua 1 SSD tầm 128Gb hay 256 mà giá vẫn cao quá. Đành đợi thêm vậy.
Tuyệt cú mèo. Một bài viết hay ! Cá nhân mình dùng MBA nhưng lưu dữ liệu trên ổ cứng ngoài và dịch vụ lưu trữ đám mây.
anh em không mua cho hàng này ở vn ế luôn đi.hehe.cho nó xuống giá đi
@khongminhdatinh Ban ko mua thi nguoi khac mua.
@le hoang tuan đang kêu gọi mà:phắn này ném gạch minh:oops:
làm luôn con 1T cho nó oách
@hieuphan06071985 Có ổ SSD 1TB hả bác
@dongphutho11 ............Ổ SSD dung lượng lớn nhất 1,6 TB

Ổ lưu trữ mới mang tên Optimus của công ty Smart Modular có khả năng lưu trữ không thua kém ổ cứng cơ lên đến 1.600 GB, cùng tốc đọc nhanh nhất hiện nay lên đến 1 GB/giây.
Với dung lượng trên, Optimus có thể lưu được 300.000 bức ảnh số, 400.000 bài hát MP3 hoặc 180 giờ xem phim Full HD liên tục
Sản phẩm có thiết kế 2,5 inch, gắn được vào laptop, sử dụng giao tiếp Serial Attached SCSI (SAS) cho tốc độ đọc và ghi lần lượt là 1.000 và 500 MB/giây. Các ổ SSD khác của công ty Corsair hay OCZ có tốc độ chỉ bằng một nửa so với Optimus.
Theo Smart Modular, Optimus được trang bị đầy đủ các công nghệ chống va đập, cho tuổi thọ cao như FlashGuard, DriveGuard và EverGuardỔ SSD Optimus sẽ được bán ra với nhiều dung lượng từ 200 GB đến 1,6 TB vào tháng 9 tới với mức giá chưa được công bố.
@hieuphan06071985 Nghĩa là chưa ra 😁 => Vẫn chưa có ổ 1T
@dongphutho11 kinh khủng quá bác nhỉ, ko biết giá nó thế nào nữa, nhìn rất là ham luôn, hihi :D
thaitujim
ĐẠI BÀNG
12 năm
công tác tư tưởng =))
Trên một số ssd dùng trên macos, khi bạn kích hoạt TRIM lại gây ra lỗi, máy chạy thỉnh thoảng đơ 1 lúc, vì thế cần theo dõi khi thực hiện thao tác này .
Twa
ĐẠI BÀNG
12 năm
@vuhai6 Hẳn nào ... mình bị dính cái này nhưng giờ đỡ rồi ... ko thấy bị nữa !!
@vuhai6 Mua SSD crucial 512 thì tầm bao nhiu tiền hả a Hai
polyester
TÍCH CỰC
12 năm
@vuhai6 anh vuhai biết check mấy hổ trợ sata mấy xem bằng cách nào ko ạ ? đang định mua mấy em macbook pro 17-inch, Early 2009
polyester
TÍCH CỰC
12 năm
@vuhai6 anh vuhai biết check mấy hổ trợ sata mấy xem bằng cách nào ko ạ ? đang định mua mấy em macbook pro 17-inch, Early 2009
huy33391
ĐẠI BÀNG
12 năm
có ai biết mua SSD ở đâu uy tín không, mà 64g khoảng bao nhiêu vậy ta?
ntd990
ĐẠI BÀNG
12 năm
@VO7T
mua ỏ đâu vậy bạn? mà của hãng j thế?
Casper_HN
TÍCH CỰC
12 năm
@VO7T ở đâu giá đó hả bác?
VO7T
TÍCH CỰC
12 năm
@Casper_HN Vào khu vực mua bán bên VOZ forums ấy.. mình thấy đa số bán khoảng giá đó thôi 😃
Casper_HN
TÍCH CỰC
12 năm
@VO7T Ngày nào mình cũng lượn f68 Voz khoảng 5-6h, sao bác thấy mà mình không thấy nhỉ?
zinzinzu
ĐẠI BÀNG
12 năm
ngon nhể, thích thật
Tiếc là chưa có đk, có thì cũng chả biết gắn vào đâu trong máy mình:rolleyes:
chắc còn lâu lắm tại đắt
becauseilu
ĐẠI BÀNG
12 năm
@Voldemortka Nếu mà muốn máy mạnh, nhanh thì làm cái 32g cũng ko là bao 😃
Hay quá. Nhưng mà chưa có đk dùng ssd
SSD sau này cũng sẽ rẻ thôi, y chang ram, card màn hình .Khi nào trở thành đại trà mình sẽ sắm 1 cái ( Lúc đó lại ra ổ cứng SSE SSF j đó, lại ngồi hóng tiếp 😃 )
@heoconyeutien lam` sao mà SSE hay SSF gì được. cuối cùng phải luôn là chữ "D" - Drive mà😃
ssd ngon that nhu gia kha chát.nen van trung thanh hdd hihihi
becauseilu
ĐẠI BÀNG
12 năm
@chuchim_nho_nho HDD lúc này cũng làm giá gớm
hieu xdav
ĐẠI BÀNG
12 năm
chỉ biết là giá rất đắt
hamyty
CAO CẤP
12 năm
Nếu so với những gì nó đem lại thì ko đắt ,chỉ có điều thu nhập vn mình mà nghe tới thì suýt nữa tè ra quần ,củng giống như người vn nghe tới bugaty ,roll royce vậy thôi 😁
- Với những bạn thích sưu tầm phim HD, 3D .. thì vài "Tê" lưu trữ xem ra vẫn chưa thoả mãn. Còn lại để lưu trữ tài liệu và một số phần mềm cần thiết thì 256 GB SSD là thoải mái rồi. Lựa chọn thường thấy của các nhà sản xuất máy tính giờ này là "Lưu trữ lai" (SSD + HDD). Với anh em chưa có nhiều $ thì cái duy nhất có thể làm lúc này là "xếp dép ngồi hóng SSD có giá tương đương HDD" 😁
DtDssE2
ĐẠI BÀNG
12 năm
@Hoang_S SSD thì vẫn còn điểm yếu về quản lý nguồn cấp điện, nhưng Hybrid Drive có vẻ thậm chí còn tệ hơn, mình chưa có dịp dùng Hybrid Drive nào, nhưng lâu rồi có đọc nhiều bài reports về độ kém ổn định và kém bền của loại đĩa lưu trữ này... :eek:
@Hoang_S vote bác lót dép ngồi hóng khi nào SSD ra ổ 1TB giá 3củ thì ngon nhỉ
@Naruto_Xboy Em dự là 2015 bác ạ!
@lang_bat 😁 đến khi đó chắc laptop em dùng cái loại nói nó tự thực hiện tất cả rồi y như tên Javid của stark ấy

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019