Kinh nghiệm mua hàng online tiki, lazada, sendo, ebay...

Thiên Thanh Hi
15/8/2018 14:5Phản hồi: 10
Qua vài năm mua hàng online với hàng chục sản phẩm, mình cũng tích lũy được chút kinh nghiệm, nay muốn chia sẻ với mọi người, ngoài ra việc tạo chủ đề cũng nhằm học hỏi thêm từ phản hồi của các bác. Mình đã từng mua ở adayroi (trên 5 lần), tiki (gần 10 lần), lazada (trên 3 lần), sendo (trên 3 lần), ebay (trên 3 lần)... và qua website của một số cửa hàng.

A. Nhận xét sơ qua về các trang bán
adayroi
: Họ lựa chọn rất kĩ và nghiêm với bên thứ 3, nên chất lượng hàng đảm bảo. Phần thông tin về sản phẩm còn thiếu chi tiết. Chiết khấu bằng tích điểm dành cho chủ thẻ Vingroup và điểm trong thẻ này có thể dùng cho bất cứ dịch vụ nào do vin cung cấp (chữa bệnh, học tập, siêu thị, du lịch, mua nhà...) chứ không chỉ giới hạn mua hàng trên adayroi là một ưu điểm lớn. Giao hàng đúng hẹn và nhanh. Nghĩa là nếu người bán ở HN, bạn cũng ở HN thì bạn nhận hàng chỉ trong ngày chứ không phải chờ 2-3 ngày như lazada với sendo. Họ còn một ngành sản phẩm đặc thù là đồ ăn tươi, như rau, thịt... nhưng chỉ người dân tại một số thành phố mới có thể đặt loại hàng này.

lazada, sendo: đăng ký tài khoản và bán hàng rất dễ dàng, cảm giác như không cần kiểm duyệt. Nên nhiều khi cùng 1 sản phẩm mà mỗi shop một giá loạn cả lên (chênh nhau ít thì không bàn, nhưng có sản phẩm chênh từ 20-50% giá, thực ra là do có bên bán hàng nhái/kém chất lượng, khách nào ít kinh nghiệm, tâm lý mua của rẻ thì cứ chấp nhận đó là của ôi nhé). Có 1 số cửa hàng còn cố tình đăng ký 2-3 tài khoản, tên tài khoản khác nhau, bán cùng sản phẩm, nhưng địa chỉ cùng dẫn về 1 nơi, hoặc khôn khéo hơn thì cho địa chỉ khác nhau, nhưng tìm hiểu kĩ về hình ảnh, cách trình bày, dấu hiệu trong ảnh chụp... thì vẫn thấy đây vốn là 1 nơi bán. Tại sao họ làm vậy? Đây là chiêu bài, cho tài khoản này đăng giá cao, đồng thời dùng tài khoản khác đăng giá thấp để thu hút khách và thu về những nhận xét có lợi.

Giao hàng thì cực chậm. Bất kể việc shop ở Hà Nội, mình cũng ở Hà Nội, thậm chí shop và mình chỉ cách nhau 7-8km nhưng cứ rập khuôn sau 2 ngày hoặc nhiều hơn mới tới.

Tuy nhiên, cũng chính vì 2 trang này bát nháo như cái chợ, nên ưu điểm là mặt hàng rất đa dạng. Rất nhiều mặt hàng không thể tìm được ở tiki hoặc adayroi, mình sẽ tìm mua ở lazada và sendo.

Sendo có ưu điểm hơn lazada ở chỗ phần thông tin về shop rất chi tiết, cho phép shop tự thêm vào sdt, email liên lạc, website... còn tại lazada thì trong phần Hồ sơ shop chỉ hiển thị địa điểm là thành phố nào (Hà Nội, Hồ Chí Minh... chỉ vậy thôi, không có địa chỉ chi tiết) và một vài thông tin khác liên quan đến hoạt động bán hàng tại lazada.

tiki: họ khá khắt khe với bên thứ 3 và có những tiêu chí nhất định chứ không phải cứ đăng ký tài khoản gian hàng là rao bán được luôn, nên tình trạng 1 sản phẩm nhiều giá lệch hẳn nhau mình chưa từng gặp. Hàng nhái hoặc chất lượng kém lại càng không có (tiki cam kết 100% hàng chính hãng, các trang khác không trang nào cam kết như thế, điều đó chứng tỏ tiki rất nghiêm túc với bên thứ 3). Sản phẩm rao lên đa phần có nhiều hình ảnh chụp hơn so với các trang khác, giúp khách hàng nhận định kĩ hơn về hình thức của nó. Giao hàng rất nhanh và đúng hẹn (cũng từng đọc comment thấy có người kêu không đúng hẹn). Nếu kho chứa sản phẩm ở cùng khu vực bạn sinh sống, bạn có thể nhận hàng trong vòng 2 tiếng.

Tuy nhiên, tiki khi có chút địa vị thì bắt đầu đối xử ngày một tệ với khách hàng, theo kiểu thiếu đi một vài khách không sao... tình trạng trễ hẹn diễn ra thường xuyên hơn. Điều tồi tệ nhất là chặn họng khách hàng! Mình đã định trung thành mua hàng ở tiki cho đến khi gửi một comment phàn nàn lịch sự về việc bị chậm hàng (mà tiki không hề báo trước) thì comment ấy không được duyệt. Mình đã chính thức cạch mặt tiki từ tháng 10/2018, tình huống sẽ nêu rõ hơn trong các bài viết bên dưới.

ebay: Tình trạng cũng bát nháo như lazada, sendo, chỉ khác ở chỗ các shop này từ nước ngoài, thời gian giao hàng lâu hơn. Ưu điểm hơn so với lazada và sendo là các shop sẽ hiển thị thống kê một vài số liệu quan trọng về shop, và điều đó giúp bạn dễ tìm được shop uy tín hơn.

fado.vn: Đây là trang liên kết với amazon, giúp chúng ta mua hàng từ amazon dễ dàng và nhanh chóng. Đã mua vài lần và thấy cách họ hỗ trợ rất ổn.

B. Kinh nghiệm mua online
I.
Ưu tiên mua các sản phẩm do chính trang đó bán hoặc từ cửa hàng được xác nhận chính hãng (nếu thương hiệu đã có tên tuổi), sẽ yên tâm hơn, và gần như chắc chắn 100% hàng chính hãng.

Cách chọn đối với từng trang:

Quảng cáo


tiki: họ đã ra cam kết 100% hàng chính hãng rồi thì cứ yên tâm mua thôi, khỏi cần quan tâm hàng do tiki bán hay bên thứ 3 bán vì dù bên nào bán thì cũng lấy uy tín của tiki ra đặt cược cả. Nhưng lưu ý, điều đó chỉ có nghĩa tiki đảm bảo không bán hàng nhái so với thương hiệu đã công bố, hoặc hàng kém chất lượng so với số tiền bạn bỏ ra, chứ tiền nào vẫn phải của nấy. Hôm nay mình tìm mua túi đeo chéo, có loại chỉ 45k mà hình thức cũng đẹp như loại 300k, nếu bạn mua túi 45k thì đừng chê hàng đó chất lượng kém, bạn mua hàng rẻ thì phải chấp nhận rằng chất liệu, độ bền sẽ không bằng hàng đắt tiền.

adayroi: trong số các box nằm dọc bên tay trái trang web, tìm box "Nhà cung cấp", và chọn nhà cung cấp là Adayroi, Vinmart, Vingroup, tên một công ty thuộc Vingroup hoặc tên một cửa hàng chính hãng nào đó.

lazada: trong số các box nằm dọc bên tay trái trang web, tìm box "Dịch vụ", và chọn "Được thực hiện bởi lazada".

sendo: khi vào trang của một danh mục sản phẩm nào đó, ở thanh công cụ nằm ngang giữa màn hình và nằm trên danh sách các sản phẩm, bạn tích chọn "Senmall".

II. Đánh giá độ tin cậy của shop (áp dụng với cả shop tự mở website hoặc trang mạng xã hội để bán online)
1. Xem các đánh giá của người mua khác về shop.
* Đối với ebay, xem feedback score (điểm phản hồi), điểm này được tính dựa trên sự phản hồi của người mua về tất cả các sản phẩm shop đã bán. Phản hồi tích cực được cộng thêm điểm, phản hồi tiêu cực trừ điểm. Nó còn thể hiện quy mô của shop bởi bạn bán 10 món hàng, nếu đạt 100% hài lòng thì cũng chỉ có 10 điểm; nhưng nếu bạn bán 1000 món hàng, 80% phản hồi tích cực và 20% tiêu cực, bạn vẫn được 80- 20 = 60% điểm, bởi vậy shop có điểm càng cao thì càng quy mô bán càng lớn. Ngoài ra, mỗi shop còn có thông tin về phần trăm phản hồi tích cực.

Quảng cáo


2. Xem shop có bao nhiêu sản phẩm nổi bật (được mua nhiều).

3. Xem website của shop và đánh giá cách họ tổ chức, bố cục, các chức năng từ giao hàng đến hỗ trợ/tư vấn. Một số website tồi đến mức đăng tài khoản Yahoo messenger trong mục tư vấn, mà Yahoo messenger đã ngừng hoạt động bao nhiêu năm rồi? Các sản phẩm phải có mã (trừ các sản phẩm mà trong tên của chúng đã bao gồm tên thương hiệu hoặc rất dễ nhận biết, như khi bán điện thoại/tablet hoặc laptop), không có mã thì nghĩa là họ không có phần mềm/ứng dụng quản lý hàng, mà vẫn làm theo kiểu từ thời đồ đá- nhớ mọi thứ trong đầu, hoặc do quy mô quá nhỏ. Ngay cả cách đặt mã sản phẩm cũng sẽ thể hiện họ chuyên nghiệp hay không, đặt mã đơn giản, có từ khóa và gắn với mã của sản phẩm sẽ giúp người xem dễ nhớ hơn, thay vì những mã dài loằng ngoằng, khó nhớ.

4. Xem fanpage của shop (nếu có), tìm xem thành lập khi nào, đánh giá cách tổ chức, họ đăng sản phẩm có thường xuyên không, lượt like và phản hồi thế nào...

5. Tìm phản hồi từ người dùng khác qua google. Nếu bạn mua đồ dùng gia đình (mà không phải điện tử/công nghệ), nên tìm các diễn đàn có xu hướng bàn về những chuyện này, như một số diễn đàn bố mẹ/trẻ em. Nếu mua đồ công nghệ, tìm đọc phản hồi từ các diễn đàn có uy tín về công nghệ (như tinhte...). Lưu ý, các bài chê bai do đối thủ cạnh tranh của sản phẩm/shop tung ra, hoặc các bài pr cho sản phẩm/shop có thể đánh lạc hướng bạn, chỉ nên tìm đọc bài viết của những nick diễn đàn đã tham gia lâu năm (dựa trên ngày tham gia, số bài viết, thậm chí tìm xem họ thường xuyên gửi những bài/chủ đề dạng nào, có dấu hiệu ăn tiền để viết bài hay không).

6. Xem các sản phẩm shop rao bán có thuộc những nhóm nhất định hay không (trừ một số công ty lớn bán sản phẩm đa dạng). Chẳng hạn có shop chuyên bán điện thoại, phụ kiện công nghệ... nhưng có shop cái gì cũng thấy bán, từ đồ điện tử cho đến sách vở, giấy vệ sinh, đồ bơi... linh tinh hết cả lên. Những shop bán sản phẩm không chuyên sâu vào một hạng mục nào đó, rất có thể là kiểu tranh thủ làm online chứ không có cửa hàng ngoài đời thực và/hoặc ở gần họ có vài cửa hàng quen, họ cũng đăng sản phẩm lên, khách mua hàng nào thì họ chạy qua đó lấy rồi gửi cho khách. Mặc dù kiểu làm trên không xấu, nhưng các cửa hàng không chuyên sâu thì họ rất khó tư vấn/hỗ trợ kĩ lưỡng được cho chúng ta về sản phẩm.

7. Nếu mua hàng qua website của shop, ưu tiên gọi điện cho shop để hỏi và thống nhất việc giao hàng. Tránh trường hợp như mình mua hàng ở phukiencongnghe.com.vn; mình đặt mua qua chức năng tại website của shop, sản phẩm hơn 200k, cứ nghĩ shop sẽ gọi ship và giao sớm, ai dè 2 ngày sau mới nhận được hàng. Hóa ra shop này lười, không chịu gọi ship để giao cho nhanh (mình trả tiền ship cơ mà), họ lại giao qua sendo, thành ra khi hàng đến tay, mình nhận được cái hộp và hóa đơn mua hàng từ sendo.

III. Kinh nghiệm chọn sản phẩm
1. Xác định số tiền có thể chi, yêu cầu cần và đủ ở sản phẩm. Tham khảo giá các sản phẩm có thông số kĩ thuật tương tự. Một số sản phẩm giá rất rẻ, nhưng thông số thì lên trời, trong khi hàng chính hãng cùng thông số ấy giá cao hơn rất nhiều. Đây đều là hàng kém chất lượng, làm từ những linh kiện kém. Đặc biệt những sản phẩm loại này được quảng cáo trên facebook nhiều, và nhiều người vì ham rẻ nên like/share, hỏi mua liên tục (công nhận làm ăn kiểu này kiếm tiền nhanh thật). Chẳng hạn mình từng thấy họ rao bán đèn pin 4000 lumens, chiếu xa cả 300- 400m, lại còn dùng để tự vệ được chỉ với giá 300k... những ai đã mua đèn pin chính hãng như fenix, nitecore, olight đều sẽ hiểu những chiếc đèn với thông số như thế phải có giá vài triệu đồng. Dĩ nhiên, đèn thường có thể đạt thông số ấy mà vẫn rẻ hơn đèn hãng, vấn đề là dùng những linh kiện rẻ tiền thì độ bền sẽ như thế nào? Nên mình mới nói đó là hàng kém chất lượng.

Nếu xác định sẽ chi khoảng bao nhiêu tiền cho cái gì đó, đừng ham đồ rẻ, đừng cố gắng tìm mặt hàng với tính năng khủng nhất trong số tiền bạn có thể mua, mà hãy tìm mặt hàng đáp ứng đủ, cần thiết nhu cầu của bạn, đến từ những hãng và shop tin cậy nhất.

2. Nếu hàng có xuất xứ nước ngoài. (có thể áp dụng với cả hàng trong nước)
a) Tìm giá của sản phẩm (dựa trên tên và mã in trên sản phẩm) ở các trang web uy tín tại nước ngoài như ebay, amazon. Nếu giá của sản phẩm bán trong nước không tương đương (nghĩa là thấp hơn 1 chút, bằng, hoặc cao hơn 1 chút) mà thấp hơn hẳn so với những điểm bán hàng chính hãng, thì nghi ngờ đang bán hàng giả (việc bán hàng nhái với giá như hàng chính hãng thì rất ít ai dám làm, bởi nó vi phạm pháp luật, phần lớn chỉ bán hàng nhái và cố gắng tỏ ra đó là hàng thật để người mua hiểu nhầm, và với cái giá thấp hơn hàng thật rất nhiều).
b) Có thể tìm danh sách nhà phân phối/đại lý trên website của hãng để biết trong nước, hoặc khu vực của mình có địa điểm nào mua tin cậy hay không.

3. Tìm hiểu kĩ thông tin, hình ảnh, dấu hiệu nhận biết và sự so sánh các sản phẩm từ những nguồn tin cậy (website hãng, website trang bán hàng uy tín nào đó, hoặc website đại lý/nhà phân phối của hãng). Video, bài viết đập hộp/review trên youtube, các website/diễn đàn...

4. Thận trọng một số sản phẩm mà bạn có giới hạn về kích thước hoặc sự tương tác bằng thị giác, xúc giác, khứu giác... hoặc form (như quần áo/giầy) thì nhất định phải tìm hiểu kĩ các thông số liên quan, video/hình ảnh dùng thử, đồng thời nên xem hàng trực tiếp rồi mới quyết định mua.

Mình lấy hai ví dụ.
a) Mình định mua một đôi dép bitis online. Bình thường tất cả giầy/dép của mình đều đi size 41/42 (mình là 41,5 nên đeo loại nào cũng được), nếu mua online thì tâm lý cơ bản là mình sẽ mua 42 cho chắc. Nhưng may mắn đọc phản hồi từ người mua trước, biết được loại này dáng nhỏ nên mình không mạo hiểm mua online mà đến cửa hàng của bitis. Sau khi đeo thử thì thấy phải chọn lên size 43 mới vừa. Nhưng mấy tháng sau, đi mua đôi bitis nữa thì do có dáng khác nên lần này chọn size 42.

b) Mình mua bộ bàn phím + chuột logitech gần 700k từ trananh, về dùng chỉ bực mình bởi cái bàn phím gõ đau hết cả tay, không thể chấp nhận được (từ đó cũng cạch mặt hàng logitech luôn, mặc dù nó khá nổi tiếng). Thời gian sau ra mediamark, chọn được cái Geninus rẻ tiền (khoảng 100k hoặc hơn chút) nhưng phím ấn nhạy, mềm mại; mặc dù vậy Genius cũng có một loại bàn phím đắt tiền hơn nhưng khi dùng thử thì thấy phím bấm cũng cứng ngang ngửa cái logitech kia. Điều đó có nghĩa không phải cứ hàng cùng một hãng thì luôn cho trải nghiệm giống nhau về một tiêu chí nào đó.
10 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Khánh 101
ĐẠI BÀNG
6 năm
Đa số mặt hàng trên ebay và amazon bây giờ được nhập từ Trung Quốc qua 😃 nếu bạn hem tin, bạn có thể tự google với từ khoá kiếm tiền với amazon và ebay sẽ ra.
leo_hlm
TÍCH CỰC
6 năm
Nên lựa các nhà bán hàng lâu năm và mua những món được nhiều người đánh giá sau khi mua,đánh giá nhiều sao hay ít sao thì ko quan trọng,nên mua ở những nhà bán hàng có website và có page ở fb
sendo lừa đảo 100% nhé các bạn cẩn thận
@trumboclot Chào bạn trumboclot,

Sen Đỏ rất tiếc về sự trải nghiệm chưa tốt của bạn. Hiện tại bạn gặp vấn đề gì khi trải nghiệm dịch vụ tại Sen Đỏ ạ ? Bạn có thể chia sẽ cùng Sen Đỏ nhé.

Cám ơn bạn đã đồng hành cùng Sendo.vn.
Trân Trọng.
Tuấn An
Hôm 26/09 mua 02 sản phẩm từ tiki và lần này tốc độ giao hàng của họ có thể nói là tồi tệ.

Một sản phẩm không rõ địa chỉ shop nằm ở đâu, thông báo đã đóng gói xong và sẵn sàng giao vào 10h38 26/09 nhưng dự kiến giao ngày 02/10, tức sau gần một tuần mới nhận được.

Một sản phẩm địa chỉ shop nằm tại Hà Nội, mình quên mất không click vào phần "Chuyển hàng trong 02 giờ" và hậu quả là bị đối xử thậm tệ. 8h37p ngày 26/09 nhận được thông báo đã đóng gói xong và sẵn sàng giao hàng, ngày dự kiến là 27/09. Ok, nghe cũng có vẻ chấp nhận được. Nhưng đến 16h ngày 27/09 thì nhận được sms của tiki xin lỗi và lùi thời gian giao hàng sang 28/09, cảm thấy không hài lòng nhưng vẫn ráng đợi. Cuối cùng thì đến thời điểm này (29/09) vẫn chưa thấy hàng đâu.

Dường như thứ mình vẫn cảm thấy rất hài lòng ở tiki là tốc độ thì giờ đây nó không còn là một ưu điểm, trả thêm tiền thì được giao hàng nhanh, mà không trả thêm thì chẳng khác sendo là mấy, vẫn cái cảnh shop thì gần nhà nhưng giao hàng lại toàn 2-3 ngày mới tới.

Không rõ liệu tiki sau thời gian đầu làm ăn tử tế, đến khi có chỗ đứng rồi có trở nên bát nháo như grap hay không.

Cũng đang tìm hiểu mua sắm bên lotte xem như thế nào. Hy vọng có thêm một địa chỉ tin cậy.
Trong 02 sản phẩm mình đặt ngày 26/09 thì có một đã nhận được vào ngày 01/10, lên viết nhận xét kể lại việc phải chờ đợi và bị trễ hẹn thì tiki không duyệt. Đây là chiêu bài chặn họng khách hàng không lạ gì, họ không xóa nhận xét của mình vì sợ mình kêu ca, nhưng cứ dửng dưng không duyệt cả tuần nay, vậy thôi.

Sản phẩm còn lại thì nhớ tầm ngày 03- 04/10 có nhân viên tiki gọi điện xác minh, mình kêu chưa nhận được hàng. Lúc ấy còn nghĩ: "hóa ra còn biết gọi điện cho khách". Sau đấy có nhân viên gọi hẹn giao hàng, rồi lại gọi kêu chuyển nhầm đơn khác và hẹn sáng hôm sau, sáng hôm sau mình không thấy ai giao hàng, cũng không có cuộc gọi nào để hẹn lại. Kết quả ngày 08/10 mới nhận được hàng.

Thực sự với việc nhận hàng quá trễ, nó chỉ là cái bức xúc nhỏ thôi (nếu bức xúc lớn thì chụp ảnh, ghi âm lại hết rồi đăng lên face các kiểu rồi), bức xúc nhỏ thì tâm lý bài xích một chút, đại khái sau này hàng ở nơi khác có thì sẽ hạn chế mua tại tiki, nơi khác không có sẽ mua tại tiki... nhưng làm cái trò chặn họng khách hàng thì mình thất vọng đến mức chẳng buồn bày tỏ gì thêm. Mình sẽ không bao giờ mua hàng tại tiki nữa.
Từ khi bị tiki chặn họng, trong khi comment của mình rất tử tế, chỉ trình bày việc bị giao hàng chậm... thì mình đã thề cạch mặt tiki vĩnh viễn. Lâu nay toàn tìm mua hàng từ nguồn khác, trong nước không có thì mua từ ebay (tự mua) hoặc amazon qua fado. Nhiều bạn bè mình cũng phàn nàn tiki từ khi được mở rộng thì làm ăn chán hơn ngày xưa.

Mấy lần cũng định mua hàng từ sendo, nhưng ngán nhất cái khoản shop cách nhà vài km mà hàng 2-3 ngày sau chuyển đến, tức là ngán cái tốc độ rùa bò ấy... nên đều tìm trang khác đặt hàng. Có khi vào sendo tìm sdt shop rồi liên hệ riêng, thà nhờ shop ship qua grap hoặc xe ôm, tốn thêm 30-40k tiền ship còn hơn free ship mà chờ mấy ngày. Sendo nếu cải thiện dịch vụ ship thì có thể sẽ hút khách hơn.

Mình cũng có tài khoản tại lotte, khi nào có thời gian lại viết review tiếp về dịch vụ của họ.

Đây là ảnh mua hàng gần đây, với quyết tâm cạch mặt tiki.
https://i.imgur.com/ByZseAj.jpg


https://i.imgur.com/ZNI2jex.jpg
Giờ adayroi cũng có tình trạng chặn họng những lời nhận xét từ khách hàng. Hôm bữa mình mua một laptop Dell, trên thì ghi hàng mới 100%, mà kiểm lại thì hàng đã qua sử dụng, mình có khiếu nại với bên bộ phận khiếu nại, họ hứa sẽ giải quyết trong thời gian sớm nhất, chờ 1 tuần mà chẳng có thông tin phản hồi, mình quyết định đến tận trụ sở của adayroi để khiếu nại thì lúc đó mọi chuyện mới được giải quyết. Hàng thì trên thông tin là hàng nhập khẩu, mà tra ra là xuất xứ tại Việt Nam, vậy mà phía bên nhà cung cấp vẫn nói cứng cho là sản phẩm đó 100% hàng mới, phải đến khi mình chứng minh thông qua các phần mềm kiểm tra laptop thì họ mới chấp nhận đổi hàng mới. Adayroi càng ngày làm ăn càng chán.

À laptop mà mình mua là của nhà cung cấp laptop Minh Thành nha, bữa mình phàn nàn với Adayroi thì nó đổi tên thành nhà cung cấp laptop Nguyễn Thu rồi thì phải.

Cảnh báo mấy bạn lúc lựa chọn laptop thì thấy nó giảm 40-50% so với giá trị thật thì cẩn thận nha, vì có thể nó là hàng dựng hoặc đã qua sử dụng. Lúc mua nhớ kiểm tra serial laptop xem có giống thông tin đã đăng, với dùng số serial đó lên mấy trang web của các hãng laptop Dell, Asus,.. để tra nguồn gốc
Theo em thì Tiki, Sendo, Lazada và Shopee ở Việt Nam đang nổi bật hơn cả. bởi họ thấu hiểu thị trường hơn các trang nước ngoài, chính sách vận chuyển và khuyến mãi cũng khá đa dạng. Và người dùng đang có lợi (ít nhất ở thời điểm hiện tại) bởi sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực TMĐT.
GG seach có bài này khá hay nói về việc mua hàng ở 4 trang trên, các bác có thể tham khảo thêm:
https://duhing.com/mua-hang-online-gia-re-va-tot/
Ngoài ra khi mua các bác cũng nên chú ý về vấn đề giá cả đừng ham mua những sản phẩm giá rẻ "bất thường", nên chọn những nhà cung cấp uy tín được người dùng đánh giá cao và nhớ tham khảo thêm thông tin cũng những người đã mua hàng ở phần bình luận nhé. Họ luôn có những đánh giá khách quan nhất.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019