Ngành học Hệ thống thông tin (IS) là học cái gì, ra đi làm thì làm gì, có khó học không?

Duy Luân
26/1/2020 23:27Phản hồi: 122
Ngành học Hệ thống thông tin (IS) là học cái gì, ra đi làm thì làm gì, có khó học không?
Hôm qua mình thấy một post của bạn hỏi về một loạt các ngành tech mà những trường đại học ở Việt Nam đang dạy, trong đó có ngành Hệ thống thông tin. Trùng hợp đây lại là ngành mình học và mình cực kì thích nó, sẵn đây chia sẻ cho các bạn nào đang chuẩn bị thi đại học để các bạn hiểu hơn ngành Hệ thống thông tin là học cái gì, đi làm sẽ làm nghề gì, nhu cầu thị trường ra sao, thu nhập có khá không, học có khó không... Hi vọng bạn sẽ có cái để tham khảo và chọn đúng trường, đúng nghề mình thích.


1. Hệ thống thông tin (gọi tắt là IS) là học cái gì?


Trong đa số các trường mình biết, cũng như trường ngày xưa của mình (RMIT Việt Nam), thì ngành hệ thống thông tin gần giống nhất với ngành IT, có điều bạn phải học nhiều môn về kinh doanh hơn. Bạn có thể nghĩ về ngành IS như một ngành có 50% IT và 50% business.

Nói về IS, nó không chỉ là một ngành. Trong mọi công ty đều cần IS. Hệ thống kế toán cũng là một phần của hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp. Máy POS để các bạn nhân viên bán hàng dưới cửa hàng cũng là một phần của IS. Tương tự cho các hệ thống lớn hơn như ERP, hệ thống quản lý nhân sự & tiền lượng, hệ thống báo cáo, hệ thống dashboard để theo dõi tình hình kinh doanh, hệ thống xử lý đơn hàng... Tất cả đều có thể gọi chung là IS.

Trong ngành IS, bạn sẽ được học cách làm ra, vận hành, quản lý, triển khai những hệ thống nói trên. Bạn sẽ được học cách thiết kế, các dạng sơ đồ của vẽ ra quy trình và cách chạy của hệ thống. Bạn sẽ được học về cơ sở dữ liệu, trái tim của mọi hệ thống thông tin. Bạn sẽ được học về cách giao tiếp, thuyết phục, nói chuyện với loài người để triển khai dự án cho thành công. Bạn cũng sẽ được học cách quản lý dự án cho kịp thời gian đã hứa (và những thứ này đều có phương pháp cả). Tất nhiên, bạn cũng sẽ học cách lập trình ra các phần mềm (có thể sẽ được học phần cứng, mà cái này tùy dự án).


Các trường khác thì tùy trường, nhưng ở RMIT thì mình bắt buộc phải học thêm các môn về kinh doanh, ví dụ như xác suất thống kê, kế toán, marketing nhập môn, kinh tế vi mô vĩ mô, thậm chí phải học cả Excel, Access như tất cả các bạn học ngành kinh tế. Những kiến thức này giúp bạn hiểu được các phòng ban khác trong công ty đang làm cái gì, phải hiểu thì bạn mới nói chuyện được với họ, mới hiểu họ cần gì, hệ thống cần làm gì để đáp ứng... chứ không cái bạn làm ra chẳng ai xài cả, hoặc chạy sai thì càng chết nữa.

Một số người sẽ nói IS là một ngành dành cho bạn nào thích công nghệ nhưng không thích viết code, mình thấy quan điểm này cũng hợp lý, nhưng với bản thân mình thì bạn không được phép dở hơn các bạn học IT về khoảng code hay kiến trúc hệ thống. Bạn phải là người giỏi bằng hoặc hơn họ vì những thứ bạn làm ra có thể xoay chuyển cả một công ty, đi lên hoặc đi xuống, và bạn không được phép làm tệ.

2. Học hệ thống thông tin ra thì làm gì?


Có rất nhiều con đường cho bạn. Trong lúc học, giả sử bạn thích kĩ thuật hơn và không muốn giao tiếp nhiều với loài người thì bạn có thể trở thành kĩ sư phần mềm hoặc lập trình viên nói chung.

Nhưng ngành mà mình thích phổ biến nhất được các bạn IS chọn sau khi học xong đó là Business Analyst hay bên Mỹ gọi là System Analyst. Nhiệm vụ của bạn là nói chuyện với người dùng / khách hàng, phân tích xem họ cần gì, hệ thống cần làm ra như thế nào để đáp ứng được nhu cầu đó, chúng kết nối với các hệ thống khác ra sao. Bạn sẽ viết thành các tài liệu, gọi là document, rồi đội lập trình sẽ code nó ra theo thiết kế của bạn.

Lưu ý, Business Analyst ở đây không phải là người làm phân tích số liệu như cái tên dễ gây hiểu lầm của nó. Có nghề Business Analyst nữa nhưng nghề đó sẽ làm về số nhiều hơn và không làm hoặc ít làm về hệ thống.

Một số người bạn của mình thì đi làm marketing 😁 Nghe có vẻ không liên quan, nhưng việc hiểu được hệ thống chạy như thế nào, cộng thêm tính cách năng động, sáng tạo của bạn, có thể giúp phòng marketing tạo ra những chiến dịch sáng tạo hơn, vận hành tốt hơn, biết dùng chức năng nào của hệ thống cho việc gì, và biết cách yêu cầu thêm tính năng từ phòng IT nên mọi thứ chạy nhanh hơn.

Ngoài ra, mới đây mình nhận thấy các bạn học IS thì rất hợp để đi làm data. Data Engineer (như mình) làm việc với để đưa dữ liệu từ A sang B, tổ chức data warehouse, báo cáo, phân tích... Data Analyst cũng được, nếu bạn thích làm về số và không thích kĩ thuật, hoặc Data Science nếu bạn muốn đi theo hướng phân tích sâu, tạo ra các mô hình dự báo... Trong IS, bạn được học rất nhiều về dữ liệu và cơ sở dữ liệu nên đi làm data thì hợp lắm.

Quảng cáo


Những ngành nói trên đều đang là ngành cần thiết tại Việt Nam, nhất là khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của IT đến việc kinh doanh, cạnh tranh. Lương thì tùy vào năng lực của bạn và công ty có khả năng trả đến đâu và giá trị của bạn như thế nào, nhưng nhìn chung là đủ sống, không căng thẳng.

3. Học ngành IS có khó không? Có cần tiếng Anh không?


Đối với mình thì mọi ngành đều khó, không có khái niệm "dễ". Dễ là dễ khi bạn chỉ biết sơ cái này cái kia, nhưng để giỏi thì không có ngành nào "dễ giỏi" hết, từ marketing, tài chính, kế toán, môi trường... cho đến công nghệ. Mục tiêu của mình khi học và làm đó là luôn phải giỏi nhất có thể ở lĩnh vực của mình và chuyện đó rõ là không dễ :D

Có cần tiếng Anh không? Thực ra thì ngành nào bây giờ cũng cần, nhưng đã bước chân vô ngành tech thì bạn phải giỏi hoặc khá tiếng Anh, không được phép dở. Lý do là khi bạn bí, không biết làm một cái gì đó thì bạn cần Google bằng tiếng Anh, chứ Google bằng tiếng Việt thì không ra nhiều thông tin bằng. Ngoài ra khi làm việc với các công cụ thì bạn cũng phải dùng tiếng Anh. Chưa kể làm việc với các công ty có nhân sự nước ngoài thì cũng dùng tiếng Anh.

Tóm lại là không quan trọng bạn học ngành nào, bạn phải giỏi tiếng Anh :D Thế đi cho gọn.

Chút chia sẻ với bạn thế, hi vọng sẽ giúp được cho các bạn nhé. Chúc các bạn thành công.
122 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Khổ nhất là khi đi làm phải giải thích cho ng khác hiểu mình đang làm nghề gì. Nhiều ng cứ tưởng mình đang làm tổng đài viên chăm sóc khách hàng.
@Duy Luân chỉ phân tích một khía cạnh mà cậu ấy học ở RMIT thôi 😃
Nói chung, sự khác biệt đối với các chuyên ngành về Computer Science, Information Systems là tương đối hẹp nếu học lên cao. Còn ở cấp độ đại học, thì Information Systems chủ yếu tập trung nhiều về Data (processing, presentation, collection, storage etc.). Nếu nó thiêng về thuật toán xử lý thì nó là phần giao với computer science.
Tùy vào các trường khác nhau mà Information Systems sẽ được tùy chỉnh cho phù hợp. Ví dụ như, các trường về kinh tế, sẽ bổ sung các môn về kinh tế, để chuyển hướng Information Systems theo hướng Business Information Systems. Còn các trường kĩ thuật thì người ta nghiên cứu về các phương pháp xử lý nhiều hơn. Tức nó thiêng về Computer Science.
Còn đi so sánh với IT thì hơi xa. Ở VN thì người ta đang đánh đồng ABCD liên quan đến máy tính là IT tuốt. Tùy nhiên, nếu phân chia cho đúng, thì IT chỉ thiêng về mảng công nghệ, đụng nhiều đến cấu hình, giải pháp, ít đụng đến lập trình. Nhưng ở VN thì IT được học tuốt, mỗi thứ mỗi ít. Và khi ra trường IT có thể làm tất tần tật, dù là không được chuyên sâu cho lắm, nhưng từ từ học thêm 😃

Nếu muốn sau này ra làm lập trình viên, đi viết code cho các công ty phần mềm, thì IT, CS, IS đều phù hợp. Nếu đi vào mảng IT cho ngân hàng, doanh nghiệp, thì IT và IS phù hợp hơn CS. Nếu đi chuyên sâu vào nghiên cứu, phát minh, sáng chế v.v. cho các bộ phân R&D ở các công ty, viện, trường ĐH thì đi theo CS sẽ phù hợp nhất. Lưu ý rằng, với mảng về mạng và viễn thông, có một chuyên ngành riêng là Networking and Communication (NC). Nhưng rất nhiều phần của chuyên ngành này cũng được cover trong CS và IS. Nhưng thường NC thì ít liên quan đến code hơn các chuyên ngành còn lại.
ThaiCaly
TÍCH CỰC
4 năm
@micheal9000 IT đi ra đổ mực máy in, chùi ram, cài win dạo vs IT đi ra làm database, code, .... nói chung các trường việt nam kg có yếu tố nước ngoài đều cho sinh viên dung nạp lý thuyết của nhìu ngành lại, kg phân chia rạch ròi, cũng kg đáp ứng tốt cho công việc sau khi tốt nghiệp. mình học phần cứng máy tính chuyên sâu nhưng ra trường phải đi học thêm về chip các thứ. học ở trường chỉ chiếm 40% năng lực những thứ doanh nghiệp cần, 60% còn lại là học ngoài và đúc rút kinh nghiệm.
@ThaiCaly Nói thật chứ ở nước ngoài cũng vậy ah 😃 Khi bạn học ơ Trường, thì bạn còn phải tự nổ lực để trao dồi thêm kiến thức. Ví dụ, mình định hướng sau này đi theo mảng gì thì mình phải nghiên cứu thêm về nó. Và cần phải tìm kiến các khóa thực tập mà doanh nghiệp dành cho sinh viên năm 3, 4 để làm thêm. Trường đại học cung cấp các kiến thức nền tảng và mang tính định hướng cho sinh viên. Sinh viên vẫn phải chủ động thôi cậu ah 😃 Với lại theo xu thế 4.0, smart education thì sinh viên tự học nhiều hơn nữa 😃
ThaiCaly
TÍCH CỰC
4 năm
@micheal9000 mình tốt nghiệp dk 5 năm rồi. lúc học thì năm 2 đã tự đi xin thực hành ở doanh nghiệp, dù kiến thức chưa là gì nhưng cũng dk tạo điều kiện tiếp cận công việc. thực ra là đi gần 20 công ty ms có chổ chấp nhận sinh viên thực hành. trong tg đó mới biết dk những gì doanh nghiệp cần khác vời so vs dk học.
tokylo
TÍCH CỰC
4 năm
Ngành hot lương ngàn đô, IT giờ là nghề thời thượng, trong khi ngành cơ khí, xây dựng ngày càng trở nên lỗi thời rồi
@Sensation Đúng luôn, giờ xây dựng chẳng khác gì làm data, cũng đòi hỏi dữ lắm
HP_trader
TÍCH CỰC
4 năm
@cuLong Ko chém đâu, Cty đó là cty nước ngoài có chi nhánh ở VN thoi, lúc mới vào là mình dc training thiết kế có 2 mảng: 1 là thiết kế khung, 2 là thiết kế vỏ.
@tokylo Con bot này trả lời câu dốt thiệt... ko có tụi kia ... it làm qq j dc ...
ThaiCaly
TÍCH CỰC
4 năm
@tokylo chỉ có năng lực bản thân lỗi thời vì không cập nhật kiến thức, công nghệ chứ kg có nghề gì là lỗi thời cả.
Cám ơn mod đã chia sẽ
hppl
TÍCH CỰC
4 năm
làm cái này thì thế nào cũng đụng đến hệ thống SAP hoặc Oracle
@hppl Cũng tùy 😁 không chắc là cần đụng
umumti
CAO CẤP
4 năm
@hppl Chưa chắc, nếu doanh nghiệp ko dùng những hệ thống đó?
@hppl Mình hồi ở VN làm SAP và cả Oracle đây
Sang nước ngoài mới thấy đa số doanh nghiệp cần tư vấn lại là DN nhỏ, ko sài mấy cái đó.
Ở Canada rất nhiều DN dùng Sage và Quickbook mới đau. May mà vẫn còn dùng được SQL để đủ làm việc 😆
@nonut SQL IS GODDDD
debutant
TÍCH CỰC
4 năm
@hppl Chắc ý của bạn là đụng đến phần nghiệp vụ công ty, vì thực ra SAP hay Oracle chủ yếu là nghiệp vụ, còn IT chỉ là công cụ. Đã từng làm thì có kinh nghiệm thôi chứ bản chất các hệ thống quản lý tập trung đều hướng tới việc tối ưu hoá các nghiệp vụ của công ty,
lotuong
ĐẠI BÀNG
4 năm
Có khóa học online nào không nhỉ? Mình giờ già rồi không có đi học đại học lại được! 😃
@lotuong Theo mình hiểu thì làm về Business Analysis thì sẽ có 2 loại.

Loại thứ nhất sẽ là các nhà thầu đi triển khai hệ thống ERP cho các doanh nghiệp. Loại này cần phải giỏi về IT (cần kiến thức về IT trước khi có kiến thức về kế toán và tài chính)

Còn loại thứ 2 là vận hành cho doanh nghiệp. Loại này không cần thiết phải quá giỏi về IT, chỉ cần biết về SQL, có đầu óc tư duy hệ thống, sâu về kế toán và tài chính là ổn.

Quay lại vụ học online thì mình thấy học về SQL, kế toán (các chuẩn GAAP và IFRS hoặc các chứng chỉ CPA Úc, Mỹ, Canada) là đủ basic để đi ứng tuyển các vị trí lương khoảng 1 tỷ/năm rồi.
vsphere
TÍCH CỰC
4 năm
@lotuong Bạn tìm cuốn BA bok đọc, cơ bản về công việc Business Analys
lotuong
ĐẠI BÀNG
4 năm
@vsphere Chuẩn bạn ơi, mình đang đọc sách đó. Còn kiếm được cả mấy khoá học online ở đây nữa này: http://www.bacs.vn/vi/khoa-hoc/lich-khai-giang/
Tứng LD
ĐẠI BÀNG
4 năm
Học ra vẫn làm dev nha =]]
Cuongnv0920
ĐẠI BÀNG
4 năm
Nếu bạn nào đang làm cho một doanh nghiệp mà được áp dụng tiêu chuẩn iso 27001 thì sẽ hiếu cái này.
Học IS là học mãi mãi không bao giờ thừa. Con ra kiếm việc là do mình thôi.
Khái niệm "giỏi tiếng Anh" thực ra cũng khó định nghĩa.
Mình gặp nhiều người tiếng Anh rất giỏi (IELTS 6-7), giao tiếp như gió, thậm chí đi du học về. Tuy nhiên khi đọc văn bản tài liệu chuyên ngành thì lại khá lúng túng (sang chuyên ngành khác thì chịu cứng). Và ngược lại, nhiều người có kiến thức rất sâu về chuyên môn, đọc tài liệu hiểu hết, nhưng lại rất khó giao tiếp & diễn đạt cho người khác (bằng tiếng Việt nhé).

Nói chung chỉ cần biết & vận dụng được tiếng Anh là tốt rồi. Còn giỏi hay không từ từ tính tiếp.:D
@vicktorbui cao nhân cho cao kiến nên thay đổi thế nào? IELTS hay TOEFL là chuẩn QT công nhận hơn mấy cái mấy ông đông lào sáng kiến nhiều lắm.
@allstreet IELTS hay TOEFL cũng gần tương tự nhau, nhưng tôi đánh cao hơn với toefl bởi nó có mối liên hệ mật thiết giữa các kỹ năng hơn. Còn mấy cái chuẩn Đông Lào thì tôi ko đánh giá vì ko tiếp xúc.
Nếu được chọn thì tôi sẽ chọn bộ bài test tiêu chuẩn của chuẩn Cambridge bao gồm các bài từ KET PET CAE và CPE. Bộ bài test này có hơi khó hơn nhưng nó đa dạng trong bài test, yêu cầu người học sẽ phải học hiểu sâu về ngôn ngữ hơn. Tất nhiên chưa có nghiên cứu so sánh các bài test này, nhưng cũng ko ít nghiên cứu phân tích ra là điểm IELTS cao ko thể hiện được năng lực ngôn ngữ ở môi trường mà bài test thiết kế để ứng dụng, ví dụ học thuật chẳng hạn.
Nói chung tôi thấy ở VN mình bị cái bệnh đề cao điểm số nó nằm trong đầu rồi nên quá đề cao ielts thôi.
@vicktorbui IELTS tính ra chỉ cần để đi du học. Ngẫm lại thấy nó khá giống với môn Văn của ta, càng phức tạp hóa ở 1 mức độ nào đấy thì càng cao điểm. Cho nên học & thi cũng có 1 số mẹo để nâng band.
Mình học tiếng Anh theo kiểu thực dụng & 1 phần theo Effortless English. Trình độ ở mức trung bình (B1), nhưng cơ bản là sử dụng được. Nói chuyện & làm việc được với chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau (chủ yếu là kĩ thuật & y). Còn đọc tài liệu (bất kể loại gì) thì hiểu cũng được ít nhất 80%.
Qua bên du lịch càng khỏe. Với những khách không biết hoặc nói tiếng Anh hạn chế (chủ yếu là Nhật, Hàn, TQ) thì cứ ra hiệu hoặc... vẽ. Lần ấy có 2 em Hàn Quốc trả phòng sớm nhưng chưa đến giờ bay, muốn đi chơi thêm nhưng sợ trễ chuyến, 2 em ấy lại không rành tiếng Anh mà mình lại không biết tiếng Hàn. Thế là lấy tờ giấy ra, vẽ nguyên 1 lèo như trẻ con: để hành lý lại đây, đi từ KS bằng taxi đến điểm vui chơi từ mấy giờ đến mấy giờ, sau đó quay về KS lấy đồ rồi ra sân bay. Kết quả là mọi thứ ổn thỏa, 2 em í đi chơi về lấy hành lí ra sân bay sớm tận 30p. 😁
@LRA Đó là bác học communication English. Còn IELTS bác cần hiểu nó là bài thi tiêu chuẩn chứ ko phải là một môn học. Mọi người hay nhầm điều này
quyan12
ĐẠI BÀNG
4 năm
Nghề của mình
leebasv
ĐẠI BÀNG
4 năm
Sẵn thấy anh Luân có nhắc tới UIT. thì mình gửi mọi người link chương trình học của các khoa trong UIT
https://student.uit.edu.vn/content/chuong-trinh-dao-tao-tu-khoa-7-tro-di
@leebasv mấy em gái học IS của UIT ra làm việc ngon lắm hihi
leebasv
ĐẠI BÀNG
4 năm
@Duy Luân Dạ trường em khoa hệ thống là nhiều gái nhất rồi. Ra trường lâu rồi không biết giờ tỷ lệ nữ có tăng được chút nào không! 😃
Cài ghost win được ko
@khanhduy.39n Vẫn bị nhờ cài xp đây bác
sao lại ko thanh niên...đến mac, linux còn cho ghost cả
katuu
ĐẠI BÀNG
4 năm
@chickeyone Thời nào rồi mà còn ghost, hồi mình còn học có thằng bạn có sở thích siêu kỳ cục, cài đầy đủ phần mềm xong tạo bản ghost rồi xóa hết file cài đặt, khi cần ko có cài lại hỏi mình mẹ nó muốn chửi chứ
@katuu Vẫn ghost đầy mà
IS, nghe như khủng bố í nhờ ?
lendras
TÍCH CỰC
4 năm
@iPhonecafe Đó là ISIS bạn
drtin
ĐẠI BÀNG
4 năm
Hệ thống thông tin là quan trọng cho tất cả cơ quan, doanh nghiệp. Nhưng ít ai quan tâm sự chuyên nghiệp này. Đa số chỉ cần IT và quản trị kinh doanh. Nhiều người chưa biết sự quan trọng này. Cái này giống như: nếu ko có hệ thống thông tin, thì, ờ, mình biết nó đó, mình nhớ là có nó, nhưng ko nhớ mình có tất cả bao nhiêu thông tin về nó. Cơ sở dữ liệu nhiều, mà ko có bộ phận thống kê, tổng hợp thì khó lắm. Nhiều trường sắp nó vô chung ngành Thư viện nên làm ảnh hưởng không nhỏ giá trị của ngành này. Đề nghị Tinh tế mở chuyên mục ngành nghề gì?_ tại sao? Để mọi người giúp đàn em chúng ta lựa chọn ngành cho lớp 12.
@drtin Thực ra mảng IS này khi tổ chức đủ lớn thì mới có đầu tư bài bản hoặc doanh nghiệp nhỏ nhưng chủ dn có kiến thức từ đầu thì mới chú ý tới các giải pháp về hệ thống thông tin thôi bác ạ.
google
ĐẠI BÀNG
4 năm
Cháu nó ra trường rồi, nó đóng cửa phòng cả ngày. Hỏi nó thì nó bảo đang làm IS.
Ông chú về quê bảo, thằng cháu đang làm cho ''tổ chức'' IS
Ông chú khác gọi điện khuyên nhủ, cháu ơi bọn IS nguy hiểm tàn độc lắm, đi tù đấy.
Tìm việc khác hay về chăn bò với chú chứ đừng làm cho bọ đấy, thất đức lắm ... Hehe
thật ra bản thân thấy cũng rất cần kiến thức về mảng này mà tiếc là bây giờ đã trót lậm sâu vào công việc đặc thù, ko có thời gian và điều kiện để học thêm. Bản thân mình nghĩ trước sau gì tất cả các lĩnh vực ngành nghề đều rất rất cần IT nói chung và IS cũng như IA nói riêng.
welcomyou
TÍCH CỰC
4 năm
Duy Luân có thể hướng dẫn mình keywork hoặc chỉ mình một sơ đồ kiến trúc để build một hệ thống SOA cho một cơ quan hành chính đã có sẵn một vài hệ thống phần mềm legacy rời rạc (phục vụ riêng cho các mục đích riêng), muốn tích hợp và share dữ liệu, xử lý giữa hệ thống phần mềm mới và cũ, muốn SSO, có các csdl dùng chung ... được ko?
@Frank Vu Có làm nhưng không làm free 😆)
welcomyou
TÍCH CỰC
4 năm
@Duy Luân , @anhtuannd Ý là cho mình xin keyword, một số mô hình common available sẵn cho SMB hoặc hướng thôi, còn lại mình nghiên cứu. Thực ra architecture khối cơ quan hành chính thì nguyên tắc build là top down. Mình đang ở bottom nên trình xin kinh phí tư vấn thì đâu hợp lý, nên phải đợi architecture từ top apply xuống. Mà vấn đề là ... quá lâu :v. Anw, cảm ơn các bro, Happy New Year 😁
@welcomyou Mấy cái này không chung chung được đâu bạn :D nó cụ thể theo từng loại phần mềm nữa. Ví dụ nếu phần mềm kế toán mà bạn muốn tích hợp là của một ông lớn nào đó thì sẽ khác so với việc bạn xài một ông SaaS nào đấy của Việt Nam.

Nếu cố gắng nghĩ thì mình ra được mấy keyword như Data Integration, System Integration, Real time data sync, CDC
welcomyou
TÍCH CỰC
4 năm
@Duy Luân Thank Duy Luân :D
anieo
ĐẠI BÀNG
4 năm
Học tiếng rất quan trọng
@anieo Đúng, nhưng cách học và quan điểm học mới quan trọng hơn bác ạ.
Npnex2212
TÍCH CỰC
4 năm
@anieo chỉ đơn giản là thuận lợi hơn chứ ko mang yếu tố quyết định, nói tiếng nó giỏi thì nước nó đầy, bác tinh nghề thì buôn ve chai cũng thành tập đoàn tái chế

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019